Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 5/1/2022
05/01/2022 | 16:527 địa phương được thí điểm đón khách du lịch quốc tế ; Không tổ chức trận Siêu Cúp Quốc gia 2021; Hà Nội có 71 nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
-Báo Hà Nội mới ngày 5/1 đưa tin:
Hà Nội có 71 nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố đề nghị xét danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Danh sách gồm 71 hồ sơ xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" và 600 hồ sơ xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú".
''Đất rừng phương Nam'' sắp có bản phim truyện điện ảnh
Ngày 4-1, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cùng ê kíp sản xuất công bố tìm kiếm tài năng mới cho các vai diễn trong phim "Đất rừng phương Nam" bản điện ảnh, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi. Tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim truyền hình năm 1997 và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Dự án phim điện ảnh được ấp ủ từ 5 năm trước.
- Báo Văn hóa ngày 4/1 đưa tin:
Nhiều nguồn lực cho công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế
Từ đầu năm 2022, một số cơ chế, chính sách đặc thù sẽ được áp dụng cho tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có nhiều chính sách quan trọng cho công tác bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di sản; làm cơ sở, nền tảng vững chắc để phát triển Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng văn hóa… Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin rằng, hiện nay tỉnh đã vận hành nội dung của cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã thông qua. Riêng việc thành lập và vận hành Quỹ Bảo tồn di sản thì phải có Nghị định, hiện tỉnh đang phối hợp với các Bộ, ngành hoàn chỉnh dự thảo trình Chính phủ.
Một gia tộc hiến đất mở rộng không gian kết nối di tích
Những ngày đầu năm mới 2022, câu chuyện gia tộc Trần Đức ở phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) hiến tặng đất, công trình kiến trúc tại Khu tưởng niệm Cống quận công Trần Đức Hòa cho Nhà nước sử dụng, quản lý vào giữa tháng 12.2021 đã lan tỏa hình ảnh đẹp, đúng chủ trương vận động xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích... Việc hiến tặng đất của gia tộc Trần Đức với mục đích mong muốn sẽ phục dựng, tôn tạo quần thể di tích đền thờ Đào Duy Từ và mộ Cống quận công Trần Đức Hòa. Có lẽ đây là lần đầu tiên một gia tộc tại địa phương giàu tâm huyết, đồng lòng cùng Nhà nước chung sức mở thêm không gian để phát huy giá trị di tích, đặc biệt góp phần tôn tạo, bảo vệ các giá trị di tích trên địa bàn.
Chuyển mình và cất cánh từ chuyển đổi số
Giữa khó khăn, u ám bởi đại dịch Covid-19, năm 2021 khép lại với dấu ấn nổi bật về câu chuyện chuyển đổi số tại nhiều Bảo tàng - di tích cũng như các hoạt động văn hóa nghệ thuật… Không quá khi cho rằng, 2021 là năm của chuyển đổi số bởi những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã trở thành "cứu cánh" để các Bảo tàng thoát khỏi tình trạng đìu hiu và cũng khiến những nhà hát online liên tục "đỏ đèn"... Hơn khi nào hết, chuyển đổi số đã đang đem đến cho người đương thời một niềm tin mãnh liệt về cách để chúng ta cùng thích ứng, vượt qua và phục hồi sau đại dịch.
Văn hóa - nghệ thuật khởi sắc đầu năm mới
Ba suất diễn của chương trình nghệ thuật À Ố Show tại Nhà hát TP.HCM đã mở màn ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2022, cùng với đó, các dự án sắp ra mắt phục vụ khán giả cũng đã được "đặt gạch", hứa hẹn cho sự khởi sắc sau quãng thời gian dài phải tạm ngừng vì dịch bệnh. Có thể nói, sự trở lại của À Ố Show đã phần nào thỏa mãn "cơn khát" nghệ thuật của công chúng, đặc biệt là những show diễn trực tiếp, có chất lượng. Đáng chú ý, mới đây tác phẩm Xiếc tre À Ố Show đã được trao tặng giải Nhất - Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần 2 năm 2021 càng khiến khán giả háo hức mong chờ.
