Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Một boong ke ma túy được được triệt xóa

04/05/2017 | 15:08

Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước. Do cơ chế mở rộng của Hội nhập, tình hình kinh tế, xã hội không ngừng phát triển. Nhưng bên cạnh đó, tội phạm ma túy cũng phát triển theo...

 

Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước. Do cơ chế mở rộng của Hội nhập, tình hình kinh tế, xã hội không ngừng phát triển. Nhưng bên cạnh đó, tội phạm ma túy cũng phát triển theo. Mặc dù những năm qua, với sự quan tâm, nỗ lực của các đơn vị chức năng tích cực đấu tranh, mỗi năm bắt giữ 4.500 đến 5.000 đối tượng đưa ra xử lý trước pháp luật, nhưng diễn biến tội phạm ma túy vẫn phức tạp. Do có số người nghiện nhiều (14.500 theo hồ sơ quản lý của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy), nên đã hình thành một số các điểm, tụ điểm ma túy phức tạp. Điển hình là:    

Khu công viên văn hóa Đống Đa, thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội (thường gọi là bãi rác Thành Công) rộng khoảng 07 ha thuộc địa bàn 2 phường Trung Liệt, quận Đống Đa và phường Thành Công, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. Khu vực này trước đây là ao thả cá của Hợp tác xã Minh Khai, phường Ô Chợ Dừa quản lý. Năm 1986 Thành phố Hà Nội giao cho Sở Giao thông công chính làm nơi đổ rác thải. Đến năm 1988 khu vực này không có khả năng chứa rác. Sau đó UBND Thành phố Hà Nội quy hoạch để xây dựng Công viên văn hóa Đống Đa. Năm 1994, UBND quận Đống Đa chia lại địa giới hành chính, khu vực bãi rác Thành công được giao cho phường Trung Liệt quản lý. Do quản lý không tốt nên người dân nhiều nơi vào lấn chiếm đất, dựng lều lán, xây dựng nhà trái phép, mua đi bán lại để ở, kinh doanh, hình thành khu dân cư tự phát, phức tạp về trật tự xã hội. 

     

                      

Ảnh minh họa. Nguồn cand.com.vn

Năm 2001, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai dự án xây dựng công viên văn hóa Đống Đa, nhưng việc đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, người dân không chịu di dời, kéo đến nhà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để khiếu kiện. Đến nay, việc xây dựng Công viên vẫn chưa triển khai được.
Tại địa bàn có khoảng 800 nhà với gần 600 hộ, 2000 khẩu; chủ yếu là dân lao động tự do, không việc làm, nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự. Phức tạp nhất là tệ nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm. Đây là địa bàn thuộc trung tâm thành phố, giao thông đi lại thuận lợi, có nhiều ngõ ngách thông nhau, cơ sở hạ tầng, điện nước, công trình văn hóa - xã hội hạn chế, yếu kém; đặc biệt chưa có các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể quần chúng cơ sở, như không có tổ dân phố, chi bộ Đảng, đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ,… chỉ có Cảnh sát khu vực (CSKV) quản lý địa bàn; là điều kiện, nguyên nhân để cho tình hình tội phạm, tệ nạn tồn tại, phát triển hoạt động phức tạp, từ đó đến nay.
Trước tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy phức tạp tại địa bàn, những năm qua Công an Thành phố Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an quận, phường đấu tranh với các loại tội phạm nhưng tình hình tội phạm hình sự, ma túy vẫn diễn biến phức tạp.
Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, năm 2011 đã bắt giữ 38 vụ- 51 đối tượng; năm 2012 bắt 41 vụ, 54 đối tượng. Đáng chú ý, từ cuối năm 2012 đến đầu tháng 6/2013, tình hình lại bùng phát phức tạp; hoạt động mua bán ma túy diễn ra tấp nập, công khai, trắng trợn ở nhiều điểm khác nhau tại địa bàn, mỗi điểm bán ma túy một ngày bán cho khoảng từ 50 đến 90 người nghiện, gây bức xúc trong nhân dân. Do vậy, đã có nhiều đơn thư tố cáo gửi đến các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tp Hà Nội và Công an các cấp.
