Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 11/1/2022
11/01/2022 | 16:40Công Vinh được đề cử danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử AFF Cup; Yêu cầu xử lý dứt điểm việc xâm phạm di tích chùa Vàng; Du lịch miền Tây dần mở cửa, đón khách là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
-Báo Nhân Dân ngày 11/1 đưa tin:
Phát hiện chuông đồng cổ tại thành phố Yên Bái
Ngày 16/12/2021, tại tổ 14, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái), trong quá trình Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Nam Phong thi công xây dựng bờ kè sông Hồng, đoạn chảy qua cầu Tuần Quán, phát hiện một chuông đồng nghi là cổ vật. Theo đánh giá ban đầu, chuông bị gãy mất quai treo đầu đốc, nhưng còn nguyên vẹn toàn thân. Đơn vị đã kịp thời báo cáo cho Ban chỉ huy công trường, chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hóa địa phương và Bảo tàng tỉnh.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu xử lý dứt điểm việc xâm phạm di tích chùa Vàng
Ngày 10/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 63/BVHTTDL-DSVH do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ký, gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc xử lý xâm phạm di tích quốc gia chùa Vàng (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, di tích đã bị một số cá nhân xâm phạm nhằm mục đích xây dựng sân bóng trong khu vực bảo vệ II của di tích.
Mở những cánh cửa, đưa văn học Việt ra thế giới: Dịch giả nhà văn Kiều Bích Hậu - Cần khởi lên những hành động
Không chỉ cộng tác với Tạp chí Văn hóa NEUMA (Romania), dịch giả, nhà văn Kiều Bích Hậu rất nỗ lực giới thiệu văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Mới đây nhất, chị tham gia thực hiện bộ sách "Hợp dòng văn học Việt Nam-Ấn Độ", vừa ra mắt tháng 12/2021.
- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 11/1 đưa tin:
Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 đợt 2: Lắng đọng những câu chuyện đời thường
Sau gần 8 tháng các sàn diễn kịch nói TPHCM ngừng hoạt động, đến những tháng cuối năm 2021, khi tình hình dịch bệnh tại TPHCM có sự chuyển biến tốt hơn, cuộc sống xã hội dần trở lại bình thường, TPHCM quyết định đăng cai tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 đợt 2 để tạo điều kiện "hâm nóng" bầu không khí hoạt động biểu diễn kịch nói. Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 đợt 2 do TPHCM đăng cai tổ chức, diễn ra từ ngày 3-1 đến 17-1, với sự tham gia của 20 đơn vị, biểu diễn 26 vở diễn. Mọi người tham dự đều có chung cảm nhận về tinh thần vượt khó làm nghề của đội ngũ làm kịch nói TPHCM.
Khám phá tết cổ truyền qua tư liệu lưu trữ
Từ 14-1 đến 15-3, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức triển lãm "Tết xưa" nhằm tái hiện một phần không gian tết cổ truyền Việt Nam qua tài liệu lưu trữ. 100 phiên bản tài liệu, hình ảnh độc đáo về tết cổ truyền Việt Nam được trưng bày theo 3 chủ đề. Phần 1, chủ đề "Phiên chợ ngày xuân" giúp công chúng khám phá chợ tết - một nét đẹp văn hóa, đậm dấu ấn truyền thống dân tộc mỗi dịp xuân về.
- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 11/1 đưa tin:
Chờ gì ở phim mùa Tết?
Không còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán. Dù trong bối cảnh "sống chung" với Covid-19 phải thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch nhưng như một thói quen khán giả vẫn chờ "mùa phim Tết". Tại thời điểm này đã có nhiều phim chuẩn bị ra rạp, trong đó có "Chìa khóa trăm tỷ" và "Trạng Tí phiêu lưu ký" và "1990".
Lễ hội Tịch điền năm 2022 sẽ được tổ chức với quy mô nhỏ gọn
Năm 2022 là kỷ niệm 1.035 năm ngày vua Lê Đại Hành về cày Tịch điền trên cánh đồng dưới chân núi Đọi Sơn (nay là xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên). Theo kế hoạch, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2022 sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ 5 đến ngày 7/2, (tức từ ngày mồng 5 đến ngày mồng 7 tháng Giêng năm Nhâm Dần) tại khu vực chùa Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên.