- Báo điện tử Người Lao động ngày 5/1 đưa tin:
Ca nhạc cuối năm dần trở lại
Các chương trình ca nhạc cuối năm đã có những dấu hiệu hồi sinh, song vẫn chưa thể rộn ràng, náo nhiệt như mấy năm trước đại dịch, mọi sự chuẩn bị còn khá dè chừng. Đêm nhạc Đức Trí với tên gọi "Nỗi yêu bé dại" nằm trong chuỗi The show Vietnam, với các giọng ca Uyên Linh, Lê Hiếu, Thùy Chi và Hoàng Yến Chibi sẽ "mở màn" năm 2022 (ngày 15-1) bằng trải nghiệm âm nhạc đầy nồng nàn.
Kịch xã hội hóa miền Bắc tìm lối đi mới
Sau đại dịch, ngành sân khấu sa sút lại còn thêm hẩm hiu, sàn diễn xã hội hóa ở phía Bắc với hạt nhân nòng cốt là Sân khấu Lệ Ngọc đã tìm lối đi riêng để đến với khán giả. Nếu phía Nam có Huỳnh Anh Tuấn, Thành Hội - Ái Như, Hồng Vân, Trần Đại, Mỹ Uyên… là những nhà sản xuất kịch xã hội hóa có nhiều kinh nghiệm "chinh chiến" trong việc điều hành, giữ cho sàn diễn sáng đèn thì Hà Nội đã có Lệ Ngọc, Trần Lực đang "chiến đấu" để giữ cho mô hình kịch xã hội hóa tồn tại.
Tăng sức hấp dẫn cho phim điện ảnh
Trong lúc phim truyền hình nỗ lực tăng sức hấp dẫn bằng các clip hậu trường, video clip tóm tắt, cắt riêng các cảnh quay cao trào mỗi tập… thì điện ảnh cũng không kém với những hoạt động bên lề, những sự kiện quảng bá riêng, dài hơi, để thu hút sự chú ý của khán giả. Tất cả góp phần nỗ lực đưa thông tin, hình ảnh phim đến với khán giả nhanh nhất và gợi nhớ lâu nhất có thể.
- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 5/1 đưa tin:
Chuyên gia: Hà Nội cần xem xét lại việc tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán 2022
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại thủ đô vẫn đang diễn biến rất phức tạp, chuyên gia dịch tễ cho rằng Hà Nội không nên cho phép tổ chức các lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán. Trong Chỉ thị số 26 ngày 28/12/2021 về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, UBND TP Hà Nội đã cho phép tổ chức lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhưng phải đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
TP HCM: Dịch vụ karaoke chính thức được hoạt động trở lại từ 10/1
Ngày 4/1, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức ký văn bản khẩn cho phép các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, câu lạc bộ khiêu vũ, massage được phép hoạt động trở lại từ 10/1/2022. Theo văn bản này, các cơ sở phải đảm bảo bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch của UBND TP HCM. Các địa phương thẩm định, cho phép hoạt động và kịp thời điều chỉnh hoạt động theo cấp độ dịch của từng địa phương.
Ngành xuất bản chủ động thích ứng
Dịch bệnh Covid-19 tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống, xã hội, ngành xuất bản cũng không ngoại lệ. Từng làn sóng của đợt dịch Covid-19 bùng nổ là những lần ngành xuất bản đối mặt đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, nhân viên làm việc từ xa, mọi hoạt động dường như bị "đóng băng". Sau thời gian giãn cách, các nhà sách trong nước dần thích nghi với hoàn cảnh, đối mặt với dịch bệnh, chủ động hội nhập để phục vụ bạn đọc nếu tình hình dịch vẫn còn tiếp diễn.
2.Lĩnh vực Du lịch
- Báo Văn hóa, báo Tin tức và nhiều báo khác ngày 5/1 đưa tin: "Thêm hai địa phương được thí điểm đón khách du lịch quốc tế trở lại" cho biết: Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các bộ và UBND các tỉnh, thành phố liên quan, thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về đối tượng tham gia Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Văn bản nêu rõ, xét đề nghị của Bộ VHTTDL, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh có ý kiến: các bộ gồm VHTTDL, Y tế, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông và UBND TP.HCM, Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Bình Định cùng các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao tiếp tục chủ động, triển khai thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bảo đảm an toàn, hiệu quả. Như vậy, TP HCM và Bình Định là hai địa phương tiếp theo được thí điểm đón khách du lịch quốc tế; sau các tỉnh Kiên Giang, Quảng Nam, Khánh Hòa, TP. Đà Nẵng và Quảng Ninh.