Trước tình hình trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục, Cục C47 đã phối hợp với Công an thành phố Hà Nội tập trung lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ xác minh làm rõ. Xác định trên địa bàn có 47 đối tượng tù tha, 23 đối tượng sưu tra ma túy, 12 đối tượng sưu tra hình sự, 07 đối tượng nghiện, khoảng 50 đối tượng có liên quan đến tội phạm hình sự, ma túy. Nhiều đối tượng mua bán ma túy tập trung chính vào 04 khu vực: khu vực ngõ 316 (số cũ 81) Thái Hà; khu vực dọc bờ mương Thái Hà từ cầu sắt 278 đến cầu sắt faphim; khu vực từ ngách 42, ngõ 278 đến đầu đường Hoàng Cầu mới; khu vực ngõ 278 Thái Hà. 
Nổi lên một số đối tượng cầm đầu các ổ nhóm là Nguyễn Thanh Loan (tức Loan nhím), sinh năm 1977, trú tại xóm 2, tổ 36, Giáp Tứ, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội; nơi ở tại số nhà 50, tổ 32, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; chồng là Phan Vĩnh Phú, sinh năm 1978, là đối tượng nghiện  ma túy.
Năm 2003, Loan hai lần bị Công an quận Hai Bà Trưng và công an quận Đống Đa bắt về tội mua bán trái phép chất ma túy, án phạt 74 tháng tù giam nhưng cho hoãn thi hành án vì lý do nuôi con nhỏ. Sau khi hết thời hạn nuôi con nhỏ, Loan tiếp tục xin hoãn thi hành án với lý do bị bệnh tâm thần và bắt buộc chữa bệnh. Quá trình bắt buộc chữa bệnh, Loan tiếp tục sinh con. Khi con đủ 36 tháng tuổi, Loan lấy lý do bị bệnh tâm thần lại vào Bệnh viện tâm thần  điều trị 1 đến 2 tháng, sau đó lại về tiếp tục mua bán ma túy. Loan là đối tượng chủ mưu, cầm đầu mua bán ma túy nhiều năm, thủ đoạn không trực tiếp mà chỉ đạo đệ tử phân chia, cất giấu, tổ chức bán ma túy cho người nghiện và bán cho các đại lý.
Ngày 28/6/2013, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chỉ đạo Phòng 4 phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội bắt Tú và Thủy là người bán thuê ma túy cho Nguyễn Thị Loan. Tú khai đã bán ma túy cho Loan từ đầu tháng 6/2013, mỗi ngày bán 02 ca (ca một từ 11h đến 13h30, ca hai từ 17h đến 19h30), mỗi ca bán khoảng 90 gói heroin cho 90 người nghiện, mỗi gói có trọng lượng 0,108g, giá 200.000đ/gói. Loan giao ma túy cho vợ chồng Thắng-Thủy, sau đó Thủy-Thắng đem ma túy về chia nhỏ, đóng gói heroin trên tầng hai nhà mình rồi đưa cho Tú hoặc người khác đứng ra bán cho người nghiện. Tú được trả công 500.000đ/ngày hoặc 03 gói heroin.
Ngay sau khi Tú, Thủy bị bắt, Loan, Thanh, Thắng trốn khỏi nơi cư trú. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội ra lệnh khám xét khẩn cấp nhà Nguyễn Thúy Loan không thu được ma túy nên không đủ căn cứ ra lệnh bắt, khởi tố. Đến ngày 25/11/2013, Loan vào Viện tâm thần để tiếp tục chữa bệnh. Ngoài ra, Loan là đối tượng thường xuyên cung cấp ma túy cho nhiều đối tượng khác để bán lẻ cho các đối tượng nghiện ma túy ở khu vực này. 
