Dự báo, giải pháp về phòng, chống ma túy trên biển
04/05/2017 | 14:03Trong thời gian tới, tình hình hoạt động phạm tội ma tuý ở khu vực "Tam giác vàng" và ở Trung Quốc tiếp tục gia tăng là áp lực lớn tác động trực tiếp đến tình hình ma túy và tội phạm ma túy trong nước nói chung và các tuyến trên biển nói riêng
Do tính chất “siêu lợi nhuận” của việc mua bán ma túy, cũng như chịu ảnh hưởng của một số yếu tố địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội, cơ chế thông thoáng của mở cửa hội nhập, các đối tượng phạm tội sẽ tiếp tục tìm cách gia tăng hoạt động với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động hơn. Tội phạm ma túy sẽ lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong quản lý, kiểm soát hàng hóa, nếu như các lực lượng chức năng không quyết tâm, quyết liệt đấu tranh tìm ra phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy để bắt giữ thì chúng sẽ tiếp tục vận chuyển, cất dấu ma túy với số lượng lớn hơn, tinh vi hơn. Chính vì vậy, cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy nói chung và trên tuyến biển nói riêng sẽ ngày càng cam go và quyết liệt hơn. Để góp phần đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm về ma túy trên tuyến biển, chúng tôi xin trao đổi một số kinh nghiệm giải pháp sau:
1. Công tác tuyên truyền vận động quần chúng tham gia PCMT:
Cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy là cuộc đấu tranh phức tạp, gay go, quyết liệt, lâu dài. Muốn giải quyết được triệt để tình hình tội phạm ma túy phải được sự đồng tình, ủng hộ, sự chỉ đạo sát sao, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp (tỉnh, huyện, xã), huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia, nhằm phát huy sức mạnh, sự đồng thuận của nhân dân bằng nhiều biện pháp như: Tuyên truyền thông qua đảng bộ, chi bộ thôn, bản, đoàn thể, truyền thông, báo chí, pa nô, áp phích, chiếu phim, văn nghệ… tuyên truyền cá biệt, gỏi hỏi, răn đe, giao cho những người có uy tín trong dòng họ, già làng, trưởng bản động viên giáo dục, kết hợp ký cam kết… nếu cộng đồng làm tốt, dòng họ, gia đình làm tốt thì tệ nạn ma túy sẽ giảm.
Tuyên truyền, giáo dục thuyết phục để người dân thấy tác hại của ma túy, hiểu về pháp luật từ đó tự giác không trồng cây có chứa chất ma túy; không sử dụng, tàng trữ, vận chuyển ma túy, vũ khí; cảnh giác khi bị các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các đường dây mua bán ma túy dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo, thậm chí khống chế. Đồng thời phải làm tốt công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phát huy sức mạnh của toàn dân trong đấu tranh với tội phạm; tích cực đấu tranh tố giác tội phạm, tạo nên sức mạnh toàn dân, làm cho tội phạm không còn chỗ dựa, từ bỏ tư tưởng hành vi phạm tội.
2. Công tác nghiệp vụ:
Đối với tội phạm ma túy là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm hoạt động tinh vi xảo quyệt, luôn tự trang bị vũ khí chống trả lại các lực lượng chức năng khi bị truy bắt. Do vậy, các lực lượng chức năng phải quan tâm, chú trọng làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, như: công tác điều tra cơ bản, sưu tra, hiềm nghi, cộng tác viên bí mật, nắm chắc tuyến, địa bàn, đối tượng. Chú trọng nắm các đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, đối tượng nghiện ma túy, HIV có tính chất lưu manh côn đồ cầm đầu các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy, đối tượng truy nã hiện đang lẩn trốn tại địa bàn, đối tượng có vũ khí để lập án và chủ động lên kế hoạch tổ chức xác minh truy bắt.
Ảnh minh họa. Nguồn antv.gov.vn
3. Tiếp tục hoàn thiện, củng cố hệ thống pháp luật về PCMT:
Trong những năm qua, trước tình hình phức tạp về TPMT, Đảng, Chính phủ rất quan tâm đến việc xây dựng, củng cố, bổ sung hệ thống pháp luật về PCMT; đã đề ra nhiều chỉ thị, nghị quyết về PCMT, như nghị quyết 06 của Bộ Chính trị ngày ….., chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ ngày …., Luật phòng, chống ma túy được Quốc hội thông qua ngày …/2000. Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi 2009 (chương XVIII gồm 09 điều). Gần đây nhất là chỉ thị 21 của Bộ Chính trị ngày 26/3/2008 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới; quyết định của Thủ tướng chính phủ ban hành quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an – Bộ đội Biên phòng – Cảnh sát Biển và Hải quan trong đấu tranh phòng chống các tội phạm về ma túy tại các địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển. Chương trình mục tiêu quốc gia PCMT các giai đoạn: 2005-2010; 2011-2015 và 2016-2020 và nhiều các thông tư nghị định khác.
Có thể khẳng định hệ thống pháp luật về PCMT của Việt Nam hiện nay là tương đối đầy đủ và phù hợp. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ được thuận lợi. Nhưng do tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới, Việt Nam luôn có thay đổi nên pháp luật về phòng, chống tội phạm nói chung, phòng chống ma túy nói riêng cũng phải nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tính chất xã hội, tính chất tội phạm, mục tiêu tạo điều kiện cho cơ quan pháp luật về phòng, chống tội phạm và nghiêm trị đối với tội phạm.
