Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đấu tranh chống tội phạm ma túy có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc

04/05/2017 | 11:07

Từ năm 2005 đến nay, tình hình tội phạm ma túy có tổ chức, sử dụng vũ khí “nóng” trên tuyến Tây Bắc luôn có xu hướng phức tạp gia tăng.

                   

I. Tình hình và kết quả đấu tranh
Tuyến Tây Bắc bao gồm 6 tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Với đặc điểm địa hình phần lớn là đồi núi hiểm trở, đường biên giới dài 1.098,5km (trong đó 620km đường biên của hai tỉnh Sơn La và Điện Biên, giáp với các tỉnh Hủa Phăn, Phong Xa Lì và Luông Pha Băng của Lào; 478,5km đường biên của tỉnh Lai Châu và Lào Cai giáp với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc). Dọc tuyến này có 02 cửa khẩu quốc tế, 04 cửa khẩu quốc gia và 06 cửa khẩu địa phương. Đây là tuyến tình hình tội phạm ma túy phức tạp nhất cả nước, cả về quy mô, tính chất nguy hiểm trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy trên tuyến Tây Bắc đã để lại nhiều thương cho các lực lượng. 
Từ năm 2005 đến nay, tình hình tội phạm ma túy có tổ chức, sử dụng vũ khí “nóng” trên tuyến Tây Bắc luôn có xu hướng phức tạp gia tăng. Theo kết quả bắt giữ, hàng năm có trên 70% lượng heroin được vận chuyển trái phép từ khu vực “Tam giác vàng” về Việt Nam tiêu thụ hoặc đi nước thứ ba qua tuyến biên giới thuộc các tỉnh Tây Bắc.

- Ma túy bao gồm heroin, thuốc phiện và ma túy tổng hợp (chủ yếu là heroin) được mua bán, vận chuyển từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào vào Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba. Tội phạm ma túy móc nối với các đối tượng phạm tội mang quốc tịch Lào để thu gom ma túy rồi tập kết ở khu vực biên giới sau đó lợi dụng tuyến biên giới đường bộ, đặc biệt là các đường mòn, đường tiểu ngạch để vận chuyển ma túy vào sâu nội địa trên các tuyến đường như:
+ Tuyến Quốc lộ 6 từ Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình về Hà Nội rồi đi các tỉnh hoặc vận chuyển sang Trung Quốc.
+ Tuyến quốc lộ 15 nối với đường 6 qua Mai Châu - Hòa Bình và các huyện vùng cao Thanh Hóa về Thanh Hóa rồi đi các tỉnh.
+ Tuyến quốc lộ 12B nối với đường 6 qua Tân Lạc - Hòa Bình, cắt qua đường Hồ Chí Minh về Tam Điệp - Ninh Bình rồi đi các tỉnh.
+ Tuyến quốc lộ 37 là tuyến đường nối 7 tỉnh Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình.
+ Tuyến quốc lộ 4D là tuyến quốc lộ chạy dọc theo tuyến biên giới Việt - Trung từ Lai Châu qua Thị trấn Sa Pa - Lào Cai về Hà Nội và đi các tỉnh.
+ Tuyến đường sông bao gồm Sông Mã, Sông Đà, Sông Hồng, Sông Chảy… 
+ Tuyến đuờng sắt Hà Nội - Lào Cai - Yên Bái.
+ Tuyến đường không từ Hà Nội lên Điện Biên.