-TTXVN ngày 5/1 đưa tin:
Điều chỉnh cục bộ các phân khu chức năng Khu di tích lịch sử Đền Hùng
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định 2260/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh cục bộ các phân khu chức năng của Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025. Mục tiêu điều chỉnh nhằm phát triển các sản phẩm du lịch trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương, đưa Khu di tích lịch sử Đền Hùng trở thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia.
Cao nguyên đá Đồng Văn được nhiều du khách lựa chọn trong dịp nghỉ lễ
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, dịp nghỉ lễ Tết dương lịch 2022: Sau một thời gian vắng bóng do dịch COVID-19 kéo dài, dịp nghỉ Tết dương lịch năm nay (chỉ tính từ ngày 30/12/2021 đến ngày 4/1) mặc dù diễn ra trong điều kiện không thuận lợi, thời tiết giá lạnh, mưa phùn và sương mù, nhưng hàng nghìn du khách đã đến thăm quan Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
-Báo Hà Nội mới ngày 5/1 đưa tin: Trải nghiệm ''Hương xuân vùng cao'' tại ''Ngôi nhà chung'' cho biết: Từ ngày 1 đến 31-1-2022, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng năm mới với chủ đề "Hương xuân vùng cao". Chương trình "Hương xuân vùng cao" thu hút gần 100 đồng bào từ cộng đồng các dân tộc Việt Nam, về "Ngôi nhà chung" để giới thiệu, quảng bá các nghi lễ, phong tục, tập quán độc đáo, như: Giới thiệu tinh hoa nghề thủ công truyền thống; tái hiện lễ Hạn Khuống của đồng bào dân tộc Thái; hoạt động chuẩn bị, trang trí không gian đón Tết; tổ chức "Bữa cơm đoàn viên" của các dân tộc...
-Báo Nhân Dân ngày 5/1 đưa tin: Chủ động xây dựng sản phẩm du lịch" cho biết: Những đợt dịch Covid-19 bùng phát liên tiếp đã khiến du lịch thường xuyên phải đối mặt tình trạng đóng-mở bất thường. Song cũng chính đại dịch đã mang đến cơ hội buộc ngành công nghiệp không khói phải thay đổi nhận thức để tìm cách thích ứng an toàn. Trong đó, nâng cao sự chủ động, linh hoạt trong xây dựng, cung ứng sản phẩm du lịch phù hợp tình hình mới được coi là khâu then chốt để từng bước phục hồi du lịch.
-Báo điện tử VOV ngày 5/1 đưa tin:
Khách quốc tế đến nhỏ giọt, các hãng lữ hành nói gì?
Theo nhận định từ hãng lữ hành nước ngoài, các quy định về cách ly sẽ khiến khách quốc tế nản lòng. Thêm vào đó, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu khi so sánh với các quốc gia trong khu vực. Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, ước tính số liệu khách du lịch quốc tế cả năm 2021 đến Việt Nam chỉ đạt 3.500 lượt. Đây là con số thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Một số doanh nghiệp lữ hành Hàn Quốc và Nhật Bản cho rằng các quy định quá chặt chẽ khiến không ít du khách nước ngoài không muốn đến Việt Nam.
Dịp Tết Dương lịch, nhiều nơi đón khách bằng cả tháng
Kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2022 diễn ra dài ngày, giúp nhiều điểm đến trên cả nước đón lượng khách tăng đột biến. Có nơi chỉ trong ít ngày thu hút lượng khách bằng cả tháng trước đó. Những ngày đầu năm mới 2022, hoạt động du lịch sôi động tại nhiều điểm đến trên cả nước như Sa Pa, Hà Giang, Đà Lạt, Khánh Hòa, Phú Quốc… Nhiều địa phương đã tổ chức đón đoàn khách đầu tiên của năm 2022, trong đó một số nơi có du khách nước ngoài ghé thăm như Bắc Kạn, Quảng Bình, Khánh Hòa, Phú Quốc…
Du lịch Quảng Ninh đang "gượng dậy" để bước tiếp
Để giải quyết việc làm cho người lao động, nhiều doanh nghiệp du lịch phải chuyển hình thức kinh doanh. Đây cũng là cách người làm du lịch Quảng Ninh chia sẻ và đồng hành với nhau để vượt qua thử thách. Gần 2 năm dịch bệnh bùng phát, người làm du lịch Quảng Ninh đã xoay xở đủ nghề để kiếm sống, mưu sinh. Ban đầu các chủ doanh nghiệp, khách sạn lớn cố gắng duy trì bảo hiểm xã hội cho người lao động, bảo hiểm cho tàu du lịch nhưng sau 2 năm rệu rã với dịch Covid-19, họ đã phải bán bớt một phần hoặc tất cả tài sản để chuyển hướng kinh doanh khác hoặc tuyên bố phá sản.
