Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát huy các di sản văn hóa và thiết chế văn hóa ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới

20/02/2021 | 07:27

Sự nghiệp xây dựng nông thôn mới (2011-2020) ở Thái Bình đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, lĩnh vực văn hóa giữ một vai trò quan trọng, để xây dựng các giá trị văn hóa mới thì việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, thiết chế văn hóa vốn có ở nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng, cũng là một thách thức lớn hiện nay

Thái Bình: Phát huy các di sản văn hóa và thiết chế văn hóa ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chùa Keo

Thái Bình -  Mảnh đất “địa linh nhân kiệt” chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam trong không gian văn hóa khu vực Đồng bằng sông Hồng. Những năm qua, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, sự nghiệp phát triển văn hóa ở Thái Bình đã đạt nhiều thành tựu rõ nét. Nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên; đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của quê hương được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành; nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực; phát huy được truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng... xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa; nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; nhiều phong tục, tập quán của miền quê lúa được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện. Trong thành tựu chung ấy, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thiết chế văn hóa cơ sở luôn giữ vai trò quan trọng góp phần tạo nền móng trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hiện nay. Trong giai đoạn tiếp theo việc phát huy di sản văn hóa, thiết chế văn hóa vẫn cần có những hướng đi đổi mới, linh hoạt trong tương lai, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở Thái Bình bền vững. Chính vì vậy, việc phát huy các giá trị di sản văn hóa, thiết chế văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu là một vấn đề cấp bách được đặt ra.

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa

Thái Bình: Phát huy các di sản văn hóa và thiết chế văn hóa ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Múa Bát dật tại lễ hội truyền thống đền Lộng Khê (xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình)

Trong nhiều năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình đã luôn chú trọng triển khai một cách sâu rộng, đồng bộ mục tiêu bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó di sản văn hóa luôn được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh rất nhiều các di sản văn hóa được xếp hạng là các đề tài nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực văn hóa của địa phương.

Hiện nay, Thái Bình có 2.969 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 115 di tích quốc gia, 565 di tích cấp tỉnh được phân theo các loại hình sau: 152 di tích thuộc kiến trúc nghệ thuật, 511 di tích lịch sử, 2 di tích khảo cổ học. Các di tích được phân bố rải rác ở khắp các địa phương, số lượng di tích hiện đang bị xuống cấp chiếm một tỷ lệ không nhỏ, lại đứng trước những thách thức của quá trình đô thị hoá và sự chuyển biến mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường.

Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình luôn quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích gắn với xây dựng nông thôn mới. Hội nghị tập huấn nghiệp vụ quản lý di sản văn hóa cho cán bộ quản lý được tổ chức thường niên, cùng với đó là sự tăng cường, phát huy vai trò của hệ thống thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức về Luật Di sản Văn hóa cho người dân. Công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trong những năm qua tạo được sự đồng thuận và huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia. Hàng trăm di tích được bảo vệ, tu bổ, tôn tạo; nhiều di vật, cổ vật đã được thu thập, đăng ký, bảo quản; nhiều di sản văn hóa phi vật thể là các lễ hội đặc sắc, nghệ thuật truyền thống, văn hóa dân gian được sưu tầm, tư liệu hóa. Việc phân cấp quản lý toàn diện di tích cho địa phương đã từng bước nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý di tích, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội hoá công tác quản lý và bảo vệ di tích. Bên cạnh việc phát huy tính tự giác của nhân dân còn phát huy được sự tự nguyện, thành tâm của các tầng lớp nhân dân đóng góp tiền của vào việc tu bổ, tôn tạo di tích

Cho đến nay, kho tàng di sản văn hoá của Thái Bình còn vô cùng phong phú với 493 lễ hội, trong đó có 11 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội đền Trần, Lễ hội đền Tiên La (Hưng Hà), Lễ hội chùa Keo (Vũ Thư), Lễ hội đền A Sào, Lễ hội đền Đồng Bằng, Lễ hội đền Lộng Khê (Quỳnh Phụ), lễ hội làng Quang Lang, xã Thụy Hải (Thái Thụy), Lễ hội làng Giắng, múa rối nước xã Đông Các và xã Nguyên Xã (Đông Hưng), Ca trù tỉnh Thái Bình và tục chơi diều sáo trong lễ hội Sáo Đền (xã Song An, huyện Vũ Thư) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thái Bình hiện có 16 nghệ nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, 02 nghệ nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.  

Các hoạt động cụ thể, thiết thực được quan tâm tổ chức để giữ gìn di sản văn hóa. Nhà hát Chèo Thái Bình đã dàn dựng nhiều chương trình, vở diễn đặc sắc trên cơ sở kế thừa những tinh hoa nghệ thuật Chèo truyền thống, nhằm khôi phục, bảo lưu các vở diễn, trích đoạn chèo cổ. Ngoài ra tỉnh còn có nhiều chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sỹ nắm giữ và có công truyền dạy, phổ biến văn hóa phi vật thể, mở lớp đào tạo nghệ nhân kế cận và truyền dạy hát Ca trù, hát Chèo...

Tiêu chí văn hóa được chú trọng quan tâm trong xây dựng nông thôn mới

Thái Bình: Phát huy các di sản văn hóa và thiết chế văn hóa ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Chương trình văn nghệ chào mừng lễ ra mắt "Nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu" tại thôn Bích Du, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hoá và tiêu chí số 16 về Văn hoá được coi là những tiêu chí khó thực hiện. Nhưng với sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những quyết tâm, nỗ lực cao của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở cơ bản được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang.