- Đối tượng phạm tội ma túy thường là các đối tượng ở gần biên giới hoặc thường xuyên qua lại khu vực biên giới. Trong các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng người nước ngoài, các đối tượng là người dân tộc ở khu vực giáp biên giới và các đối tượng ở các tỉnh dưới xuôi. Một số đối tượng bị truy nã về ma túy lẩn trốn ở khu vực giáp biên hoặc trốn sang Lào, móc nối hình thành các đường dây đưa ma túy về Việt Nam tiêu thụ. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Sơn La còn tình trạng các đối tượng vận chuyển ma túy qua biên giới Việt - Lào có vũ trang diễn biến hết sức phức tạp. Theo tài liệu trinh sát thu được từ năm 2010 đến 2013, mỗi ngày có 02- 03 tốp đối tượng người Lào, mỗi tốp có 05 – 07 người, thậm chí có tốp 15-20 người, móc nối với người Việt Nam có trang bị vũ khí nóng, mỗi đối tượng đeo 01 balo khoảng 15-20 bánh heroin và 01 khẩu sung AK hoặc Săm lếch, tập kết vào các xã biên giới Việt Nam để tiêu thụ.  Hầu hết các đối tượng trong các đường dây ma túy lớn đều trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ, giải cứu đồng bọn hoặc tự sát để bịt đầu mối.  Riêng ở địa bàn một số xã như Chiềng Sơn, Chiềng Xuân, Loóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La và huyện Mai Châu, Hòa Bình đang tồn tại nhiều đường dây ma túy lớn móc nối với người Lào vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ, gây nên tình hình hết sức phức tạp. 

Ảnh minh họa. Nguồn baophapluat.vn

Xác định tính chất phức tạp của tội phạm và tệ nạn ma túy tại đây sẽ tác động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh chính trị, sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, từ năm 2005 đến nay, UBND tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên đã có nhiều giải pháp, kế hoạch huy động các lực lượng áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma túy nhưng tình hình vẫn chưa giảm. Ngày 23/11/2011 Cục C47 phối hợp với Cục phòng, chống ma túy, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng và Công an tỉnh Sơn La xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch 1048 để giải quyết tình hình phức tạp về mua bán, vận chuyển ma túy tại địa bàn biên giới Việt Nam - Lào (huyện Sốp Bâu/Hủa Phăn/Lào và huyện Mộc Châu/Sơn La/Việt Nam. Ngày 16/5/2013 Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã phê duyệt phương án số 279 để giải quyết địa bàn trọng điểm về ma túy tại xã Lóng Luông huyện Mộc Châu (nay là huyện Vân Hồ), tỉnh Sơn La. Quá trình thực hiện Phương án, thông qua các biện pháp trinh sát đã xác định: Số ma túy thu được và số ma túy mà các đối tượng ở địa bàn tổ chức mua bán và vận chuyển trái phép đều do các toán đối tượng người HMông, quốc tịch Lào có vũ trang vận chuyển trái phép qua biên giới đưa vào nội địa, mỗi toán thường có từ 5 đến 7 tên, có toán từ 10 đến 15 đối tượng, thậm chí có những toán trên 30 đối tượng; ước tính mỗi ngày chúng vận chuyển vào địa bàn hàng trăm bánh heroin. 
Để giải quyết tình hình nói trên, những năm qua, Công an tỉnh Sơn La đã chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và các đơn vị trinh sát kỹ thuật lập kế hoạch tổ chức đấu tranh bắt giữ nhóm đối tượng này. 
- Ngày 18/6/2013 phát hiện 6 đối tượng khoác ba lô, vác súng đi cắt rừng hướng về địa bàn xã Lóng Luông. Khi các đối tượng đến khu vực rừng núi thuộc bản Nà Sàng, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, các lực lượng nổ súng bắn cảnh cảo, các đối tượng lập tức sử dụng súng bắn trả về phía có tiếng nổ và bỏ chạy về phía biên giới. Lực lượng Công an đã truy kích, bắt giữ 2 đối tượng, thu giữ 40 bánh heroin, 02 dao nhọn…
- Ngày 19/7/2014 phát hiện một nhóm gồm 25 đối tượng vận chuyển ma túy có vũ trang xâm nhập trái phép qua biên giới hướng vào khu vực xã Lóng Luông. Khi đến khu vực rừng núi thuộc bản Thung Cuông, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, cách biên giới Việt - Lào khoảng 40 km, các lực lượng của Ban Chuyên án, dùng loa thông báo các đối tượng đã bị bao vây, đồng thời bắn cảnh báo và yêu cầu các đối tượng hạ vũ khí đầu hàng và giao nộp ma túy nhưng các đối tượng dùng súng bắn trả liên tiếp về phía có tiếng loa, ánh đèn và các địa điểm chúng nghi có lực lượng Công an mật phục, làm đồng chí Lường Phát Chiêm, cán bộ phòng PC65 Công an tỉnh Sơn La hy sinh, và đồng chí Nguyễn Thái Hà, cán bộ phòng PC47 bị thương. Trước tình huống đó, buộc lực lượng phá án phải nổ súng trấn áp; các đối tượng đã tháo chạy về phía biên giới. Lực lượng Công an đã truy kích, bắt giữ 5 đối tượng, trong đó có 2 đối tượng bị thương nặng đã tử vong, thu giữ tại hiện trường 110 bánh heroin, 02 súng AK, 02 súng Cạc bin, 01 súng ngắn, 70 viên đạn.
