Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 10/6/2021

10/06/2021 | 17:15

Phát động cuộc thi ảnh di sản văn hóa toàn quốc lần thứ nhất; tuyển Việt Nam sẵn sàng cho trận đấu gặp Malaysia; Cẩm nang Michelin muốn được giới thiệu, quảng bá ẩm thực Việt Nam là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- TTXVN ngày 10/6 đưa tin:

Nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh đồng hành phòng, chống dịch COVID-19

Trong thời gian phải tạm ngưng biểu diễn, hoạt động, nhằm phòng, chống dịch COVID-19, với niềm đam mê sáng tác, các nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực như âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu… tại TP Hồ Chí Minh đã tích cực mang đến công chúng nhiều tác phẩm nghệ thuật trên nền tảng trực tuyến nhằm động viên, lan tỏa tinh thần đoàn kết để chiến thắng dịch bệnh. Hiện Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh cũng đã nhận hơn 890 triệu đồng cùng nhiều nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó, Sân khấu Cải lương mới Đại Việt cũng thực hiện cuộc vận động mang tên "Vì các chiến sĩ nơi tuyến đầu" để ủng hộ lực lượng bộ đội biên phòng tại 2 tỉnh Long An và Bình Phước trong phòng, chống dịch.

Đẩy mạnh xã hội hóa để huy động sức mạnh tổng hợp phát triển văn hóa

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào ngày 2/6 về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao thời gian qua, những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết trong thời gian tới. Thông báo nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta xác định: "Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; bảo đảm an ninh quốc phòng là thường xuyên, trọng yếu; xây dựng Đảng là then chốt; công tác cán bộ là then chốt của then chốt; văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững".

- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 10/6 đưa tin:

Quỹ học bổng GS.TS Trần Văn Khê

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS.TS Trần Văn Khê (24/7/1921 – 24/7/2021), Quỹ Trần Văn Khê dự định tổ chức nhiều hoạt động nhằm cổ vũ và gìn giữ, phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam theo di nguyện cố nhạc sĩ. Trước khi mất (ngày 24/6/2015), GS Trần Văn Khê đã lập vi bằng về di nguyện, trong đó có việc thành lập quỹ học bổng mang tên ông. Quỹ được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động vào năm 2021. Quỹ học bổng mang tên GS.TS Trần Văn Khê được thành lập đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ là một việc làm kịp thời và rất có ý nghĩa.

Quảng cáo sai sự thật: Không xử lý, sẽ nhờn luật

Sau khi bị phát hiện quảng cáo sai sự thật, nhiều nghệ sĩ đã có lời xin lỗi công chúng. Nhưng cho đến nay vẫn chưa một ai bị xử lý theo quy định của pháp luật. Việc các nghệ sĩ ký hợp đồng quảng cáo đối với các nhãn hàng, doanh nghiệp để quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là chuyện bình thường. Đó là nguồn thu nhập hợp pháp và chính đáng của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, tham gia vào thị trường quảng cáo, nghệ sĩ cần tìm hiểu các quy định pháp luật.

Đưa chương trình các nhà hát lên truyền hình và lên mạng

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết, Bộ VHTTDL đang xem xét lên chương trình tổng thể cho việc này. Sau đó, Bộ sẽ làm việc với các đài truyền hình rồi gửi công văn để kết hợp phát sóng. "Dự kiến sẽ phát chương trình của các nhà hát trên VTV, VOV và truyền hình Hải Phòng. Truyền hình Hải Phòng có chương trình nghệ thuật truyền hình hằng tháng. Giờ dịch họ không thể nào diễn được thì mình có ghi hình cho họ phát để họ thay vào chương trình của họ" - ông Dương nói.

Nghệ sĩ và trách nhiệm với cộng đồng

Trong thời điểm mà hình thức online được khuyến khích, từ chuyện học tới làm việc, thì nhiều nghệ sĩ cũng tranh thủ online. Điều đáng bàn là, một số nghệ sĩ, người nổi tiếng online không phải để thực hiện các chương trình nghệ thuật phục vụ cộng đồng hay chia sẻ những quan điểm nghệ thuật tích cực mà sử dụng vào những việc như quảng cáo tiền ảo, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc, thậm chí tung lên mạng những bức ảnh phản cảm.

