Báo chí - Xuất bản

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc: Những không gian đọc sách trong thời đại số

02/04/2025 | 09:33

Trong kỷ nguyên số với việc phát triển mạnh mẽ của các thiết bị điện tử thông minh, có rất nhiều kênh và cách để tiếp cận tri thức nhưng văn hóa đọc vẫn giữ một vị trí nhất định, là một kênh quan trọng để "công dân số" ưu tiên lựa chọn. Thế nhưng làm thế nào để lan tỏa văn hóa đọc, để người dân có được những lựa chọn thông minh, tìm về với thế giới tri thức hữu ích trên mỗi trang sách, không chỉ là trăn trở của riêng các nhà xuất bản, phát hành mà là của toàn xã hội.

Từ không gian chia sẻ…

Đến Thư viện Quốc gia vào lúc xế chiều, qua các phòng đọc sách từ tầng 2 đến tầng 5, phóng viên không khỏi ngỡ ngàng vì hầu như phòng nào cũng vẫn còn rất đông bạn đọc.

Từ phòng đọc đa phương tiện, phòng đọc dành cho doanh nhân và người nghiên cứu, phòng sách khoa học xã hội, phòng sách khoa học tự nhiên,… phòng nào cũng không còn mấy chỗ trống. Cán bộ phụ trách các phòng đều cho biết, do không gian mỗi phòng khác nhau nên số lượng bạn đọc đến cũng khác nhau. Bình quân các phòng mỗi ngày đều đón từ vài chục đến hàng trăm bạn đọc, đủ các độ tuổi, ngành nghề, kể cả người nước ngoài nhưng có lẽ đông nhất vẫn là học sinh, sinh viên.

Trong bối cảnh hạn chế việc dạy thêm, học thêm hiện nay, để đáp ứng nhu cầu tự học tập, nghiên cứu, các em học sinh, sinh viên tìm tới thư viện lại càng đông. Đặc biệt hiện nay đang phát triển phong trào học nhóm, thảo luận nhóm - điều trước đây hầu như không có trong môi trường yên tĩnh, nghiêm túc là thư viện.

Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc: Những không gian đọc sách trong thời đại số  - Ảnh 1.

Phòng đọc đa phương tiện ở Thư viện Quốc gia.

Trao đổi với sinh viên Dương Thùy Hương Giang - Đại học Giao thông vận tải và nhóm bạn, các em cho biết, mặc dù ở trường cũng có thư viện nhưng các em vẫn tìm tới Thư viện Quốc gia để học vì ở đây không chỉ có nhiều tài liệu phong phú, đa dạng không phải thư viện nào cũng có mà còn có nhiều phòng đọc tiện nghi, như phòng đa phương tiện với hệ thống máy móc hiện đại, giúp truy cập các dạng tài liệu điện tử rất nhanh và tiện ích. Ngoài ra, các em tìm đến Thư viện Quốc gia để học nhóm bởi ở đây có hẳn một phòng "Không gian chia sẻ" rất phù hợp để trao đổi, thảo luận các đề tài. Với không gian mở, vừa học vừa thư giãn, các em không cảm thấy bị áp lực, gò bó như ở các nơi khác.

Trong số rất nhiều học sinh, sinh viên trong phòng "Không gian chia sẻ", bà Nguyễn Thị Bích (63 tuổi, Hà Nội) cũng cho biết, mặc dù không còn ở độ tuổi đi học, đi làm nhưng bà vẫn đến thư viện thường xuyên. Đối với bà, đến thư viện không chỉ đơn thuần là đến để thu nạp kiến thức mà còn được nghỉ ngơi, thư giãn, gặp gỡ bạn bè, cùng thảo luận về một vấn đề mình quan tâm.

Ngoài phòng "Không gian chia sẻ", bà Bích còn hay đến phòng sách khoa học xã hội. Ở đây bà không chọn sách nói, sách đọc online mà vẫn chọn cách đọc truyền thống, bởi khi đọc sách, bà muốn tâm trí được thảnh thơi nhất, lần giở từng trang sách, vừa đọc vừa nghiền ngẫm, chỗ nào không thích thì lướt qua, chỗ nào thích thì đọc đi đọc lại…

Mỗi năm Thư viện Quốc gia có hàng chục nghìn người đến đăng ký làm thẻ đọc sách và số lượng này không ngừng tăng lên mỗi năm, cho thấy văn hóa đọc vẫn có sức hút và vị trí nhất định trong xã hội hiện đại.

Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc: Những không gian đọc sách trong thời đại số  - Ảnh 2.

Phòng dành cho doanh nhân và các nhà nghiên cứu rất tiện nghi tại Thư viện Quốc gia.

Trong kỷ nguyên số, mỗi người đều có rất nhiều sự lựa chọn và cũng phải đối mặt với rất nhiều áp lực cuộc sống, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Hằng ngày ngoài học chính khóa, các em còn phải chạy đua với các lớp học thêm, học kỹ năng…, vì thế để có được những khoảng trống bình yên, thư thả khám phá cuộc sống qua những trang sách, mở ra những chân trời mới…, điều tưởng như giản dị nhưng lại vô cùng khó khăn.

…đến những tác phẩm ngắn gọn, nhẹ nhàng

Chia sẻ về vấn đề này, ThS. Kiều Thúy Nga - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc đọc sách, đặc biệt ở giới trẻ, đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Do áp lực của cuộc sống, của việc học tập…, tâm lý lười đọc sách, ngại đọc sách ngày càng gia tăng. Xu hướng đọc sách cũng có nhiều thay đổi đáng kể, cả về cách thức tiếp cận lẫn nội dung quan tâm.

