Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Những nội dung cơ bản của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015

09/05/2016 | 10:09

Câu hỏi: Nội dung cơ bản của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 là gì? Trả lời:

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân gồm 10 chương với 98 điều đã được Quốc Hội thông qua ngày 25.6.2015. Những nội dung cơ bản của Luật như sau:

Chương I: Những quy định chung:  Gồm 6 điều (từ Điều 1 đến Điều 6) quy định về các nguyên tắc bầu cử; tuổi ứng cử và tuổi bầu cử; tiêu chuẩn của người ứng cử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử, ngày bầu cử và kinh phí tổ chức bầu cử.

Về tuổi ứng cử và tuổi bầu cử: Chương này tiếp thu tinh thần của Hiến pháp 2013 để thể hiện trong Điều 2 về tuổi ứng cử và tuổi bầu cử. Theo đó: “công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân” (Điều 2).

Về tiêu chuẩn đại biểu: Tiêu chuẩn đại biểu có thay đổi căn bản là sẽ dẫn chiếu Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể:

1. Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật tổ chức Quốc hội (Điều 22 Luật tổ chức Quốc hội)

2. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương (Điều 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương)

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử:

Trách nhiệm của Quốc hội; Hội đồng bầu cử quốc gia; Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chính phủ ; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (Điều 4)

Ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật, do Quốc hội quyết định và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử (Điều 5). Kinh phí tổ chức bầu cử do ngân sách nhà nước bảo đảm (Điều 6).

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã quyết định chọn ngày bầu cử Quốc hội khóa 14 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021là ngày Chủ nhật 22/5/2016.

Chương II: Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu

Chương này gồm 5 điều (từ Điều 7 đến Điều 11) quy định về dự kiến và phân bổ số lượng, cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu. Cấu trúc của chương cơ bản kế thừa chương II của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và chương II của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Về cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng đại biểu

- Đối với đại biểu Quốc hội: mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất ba đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương; số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương.

- Trong đó, phải bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số; có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, phải bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.

Về đơn vị bầu cử: khoản 4 Điều 10 quy định mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được bầu không quá ba đại biểu. Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu không quá năm đại biểu.

Chương III: Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương

Chương này gồm 17 điều chia làm 2 mục:

- Mục 1: Hội đồng bầu cử quốc gia (từ Điều 12 đến Điều 20)

- Mục 2: Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương (từ Điều 21 đến Điều 28)

Về hội đồng bầu cử quốc gia

Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập, có từ 15 đến 21 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Về các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương

- Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban bầu cử (Điều 23)

- Nhiệm vụ của Ban bầu cử (Điều 24)

- Nhiệm vụ của các Tổ bầu cử (Điều 25)

- Nguyên tắc hoạt động của của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương  (Điều 26) Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử ( Điều 27)

Chương IV: Danh sách cử tri

Chương này gồm 6 điều (từ Điều 29 đến Điều 34) quy định về nguyên tắc lập danh sách cử tri; những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri; thẩm quyền lập danh sách cử tri; việc niêm yết danh sách cử tri; khiếu nại về danh sách cử tri và việc bỏ phiếu nơi khác.

Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương dưới 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân; công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú); hoặc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú);

Luật mở rộng đối tượng Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc ( Điều 29).

Chương V: Ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân

Chương này gồm 27 điều (từ Điều 35 đến Điều 61) chia làm 4 mục:

- Mục 1 về ứng cử quy định về hồ sơ, thời gian và quy trình nộp hồ sơ ứng cử; Quy định những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân);

- Mục 2 về hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng giới thiệu người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội quy định về Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất, thứ hai; Giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương, ở địa phương ứng cử đại biểu Quốc hội; Hội nghị cử tri; Xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội);

- Mục 3 về hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; và mục về danh sách những người ứng cử quy định Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba; Thường trực Hội đồng nhân dân điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Hội nghị cử tri; Xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

- Mục 4 về Danh sách những người ứng cử quy định về danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội; danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; việc niêm yết danh sách người ứng cử; việc xóa tên người ứng cử; việc khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử.

Về hồ sơ bầu cử

So với Luật bầu cử trước đây, hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân có bổ sung thêm Bản kê khai tài sản giúp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của các ứng cử viên trước khi tham gia ứng cử nhằm minh bạch về tài sản, thu nhập của ứng cử viên đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng và có cơ sở để giải thích với cử tri khi cử tri có yêu cầu. Đồng thời, những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân có sửa đổi, bổ sung theo Luật xử lý vi phạm hành chính bao gồm cả người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 37).

