Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 29/7/2022

29/07/2022 | 15:35

Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Phú Yên; Việt Nam tham dự Đại hội thể thao Sinh viên Đông Nam Á lần thứ 20; Hội diễn "Câu hò nối những dòng sông" khu vực Bắc miền Trung năm 2022 là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- TTXVN ngày 29/7 đưa tin:

Hội diễn Câu hò nối những dòng sông

Tối 28/7, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên - Huế, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức khai mạc Hội diễn "Câu hò nối những dòng sông" khu vực Bắc miền Trung năm 2022. Đây là hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực nhằm góp phần khẳng định giá trị trường tồn của các loại hình dân ca, dân vũ; tạo sân chơi lớn để nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công được sáng tạo, thể hiện và cống hiến cho nghệ thuật nước nhà.

Bộ truyện tranh đầu tiên của Nhật Bản về bóng đá Việt Nam đã có mặt tại Việt Nam

Ngày 28/7, Công ty Cổ phần Kadokawa (Nhật Bản) đã bắt đầu phát hành bộ truyện tranh "Sơn Goal" tại thị trường Việt Nam. Đây là bộ truyện tranh đầu tiên về bóng đá Việt Nam do một nhà xuất bản Nhật Bản sản xuất và phát hành với sự hợp tác của Nhà xuất bản Kim Đồng. "Sơn Goal" phiên bản tiếng Việt được phát hành tại thị trường Việt Nam từ ngày 28/7. Theo dự kiến, phiên bản tiếng Nhật của bộ truyện tranh sẽ được phát hành ở Nhật Bản vào đầu năm tới.

Nhiều vấn đề 'nóng' được giải đáp tại cuộc họp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chiều 28/7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo thường kỳ cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm như: vụ việc liên quan tới diễn viên Hồng Đăng và nhạc sỹ Hồ Hoài Anh, thi hoa hậu, xét tặng danh hiệu Nhà nước, thực hiện mục tiêu đón khách du lịch quốc tế… Tại cuộc họp báo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho biết: Mong muốn của ngành khi mở cửa du lịch trở lại trong năm 2022 là đón được khoảng 65 triệu lượt khách, trong đó có 60 triệu lượt khách nội địa và 5 triệu lượt khách quốc tế.

-Báo Văn Hóa ngày 29/7 đưa tin:

Di sản tư liệu mộc bản Phật giáo tại Huế đối mặt nhiều nguy cơ

Mộc bản Phật giáo tại Huế hiện còn được lưu giữ khá đồ sộ, với đa dạng các loại hình không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa và còn có giá trị nghệ thuật độc đáo. "Mộc bản Phật giáo tại Huế là nguồn tư liệu quý để nhiều ngành khác tham khảo. Tuy nhiên với thời gian tồn tại hàng trăm năm, nhiều mộc bản đang đứng trước nguy cơ bị hư hại, mất mát nếu không được bảo quản đúng kỹ thuật. Do đó, để gìn giữ kho di sản này, không chỉ cần "tấm lòng" mà còn cần sự chung tay của những người có trách nhiệm, chuyên môn trong lĩnh vực bảo tồn…"

Những điểm sáng trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở

Những mô hình tiêu biểu luôn được xác định là hạt nhân tạo sức sống trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Trên khắp mọi vùng miền, cộng đồng các dân tộc cùng chung tay, sáng tạo trong việc gây dựng, gìn giữ và phát huy hiệu quả hoạt động của những mô hình - nơi hội tụ những giá trị bản sắc, đặc trưng, mang hơi thở cuộc sống của mỗi vùng đất. Nhân rộng điển hình luôn là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở trong những năm qua.

