Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 24/11/2021

24/11/2021 | 20:51

Khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Vĩnh Phúc tổ chức Giải vô địch xe đạp toàn quốc năm 2021; Du lịch golf - Lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- TTXVN ngày 24/11 đưa tin:

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: Bồi đắp văn hóa ứng xử người Hà Nội

Dù được nhắc đến nhiều, thực hiện đã lâu nhưng văn hóa ứng xử đối với người dân Hà Nội chưa bao giờ là vấn đề cũ. Những người làm văn hóa Hà Nội vẫn luôn cho rằng, văn hóa ứng xử chính là nét đẹp và là di sản văn hóa đáng tự hào của Thủ đô. Hơn nữa, sau nhiều năm phai nhạt, để xây dựng lại nét đẹp văn hóa cần thời gian dài để thay đổi được nhận thức, thói quen của xã hội. Vì lẽ đó, thành phố vẫn đang bền bỉ để đưa các bộ Quy tắc ứng xử vào cuộc sống nhằm tạo nên một nét văn hóa riêng có cho Thủ đô.

UNESCO sẽ kỷ niệm năm sinh/năm mất của danh nhân Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris từ ngày 9 - 24/11/2021, các đại biểu thành viên của tổ chức này đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử mà UNESCO sẽ cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất trong niên khóa 2022 - 2023. Tại kỳ họp này, hồ sơ kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của Nữ sỹ Hồ Xuân Hương, cũng như hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã được thông qua cùng với 58 hồ sơ khác của các nước.

Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S'Tiêng là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ngày 23/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước tổ chức công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống "Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S'Tiêng Bình Phước". Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S'Tiêng Bình Phước thuộc loại hình tri thức dân gian, nghề truyền thống được hình thành lâu đời qua nhiều thế hệ, tích lũy qua thời gian. Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống thể hiện qua cách nhận diện và khai thác phù hợp các nguyên liệu từ tự nhiên như lá cây, vỏ cây rừng. Cách phối trộn độc đáo giữa các men lá với nguyên liệu như lúa, gạo, tạo ra sản phẩm rượu cần mang lại sự khác biệt về hương vị, độ đậm đà, chất lượng.

Hà Nội đổi mới hình thức bảo tồn, phát huy giá trị các di sản

Năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, ảnh hưởng đến mọi ngành, nghề; trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô. Song ngành Văn hóa Thủ đô với những nỗ lực mạnh mẽ đã duy trì, đảm bảo an toàn tại các đơn vị của ngành, các điểm di tích, di sản, đồng thời đổi mới tổ chức nhiều hình thức bảo tồn, phát huy giá trị các di sản. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam và buổi tọa đàm về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô trong lĩnh vực di sản văn hóa do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức ngày 23/11.

Trưng bày chuyên đề 'Cổ vật tiêu biểu tỉnh Hà Nam'

Sáng 23/11, tại Bảo tàng tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề "Cổ vật tiêu biểu tỉnh Hà Nam" lần thứ nhất năm 2021. Chuyên đề trưng bày 500 tài liệu, hình ảnh, hiện vật, cổ vật tiêu biểu của Bảo tàng tỉnh và của 6 nhà sưu tập tư nhân phản ánh quá trình hình thành, phát triển vùng đất Hà Nam từ trước đến nay, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa của toàn dân, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

-Báo Tin tức ngày 24/11 đưa tin:

Nhiếp ảnh góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam

Nhiếp ảnh phải phản ánh trung thực cuộc sống của nhân dân trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; phải mang hơi thở của đời sống xã hội, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng và những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh. Mỗi bức ảnh phải là một thông điệp có giá trị "chân - thiện - mỹ" gửi đến người xem để góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. Đó là khẳng định của Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông về định hướng phát triển của nhiếp ảnh thời kỳ mới.

Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11: Thái Nguyên bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản văn hóa

Với kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản góp phần lan tỏa các giá trị truyền thống của dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Tỉnh Thái Nguyên hiện có 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, lập danh mục theo quy định pháp luật về di sản văn hóa. Trong đó, 17 di sản tiêu biểu, đặc sắc đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, trong đó có tỉnh Thái Nguyên chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2019.

