Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chợ phiên Dào San

16/12/2019 | 14:12

Chợ Dào San tuần họp một phiên vào chủ nhật. Chợ nằm đúng tâm điểm của 8 xã vùng cánh cung biên giới phía Bắc huyện Phong Thổ( Lai Châu).

Từ thành phố Lai Châu lên chợ Dào San khoảng 50 cây số. Chợ có tự bao giờ khó ai có thể nói chính xác được, nhưng với người Mông, Dao, Hà Nhì ở vùng này phiên chợ Dào San quan trọng lắm. Chợ Dào San là nơi có thể bán được những thứ họ có, từ mớ măng, gùi su su, con gà…, rồi mua dầu, mua muối, mua vải…

Chợ phiên Dào San - Ảnh 1.

Một góc chợ Dào San

Ngày xưa, khi chưa có đài, vô tuyến, phiên chợ này cũng là điểm quan trọng nhất để trao đổi thông tin. Người ta đến chợ để tìm bạn, kết bạn, trai gái nơi này tìm bạn tình chủ yếu qua chợ phiên. Người ta đến chợ phiên còn để tìm bạn cũ, cũng là nơi gần như duy nhất, có thể hi vọng, tìm lại một nửa, ngày xưa nhỡ lỗi hẹn. Ở Dào San đến bây giờ, vẫn còn có những người già đến chợ, không mua bán gì, lặng lẽ đi khắp chợ, gặp ai cũng nhìn, như tìm ai đó, rồi lại lặng lẽ về lúc xế chiều chợ tan. Dẫu cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng với những người dân 8 xã vùng biên cực Bắc của huyện Phong Thổ phiên chợ Dào San vẫn mãi là ngày hội.

Chợ phiên Dào San - Ảnh 2.

Từ sáng sớm, đồng bào nơi đây đã cùng xuống chợ phiên

Ngay từ chiều hôm trước, phụ nữ các dân tộc đã chuẩn bị váy áo cho phiên chợ sớm mai. Từ những việc trọng đại như sắm đồ đón Tết, đồ cưới, làm lý, hay đơn giản chỉ là mua vài cuộn sợi, chút ít thực phẩm cho cả tuần. Nhưng váy áo đi chợ nhất thiết là phải đẹp, bởi đi chợ còn là đi chơi. Cũng có thể chẳng mua thứ gì, nhưng với họ, vượt qua cả mấy quả núi, mấy con khe để được gặp nhau, trò chuyện là đã vui lắm rồi.

Chợ phiên Dào San - Ảnh 3.

Những ngón tay báo giá cho món hàng

Từ tờ mờ sáng, trên các nẻo đường ẩn hiện trong sương và mây mù của các bản Mông, Thái, Dao, Hà Nhì... đã rậm rịch tiếng chân người, tiếng ngựa thồ, tiếng xe máy. Người ta tíu tít nói cười, í ới gọi nhau cùng xuống chợ phiên. Những sản vật theo đồng bào xuống chợ mang đậm hương vị núi rừng. Đấy là những gùi nếp hương, giọ mận, giọ đào; mật ong thơm ngậy, măng đắng, thảo quả hay những thẻ hương bán cúng rằm, những chiếc vòng đồng nhỏ xinh với quan niệm tránh ma tà, quỷ dữ... Cái sự mua bán ở đây cũng thật giản đơn. Người bán nói giá bao nhiêu, nếu người mua ưng bụng sẽ trả bấy nhiêu, không mặc cả. Cả chợ hiếm thấy một cái cân, bởi đơn vị cân đong ở đây được tính bằng con, bằng cái, bằng mớ.

Chợ phiên Dào San - Ảnh 4.

Mua áo mới cho con

Mỗi dân tộc có tiếng nói riêng, nhưng dường như họ nhìn nhau đã hiểu cái bụng nhau nghĩ gì. Từng dòng người với váy áo sặc sỡ xuống núi rồi hòa vào nhau tại phiên chợ. Có sắc đỏ cam rực rỡ đặc trưng của các cô gái người Dao; có sắc trắng đen trên những nếp váy bồng bềnh nhún theo từng bước của các thiếu nữ người Mông; người Hà Nhì thì mặc váy xanh dịu mát, đội vành khăn với những chùm hoa đỏ rủ dài... Tất cả tạo nên một bức tranh đa màu, sống động, một khung cảnh đặc trưng cuốn hút bất kỳ du khách nào trước nét đẹp của văn hóa Tây Bắc.

Chợ có tự bao giờ, khó ai có thể nói chính xác được, nhưng với đồng bào các dân tộc ở vùng này, chợ phiên Dào San quan trọng lắm! Trong phiên chợ còn có những ánh mắt thẹn thùng, đôi má ửng đỏ của các cô thiếu nữ trước những câu hát đối ngẫu hứng, vài điệu khèn của chàng trai. Chiều xuống, chợ tan, nhưng ai nấy đều bịn rịn, lưu luyến. Những niềm vui, hẹn ước được nhóm lên từ phiên chợ. Để rồi, họ lại háo hức đợi đến phiên chợ sau./.

Vụ Văn hóa dân tộc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×