Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 1/8/2022
01/08/2022 | 16:49Khai mạc "Thanh âm xứ Mường và Lễ hội Carnaval Hòa Bình 2022"; U16 Việt Nam thắng đậm Singapore trong trận ra quân; Khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 954.000 lượt là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
- TTXVN ngày 21/4 đưa tin:
Hình thành văn hóa ứng xử văn minh tại các di tích
Xây dựng các di tích văn minh, giàu bản sắc văn hóa, trở thành điểm đến hấp dẫn, đang được ngành Văn hóa Hà Nội cũng như các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố triển khai. Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm không gian di tích; khu vực nội tự bày lễ, giọt dầu không gọn gàng; nhiều người mặc trang phục vào di tích không phù hợp… vẫn còn diễn ra. Việc hình thành nét văn hóa ứng xử văn minh trong di tích vừa góp phần tạo sự văn minh cho những người quản lý di tích, người dân đến chiêm bái nhưng đồng thời vừa thể hiện sự trân trọng với các di sản.
Đặc sắc Chương trình 'Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường' và Carnival năm 2022
Tối 31/7, tại Quảng trường Hòa Bình, thành phố Hòa Bình, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - thanh âm xứ Mường" và Carnival năm 2022; đồng thời đón nhận Bằng công nhận hai Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của tỉnh Hòa Bình: Tri thức dân gian Lịch tre dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình và Lễ hội truyền thống Khai Hạ của người Mường. Buổi lễ được diễn ra 2 phần: Phần Lễ và phần Hội.
Di tích văn hóa Đình Cổ Vũ hấp dẫn du khách
Đình Cổ Vũ (phường Hàng Gai, Hà Nội) là nơi lưu giữ bộ sưu tập di vật văn hóa có giá trị lịch sử. Trong đó có các tấm bia đá cổ mang giá trị đặc biệt, được dựng từ năm Mậu Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39 (1778), các bia có nội dung ghi việc xây dựng, trùng tu, sửa chữa và biểu dương những người công đức. Đình Cổ Vũ không chỉ là di tích có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật, mà còn là một điểm văn hóa hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Đây là công trình văn hóa có niên đại xây dựng từ thời Lê, đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố theo quyết định số 4285/QĐ-UBND ngày 4/8/2016.
-Báo Nhân Dân ngày 1/8 đưa tin:
Đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với công chúng trẻ
Từ một câu lạc bộ nghệ thuật của học sinh, Câu lạc bộ Cầm Ca (Trường THPT Hà Nội-Amsterdam) đã phát triển trở thành địa chỉ giảng dạy nhạc cụ dân tộc miễn phí, thông qua chương trình "Bình dân học nhạc" với mong muốn gìn giữ và đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với công chúng, nhất là những người trẻ. "Bình dân học nhạc" là một chương trình khai mở, giúp mọi người vượt qua những khó khăn ban đầu của bộ môn nghệ thuật, để từ đó khi đã đam mê, mỗi học viên lại tìm tiếp hành trình phù hợp để theo đuổi, học tập chơi nhạc cụ dân tộc truyền thống mà mình lựa chọn.
Hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền trong mỹ thuật
Sao chép toàn bộ hoặc phần lớn tác phẩm, hoặc "nhái" theo phong cách vẽ của người khác lâu nay vẫn là vấn nạn nhức nhối trong mỹ thuật. Gần đây, giới họa sĩ và người yêu tranh lại có dịp xôn xao trước sự việc họa sĩ Đoàn Quốc bị một đoàn làm phim khởi kiện vì lý do xâm phạm quyền tác giả với mục đích thương mại. Cụ thể, một bức tranh trong triển lãm diễn ra tháng 6/2022 của tác giả này bị phát hiện giống với một cảnh trong phim "Cố Du" của đạo diễn Nguyễn Phùng Minh Luân ra mắt từ năm 2019. Đôi bên đều có lý lẽ bảo vệ tác phẩm của mình, song một lần nữa làm "nóng" câu chuyện ranh giới mong manh giữa học hỏi, tham khảo hay đạo nhái, bắt chước trong nghệ thuật tạo hình.