Viết tiếp về di tích lịch sử, văn hóa quốc gia số 7 Lý Chính Thắng, TP.HCM: Chủ nhà gửi đơn đề nghị khẩn cấp thứ 12

Hôm qua 28.7, đại diện gia đình trực tiếp quản lý căn nhà số 7 Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM xác nhận vừa tiếp tục gửi đơn khẩn cấp đến các cơ quan Trung ương và TP.HCM, đề nghị xem xét giải quyết việc thu hồi Bia và Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Được biết, đây là lá đơn thứ 12 của gia đình trong hơn 10 năm qua. Thể theo nguyện vọng gia đình, Nhà nước đã có chủ trương hoán đổi căn nhà di tích này với căn nhà khác và hỗ trợ cho gia đình 5 tỉ đồng để di dời đi, nhưng phương án này sau nhiều năm vẫn "giậm chân tại chỗ" vì vướng các quy định. Để tháo gỡ vấn đề này, nhằm thể theo nguyện vọng gia đình và tiếp tục phát huy giá trị di tích, TP.HCM và các Bộ, ngành liên quan đã nhiều lần bàn bạc để tìm phương án tốt nhất.

- Báo Hà Nội mới ngày 28/7 đưa tin:

Vinh danh các Đại sứ văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2022

Ngày 28-7, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành đoàn Hà Nội trao giải cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc thành phố Hà Nội lần thứ II – năm 2022 với chủ đề "Khát vọng phát triển đất nước". Cuộc thi là dịp để các em học sinh Thủ đô trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

-Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 29/7 đưa tin:

Diễn kịch để cổ vũ văn hóa đọc

Tại TPHCM, sau huyện Nhà Bè, nhóm kịch Chi Chi Chành Chành vừa tiếp tục đến với các em nhỏ của quận 12 vào ngày 19-7. Thông qua vở kịch Chuyến phiêu lưu kỳ thú, nhóm hy vọng lan tỏa và truyền tình yêu đọc sách đến các em nhỏ. Không chỉ diễn kịch để cổ vũ văn hóa đọc, Chi Chi Chành Chành còn thường xuyên diễn kịch tuyên truyền và phổ biến về an toàn giao thông cho học sinh các cấp học. Nhóm đã có các vở theo chủ đề này, gồm: Sơn Tinh - Thủy Tinh, Rùa và Thỏ, Bài học của Thần chết và Câu chuyện ước mơ. Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm đã diễn khoảng 300 suất cho 2 chủ đề.

Rộng cửa đón di sản hồi hương

Ngày 28-7, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đây được xem là bước đi quan trọng để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi Luật Di sản văn hóa suốt 20 năm qua. Cũng có nhiều ý kiến chỉ ra các thủ tục hiện hành chưa cụ thể, chưa có tính khuyến khích và tôn vinh sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức vào công tác tu bổ, gìn giữ di sản cũng như khích lệ, tôn vinh việc tham gia tìm kiếm, đấu giá, mua cổ vật, đưa cổ vật hồi hương…

Phát động cuộc thi ảnh nghệ thuật "Hoàng Sa - Trường Sa - Nhà giàn DK trong trái tim tôi"

Ngày 28-7 tại TPHCM, Quỹ học bổng Vừ A Dính tổ chức họp báo chương trình "Hành trình 10 năm vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu". Thời gian qua, CLB đã trao hàng ngàn suất học bổng cho con chiến sĩ hải quân và ngư dân nghèo; đưa con em của cán bộ chiến sĩ hải quân, gia đình ngư dân ở các vùng biển, đảo có hoàn cảnh khó khăn về TPHCM học tập từ lớp 6 đến hết lớp 12; phát triển CLB lớn mạnh với hơn 3.000 hội viên, trong đó có 155 hội viên nòng cốt.

Ra mắt Sân khấu Tài năng thiếu nhi

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ra mắt Sân khấu Tài năng thiếu nhi, dành cho các em từ 6-13 tuổi, không chỉ là con em của các nghệ sĩ, viên chức và người lao động của nhà hát mà hướng đến việc tìm kiếm, khuyến khích, chiêu mộ các em thiếu nhi trên địa bàn thành phố có năng khiếu ca hát và có niềm đam mê đối với nghệ thuật truyền thống. Chương trình đầu tiên ra mắt Sân khấu Tài năng thiếu nhi sẽ diễn ra vào tối 30-7, tại sân khấu lầu 2, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, quy tụ 12 tài năng nhí là con em của các nghệ sĩ cải lương