Không ngừng 'nuôi dưỡng', phát triển văn hóa đọc trong tình hình COVID-19

Dù chịu tác động không nhỏ của dịch COVID-19, nhưng với các hoạt động thu hút bạn đọc thông qua nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế, Thư viện tỉnh Kiên Giang đã luôn có vai trò quan trọng trong việc không ngừng "nuôi dưỡng", phát triển văn hóa đọc trong nhân dân. Trong thời gian giãn cách xã hội, ngoài tạo điều kiện cho bạn đọc mượn sách báo về nhà, Thư viện tỉnh còn tích cực tuyên truyền văn hóa đọc qua các phương tiện truyền thông như: Báo, đài, trang website, mạng xã hội.

Ninh Thuận nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc

Tỉnh Ninh Thuận tập trung quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc tạo thành lợi thế để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Ninh Thuận là tỉnh có hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng với sự góp mặt của nhiều loại hình văn hóa từ 35 dân tộc sinh sống trên địa bàn. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 239 di sản được đưa vào danh mục kiểm kê, trong đó có 64 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp.

Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11: Sức sống mới của ca trù Hà Nội

Thành phố Hà Nội tiếp tục tạo môi trường thực hành, tôn vinh nghệ nhân, tài năng ca trù, xây dựng chế độ đãi ngộ nhằm bảo tồn, phát huy môn nghệ thuật quý. Hơn 11 năm ca trù được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, với vị trí là một trong những cái nôi lớn của di sản, thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động bảo vệ, góp phần dần đưa di sản này ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Đáng chú ý, di sản ca trù tại Hà Nội đã có nhiều khởi sắc. Thành phố tiếp tục tạo môi trường thực hành, tôn vinh nghệ nhân, tài năng ca trù, xây dựng chế độ đãi ngộ nhằm bảo tồn, phát huy môn nghệ thuật quý.

- Báo Nhân Dân ngày 23/11 đưa tin:

Gìn giữ giá trị văn hóa "Phiên chợ Âm Dương"

Ngày 23/11, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Bắc Ninh phối hợp Viện Sử học, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Phiên chợ Âm Dương - Giá trị lịch sử văn hóa". Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ Viện Sử học, Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam... Đến nay, chợ Âm Dương không còn được duy trì, nhưng ký ức về phiên chợ này vẫn còn tồn tại trong tâm trí của những người dân nơi đây.

Tạo nguồn lực nội sinh để văn hóa hội nhập với thế giới

Nhìn lại sự phát triển của văn học nghệ thuật ở Việt Nam trong 35 năm vừa qua, có thể thấy, tiến trình hội nhập quốc tế đã diễn ra một cách sâu sắc ở mọi cấp độ và lĩnh vực của đời sống văn học nghệ thuật, từ nghệ thuật đại chúng đến nghệ thuật bác học, từ nghệ thuật ngôn từ đến âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh. Có thể nói, việc hoàn thiện thiết chế và thể chế, chính sách hóa đường lối văn hóa của Ðảng kết hợp với những nỗ lực mang tính tự thân của giới thực hành nghệ thuật trong việc đạt đến mặt bằng tri thức và tư duy nhân loại, đi đến tận cùng những vấn đề bản địa thì văn học nghệ thuật ở Việt Nam mới có thể tạo nên được một nội lực mạnh mẽ để đối diện với tiến trình toàn cầu hóa.

Phát động Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn

Sáng 23/11, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Lễ phát động Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn. Cuộc thi diễn ra trong hai năm. Thời hạn nhận bài từ tháng 11/2021 đến hết tháng 8/2023. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến vào quý IV/2023 - dịp Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Tác phẩm tham dự Cuộc thi bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và sẽ được lựa chọn đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Lao Động và Hội Nhà văn Việt Nam. Tổng giải thưởng chính thức của Cuộc thi lên tới khoảng 2,5 tỷ đồng, chủ yếu sẽ được xã hội hóa. Ngoài ra, ban tổ chức sẽ trao một số giải chuyên đề khác.

-Báo Văn hóa ngày 24/11 đưa tin:

Triết lý giáo dục và Văn hóa giáo dục để xây dựng một xã hội phát triển

Trong hệ thống văn hóa, văn hóa học đường là một bộ phận của văn hóa giáo dục; văn hóa giáo dục, đến lượt mình, là một bộ phận của một nền văn hóa (= văn hóa dân tộc). Văn hóa (dân tộc) và văn hóa giáo dục có quan hệ với nhau thông qua mắt xích trung gian là triết lý giáo dục: Văn hóa (dân tộc) là một trong ba thành tố chi phối triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục, đến lượt mình, được hiện thực hóa bằng bốn thành tố – văn hóa giáo dục là một trong số đó.