- Báo An ninh Thủ đô ngày 10/6 đưa tin: "Thác bờ" của Phạm Hậu đạt mức giá "đáng mơ ước" cho biết: Đúng như dự đoán, bức tranh sơn mài " Thác bờ" của Phạm Hậu đã đạt ngưỡng triệu đô tại phiên đấu giá "Những họa sĩ châu Á, các tác phẩm quan trọng" do Aguttes tổ chức. Đúng như dự đoán, bức tranh sơn mài " Thác bờ" của Phạm Hậu đã đạt ngưỡng triệu đô tại phiên đấu giá "Những họa sĩ châu Á, các tác phẩm quan trọng" do Aguttes tổ chức.

- Báo Văn hóa ngày 9/6 đưa tin:

Khảo cổ học di tích điện Thái Hòa: Xuất lộ nhiều dấu tích tại 2 chái Đông và Tây

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) đang triển khai khảo cổ học tại di tích điện Thái Hòa theo kế hoạch đã được Bộ VHTTDL phê duyệt tại quyết định số 1743/QĐ-BVHTTDL. Ban đầu, đã xuất lộ các dấu tích tại địa điểm khai quật khảo cổ. Theo lãnh đạo TTBTDTCĐ Huế, đợt khảo cổ này nhằm mục đích làm phát lộ các dấu vết của nền móng tường thành, bậc cấp, kết cấu móng ở phần chái Đông và chái Tây của điện Thái Hòa, phục vụ cho việc nghiên cứu và bổ sung hồ sơ dự án "Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa". Sau đợt khai quật khảo cổ, TTBTDTCĐ Huế sẽ có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khảo cổ và báo cáo khoa học gửi về Bộ VHTTDL theo quy định.

Cà Mau: Từ 0h ngày 10.6, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trở lại

Chiều 9.6, UBND tỉnh Cà Mau có công văn cho phép một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trở lại từ 0h ngày 10.6. Tuy nhiên, các rạp chiếu phim, cơ sở massage, bida, phòng game, quán bar, vũ trường, karaoke, các hoạt động ca hát có tập trung đông người... tiếp tục tạm dừng hoạt động. Cụ thể, các loại hình kinh doanh được phép hoạt động lại gồm: Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, phòng tập thể hình, thể dục dụng cụ, yoga, sân bóng đá; chợ đêm, các địa điểm phục vụ vui chơi, giải trí; các dịch vụ, nhà hàng, ăn, uống, hàng quán vỉa hè. Khi trở lại hoạt động, các tổ chức, cá nhân phải đảm bảo thực hiện các biện pháp "5K" của Bộ Y tế, nhất là việc đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi tập trung đông người.

Xung quanh Dự thảo quy định quản lý tiền công đức: Không tiếp nhận tiền công đức, tài trợ kèm theo điều kiện...

Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến. Theo đó, nguyên tắc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội nhấn mạnh phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, phù hợp với nguyện vọng của nhà tài trợ, quy định của pháp luật về di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo. Cũng tại văn bản, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần lấy ý kiến của 16 tôn giáo và gần 40 tổ chức tôn giáo tại Việt Nam, GHPGVN lấy ý kiến phật tử, nhân dân về việc hiến cúng, công đức vì đức tin đối với Đức Phật…

Nghệ sĩ sân khấu: Lạc quan vượt khó và san sẻ yêu thương

Covid-19 đã làm thay đổi không ít cuộc sống của nhiều nghệ sĩ sân khấu. Rất nhiều người đã phải mưu sinh bằng bán đồ ăn, bán hàng online, trở thành shipper, xe ôm công nghệ, thậm chí… về quê làm ruộng. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng họ đều đau đáu nỗi nhớ nghề và mong Covid-19 nhanh chóng qua đi để được quay về dưới ánh đèn sân khấu. Mặc dù ngành sân khấu đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn, nhưng khi cả đất nước đang "gồng mình" chống dịch, giới nghệ sĩ sân khấu đã không đứng ngoài cuộc, họ là những hạt nhân tiêu biểu góp phần lan tỏa những thông điệp tốt đẹp, nhân văn và mang lại hiệu ứng tích cực cho cộng đồng để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi "giặc Covid-19".

