Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 28/12/2021

28/12/2021 | 14:55

Khai mạc Ngày hội Văn hóa đọc TP Hồ Chí Minh năm 2021 bằng hình thức trực tuyến; Hấp dẫn tranh vô địch Giải U21 quốc gia 2021; Bình Thuận tìm giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

-TTXVN ngày 28/12 đưa tin:

Hiệu quả từ những lớp học cồng chiêng

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh chóng cùng sự bùng nổ của mạng xã hội, điện thoại thông minh, thế hệ trẻ không còn nhiều mặn mà với nghệ thuật truyền thống này. Xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng đóng vai trò quan trọng, các nghệ nhân cồng chiêng tại Kon Tum đã nỗ lực mở lớp dạy cồng chiêng, múa xoang cho các bạn trẻ.

Mang tư liệu lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa đến với người dân vùng cao Quảng Trị

Ngày 27/12, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Đakrông phối hợp tổ chức triển lãm lưu động bản đồ và trưng bày tư liệu về chủ đề "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" tại Nhà Văn hóa truyền thống dân tộc Vân Kiều - Pa Kô huyện Đakrông, ở thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông (Quảng Trị). Triển lãm giới thiệu nhiều ấn phẩm bao gồm tư liệu bản đồ, văn bản, hình ảnh về chủ quyền biển đảo của Việt Nam được thu thập trong nước và các nước trên thế giới; nhiều châu bản triều Nguyễn, thư tịch cổ, văn bản Hán Nôm...

- Báo Nhân Dân ngày 28/12 đưa tin:

Vai trò của văn hóa, con người đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển ở Việt Nam và Lào

Việt Nam và Lào đều có nền văn hóa thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc anh em với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học. Thực tiễn phát triển của hai nước trong thời kỳ đổi mới đã khẳng định vị thế quan trọng của văn hóa và con người trong chiến lược phát triển quốc gia, đó vừa là nguồn lực trực tiếp cho sự phát triển đất nước, vừa là giá trị của sự phát triển.

Triển lãm 37 tác phẩm của nhóm họa sĩ Hiện Thực

Ngày 27/12, triển lãm "Nhóm Hiện Thực+" mở cửa đón khách tham quan tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), giới thiệu đến công chúng 37 tác phẩm với đề tài đa dạng. Cuộc triển lãm này hình thành trong lúc dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa kết thúc, các họa sĩ chỉ gặp nhau trực tuyến và dành phần lớn thời gian vào sáng tác. Có lẽ vì vậy mà những tác phẩm lần này được đầu tư nhiều thời gian hơn, và các họa sĩ cũng thỏa mãn phần nào về mức độ hoàn thiện tác phẩm.

- Báo Văn hóa ngày 27/12 đưa tin:

Những dấu tích mở đường khôi phục Kinh đô cổ

Sau 10 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (2011-2021), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) đã bảo tồn, phát huy giá trị vốn có, thực hiện nhiều cuộc khai quật và đã tìm thấy nhiều dấu tích quan trọng. Cuộc khai quật từ năm 2020 đến nay được đánh giá là cuộc khai quật có quy mô lớn với diện tích 25.000m2. Những dấu tích tìm thấy có giá trị to lớn, khẳng định các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Thành nhà Hồ đã được UNESCO vinh danh. Theo các nhà khoa học, đây là những phát hiện quan trọng có giá trị mở đường cho các dự án khôi phục lại khu di sản.

Phát triển tiếp nối di sản đô thị thích ứng với đổi mới sáng tạo

Quảng bá và giữ gìn di sản sao cho phù hợp với cuộc sống đương đại, đồng thời giữ vững các bản sắc văn hóa của thành phố nghìn năm tuổi, duy trì và phát triển tiếp nối di sản đô thị là chủ đề thu hút sự quan tâm của những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo và yêu Hà Nội. Với những nỗ lực đó, hiện đã có những thành quả, trong đó, nhận thức của người dân ứng xử với di sản đô thị đã được nâng lên một bước, những ý tưởng sáng tạo đã được thể hiện thời gian qua tại không gian di sản thu hút sự quan tâm của cộng đồng, khách du lịch…

Xe thư viện lưu động: Lan tỏa văn hóa đọc đối với học sinh vùng sâu, vùng xa

Từ nhiều năm nay, xe thư viện lưu động của Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum đã tổ chức hàng chục chuyến xe lưu động phục vụ cho nhu cầu đọc sách của hàng chục nghìn em học sinh ở các địa phương vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh này. Theo thống kê của Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum, từ năm 2019 đến nay, xe ô tô thư viện lưu động đã tổ chức 60 chuyến xe lưu động phục vụ hơn 24 nghìn lượt bạn đọc là các em học sinh ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa ở các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Glei, Kon Plông và các cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn tỉnh.