Lý Sơn (Quảng Ngãi): Phục dựng thành công 2 bộ xương cá Ông lớn nhất Việt Nam
Sau hơn 2 tháng khẩn trương thi công thì đến nay 2 bộ xương cá voi (cá Ông) có niên đại khoảng 300 năm tuổi tại Di tích Lăng Tân, thuộc thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã được phục dựng thành công. 2 bộ xương cá Ông được phục dựng có chiều dài 22 m và 28 m, cao gần 4 m. Mỗi bộ xương có 50 đốt xương sống, đường kính đốt sống trên 40 cm; 28 xương sườn, mỗi xương sườn có chiều dài gần 10 m; xương đầu dài 4 m, xương ngà dài 4,7 m. 2 bộ xương cá Ông này được phục dựng mô phỏng với thế cá đang đẩy mình uốn lượn bơi. Đối với những chỗ bị hỏng nặng được phục dựng bằng nhựa hóa.
- Báo Văn hóa ngày 10/1 đưa tin:
Nhà Trưng bày Hoàng Sa: "Địa chỉ đỏ" giáo dục tình yêu biển đảo, quê hương
Từng bước phát huy giá trị lịch sử, hoàn thiện thành điểm tham quan phục vụ du khách, đồng thời gắn với việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, trong những năm qua, công tác chỉnh lý, bổ sung hiện vật tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng) được thường xuyên quan tâm thực hiện. Qua đó, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan tìm hiểu của công chúng về quần đảo Hoàng Sa, nâng cao hiểu biết, tinh thần yêu nước, lòng tự hào và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đối với thế hệ trẻ.
Mang sân khấu Kịch nói đến với sinh viên
Sân khấu Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tối 9.1 thật sự tưng bừng bởi sự xuất hiện của vở diễn Câu hò đất Mẹ - tác phẩm dự thi Liên hoan Kịch nói toàn quốc – 2021 tại TP.HCM. Sự kiện càng có ý nghĩa hơn khi vở được công diễn đúng vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Học sinh - sinh viên Việt Nam 9.1. Theo PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, trong vai trò chỉ đạo thực hiện tác phẩm cho biết, nhiều năm qua, thực hiện chủ trương gắn Nhà trường với xã hội, lý luận song song thực hành, gắn phục vụ nhiệm vụ chính trị và cộng đồng… Nhà trường luôn tạo điều kiện để các giảng viên và sinh viên phát huy khả năng sáng tạo, làm hành trang vững chắc để hỗ trợ nhiều hơn cho các em trong quá trình học tập cũng như công việc sau này khi ra trường.
Chuyện gì đang xảy ra tại cụm di tích quốc gia đình - chùa Vàng (Hà Nội)?
Chuyện xảy ra tại di tích Kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình - chùa Vàng (xã Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội) kéo dài trong suốt thời gian qua đã gây nên nhiều bức xúc trong dư luận. Nhiều câu hỏi được đặt ra theo diễn biến của vụ việc, trong đó nổi lên là việc ban hành quyết định thu hồi quyết định cấp đất cho cơ sở tôn giáo, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chùa Vàng của UBND TP Hà Nội. Vì sao lại có hai quyết định như vậy được ban hành? Công tác bảo vệ, quản lý tại cụm di tích quốc gia này đã thực thi đúng quy định chưa?
Đẩy mạnh triển khai công tác văn hóa đối ngoại Việt Nam giai đoạn 2022-2026: Khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
Triển khai công tác văn hóa đối ngoại Việt Nam được xác định nhằm mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Trong năm 2022, Bộ VHTTDL sẽ xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo của Việt Nam tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO với mục tiêu biến văn hóa thành động lực và đặt văn hóa sáng tạo vào trung tâm chính sách phát triển đô thị bền vững của các địa phương trên cả nước
- Báo điện tử Người Lao động ngày 10/1 đưa tin:
Làm mới phim Việt từ tác phẩm đã có thương hiệu
Trong bối cảnh kịch bản phim điện ảnh và truyền hình luôn khan hiếm, việc Việt hóa, chuyển thể hay làm mới tác phẩm ăn khách một thời được xem là giải pháp cần thiết. Dự án phim điện ảnh "Đất rừng Phương Nam" dựa theo tác phẩm kinh điển trên màn ảnh nhỏ "Đất Phương Nam" sẽ được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thực hiện. Dự án này đang ở giai đoạn tuyển diễn viên và chưa công bố về thời điểm ra mắt phim.