- Báo Vietnamplus, báo Hà Nội mới và nhiều báo khác ngày 10/6 đưa tin: "Phát động cuộc thi ảnh di sản văn hóa toàn quốc lần thứ nhất" cho biết: Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa phát động cuộc thi ảnh di sản văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, với chủ đề "Di sản văn hóa vật thể tại Việt Nam". Theo đó, đối tượng tham gia cuộc thi là các nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên người Việt Nam hoặc người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Mỗi tác giả được gửi một hoặc tối đa 10 tác phẩm tham gia cuộc thi.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 10/6/2021 - Ảnh 1.

Ngày 11/12/1993, Quần thể di tích Cố đô Huế của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. (Ảnh: TTXVN)

2.Lĩnh vực Du lịch

- Báo Hà Nội mới ngày 10/6 đưa tin: "Cẩm nang Michelin muốn được giới thiệu, quảng bá ẩm thực Việt Nam" cho biết: Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong buổi làm việc tại Việt Nam vừa qua, chủ sở hữu của cuốn cẩm nang ẩm thực nổi tiếng thế giới Michelin đề xuất được quảng bá ẩm thực Việt Nam trên cuốn tạp chí này, sau khi đã có những đánh giá tích cực về nền ẩm thực phong phú và đa dạng của nước ta. Các hạng mục ẩm thực được đăng tải trên cuốn cẩm nang Michelin được đánh giá dựa trên các nguyên tắc về chất lượng của nguyên liệu sử dụng, kỹ thuật nấu ăn và hương vị, món ăn độc đáo, chất lượng phục vụ...

- Báo điện tử VOV ngày 10/6 đưa tin:

Xu hướng nghỉ dài ngày, chi tiêu du lịch mạnh tay sau khi tiêm vaccine

Nghiên cứu của TripAdvisor chỉ ra rằng, việc tiêm vaccine ảnh hưởng lớn đến nhu cầu và chi tiêu du lịch. 48% người được khảo sát cho biết, họ sẽ đợi được tiêm ít nhất một liều vaccine rồi mới nghĩ đến các chuyến đi chơi. Trang TripAdvisor vừa công bố kết quả phân tích nhu cầu du lịch tại một số quốc gia và trên website này trong khoảng 1 năm qua. Các số liệu cho thấy, những người đã tiêm vaccine là nguồn khách tiềm năng nhất hiện nay của ngành du lịch. 32% trong số này đã đặt phòng nghỉ và 80% cho rằng vaccine là yếu tố quyết định đến chuyến du lịch.

Du lịch chật vật cầm cự giữa dịch Covid-19

Mặc dù, nước ta đã có những chính sách miễn giảm thuế, giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ. Tuy nhiên, để cho doanh nghiệp du lịch tồn tại thì không chỉ nhờ vào các gói hỗ trợ của nhà nước mà điều quan trọng là cần có khách du lịch, thế nhưng điều này là không tưởng khi dịch đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Vậy các doanh nghiệp lữ hành hiện đang làm gì để tồn tại?.

Du lịch nghỉ dưỡng mùa Covid-19

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhu cầu du lịch của người dân cũng có nhiều sự thay đổi. Thay vì đến những địa điểm du lịch sầm uất, tập trung đông người, nhiều người đã lựa chọn du lịch nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên kết hợp với trải nghiệm.

- Báo Văn hóa ngày 9/6 đưa tin:

Người dân Đà Nẵng vui mừng khi bãi biển hoạt động trở lại

Tối 8.6, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản cho phép mở cửa lại các hoạt động, dịch vụ trên địa bàn thành phố. Theo công văn của TP, các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (gọi tắt là nhà hàng, quán ăn) được bán, phục vụ khách tại chỗ. Cụ thể, các dịch vụ như nhà hàng, quán ăn phục vụ tối đa không quá 50% công suất của cơ sở kinh doanh và không quá 21 giờ hằng ngày; phải ký bản cam kết với chính quyền địa phương về thực hiện đúng các quy định, khuyến cáo về phòng, chống dịch Covid-19. Đối với hoạt động tắm biển, thành phố cho phép người dân tắm biển trở lại, cụ thể từ 4 giờ 30 đến 7 giờ 30 (buổi sáng); 16 giờ 30 đến 18 giờ 30 (buổi chiều). Người dân chỉ được tắm biển tại các khu vực được cho phép, không tập trung đông người, hoạt động thể thao, ăn uống, bán hàng rong… tại bãi biển; dịch vụ tắm nước ngọt cũng chưa được phép mở lại.