20 thiết kế đoạt Giải thưởng kiến trúc nhà ở-nội thất năm 2021
Chiều 30/7, tại Hà Nội, Lễ trao Giải thưởng kiến trúc nhà ở-nội thất "Top 10 Awards 2021" đã diễn ra với sự bảo trợ chuyên môn của Hội Kiến trúc sư Việt Nam. 20 thiết kế nhà ở và nội thất tiêu biểu của năm 2021 được vinh danh, đồng thời trưng bày, giới thiệu tới đông đảo công chúng tại Không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Diễn ra trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, song Giải thưởng năm 2021 vẫn nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của nhiều kiến trúc sư, nhà thiết kế cùng hơn 100 công ty kiến trúc và nội thất trên cả nước.
-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 1/8 đưa tin:
Hấp dẫn các hoạt động tháng 8 tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam
Từ ngày 1 - 31/8, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động tháng 8 với chủ đề "Em yêu làng em", với các hoạt động thiết thực, bổ ích, ý nghĩa, tạo sân chơi cuối mùa hè cho các em học sinh. Các hoạt động với sự tham gia của khoảng hơn 100 người của 13 dân tộc đang hoạt động hằng ngày của các nhóm cộng đồng dân tộc: Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (Ba Vì, Hà Nội); Mông (Hà Giang); Khơ Mú (Nghệ An); Mường (Hòa Bình); Thái (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); Ê Đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng).
Xây dựng hệ sinh thái nghệ thuật nhìn từ truyện tranh để hướng đến công nghiệp văn hóa
Xây dựng hệ sinh thái nghệ thuật là một khái niệm được rất nhiều người làm nghệ thuật quan tâm trong những năm gần đây. Nhưng để bắt đầu từ đâu và cụ thể hóa từ lý thuyết thì dường như vẫn là một chặng đường. Tuyến bài viết này xin được đề cập đến việc xây dựng hệ sinh thái truyện tranh - loại hình nghệ thuật có sự kết hợp giữa văn chương và hội họa nhưng đã gặt hái được nhiều thành công trên thế giới, đóng góp vào ngành công nghiệp văn hóa.
Hai đoàn nghệ thuật cùng giành Huy chương Vàng Hội diễn "Câu hò nối những dòng sông"
Sau 3 ngày diễn ra, Hội diễn "Câu hò nối những dòng sông" khu vực Bắc miền Trung năm 2022 đã khép lại thành công tốt đẹp với nhiều tiết mục xuất sắc được trao giải. Năm nay, Huy chương Vàng toàn đoàn đã được trao cho 2 đơn vị là Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An và Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế; 4 Đoàn nghệ thuật quần chúng còn lại tham gia hội diễn cùng giành Huy chương Bạc.
- Báo Hà Nội mới ngày 1/8 đưa tin:
Giữ gìn dòng chảy từ quá khứ qua hiện tại đến tương lai
Việt Nam là nước có "trữ lượng" di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) giàu có nhất nhì khu vực Đông Nam Á, trong đó có 14 di sản đã được UNESCO ghi danh cùng hàng trăm di sản đã được đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia. Nguồn lực di sản không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tạo động lực bảo vệ bản sắc văn hóa cộng đồng. Thực tế cho thấy, mỗi di sản đều được hình thành, tồn tại và phát triển dựa trên bối cảnh, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và đặc trưng văn hóa khác nhau. Do đó, tùy theo điều kiện thực tiễn, mỗi di sản cần có một cách ứng xử riêng.