2.Lĩnh vực Du lịch

- Báo Nhân Dân, TTXVN và nhiều báo khác ngày 29/7 đưa tin: "Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Phú Yên" cho biết: Tối 28/7, tại Quảng trường Nghinh phong (thành phố Tuy Hòa), Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức khai mạc "Tuần Văn hóa - Du lịch Phú Yên" năm 2022. Đây là sự kiện để quảng bá hình ảnh địa phương, kích cầu hoạt động du lịch sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. “Tuần Văn hóa - Du lịch Phú Yên” năm 2022 có chủ đề “Cá ngừ đại dương - Tinh hoa của biển”. Các hoạt động chính sẽ được diễn ra từ ngày 28 - 31/7 như: Chương trình ẩm thực xác lập 101 món ăn từ cá ngừ đại dương Phú Yên; Liên hoan Nghệ thuật Bài chòi; Lễ hội tôm hùm thị xã Sông Cầu. Ngoài ra còn có một số hoạt động thể thao do Tổng cục Thể dục, Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với địa phương tổ chức.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 29/7/2022 - Ảnh 1.

Chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc - Ảnh: TTXVN

-Báo Văn Hóa ngày 29/7 đưa tin:

Để tour lặn ngắm san hô trở thành sản phẩm độc đáo : Hấp dẫn hút khách du lịch

Đã từ lâu, việc sử dụng tài nguyên rạn san hô phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các quốc gia vùng ven biển, đặc biệt khai thác thủy sản và du lịch. Tại khu vực biển các tỉnh Duyên hải miền Trung, trong đó từ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận… có những bãi rạn san hô rất quý hiếm và đẹp, tạo nên những tour du lịch độc đáo, hấp dẫn hút khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Hợp tác du lịch đường biển giữa Phú Quốc với tỉnh Kampot

Ngày 28.7, hội nghị sơ kết kết quả hợp tác 3 năm 2019-2021 và phương hướng hợp tác năm tiếp theo giữa tỉnh Kiên Giang với tỉnh Kampot (Vương quốc Campuchia), được tổ chức tại Ủy ban Hành chính tỉnh Kampot. Tại hội nghị sơ kết, ông Khut Usaphia, Giám đốc Hành chính Ủy ban Hành chính tỉnh Kampot cho biết, Kiên Giang và Kampot đã phối hợp khảo sát thực địa và chuẩn bị các điều kiện cần thiết hướng tới việc xây dựng tuyến du lịch bằng đường biển giữa TP đảo Phú Quốc với tỉnh Kampot.

Khảo sát nguồn nhân lực du lịch và năng lực chuyển đổi số

Sở Du lịch TP Đà Nẵng đang triển khai khảo sát thông tin chi tiết về nguồn nhân lực du lịch và năng lực chuyển đổi số trên địa bàn thành phố. Theo đó, các nội dung khảo sát về nguồn nhân lực bao gồm tình hình nhân lực hiện có, số lượng làm toàn thời gian, bán thời gian, số lượng nhân viên tại các vị trí; số nhân viên đã qua đào tạo; mong muốn của doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo nhân viên cho từng bộ phận...

- Báo Nhân Dân ngày 29/7 đưa tin:

Du lịch tiếp đà hồi phục tích cực trong 7 tháng đầu năm

Trong 7 tháng năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, khách nội địa gấp 1,8 lần của cả năm 2021. Doanh thu du lịch, dịch vụ tăng cao là những yếu tố cho thấy sự phục hồi tích cực của du lịch Việt Nam. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022 của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/7 thông tin: Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 đạt 352,6 nghìn lượt người, tăng 49% so với tháng trước và gấp 47,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Xây dựng sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên, văn hóa bản địa để phát triển bền vững

Ngày 28/7, tại thị xã Sa Pa (Lào Cai), Tỉnh ủy Lào Cai phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học về phát triển bền vững du lịch cộng đồng ở Sa Pa, nhằm đề ra định hướng và giải pháp khai thác, phát triển bền vững du lịch cộng đồng các dân tộc thiểu số ở địa phương. Để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Sa Pa, UBND tỉnh Lào Cai đã công nhận 3 tuyến và 14 điểm du lịch cộng đồng và di tích danh thắng ở địa phương. Tính đến hết tháng 7/2022, Sa Pa có 362 cơ sở kinh doanh.