Hỗ trợ di tích tư nhân ở Hội An mở cửa đón khách

Từ đầu tháng 7.2021, Quảng Nam sẽ triển khai hỗ trợ cho 13 di tích tư nhân có tên trong ô vé tham quan phố cổ Hội An để bù một phần các chi phí nhằm duy trì mở cửa các di tích đón khách tham quan. Theo đó, thống nhất hỗ trợ cho 13 di tích tư nhân có tên trong ô vé tham quan phố cổ Hội An với mức 5 triệu đồng/tháng/di tích. Thời gian thực hiện từ ngày 1.7 đến ngày 31.12.2021, tổng mức hỗ trợ 390 triệu đồng. Số tiền này được hỗ trợ nhằm bù một phần các khoản chi phí quản lý, điện, nước, thuê người phục vụ,… nhằm duy trì mở cửa các di tích đón khách tham quan trong khu vực phố cổ.

Doanh nghiệp du lịch: Vẫn trong tâm thế đón khách trở lại

Xác định dịch Covid-19 chưa thể hết ngay được và cũng chưa biết đến bao giờ mới miễn dịch cộng đồng trên toàn thế giới, nhiều doanh nghiệp du lịch đang có những cách làm, phù hợp với trạng thái bình thường mới. Một số nước cũng đã rục rịch mở cửa trở lại thị trường du lịch quốc tế, cho phép khách có chứng nhận tiêm vắcxin nhập cảnh kèm điều kiện. Ở mảng lữ hành, doanh nghiệp du lịch cũng đang nhận tín hiệu vui khi du khách và các hãng lữ hành đối tác từ các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ... đã bắt đầu tìm hiểu thị trường, sản phẩm, giá cả dịch vụ du lịch Việt Nam trở lại.

- Báo Vietnamplus ngày 10/4 đưa tin:

Nhân lực du lịch Việt 'ngụp lặn' vượt 'sóng thần' COVID-19

Đến thời điểm này, "sóng thần COVID" đã làm tan hoang cả nền kinh tế xanh Việt Nam. Cho dù cố tỏ ra mạnh mẽ đến đâu, dù vẫn không ngừng hy vọng vào một tương lai tươi sáng có thể sớm trở lại như khi trả lời phỏng vấn báo chí, thì những ánh mắt thất thần, tiếng thở dài nén lại đứt quãng, cả những mái tóc bạc trắng vì lo lắng… của biết bao CEO, những người trực tiếp và gián tiếp làm trong ngành du lịch đã là câu trả lời chân thật nhất. COVID-19 đã khiến nhân lực ngành du lịch gần như "ly tán" hết sang các nghề khác vì mưu sinh. Họ, dù rất yêu "nghề hạnh phúc" nhưng để cầm cự đi qua 4 mùa dịch đã phải "ngụp lặn" bươn chải khắp nơi...

Tìm đường cho du lịch Việt Nam sớm trở lại sau COVID-19 cách nào?

Mặc dù đang phải đối diện hàng loạt khó khăn do COVID-19 gây ra về nguồn vốn, nhân lực cũng như "quay cuồng" với việc liên tục xây dựng sản phẩm theo tình hình dịch bệnh… nhưng điều mà những người làm trong ngành du lịch mong mỏi nhất bây giờ là có thể xã hội hóa chương trình vaccine, nhằm sớm tạo được "môi trường sạch" cho nền kinh tế xanh. Bởi việc làm này không đơn thuần chỉ dừng ở ý tưởng, mà còn là nguyện vọng chính đáng của những người làm nghề, các doanh nghiệp nên cần được cơ quan quản lý du lịch có thẩm quyền nghiên cứu tìm giải pháp và lộ trình triển khai.

3.Lĩnh vực Thể thao

- TTXVN ngày 10/6 đưa tin:

Tuấn Anh, Văn Toàn khó có khả năng tham dự trận đấu với Malaysia

Ngày 9/6, đội tuyển Việt Nam tiếp tục có buổi tập luyện trên sân Shabab Al Ahli để chuẩn bị cho trận đấu với đội tuyển Malaysia vào ngày 11/6. Đây là buổi tập đầu tiên mà đội tuyển Việt Nam có đầy đủ các cầu thủ trên sân tập, bởi ở buổi tập tối ngày 8/6, nhóm các cầu thủ đá chính và dự bị nhưng thi đấu nhiều ở trận gặp Indonesia chỉ tập nhẹ khoảng 15 phút rồi lên xe trở về khách sạn.