- Ngày 26/9/2014 phát hiện một toán gồm 08 đối tượng có vũ trang vận chuyển ma túy từ biên giới vào nội địa; khi đến khu vực rừng núi thuộc bản Nà Sàng, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, Ban chuyên án phát lệnh nổ súng bắn chỉ thiên, dùng loa phóng thanh yêu cầu các đối tượng hạ vũ khí đầu hàng và giao nộp ma túy; Ngay lập tức số đối tượng trên đã nổ súng chống trả quyết liệt và bỏ chạy về phía biên giới. Lực lượng Công an đã nổ súng trấn áp, bắn chỉ thiên và tổ chức lực lượng truy bắt các đối tượng. Tại hiện trường lực lượng chức năng đã thu giữ 60 bánh heroin, 16.000 viên MTTH, 04 khẩu súng (trong đó có 2 khẩu AK), 54 viên đạn; bắt 03 đối tượng.
- Ngày 07/03/2015, lực lượng chức năng của Công an tỉnh Sơn La đã phát hiện một nhóm 10 đối tượng có vũ trang, mang theo chó săn, vận chuyển trái phép ma túy từ biên giới vào nội địa. Khi đến khu vực bản Nà Tén, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu chúng nghi ngờ có lực lượng chức năng phục kích, các đối tượng đã xua chó săn tấn công, đồng thời manh động dùng súng quân dụng bắn thẳng về phía tổ công tác. Để trấn áp tội phạm và đảm bảo an toàn tuyệt đối lực lượng làm nhiệm vụ, tổ công tác buộc phải nổ súng tiêu diệt 01 đối tượng, các đối tượng còn lại bỏ chạy về phía biên giới. Tại hiện trường, thu giữ 40 bánh heroin; 01 súng AK, 01 súng K59, 32 viên đạn.
- Ngày 03/5/2015, Công an Sơn La chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động, Bộ Công an trong khi thực hiện nhiệm vụ phát hiện một nhóm 28 đối tượng có vũ trang, mang theo chó săn, vận chuyển trái phép ma túy từ phía biên giới vào nội địa. Khi đến khu vực bản Khò Hồng, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ chúng nghi vấn có tổ công tác phục kích, các đối tượng đã xua chó săn tấn công, dùng súng quân dụng bắn liên tiếp nhằm áp đảo lực lượng chức năng. Để trấn áp tội phạm và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng làm nhiệm vụ, tổ công tác buộc phải nổ súng tiêu diệt 1 đối tượng, các đối tượng còn lại bỏ chạy về phía biên giới. Tại hiện trường, đã phát hiện, thu giữ 160 bánh heroin, 4 khẩu súng quân dụng, trong đó có 3 khẩu súng AK, 1 khẩu Các bin, 85 viên đạn. 
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội về ma túy rất tinh vi, xảo quyệt và ngày càng manh động hơn. Các đối tượng cầm đầu thường ít khi bộc lộ thân phận mà thường chỉ đạo đồng bọn tìm nguồn hàng, cung cấp về tài chính và thuê đối tượng vận chuyển. Dựa vào các quan hệ sẵn có giữa các dân tộc, họ hàng, anh em thân tộc trong gia đình để vận chuyển ma túy qua biên giới vào Việt Nam sau đó móc nối với các đối tượng khác để đưa ma túy đi tiêu thụ ở các tỉnh hoặc vận chuyển sang nước thứ ba. Nguy hiểm hơn là bọn tội phạm ma túy tìm cách lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc một số cán bộ thoái hóa, biến chất ở các xã, bản như ở Tà Dê, Lũng Xá, Cô Tang, xã Loóng Luông, vùng giáp biên tham gia đường dây hoặc bảo kê để bọn chúng hoạt động. 