Việt Nam tích cực trao đổi với Đức để giải quyết vấn đề liên quan đến hộ chiếu mới

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ngày 27/7, cảnh sát liên bang Đức đã ra thông báo một số vấn đề liên quan tới cuốn hộ chiếu mới của Việt Nam, theo đó Đức tạm thời không công nhận những cuốn hộ chiếu của Việt Nam được cấp từ ngày 1/7 tại Việt Nam. Đại sứ quán nước ta tại Đức đã ngay lập tức liên hệ với các cơ quan hữu quan phía Đức để có thể sớm giải quyết các vấn đề liên quan.

- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 29/7 đưa tin:

Quảng Bình: Hợp tác cùng Vietnam Airlines phối hợp hình thành các sản phẩm du lịch

Ngày 29/7, tin từ UBND tỉnh Quảng Bình cho hay, tỉnh Quảng Bình và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã ký kết hợp tác toàn diện giai đoạn 2022 – 2026 nhằm quảng bá xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch - Hàng không. Việc hợp tác này sẽ có nhiều hoạt động tích cực trong việc phát triển du lịch. Hai bên sẽ phối hợp nghiên cứu và hình thành các sản phẩm du lịch; phối hợp tổ chức các sự kiện giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm Quốc gia và khu vực; hợp tác tổ chức, tham gia, hỗ trợ chương trình quảng bá xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.

Xây dựng các sản phẩm văn hóa, du lịch từ áo dài truyền thống Huế

Ngày 28/7, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị sẽ xây dựng các sản phẩm văn hóa, du lịch từ áo dài truyền thống Huế trong thời gian tới sau khi được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam". Sắp tới, sau khi được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt, địa phương sẽ xây dựng các sản phẩm văn hóa du lịch từ áo dài truyền thống Huế thông qua các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật, show trình diễn thời trang áo dài định kỳ theo hướng Tuần lễ áo dài theo mùa, theo quý, để hình thành các sản phẩm văn hóa phục vụ khách du lịch.

-Báo Vietnamplus ngày 29/7 đưa tin:

Du lịch đã thực sự được 'cởi trói' sau hơn hai năm COVID-19?

Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50-75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới. Lý giải cho sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, các chuyên gia cho rằng mùa Hè năm nay đã thực sự "cởi trói" cho du khách sau hơn hai năm COVID-19. Đặc biệt, rất nhiều sản du lịch mới hấp dẫn được đầu tư kịp thời đã kích "ngòi nổ" cho một làn sóng du lịch nội địa trên khắp các tỉnh thành.

Loại hình du lịch nào tăng trưởng "nóng" nhất hậu đại dịch?

Ngành kinh tế xanh Việt Nam đang trên đà phục phục hồi mạnh mẽ. Đặc biệt, dịp Hè này hầu hết các công ty lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch đều đang trong tình trạng căng mình phục vụ.Và MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng), được đại diện nhiều doanh nghiệp khẳng định là lĩnh vực phục hồi tốt nhất, chiếm khoảng 60-70% lượng khách. Không chỉ phục vụ nhiều đoàn khách lớn hàng nghìn người trong nước, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng bắt đầu đón những đoàn khách MICE từ thị trường quốc tế trở lại trải nghiệm hậu đại dịch.

Ngành du lịch phục hồi tạo đà tăng trưởng bất động sản nghỉ dưỡng

Sáu tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón 413.000 lượt khách quốc tế và 60,8 triệu lượt khách nội địa với tổng thu từ khách du lịch đạt 265.000 tỷ đồng - bằng mục tiêu đề ra cho cả năm. Cùng với tốc độ phục hồi ấn tượng của ngành "công nghiệp không khói," thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã nhanh chóng sôi động trở lại. Lực cầu dự kiến sẽ có đà tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm nay.

