Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát huy vai trò làm chủ về văn hóa của các dân tộc thiểu số

16/06/2021 | 14:54

Bảo tồn, phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song vẫn cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để có thể đạt mức phát triển toàn diện.

Phát triển toàn diện văn hóa dân tộc thiểu số

Với sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt nhiều kết quả. Đời sống văn hóa cơ sở đã được cải thiện rõ rệt. Các thiết chế văn hóa được tăng cường đầu tư. Một số di sản văn hóa được tôn vinh. Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức tầm quốc gia, liên vùng, đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện đã có 3 bảo tàng Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện sưu tầm, kiểm kê, trưng bày di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Giai đoạn 2016 – 2018, có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử - văn hóa – danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số được xếp hạng di tích quốc gia.

Tới nay, 407 dự án sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Việt Nam, 145 di sản văn hóa văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau 2 đợt xét tặng (năm 2015 và 2019), đã có 559 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số được Chủ tịch nước phong tặng/truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước.

Công tác bảo tồn, phát triển một số môn thể thao dân tộc như: Võ cổ truyền, Vivinam, đấu gậy, vật dân tộc… cơ bản đạt mục tiêu. Một số vận động viên là người dân tộc thiểu số được tuyển chọn thi đấu tại các giải thể thao quốc gia, khu vực và thế giới.

Một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được hạn chế, loại bỏ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, đa dạng, phong phú, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số..

Việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số được thực hiện thông qua nhiều hình thức như tổ chức ngày hội, giao lưu văn hóa cấp vùng, miền, khu vực, từng dân tộc, và các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể…

Các đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương tổ chức sản xuất nhiều phim tài liệu, chuyên đề về phong tục, tập quán, lễ hội, bản sắc đặc trưng của các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước, góp phần tuyên truyền, phổ biến bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số.

Phát huy vai trò làm chủ về văn hóa của các dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Ảnh: Bình Minh

Cần phát huy vai trò làm chủ

Tuy nhiên, bảo tồn, phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số là nhiệm vụ không hề đơn giản, dễ dàng. Còn rất nhiều việc phải làm để có thể đảm bảo phát triển toàn diện văn hóa dân tộc thiểu số. Điển hình như số người không biết nói tiếng dân tộc của mình ngày càng tăng; dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số chỉ được phục dựng khi có lễ hội, ít được diễn ra trong đời sống hàng ngày; bản sắc văn hóa một số dân tộc đang dần mai một…

Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030 là xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Để hiện thực hóa nội dung này, Ủy ban Dân tộc xác định thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển toàn diện văn hóa dân tộc thiểu số, giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa thông qua bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào. Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, xây dựng và nhân rộng sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương. Hỗ trợ xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ, phát huy vai trò làm chủ về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với các chương trình, hoạt động lễ hội và biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống của đồng bào.

Cùng với đó, thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam; Huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số…

Theo infonet

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×