Hội diễn Đàn, Hát dân ca 3 miền năm 2021: Những làn điệu đặc sắc mang tâm hồn Việt

Tối 26.12 tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), Hội diễn Đàn, Hát dân ca 3 miền năm 2021 đã khép lại với chương trình bế mạc và công diễn các tiết mục xuất sắc. Với sự tham gia hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của 23 đơn vị đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước; hội diễn là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá, bảo tồn những giá trị tinh hoa của các loại hình văn hóa nghệ thuật qua những làn điệu dân ca, ca dao, dân vũ, nhạc cụ dân tộc truyền thống của các vùng miền gắn với đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân.

Sôi nổi các hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng năm mới 2022

Nằm trong chuỗi những hoạt động chào đón năm mới 2022, kỷ niệm 25 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, nhiều chương trình văn hóa, thể thao đã được tổ chức sôi động, khích lệ tinh thần của người dân bước vào lao động, sản xuất. Triển lãm ảnh "Đà Nẵng - Thành phố của những cây cầu" do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức trưng bày, giới thiệu hơn 160 bức ảnh gồm 2 chủ đề: Đà Nẵng trước năm 1997 và Đà Nẵng - Thành phố của những cây cầu. Đây là những bức ảnh được Bảo tàng Đà Nẵng sưu tầm và do các nhiếp ảnh gia, các nhà báo và những người yêu mến Đà Nẵng đã trao tặng.

Nhộn nhịp làng phim chiếu mạng

Sau chuỗi ngày "tạm nghỉ" vì Covid-19, làng giải trí Việt đang nhộn nhịp trở lại với nhiều hoạt động sôi nổi. Riêng mảng phim chiếu mạng (web drama) đã có những bước "nhập cuộc" đầy hứng khởi qua hàng loạt dự án mới, hứa hẹn mang đến những bữa tiệc giải trí sinh động cho khán giả trong mùa lễ hội cuối năm. Có thể thấy, web drama có nhiều lợi thế so với các loại hình giải trí khác khi có thời lượng ngắn, việc quay dựng không phức tạp như phim truyền hình dài tập hay phim chiếu rạp nên được nhiều nhà làm phim chọn lựa làm bước khởi động sau giai đoạn nghỉ dài.

Nối dài sức sống của nghệ thuật Cải lương

Phát triển Cải lương như thế nào trong thời đại công nghệ 4.0 luôn là trăn trở của những người làm nghề, đặc biệt là câu chuyện đào tạo thế hệ kế cận. Mới đây, tại buổi tọa đàm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu Cải lương trong giai đoạn hiện nay do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Nhà hát, nhiều chuyên gia, nghệ sĩ, diễn viên đã nói lên tiếng lòng đau đáu của mình về sự "sống còn" của Cải lương trong bối cảnh đương đại.

- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 28/12 đưa tin:

Viết tiếp dòng chảy của nghệ thuật múa Việt Nam

Trong dòng chảy lịch sử, nghệ thuật múa cũng lắm thăng trầm. Để nghệ thuật múa lan tỏa sâu rộng đang cần những cơ chế, chính sách đầu tư trọng điểm và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực. Theo nhiều chuyên gia văn hóa, để nghệ thuật múa lan tỏa sâu rộng trong lòng khán giả và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người ra thế giới thì rất cần những cơ chế, chính sách đầu tư trọng điểm, thiết thực hơn nữa cho các tác phẩm, công trình giá trị.

Phim hoạt hình Việt Nam dần khẳng định vị thế

Phim hoạt hình có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của khán giả, đặc biệt là những khán giả nhỏ tuổi. Những năm gần đây, vị thế của thể loại phim này đã dần được khẳng định nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vốn có của nó. Mới đây, tại lễ trao giải Cánh diều 2020, ở thể loại phim hoạt hình đã đoạt giải Cánh diều Vàng với bộ phim "Truyền thuyết Gươm Thần" của đạo diễn, NSƯT Phùng Văn Hà.

