Phát huy “sức mạnh nội sinh” của văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước
06/11/2021 | 08:13Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng con người gắn với xây dựng văn hóa làm nền tảng tinh thần, trong đó con người là chủ thể sáng tạo văn hóa và thụ hưởng các giá trị, sản phẩm văn hóa; chú trọng xây dựng con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khỏe về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật.
Đại hội XII cũng đề cao nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đây là vấn đề cơ bản, trọng tâm, cốt lõi để phát triển văn hóa - nguồn lực nội sinh nhằm xây dựng và phát triển bền vững đất nước.
Tiếp nối tinh thần của Đại hội XII, Đại hội XIII xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Vì vậy, cần khơi dậy động lực tinh thần to lớn, vô song của dân tộc, con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc; khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, tài năng, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, sức mạnh của con người Việt Nam là trung tâm, là mục tiêu, là nguồn lực nội sinh, là động lực quan trọng nhất để đạt tới các mục tiêu của phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng được nguồn lực văn hóa, nguồn lực nội sinh của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS cần phải nhận diện, đánh giá tổng quát về sức mạnh, tiềm năng của nguồn lực ấy, trên cơ sở đó mới có thể đề ra những chiến lược, những giải pháp nhằm phát huy những giá trị đó sao cho hiệu quả.
1. Nhận diện “sức mạnh nội sinh” của văn hóa các dân tộc thiểu số
Văn hóa là một khái niệm rất rộng. Có nhà nghiên cứu đã thống kê rằng, có tới hơn 500 khái niệm khác nhau về văn hóa và không có khái niệm nào có thể bao chứa được hết nội hàm ý nghĩa của văn hóa. Mặc dù vậy, trong vô vàn khái niệm về văn hóa vẫn có điểm chung thống nhất: văn hóa được hiểu là tất cả những gì con người có và con người sáng tạo ra nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần và vật chất của mình, đồng thời thích ứng với thiên nhiên và xã hội. Văn hóa thuộc về con người, nói đến văn hóa là nói đến con người. Nói đến sức mạnh nội sinh của các DTTS là nói đến sức mạnh của một cộng đồng. Đó không phải là phép cộng giản đơn giữa những cá nhân hay những cộng đồng riêng lẻ mà là sức mạnh tổng hòa, xuyên thấu của các nền văn hóa, các cộng đồng nhỏ hợp thành một cộng đồng lớn mà bản thân nó lại nằm trong một cộng đồng lớn hơn – cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Tựu chung lại, để nhận diện sức mạnh nội sinh của văn hóa DTTS phải dựa trên sức mạnh nội sinh của con người trong hai mối quan hệ chủ yếu:
Con người trong mối quan hệ với xã hội mà tâm điểm là trong các mối quan hệ cộng đồng, từ cộng đồng nhỏ là một thôn/bản/buôn/sóc… cho đến cộng đồng lớn là một thành phần dân tộc, một quốc gia. Sở dĩ chúng tôi nhấn mạnh mối quan hệ với cộng đồng bởi đây là yếu tố vô cùng đặc sắc, lý giải tường minh cho hầu hết mọi phẩm chất, cá tính của đồng bào các DTTS nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.
Khoảng năm bảy chục năm về trước, đồng bào các dân tộc thiểu số thường sinh sống trong các địa giới riêng biệt, ít có sự pha trộn giữa các thành phần dân tộc với nhau. Khi đó, trong suy nghĩ của đồng bào, ý niệm về các cộng đồng tộc người (ethnic) hay cộng đồng quốc gia – dân tộc (nation) có thể còn chưa hình thành. Mối liên hệ gắn kết chủ yếu giữa con người với con người, giữa cá nhân với tập thể chủ yếu là qua cộng đồng thôn/bản/buôn/sóc. Đó cũng là nơi tạo dựng thiết chế văn hóa điển hình với những già làng, trưởng bản, các chức sắc, chức việc trông coi, sắp đặt, ra những quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của cả cộng đồng. Thay cho luật (của Nhà nước) là những tục (luật tục), lệ (lệ làng) mà cả cộng đồng phải tuân thủ. Con người sống dựa vào cộng đồng, tình nguyện tuân theo các luật tục, quy ước… do cộng đồng quy định. Trong bối cảnh phải đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt và hung dữ, lại thường xuyên phải đối mặt với các thế lực bên ngoài (tranh chấp đất đai, tranh chấp thú săn…), việc sống và tuân thủ theo hình thức cộng đồng là cách thức tối ưu để con người tồn tại và phát triển.