Tâm thức văn hóa dân tộc với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"… Vấn đề cần khẳng định ở đây là định hướng chiến lược mang tính tâm thức đó không chỉ cho giai đoạn trong kháng chiến, kiến quốc thời chiến tranh mà còn là điều kiện nền tảng cho quá trình gia tốc phát triển và phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh hiện nay. Qua thực tế cho thấy, vấn đề xây dựng nhân cách văn hóa con người, gầy dựng nền tảng dân chủ trong cộng đồng, bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa, công nghiệp hóa – hiện đại hóa với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0… tất cả đều cần đặt ra vấn đề tâm thức văn hóa dân tộc phải được củng cố như là một "ngọn đuốc thiêng" không chỉ vừa góp phần luôn làm sáng tâm, sáng lòng, sáng mắt mọi người trên con đường đi tới mà còn vừa có thể trở thành là một "lực điều chỉnh" tích cực và cần thiết đối với mọi nỗ lực cách mạng giai đoạn hiện nay.

Hai kỳ vọng gửi đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc

Sáng 24.11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chính thức diễn ra. Trước thềm hội nghị, ông Trần Thế Thuận - Thành ủy viên, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM gửi đến những mong muốn, kỳ vọng để phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới. "Tôi chờ đợi ở Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này là chúng ta xây dựng được một hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Song song đó, kỳ vọng mà tôi muốn nói đến đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ mở ra những định hướng về cơ chế, chính sách để tạo tiền đề cho sự phát triển văn hóa phù hợp với điều kiện của xã hội", ông Trần Thế Thuận nhấn mạnh.

Văn hóa phải sửa được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ

Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 24.11.1946. Bên cạnh tư tưởng văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa và chính trị, trong đó Người nhấn mạnh văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Những lời căn dặn của Người đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và tinh thần thời đại sâu sắc.

- Báo Nhân Dân, TTXVN và nhiều báo khác ngày 24/11 đưa tin: 600 đại biểu, văn nghệ sĩ dự "Hội nghị Diên Hồng" của ngành văn hóa cho biết: Hôm nay, 24/11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chính thức khai mạc, với sự tham dự của 600 đại biểu từ các bộ, ngành; giới văn nghệ sĩ và đại diện các tổ chức chính trị-xã hội trong cả nước. Hội nghị diễn ra tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) và được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 24/11/2021 - Ảnh 1.

Chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Đây được coi là "Hội nghị Diên Hồng" của ngành văn hóa, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

2.Lĩnh vực Du lịch

-Báo Nhân Dân ngày 24/11 đưa tin:

Ðẩy mạnh quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế

Những ngày qua, hàng loạt chuyến bay chở khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo chương trình đón khách thí điểm đã làm ấm lại thị trường du lịch quốc tế sau thời gian dài "đóng băng" vì dịch bệnh. Cùng với sự chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện bảo đảm đón khách an toàn, việc đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch, nhất là ở những thị trường trọng điểm được xác định là nhiệm vụ then chốt để thu hút du khách, tạo đà phát triển du lịch quốc tế.

Du lịch golf - Lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế

Chiều 23/11, tại Hạ Long, Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn FLC phối hợp tổ chức tọa đàm "Du lịch golf - Lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế". Tham gia chương trình tọa đàm còn có các hiệp hội du lịch, Hiệp hội golf và đại diện doanh nghiệp lữ hành, hàng không, quản lý vận hành sân golf uy tín.

7 xu hướng chủ đạo của du lịch trong năm 2022

Năm 2022 đang đến rất gần, dù Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn qua đi nhưng cảm giác hy vọng đang dần trỗi dậy. Trong một khảo sát mới đây của Booking.com du khách Việt đã chia sẻ những quan điểm mới về du lịch trong năm mới sắp đến. Vậy những xu hướng nào sẽ là chủ đạo của du lịch trong năm 2022? Trên thực tế, 82% du khách Việt được hỏi đồng ý rằng điều quan trọng là chuyến đi của họ mang đến lợi ích cho cộng đồng địa phương tại điểm đến, đồng thời 79% sẽ đánh giá cao một ứng dụng hoặc trang web đưa ra các đề xuất cho điểm đến, nơi mà sự tăng trưởng du lịch sẽ có tác động tích cực đến cộng đồng địa phương.