Thú vị hai cuộc triển lãm đầu năm
Hai triển lãm tranh nghệ thuật của họa sĩ Vincent Monluc và Hiền Nguyễn tổ chức vào những ngày đầu năm 2022 đã thu hút giới mộ điệu. Họa sĩ người Pháp gốc Việt Vincent Monluc vừa khai mạc triển lãm "Giấc mơ" với 95 tác phẩm hội họa chất liệu màu nước, sơn dầu. Triển lãm kéo dài từ ngày 10 đến 20-1. Các tác phẩm được họa sĩ này sáng tác trong 5 năm qua, từ khi ông trở lại Việt Nam và tham gia nhiều chuyến trực họa.
Nhiếp ảnh gia Việt Nam làm giám khảo World Press Photo 2022
Ban Tổ chức cuộc thi Ảnh báo chí thế giới (World Press Photo) 2022 vừa thông báo đã mời nghệ sĩ nhiếp ảnh Linh Phạm (Hà Nội) tham gia Hội đồng Giám khảo. Theo thông báo mới nhất của ban tổ chức, nhiếp ảnh gia Linh Phạm sẽ là 1 trong 5 giám khảo nhận định các tác phẩm thuộc khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương tham dự cuộc thi Ảnh báo chí thế giới 2022.
Ra mắt sách "Mãi mãi một tình yêu"
Để vinh danh cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2020) và chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước do UBND TP HCM phát động, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM đã tổ chức chương trình giao lưu - nghệ thuật ra mắt sách "Mãi mãi một tình yêu" tại Đường Sách TP HCM. Khá đông khán giả và văn nghệ sĩ đã đến tham dự chương trình.
2.Lĩnh vực Du lịch
-Báo Tin tức ngày 11/1 đưa tin: Du lịch dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần: "Trải nghiệm an toàn, đậm đà sắc Xuân" cho biết: Tỉ lệ bao phủ tiêm vaccine phòng COVID-19 ngày càng cao, nhiều địa phương trọng điểm về du lịch đã trở về "vùng xanh" (cấp độ nguy cơ thấp) trong phòng, chống dịch COVID-19 đã giúp nhiều du khách an tâm tìm hiểu, sớm đặt tour, lên kế hoạch cho hành trình trong dịp Tết Nguyên đán với mong muốn có chuyến du lịch thuận lợi, tạo năng lượng tích cực cho năm mới.
-Báo Cần Thơ ngày 11/1 đưa tin: "Du lịch miền Tây dần mở cửa, đón khách" cho biết: Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, các doanh nghiệp du lịch tại miền Tây đang kết hợp quảng bá hình ảnh với nâng cao chất lượng dịch vụ để duy trì, phát triển bền vững trong tình hình mới. Những ngày này, các điểm, khu du lịch ở miền Tây đã dần mở cửa đón khách tham quan chào năm mới 2022. Tại tỉnh Vĩnh Long, dịch vụ du lịch sông nước như đi thuyền trên sông Tiền ngắm các nhà bè nuôi cá trên sông, hay các điểm tham quan du lịch đã có nhiều hoạt động đón khách trở lại.
-Báo điện tử VOV ngày 10/1 đưa tin:
Việt Nam nên làm gì để thu hút khách quốc tế?
Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng chương trình đón khách quốc tế trong năm 2022. Các đại sứ và đại diện cơ quan du lịch từ nhiều quốc gia đều kỳ vọng khôi phục kết nối và trao đổi khách với thị trường Việt Nam. "Việt Nam đã mở cửa tiếp nhận khách du lịch nước ngoài tại một số vùng thí điểm, bằng cách thiết lập các biện pháp an toàn theo điều kiện, tiêu chuẩn y tế. Đây là cơ hội để các công ty lữ hành trên thế giới quay lại mở dịch vụ bán tour Việt Nam; đặc biệt là những du khách Thái Lan đánh giá cao và thích đi du lịch Việt Nam từ trước khi có Covid-19" - bà Ratiwan Boonprakhong, Giám đốc Văn phòng TP.HCM, Tổng cục Du lịch Thái Lan cho biết.
