Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khó khăn, nguy hiểm trong việc bắt đối tượng truy nã phạm tội về ma túy

04/05/2017 | 14:55

Mặc dù công tác PCTP về ma túy và công tác xác minh, truy bắt các ĐTTN hệ ma túy đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp, số đối tượng truy nã hệ ma túy hiện còn vẫn chiếm tỷ lệ cao.

 

 

Trong những năm qua tình hình tội phạm ma túy ở Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh và manh động, sẵn sàng sử dụng các loại vũ khí nóng để chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt; Tội phạm về ma túy thường có tính liên kết cao, hình thành các băng, ổ nhóm, khép kín, hoặc có quan hệ huyết thống (Bố, mẹ, anh, chị, em ruột hoặc các mối quan hệ trong gia đình, họ hàng...); Ngoài ra các băng, ổ nhóm tội phạm về ma túy thường có liên quan với các loại tội phạm khác, như tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế... cùng cấu kết thực hiện hoạt động phạm tội cũng như tìm mọi cách lẩn trốn sự phát hiện, truy bắt của cơ quan chức năng.
Tính đến tháng 9 năm 2015 toàn quốc còn 14.346 ĐTTN, trong đó có 1.099 ĐTTN về ma túy chiếm 7,66%, trong đó có 806 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm. Trước thực tế đó, lãnh đạo Bộ Công an (BCA), Tổng cục Cảnh sát (TCCS) đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp công tác lớn, tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt nhằm tăng cường phòng ngừa, điều tra và xử lý tội phạm ma tuý, đặc biệt là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, các tuyến biên giới; Kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, tích cực tham gia phát hiện tố giác tội phạm ma tuý, làm chỗ dựa cho phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ An ninh trật tự.

 

                           