Tại 6 tỉnh Tây Bắc vẫn còn tồn tại một số địa bàn phức tạp về hoạt động phạm tội ma túy như: Huyện Mai Châu - Hòa Bình; huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Sông Mã - Sơn  La; huyện Điện Biên Đông, Điện Biên – tỉnh Điện Biên; TP Lào Cai, huyện Mường Khương – Lào Cai... tại các điểm nóng này, đối tượng phạm tội ma túy rất manh động; theo phong tục tập quán và để bảo vệ hàng (ma túy), hầu hết các đối tượng thường tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, chống trả quyết liệt lại lực lượng chức năng khi bị bắt giữ, gây khó khăn, thách thức cho lực lượng chức năng.
Tình trạng trồng và tái trồng các loại cây có chứa chất ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, các đối tượng tìm cách trồng cây thuốc phiện ở các vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, thậm chí vượt biên sang đất của nước bạn Lào để trồng. Mặc dù các diện tích tái trồng cây thuốc phiện bị phát hiện, bắt giữ không nhiều nhưng đây cũng là vấn đề đáng báo động nếu không có biện pháp giải quyết sẽ xảy ra nguy cơ bùng phát trở lại. Trong năm 2014, các lực lượng chức năng đã phát hiện, triệt phá một số diện tích tái trồng cây thuốc phiện như: tỉnh Sơn La 2,59ha; tỉnh Điện Biên 3,854ha; tỉnh Lai Châu 11,36ha... 
Số người nghiện ma túy thuộc các tỉnh Tây Bắc có khoảng 29.000 người có hồ sơ quản lý, ở mức cao so với cả nước (chiếm 14,3% so với cả nước), cũng là nguyên nhân làm tăng lượng cầu về ma túy, gây mất ổn định về trật tự xã hội. Trong khi đó, hiệu quả công tác cai nghiện rất thấp, đặc biệt việc lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai bắt buộc thời gian qua gặp nhiều khó khăn.
Trung bình hàng năm, tội phạm ma túy bị bắt giữ trên tuyến Tây Bắc khoảng 2.200 vụ, với 3.000 đối tượng, chiếm khoảng 12% so với cả nước. Lượng ma túy thu giữ mỗi năm khoảng 250kg đến 400kg heroin, hàng vạn viên ma túy tổng hợp, chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước. Hàng loạt các vụ mua bán trái phép chất ma túy lớn nhất cả nước đều bắt trên tuyến này như vụ Tráng A Tàng thu giữ 265 bánh heroin; vụ Nguyễn Quốc Hùng cùng đồng bọn thu giữ 490 bánh heroin; vụ ở Lào Cai thu giữ 227 bánh heroin,... Cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy trên tuyến Tây Bắc những năm qua đầy cam go quyết liệt đã làm thương vong nhiều cán bộ chiến sỹ của Công an, Biên phòng như:
- Ngày 06/11/2001 công an tỉnh Điện Biên tổ chức bắt một số đối tượng mua bán trái phép chất ma túy ở Na Ủ - Điện Biên. Các đối tượng ma túy đã dùng súng AK chống trả làm hy sinh đồng chí Phạm Văn Cường – cán bộ PC47 và 2 quần chúng.
- Ngày 30/7/2010 Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La tổ chức bắt giữ đối tượng phạm tội ma túy ở khu vực biên giới huyện Mộc Châu. Khi bắt giữ một đối tượng đang trên đường dẫn giải về trụ sở, để giải vây cho đồng bọn, các đối tượng bắn hy sinh đồng chí Lù Công Thắng – trinh sát Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La.