Để thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hình thức trực quan, tuyên truyền lưu động, biểu diễn văn nghệ, tổ chức chương trình ca múa nhạc, phim, ảnh về nội dung này, Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và trực tiếp cử cán bộ xuống cơ sở giúp cán bộ địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai những nội dung liên quan đến 2 tiêu chí của ngành. Hàng năm, Sở thành lập tổ công tác đi khảo sát, kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn cho các địa phương, các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới do ngành quản lý. Đến nay, toàn tỉnh có 237/237 xã hoàn thành tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hóa có đủ các hạng mục: Nhà văn hóa, nhà luyện tập thể dục thể thao, sân vận động, sân khấu ngoài trời, nhà vệ sinh, hệ thống các phòng chức năng, cây xanh, đường đi, đảm bảo tổ chức các hoạt động phục vụ nhân dân; có 1.520/1.520 (tỷ lệ 100%) thôn có nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi, luyện tập thể dục thể thao đạt tiêu chuẩn theo quy định, đảm bảo đủ điều kiện phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của thôn (trong đó, 1.337 thôn có nhà văn hóa, 183 thôn sử dụng đình làng hoặc nhà văn hóa xã; 1.383 thôn có sân thể thao, 137 thôn sử dụng chung sân thể thao xã hoặc của thôn khác).

Thái Bình: Phát huy các di sản văn hóa và thiết chế văn hóa ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Nhà văn hóa thôn Hoài Hữu, xã Thái Sơn, huyện Thái Thụy

Việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở Thái Bình luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo. Một số địa phương đưa việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở vào trong các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Việc tổ chức, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp phát huy hiệu quả sử dụng, phục vụ tốt các buổi sinh hoạt chi bộ đảng, các đoàn thể, câu lạc bộ và sinh hoạt cộng đồng. Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả sử dụng, nhiều địa phương quan tâm thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành xây dựng thí điểm mô hình “Nhà Văn hóa khu dân cư kiểu mẫu” tại thôn Bích Du, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy với mục đích nghiên cứu hiệu quả mô hình mang lại, rút kinh nghiệm và tiến hành nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Việc xây dựng mô hình đã, đang và sẽ góp phần quan trọng nhằm phát huy hiệu quả khai thác, sử dụng, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở, tạo điều kiện để người dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Cùng với sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong thôn Bích Du, mô hình này cũng nhận được sự đồng thuận, tâm huyết của lãnh đạo huyện Thái Thụy thông qua việc ban hành Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố kiểu mẫu. Trong đó, huyện đã đề ra mục tiêu, lộ trình, phương hướng, giải pháp thực hiện ngay trong năm 2021, với mục tiêu cụ thể là tại mỗi xã, thị trấn sẽ có một nhà văn hóa thôn, tổ dân phố kiểu mẫu như thôn Bích Du. Từ năm 2022, mỗi năm hoàn thành từ 10 - 15% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố kiểu mẫu.

Tuy nhiên, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thái Bình, nhất là khi thực tiễn cho thấy: nhiều địa phương chưa quan tâm triển khai, thực hiện 02 tiêu chí trong lĩnh vực văn hóa; lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật quyết liệt. Việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng và còn dàn trải, chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới về văn hóa để đầu tư đúng hướng và có hiệu quả đã và đang có những tác động tiêu cực tới công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tổ chức quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa thì vấn đề đặt ra là cần có phương thức, giải pháp phù hợp để cân bằng, giải quyết mối quan hệ bảo tồn – phát triển. Để làm được điều đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình và các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất: Đẩy mạnh triển khai dự án tổng kiểm kê và đánh giá hệ giá trị của di sản văn hóa để tiến hành phân vùng, phân loại và phân cấp làm cơ sở khoa học và pháp lý trong bảo tồn di sản văn hóa ở Thái Bình. Trên cơ sở đó xây dựng danh mục những di sản văn hóa cần bảo tồn và đầu tư trùng tu chống xuống cấp của tỉnh.

Thứ hai: Kêu gọi nguồn lực xã hội hóa bảo đảm sự thành công của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tạo nền tảng trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội, các chủ thể văn hóa, các doanh nghiệp vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên nguyên tắc Nhà nước quản lý.

Thứ ba: Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp; làm tốt công tác tuyên truyền vận động, huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị là yếu tốt tiên quyết trong việc xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.

Thứ tư: Tăng cường hướng dẫn công tác quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn để ngày càng hoạt động hiệu quả, chất lượng. Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể  thao ở cơ sở nhằm tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp với nhu cầu của người dân.

Thứ năm: Cấp ủy, Chính quyền địa phương xác định tiếp tục quan tâm, quyết liệt chỉ đạo xây dựng và phát huy các thiết chế văn hóa cơ sở trong tình hình mới, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là chỉ đạo quy hoạch, bố trí xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở sau khi sáp nhập xã đảm bảo khoa học, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương; tiếp tục ưu tiên các nguồn lực, nghiên cứu điều chỉnh, ban hành một số cơ chế mới để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất văn hóa cơ sở gắn với tập trung xây dựng tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Tập trung chỉ đạo phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất gắn với phát huy vai trò chủ động, tích cực, tự giác của các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở; nhân rộng mô hình “Nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu” tạo động lực để phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Thái Bình ngày càng giàu mạnh, văn minh. 

Với những tiềm năng, lợi thế về những di sản văn hóa, thiết chế văn hóa, trên cơ sở đánh giá những tồn tại, hạn chế đang diễn ra, với những giải pháp đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tin chắc rằng việc phát huy các giá trị di sản văn hóa, thiết chế văn hóa cơ sở sẽ là đòn bẩy trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và ngược lại, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu sẽ góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình./.

Theo Sở VHTTDL Thái Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×