-Báo Tin tức ngày 28/7 đưa tin: "Liên hoan Diều toàn quốc lần thứ II"cho biết: Ngày 28/7, tại Khu du lịch sinh thái Cồn Đen (xã Thái Đô, huyện Thái Thụy), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Diều Việt Nam tổ chức Liên hoan Diều toàn quốc lần thứ II. Hoạt động nhằm quảng bá, vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tục chơi diều sáo trong lễ hội Sáo Đền, xã Song An, huyện Vũ Thư"- một trong 11 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh Thái Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

-Báo Hà Nội mới ngày 29/7 đưa tin: "Côn Đảo: Từ ''địa ngục trần gian'' đến thiên đường nghỉ dưỡng" cho biết: Côn Đảo được nhiều tạp chí du lịch uy tín của nước ngoài ca ngợi là "thiên đường của thiên nhiên", "là một trong 10 hòn đảo đẹp nhất hành tinh". Trước đây, Côn Đảo từng là "địa ngục trần gian" với những ký ức đau thương nhưng cũng tràn đầy niềm tự hào đối với các thế hệ người Việt Nam. Ngày nay, Côn Đảo đã trở thành hòn đảo du lịch có sức quyến rũ với du khách trong và ngoài nước.

- Báo điện tử VOV ngày 29/7đưa tin: "Thông tin mới giải tỏa lo ngại khi đi du lịch Hàn Quốc" cho biết: Kể từ ngày 25/7, du khách đến Hàn Quốc xét nghiệm Covid-19 ngay trong ngày đầu tiên, sau khi nhận kết quả âm tính (thời gian chờ từ 1 - 2 tiếng) được thoải mái khám phá, trải nghiệm "xứ sở kim chi" theo lịch trình. Việc Hàn Quốc đưa ra quy định mới từ ngày 25/7 khiến không ít du khách lo lắng, dẫn đến thay đổi kế hoạch, hủy tour Hàn Quốc. Theo đó khi nhập cảnh Hàn Quốc, du khách phải xét nghiệm trong ngày đầu tiên, đồng thời được khuyến cáo không đến những nơi đông người trong khi chờ kết quả. Nếu dương tính, khách du lịch phải cách ly tại địa điểm do chính phủ Hàn Quốc chỉ định và tự trả chi phí 150 USD/ngày trong khoảng 7 ngày. Ngoài ra trước khi nhập cảnh Hàn Quốc, du khách cũng phải xét nghiệm PCR trong vòng 72h hoặc xét nghiệm nhanh Covid-19 trong vòng 48h.

3.Lĩnh vực Thể thao

-TTXVN ngày 29/7 đưa tin:

Cuộc đua trụ hạng V-League: Xuất hiện nhóm nguy cơ cao

Sau vòng 9 V-League 2022, hai đại diện của bóng đá TP Hồ Chí Minh là Sài Gòn FC và CLB TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nguy cơ xuống hạng. Cùng với đó, Nam Định cũng bị kéo vào cuộc đua mà không đội bóng nào mong muốn này. Đến thời điểm này, đoàn quân của HLV Phùng Thanh Phương là đội duy nhất ở V-League 2022 vẫn chưa biết đến mùi chiến thắng và tiếp tục chôn chân ở vị trí cuối bảng xếp hạng. Sài Gòn FC vẫn chưa nguôi tiếc nuối khi phải chia điểm với Nam Định ở "trận cầu 6 điểm" trên sân Thống Nhất ở vòng 9 vừa qua dù đã có lợi thế hơn người từ phút 28.

Thăm, động viên các vận động viên Việt Nam tham dự ASEAN Para Games 2022

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 28/7, lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao và Hiệp hội Paralympic Việt Nam đã đi thăm, động viên, kiểm tra nơi ăn ở và tình hình tập luyện của các vận động viên (VĐV) và huấn luyện viên (HLV) dự Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) lần thứ 11. Theo đánh giá chung, công tác ăn, ở và tập luyện của các đội đều đảm bảo. Công tác khám phân loại thương tật đến thời điểm này diễn ra suôn sẻ và đúng phân hạng từ trong nước. Ngày mai, các đội sẽ tham gia xét nghiệm COVID-19 và tiếp tục tập luyện cũng như khám phân loại thương tật theo bố trí của Ban tổ chức.

