Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tiếp xúc cử tri tại huyện A Lưới
13/05/2016 | 08:09Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri, ngày 10.5, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cùng các ứng cử viên ĐBQH khóa XIV (thuộc đơn vị bầu cử số 1- tỉnh Thừa Thiên Huế) đã có buổi tiếp xúc cử tri tại các xã thuộc huyện miền núi A Lưới. Tại đây, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc địa phương cần chú trọng quan tâm vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã bày tỏ xúc động và vui mừng khi được trở về quê hương, về lại huyện A Lưới để tiếp xúc cử tri với đồng bào. “Tôi rất cảm ơn bà con bởi nhiệm kỳ ĐBQH khóa đầu tiên của tôi (khóa XII) chính là được bầu cử ở huyện A Lưới. Lần này, tôi lại vinh dự được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV, là nhiệm kỳ thứ 3, vừa áp lực và cũng đầy trách nhiệm. Nếu trúng cử, tôi sẽ làm tốt trách nhiệm của một ĐBQH; mà trước hết, với tư cách là Bộ trưởng Bộ VHTTDL, tôi sẽ thực hiện tốt công tác chuyên ngành mình phụ trách hiện nay”- Bộ trưởng phát biểu.
Sau khi trình bày chương trình hành động của mình, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã có những chia sẻ thân mật với chính quyền và người dân huyện miền núi A Lưới. Bộ trưởng nhấn mạnh rằng: Vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc ít người ở huyện A Lưới cần được chú trọng, chính quyền địa phương huyện và tỉnh nên quan tâm. Việc nỗ lực bảo tồn văn hóa cũng cần gắn với phát triển du lịch. Bộ sẽ có ý kiến với Tổng cục Du lịch để tìm ra những giải pháp tuyên truyền, quảng bá đưa khách đến với A Lưới nhiều hơn. Vấn đề bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống với nghề dệt zèng cũng được đẩy mạnh, vừa làm điểm đến cho du khách vừa là nguồn thu kinh tế cho đồng bào. Huyện A Lưới cũng cần phát triển phong trào TDTT quần chúng. “Thiết chế văn hóa tại huyện A Lưới thời gian vừa qua đã được chú trọng, hiện đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc vùng cao. Tuy nhiên, chúng ta cần chú trọng đến các giá trị văn hóa phi vật thể; thiết chế văn hóa thì có kinh phí là xây dựng được, còn văn hóa phi vật thể khi đã bị mai một rồi thì rất khó phục hồi, lưu giữ được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng trao đổi với các cử tri tại Hội trường huyện A Lưới
Cử tri trao đổi với những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND
Trao đổi với cử tri tại buổi tiếp xúc chiều 10.5
Trả lời cử tri, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định rằng: Trong khả năng cho phép và quyền hạn của mình, Bộ sẽ quan tâm đến các hoạt động về văn hóa- du lịch- thể thao của bà con. Đối với các dự án về du lịch cần có nhà đầu tư thì tỉnh, huyện phải chủ động xúc tiến. Riêng vấn đề xây dựng nhà văn hóa cộng đồng các dân tộc ít người ở xã Hồng Hạ, các đơn vị chức năng của Bộ sẽ phối hợp với UBND huyện làm thủ tục để xúc tiến khởi công càng sớm càng tốt.
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, nhiều người đã đặt vấn đề về việc UBND tỉnh chậm chi trả tiền đền bù trong dự án giải phóng mặt bằng của công trình thủy điện A Lưới, trong khi đó công trình này đã đi vào hoạt động đã gần 3 năm. Ông Phan Ngọc Thọ, ứng cử viên ĐBQH khóa XIV, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin rằng: Khi thực hiện dự án, tỉnh chủ trương đền bù 50% tiền mặt và 50% đất canh tác cho dân. Trong đó, phần kinh phí đền bù bằng tiền mặt đã được chủ đầu tư thủy điện A Lưới đền bù xong; riêng phần đền bù đất canh tác cho đất, nhiều năm qua đã gặp khó khăn vì không tìm đủ nguồn đất sản xuất tập trung cho hơn 900 hộ dân. Nếu quy diện tích đất này ra tiền thì tỉnh sẽ đền bù khoảng 21 tỉ đồng, thế nhưng chủ trương của tỉnh là muốn tính kế sinh nhai lâu dài cho người dân địa phương, phải có đất sản xuất mới ổn định cuộc sống, bởi thực tế nhiều gia đình nhận tiền đền bù xong thì tiêu xài và sau đó lại tái đói, tái nghèo.
Vào chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cùng các ứng cử viên ĐBQH khóa XIV cũng có buổi tiếp xúc cử tri của các xã vùng biên giới của huyện A Lưới gồm: xã Hồng Vân, Hồng Trung, Hồng Thủy. Tại đây, Bộ trưởng tiếp tục khẳng định những nội dung quan trọng trong chương trình hành động của mình. Về vấn đề đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết 33 của BCH Trung ương, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến việc ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp của đạo đức, lối sống trong xã hội và nâng cao việc giáo dục đạo đức, ý thức văn hóa; từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, khu vực; xây dựng bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số như chữ viết, tiếng nói, trang phục, các phong tục- lễ hội…
Theo Báo Văn hóa