Việt Nam - Malaysia: Viết trang sử mới

Tuyển Việt Nam lúc này đang có cơ hội lớn để tiến vào vòng loại cuối cùng của World Cup lần đầu tiên trong lịch sử. Nếu giành chiến thắng trước Malaysia ở bảng G vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á ngày 11/6, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ viết nên trang sử mới cho bóng đá Việt Nam tại đấu trường danh giá nhất của bóng đá thế giới. Hiện tại, đội tuyển Việt Nam đang có 14 điểm cùng thành tích bất bại ở bảng G. Bám sát thầy trò HLV Park Hang-seo là chủ nhà UAE với 12 điểm, trong khi đội tuyển Thái Lan và Malaysia cùng có 9 điểm nhưng hy vọng vào vòng 3 là rất ít.

- Báo Tin tức ngày 9/6 đưa tin:

Vắng Quang Hải, đội tuyển Việt Nam có thể chờ đợi Hoàng Đức

Đội tuyển Việt Nam đã thắng đậm Indonesia nhưng phải thắng tiếp Malaysia, đội thủ khó chơi hơn, mới củng cố được ngôi đầu bảng G. Ai sẽ trở thành "nhân tố X" trong tay HLV Park Hang-seo? Giữa những quân bài HLV Park Hang-seo đang nắm trong tay, chúng ta có thể chờ đợi ở Hoàng Đức, người sở hữu những phẩm chất khá giống với Quang Hải, có thể đá tiền vệ trung tâm hay hộ công như Quang Hải và cũng có cái chân trái khéo léo. Chưa có nhiều kinh nghiệm như Quang Hải nhưng những phẩm chất Hoàng Đức sở hữu vẫn rất đáng để hy vọng và không ngạc nhiên nếu HLV Park sử dụng Hoàng Đức thay thế Quang Hải ở cuộc chiến với Malaysia.

Đội tuyển Việt Nam có thể hạ Malaysia bằng chiến thuật nào?

Đối đầu Việt Nam, không ngạc nhiên nếu HLV đội tuyển Malaysia Tan Cheng Hoe cho các cầu thủ chơi phòng ngự phản công, rình rập thời cơ để ghi bàn. Việt Nam cũng phải thắng trận này để củng cố ngôi nhất bảng G trước khi đá trận cuối với chủ nhà Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Nếu gặp khó khăn trong việc đưa bóng vào cấm địa Malaysia, đội tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể phá bế tắc bằng những cú sút xa. Đó là miếng đánh mà đội tuyển Malaysia không dễ đề phòng.

Khủng hoảng nhân sự thử tài HLV Park Hang-seo

Chỉ sau trận đấu đầu tiên trong chuỗi 3 trận còn lại ở bảng G vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, HLV Park Hang-seo đã mất 3 vị trí rất quan trọng là Tuấn Anh, Văn Toàn (chấn thương) và Quang Hải (treo giò). Để bù đắp cho khoảng trống của Tuấn Anh thì HLV Park Hang-seo có thể sử dụng Xuân Trường, và tương tự như thế là sự hoán đổi giữa Văn Toàn và Công Phượng, cho dù 2 cầu thủ này không có cùng phong cách chơi bóng.

Bị AFC 'làm khó', tuyển Việt Nam đổi giờ tập trận gặp Malaysia

Do bị Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) sắp xếp lịch tập buổi tối ngày 10/6 vào lúc 21h30 (giờ địa phương, tức 0h30 giờ Hà Nội), nên Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam đã quyết định đẩy lịch tập sớm hơn, lên khung thời gian 18h30-19h30 để không ảnh hưởng tới thể lực của các cầu thủ. Quang Hải đã chắc chắn vắng mặt vì nhận đủ thẻ vàng, còn khả năng ra sân của Tuấn Anh, Văn Toàn đang bỏ ngỏ, đồng thời HLV Park lại chào đón sự trở lại của Trọng Hoàng và Đình Trọng sau khi mãn án treo giò, nên 2 buổi tập ngày 9/6 và ngày 10/6 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với sự chuẩn bị của ông Park cho trận đấu với đội tuyển Malaysia.

