Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cuộc chiến chống ma túy tuyến hàng không đầy khó khăn và thách thức

04/05/2017 | 10:16

Lợi dụng việc đi lại thuận tiện, nhanh chóng, đối tượng phạm tội ma túy đã vận chuyển ma túy qua tuyến hàng không ngày càng gia tăng.

 

Trong những năm gần đây với cơ chế mở cửa hội nhập quốc tế, giao thông hàng không ngày càng trở nên quan trọng. Hàng không Việt Nam cũng không ngừng phát triển: Việt Nam có 21 sân bay dân sự, trong đó có 10 sân bay quốc tế, mỗi năm vận chuyển khoảng 25 triệu lượt hành khách.

Lợi dụng việc đi lại thuận tiện, nhanh chóng, đối tượng phạm tội ma túy đã vận chuyển ma túy qua tuyến hàng không ngày càng gia tăng. Đặc biệt có vụ mua bán, vận chuyển với số lượng rất lớn như vụ vận chuyển 600 bánh heroin từ sân bay Tân Sân Nhất đi Đài Loan…hoặc như gần đây bắt vụ vận chuyển trên 60kg cocain từ khu vực Nam Mỹ về Việt Nam và đi nước khác tiêu thụ. Các sân bay quốc tế, nhất là sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài với đặc thù là cửa ngõ giao lưu đa quốc gia, nên số lượng hành khách và hàng hóa xuất nhập qua cửa khẩu sân bay quốc tế hàng năm tăng nhanh từ 5 – 10%. Việc kiểm soát người, hành lý nói chung và kiểm soát ma túy nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay không chỉ các sân bay nội địa tội phạm đã lợi dụng để vận chuyển ma túy, nhất là các tuyến bay đi và đến Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đã Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang); các tuyến từ các địa bàn phức tạp về ma túy như: Thanh Hóa, Nghệ An, Cần Thơ, Điện Biên…

Ảnh minh họa. Nguồn: tiengchuong.vn

Thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy trên tuyến hàng không ngày càng tinh vi; đối tượng vận chuyển ma túy thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động, các đối tượng gốc Phi cư trú ở các nước Đông Nam Á như: Việt Nam, Thái Lan, Malaixia, Philipin… cấu kết với các đối tượng ở các nước Tây Phi như: Nigieria, Mali, Benin… hình thành các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy từ Châu Phi về Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Chúng thường không trực tiếp vận chuyển ma túy mà thông qua các mối quan hệ làm quen rồi lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của những phụ nữ (chủ yếu là người Philippin, Việt Nam, Indonexia, Thái Lan, Cawmphuchia). Ma túy được ngụy trang, giấu trong va li hai đáy, thành va li, giầy dép, các hộp thực phẩm, mỹ phẩm, trà, cà phê, trong các thiết bị âm thanh, thiết bị điện tử… pha thành các chất lỏng rồi thấm vào lớp lót va li, khăn tắm… hoặc chất sệt để tránh sự kiểm tra phát hiện của cơ quan chức năng. Một số vụ vận chuyển ma túy dưới hình thức nuốt nhét trong cơ thể, một số trường hợp chúng còn móc nối với nhân viên phục vụ hành khách tại sân bay để lẩn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Có trường hợp đối tượng phạm tội dát mỏng ma túy rồi dán vào thành, đáy va li nên công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng ở sân bay gặp nhiều khó khăn.