- Ngày 05/2/2010 Công an tỉnh Hòa Bình tổ chức bắt đối tượng Vàng A Khua, trú tại bản Hang Kia 1, xã Hang Kia, huyện Mai Châu là đối tượng phạm tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, đã có quyết định truy nã. Khi phát hiện có lực lượng bao vây, Vàng A Khua cố thủ trong nhà. Mặc dù đã được vận động, thuyết phục nhiều giờ nhưng đối tượng vẫn ngoan cố chống đối, dùng người thân trong gia đình làm lá chắn cản trở lực lượng truy bắt và dùng súng tiểu liên AK bắn trả quyết liệt lực lượng công an làm 3 đồng chí hy sinh và 11 đồng chí cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình bị thương.
- Ngày 19/5/2011 Cục C47 phối hợp với Công an tỉnh Hòa Bình tổ chức bắt đối tượng Tráng A Chư ở Mộc Châu mua bán ma túy. Khi bị chặn bắt đối tượng này đã lao xe ô tô vào đội hình vây bắt của lực lượng công an làm đồng chí Đỗ Mạnh Linh – cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình hy sinh.
- Ngày 16/11/2012 Cục C47 phối hợp với Công an tỉnh Hòa Bình tổ chức bắt đối tượng Vũ Ngọc Sơn ở Ngọc Vân, Tân Yên, Bắc Giang. Khi đối tượng bỏ chạy vào rừng dùng súng bắn lại làm đồng chí Bùi Văn Tuấn – cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình bị thương
- Ngày 19/7/2014, Công an tỉnh Sơn La tổ chức truy bắt các đối tượng từ Lào vận chuyển ma túy vào Việt Nam tại khu vực xã Loóng Luông. Khi bị vây bắt, các đối tượng dùng súng chống trả quyết liệt, khiến đồng chí Lường Phát Chiêm hy sinh, đồng chí Nguyễn Thái Hà bị thương. Cả hai đồng chí đều là cán bộ Công an tỉnh Sơn La.
- Ngày 28/01/2015, tổ công tác của Công an huyện Mộc Châu truy bắt đối tượng phạm tội ma túy. Khi phát hiện có Công an truy đuổi, đối tượng bắn trả làm đồng chí Bùi Công Nguyên, cán bộ Công an huyện Mộc Châu bị hy sinh.
Sở dĩ tuyến Tây Bắc trở thành một trong những tuyến trọng điểm về hoạt động phạm tội ma tuý là do các nguyên nhân chủ yếu sau:
1. Việt Nam nằm tiếp giáp nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của khu vực “Tam giác vàng” - là trung tâm sản xuất, buôn bán ma tuý lớn trên thế giới; công tác kiểm soát tại các khu vực biên giới, cửa khẩu rất khó khăn do đường biên giới trải dài, lại chủ yếu là địa hình đồi núi hiểm trở, có nhiều cửa khẩu và các đường mòn, đường tiểu ngạch. 
2. Trong những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nhưng đời sống của đồng bào dân tộc ở các tỉnh Tây Bắc đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, khu vực giáp biên giới vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế. Đồng bào ở hai bên biên giới (đặc biệt là người Mông) thường có quan hệ thân tộc, thường xuyên qua lại với nhau nên rất dễ bị các đối tượng ma túy lôi kéo, mua chuộc, tham gia vận chuyển ma tuý. 
3. Mặc dù các tỉnh tuyến Tây Bắc là các tỉnh miền núi nhưng mạng lưới giao thông nối liền với các tỉnh miền xuôi rất thuận lợi. Trong đó có 01 sân bay dân sự từ Hà Nội lên Điện Biên, có tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Yên Bái. Bên cạnh đó, còn có một số tuyến đường sông có điều kiện thuận lợi, các đối tượng phạm tội ma tuý mua ma túy rồi vận chuyển về các tỉnh miền xuôi tiêu thụ bằng nhiều con đường khác nhau.
    4. Lực lượng phòng chống tội phạm ma tuý tại các tỉnh Tây Bắc tuy đã được tăng cường nhưng vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật phục vụ chiến đấu còn hạn chế, đặc biệt là ở các địa bàn biên giới. Công tác phòng ngừa, kể cả phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng như Công an, Biên phòng, Hải quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới theo Quyết định 133/TTg của Thủ tướng Chính phủ tuy đã được cải thiện nhưng chưa thường xuyên, liên tục. Các cấp, các ngành vào cuộc chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả chưa cao.