Do quỹ thời gian hạn hẹp, bạn đọc ngày nay chuộng xu hướng đọc nhanh, đọc lướt, chọn lọc những tác phẩm có nội dung ngắn gọn, súc tích thay vì đọc những cuốn sách dày, chuyên sâu.

Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc: Những không gian đọc sách trong thời đại số  - Ảnh 3.

ThS Kiều Thúy Nga - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bạn đọc trẻ quan tâm nhiều hơn đến những cuốn sách về phát triển bản thân, kỹ năng sống, kinh doanh-khởi nghiệp và công nghệ. Các sách về tư duy tích cực, quản trị thời gian, xây dựng thói quen thành công… được tìm đọc nhiều hơn. Đồng thời, sách về tài chính cá nhân, đầu tư và quản lý kinh doanh cũng được tìm kiếm nhiều, phản ánh xu hướng người trẻ ngày càng quan tâm đến sự nghiệp và làm giàu.

Những tác phẩm về tâm lý, sức khỏe tinh thần, công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số cũng được quan tâm, tìm đọc.

Trong thời kỳ hiện đại, dù xu hướng thay đổi nhưng sách văn học vẫn có chỗ đứng nhất định. Những tiểu thuyết kinh điển, sách văn học nước ngoài, truyện trinh thám, tiểu thuyết ngôn tình vẫn có lượng độc giả trung thành. Các tác phẩm văn học ngắn gọn, dễ tiếp cận được "trình làng" ngày càng nhiều, giúp độc giả tiếp cận với văn hóa đọc một cách nhẹ nhàng hơn.

Nhìn chung, trong kỷ nguyên số, dù cách tiếp cận có thay đổi nhưng nhu cầu đọc sách vẫn còn rất lớn. Điều quan trọng là các nhà xuất bản, thư viện và những người tha thiết với văn hóa đọc cần có những hướng đi mới, sáng tạo để thu hút và giữ chân độc giả.

Và các góc thư viện rất "chill"

Ở Hà Nội, Trường chuyên Hà Nội-Amsterdam, ngôi trường thuộc tốp đầu trong cả nước về thành tích cũng như nhiều hoạt động giáo dục, cũng là một trong những trường có nhiều sáng tạo trong mô hình xây dựng "thư viện xanh", "thư viện thân thiện" ở Hà Nội.

Với phương châm đa dạng hóa không gian thư viện, tạo dựng môi trường đọc thân thiện, thoải mái cho học sinh, nhà trường đã rất sáng tạo trong việc xây dựng không gian đọc rộng mở, đa dạng, tiện nghi, giúp học sinh "học mà chơi, chơi mà học" với các góc như: "Thư viện xanh Study Green Corner", "Cafe sách Ams", "Thư viện mini" ở sảnh mỗi khu nhà.

Cô Nguyễn Ngọc Trâm, giáo viên dạy văn của nhà trường cho biết, hằng ngày số lượng học sinh đến đây rất đông, các em tìm đọc tài liệu cũng có mà thảo luận học nhóm cũng rất sôi nổi. Nhờ có những góc thư viện này mà các em yêu trường và chăm đến trường hơn.

Ngoài ra, để nâng cao tinh thần chủ động đọc sách, rèn luyện thói quen đọc sách mỗi ngày, tạo nên cộng đồng học sinh yêu thích đọc sách, đoàn thanh niên của trường còn phát động phong trào "Mỗi tháng một cuốn sách hay". Tham gia phong trào, học sinh có thể sáng tạo nhiều hình thức để chia sẻ về cuốn sách mình đọc: viết bài cảm thụ, viết thư cho nhân vật trong tác phẩm, thiết kế postcard giới thiệu sách tới bạn bè, xây dựng video review sách...

Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc: Những không gian đọc sách trong thời đại số  - Ảnh 4.

Không gian “Cafe sách Ams” rất “chill”, tạo cảm hứng rất lớn cho các em học sinh mỗi khi đến đọc sách.

Để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, nhất là từ các trường học, theo ThS Kiều Thúy Nga còn nhiều trường ở các địa phương cũng đã xây dựng và áp dụng thành công các mô hình thư viện sáng tạo để khuyến khích học sinh tiếp cận sách. Tiêu biểu như mô hình "Thư viện xanh" tại các trường: Trường tiểu học Lê Hồng Phong, Trường THCS Trần Phú (TP Phủ Lý, Hà Nam); Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Thanh Hóa); Trường tiểu học Chim Vàn, xã Chim Vàn (tỉnh Sơn La)...

Với cách phân loại sách theo mã màu, không gian được trang trí sinh động và các khu vực hoạt động như góc trò chơi ngôn ngữ, góc sáng tạo…, mô hình "Thư viện thân thiện" cũng được triển khai rộng rãi tại nhiều trường học, giúp học sinh tiếp cận sách một cách tự nhiên, đồng thời phát huy trí tưởng tượng vô hạn cho học sinh.

Hệ thống "Thư viện thân thiện" tại các trường tiểu học thuộc 10 tỉnh, thành phố gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình, Phú Yên, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Tháp, Tây Ninh và Cà Mau… là những điểm sáng tiêu biểu.

Chung tay lan tỏa văn hóa đọc

Bên cạnh trường học, ThS Kiều Thúy Nga cho rằng, gia đình chính là cái nôi đầu tiên hình thành và nuôi dưỡng những thói quen đọc sách cho mỗi con trẻ. Thế nhưng ngày nay, phần lớn các gia đình, nhất là gia đình trẻ dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội và ít chú trọng đến việc đọc sách. Thậm chí, vì không được rèn thói quen đọc sách ngay từ nhỏ, nhiều trẻ đã dần lãng quên sách hay tệ hơn là bị sợ sách.

Theo Nhân Dân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×