- Báo Nhân Dân ngày 9/6 đưa tin:

Malaysia quyết tâm cải thiện thành tích đối đầu trước tuyển Việt Nam

Huấn luyện viên trưởng của tuyển Malaysia, ông Tan Cheng Hoe khẳng định quyết tâm muốn cắt chuỗi toàn hòa và thua trước đội tuyển Việt Nam, khi hai đội chạm trán nhau ở lượt trận tiếp theo vòng loại 2 World Cup 2022 khu vực châu Á vào ngày 11-6 tới đây. Trận đấu trên sân Al Maktoum vào đêm thứ sáu sẽ là cuộc đối đầu lần thứ 5 giữa hai đội kể từ khi ông Tan được bổ nhiệm làm HLV trưởng tuyển Malaysia, trong đó đội tuyển Việt Nam của chúng ta đã giành chiến thắng ba trong bốn lần đối đầu gần nhất, còn lại là một lần trận hòa.

Nỗ lực hướng đến hai đại hội thể thao Ðông - Nam Á

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đội tuyển thể thao Việt Nam vừa thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch, vừa nỗ lực tập luyện chuẩn bị cho Ðại hội thể thao Ðông - Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Ðại hội thể thao người khuyết tật Ðông - Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11) dự kiến tổ chức vào tháng 11 và 12 năm nay tại nước ta nếu tình hình cho phép.

- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 10/6 đưa tin:

Tuyển Việt Nam chuẩn bị cho trận đấu lớn

Đá bại Indonesia với chiến thắng ấn tượng, thầy trò HLV Park Hang Seo lập tức trở lại tập luyện, bắt tay chuẩn bị cho trận đấu mang tính quyết định với tuyển Malaysia. Malaysia là đối thủ ở một đẳng cấp khác so với Indonesia nên sẽ là thử thách lớn với tuyển Việt Nam. Nhưng với phong độ đang cao cùng sự hưng phấn của một tập thể giàu sức chiến đấu cũng như với sự kỵ giơ trên băng ghế kỹ thuật nên niềm tin thắng tiếp theo của thầy trò ông Park Hang Seo vẫn rất lớn.

Đội tuyển Việt Nam chưa từng thất bại trước Malaysia trong 7 năm qua

Kể từ năm 2014 đến nay, đội tuyển Việt Nam chưa hề để thua trước Malaysia khi chúng ta đã giành tới 4 trận thắng và chỉ để hòa một trận trước "bầy hổ Malaya". Trước thềm trận đấu lượt về vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á với đội tuyển Việt Nam (vào lúc 23h45 ngày 11/6), HLV trưởng đội tuyển Malaysia là ông Tan Cheng Hoe tỏ ra tự tin khi tuyên bố Malaysia sẽ chơi tấn công và giành chiến thắng thuyết phục ở trận đấu này.

Chuyên gia Indonesia: 'Thua Việt Nam vì có ít ngày nghỉ'

Theo huyền thoại của CLB Persib Bandung – Yudi Guntara, Indonesia thất bại 0-4 dưới tay Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 vì không đủ thời gian hồi phục thể lực. Guntara cho rằng nếu Việt Nam không vượt trội về thể lực, Indonesia có thể đã làm tốt hơn trong hiệp hai: "Indonesia chơi ổn ở hiệp một và khiến Việt Nam bế tắc. Chúng ta thua vì sa sút thể lực dẫn tới mất tập trung trong hiệp hai. Việt Nam tận dụng tốt điều đó để ghi bốn bàn, dù lối chơi của họ không quá đặc sắc. Đây là bài học quý giá cho các cầu thủ trẻ Indonesia".