Cần Thơ chuyển đổi số để phục hồi và phát triển du lịch
Du lịch luôn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của TP. Cần Thơ. Địa phương này sẽ tích cực xây dựng sản phẩm an toàn, thân thiện và truyền thông đa phương tiện về điểm đến an toàn tại Cần Thơ thông qua chuyển đổi số mạnh mẽ ngành du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) TP. Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác VHTH&DL, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2021 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Theo đó, TP. Cần Thơ sẽ tập trung xây dựng lộ trình tái khởi động, phục hồi và phát triển du lịch Cần Thơ giai đoạn 2022 - 2024 thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số.
Đà Nẵng ra mắt sàn thương mại điện tử kết hợp triển lãm ảo du lịch
Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng vừa ra mắt sàn thương mại điện tử kết hợp triển lãm ảo du lịch. Đây là sản phẩm mới trong việc ứng dụng chuyển đổi số để quảng bá, phát triển du lịch. Với sàn thương mại điện tử, du khách có thể thiết kế một chuyến đi bao gồm đặt chỗ, chọn sản phẩm du lịch, điểm đến, thanh toán không dùng tiền mặt, chọn hướng dẫn viên du lịch và tương tác trên mạng xã hội với cơ quan quản lý nhà nước, đội ngũ hỗ trợ.
Thay đổi đột ngột khiến ngành du lịch Thái Lan thiệt hại nặng nề
Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT) dự báo việc tiếp tục tạm dừng chương trình đón khách miễn cách ly "Test & Go" có thể khiến ngành du lịch nước này thiệt hại ít nhất 7 tỷ baht, chỉ trong tháng 1/2022. Ông Chamnan Srisawat - Chủ tịch Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT) cho biết tương lai không rõ ràng của chương trình "Test & Go" không chỉ gây ra tác động ngắn hạn đến lượng khách du lịch mà còn ảnh hưởng đến niềm tin du lịch ở Thái Lan, do đó sẽ mất thêm nhiều thời gian để phục hồi.
Tăng cường chống COVID-19, Cuba vẫn đảm bảo cho ngành du lịch hoạt động
Cuba siết chặt kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19, nhưng vẫn tạo điều kiện cho ngành du lịch hoạt động. Cuba hiện yêu cầu xét nghiệm COVID-19 bằng PCR trong vòng 72 giờ và chứng nhận tiêm chủng đối với tất cả du khách. Trước đó nước này chỉ yêu cầu chứng nhận tiêm chủng đối với hầu hết khách du lịch. Cuba đã phát hiện những ca mắc biến thể Omicron đầu tiên vào đầu tháng 12/2021 và sau đó con số này đã tăng mạnh.
- Báo Đắk Lắk ngày 10/1 đưa tin: Du lịch Đắk Lắk lấy lại thế "thăng bằng" cho biết: Qua hơn 2 năm với 4 đợt dịch COVID-19 hoành hành, ngành du lịch Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung lâm vào cảnh lao đao, thậm chí đình trệ. Đến nay, trong trạng thái bình thường mới, ngành kinh tế quan trọng này đang được các địa phương nỗ lực "xốc lại" nhằm thu hút du khách. Trong đó hoạt động giới thiệu, quảng bá và xúc tiến du lịch được các cơ quan, ban, ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk quan tâm, chú trọng.
- Báo Đồng Khởi ngày 10/1 đưa tin: "TP.Bến Tre đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch" cho biết: Theo Phó bí thư Thường trực Thành ủy Võ Thanh Hồng, sắp tới, các cơ quan chuyên môn của thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động số 02-CTr/ThU của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển thương mại - dịch vụ gắn với du lịch. Trong đó, tiếp tục kêu gọi đầu tư và vận động phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini, máy bán hàng tự động và các mô hình kinh doanh hiện đại khác. Trong năm qua, thành phố đã tham gia 1 chuyến xúc tiến thương mại ngoài tỉnh và 1 cuộc triển lãm trong tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của thành phố. Qua đây đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp giới thiệu trên 60 sản phẩm.