- Báo Nhân Dân, báo Tuổi trẻ, báo Công Lý và nhiều báo khác ngày 28/12 đưa tin: "Ngày hội Văn hóa đọc TP Hồ Chí Minh năm 2021 được tổ chức trực tuyến" cho biết: Ngày 27/12, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày Lễ lớn TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa đọc TP Hồ Chí Minh năm 2021 bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường. Với chủ đề "Hành trình tri thức - Bừng sáng tương lai", Ngày hội Văn hóa đọc năm nay kéo dài từ ngày 27/12/2021 đến hết ngày 5/1/2022 bằng hình thức trực tuyến. không gian ngày hội được chia làm 15 khu vực, trong đó có các khu vực đáng chú ý như: Triển lãm biển đảo Việt Nam; truyền thống-dân gian Việt Nam; trò chơi dân gian Việt Nam và sân khấu múa rối nước; bảo tàng giới thiệu hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh; thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố và một số thư viện tiêu biểu trên địa bàn thành phố; không gian các nhà xuất bản, nhà sách, đường sách thành phố; Nhà hát thành phố; khu vực thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh; khu vực di sản văn hóa, booth thư viện điện tử thông minh...

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 28/12/2021 - Ảnh 1.

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Ngày hội Văn hóa đọc Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 - Ảnh: Báo Nhân Dân

2.Lĩnh vực Du lịch

-Báo điện tử VOV ngày 28/12 đưa tin:

Những bước tiến dài của du lịch Việt Nam trong năm 2021 bất chấp Covid-19

Năm 2021, dù khó khăn tiếp tục "bủa vây" nhưng ngành du lịch đã tiến những bước dài và chắc chắn trên chặng đường phục hồi. Những tín hiệu khởi sắc cùng lộ trình cụ thể mang đến nhiều hi vọng cho du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Bước sang năm 2022, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và xuất hiện các biến chủng là thách thức lớn cho ngành du lịch Việt Nam. Nhiều nước đã lo ngại và "thu hẹp" chương trình đón khách quốc tế, ví dụ như Thái Lan và Singapore. "Trong bối cảnh mới, du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng chớp thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế"

Vì sao Đà Nẵng vẫn chưa đón được khách quốc tế?

Sau gần 2 tháng thực hiện thí điểm mở cửa, Đà Nẵng vẫn chưa đón được đoàn khách quốc tế nào. Thực tế cho thấy Đà Nẵng còn nhiều khó khăn trong việc mở cửa du lịch. Là đơn vị lữ hành tham gia chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam sử dụng "hộ chiếu vaccine", công ty Vietnam TravelMART đã tổ chức đón 2 đoàn khách đầu tiên với hơn 150 người tới Quảng Nam vào ngày 17 và 18/11/2021. Tuy nhiên từ đó đến nay, công ty này không có thêm đoàn khách nào; dù trước đó đơn vị này dự kiến từ tháng 12 sẽ liên tục đưa khách quốc tế đến Đà Nẵng. Nguyên nhân được cho là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và những vướng mắc về các quy định phòng, chống dịch.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Bà Rịa-Vũng Tàu

Du khách đến với Bà Rịa-Vũng Tàu mỗi năm trung bình khoảng 15-16 triệu lượt, doanh thu bình quân trên 5.000 tỷ đồng/năm. Những con số trên cho thấy ngành du lịch đang khẳng định vị trí, vai trò là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Bà Rịa-Vũng Tàu. 5 năm qua, du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu luôn duy được tốc độ tăng trưởng khá và có đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Lượng khách du lịch tăng bình quân hơn 12,9% năm, tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân trên 15,9%/năm.

Đắk Lắk triển khai các chương trình phục hồi du lịch

Chiều 27/12, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp với các doanh nghiệp du lịch để trao đổi về các chương trình thu hút du khách, phục hồi ngành du lịch sau những ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Để phục hồi du lịch, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch, chương trình, biện pháp bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch Covid-19; tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp du lịch sớm ổn định, từng bước phục hồi. Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch với các tỉnh như Khánh Hòa, Đà Nẵng với các gói sản phẩm kích cầu du lịch. Tăng tối đa chất lượng sản phẩm với giá thành và dịch vụ phù hợp.