Trước khi tổ chức bắt phải điều tra tỉ mỉ về lý lịch đối tượng, nơi cư trú, quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội, đặc điểm thể chất, sở trường của đối tượng, đối tượng có vũ khí không, vũ khí loại gì, trình độ sử dụng vũ khí, tính chất nguy hiểm của đối tượng ở mức độ nào, vẽ sơ đồ nhà, đường đi, xác định các vị trí đối tượng có thể lẩn trốn như ở nhà, lều lán, hầm, hố bí mật. Có kế hoạch thật tỉ mỉ cụ thể, nguyên tắc bắt phải đảm bảo bí mật, bất ngờ, đối với địa bàn phức tạp khi bắt phải huy động nhiều lực lượng như sự hỗ trợ của cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động, công an xã, huyện…có đủ lực lượng mạnh với tính chất áp đảo đối tượng, trang bị đầy đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ, dự kiến được các tình huống đột xuất có thể xảy ra như: chống trả, chạy trốn, tiêu hủy chứng cứ, tàng trữ vũ khí, tự sát, giải cứu của đồng bọn… Cũng như các biện pháp xử lý tình huống. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, từng cán bộ tham gia, ai chỉ huy, ai tiếp cận đối tượng, vòng 1, vòng 2, vòng 3, khi tiếp cận đối tượng phải bố trí những cán bộ nhanh nhẹn, mưu trí, dũng cảm nhanh chóng khống chế, khám xét, tước vũ khí (vũ khí đối tượng thường giấu ở thắt lưng, ống chân, ống tay áo…). Nếu đối tượng cố thủ trong nhà, phải tạo các tình huống giả, đánh lạc hướng đối tượng.
Sau khi bắt giữ được đối tượng phải khóa trói ngay, quá trình dẫn giải chú ý bảo vệ chặt chẽ, không để đối tượng trốn, tự sát, tiêu hủy chứng cứ. Nếu có điều kiện thì dùng xe chuyên dụng để dẫn giải đối tượng về trụ sở chính quyền địa phương gần nhất và có phương án đối phó với các tình huống chống đối, giải cứu đối tượng trên đường dẫn giải, đối với đối tượng đặc biệt nguy hiểm nếu bắt ở nơi cư trú không an toàn cách tốt nhất là áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, điều đối tượng ra khỏi nhà để bắt.
4. Về công tác cán bộ:
Tăng cường, bổ sung biên chế cho lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát Biển, Bộ đội Biên phòng, Hải quan ở những tuyến và địa bàn trọng điểm, nơi cảng biển phức tạp, lựa chọn những cán bộ có năng lực, phẩm chất, ý thức trách nhiệm, tinh thần chiến đấu. Đầu tư, trang bị các loại vũ khí như súng ngắn, AK, súng bắn tỉa, súng bắn điện, các loại áo giáp, mũ chống đạn, đặc biệt là các loại áo giáp chống đạn tiểu liên… Thường xuyên mở các lớp tập huấn để nâng cao trình độ, kỹ năng sử dụng các loại vũ khí, các chiến thuật truy bắt đối tượng cho cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm công tác đấu tranh chống tội phạm. Hệ thống các trường trong quân đội, công an nhân dân cần xây dựng giáo trình chuyên sâu, thường xuyên tổ chức tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng chiến thuật kiểm tra bắt giữ đối tượng phạm tội ma túy tăng thêm thời gian học quân sự võ thuật cho các học viên, nhằm không ngừng nâng cao trình độ quân sự, võ thuật thành thạo để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm.
5. Về hợp tác quốc tế:
Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin, nhất là thông tin tình báo với các nước như Úc, Nhật, Đài Loan, Trung Quốc, Canada nhằm phối hợp đấu tranh trong bắt đối tượng phạm tội ma túy ở trên biển. Đặc biệt cần đào tạo, giúp đỡ phương tiện, kinh phí cho cảnh sát của Lào để bạn tích cực đấu tranh triệt xóa các đường dây ma túy trên đất Lào, góp phần ngăn chặn, hạn chế tối đa ma túy vào Việt Nam.
6. Sơ tổng kết các chuyên án:
Cần xây dựng các phương án, quy trình bắt khám xét các đối tượng phạm tội nguy hiểm, phức tạp thường xuyên tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm với sự tham gia của ác lực lượng trực tiếp làm công tác phòng chống tội phạm ma túy như lực lượng cảnh sát, Bộ đội biên phòng, Hải quan… của các tỉnh, thành phố thường xảy ra các vụ chống người thi hành công vụ. Qua đó tìm ra những sơ hở, thiếu sót trong các vụ chống người thi hành công vụ, trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm, thông báo kịp thời cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu truy bắt tội phạm.
Có chế độ thi đua, khen thưởng kịp thời các cán bộ chiến sỹ lập công, đồng thời quan tâm chu đáo đến chế độ chính sách đối với nhân thân các đồng chí bị thương, hi sinh trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm. Tạo niềm tin củng cố tinh thần, ý chí tấn công tội phạm cho cán bộ, chiến sỹ công tác trên mặt trận đấu tranh đầy cam go, nguy hiểm này./.