Về quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội


Quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội cơ bản ổn định, kế thừa Mục 2 chương V Luật bầu cử đại biểu Quốc hội trước đây. Theo đó:

Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức qua ba Hội nghị hiệp thương, ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức. Thời gian, nội dung tổ chức như sau:

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất được tổ chức chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử; nội dung hiệp thương thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội ( Điều 38). Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội được cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri của đơn vị, trên cơ sở Hội nghị cử tri nơi công tác tổ chức hội nghị của ban lãnh đạo cơ quan nhận xét về người được giới thiệu biên bản nhận xét về người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của 2 hội nghị trên được gửi đến Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước khi hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức (Điều 41).

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử; Nội dung lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó công tác (nếu có). Việc tổ chức lấy ý tổ chức hội nghị cử tri quy định tại Điều 45.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba được tổ chức chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử; nội dung căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội.

Về quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân

Quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cơ bản ổn định, kế thừa Mục 2 chương V Luật bầu cử Hội đồng nhân dân trước đây. Theo đó, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở mỗi cấp do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử; nội dung ở cấp tỉnh, cấp huyện thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị hành chính cấp dưới trên địa bàn; ở cấp xã cấp xã thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, thôn, tổ dân phố trên địa bàn.

Việc giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được các cơ quan, đơn vị, chọn lựa các ứng cử viên và tổ chức lấy ý kiến nhận xét của hội nghị cử tri nơi người đó công tác. Trên cơ sở ý kiến của hội nghị cử tri, ban lãnh đạo tổ chức hội nghị Ban thường vụ, ban chấp hành công đoàn... để thảo luận, giới thiệu người của tổ chức mình ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố dự kiến người của thôn, tổ dân phố để giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã và phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức hội nghị cử tri để thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã (điều 52).

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở mỗi cấp do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử; nội dung lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người tự ứng cử, người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) của người tự ứng cử, người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Luật này.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở mỗi cấp do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử; nội dung căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân(Điều 56).

Về danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

Nội dung mới được bổ sung là các nội dung về số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; việc xóa tên người ứng cử đại biểu Quốc hội và xóa tên người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó:

- Số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó ít nhất là hai người. Trong trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng thì Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định (khoản 6, Điều 57).

- Số người trong danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó; nếu đơn vị bầu cử được bầu ba đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là hai người; nếu đơn vị bầu cử được bầu từ bốn đại biểu trở lên thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là ba người. Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn đối với trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng (khoản 3, Điều 58).

- Người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Hội đồng bầu cử quốc gia công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Hội đồng bầu cử quốc gia xóa tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội (khoản1, Điều 60).

- Người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã được Ủy ban bầu cử công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Ủy ban bầu cử, sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, quyết định xóa tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (khoản 2, Điều 60).

- Về khiếu nại, tố cáo của công dân đối với người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử. Quy định rõ hơn về trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì Hội đồng bầu cử quốc gia (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết (khoản 2, Điều 61).

Chương VI. Tuyên truyền, Vận động bầu cử

Chương này gồm 7 điều (từ Điều 62 đến Điều 68) quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử trong phạm vi cả nước; nguyên tắc vận động bầu cử; thời gian tiến hành vận động bầu cử; những hành vi bị cấm khi vận động bầu cử; các hình thức vận động bầu cử; về các hội nghị tiếp xúc cử tri; về việc vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

Một số nội dung cụ thể:

a. Về trách nhiệm cơ quan, tổ chức trong chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử
b. Về nguyên tắc vận động bầu cử
c. Về thời gian tiến hành vận động bầu cử
d. Về quy định gửi báo cáo kết quả Hội nghị tiếp xúc cử tri
e. Về hình thức vận động bầu cử

Chương VII. Nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu

Chương này gồm 4 điều (từ Điều 69 đến Điều 72) quy định về nguyên tắc bỏ phiếu; thông báo về thời gian bầu cử, nơi bỏ phiếu; thời gian bỏ phiếu và việc bỏ phiếu sớm, hoãn ngày bỏ phiếu.

Theo đó, thời gian bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tuy nhiên, tuỳ tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9 giờ tối cùng ngày.

Chương VIII. Kết quả bầu cử

Chương này gồm 16 điều (từ Điều 73 đến Điều 88) chia thành 4 mục:

- Mục 1 về việc kiểm phiếu
- Mục 2 về kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử
- Mục 3 về việc bầu cử thêm, bầu cử lại
- Mục 4 về việc tổng kết cuộc bầu cử

Chương IX: Bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân

Chương này gồm 6 điều (từ Điều 89 đến Điều 94) quy định về việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tổ chức phụ trách bầu cử bổ sung; danh sách cử tri trong bầu cử bổ sung; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung; trình tự bầu cử và xác định kết quả trong bầu cử bổ sung và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bầu cử bổ sung.

Chương X: Xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử  và điều khoản thi hành

Chương này gồm 4 điều (từ Điều 95 đến Điều 98) quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử; về quy định chuyển tiếp; hiệu lực thi hành và việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.

(Nguồn Tài liệu tuyên truyền Những nội dung cơ bản của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 - Vụ Pháp chế )

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×