Khánh Hòa đã sẵn sàng đón khách quốc tế theo chương trình thí điểm

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các cơ quan ban ngành tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai thống nhất các giải pháp, phương án mở cửa thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo báo cáo của tỉnh Khánh Hòa, mọi công tác chuẩn bị cho việc thí điểm đón khách quốc tế mang "hộ chiếu vaccine" đã sẵn sàng.

-Báo Hà Nội mới ngày 23/11 đưa tin:

Du lịch Hà Nội: Đổi mới để phát triển bền vững

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, ngành Du lịch Thủ đô đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xuất hiện, ngành Du lịch gặp phải khó khăn, thách thức chưa từng có. Yêu cầu đặt ra là du lịch Hà Nội phải đổi mới để sớm phục hồi, phát triển bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hà Nội: Đánh giá điểm du lịch chất lượng cao để thu hút du khách

Ngày 23-11, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị phổ biến, hướng dẫn sử dụng bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và tập huấn xây dựng kế hoạch phát triển du lịch vùng, địa phương. Hội nghị nhằm góp phần xây dựng kế hoạch "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" trong ngành du lịch, đồng thời đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao, giúp tăng nội lực ngành Du lịch Thủ đô, dần phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới.

- Báo điện tử VOV ngày 23/11 đưa tin:

Booking.com dự báo sẽ có "làn sóng du lịch" vào năm 2022

Theo công bố của nền tảng Booking.com, hoạt động du lịch được dự đoán sẽ trở lại ngoạn mục vào năm 2022. Đáng chú ý, du khách kỳ vọng công nghệ sẽ được phát triển và áp dụng rộng rãi để giảm bớt lo lắng xung quanh các chuyến du lịch. Để tìm hiểu "làn sóng du lịch" đang dâng cao, Booking.com đã tiến hành một nghiên cứu sâu rộng với hơn 24.000 du khách ở 31 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam, kết hợp với thông tin chuyên sâu và dữ liệu trong 25 năm qua để dự đoán các xu hướng du lịch trong năm 2022.

Hà Giang thông báo đón khách trở lại

Từ ngày 23/11, Hà Giang đón khách du lịch đến tất cả các khu, điểm du lịch, làng du lịch trên địa bàn tỉnh, trừ 02 đơn vị tại huyện Yên Minh (xã Đông Minh và xã Sủng Thài). Sở VHTTDL Hà Giang vừa có văn bản thông báo về việc đón khách du lịch quay trở lại Hà Giang trong tình hình mới. Theo đó, từ ngày 23/11/2021, Hà Giang đón du khách quay trở lại tất cả các khu, điểm du lịch, làng du lịch trên địa bàn tỉnh, trừ 02 đơn vị là xã Đông Minh và xã Sủng Thài (huyện Yên Minh); theo công bố tại Quyết định số 2473/QĐ-UBND ngày 22/11/2021 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phân loại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Giang cho đến khi có quyết định thay thế.

- Báo Bạc Liêu ngày 24/11 đưa tin: "Bạc Liêu: Ứng dụng công nghệ số tạo sức bật cho du lịch" cho biết: Thời gian này, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu gấp rút thiết kế mô hình gian hàng 3D để tham gia triển lãm tại Ngày hội Du lịch (DL) TP. Hồ Chí Minh lần đầu tiên được tổ chức trên nền tảng trực tuyến. Đây là cơ hội để Bạc Liêu nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, cũng như tiếp cận và giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ nhằm tạo sức bật phục hồi DL sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

-Báo Bình Dương ngày 24/11 đưa tin: "Bình Dương đón đoàn du khách đến du lịch bằng đường sông" cho biết: Nằm trong hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên và chung sức phát triển du lịch tỉnh Bình Dương, chiều ngày 22/11, Hiệp hội Du lịch (HHDL) tỉnh Bình Dương tiếp tục phối hợp với Công ty cổ phần Du lịch - Buýt Đường sông Bình Dương tổ chức đón 31 du khách từ TP.Hồ Chí Minh đến du lịch Bình Dương bằng đường sông. Đoàn khách là đại diện các doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và có một Công ty Du lịch Thái Lan cùng tham gia tour du lịch trải nghiệm này để khảo sát, chuẩn chị đưa cán bộ, nhân viên của các công ty cũng như du khách từ Thái Lan sang tỉnh Bình Dương du lịch trong thời gian tới.

-Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh ngày 24/11 đưa tin: "Quảng Ninh: Phát huy giá trị các di tích gắn với khu mỏ" cho biết: Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện còn nhiều di tích là chứng tích ghi dấu một giai đoạn hào hùng của lịch sử khu mỏ Quảng Ninh. Đó là những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, góp phần phát triển ngành Du lịch của địa phương. Nhiều di tích khác như: Khu di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam (TX Đông Triều); di tích lịch sử và danh thắng núi Bài Thơ (TP Hạ Long); cầu trục Poóc-tích số 1 Xí nghiệp Bến Cửa Ông (TP Cẩm Phả) cũng được quan tâm tôn tạo. Đến nay phần lớn các di tích gắn với giai cấp công nhân mỏ đã được xếp hạng, qua đó góp phần nâng cao công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy.

-Báo Bắc Giang ngày 23/11 đưa tin: "Bắc Giang: Doanh nghiệp liên kết phát triển du lịch" cho biết: Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp (DN) làm du lịch trong và ngoài tỉnh Bắc Giang tăng cường liên kết thông qua ký kết, quảng bá, khảo sát, xây dựng các tour tham quan hấp dẫn để hút khách. Tỉnh Bắc Giang đặt chỉ tiêu đón khoảng 3 triệu lượt khách vào năm 2025. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 3 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch. Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh liên kết. Vì vậy, thời gian tới, để việc liên kết đạt hiệu quả, chất lượng hơn, chính quyền, ngành chức năng, đơn vị liên quan cần tiếp tục phối hợp đẩy mạnh quảng bá, khảo sát; xây dựng tour, tuyến.

3.Lĩnh vực Thể thao

-Báo Nhân Dân ngày 24/11 đưa tin:

Tuyển Việt Nam sung sức trong buổi tập thứ ba tại Vũng Tàu

Chiều 23/11, đội tuyển Việt Nam đã có buổi tập thứ ba trong đợt tập huấn tại Vũng Tàu, chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2020. Đến thời điểm hiện tại, đội tuyển không phát sinh trường hợp chấn thương đáng tiếc nào, tất cả đều tỏ ra rất sung sức và hứng khởi. Tại buổi tập này, huấn luyện viên Park Hang-seo đã dành phần lớn thời lượng cho các nội dung về di chuyển chiến thuật và đánh giá tương thích của các vị trí trong đội hình tấn công, phòng ngự.

114 vận động viên sẽ tham dự Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần thứ 39

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp Tổng cục Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần thứ 39 tranh Cúp PetroVietnam - PVCFC năm 2021. Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần thứ 39 sẽ diễn ra từ ngày 28/11 đến 4/12/2021 tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam). Giải đấu năm nay thu hút 114 vận động viên, đến từ 14 đoàn và được tổ chức theo phương án khép kín khu vực "một cung đường hai điểm đến".

Bế mạc Giải vô địch cờ vua xuất sắc Quốc gia năm 2021

Sau hơn 10 ngày thi đấu sôi nổi với tổng số 611 ván đấu, ngày 23/11, tại thành phố Hạ Long, Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh phối hợp Liên đoàn cờ Việt Nam tổ chức bế mạc Giải vô địch cờ vua xuất sắc Quốc gia năm 2021. Tham gia giải thi đấu năm nay có 60 vận động viên thuộc 12 đoàn đến từ các đơn vị, tỉnh, thành phố, ngành và các câu lạc bộ trên toàn quốc. Giải năm nay, các vận động viên thi đấu theo hệ Thụy Sĩ 9 ván; tranh 18 bộ huy chương tại các nội dung cá nhân nam, nữ với 3 nội dung thi đấu, gồm: cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh và cờ chớp.

-Báo Hà Nội mới ngày 23/11 đưa tin:

Đội tuyển U23 Việt Nam chia tay hai trợ lý huấn luyện viên người Hàn Quốc

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vừa tiến hành thủ tục để thanh lý hợp đồng với 2 trợ lý Kim Han Yoon và Kim Hyun Tae của huấn luyện viên Park Hang-seo. Đây là thông tin khá bất ngờ, bởi thời gian qua, trợ lý Kim Han Yoon và huấn luyện viên thủ môn Kim Hyun Tae đều hoàn thành tốt công việc của mình khi phụ trách đội U23 Việt Nam.