Gieo mầm tình yêu nhạc cổ điển
Đêm hòa nhạc giáo dục VYMI EduConcert "Classical Wonderland" do Học viện Âm nhạc trẻ VYMI tổ chức, diễn ra trong tháng 7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã đem lại trải nghiệm khó quên với cả những người yêu nhạc cổ điển và những người ít tiếp cận với thể loại âm nhạc hàn lâm này. Tuy là lĩnh vực nghệ thuật không mấy thu hút đông đảo khán giả ở Việt Nam, nhưng nhờ những nỗ lực tổ chức các chương trình, dự án, hoạt động hòa nhạc giáo dục của giới nghề, âm nhạc cổ điển đang dần được gieo mầm tình yêu trong cộng đồng. Từ đây, nhiều cơ hội được mở ra, đưa thể loại âm nhạc này ở Việt Nam tiến xa, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.
-Báo Văn Hóa ngày 1/8 đưa tin:
Tháo gỡ ngay bất cập việc dạy văn hóa trong các trường nghệ thuật
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức dạy văn hóa trong các trường nghệ thuật, trường nghề; đưa giáo dục nghề nghiệp vào trường phổ thông, diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trong một động thái kịp thời và cần thiết, ngay sau cuộc họp nói trên, ngày 1.8, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 2829/BVHTTDL-ĐT về việc giải quyết việc giảng dạy chương trình văn hóa phổ thông tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật.
Đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng sáng tạo văn học nghệ thuật
Mới đây tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học – nghệ thuật (VHNT) và hoạt động của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương 6 tháng đầu năm 2022. Đánh giá chung tình hình VHNT và hoạt động Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương 6 tháng đầu năm 2022, ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã tiến hành dàn dựng nhiều vở diễn, chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân sau thời gian dài bị đình trệ do dịch bệnh. Bầu không khí phấn khởi sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục được truyền thông, báo chí lan tỏa bằng nhiều hình thức sinh động, thiết thực.
Xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng về đàn Nam Giao thời Tây Sơn ở Huế
Sau hơn 1 tháng tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia núi Bân, đoàn chuyên gia đã bước đầu xác định được những dấu tích nguyên gốc của đàn Nam Giao thời Tây Sơn ở Huế. Đây là cơ sở quan trọng nhằm có kế hoạch bài bản để phát huy giá trị di tích này cũng như từng bước xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với khu di tích núi Bân. Ngày 29.7, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức báo cáo kết quả sơ bộ về cuộc khảo cổ tại khu di tích quốc gia núi Bân, phường An Tây, Thành phố Huế. Trước khi tổ chức báo cáo kết quả, đoàn cán bộ chuyên ngành và đại diện các đơn vị làm công tác bảo tồn di tích, các nhà nghiên cứu tại Huế cũng đã có buổi khảo sát thực tế tại khu vực khai quật khảo cổ.
-Báo Nhân Dân, TTXVN, báo Hòa Bình và nhiều báo khác ngày 1/8 đưa tin: Khai mạc "Thanh âm xứ Mường và Lễ hội Carnaval Hòa Bình 2022" cho biết: Tối 31/7, tỉnh Hòa Bình long trọng tổ chức Lễ khai mạc chương trình nghệ thuật "Thanh âm xứ Mường và Lễ hội Carnaval 2022", đồng thời đón nhận Bằng công nhận 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lịch tre và Lễ hội Khai Hạ của người Mường. Dự Lễ hội có đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh bạn, hơn 300 nghệ sĩ trong nước và quốc tế cùng đông đảo nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường" và Carnaval năm 2022 được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Hòa Bình. Đây là sự kiện kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa truyền thống và hiện đại, góp phần giới thiệu, quảng bá những hình ảnh về đất nước, con người cũng như tiềm năng, thế mạnh của tỉnh tới đông đảo người dân, bạn bè quốc tế.