"Khi có việc như sản xuất, làm nhà mới... nếu hộ nào cần nhiều nhân công, ngoài nhờ dòng họ, còn nhờ cả dân bản. Họ cũng có thể vay mượn tiền hoặc thóc gạo của người trong bản, song phải có chút quà, như chai rượu, bao thuốc lá... Ngoài ra dân bản còn hỗ trợ nhau lúc ốm đau, trong đám tang hay giúp người có hoàn cảnh cô đơn. Trong những trường hợp này, các hộ gia đình trong bản thường quyên góp gạo hoặc tiền, mặc dù rất ít ỏi nhưng cũng là sự động viên lớn đối với gia chủ. Nếu giúp công, gia chủ không phải trả lại công mà chỉ cần đãi người giúp bữa cơm, hoặc nếu khó khăn thì cũng không cần thiết phải trả lại công".
Việc tổ chức xã hội theo hình thức cộng đồng không chỉ giúp cư dân DTTS đối phó với các thế lực tự nhiên hay xã hội mà còn là một cách thức quản lý rất hiệu quả.Chính cuộc sống cộng đồng đã làm nảy sinh ý thức cộng đồng, trong đó con người sẵn sàng sẻ chia, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Có thể nói là mặc dù mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa khác nhau nhưng các dân tộc trên đất nước Việt Nam, trong những điều kiện sống khá tương đồng, đều có chung ý thức cộng đồng – cơ sở hình thành khối đại đoàn kết dân tộc.
Nếu như trong các mối quan hệ xã hội, đồng bào DTTS đã thể hiện giá trị cơ bản nhất là tính cộng đồng thì trong mối quan hệ với thiên nhiên, một giá trị khác lại được thể hiện nổi bật: tính bền vững. Với các cộng đồng DTTS, rừng không chỉ là không gian sinh tồn mà còn là không gian văn hóa. Bởi vậy, rừng được thiêng hóa (rừng thiêng, rừng ma), được bảo vệ chặt chẽ thông qua luật tục. Rừng được quản lý thông qua luật tục cộng đồng và hệ thống niềm tin được thiêng hóa, có ý nghĩa lớn lao trong việc bảo vệ môi trường sống, cũng tức là bảo vệ rừng, bảo vệ không gian văn hóa truyền thống.
Sức mạnh văn hóa của đồng bào các DTTS là một phạm trù rất rộng, được biểu hiện phong phú trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Trong khuôn khổ hạn hẹp của một bài báo, người viết chỉ điểm qua một vài biểu hiện cụ thể dựa trên hai mối quan hệ cơ bản, có thể gợi ý, định hướng cho các chiến lược, chính sách phát triển bền vững vùng DTTS theo quan điểm, định hướng của Đảng.
2. Cần phải làm gì để phát huy "sức mạnh nội sinh" của văn hóa dân tộc thiểu số?
Sức mạnh nội sinh của văn hóa dân tộc thiểu số nói chung và văn hóa các dân tộc nói riêng không nằm ở các cá nhân mà nằm ở nhân tố trung tâm của văn hóa dân tộc: cộng đồng. Bởi vậy, muốn phát huy được nguồn sức mạnh vô tận này, cần coi cộng đồng là nhân tố trung tâm của các chiến lược, chính sách phát triển. Tiếng nói của cộng đồng phải được tôn trọng, thậm chí quyết định trong việc lựa chọn nội dung, cách thức điều hành, tổ chức giám sát…, ít nhất là trong phạm vi của cộng đồng. Ví dụ: trong các chính sách phát triển kinh tế, cộng đồng quyết định lựa chọn loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội tại địa phương, trong các chính sách về quản lý di sản văn hóa, cộng đồng quyết định di sản nào cần được bảo tồn và cách thức bảo tồn như thế nào…
Do sự biến đổi của xã hội, đặc biệt là sự tác động của quá trình di dịch cư, có thể thấy các cộng đồng ngày nay đã không còn "thuần khiết" (chỉ bao gồm một thành phần dân tộc) như trước đây, thay vào đó là các cộng đồng mới với đa dạng các thành phần dân tộc. Vai trò của các nhân tố trong các thiết chế cộng đồng truyền thống cũng thay đổi cơ bản, trong đó vai trò của các già làng, trưởng bản… không còn được coi trọng như trước. Trong tình hình đó, hẳn nhiên không thể đặt vấn đề khôi phục các thiết chế truyền thống nguyên bản mà phải xác lập các cộng đồng văn hóa mới, trong đó có thể bao gồm nhiều thành phần dân tộc. Thay thế cho vai trò của các già làng, trưởng bản (phổ biến trong các cộng đồng DTTS ở Tây Bắc, Tây Nguyên trước đây) là lớp người có uy tín (già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người về hưu… có tiếng nói quan trọng trong cộng đồng).