Ngân hàng Trung ương Ai Cập mở rộng sáng kiến hỗ trợ ngành du lịch thời Covid-19

Các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch hoan nghênh quyết định của Ngân hàng Trung ương Ai Cập gia hạn thời hạn hiệu lực của sáng kiến hỗ trợ lĩnh vực du lịch thêm một năm. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh ngành du lịch Ai Cập đang phải đối mặt với thách thức của đại dịch Covid-19 và sự xuất hiện các biến thể mới, tạo động lực phục hồi du lịch thông qua việc làm và tăng dự trữ ngoại hối. Ngân hàng Trung ương Ai Cập đã gia hạn thêm 6 tháng với các khoản vay với mục đích tiêu dùng và cho vay bất động sản của cá nhân và khách hàng làm việc trong lĩnh vực du lịch.

-TTXVN ngày 28/12 đưa tin:

Du lịch các dân tộc Việt Nam

Từ ngày 1 - 3/1/2022, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc chào đón năm mới 2022. Với chủ đề "Hương rừng, sắc núi", chương trình "Chào năm mới 2022" sẽ giới thiệu đến công chúng tinh hoa nghề thủ công truyền thống qua nét đẹp từ nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Bình Thuận tìm giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch

Chiều 27/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức Chương trình gặp gỡ, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp du lịch Bình Thuận và doanh nghiệp các thị trường trọng điểm, với sự tham dự của 30 doanh nghiệp, công ty lữ hành. Để khôi phục các hoạt động du lịch trở lại trạng thái bình thường mới, thông qua chương trình, tỉnh mong muốn tăng cường mối liên hệ, gắn kết, chia sẻ cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch đồng thời tìm kiếm giải pháp phục hồi và phát triển du lịch.

Khám phá vùng đất thép Củ Chi bằng tour xe đạp

Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và Bến Thành Tourist đã đưa vào hoạt động tour du lịch kích cầu có tên "Tour xe đạp – Ngày bình yên trên vùng Đất thép". Đây là 1 trong 6 tour du lịch được triển khai đầu tiên sau đợt dịch bệnh lần thứ tư nhằm kích cầu, khôi phục du lịch TP Hồ Chí Minh dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022. Lần đầu tiên sau đợt dịch bệnh COVID-19, du khách trải nghiệm đi xe đạp trên đoạn đường dài hơn 10 km xuyên qua những cánh đồng lúa xanh ngát hay các cánh rừng cao su, vườn cây ăn trái trĩu quả bằng tour du lịch mới có tên gọi "Tour xe đạp – Ngày bình yên trên vùng Đất thép".

- Báo Văn hóa ngày 27/12 đưa tin:

Hàng ngàn chuyên gia tham dự chuỗi hội thảo quốc tế về du lịch hậu Covid

Nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển ngành du lịch khách sạn vùng Úc – ASEAN sau đại dịch, một dự án quốc tế với chủ đề phục hồi du lịch sau Covid-19 đã được 3 trường đại học lớn tại Việt Nam và quốc tế triển khai cùng sự tham gia của hàng ngàn chuyên gia. Hội thảo đặt ra kì vọng về các giải pháp hồi phục sau những tổn thương do Covid tác động tới ngành du lịch. Dự án do trường Đại học VinUni, Đại học Griffih (Úc) và Đại học Petra (Indonesia) thực hiện, dưới sự tài trợ của Hội đồng Úc – ASEAN (Australia – ASEAN Council). Dự án tập trung vào hướng tìm giải pháp xây dựng hệ thống liên kết vùng Úc – ASEAN và tăng cường hợp tác ba bên (Chính phủ, Doanh nghiệp và Nhà nghiên cứu) giữa Úc và các nước ASEAN nhằm phục hồi du lịch hậu Covid-19.

Ẩm thực đặc sắc giúp định vị hình ảnh du lịch Việt Nam

Du khách quốc tế yêu thích món ăn Việt bởi sự cân bằng mùi vị và hài hòa về dinh dưỡng, nhiều rau xanh, không chất béo, mỗi món lại có nước chấm riêng biệt theo vùng miền. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 hướng đến một mục tiêu quan trọng là phấn đấu có từ một đến ba thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở nhiều lĩnh vực, trong đó có ẩm thực…Khai thác giá trị ẩm thực cũng là một mục tiêu quan trọng của Đề án định vị thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam.