2.Lĩnh vực Du lịch
- TTXVN ngày 1/8 đưa tin:
Du lịch phục hồi, số doanh nghiệp và lao động quay trở lại ngành gia tăng mạnh
Theo Tổng cục Du lịch, tình hình du lịch Việt Nam tiếp tục đà phục hồi kéo theo số doanh nghiệp du lịch dịch vụ quay trở lại tăng cao, đồng thời cũng gia tăng số lượng tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực này. Trong đó, doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 27,7%. Số lao động đăng ký mới trong lĩnh vực du lịch dịch vụ tăng khoảng 20%.
Hải Phòng kết nối các tỉnh, thành phố để phát triển tuyến, điểm du lịch an toàn
Bảy tháng, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố Hải Phòng phục vụ ước đạt trên 4,28 triệu lượt, tăng 62,66% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt gần 329,3 nghìn lượt, tăng 8,45 lần so với cùng kỳ năm trước. Đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm 2022, ngành du lịch Hải Phòng đã chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng phục vụ tốt du khách trong nước và quốc tế trong điều kiện an toàn cao.
Khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 954.000 lượt người
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/7, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7/2022 đạt 352,6 nghìn lượt người, tăng 49% so với tháng trước và gấp 47,2 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 7 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 954,6 nghìn lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua, khách đến bằng đường hàng không chiếm gần 87,1%, gấp 13,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
-Báo Nhân Dân ngày 1/8 đưa tin:
Du lịch Ninh Bình tạo hấp dẫn trong cạnh tranh
Nằm ở phía nam đồng bằng sông Hồng, tỉnh Ninh Bình đang khai thác lợi thế "tụ sơn, hội thủy" và nhiều tài nguyên khác để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Từ đó, tạo sức hấp dẫn cho các điểm đến, phù hợp xu hướng, thị hiếu, nhu cầu của khách du lịch trong nước, quốc tế. Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch Ninh Bình đón gần 1,8 triệu lượt khách tham quan, đạt gần 205% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có hơn 18.000 lượt khách quốc tế, đạt gần 145% so cùng kỳ năm 2021. Doanh thu du lịch ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng, đạt gần 190% so cùng kỳ năm trước.
Những mô hình du lịch độc đáo ở Tiền Giang
Một số mô hình "độc, lạ" do nông dân Tiền Giang sáng tạo có sự kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái đã gây được ấn tượng với du khách. Các mô hình này gắn kết giữa sản phẩm nông nghiệp với du lịch. Từ đó, tạo ra các mô hình du lịch rất ấn tượng, được du khách đánh giá khá cao. Thời gian tới, ngành du lịch sẽ có kế hoạch kết nối các tour vào các điểm du lịch này nhằm đa dạng các loại hình du lịch của địa phương.
Sản phẩm độc đáo "kích ngòi" cho du lịch hồi sinh
Mùa hè 2022 chứng kiến một sự hồi sinh ngoạn mục của ngành du lịch khi nhiều điểm đến trên cả nước đồng loạt đầu tư những sản phẩm đẳng cấp, lễ hội nhộn nhịp... thu hút lượng khách kỷ lục. Lý giải cho sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, các chuyên gia cho rằng mùa hè năm nay đã thực sự "cởi trói" cho du khách sau hơn hai năm covid-19. Đặc biệt, rất nhiều sản du lịch mới hấp dẫn được đầu tư kịp thời đã kích "ngòi nổ" cho một làn sóng du lịch nội địa trên khắp các tỉnh thành.
-Báo Tin tức ngày 31/7 đưa tin:
Nghệ An phát triển du lịch gắn với quảng bá nông sản địa phương
Nghệ An đã và đang đẩy mạnh việc giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch, cùng với đó là sự ra đời của các tour tham quan và trải nghiệm làng nghề truyền thống, thưởng thức những món ăn đặc trưng gắn liền với các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của từng địa phương. Với cách làm này, nhiều loại nông sản đã được giới thiệu thành công tới du khách và trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, gia tăng giá trị cho nông sản.