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Tội phạm ma túy bị phát hiện, bắt giữ ngày càng nhiều, tính chất mức độ nguy hiểm và manh động liều lĩnh hơn, thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt hơn... Cùng với đó, số đối tượng phạm tội ma túy phần lớn hoạt động trên các địa bàn rộng, có tính chất xuyên Quốc gia và Quốc tế, do đó sau khi gây án và bị cơ quan chức năng phát hiện truy bắt thường lợi dụng các mối quan hệ “làm ăn” sẵn có, lợi dụng những địa bàn có địa hình rừng núi hiểm trở, vùng sâu, vùng xa, các vùng giáp ranh để trốn tránh sự truy bắt của cơ quan chức năng... Tỷ lệ đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy gây án rồi bỏ trốn, không ngừng tăng lên trong các năm, đây là một thách thức lớn cho lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy.
Từ năm 2010 đến hết năm 2014 (05 năm) lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy trong cả nước đã tổng rà soát, củng cố hồ sơ tài liệu, tổ chức xác minh, truy bắt hơn 6.000 lượt. Kết quả bắt, vận động đầu thú, thanh loại được 4.273 đối tượng truy nã (ĐTTN); trong đó có 2.157 ĐTTN nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, bắt 21 ĐTTN trốn ra nước ngoài. Riêng Cục C47 trực tiếp bắt, vận động đầu thú, thanh loại được 116 ĐTTN, trong đó có nhiều đối tượng truy nã về ma túy trốn lâu năm, boong ke, cố thủ, hết sức nguy hiểm đã bị bắt giữ như: Lương Thị Ngọc ở Thành Sơn, Quan Hóa, Thanh Hóa; Phạm Quang Lai ở Noọng hẹt, Điện Biên... Đặc biệt là Nguyễn Văn Thi ở Ngọc Vân, Tân Yên, Bắc Giang là đối tượng mua bán ma túy lớn, đã ép vợ và chị gái tham gia đường dây mua bán ma túy từ Sơn La về Bắc Giang tiêu thụ. Sau khi vợ và chị gái bị bắt, Thi bỏ trốn vẫn chỉ đạo xây biệt thự tại thôn Hội Phú, Ngọc Vân, Tân Yên, Bắc Giang rất to lớn, kín cổng, cao tường được cài đặt hệ thống camera hiện đại để giám sát, theo dõi những người đến nhà. Thi tự trang bị vũ khí chống trả lại lực lượng chức năng nếu bị bắt giữ. Nhưng bằng ý chí, mưu trí dũng cảm của cán bộ chiến sĩ Cục CSĐTTPMT đã phối hợp với Công an Bắc Giang, lên kế hoạch tổ chức bắt Thi an toàn. Góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm ma túy, phục vụ tốt công tác điều tra mở rộng các vụ án ma túy lớn.
Mặc dù công tác PCTP về ma túy và công tác xác minh, truy bắt các ĐTTN hệ ma túy đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp, số đối tượng truy nã hệ ma túy hiện còn vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Thủ đoạn lẩn trốn của các ĐTTN ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thông thường các đối tượng sau khi gây án thường tìm mọi cách bỏ trốn nhanh khỏi nơi cư trú, trốn sâu, trốn xa, chọn những địa bàn vùng núi hiểm trở, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, những nơi kinh tế - xã hội còn kém phát triển để lẩn trốn, (các đối tượng ở miền Bắc thường trốn lên các địa bàn của vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ), một số đối tượng dựa vào các mối quan hệ “làm ăn”, gia đình, bạn bè để trốn ra nước ngoài, tìm mọi cách đối phó với sự phát hiện của cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân. Các đối tượng truy nã còn sử dụng nhiều thủ đoạn để che dấu nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng, thay đổi nơi cư trú, làm giả các loại giấy tờ, tạo vỏ bọc hợp pháp (tiểu thương, doanh nhân...) để trốn ra nước ngoài.
Đáng quan tâm nhất là những đối tượng chủ mưu cầm đầu trong các vụ án lớn như; Nguyễn Chiến Thắng, Nguyễn Văn Cẩn...đã trốn ra nước ngoài, tiếp tục móc nối với những đối tượng hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn, phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi và liều lĩnh hơn, hình thành những đường dây, băng nhóm ở trong nước và nước ngoài. Sử dụng vũ khí nóng sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị bắt giữ. Thực tế trong những năm qua, ĐTTN hệ ma túy đã gây ra hàng chục vụ thương vong cho lực lượng tham gia truy bắt, điển hình như ngày 5/2/2010 Công an tỉnh Hòa Bình tổ chức bắt đối tượng Vàng A Khua tại xã Hang Kia, Mai Châu, Hòa Bình là đối tượng phạm tội ma túy trốn truy nã. Đối tượng xây hầm trong nhà cố thủ, sử dụng vũ khí chống trả làm 3 cán bộ Công an hy sinh, nhiều đồng chí bị thương. Một số đối tượng truy nã về ma túy còn lôi kéo, kích động nhân dân gây rối, chống người thi hành công vụ, phá hoại tài sản của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu về an ANCT và TTXH tại địa phương. Đặc biệt là địa bàn huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La nói chung và địa bàn xã Loóng Luông nói riêng còn rất nhiều đối tượng truy nã về ma túy trốn tiếp tục mua bán ma túy, như ở xã Loóng Luông hiện còn 35 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy trốn chưa bắt được. Các đối tượng này vẫn tiếp tục mua bán ma túy với số lượng lớn. Tự trang bị vũ khí chống trả lại lực lượng chức năng. 
Do đời sống kinh tế, văn hoá của nhân dân vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của nước ta và các nước láng giềng (Lào; Campuchia…), còn nhiều khó khăn, trong khi mua bán ma túy mang lại siêu lợi nhuận, tội phạm ma tuý đã lợi dụng những đặc điểm này để kích thích, lôi kéo những người không hiểu biết pháp luật, hám lợi tham gia hoạt động phạm tội ma tuý và tệ nạn ma tuý, ảnh hưởng lớn đến công tác đấu tranh PCTP ma túy và công tác xác minh, truy bắt ĐTTN hệ ma túy.
Mặc dù công tác bắt đối tượng truy nã phạm tội về ma túy luôn được sự đầu tư quan tâm của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương nhưng hiện nay còn nhiều khó khăn:
- Đối tượng truy nã về ma túy thường trốn ở vùng xâu, vùng xa, vùng rừng núi hiểm trở, như ở các địa bàn các xã có biên giới Việt Nam- Lào; Việt Nam- Trung Quốc; Việt Nam- Cămpuchia, nhiều làng bản, đường vào bản đi lại khó khăn (chỉ có 1 con đường độc đạo) rất khó cho việc tổ chức vây bắt đối tượng ma túy và đối tượng truy nã, nếu bắt được việc dẫn giải đối tượng ra khỏi bản cũng rất khó khăn, bị chống đối giải vây.
- Các đối tượng truy nã hầu hết có vũ khí, khi bị bắt chống trả quyết liệt gây lo lắng cho các lực lượng tham gia.
- Đồng bào dân tộc lạc hậu, nghèo khó bị đối tượng phạm tội ma túy mua chuộc lôi kéo, không dám tố giác hoặc ủng hộ chính quyền trong việc tuyên truyền vận động các đối tượng ra tự thú.
- Cấp ủy chính quyền của 1 số bản yếu kém, không dám đấu tranh, thậm chí liên quan hoặc có người thân liên quan đến ma túy, cho nên không ủng hộ lực lượng chức năng, thậm chí có những bản như Tà Dê, Lũng Xá xã Lóng Luông, lực lượng chức năng vào bắt tội phạm rất khó khăn, bị đặt điều kiện.
Để nâng cao hiệu quả công tác xác minh, truy bắt ĐTTN hệ ma túy, đề nghị cấp ủy chính quyền địa phương:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, phát hiện, bắt giữ hoặc cung cấp thông tin về nơi lẩn trốn của ĐTTN cho lực lượng chức năng truy bắt; Tuyên truyền về chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với đối tượng truy nã ra đầu thú, nhất là đối với thân nhân ĐTTN thông qua họ vận động ĐTTN ra đầu thú.
Tăng cường lực lượng tích cực điều tra xác minh trao đổi thông tin phối hợp các lực lượng chức năng để truy bắt các đối tượng phạm tội về ma túy trốn truy nã đưa xử lý trước pháp luật; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác truy nã tại các đơn vị, địa phương. Hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và phổ biến nhân rộng các mô hình làm tốt công tác truy nã để các đơn vị, địa phương có chế độ chính sách với các đơn vị cá nhân là người trực tiếp tham gia bắt đối tượng truy nã.
Tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, các nước có chung biên giới đặc biệt là với Lào, Trung Quốc và các nước khác chủ động trao đổi thông tin phối hợp xác minh truy bắt các đối tượng truy nã của Việt Nam trốn ra nước ngoài và ngược lại./.

Đại tá Phạm Văn Chình Phó Cục trưởng C47

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×