Chuẩn bị cho thời điểm đón khách

Ngành du lịch TP Đà Nẵng đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì hoạt động, khôi phục thị trường, trong đó các cơ sở lưu trú, khu/điểm du lịch được lựa chọn đã sẵn sàng đón khách quốc tế. Sở Du lịch TP cho biết đơn vị đã thành lập Tổ công tác kiểm tra xét chọn doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đủ điều kiện tham gia thí điểm phục vụ khách du lịch quốc tế đến thành phố Đà Nẵng; tiếp nhận thông tin đăng ký tham gia chương trình thí điểm đón khách quốc tế; thẩm định, xét chọn các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đăng ký đón và phục vụ khách du lịch quốc tế.

Lâm Đồng: Du Khách nhộn nhịp trở lại Đà Lạt dịp Tết Dương lịch

Sau nhiều tháng "ngủ đông" vì dịch Covid-19, TP. Đà Lạt đã sôi động, nhộn nhịp trở lại khi khách du lịch từ nhiều tỉnh, thành trở lại tham quan, nghỉ dưỡng. Theo dự báo vào những ngày cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Dương lịch du khách sẽ đến Đà Lạt tham quan rất đông, công suất phòng nghỉ khách sạn đạt ở mức cao. các khách sạn từ 3-5 sao trên địa bàn TP. Đà Lạt đề cho rằng: Lượng khách đặt phòng lưu trú trong dịp Tết Dương lịch đã đạt từ 50%-70% công suất. Do dịp cuối năm và Tết Dương lịch thời tiết Đà Lạt khá đẹp, các loài hoa mai anh đào, dã quỳ, cỏ hồng …bung nở kháp nơi thu hút khách đến tham quan.

Phát triển sản phẩm du lịch tuyến "Tam Đường - Thành phố Lai Châu - Phong Thổ"

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III, năm 2021, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Tọa đàm: Đánh giá sản phẩm, dịch vụ du lịch tuyến Tam Đường - thành phố Lai Châu - Phong Thổ (tỉnh Lai Châu)-nơi sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Lãnh đạo tỉnh mong muốn tỉnh Lai Châu sẽ nhận được những ý kiến đóng góp, chia sẻ thẳng thắn của Tổng cục Du lịch, các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp lữ hành, để du lịch Lai Châu có thể đạt được mục tiêu tạo ra sản phẩm mới hội tụ đầy đủ các yếu tố "đặc thù, hấp dẫn, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường" và đến năm 2030 đón trên 5 triệu lượt khách du lịch.

3.Lĩnh vực Thể thao

-TTXVN ngày 28/12 đưa tin: "Thất bại của đội tuyển Việt Nam và cơ hội để HLV Park Hang-seo 'làm mới' đội hình" cho biết: Chỉ thua đúng 2 bàn trong cả hành trình trên đất Singapore nhưng phải nói lời chia tay với giải đấu, đây có lẽ là kịch bản mà HLV Park Hang-seo không nghĩ tới khi cùng đội tuyển Việt Nam bước vào hành trình bảo vệ ngôi vị vô địch. Nhưng có lẽ, thất bại trước Thái Lan tại vòng bán kết cũng là một kinh nghiệm quý báu để chiến lược gia người Hàn Quốc nhìn ra được đâu là những vấn đề của đội tuyển, khi mà chúng ta vẫn còn những trận đấu được khán giả nước nhà mong chờ tại vòng loại World Cup 2022, rồi cả AFF Cup 2022 vào năm sau.

-Báo Hà Nội mới ngày 28/12 đưa tin:

Đội tuyển Việt Nam chia tay bác sĩ Choi Ju-young và trợ lý Kim Tae-min sau AFF Cup 2020

Kết thúc AFF Suzuki Cup 2020, đội tuyển Việt Nam cũng nói lời chia tay với 2 chuyên gia người Hàn Quốc là bác sĩ Choi Ju-young và trợ lý huấn luyện viên Kim Tae-min. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đánh giá cao sự tận tâm và những đóng góp của bác sĩ Choi Ju-young trong hành trình của đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam những năm qua.

Thế vận hội mùa đông 2022: Nỗ lực cải thiện chất lượng không khí

Thế vận hội mùa đông 2022 là cơ hội để Trung Quốc đẩy mạnh các nỗ lực về môi trường. Dù chất lượng không khí đã được cải thiện kể từ khi giành quyền đăng cai nhưng nguy cơ khói bụi vào mùa đông vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho biết, thành phố Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc sẽ được hướng dẫn áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường hợp lý theo quy định của pháp luật.