- Báo điện tử VOV ngày 10/6 đưa tin:

Việt Nam có 4 gương mặt lọt tốp cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Đông Nam Á

Tờ GOAL vừa liệt kê 25 cầu thủ trẻ xuất sắc nhất và có tiềm năng phát triển nhất Đông Nam Á, trong đó Việt Nam góp 4 đại diện. Trong số 25 cái tên được GOAL liệt kê, Việt Nam góp 4 đại diện là Nguyễn Cảnh Tiệp (SLNA), Nguyễn Văn Bách (SLNA), Võ Nguyễn Hoàng (Sài Gòn FC) và Nguyễn Phi Hoàng (Đà Nẵng). Thủ môn Nguyễn Cảnh Tiệp, người tỏa sáng rực rỡ ở U17 Quốc gia 2020 giúp SLNA giành chức vô địch đứng ở vị trí 23. Thủ thành xuất sắc nhất giải U17 Quốc gia 2020 được GOAL ví là viên ngọc quý của SLNA thời điểm này.

Đội hình "công - thủ" toàn diện của ĐT Việt Nam trước ĐT Malaysia

ĐT Việt Nam không có sự phục vụ của Quang Hải vì án treo giò; khả năng ra sân của Tuấn Anh, Văn Toàn vẫn để ngỏ nhưng HLV Park vẫn còn nhiều quân bài chất lượng. HLV Park Hang Seo rất ít khi thay đổi nhân sự ở vị trí thủ môn và hậu vệ trừ trường hợp bất khả kháng. Do đó, nhiều khả năng Tấn Trường và 3 trung vệ Duy Mạnh, Ngọc Hải và Tiến Dũng vẫn sẽ góp mặt trong đội hình xuất phát. Ở tuyến tiền vệ, hai cầu thủ chạy cánh là Văn Thanh và Hồng Duy cũng chơi với phong độ rất cao nên nhiều khả năng tiếp tục được trao cơ hội. Do Tuấn Anh để ngỏ khả năng ra sân nên Xuân Trường là ứng viên số 1 thay thế tiền vệ quê Thái Bình.

Vòng loại World Cup 2022: ĐT Việt Nam "nhận quà" trước trận đấu ĐT Malaysia

ĐT Việt Nam nhận món quà bất ngờ trước trận đấu với ĐT Malaysia tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. Ở lượt trận thứ 6 bảng H vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á diễn ra ngày 9/6, Turkmenistan dù hết mục tiêu nhưng đã thi đấu rất quyết tâm và bất ngờ đánh bại Lebanon với tỉ số 3-2. Đây là trận cuối cùng của Turkmenistan ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. Mặc dù giành chiến thắng, nhưng đội bóng này vẫn đứng dưới Lebanon và bị loại. Tuy nhiên, cú sốc mà đội bóng này tạo ra giúp các đại diện ở các bảng đấu còn lại có thêm cơ hội đi tiếp, trong đó bao gồm cả ĐT Việt Nam.

Chính thức: VAR được sử dụng tại Futsal World Cup 2021

FIFA vừa ra thông báo chính thức về việc công nghệ VAR sẽ được áp dụng tại FIFA Futsal World Cup 2021 vào tháng 9 tới. Trong thông báo trên trang chủ FIFA, tổ chức này xác nhận công nghệ VAR sẽ được áp dụng tại FIFA Futsal World Cup 2021 vào tháng 9 tới. Đây là lần đầu tiên VAR sẽ được sử dụng tại ngày hội Futsal lớn nhất hành tinh. Điều này được hy vọng sẽ mang lại sự hỗ trợ tốt nhất cho các trọng tài và tạo ra mặt tích cực cho giải đấu tổ chức ở Lithuania.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Hà Nội mới ngày 9/6 đưa tin: "Chung tay vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19" cho biết: Ngày 9-6, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam kêu gọi cộng đồng "Chung tay vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19". Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết, đến hết ngày 8-6, cả nước có gần 7.000 trẻ em ở 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, phải điều trị hoặc cách ly và con số này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ước tính, từ nay đến cuối năm 2021, khoảng 42.000 trẻ em trên cả nước bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có quyết định hỗ trợ toàn bộ tiền ăn cho trẻ em thuộc đối tượng F0, F1 phải điều trị, cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền với mức hỗ trợ 80.000 đồng/trẻ/ngày. Mỗi trẻ được hỗ trợ trong thời gian 21 ngày, tính từ thời điểm bùng phát dịch lần thứ 4 (ngày 27-4-2021) đến ngày 31-12-2021. Kinh phí trích từ nguồn vận động và tích lũy của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam năm 2021. Ngoài ra, Quỹ còn hỗ trợ thêm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Điện Biên, mỗi tỉnh 1 tỷ đồng.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×