Vĩnh Phúc tổ chức Giải vô địch xe đạp toàn quốc năm 2021

Tổng cục Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Giải vô địch xe đạp toàn quốc năm 2021 sẽ chỉ diễn ra ở tỉnh Vĩnh Phúc, thay vì tổ chức ở hai địa phương là tỉnh Vĩnh Phúc (xe đạp đường trường) và tỉnh Hòa Bình (xe đạp địa hình), nhằm bảo đảm an toàn về mọi mặt trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Dự kiến, ngày 7-12, các lực lượng tham dự Giải vô địch xe đạp toàn quốc năm 2021 sẽ có mặt tại thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Ngày 9-12, giải chính thức khởi tranh với nội dung 30km tính điểm nữ.

-Báo điện tử VOV ngày 24/11 đưa tin:

ĐT Việt Nam thực hiện bài tập đặc biệt ngày 23/11

HLV Park Hang Seo đã bất ngờ chú trọng đến những bài tập về phòng ngự, di chuyển kèm người trong buổi tập chiều 23/11 của ĐT Việt Nam. Nhà cầm quân người Hàn Quốc yêu cầu các cầu thủ đặc biệt chú trọng đến những động tác phòng ngự, kèm người một đấu một. Đây là điều bất ngờ bởi các đối thủ sắp tới đều được đánh giá không có trình độ cao hơn ĐT Việt Nam.

ĐT Lào dự AFF Cup 2020 với nhiều cầu thủ thi đấu ở nước ngoài

Theo báo chí Lào, thành phần đội tuyển nước này tham dự AFF Cup 2020 sẽ có nhiều cầu thủ thi đấu ở nước ngoài, chủ yếu là tại Thái Lan.Theo nguồn tin từ LĐBĐ Lào, danh sách 30 cầu thủ của ĐT Lào tham dự AFF Cup 2020 sẽ được công bố vào ngày mai (24/11). Nguồn tin này chưa tiết lộ danh tính bất cứ cầu thủ Lào nào trong danh sách này.

HAGL tiến gần tấm vé dự AFC Champions League 2022

AFC vừa công bố các CLB của V-League đủ chuẩn tham dự AFC Champions League 2022, HAGL là một trong số các đội có tên trong danh sách này. Ngày 29/10/2021, VFF đã gửi danh sách quyết định cấp phép các câu lạc bộ tham dự giải V-League 2022 để báo cáo lên AFC về việc sẽ chọn các đại diện tham dự những giải đấu cấp CLB ở châu Á năm 2022. AFC Champions League 2022 và AFC Cup 2022 dự kiến diễn ra từ 1/3/2022. Bóng đá Việt Nam có 1 đại diện dự AFC Champions League và 2 đội bóng tham dự AFC Cup, con số tương tự mùa giải 2021.

ĐT Campuchia triệu tập nhiều cầu thủ từng thắng U18 Việt Nam dự AFF Cup 2020

Nhiều cầu thủ trong thành phần U18 Campuchia đánh bại U18 Việt Nam năm 2019 đã được triệu tập vào danh sách ĐT Campuchia tham dự AFF Cup 2020. Sáng 23/11, HLV người Nhật Bản - Ryu Hirose đã công bố danh sách các cầu thủ Campuchia sẽ tham dự AFF Cup 2020. Theo đó, những cầu thủ nhiều kinh nghiệm, đã được người hâm mộ Đông Nam Á ít nhiều biết đến như Chrerng Polroth, Prak Mony Udom, Chan Vathanaka, Soeuy Visal, Keo Sokpheng đều có mặt.

- Báo điện tử Dân Trí ngày 24/11 đưa tin:

Tuấn Anh và các ngôi sao bóng đá Việt Nam khát khao vô địch AFF Cup

Hầu hết các gương mặt đang khoác áo đội tuyển Việt Nam ở thời điểm hiện tại là thành viên của đội bóng vô địch AFF Cup 2018, nhưng một số ít các ngôi sao sáng giá chưa có may mắn đó. Tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh là một trong số ít các gương mặt chưa từng có nâng cúp vô địch AFF Cup, cho dù về mặt tài năng, cầu thủ đang khoác áo CLB HA Gia Lai không kém bất cứ ngôi sao nào của bóng đá nội ở thời điểm hiện tại.