Du lịch nội địa tăng trưởng nóng: Chất lượng dịch vụ không tương xứng
Du lịch nội địa tăng trưởng nóng dịp hè đã giúp nhiều địa phương hoàn thành kế hoạch năm về số lượng khách. Tuy nhiên, việc tăng trưởng nóng cũng đã bộc lộ những yếu điểm cố hữu của ngành du lịch là chất lượng dịch vụ nhiều bất cập. ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) nhận định: "Sự tăng trưởng quá nóng, đôi khi làm hỗn loạn du lịch, dẫn đến chất lượng du lịch đi xuống, trong khi Việt Nam đang phấn đấu du lịch sang trọng, thu hút khách tiêu nhiều tiền"
'Ba đảo dừa xanh' - Phát triển du lịch gắn với tài nguyên bản địa
Bến Tre - nơi được mệnh danh "Ba đảo dừa xanh," có bốn bề sông nước mênh mông, được hình thành bởi cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh và do phù sa bốn nhánh sông Cửu Long bồi tụ. Hiện địa phương đã và đang tập trung, chú trọng phát triển du lịch với định hướng phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025 và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Trong 7 tháng năm 2022, Bến Tre đón và phục vụ hơn 670 lượt khách du lịch (tăng 185,47% so cùng kỳ năm 2021), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 821 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần so cùng kỳ năm 2021.
- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 1/8 đưa tin "Điểm danh những bờ biển nguyên sơ chờ được khám phá của Việt Nam" cho biết: Dải đất hình chữ S thu hút bạn bè quốc tế nhờ những bãi biển đẹp trong xanh dài vô tận cùng vô vàn đảo và vịnh hoang sơ không nơi nào có được. Từ bờ cát trắng trải dài trên bãi biển Nha Trang với 365 ngày nắng đến làn nước trong xanh với những rặng san hô ở vùng biển Phú Quốc… đều nhiều lần xuất hiện trong danh sách các bãi biển đẹp nhất thế giới. Bên cạnh những bờ biển nổi tiếng được du khách toàn cầu biết đến, Việt Nam còn sở hữu loạt bãi biển hoang sơ, yên bình với bãi cát mềm mịn, trắng tinh, tạo nên bức tranh thiên thiên tuyệt sắc "hút hồn" bất cứ ai có dịp ghé thăm.
- Báo điện tử VOV ngày 1/8 đưa tin:
Tìm ra nguồn khách tiềm năng nhất cho du lịch Việt Nam
Trong tháng 7/2022, Việt Nam đón hơn 88.300 lượt du khách từ Hàn Quốc, nhiều hơn số lượng cả 2 tháng trước đó cộng lại. Lúc này Hàn Quốc là một trong những thị trường tiềm năng nhất cho ngành du lịch Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm đã có trên 196.000 lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng lượng khách quốc tế đến (954.500 lượt). Đáng chú ý, lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam trong tháng 7 nhiều hơn cả 2 tháng trước đó cộng lại
New Zealand nối lại việc cấp thị thực cho khách du lịch nước ngoài
Bắt đầu từ ngày 1/8, New Zealand sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới đối với người nước ngoài, bao gồm du khách đến từ các quốc gia không nằm trong danh sách được miễn thị thực và sinh viên quốc tế. Chính phủ New Zealand trong một thông báo chính thức cho biết nước này sẽ mở cửa biên giới quốc tế đối với công dân của tất cả các quốc gia trên thế giới bắt đầu từ ngày 1/8. Cũng từ thời điểm này, tàu khách quốc tế và du thuyền của cá nhân cũng được phép cập cảng New Zealand.
Thái Lan đặt mục tiêu thu hút 30 triệu du khách trong năm 2023
Tổng cục Du lịch Thái Lan đặt mục tiêu thu hút 30 triệu du khách nước ngoài với khoản doanh thu 2.380 tỷ bạt (baht) (66 tỷ đô la) trong năm 2023. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan, Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực triển khai các biện pháp, chiến lược nhằm từng bước phục hồi ngành du lịch, vốn là trụ cột của nền kinh tế Thái Lan những năm qua.