Vòng 10 V-League 2022: 'Đại chiến' Hà Nội FC - Sông Lam Nghệ An

Cuộc cạnh tranh ở Top đầu bảng xếp hạng Giải vô địch quốc gia (V-League) Night Wolf 2022 đang diễn ra kịch tính, quyết liệt và hấp dẫn khi các đội so kè nhau từng điểm số. Tâm điểm của vòng 10 là màn đụng độ giữa Hà Nội FC và SLNA, kết quả trận đấu này sẽ quyết định tới vị trí đầu bảng. Hà Nội FC và SLNA sẽ đối đầu nhau trên sân Hàng Đẫy trong trận cầu tâm điểm của vòng 10 V-League 2022. Trận đấu này mang ý nghĩa quyết định với vị trí đầu bảng, thậm chí quyết định trực tiếp tới ngôi "vô địch lượt đi" V-League 2022.

- Báo Hà Nội mới ngày 29/7 đưa tin:

Giải đấu bóng chày toàn quốc lần đầu tiên thu hút 8 đội tham gia

Ngày 28-7, lễ khai mạc Cúp các câu lạc bộ Bóng chày toàn quốc năm 2022, cũng là giải bóng chày toàn quốc đầu tiên, chính thức diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh. Giải thu hút 168 vận động viên bóng chày Việt Nam và nước ngoài tham gia thi đấu dưới màu áo của 8 câu lạc bộ trên cả nước. Tám câu lạc bộ bóng chày trên toàn quốc dự giải gồm: Hà Nội Archer A, Hà Nội Archer B, Ulis Devil Bats, Hà Nội Capital, thành phố Hồ Chí Minh I, thành phố Hồ Chí Minh II – Sài Gòn Storm, Đà Nẵng và Ho Chi Minh city Pioneers.

Thắng đậm U18 nữ Campuchia, đội tuyển U18 nữ Việt Nam cầm chắc vé vào bán kết

Chiều 28-7, đội tuyển U18 nữ Việt Nam đã có chiến thắng đậm đà 7-0 trước U18 nữ Campuchia ở trận đấu thứ 3, giải bóng đá vô địch nữ U18 Đông Nam Á 2022. Giành chiến thắng với tỷ số 7-0, đội tuyển U18 nữ Việt Nam đã có 3 trận thắng liên tiếp, bỏ túi 9 điểm và cầm chắc vé vào bán kết ở bảng A giải U18 nữ Đông Nam Á 2022.

Hà Nội tích cực chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể dục thể thao Thủ đô lần thứ X

Ngày 28-7, tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp Ban tổ chức Đại hội Thể dục thể thao Thủ đô lần thứ X năm 2022. Dự kiến, đại hội thể dục thể thao cấp quận, huyện sẽ hoàn thành trong quý III-2022. Đại hội thể dục thể thao các ngành, đoàn thể, hội sẽ tổ chức xong vào cuối tháng 9-2022. Đại hội Thể dục thể thao Thủ đô lần thứ X năm 2022 cấp thành phố sẽ được tổ chức vào ngày 9-10-2022.

- Báo Nhân Dân ngày 29/7 đưa tin:

U20 Việt Nam thay thế 3 cầu thủ trong danh sách tập trung

Sau một tuần tập luyện, chiều 28/7, đội tuyển U20 Việt Nam đã có sự biến động đầu tiên về lực lượng với 3 sự thay thế trong danh sách chuẩn bị cho Vòng loại Cúp bóng đá U20 châu Á 2023. Nhằm bảo đảm lực lượng cho đội tuyển, huấn luyện viên Đinh Thế Nam đã đề xuất triệu tập 3 cầu thủ lên thay thế là tiền vệ Nguyễn Thái Sơn, tiền đạo Nguyễn Ngọc Mỹ của Thanh Hóa và hậu vệ Nguyễn Đức Anh của Hà Nội.

Việt Nam tham dự Đại hội thể thao Sinh viên Đông Nam Á lần thứ 20

Chiều 28/7, tại Sân vận động Đại học Ubon Ratchathani Rajabhat, tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan đã diễn ra Lễ khai mạc Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 20. Đoàn sinh viên Việt Nam với gần 90 thành viên đã có mặt tham dự đại hội. Lễ khai mạc đại hội diễn ra lúc 17 giờ ngày 28/7 với nhiều nghi thức trang trọng và sôi động, cùng màn diễu hành của 11 đoàn thể thao sinh viên đến từ các quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Món ăn tinh thần không thể thiếu tại VBA 2022