Bắc Kạn kỳ vọng từ đột phá trong thu hút đầu tư
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định du lịch và chế biến nông, lâm sản trở thành mũi nhọn đột phá cho kinh tế địa phương. Gần đây, tỉnh Bắc Kạn có bước đột phá mạnh trong thu hút đầu tư. Chỉ trong 2 năm 2020-2021, số vốn đầu tư vào địa phương này chiếm hơn 60% tổng mức đầu tư của 25 năm tái lập tỉnh, đặc biệt là đã có sự dịch chuyển hướng đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh của địa phương là du lịch và nông lâm nghiệp.
-Báo Bình Định ngày 5/1 đưa tin: "Bình Định: Khơi nguồn tiềm năng văn hóa, du lịch Vân Canh" cho biết: Huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định có nhiều thác, suối đẹp, nhiều di tích lịch sử cấp tỉnh như Đồi Đá Huê, Ga Mục Thịnh, Đồn Lính Khố Xanh; cũng là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số có nền văn hóa truyền thống độc đáo từ trang phục, ẩm thực đến nghệ thuật diễn tấu cồng, chiêng, tấu đàn goong, trống kơtoang đối đáp… Đây là tiềm năng lớn để huyện đầu tư phát triển du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu đời sống văn hóa, nghề truyền thống của các dân tộc địa phương.
- Báo Lạng Sơn ngày 4/1 đưa tin: "Du lịch Lạng Sơn: Thích ứng an toàn trong tình hình mới" cho biết: Dịch COVID19 xuất hiện và bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay đã làm hoạt động du lịch của cả nước nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành du lịch tỉnh đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt ứng phó với dịch COVID19, vừa nỗ lực tái khởi động, thích ứng an toàn trong tình hình mới.
- Báo Đồng Tháp ngày 4/1 đưa tin: "Đồng Tháp: Các điểm du lịch đón khách trong điều kiện đảm bảo an toàn" cho biết: Sau thời gian dài "ngủ đông" vì dịch Covid-19, hiện nay các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã bắt đầu tái khởi động đón khách đến tham quan, lưu trú. Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, ngoài chuẩn bị các sản phẩm mới để phục vụ du khách, các cơ sở chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cơ sở. Đây được xem là điều kiện quan trọng để du lịch tỉnh tái phục hồi trong trạng thái bình thường mới.
3.Lĩnh vực Thể thao
-Báo Tin tức ngày 5/1 đưa tin: "Đội tuyển U23 Việt Nam tập trung từ ngày 5/1 với 23 cầu thủ" cho biết: Ngày 5/1, đội tuyển U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Đinh Thế Nam sẽ tập trung tập luyện để chuẩn bị tham dự Giải U23 Đông Nam Á 2022. Nhằm xây dựng lực lượng hướng tới SEA Games 2023, thành phần các cầu thủ được triệu tập chủ yếu thuộc lứa U21. Theo kế hoạch, đội tuyển U23 Việt Nam sẽ tập trung tập luyện tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Giải vô địch U23 Đông Nam Á 2022 sẽ diễn ra tại Campuchia từ ngày 14/2 đến ngày 26/2.
-Báo Hà Nội mới ngày 5/1 đưa tin:
Giải bóng đá Viettel mở rộng khởi động cho mùa giải 2022
Ngày 4-1-2022, Giải bóng đá Viettel mở rộng năm 2022 chính thức khởi tranh tại sân vận động Trung tâm Thể thao Viettel. Giải đấu có sự góp mặt của 4 đội bóng tại V.League: Câu lạc bộ (CLB) Hải Phòng, CLB Dược Nam Hà Nam Định, CLB Đông Á Thanh Hóa và CLB Viettel. Đây là một giải đấu hấp dẫn khởi đầu cho mùa bóng mới.
Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội chiêu mộ tiền đạo người Croatia
Ngày 4-1-2022, Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Hà Nội hoàn tất thủ tục chiêu mộ tiền đạo Josip Ivancic, với bản hợp đồng kéo dài 2 năm. Chân sút người Croatia sẽ nhận trọng trách lớn trên hàng công đội bóng Thủ đô ở mùa giải tới. Tiền đạo sinh năm 1991 sẽ khoác áo số 22. Với chiều cao lên tới 1m93, ngoài vị trí trung phong cắm, cầu thủ đến từ châu Âu cũng có thể trở thành một tiền đạo cánh trái trong sơ đồ của huấn luyện viên Park Choong Kyun.
-Báo Nhân Dân ngày 5/1 đưa tin:
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam hướng tới Asian Cup 2022
Ðội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã sang Tây Ban Nha tập huấn, chuẩn bị cho vòng chung kết Cúp bóng đá nữ châu Á 2022 (Asian Cup 2022) sẽ diễn ra tại Ấn Ðộ vào giữa tháng này. Mặc dù đã tập trung lên đội tuyển nhiều gương mặt trẻ, nhưng huấn luyện viên Mai Ðức Chung vẫn phải thận trọng dựa vào các cầu thủ dày dạn kinh nghiệm. Trước chuyến tập huấn tại Tây Ban Nha, huấn luyện viên Mai Ðức Chung đã tập trung lên đội tuyển một số cầu thủ trẻ đã thể hiện được khả năng ở giải vô địch quốc gia năm 2021.
Bàn thắng của Tiến Linh nằm trong danh sách bình chọn Bàn thắng đẹp nhất AFF Cup 2020
Với cú dứt điểm vào lưới Campuchia nâng tỷ số lên 2-0, Nguyễn Tiến Linh là cầu thủ tiếp theo của đội tuyển Việt Nam tạo dấu ấn tại giải vô địch hàng đầu Đông Nam Á khi có tên trong danh sách bình chọn Bàn thắng đẹp nhất AFF Cup 2020. Giải Vô địch AFF Suzuki Cup 2020 đã kết thúc với 88 bàn thắng được ghi sau 26 trận đấu tại Singapore. Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) đã lựa chọn 10 bàn thắng đẹp nhất của giải và Tiến Linh đã có tên trong danh sách này.
Thi đấu giao hữu: Đội tuyển nữ Việt Nam hòa CLB La Solana
Huỳnh Như và các cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vừa có trận đấu giao hữu thứ hai gặp câu lạc bộ nữ La Solana, trong thời gian đội tập huấn tại Tây Ban Nha, chuẩn bị cho Vòng chung kết Asian Cup 2022. Kết quả chung cuộc, hai đội hòa nhau không bàn thắng sau 90 phút đầy kịch tính.
-Báo điện tử VOV ngày 5/1 đưa tin:
Viettel FC ký hợp đồng cùng cựu HLV thể lực của ĐT Việt Nam
Cựu HLV thể lực của ĐT Việt Nam Bae Jiwon vừa chính thức trở thành nhân sự mới của Viettel FC với bản hợp đồng 2 năm. Chia sẻ sau khi chính thức gia nhập Viettel FC, HLV thể lực Bae Jiwon cho biết: "Tôi nhận được những lời mời từ các đội bóng khác, nhưng lời đề nghị từ Viettel FC khiến tôi thấy thuyết phục hơn cả. Đây là đội bóng có thành tích tốt, hệ thống đào tạo và cơ sở hạ tầng lý tưởng. Trở thành HLV thể lực Viettel là một thử thách mới dành cho tôi khi đội bóng đang là nhà đương kim vô địch của V-League. Và mục tiêu của tôi là giúp đội bóng tiếp tục có được danh hiệu này".
Không tổ chức trận Siêu Cúp Quốc gia 2021
Thông tin từ VPF cho biết, trận đấu Siêu Cúp bóng đá Quốc gia 2021 sẽ không được tổ chức như thông lệ các mùa giải trước. Theo thông lệ của bóng đá Việt Nam suốt hơn 20 năm qua, trận Siêu Cúp bóng đá Quốc gia sẽ là trận đấu đánh dấu sự bắt đầu của mỗi mùa giải. Đây là cuộc đọ sức giữa đội vô địch V-League và đội giành Cúp Quốc gia mùa giải trước đó.