3.Lĩnh vực Thể thao
-TTXVN ngày 1/8 đưa tin:
ASEAN Para Games 2022: Kình ngư Võ Huỳnh Anh Khoa mở hàng HCV cho đoàn Việt Nam
Sáng 1/8, trên đường đua xanh ở Semarang, kình ngư Võ Huỳnh Anh Khoa đã có màn trình diễn ấn tượng, mang về tấm Huy chương Vàng (HCV) đầu tiên cho đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại ASEAN Para Games 2022. Tại nội dung bơi 400m tự do nam hạng thương tật S8, Võ Huỳnh Anh Khoa xuất sắc cán đích sau 5 phút 29,35 giây. Theo lịch thi đấu, đội tuyển bơi người khuyết tật Việt Nam sẽ còn tranh tài tại nhiều nội dung thi đấu chung kết trong ngày 1/8, bao gồm: 400m bơi tự do nữ; 100m bơi ếch nam /nữ; 50m bơi ngửa nam/nữ; bơi tiếp sức 4x100m tự do; bơi tiếp sức 4 x100m hỗn hợp.
ASEAN Para Games 2022: Bóng bàn Việt Nam hướng tới mục tiêu cao hơn
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng sự bổ sung một số nhân tố mới, Đội tuyển bóng bàn người khuyết tật Việt Nam đặt quyết tâm cao vượt thành tích giành được tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) cách đây 5 năm. HLV Nguyễn Hồ Thanh cho hay Đội tuyển bóng bàn người khuyết tật Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức với mục tiêu vượt thành tích đạt được tại ASEAN Para Games 10 ở Malaysia vào năm 2017 với 2 Huy chương Bạc và 6 Huy chương Đồng. Theo đánh giá, Việt Nam có khả năng tranh chấp huy chương ở một vài nội dung thi đấu hạng thương tật như hạng thương tật 10 của nữ và hạng thương tật 8 của nam.
ASEAN Para Games 2022: Cờ vua Việt Nam đặt mục tiêu giành 4 HCV
Đến với Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) lần thứ 11 tại thành phố Surakarta của Indonesia, đội tuyển cờ vua người khuyết tật Việt Nam đặt quyết tâm cao tái lập thành tích 4 Huy chương Vàng (HCV), hướng tới các giải đấu khu vực và châu lục vào năm tới. Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Indonesia sáng 31/7 bên lề các trận đấu mở màn nội dung cờ vua tiêu chuẩn, vận động viên (VĐV) Trịnh Hữu Đạt tỏ ra hết sức hào hứng và quyết tâm đạt thành tích cao nhất trong lần đầu tiên tham dự giải đấu thể thao lớn nhất khu vực dành cho người khuyết tật này.
-Báo Nhân Dân ngày 1/8 đưa tin:
Indonesia giành Huy chương Vàng đầu tiên ở môn cầu lông
Ngày 31/7, các vận động viên của 11 đoàn thể thao người khuyết tật các nước tham dự ASEAN Para Games 11-2022 (APG 11) bước vào ngày thi đấu chính thức đầu tiên. Indonesia đã giành tấm Huy chương Vàng đầu tiên tại APG 11 sau khi đội nam cầu lông thắng cả hai đội Thái Lan và Việt Nam cùng với tỷ số 3-0 theo thể thức vòng tròn. Cặp vận động viên Hari Susanto-Hafizh Briliansyah Prawiranegara giành thắng lợi với tỷ số 2-0 trước cặp vận động viên đến từ Thái Lan ở trận thi đấu đôi nam.