5. Cấp Ủy, chính quyền ở một số địa phương nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới còn yếu, nhiều cán bộ cốt cán chịu sự tác động ràng buộc về phong tục tập quán, dòng họ nên chưa thực sự kiên quyết trong công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm về ma tuý. Các cuộc vận động, tuyên truyền giáo dục cho đồng bào dân tộc nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần đấu tranh chống tội phạm đã chưa được thường xuyên.
6. Mặc dù nhận thức được chính sách hình sự nghiêm khắc của pháp luật với các loại tội phạm về ma tuý nhưng vì siêu lợi nhuận nhiều đối tượng vẫn bất chấp pháp luật và tìm mọi cách để mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy nhằm mục đích kiếm lời phi pháp.
     7. Tại địa bàn các tỉnh Tây Bắc, tình trạng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí tự tạo, vật liệu nổ còn diễn ra hết sức phức tạp. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần vận động, kêu gọi thu nộp vũ khí nhưng nhiều đối tượng vẫn không chịu giao nộp. Nhiều đối tượng bị truy nã tìm cách lẩn trốn tại các khu vực biên giới, trang bị vũ khí và tiếp tục móc nối hình thành các đường dây vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia. Trong khi đó, các đối tượng người Lào, người Trung Quốc cũng lợi dụng quan hệ hữu nghị với Việt Nam, thường xuyên qua lại khu vực biên giới với mục đích ngụy tạo là du lịch, thăm thân hoặc thương mại để hoạt động mua bán trái phép chất ma tuý. 
8. Mối quan hệ hợp tác trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy giữa cơ quan chức năng Việt Nam với các cơ quan chức năng của Lào, Trung Quốc tuy đã được mở rộng nhưng hiệu quả đạt được còn nhiều hạn chế. Việc trao đổi thông tin, phối hợp điều tra bắt giữ tội phạm ma túy ở mỗi nước chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đấu tranh, thông tin trao đổi chưa được thường xuyên và kịp thời.
II. Giải pháp
Trong thời gian tới, tình hình hoạt động phạm tội ma tuý ở khu vực "Tam giác vàng" và ở Trung Quốc tiếp tục gia tăng là áp lực lớn tác động trực tiếp đến tình hình ma túy và tội phạm ma túy trong nước nói chung và tuyến các tỉnh Tây Bắc nói riêng. Do tính chất “siêu lợi nhuận” của việc mua bán ma túy, cũng như chịu ảnh hưởng của một số yếu tố địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội, các đối tượng phạm tội sẽ tiếp tục tìm cách gia tăng hoạt động với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động hơn. Chính vì vậy, cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy nói chung và trên tuyến các tỉnh Tây Bắc nói riêng sẽ ngày càng cam go và quyết liệt hơn. Để góp phần đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm về ma túy trên tuyến Tây Bắc, chúng tôi xin trao đổi một số kinh nghiệm giải pháp sau:
1. Cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy là cuộc đấu tranh phức tạp, gay go, quyết liệt, lâu dài. Muốn giải quyết được triệt để tình hình tội phạm ma túy phải được sự đồng tình, ủng hộ, sự chỉ đạo sát sao, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp (tỉnh, huyện, xã), huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia, nhằm phát huy sức mạnh, sự đồng thuận của nhân dân bằng nhiều biện pháp như: Tuyên truyền thông qua đảng bộ, chi bộ thôn, bản, đoàn thể, truyền thông, báo chí, pa nô, áp phích, chiếu phim, văn nghệ… tuyên truyền cá biệt, gỏi hỏi, răn đe, giao cho những người có uy tín trong dòng họ, già làng, trưởng bản động viên giáo dục, kết hợp ký cam kết… nếu cộng đồng làm tốt, dòng họ, gia đình làm tốt thì tệ nạn ma túy sẽ giảm.
2. Phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục thuyết phục để người dân thấy tác hại của ma túy, hiểu về pháp luật từ đó tự giác không trồng cây có chứa chất ma túy; không sử dụng, tàng trữ, vận chuyển ma túy, vũ khí; cảnh giác khi bị các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các đường dây mua bán ma túy dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo, thậm chí khống chế. Đồng thời phải làm tốt công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phát huy sức mạnh của toàn dân trong đấu tranh với tội phạm; tích cực đấu tranh tố giác tội phạm, tạo nên sức mạnh toàn dân, làm cho tội phạm không còn chỗ dựa, từ bỏ tư tưởng hành vi phạm tội.
3. Đối với tội phạm ma túy là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm hoạt động tinh vi xảo quyệt, luôn tự trang bị vũ khí chống trả lại các lực lượng chức năng khi bị truy bắt. Do vậy phải làm tốt công tác điều tra cơ bản, xây dựng cộng tác viên bí mật, nắm chắc tuyến, địa bàn, đối tượng. Chú trọng nắm các đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, đối tượng nghiện ma túy, HIV có tính chất lưu manh côn đồ cầm đầu các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy, đối tượng truy nã hiện đang lẩn trốn tại địa bàn, đối tượng có vũ khí để lập án và chủ động lên kế hoạch tổ chức xác minh truy bắt.
4. Trước khi tổ chức bắt phải điều tra tỉ mỉ về lý lịch đối tượng, nơi cư trú, quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội, đặc điểm thể chất, sở trường của đối tượng, đối tượng có vũ khí không, vũ khí loại gì, trình độ sử dụng vũ khí, tính chất nguy hiểm của đối tượng ở mức độ nào, vẽ sơ đồ nhà, đường đi, xác định các vị trí đối tượng có thể lẩn trốn như ở nhà, lều lán, hầm, hố bí mật. Có kế hoạch thật tỉ mỉ cụ thể, nguyên tắc bắt phải đảm bảo bí mật, bất ngờ, đối với địa bàn phức tạp khi bắt phải huy động nhiều lực lượng như sự hỗ trợ của cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động, công an xã, huyện…có đủ lực lượng mạnh với tính chất áp đảo đối tượng, trang bị đầy đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ, dự kiến được các tình huống đột xuất có thể xảy ra như: chống trả, chạy trốn, tiêu hủy chứng cứ, tàng trữ vũ khí, tự sát, giải cứu của đồng bọn… Cũng như các biện pháp xử lý tình huống. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, từng cán bộ tham gia, ai chỉ huy, ai tiếp cận đối tượng, vòng 1, vòng 2, vòng 3, khi tiếp cận đối tượng phải bố trí những cán bộ nhanh nhẹn, mưu trí, dũng cảm nhanh chóng khống chế, khám xét, tước vũ khí (vũ khí đối tượng thường giấu ở thắt lưng, ống chân, ống tay áo…). Nếu đối tượng cố thủ trong nhà, phải tạo các tình huống giả, đánh lạc hướng đối tượng. Nếu có điều kiện thì tấn công theo nhiều hướng, không được đồng loạt tiến vào một cửa, đối tượng bắn trả sẽ thương vong nhiều.
- Sau khi bắt giữ được đối tượng phải khóa trói ngay, quá trình dẫn giải chú ý bảo vệ chặt chẽ, không để đối tượng trốn, tự sát, tiêu hủy chứng cứ. Nếu có điều kiện thì dùng xe chuyên dụng để dẫn giải đối tượng về trụ sở chính quyền địa phương gần nhất và có phương án đối phó với các tình huống chống đối, giải cứu đối tượng trên đường dẫn giải, đối với đối tượng đặc biệt nguy hiểm nếu bắt ở nơi cư trú không an toàn cách tốt nhất là áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, điều đối tượng ra khỏi nhà để bắt.