Như vậy, hơn 10 năm, với nhiều lý do khác nhau, bản án hình sự đối với Loan vẫn không được thi hành, trong khi đó Loan vẫn ở ngoài xã hội tổ chức mua bán ma túy (hiện nay Loan đã bị bắt để thi hành án).
Ngoài Loan còn nổi lên một nhóm đối tượng: 02 vợ chồng Nguyễn Quốc Trung (Trung Yên), vợ là Lê Thị Tân (tên thường gọi là Mai) trú tại 42A bãi rác và Trần Thị Hương (Hương Híp), trú tại 1A bãi rác cầm đầu một nhóm độc quyền bán ma túy ở khu vực này; không nhóm nào dám vào đây hoạt động. Trong đó Trung là người chủ mưu cầm đầu, chỉ đạo, còn Tân (Mai), Hương là người trực tiếp điều hành, đưa ma túy cho đệ tử bán và thu tiền. Trung thuê nhà cho một số đối tượng là xe ôm, gái mại dâm, đệ tử ở và bán ma túy cho Trung. một trong những đối tượng bán thuê chính cho nhóm này là Tạ Đình Phong, sinh năm 1968, quê ở Trực Ninh, Nam Định và Nguyễn Văn Tiến ở Ứng Hòa, Hà Nội. Trung là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, có quan hệ rộng. Ngoài việc tổ chức bán ma túy, bảo kê chợ cóc, Trung, Tân còn môi giới, cung cấp gái mại dâm cho các điểm karaoke, bảo kê, lấn chiếm, xây dựng, mua bán nhà trái phép, hoạt động có tính chất bảo kê theo kiểu xã hội đen.
Trước tình hình phức tạp về TPMT ở khu vực bãi rác Thành Công, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với Công an TP Hà Nội  tổ chức tuyên truyền, yêu cầu các hộ gia đình cam kết “nói không với ma túy”, tích cực đấu tranh bắt xử lý, nhưng chỉ bắt, xử lý được một số đối tượng đồng phạm (là người bán thuê ma túy), không bắt được các đối tượng chủ mưu cầm đầu. Do vậy, các đối tượng này lại tiếp tục tổ chức mua bán.
Quá trình điều tra phát hiện một số cán bộ Công an Quận, Công an phường, cán bộ dân phòng có biểu hiện thiếu trách nhiệm, làm ngơ để tội phạm ma túy hoạt động lộng hành, Lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã đề nghị Công an Quận Đống Đa thay đổi, luân chuyển các đồng chí có liên quan, nhưng tình hình tội phạm ma túy chỉ ổn định được một thời gian sau đó lại diễn biến phức tạp trở lại.    
Để giải quyết dứt điểm tình hình tội phạm ma túy ở đây, đảm bảo yếu tố bí mật bất ngờ, lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tập trung chỉ đạo phòng nghiệp vụ tích cực điều tra làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng Loan, Trung, Mai,… lập án đấu tranh độc lập. Sau nhiều tháng áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, thấy phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này ngày càng tinh vi, táo bạo. Chúng hoạt động 30 ngày trong tháng, kể cả ngày 1, ngày 2 Tết nguyên đán, thường xuyên thay đổi địa điểm, người bán. Mỗi lần chúng chỉ lấy khoảng 40-80 tép, bán hết lại lấy tiếp, với hi vọng nếu có bị bắt chỉ thu được một vài tép không đủ trọng lượng để xử lý hình sự. Với quyết tâm phải bắt bằng được các đối tượng chủ mưu cầm đầu đưa xử lý trước pháp luật, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ động lên kế hoạch phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ. Ngày 27/02/2014 đã bắt quả tang Nguyễn Văn Tiến cùng 6 đối tượng trong đường dây bán ma túy thuê cho vợ chồng Trung – Tân đưa về Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thụ lý. Đồng thời khám xét đồng loạt nhà của Trung, Tân, Hương. Sau khi các đối tượng bị bắt, Trung trốn vào TP Hồ Chí Minh, Tân (vợ Trung) nuôi