U16 Việt Nam thắng đậm Singapore trong trận ra quân
Chiều 31/7, U16 Việt Nam đã có trận ra quân tại Giải vô địch U16 Đông Nam Á 2022 tương đối thuận lợi khi đánh bại U16 Singapore với tỷ số 5-1. Đáng tiếc chiến thắng không thể trọn vẹn khi trung vệ Hữu Trọng phải nhận thẻ vàng thứ hai và phải rời sân ở phút 86. Đúng như ý đồ tổ chức chơi phủ đầu U16 Singapore mà huấn luyện viên Nguyễn Quốc Tuấn đặt ra trước trận đấu, U16 Việt Nam tấn công dồn dập đội bạn ngay từ những phút đầu bóng lăn.
Sông Lam Nghệ An vô địch Giải bóng đá Nhi đồng toàn quốc
Chiều 30/7, tại Nha Trang, U11 Sông Lam Nghệ An đã đánh bại U11 Hải An Tây Ninh với tỷ số 2-1 để lên ngôi vô địch Giải bóng đá Nhi đồng toàn quốc (U11) Cúp Nestlé MILO 2022. Bước vào trận chung kết, cả hai đội đều tung ra lực lượng mạnh nhất với khát khao giành ngôi vương. Với tính chất quan trọng của trận đấu và áp lực chung, các cầu thủ nhí của Sông Lam Nghệ An và Hải An Tây Ninh đều nhập cuộc tập trung và thận trọng.
-Báo Tin tức ngày 31/7 đưa tin:
V.League 2022: Bùng nổ bàn thắng tại vòng 10
Tối 31/7, những trận đấu muộn cuối cùng của vòng 10 Giải Bóng đá vô địch quốc gia – Night Wolf 2022 (V.League 2022) đã diễn ra trên sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) và Thanh Hóa. Trên sân Hàng Đẫy, Hà Nội FC có cuộc tiếp đón Sông Lam Nghệ An, đây cũng là trận cầu thu hút được nhiều sự quan tâm tới từ giới chuyên môn và người hâm mộ bởi, hai đội đều đang có vị trí Nhất, Nhì trên bảng xếp hạng. Hơn nữa, cả hai đội đều sở hữu lối chơi khá đặc trưng, nhân sự chất lượng và đều ôm tham vọng đến ngôi vương.
23 cầu thủ được triệu tập, chuẩn bị cho Vòng chung kết Futsal châu Á 2022
Ngày 31/7, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết, ngày 1/8, Đội tuyển Futsal Việt Nam với 23 cầu thủ được triệu tập, dưới sự dẫn dắt của tân Huấn luyện viên trưởng Giustozzi Diego Raul sẽ chính thức hội quân tại Nhà thi đấu Thái Sơn Nam – Quận 8 (Thành phố Hồ Chí Minh), chuẩn bị cho Vòng chung kết Futsal châu Á 2022 diễn ra tại Kuwait. Do mới tiếp quản Đội tuyển Futsal Việt Nam nên có thể thấy tân Huấn luyện viên trưởng Giustozzi Diego Raul đã đặt niềm tin vào những cầu thủ do các cộng sự trong Ban huấn luyện giới thiệu. Đa phần là những gương mặt dạn dày kinh nghiệm.
Tuyển U16 Việt Nam sẵn sàng đón 'sức nóng' từ Indonesia
Từ ngày 31/7 đến 13/8, tuyển U16 Việt Nam sẽ bước vào hành trình chinh phục danh hiệu tại giải U16 Đông Nam Á 2022 diễn ra tại Indonesia. "Sức nóng" từ các cổ động viên Indonesia sau những ồn ào vì việc U19 Indonesia bị loại sớm ngay từ vòng bảng Vòng chung kết U19 Đông Nam Á 2022 được xem là một trong những thách thức nữa cho các cầu thủ trẻ.
- Báo Hà Nội mới ngày 1/8 đưa tin:
Chơi hơn người, Hà Nội FC thắng ngược Sông Lam Nghệ An
Với lợi thế chơi hơn người từ phút 49, Hà Nội FC đã tận dụng cơ hội đánh bại Sông Lam Nghệ An, trong trận đấu thuộc khuôn khổ vòng 10 Night Wolf V-League 2022, diễn ra tối 31-7, trên sân Hàng Đẫy. Trong trận đấu trước đó, Đông Á Thanh Hóa thắng Viettel FC 1-0, qua đó vươn lên thứ 8 trên bảng xếp hạng với 11 điểm.