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh ngày 10/1 đưa tin: "Du lịch Quảng Ninh kỳ vọng 2022" cho biết: Khởi động trở lại từ cuối tháng 9 năm ngoái, du lịch Quảng Ninh từng bước thích ứng với dịch bệnh từ mở cửa du lịch nội tỉnh, rồi du lịch ngoại tỉnh và đầu năm nay là mở cửa du lịch quốc tế. Các hoạt động đều trong diện mở cửa có kiểm soát, đảm bảo an toàn với dịch bệnh, mở ra kỳ vọng mới cho năm 2022 sau hai năm tương đối ảm đạm do tác động của Covid-19. Theo báo cáo của Sở Du lịch Quảng Ninh thì năm vừa qua, ngành đặt ra mục tiêu phấn đấu đón tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh là 4,48 triệu lượt, với tổng thu từ du lịch đạt 9.045 tỷ đồng, như vậy, con số du khách chỉ bằng hơn một nửa so với năm 2020. Tuy nhiên, lượng khách tính đến cuối năm chỉ ước đạt 4,38 triệu lượt, bằng 97%, tổng thu ước đạt 7.745 tỷ đồng, đạt 85% so với chỉ tiêu.
-Báo Thừa Thiên Huế online ngày 10/1 đưa tin: "Chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững trong du lịch" cho biết: Đây là chủ đề hội thảo trực tuyến do Trung tâm Châu Á - Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản tổ chức mới đây với sự tham dự của đại diện hai thành phố: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế - Việt Nam) và thành phố Shuri (Okinawa - Nhật Bản). Hội thảo nhằm kết nối các chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa để cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và nét đẹp văn hóa của mỗi vùng miền, quốc gia.
3.Lĩnh vực Thể thao
- Báo Quân đội Nhân Dân, báo điện tử VOV và nhiều báo khác ngày 11/1 đưa tin: "Công Vinh được đề cử danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử AFF Cup" cho biết: Trang chủ AFF Cup đã điền tên Lê Công Vinh vào danh sách bình chọn Cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử AFF Cup. Cựu danh thủ ĐT Việt Nam sẽ cạnh tranh cùng với Noh Alam Shah (Singapore), Bambang Pamungkas (Indonesia), Safiq Rahim (Malaysia), Teerasil Dangda và Chanathip Songkrasin (cùng Thái Lan).
Trong số này, Công Vinh, Noh Alam Shah và Bambang Pamungkas là những người đã giải nghệ, Safiq Rahim vẫn thi đấu nhưng không còn khoác áo ĐT Malaysia còn Teerasil Dangda và Chanathip Songkrasin vừa cùng Thái Lan vô địch AFF Cup 2020. Ban tổ chức cuộc bình chọn giới thiệu về Công Vinh: "Được xem là một trong những ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam, Công Vinh đã để lại những thành tựu và khoảnh khắc ngoạn mục tại đấu trường AFF Cup. Tiền đạo huyền thoại này đã ghi 15 bàn thắng và là chân sút vĩ đại thứ 3 trong lịch sử giải đấu.
- Báo điện tử VOV ngày 11/1 đưa tin:
ĐT Việt Nam bị FIFA phạt nặng ở vòng loại World Cup 2022
FIFA vừa ra quyết định phạt ĐT Việt Nam 6.000 Franc Thụy Sĩ (khoảng 6.475 USD) do đã có 6 cầu thủ phải nhận thẻ vàng trong trận đấu với Saudi Arabia hồi tháng 11/2021. Ở trân đấu trên sân Mỹ Đình, ĐT Việt Nam có 6 cầu thủ nhận thẻ vàng là Tuấn Anh, Quế Ngọc Hải, Thành Chung, Công Phượng, Văn Toàn và Văn Đức. Cũng chính vì những thẻ vàng trong trận đấu đó mà Tuấn Anh cùng Quế Ngọc Hải sẽ bị treo giò trong cuộc đọ sức với Australia cuối tháng 1/2022.