Nguồn ma túy được vận chuyển vào Việt Nam qua đường hàng không chủ yếu từ một số quốc gia Châu Phi (Benin, Maroc, Mali), các quốc gia khu vực Nam Mỹ, các nước Ấn Độ, Pakistan và các nước khu vực Đông Nam Á. Ma túy chủ yếu là heroin, ma túy tổng hợp dạng đá (Methamphetamin), cocain, tiền chất Pseudoephedrine (PSE) …
Tuyến vận chuyển đa dạng, thường xuyên thay đổi. Một số tuyến trọng điểm vận chuyển qua đường hàng không như: tuyến nhập từ Châu Phi, từ các nước Nam Mỹ quá cảnh Doha, Du Bai Thái Lan, Philippine, Malaixia… về Việt Nam; tuyến xuất chủ yếu từ Việt Nam – Úc, Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Đài Loan.
Với tính chất phức tạp của tội phạm ma túy trên tuyến hàng không nên công tác kiểm tra, bắt giữ thường rất khó khăn như:
Địa bàn đấu tranh với tội phạm ma túy tuyến hàng không rất rộng về địa lý, cũng như số lượng lớn người và hàng hóa. Đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường ở nước ngoài, do vậy điều kiện đấu tranh bắt giữ rất khó khăn.
Thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy lợi dụng tuyến đường hàng không ngày càng tinh vi và luôn thay đổi phương thức thủ đoạn. Đặc biệt trong năm 2015, Cục CSĐTTP về Ma túy đã phối hợp với các lực lượng chức năng triệt xóa một số đường dây vận chuyển ma túy với số lượng lớn bằng nhiều thủ đoạn mới như:
Ngày 28/1/2015, Cục CSĐTTP về Ma túy phối hợp với các lực lượng chức năng tại sân bay Tân Sơn Nhất và Công an TP. HCM, kiểm tra thu giữ gần 50.000 viên MTTH giấu trong 2 va li. Đối tượng thông đồng với nhân viên hàng không làm thủ tục gửi va li, hàng hóa với tên người khác. Khi máy bay hạ cánh thì vào lấy giúp 02 va li chứa ma túy, khi nhận hàng ra cổng kiểm tra phát hiện đối tượng đã xé bỏ cuống vé trên 02 va li và bỏ trốn…Cục CSĐTTP về Ma túy cùng các lực lượng chức năng đã phải điều tra xác minh mất nhiều công sức mới bắt được 02 đối tượng (trong đó có 01 đối tượng Việt kiều quốc tịch Canada vận chuyển số ma túy trên vào Việt Nam).
Tháng 5/2015, Cục CSĐTTP về Ma túy với các lực lượng chức năng tại TP. HCM và Hà Nội kiểm tra, phát hiện thu giữ 31,6kg Cocain giấu trong các đế gỗ kê kiện gỗ của công tơ nơ từ Paragoay vận chuyển vào Việt Nam qua cảng Cát Lái (TP HCM) và bắt giữ 01 đối tượng quốc tich Elsanvado đến nhận số ma túy trên. Đồng thời tại Hà Nội,  Cục CSĐTTP về Ma túy cũng phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện thu giữ 12 kg cocain giấu trong 4 trục lăn máy xay lúa vận chuyển qua tuyến hàng không từ Argentina vào Việt Nam qua sân bay Nội Bài; đồng thời đã trao đổi thông tin cho Hải quan Hồng Kông chặn, kiểm tra 01 công tơ nơ va ly, túi sách, vận chuyển qua đường biển từ cảng Hải Phòng đi Hồng Kông , thu 16,9 kg cocain, bắt 02 đối tượng quốc tịch Colombia và Salvadoria.
Tháng 11/2015, Cục CSĐTTP về Ma túy phối hợp với các lực lượng chức năng ở sân bay Tân Sơn Nhất bắt 02 vụ, 02 đối tượng (Kaur Gurchran Singh Manpal, quốc tịch Malaixia, Aleksandr Savin, quốc tịch Nga) vận chuyển 11,7 kg cocain từ các nước Nam Mỹ về Việt Nam và đi nước khác tiêu thụ. Đặc biệt đối tượng Savin đã vận chuyển 6,3 kg cocain bằng thủ đoạn hòa cocain thành chất lỏng rồi thấm vào các tấm lót của ba lô, chăn, khăn... vận chuyển trót lọt qua nhiều sân bay lớn trên thế giới, về Việt Nam mới bị phát hiện, bắt giữ.
Trình độ năng lực của các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên tuyến hàng không còn nhiều hạn chế, thậm chí có trường hợp do lơ là mất cảnh giác hoặc bị TPMT mua chuộc, lợi dụng... Để vận chuyển trót lọt ma túy trên tuyến hàng không.