Kể từ thời điểm khởi tranh, VBA 2022 đã mang đến cho khán giả những màn tranh tài hấp dẫn. Trong số đó, không thể không kể tới những pha úp rổ (dunk) ngất trời. Còn khoảng ba tuần để tìm ra bốn gương mặt tiến vào bán kết. Hiện Nha Trang Dolphins đang đứng thứ ba với bốn chiến thắng. Đội bóng phố biển hứa hẹn sẽ đón chào bốn CLB Saigon Heat, Danang Dragons, Hanoi Buffaloes và Cantho Catfish trên sân nhà bằng những màn "không chiến" và pha úp rổ mãn nhãn bật dậy cả khán đài.

- Báo Văn Hóa ngày 29/7 đưa tin:

Trang bị kiến thức cho các HLV môn trượt patin

Sáng 29.7, Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam phối hợp với Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình tổ chức khóa tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho HLV chuyên môn Roller Sports (trượt patin) cấp độ 1 và cấp độ 2. Đây là môn thể thao đầy hấp dẫn và hiện khá phát triển ở Việt Nam. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - Chủ tịch Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam Đặng Hà Việt, ở nước ta, hiện phong trào Roller đang phát triển rất mạnh, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. Liên đoàn Roller quốc tế cũng đã liên hệ với Việt Nam để tổ chức các giải đấu. Môn Roller có 2 nội dung là trượt ván ở công viên và trượt ván trên đường phố. Đây là 2 nội dung đã được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại Olympic Tokyo vừa qua.

VĐV Kiên Giang giành huy chương vàng Giải cử tạ châu Á

Tại Giải vô địch cử tạ thanh thiếu niên và vô địch trẻ châu Á diễn ra từ ngày 15 đến 25.7 ở Uzbekistan, vận động viên Dương Thị Kim Yến (Kiên Giang) xuất sắc giành 1 HCV nội dung cử đẩy, 2 HCB nội dung cử giật và tổng cử hạng cân 40kg nữ. Ông Trần Nguyễn Bá - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Kiên Giang cho biết, Giải vô địch cử tạ thanh thiếu niên và vô địch trẻ châu Á lần này là giải đấu đầu tiên của Dương Thị Kim Yến tham gia một giải cấp quốc tế. Điều này vượt qua sự kỳ vọng không chỉ của các chuyên gia, huấn luyện viên mà còn của ngành thể thao tỉnh nhà.

Cố gắng đạt kết quả tốt nhất

Đội tuyển cờ vua Việt Nam sẽ bước vào thi đấu ván 1 Giải cờ vua đồng đội thế giới - Olympiad 2022 tại thành phố Chennai (Ấn Độ) vào hôm nay (29.7). Sau SEA Games 31, đây chính là giải đấu quan trọng nhất trong năm của cờ vua Việt Nam. Olympiad cờ vua 2022 diễn ra từ ngày 29.7 đến 9.8, có 187 đội nam và 162 đội nữ trên toàn thế giới tham dự. Các đội sẽ thi đấu 11 ván cờ tiêu chuẩn theo hệ Thụy Sĩ, mỗi ván có 90 phút dành cho 40 nước đi và 30 phút tiếp theo ở các nước cờ từ thứ 41 trở đi. Mỗi ván thắng được 2 điểm, hòa 1 điểm và thua 0 điểm.

4.Lĩnh vực Gia đình

-Báo Văn Hóa ngày 29/7 đưa tin: "Tình người trong Ngôi nhà Ánh Dương" cho biết: Sau hơn 2 năm ra đời, Ngôi nhà Ánh Dương (Quảng Ninh) đã tiếp nhận và hỗ trợ 23 chị em là nạn nhân bạo lực gia đình, trong đó có 13 chị em phải ở lại tạm lánh. Việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ (miễn phí) cho nạn nhân bạo lực đã giúp chị em không phải nhắc lại nhiều lần làm tổn thương thêm nỗi đau của mình. Ngôi nhà Ánh Dương là đơn vị trực thuộc Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh - Sở LĐ,TB&XH tỉnh Quảng Ninh, thuộc dự án phối hợp giữa Chính phủ Việt Nam - Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) về "Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam" đi vào hoạt động từ tháng 4.2020.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×