con nhỏ, cơ quan điều tra khởi tố cho tại ngoại. Xét thấy nếu không bắt được Trung, vụ án không thể mở rộng được. Với sự chỉ đạo quyết tâm bằng mọi cách phải bắt được Trung. Sau hai tuần tích cực đấu tranh, không quản khó khăn, gian khổ, 04h sáng ngày 04/3/2014, trên đường đi tầu từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội thăm vợ con, lấy tiền để trốn đi Trung Quốc, Trung bị các trinh sát của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy bắt cùng với Trần Thùy Dương (bồ của Trung). Kết quả điều tra mở rộng đã khởi tố, bắt giam 25 bị can. Ngày 18/3/2016 Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Quốc Trung tử hình, Lê Thị Tân chung thân, còn lại 23 bị can bị tòa án tuyên phạt từ 06 đến 25 năm tù giam, chặn dừng được đường dây gieo cái chết tr
Đây là sự thành công của chuyên án, góp phần to lớn làm giảm cơ bản tình hình phức tạp của tội phạm ma túy ở khu vực bãi rác Thành Công. Qua chuyên án này chúng tôi xin trao đổi và rút ra một số nguyên nhân, bài học kinh nghiệm như sau:
Nguyên nhân:
    - Khu vực bãi rác Thành Công  là khu vực “xóm liều”, đây là khu vực thành phố dành xây dựng công viên văn hóa Đống Đa, trong thời gian dài khi chưa có kinh phí xây dựng, gặp khó khăn trong đền bù, giải phóng mặt bằng dân không chịu di dời, do buông lỏng quản lý, một số nhân dân lấn chiếm dựng lều, quán bán nước, thậm chí xây dựng nhà trái phép, tụ tập nhiều đối tượng hình sự, cờ bạc, ma túy, mại dâm hoạt động công khai, trắng trợn gây tình trạng phức tạp về an ninh trật tự, bức xúc cho nhân dân. 
    - Cấp ủy chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, đầu tư chỉ đạo, phó mặc cho lực lượng Công an. Bên cạnh đó lực lượng Công an cơ sở yếu, thiếu quyết tâm, luôn có tư tưởng ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau (quận đẩy phường và ngược lại), một số cán bộ chiến sỹ coi đây là địa bàn bắt ma túy để hoàn thành chỉ tiêu của thành phố giao.
    - Là địa bàn dân cư được hình thành tự phát, cơ sở hạ tầng yếu kém. Không có các đoàn thể, mặt trận nên việc quản lý, truyên truyền khó khăn. Là khu vực tập trung nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng nghiện ma túy, gái mại dâm không có công ăn việc làm, hoàn cảnh khó khăn. Do lợi nhuận của ma túy lớn nên các đối tượng dễ bị rủ rê lôi kéo vào con đường phạm tội.
    - Công tác nghiệp vụ cơ bản của Công an phường, quận làm sơ sài, đại khái, đối phó để sót lọt nhiều đối tượng sưu tra, một số đối tượng sau khi xét xử vì nuôi con nhỏ được hoãn thi hành án, tiếp tục mua bán ma túy như Nguyễn Thị Loan, Hoàng Thị Thơm, khi hết hạn hoãn thi hành án vào Bệnh viện giả tâm thần để tiếp tục hoãn thi hành án. Công an quận không quản lý chặt chẽ, vẫn xác nhận cho hoãn thi hành án, là điều kiện cho Nguyễn Thị Loan, Hoàng Thị Thơm tiếp tục mua bán ma túy. Công tác quản lý nhà nước của quận, phường yếu, thiếu quan tâm để các hiện tượng lấn chiếm xây nhà trái phép, hoạt động cờ bạc, mại dâm, ma túy công khai. Một số cán bộ, công chức, nhất là công an cơ sở thiếu trách nhiệm, có biểu hiện làm ngơ, tiêu cực để tội phạm lộng hành. Một số vụ khi bắt được 3 đến 5 đối tượng, chỉ xử lý hình sự 1 - 2 đối tượng, còn lại xử lý hành chính, nên không có tác dụng răn đe giáo dục. Sau khi tha xử lý hành chính các đối tượng lại tiếp tục mua bán ma túy.