Bóng chuyền nam Hà Nội: Kỳ vọng có thêm điều kiện nâng cấp
Đội bóng chuyền nam Hà Nội vừa gây bất ngờ khi giành được Huy chương đồng Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022, cũng là tấm huy chương đầu tiên sau 17 năm của đội tại hệ thống thi đấu quốc gia. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực vượt khó của thầy và trò đội bóng chuyền nam Hà Nội. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm kỳ vọng có thêm điều kiện nâng cấp để đội bóng chuyền nam Hà Nội không còn phải trầy trật vượt khó như nhiều năm qua.
Đánh bại Thái Lan, đội tuyển nữ U18 Việt Nam gặp Myanmar tại bán kết
Chiều 30-7, đội tuyển U18 nữ Việt Nam đã giành chiến thắng 1-0 trước U18 nữ Thái Lan, tại lượt trận cuối cùng bảng A Giải Bóng đá nữ vô địch Đông Nam Á 2022, và sẽ gặp U18 Myanmar ở bán kết. Dù đã chắc suất vào bán kết sau lượt trận trước, nhưng với tính chất quyết định đội nhất, nhì bảng, hai đội đã nhập cuộc với quyết tâm cao và chủ động chơi chắc chắn.
- Báo điện tử VOV ngày 1/8 đưa tin:
Viettel FC thua đau Thanh Hóa vì bàn đá phản lưới nhà
Hậu vệ U23 Việt Nam Cao Trần Hoàng Hùng đá phản lưới nhà khiến Viettel FC thua Thanh Hóa 0-1 tại vòng 10 V-League 2022. Chung cuộc, Thanh Hóa giành chiến thắng 1-0 và vươn lên đứng thứ 8 trên BXH V-League 2022 với 11 điểm. Viettel FC tiếp tục đứng thứ 7 với 13 điểm và đối mặt với nguy cơ "hít khói" trong cuộc đua vô địch.
Lý Hoàng Nam vô địch giải quần vợt nhà nghề tại Malaysia
Lý Hoàng Nam (hạng 366 thế giới) đã giành chức vô địch giải quần vợt nhà nghề M15 Kuala Lumpur tại Malaysia, sau khi đánh bại đối thủ Yuta Shimizu (người Nhật Bản, hạng 526 thế giới) trong trận chung kết diễn ra ngày 31/7. Ở trận đấu này, Lý Hoàng Nam mất break ngay game đầu tiên và bị Yuta Shimizu dẫn trước 4-5. Tuy nhiên, tay vợt số 1 Việt Nam đã bẻ được game giao bóng của đối thủ để gỡ hòa 5-5, rồi cứu được break-point ở game tiếp theo để dẫn 6-5 và tiếp tục bẻ game giao bóng của đối thủ để thắng 7-5 trong set 1.
4.Lĩnh vực Gia đình
-Báo Hà Nội mới ngày 1/8 đưa tin: Phụ nữ Thủ đô với phong trào ''Đền ơn đáp nghĩa'' cho biết: Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Những hoạt động cụ thể, thiết thực của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Tổng kết 5 năm qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã nhận chăm sóc, phụng dưỡng 28 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; gặp mặt, thăm hỏi trao tặng quà động viên 10.953 gia đình chính sách, mẹ, vợ liệt sĩ, thương binh; đỡ đầu chăm sóc 58 con liệt sĩ, thương binh; tặng 1.163 sổ tiết kiệm… trị giá gần 24 tỷ đồng; vận động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 81 "Nhà tình nghĩa" trị giá hơn 3,42 tỷ đồng… Thông qua các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp của thành phố ngày càng khẳng định vai trò của tổ chức Hội.