Báo Trung Quốc bình luận về nhiệm vụ mới của HLV Park Hang Seo

HLV Park Hang Seo gia hạn hợp đồng với đội tuyển Việt Nam và chuẩn bị chinh phục AFF Cup là đề tài được truyền thông Trung Quốc quan tâm. Sau đợt trận thứ 6 vòng loại thứ ba World Cup 2022 diễn ra hồi giữa tháng 11, hầu hết các đội tuyển quốc gia chung bảng B với đội tuyển Việt Nam đã xong nhiệm vụ quốc tế trong năm 2021, riêng đội tuyển Việt Nam của HLV Park Hang Seo vẫn còn nhiệm vụ ở AFF Cup 2020.

HLV Park Hang Seo liên tục đổi chiêu, tuyển thủ Việt Nam "chóng mặt"

Chuẩn bị cho AFF Cup 2020 với mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch, HLV Park Hang Seo liên tục đưa ra những yêu cầu khó với đội tuyển Việt Nam, nhằm giúp các cầu thủ hoàn thiện kỹ chiến thuật cũng như tâm lý. Chiều nay (23/11), đội tuyển Việt Nam có buổi tập thứ ba trong đợt tập huấn tại Vũng Tàu, chuẩn bị cho AFF Cup 2020. Tinh thần các cầu thủ rất thoải mái, nhưng sự tập trung ngày càng được HLV Park Hang Seo và ban huấn luyện yêu cầu phải ở mức cao nhất.

Trang chủ AFF Cup gửi thông điệp đặc biệt tới tiền vệ Hoàng Đức

Nguyễn Hoàng Đức được trang chủ AFF Cup 2020 kỳ vọng sẽ là cầu thủ đại diện cho thế hệ mới của bóng đá Việt Nam, sau những tên tuổi như Huỳnh Đức, Minh Phượng, Công Vinh, Quang Hải. Trang facebook chính thức của AFF Cup 2020 đăng tải tấm ảnh rất đặc biệt về những cầu thủ tài năng nhất Việt Nam, trong đó Hoàng Đức là gương mặt được đặc biệt kỳ vọng ở giải bóng đá số một khu vực năm nay.

Đội tuyển Việt Nam được ưu ái đặc biệt ở AFF Cup 2020

Đội tuyển Việt Nam được nước chủ nhà AFF Cup 2020 Singapore dành sự "chăm sóc" đặc biệt về điều kiện ăn nghỉ, tập luyện. Theo đó, thầy trò HLV Park Hang Seo được ở một trong những khách sạn hạng sang bậc nhất Singapore. Cùng ở khách sạn này với đội tuyển Việt Nam còn có đội tuyển Thái Lan, Malaysia và Timor Leste. Tuy nhiên, sự ưu ái thấy rõ của Ban tổ chức (BTC) nước chủ nhà với đội tuyển Việt Nam là việc bố trí sân tập riêng biệt thay vì phải tập chung như các đội khác.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Văn hóa ngày 24/11 đưa tin: "Sớm hoàn thiện Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)" cho biết: Sáng nay (23.11), tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã chủ trì cuộc họp góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Sau hơn 13 năm thi hành Luật, nhận thức của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp đã chuyển biến tích cực. Trách nhiệm PCBLGĐ không chỉ riêng của một ngành, một cấp mà thuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Mọi hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ) đều bị lên án và xử lý. Tình trạng BLGĐ đã có xu hướng giảm đáng kể theo từng năm cả về số vụ và mức độ bạo lực.

Mặc dù đạt được kết quả nêu trên, song tình trạng BLGĐ vẫn còn diễn biển phức tạp, khó lường. Một số địa phương vẫn xảy ra các vụ BLGĐ nghiêm trọng. Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ LĐTBXH, Tổng Cục thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy: Có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bao lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ từ lực lượng chức năng. Kết quả điều tra này còn cho thấy, BLGĐ với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP mỗi năm. Từ thực trạng về kết quả thực hiện Luật PCBLGĐ, trong thời gian qua Bộ VHTTDL đã đề xuất sửa đổi Luật PCBLGĐ (năm 2007). Đây là sự sửa đổi cần thiết để luật có thể đáp ứng những yêu cầu thực tiễn hiện nay . Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ban, ngành…đã tích cực đóng góp, bổ sung ý kiến xây dựng Dự thảo LPCBLGĐ (sửa đổi).

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×