Trên cơ sở đó, người viết đề xuất một số giải pháp cấp thiết như sau:
- Giải pháp về nhận thức:
+ Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) về văn hóa, về "sức mạnh nội sinh" của văn hóa các dân tộc. Mỗi CBCCVC cần phải hiểu rõ giá trị, tiềm năng của văn hóa các dân tộc, sức mạnh của cộng đồng. Cần loại trừ tận gốc các tư tưởng kỳ thị, định kiến về đồng bào các dân tộc, cần có niềm tin rằng đồng bào có thể "nói được, làm được".
+ Người dân là chủ thể văn hóa, chủ thể các hoạt động kinh tế, điều đó có nghĩa người dân là chủ thể phát triển. Trong các chiến lược, chính sách phát triển, người dân không chỉ là “đối tượng thụ hưởng”. Với vai trò chủ thể phát triển, người dân có quyền lựa chọn, đề xuất, quản lý, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách và thụ hưởng chính sách một cách chính đáng, minh bạch nhất theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII (Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng). Chỉ người dân mới thực sự biết mình cần gì và điều đó cần được đáp ứng như thế nào.
+ Nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, ý thức trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chỉ khi nào người dân nhận thức đầy đủ về vai trò, ý thức trách nhiệm và cả năng lực của mình đối với sự nghiệp phát triển thì “nguồn lực văn hóa - nguồn lực nội sinh” ấy mới có thể bộc lộ hết sức mạnh vốn có của nó. Cần phải khơi gợi niềm tự hào về truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, xóa tan đi những tư tưởng tự ty, yếm thế, loại bỏ các tư tưởng tự kỳ thị, tự định kiến (tự thấy mình kém cỏi, thua thiệt), tạo mọi điều kiện để nguồn lực văn hóa phát huy sức mạnh vốn có của mình. Đó chính là khơi gợi, phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa làm cơ sở, nền tảng, động lực, nguồn lực cho sự phát triển.
- Giải pháp về chính sách
+ Cần phải thay đổi tư duy, cách thức xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách. Có hai kiểu tư duy cần thay đổi:
Thứ nhất, chính sách phải vận động theo hướng “từ dưới lên” thay vì “từ trên xuống” như hiện tại. Không để người dân “đứng bên lề” chính sách, coi trọng vai trò của các địa phương trong các chiến lược phát triển, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ hai, chính sách phải “mở”, phải linh hoạt để có thể tận dụng thế mạnh của từng vùng miền, từng địa phương, từng cộng đồng. Không nên xây dựng chính sách theo kiểu “một mô hình cho tất cả” (vì mô hình có thể phù hợp với địa phương này nhưng lại không phù hợp với địa phương khác). Chính phủ và các bộ, ngành trung ương chỉ nên xây dựng, ban hành chiến lược phát triển và khung chính sách chung. Việc cụ thể hóa nội dung chính sách sẽ do các địa phương, các cộng đồng thực hiện.
Người làm công tác dân tộc, bên cạnh đạo đức phẩm chất, tài năng và tinh thần khát khao cống hiến còn phải hiểu sâu sắc về văn hóa đồng bào, sẵn sàng cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, thách thức của đồng bào. Trên hết, phải hiểu rõ giá trị và sức mạnh của văn hóa, khơi gợi và phát huy “sức mạnh nội sinh” vô tận đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.