Kinh nghiệm: 
    1- Cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy là cuộc đấu tranh phức tạp, gay go, quyết liệt, lâu dài muốn giải quyết được triệt để tình hình TPMT phải được sự đồng tình ủng hộ, sự chỉ đạo sát sao, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp. Cấp ủy chính quyền địa phương phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo. Huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia, nhằm phát huy sức mạnh, sự đồng thuận của nhân dân, thường xuyên tổ chức tuyên truyền bằng nhiều biện pháp như: tuyên truyền thông qua Đảng bộ, chi bộ, đoàn thể, truyền thanh, báo chí, pa nô, áp phích, chiếu phim, văn nghệ,… tuyên truyền phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi, tuyên truyền cá biệt, gọi hỏi, răn đe, giao cho những người có uy tín trong Chi bộ, hội cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ, động viên giáo dục kết hợp ký cam kết.
    2- Lực lượng Công an cơ sở phải chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức tuyên truyền làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, thống kê, rà soát tất cả các đối tượng nghiện, đối tượng không nghề nghiệp, đối tượng lang thang cơ nhỡ, tạm trú, có điều kiện, khả năng phạm tội ma túy. Tích cực đấu tranh triệt xóa các điểm, tụ điểm mua bán ma túy; lập án bắt bằng được các đối tượng chủ mưu cầm đầu các ổ nhóm mua bán ma túy. Sau khi bắt được phải tích cực đấu tranh xét hỏi, mở rộng án bắt triệt để những đối tượng trong đường dây đưa xét xử nghiêm trước pháp luật, để có tác dụng răn đe. Đối với đối tượng nghiện ma túy, cờ bạc, trộm cắp, bảo kê, có nhiều tiền án, tiền sự, chưa đủ căn cứ khởi tố phải lập hồ sơ đưa đi giáo dục giáo dưỡng và đi cai nghiện bắt buộc; tích cực gọi hỏi răn đe, giáo dục không để đối tượng phạm tội ma túy lộng hành, đe dọa nhân dân, lấy biện pháp phòng ngừa là chính. Quản lý chặt chẽ đối tượng phạm tội ma túy hoãn thi hành án tại khu vực này, thậm chí kiên quyết đề nghị đưa các đối tượng này đi cải tạo hoặc có biện pháp đẩy đuổi về nơi cư trú. Có biện pháp tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, góp phần giảm cung, giảm cầu.
    - Phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục thuyết phục để người dân thấy tác hại của ma túy, hiểu về pháp luật từ đó tự giác không sử dụng, tàng trữ, vận chuyển ma túy, cảnh giác khi bị các đối tượng mua bán ma túy dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo, thậm chí khống chế. Đồng thời phải làm tốt công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phát huy sức mạnh của toàn dân trong đấu tranh với tội phạm, từ đó nhân dân không sợ, tích cực đấu tranh tố giác tội phạm, tạo nên sức mạnh toàn dân, làm cho tội phạm không còn chỗ dựa, từ bỏ tư tưởng, hành vi phạm tội.
    3- Do tính chất nguy hiểm, phức tạp của TPMT. Vai trò của người chỉ huy trong những địa bàn, chuyên án khó khăn phức tạp là rất quan trọng, người chỉ huy phải gương mẫu, sâu sát, quyết đoán sẽ tạo cho cán bộ chiến sỹ niềm tin, sức mạnh để chủ động, vững vàng trong hành động. Đối với cán bộ phụ trách địa bàn, tham gia chuyên án phải có tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, chính từ ý chí quyết tâm đấu tranh với tội phạm mới nảy sinh ra sự mưu trí, dũng cảm, dù khó khăn, gian khổ mấy cũng sẽ vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.