Thủ tục hải quan theo thông lệ quốc tế, thời gian thông quan ngày càng nhanh, thủ tục thông thoáng để thu hút đầu tư nước ngoài… đây là cơ hội mà bọn tội phạm ma túy triệt để lợi dụng hoạt động. Với việc thực hiện làm thủ tục Hải quan điện tử, hàng hóa được phân theo các luồng: xanh, vàng, đỏ. Luồng xanh không kiểm tra trực tiếp hàng hóa; luồng vàng, đỏ kiểm soát hàng hóa ngẫu nhiên, tỷ lệ dưới 10%. Do đó các đối tượng vận chuyển ma túy thường ủy quyền cho các công ty xuất nhập khẩu là những đơn vị luôn thực hiện đúng các quy định, không vi phạm phân loại theo luồng xanh như vụ Đài Loan bắt 600 bánh heroin giấu trong 12 thùng loa từ sân bay Tân Sân Nhất (TP.HCM) đi Đài Loan. Một khó khăn nữa là khi yêu cầu kiểm tra lô hàng nếu không phát hiện ma túy, lực lượng kiểm tra phải chịu các chi phí như: bốc xếp, bảo quản, nếu hàng hóa bị hỏng phải đền bù nên cũng làm giảm hiệu quả của việc kiểm soát công khai phát hiện ma túy.
Phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong nước, quốc tế còn chậm, gặp nhiều khó khăn, một phần vì chế tài về pháp luật ở các nước rất khác nhau là điều kiện để tội phạm ma túy hoạt động.
Để góp phần đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy trên tuyến hàng không, Cục CSĐTTP về MT đã có quy chế phối hợp với các đơn vị của Cục hàng không dân dụng Việt Nam, Hải quan, cửa khẩu tại các sân bay quốc tế, phối hợp đấu tranh bước đầu đã có hiệu quả. Từ năm 2014 đến nay các đơn vị đã phối hợp bắt giữ 48 vụ; 53 đối tượng; thu: 76,9 kg cocain, 39,1 kg ma túy tổng hợp, 12,6 kg heroin, 35,7 kg tiền chất... Do cơ chế mở cửa hội nhập, mặt khác Việt Nam chịu áp lực ma túy các khu vực như tam giác vàng, trăng lưỡi liềm vàng, khu vực Nam Mỹ nên tình hình tội phạm ma túy tuyến hàng không sẽ còn diễn biến phức tạp gia tăng.
Các lực lượng chức năng phải thực hiện tốt Quyết định 133 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phối hợp của 4 lực lượng trong phòng chống ma túy, phải động viên giáo dục cán bộ  công nhân viên nêu cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên trao đổi thông tin, chủ động đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến hàng không. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nhất là chó nghiệp vụ, các máy soi chiếu hiện đại để kiểm tra, phát hiện ma túy. Đề nghị Ủy ban quốc gia phòng chống Ma túy – Mại dâm, nghiên cứu mô hình, phối hợp lực lượng của một số nước Asean như: Thái Lan, Philippin thành lập tổ liên ngành gồm các lực lượng Công an, Hải quan, Hàng không ở các sân bay quốc tế lớn như: Nội Bài, Tân Sân Nhất, Đà Nẵng  để có sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp đấu tranh và xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra hàng ngày tại các sân bay. Tăng cường lực lượng  phương tiện thường xuyên tổ chức tập huấn về kinh nghiệm trong đấu tranh với tội phạm ma túy. Chọn những cán bộ có phẩm chất, trách nhiệm, có chế độ chính sách đãi ngộ để cán bộ làm công tác đấu tranh phòng chống ma túy của hải quan, hàng không yên tâm, nâng cao ý thức trách nhiệm trong kiểm tra soi chiếu hàng hóa, không bị các đối tượng phạm tội ma túy mua chuộc lợi dụng.
Các sân bay phải tổ chức kiểm tra người hàng hóa chặt chẽ như sân bay của một số nước: Singapo, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc…nhằm soi chiếu phát hiện, bắt giữ tội phạm ma túy có hiệu quả, góp phần cho công tác phòng ngừa ma túy tuyến hàng không đạt kết quả cao giảm tình hình tội phạm ma túy trên tuyến này./.


                                                                                                     Đại tá Phạm Văn Chình – Phó Cục trưởng C47

                                        

 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×