Quyền Chủ tịch Trần Quốc Tuấn: VFF kỳ vọng đón 50% khán giả trận ĐT Việt Nam - Trung Quốc
Chia sẻ sau khi đảm nhiệm vai trò Quyền Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2022, ông Trần Quốc Tuấn bày tỏ VFF kỳ vọng đón 50% khán giả tới sân theo dõi trận ĐT Việt Nam - Trung Quốc vào ngày 1/2 tới. Ông Trần Quốc Tuấn cũng cho biết, VFF đã quyết định cử đội tuyển U21 tham dự giải U23 Đông Nam Á tại Campuchia và ASIAD ở Hằng Châu, Trung Quốc trong năm nay trong kế hoạch lâu dài. Theo ông Tuấn, ĐT bóng đá nữ đang đặt mục tiêu giành vé dự World Cup dù rơi vào bảng đấu "tử thần" ở giải vô địch châu Á sắp khởi tranh ở Ấn Độ./
-Báo Nhân Dân ngày 10/1 đưa tin:
Các cầu thủ U17 bộc lộ khả năng chuyên môn và ý thức chiến thuật
Sau gần một tháng tập luyện với lực lượng lên tới 44 cầu thủ dưới sự dẫn dắt của Huấn luyện viên trưởng Hoàng Anh Tuấn, đội tuyển U17 quốc gia đã thể hiện sự tiến bộ rõ nét về chuyên môn. Tại trận giao hữu vừa qua với U19 Hà Nội, các cầu thủ U17 đã có một trận đấu tốt và nhận được nhiều điểm cộng từ ban huấn luyện.
Quan tâm đầu tư, tạo cơ hội cho bóng đá trẻ
Bóng đá Việt Nam kết thúc năm 2021 với thành tích nổi bật là lần đầu đội tuyển nước ta và cũng là đại diện duy nhất của Ðông Nam Á vào tới vòng loại cuối cùng của World Cup 2022 khu vực châu Á, tuy không còn hy vọng đi tiếp khi đã để thua sáu trận. Những thăng tiến của đội tuyển Việt Nam thời gian qua, không đồng nghĩa với sự tiến bộ chung của cả nền bóng đá. Bên cạnh việc nâng cao hơn chất lượng và tính chuyên nghiệp của giải vô địch quốc gia, điều quan trọng là nâng cao chất lượng đào tạo trẻ.
- Báo điện tử Người Lao động ngày 10/1 đưa tin:
Bóng đá Lào rúng động vì 45 cầu thủ bán độ, dàn xếp tỉ số
Trong cuộc họp báo tại thủ đô Vientiane hôm nay, 10-1, Tổng Thư ký LĐBĐ Lào (LFF) thông báo LĐBĐ Thế giới (FIFA) vừa ra án phạt cấm thi đấu trọn đời đối với 45 cầu thủ nước này vì tham gia dàn xếp tỉ số, bán độ. Phó Chủ tịch LFF Khampheng Vongkhanty nhận định nhóm cầu thủ này đã tự hủy hoại sự nghiệp của mình. Chắc chắn họ sẽ không còn cơ hội lên tuyển quốc gia Lào dù có giỏi và tài năng vượt trội.
Thể hình Việt Nam: Nặng trọng trách huy chương
Gần tròn 10 năm kể từ lần góp mặt sau cùng tại SEA Games 2013 diễn ra ở Myanmar, thể hình Việt Nam mới có cơ hội trở lại với kỳ đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á. Do đó, SEA Games 31 là cơ hội thi đấu vô giá với các VĐV thể hình Việt Nam. Tập trung trở lại từ đầu tháng 10-2021, đội tuyển thể hình Việt Nam chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch theo từng giai đoạn của TP HCM và ráo riết luyện tập nhằm tìm lại phong độ tốt nhất.
Điền kinh quyết săn vàng SEA Games
Sự trở lại của nhà vô địch ASIAD 2018 Bùi Thị Thu Thảo trong danh sách 75 tuyển thủ được triệu tập phản ánh quyết tâm của điền kinh Việt Nam trong việc bảo vệ ngôi số 1 tại kỳ SEA Games sẽ diễn ra trên sân nhà giữa năm 2022. Phá thế độc tôn của Thái Lan kéo dài suốt nhiều thập kỷ để đứng đầu khu vực 2 kỳ đại hội liên tiếp, điền kinh Việt Nam hơn bao giờ hết đang khát khao hướng đến việc thiết lập cú hat-trick chiến tích chói sáng này trên sân nhà, đồng thời nhắm đến mục tiêu xa tại Á vận hội (ASIAD) 19.