- Báo Văn hóa ngày 27/12 đưa tin:

Ông Nguyễn Văn Cựu làm Chủ tịch Liên đoàn Bowling Việt Nam

Đại hội thành lập Liên đoàn Bowling nhiệm kỳ I (2021-2025) vừa được tổ chức tại Hà Nội. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển môn Bowling ở Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang chuẩn bị tổ chức SEA Games 31. Tại Đại hội, trên cơ sở đánh giá, tổng kết thực trạng của phong trào Bowling tại Việt Nam, các đại biểu đã thống nhất đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ I là phát triển phong trào Bowling rộng khắp cả nước; Phấn đấu trên 10 tỉnh, thành có lực lượng tham gia thi đấu giải hàng năm; Phát triển phong trào Bowling ở các lứa tuổi trẻ, học sinh.

Trung tâm Doping và Y học thể thao: Hòa nhịp cùng thể thao thế giới

Trong khoảng thời gian từ năm 2003 khi SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam tới nay, vi phạm Doping trong thể thao luôn là nỗi lo thường trực ám ảnh VĐV, HLV và các cán bộ ngành thể thao. Trước yêu cầu của thực tiễn và để đảm bảo cho thể thao Việt Nam (TTVN) có những bước tiến mạnh mẽ hòa nhịp cùng thể thao thế giới, Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam đã được thành lập theo Quyết định số 2469/QĐ-TTg ngày 28.12.2011 của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua 10 năm xây dựng và trưởng thành, Trung tâm đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng giúp TTVN triển khai công tác kiểm tra, phòng chống Doping và qua đó thành tích của TTVN ổn định hơn trên đấu trường quốc tế.

-Báo điện tử Người Lao động ngày 28/12 đưa tin:

Hấp dẫn tranh vô địch Giải U21 quốc gia 2021

Giải U21 vô địch quốc gia 2021 sẽ khép lại bằng trận tranh ngôi vô địch lúc 16 giờ ngày 28-12 (VTV6 trực tiếp) trên sân Trung tâm PVF (tỉnh Hưng Yên) giữa Hà Nội và Học viện Bóng đá NutiFood. Trận chung kết này được giới chuyên gia nhìn nhận có chất lượng chuyên môn cao, xứng đáng là màn trình diễn của 2 "lò" đào tạo cầu thủ hàng đầu hiện nay.

Lắng nghe góp ý cho tuyển Việt Nam

Không bảo vệ thành công ngôi vô địch AFF Cup khi dừng bước trước Thái Lan ở bán kết, đội tuyển Việt Nam cần lắng nghe để có những thay đổi tích cực cho các giải đấu tiếp theo. Một ngày sau khi đội tuyển Việt Nam chính thức dừng cuộc chơi ở AFF Cup 2020 khi để thua Thái Lan với tổng tỉ số 0-2 sau 2 trận bán kết, dư âm liên quan đến hành trình của thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn trở thành chủ đề chính được bàn luận.

Bóng chuyền Ninh Bình "dậy sóng" ngày trở lại

Đánh bại đương kim vô địch Sanest Khánh Hòa sau 4 ván đấu căng thẳng ở bán kết, chủ nhà Tràng An Ninh Bình nhàn nhã hạ gục Thể Công ở trận đấu cuối cùng và bước lên bục chiến thắng cao nhất ở Giải Vô địch bóng chuyền quốc gia 2021. Có lẽ cho đến khi giương cao chiếc cúp vô địch sau trận chung kết, đoàn quân của HLV Bùi Trung Thảo hẳn cũng không tưởng tượng họ lại có thể gặt hái thành công một cách mỹ mãn đến vậy.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Văn hóa ngày 27/12 đưa tin: "Vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em" cho biết: Trong nhiều nghiên cứu, khảo sát và các cuộc hội thảo, trao đổi, đại diện các cơ quan trách nhiệm đều có kết luận: Tình trạng xâm hại trẻ em ở nước ta trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội. Truyền thông, báo chí tại Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, đưa tin vấn đề xâm hại trẻ em hiện nay đang là một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan báo chí, truyền thông cũng như mạng xã hội.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×