5. Cần xây dựng các phương án, quy trình bắt khám xét các đối tượng phạm tội nguy hiểm, phức tạp thường xuyên tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm với sự tham gia của ác lực lượng trực tiếp làm công tác phòng chống tội phạm ma túy như lực lượng cảnh sát, Bộ đội biên phòng, Hải quan… của các tỉnh, thành phố thường xảy ra các vụ chống người thi hành công vụ. Qua đó tìm ra những sơ hở, thiếu sót trong các vụ chống người thi hành công vụ, trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm, thông báo kịp thời cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu truy bắt tội phạm. 
6. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm nhất là đối với các đối tượng tàng trữ, sử dụng vũ khí. Tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân về Bộ luật hình sự, các điều luật về chống người thi hành công vụ. Đặc biệt phải quán triệt sâu Pháp lệnh số 16 này 30/6/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đặc biệt là Điều 3, Điều 22 quy định nguyên tắc các trường hợp được sử dụng vũ khí, để cán bộ chiến sĩ nắm và chủ động sử dụng vũ khí trong các trường hợp pháp luật cho phép. Đối với những vụ chống người thi hành công vụ dù ở mức độ nào cũng phải khởi tố, đưa ra xét xử lưu động, với mức án nghiêm khắc để tuyên truyền, răn đe tới các đối tượng phạm tội khác.
7. Tăng cường công tác quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ, tuyên truyền, vận động để quần chúng nhân dân, đồng bào dân tộc nhận thức được các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà Nước, tự giác giao nộp các loại vũ khí quân dụng, vũ khí tự tạo. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và phòng chống tội phạm ma túy nói riêng. Qua đó giúp nhân dân, đặc biệt là những khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa trên các tuyến địa bàn trọng điểm hiểu được trách nhiệm của mình trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, từ đó ủng hộ giúp đỡ lực lượng làm nhiệm vụ. 
8. Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh trong bắt đối tượng phạm tội ma túy ở khu vực biên giới. Đặc biệt cần đào tạo, giúp đỡ phương tiện, kinh phí cho cảnh sát của Lào để bạn tích cực đấu tranh triệt xóa các đường dây ma túy trên đất Lào, góp phần ngăn chặn, hạn chế tối đa ma túy vào Việt Nam.
9. Tiếp tục tăng cường lực lượng, bổ sung biên chế cho lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nhất là ở những địa bàn quận, huyện, các tuyến và địa bàn trọng điểm, địa bàn biên giới. Đối với các huyện biên giới, tình hình TPMT phức tạp phải thành lập Đội Cảnh sát ĐTTP về ma túy, đầu tư, trang bị các loại vũ khí như súng ngắn, AK, súng bắn tỉa, súng bắn điện, các loại áo giáp, mũ chống đạn, đặc biệt là các loại áo giáp chống đạn tiểu liên… Thường xuyên mở các lớp tập huấn để nâng cao trình độ, kỹ năng sử dụng các loại vũ khí, các chiến thuật truy bắt đối tượng cho cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm công tác đấu tranh chống tội phạm. Các trường và Học viện Cảnh sát, An ninh cần tăng thêm thời gian học quân sự võ thuật cho các học viên, nhằm không ngừng nâng cao trình độ quân sự, võ thuật thành thạo để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm.
10. Cần có kế hoạch, biện pháp mạnh để bắt các đối tượng truy nã về tội ma túy có vũ khí tiếp tục mua bán ma túy đang lẩn trốn ở khu vực biên giới (nhất là 35 đối tượng truy nã ở xã Loáng Luông). Đối với các đối tượng nguy hiểm có vũ khí, co cụm chống đối quyết liệt lại lượng lượng chức năng, phải xây dựng kế hoạch báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo Bộ Công an xin chủ trương tiêu diệt, có tác dụng răn đe. Không để tội phạm ma túy lộng hành.
11. Có hình thức khen thưởng kịp thời các cán bộ chiến sỹ lập công, đồng thời quan tâm chu đáo đến chế độ chính sách đối với nhân thân các đồng chí bị thương, hi sinh trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm. Tạo niềm tin củng cố tinh thần, ý chí tấn công tội phạm cho cán bộ, chiến sỹ công tác trên mặt trận đấu tranh đầy cam go, nguy hiểm này./.

Đại tá Phạm Văn Chình Phó Cục trưởng C47

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×