Bình Định quyết thành ngựa ô V-League
CLB Topenland Bình Định vừa tổ chức lễ ký kết và ra mắt đến 12 bản hợp đồng mới trước thềm mùa giải 2022. Bên cạnh đó, đội bóng đất võ còn công bố việc gia hạn hợp đồng với hậu vệ Hồ Tấn Tài lên đến 5 năm, bắt đầu từ mùa giải 2022 đến hết mùa 2026. Với sự "chống lưng" đến từ Tập đoàn Hưng Thịnh qua gói đầu tư 300 tỉ đồng kéo dài 3 năm, Topenland Bình Định nhanh chóng thu hút được hàng loạt ngôi sao đã thành danh ở V-League về đầu quân.
-Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 11/1 đưa tin:
Bóng đá Việt Nam: Hướng tới nhiều mục tiêu quan trọng
Đại hội thường niên Liên Đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khóa VIII vừa khép lại với sự thay đổi vị trí người đứng đầu. Ông Trần Quốc Tuấn được bầu làm Quyền Chủ tịch VFF. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam kỳ vọng, chặng đường phía trước của bóng đá Việt sẽ gặt hái được nhiều thành công. Đầu tư bài bản, dài hơi cho lứa trẻ là lộ trình mà VFF đã vạch ra thực hiện nhằm tạo sự kế thừa, phát triển cho bóng đá Việt hướng tới mục tiêu tham dự World Cup trong tương lai.
V-League 2022: Kỳ vọng khởi sắc
V-League 2022 đã chính thức được ấn định ngày khởi tranh cũng như suất xuống hạng. Cùng với đó, việc Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam (VFP) thay máu sau phiên đại hội đồng cổ đông bất thường vừa qua hứa hẹn sẽ đem lại nhiều đổi thay cho tổ chức điều hành 3 giải đấu lớn nhất bóng đá Việt Nam. Theo VPF, tiền thưởng cho đội vô địch V-League 2022 là 3 tỷ đồng, đội á quân nhận 1,5 tỷ đồng và đội thứ ba nhận 750 triệu đồng. Theo Điều lệ giải Vô địch quốc gia 2022, tiền thưởng cho các đội dẫn đầu không khác so với mùa giải trước.
Liên đoàn Bóng đá: Giải Vô địch quốc gia có 1 suất xuống hạng
Liên đoàn bóng đá thống nhất Giải Vô địch quốc gia có 1 suất xuống hạng, Giải hạng Nhất quốc gia có 2 suất lên hạng và 1 suất xuống hạng, Giải hạng Nhì quốc gia có 2 suất lên hạng. Số lượng đội xuống thi đấu giải hạng Ba và số lượng đội giải hạng Ba lên thi đấu giải hạng Nhì sẽ xin ý kiến Ban Chấp hành quyết định, trên cơ sở đánh giá và đề xuất của bộ phận điều hành.
4.Lĩnh vực Gia đình
- Báo Văn hóa ngày 10/1 đưa tin: "Từ ngày 1.1.2022 nếu thấy trẻ em bị bạo lực, xâm hại mà không tố cáo: Sẽ bị xử phạt" cho biết: Từ trước đến nay, nhiều bậc phụ huynh đánh trẻ, phạt trẻ bằng roi vọt rồi biện minh đó là để dạy dỗ trẻ, nhưng chưa có chế tài xử phạt nên cơ quan chức năng khó xử lý. Tuy nhiên, Nghị định 130 NĐ/CP ngày 30.12.2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em ra đời và có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 sẽ chấm dứt những biện minh này và từ đó thay đổi quan niệm và cách dạy trẻ bằng bạo lực. Cũng theo Cục trưởng Cục Trẻ em, vì trẻ không có khả năng tự bảo vệ được nên mọi nghi ngờ cần được phát hiện ngay nhưng từ trước đến nay, bố đánh con thì vợ khó có thể tố cáo; con trai, con dâu đánh cháu, ông bà cũng khó tố cáo vì không có quy định bắt buộc. Do đó, Nghị định 130 ra đời sẽ chấm dứt sự không tố cáo, che giấu này. Đã đến lúc không thể nói đánh con để dạy con, vì dạy con có nhiều cách, cứ gì phải đánh trẻ.