    4- Về công tác phối hợp và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ: đây là yếu tố quan trọng quyết định thành công của chuyên án, do vậy đối với việc triệt xóa các tụ điểm ma túy phức tạp phải áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nhất là ĐT, NT, các biện pháp trinh sát kỹ thuật. Sự phối hợp giữa các lực lượng phải thống nhất, bí mật, cung cấp kịp thời thông tin cho Ban chuyên án để có kế hoạch đấu tranh. Trước khi phá án phải xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, đặt ra các tình huống như cháy nổ, cắt điện chống đối, đối tượng trốn, tự sát,… thì giải quyết như thế nào? Ai là người giải quyết? Sau khi bắt quả tang đối tượng tại hiện trường cần bắt ai? khám ai?,… về lực lượng phải đủ mạnh áp đảo đối tượng, trang bị đủ vũ khí công cụ hỗ trợ, các công cụ phá khóa, phá cửa như búa, kìm cộng lực, máy cắt,…
    5- Thường xuyên tổ chức sơ tổng kết những vụ án, chuyên án lớn rút ra những nguyên nhân, tồn tại để có giải pháp khắc phục. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn công tác nghiệp vụ cơ bản của Công an quận, Công an phường, chấn chỉnh công tác bắt xử lý, không để tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” gây nghi ngờ, bức xúc trong nhân dân. Đối với các đơn vị, cá nhân để tình hình tội phạm nói chung, tội phạm ma túy nói riêng phức tạp, lộng hành phải xử lý nghiêm túc, có như vậy mới có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua, góp phần giữ vững ANCT TTATXH tại địa bàn mình phụ trách. 
    Đối với các địa bàn phức tạp về tội phạm ma túy cần tăng cường lực lượng Cảnh sát bảo vệ, cảnh sát trật tự, cảnh sát khu vực, dân phòng,…lập các chốt, tích cực tổ chức tuần tra phát hiện, bắt giữ. Các điểm, tụ điểm ma túy phức tạp hoạt động tinh vi phải bí mật áp dụng các biện pháp trinh sát kỹ thuật (nghe, nhìn) để điều tra làm rõ phương thức thủ đoạn hoạt động, có biện pháp đấu tranh xử lý sớm không để lây lan sang khu vực khác.
    6- Chú ý làm tốt công tác cán bộ, phải lựa chọn những cán bộ có phẩm chất, năng lực, có ý chí quyết tâm đấu tranh chống tội phạm, tăng cường tập huấn về chính trị, nghiệp vụ, pháp luật cho Công an phường, quận. Cấp ủy chính quyền địa phương cần quan tâm chế độ chính sách, thi đua khen thưởng, đề bạt những cán bộ có phẩm chất, năng lực, có thành tích trưởng thành trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm động viên, khích lệ tính tiên phong tích cực của cán bộ chiến sỹ trên mặt trận đấu tranh chống TPMT. Đồng thời kiên quyết xử lý những cán bộ thiếu trách nhiệm, tiêu cực, vi phạm trong lực lượng điều tra ma túy.
    7- Thực hiện nghiêm túc chỉ thị 48 ngày 22/10/2010, chỉ thị 21 ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về công tác phòng chống TPMT trong tình hình mới, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, những cán bộ Đảng viên có vợ, chồng, con liên quan đến ma túy, hoặc có thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong đấu tranh chống TPMT, phải có hình thức xử lý thỏa đáng như miễn nhiệm hoặc cách chức,... 
Tình hình TPMT ở khu vực Công viên văn hóa Đống Đa vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, để giữ ổn định tình hình tội phạm ở khu vực này với quy luật “có cung sẽ có cầu”, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo củng cố cho thành lập tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể, tích cực tuyên truyền về PCTP nói chung, PCMT nói riêng. Thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát, bắt và xử lý triệt để các đối tượng mua bán ma túy ở khu vực này, góp phần giữ vững ANCT, TTATXH mang lại sự bình yên cho nhân dân./.
                                                                                                      Đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng C47

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×