U23 Thái Lan có "quân xanh" chất lượng trước ngày đấu U23 Việt Nam
U23 Thái Lan sẽ có 2 trận giao hữu quốc tế với U23 UAE tại Bangkok trước khi tham dự giải U23 Đông Nam Á 2022. Theo thông tin từ LĐBĐ Thái Lan (FAT), đội U23 Thái Lan sẽ có 2 trận giao hữu quốc tế với U23 UAE tại Bangkok trước khi tham dự giải U23 Đông Nam Á 2022 ở Campuchia. Các trận giao hữu giữa U23 Thái Lan và U23 UAE sẽ được tổ chức trên sân đấu của CLB Pathum United vào các ngày 27 và 30/1.
- Báo điện tử Người Lao động ngày 5/1 đưa tin:
Khôi phục giải đấu "niềm tự hào đất Võ"
Từ ngày 5 đến 9-1, 4 CLB giàu tham vọng ở V-League là Topenland Bình Định, HAGL, SHB Đà Nẵng và B.Bình Dương sẽ tranh Cúp Hoàng đế Quang Trung, giải đấu đã vắng bóng 14 năm. Chiều 4-1, Ban Tổ chức Giải Bóng đá giao hữu Cúp Hoàng đế Quang Trung đã tổ chức họp kỹ thuật cũng như chia sẻ thông tin về giải đấu. Ngày 5-1, giải sẽ khởi tranh với hai cặp đấu B.Bình Dương gặp HAGL lúc 16 giờ và đặc biệt là trận đấu giữa chủ nhà Topenland Bình Định với SHB Đà Nẵng vào lúc 18 giờ 30 phút (Onsport trực tiếp cả hai trận đấu).
Bóng chuyền Việt Nam ngóng ngoại binh
Sau gần 10 năm đóng cửa với ngoại binh, bóng chuyền Việt Nam gần như chắc chắn sẽ được phép thuê vận động viên (VĐV) nước ngoài trở lại kể từ mùa giải 2022. Khả năng VĐV ngoại được bật đèn xanh để thi đấu tại Giải Vô địch bóng chuyền quốc gia đến thời điểm này đã nhận được sự đồng tình của số đông các thành viên Ban Thường vụ Liên đoàn Bóng chuyền (LĐBC) Việt Nam khóa VII.
HLV Kiatisuk muốn gọi 7 tuyển thủ hội quân đá cúp Hoàng đế Quang Trung
Chia sẻ trước ngày khởi tranh cúp Hoàng đế Quang Trung, HLV Kiatisuk muốn nhóm Công Phượng, Minh Vương, Xuân Trường nghỉ ngơi ít ngày trước khi hội quân để thi đấu ở Bình Định. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các trận đấu diễn ra trong các ngày 5, 7 và 9-1 sẽ không bán vé cho khán giả vào sân.
4.Lĩnh vực Gia đình
-Báo Hà Nội mới ngày 5/1 đưa tin: "Nhiều hoạt động hỗ trợ thanh, thiếu nhi dịp Tết Nhâm Dần" cho biết: Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 471-KH/TƯĐTN-CNĐT ngày 30-12-2021 về việc tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ thanh, thiếu nhi, người dân nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và chương trình "Xuân biên giới - Tết biển đảo" năm 2022.
Theo đó, đợt hoạt động tập trung trong tháng 1-2022, gồm các hoạt động nổi bật, như: Chăm lo, hỗ trợ thiếu nhi, thanh niên công nhân, người lao động, sinh viên, cán bộ Đoàn, Hội có hoàn cảnh khó khăn; chăm lo, hỗ trợ Tết cho người dân, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên tiêu biểu; tổ chức chuỗi hoạt động "Xuân biên giới - Tết biển đảo", thăm tặng quà cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, hải quân…Đáng chú ý là chương trình "Hỗ trợ sinh viên về quê đón Tết" năm 2022 sẽ trao tặng 5.000 vé xe ô tô cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; trao tặng 1.000 suất quà Tết cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Chương trình "Chuyến xe yêu thương đưa bệnh nhân về quê ăn Tết", thuê xe hỗ trợ 2.000 bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị nội trú tại Bệnh viện K (thành phố Hà Nội) về quê ăn Tết, đồng thời hỗ trợ nhu yếu phẩm và kinh phí...