Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cảnh giác với thủ đoạn, mua chuộc, lôi kéo sinh viên, phụ nữ vận chuyển ma túy trên tuyến hàng không

03/05/2017 | 15:20

Đây là một thực tế đã xảy ra khiến tình hình mua bán, vận chuyển ma túy liên quan đến nước ngoài ở Việt Nam thêm phức tạp.


Những năm vừa qua, nhất là 5 năm gần đây, tình hình mua bán, vận chuyển ma túy liên quan đến nước ngoài ở Việt Nam luôn có diễn biến phức tạp. Nguyên nhân việc mua bán, vận chuyển ma túy lợi nhuận cao, dễ làm mờ mắt một số người dân; việc quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của Việt Nam ở các sân bay, bến cảng, cửa khẩu còn một số sơ hở thiếu sót; tội phạm ma túy đã lợi dụng chính sách thông thoáng của pháp luật cũng như sự lơ là mất cảnh giác của một số người dân, nhất là đối với thanh niên, phụ nữ.

Kể từ năm 2009 đến nay, các lực lượng chức năng đã đấu tranh, bắt giữ hàng chục vụ án về ma túy có liên quan đến sinh viên, phụ nữ Việt Nam bị các đối tượng phạm tội ma túy lợi dụng, mua chuộc, lôi kéo, khống chế vào vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam đi nước ngoài. Những đối tượng này khi bị bắt bị xử lý rất nặng, nhiều người bị xử với mức án chung thân, tử hình, điển hình như các vụ:

Ảnh minh họa. Nguồn internet.


Ngày 18/7/2012 các lực lượng chức năng đã kiểm tra hành lý phát hiện, bắt giữ Trần Hạ Tiên – Sinh năm 1991 – Thường trú tại: Số 37, Bùi Thị Xuân, Thị Trấn Hưng Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng là sinh viên năm thứ 3, khoa ngân hàng, trường đại học Văn Lang, Thành phố Hồ Chí Minh. Thu giữ 4,1 kg ma túy tổng hợp. Qua đấu tranh cơ quan điều tra đã bắt giữ tiếp Trần Hà Duy là chị ruột của Tiên, sinh viên năm cuối Khoa quản trị kinh doanh, trường Đại học Hồng Bàng; Huỳnh Thị Phương Minh, Huỳnh Ngọc Lợi đều là sinh viên ở Thành phố Hồ Chí Minh đã rơi vào bẫy của tội phạm ma túy.


Kết quả điều tra Trần Hà Duy có quen biết với một người nước ngoài tên là Francis, quốc tịch Kenya trên chuyến xe từ miền tây về Thành phố Hồ Chí Minh. Hai người quen nhau, sau đó Francis đã dụ dỗ, động viên Duy đi nước ngoài vận chuyển hàng mẫu (quần áo) từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại, mọi chi phí do Francis chịu trách nhiệm, mỗi chuyến trả công 500 – 1500 USD. Hai chuyến đầu Duy được trả công 2000 USD (trong các chuyến hàng này đều có dấu ma túy nhưng Duy không biết). Sau đó Francis cần người vận chuyển “hàng” nhờ Duy tìm giúp. Thấy công việc làm ăn dễ dàng thu lợi lớn, Duy đã giới thiệu em gái là Trần Hà Tiên và hai người bạn là Huỳnh Thị Phương Minh và Huỳnh Ngọc Lợi tham gia vận chuyển “hàng” cho Francis. Những chuyến sau, Duy phát hiện thấy “hàng mẫu” có chứa ma túy, Duy phản ứng, không vận chuyển cho Francis nhưng bị đối tượng này khống chế, dọa giết… nên hai chị em Duy + Tiên tiếp tục vận chuyển ma túy cho Francis cho đến ngày bị bắt. Kết quả xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên Trần Hà Duy tử hình, Trần Hà Tiên chung thân. Những người thân và bạn bè của Duy dự phiên tòa , khi nghe tòa tuyên án tử hình với Trần Hà Duy đều ngỡ ngàng bật khóc nức nở, các bạn không thể nào tin được người bạn xinh đẹp, hiền lành, học giỏi lại có thể đi vận chuyển ma túy.
Sau vụ Trần Hạ Duy cơ quan cảnh sát điều tra bắt giữ Hà Thị Ngô, sinh viên Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh; Ngô Thị Phước – hướng dẫn viên du lịch tại Đà Nẵng; Trần Thị Thu Điệp – sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội; Nguyễn Thanh Sơn – sinh viên Đại học Thể dục thể thao đều dính vào vòng lao lý về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Gần đây nhất là ngày 14/5/2015 các đối tượng ma túy đã lợi dụng việc đi lại, học tập, lao động của một số sinh viên Việt Nam đi Nga, từ sân bay Nội Bài – Hà Nội đi Matxcova – Nga, do hành lý của các em chưa đủ trọng lượng theo quy định của hàng không, các đối tượng đã gửi hành lý là cà phê (có chứa ma túy tổng hợp) vào hành lý của em Phạm Văn Thông quê ở Nghệ An. Khi sang đến sân bay Matxcova thì bị hải quan kiểm tra, bắt giữ. Hiện tại Thông đã bị giam chờ ngày xét xử. Ngày 27/3/2016 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy  bắt quả tang các đối tượng này bằng thủ đoạn nêu trên đã dấu ma túy tổng hợp vào nồi cơm điện gửi sinh viên, người lao động Việt Nam sang Nga. Từ năm 2015 đến nay, chúng đã vận chuyển trót lọt hàng chục chuyến.
Thủ đoạn lợi dụng việc du học, du lịch làm ăn kinh tế các đối tượng nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam móc nối với một số đối tượng người Việt tổ chức thành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại hoặc các đối tượng người Việt Nam từ lập ra đường dây cấu kết với đối tượng ma túy ở nước ngoài, đưa ma túy từ Việt Nam đi nước ngoài tiêu thụ. Đối tượng chủ mưu cầm đầu (nhất là đối tượng gốc Phi) không trực tiếp vận chuyển ma túy; tìm cách làm quen với một số nữ sinh viên qua trang mạng yahoo, facbook… , cặp bồ hoặc lấy vợ là phụ nữ biết tiếng Anh ở các nhà hàng, quán ba. Sau đó thông qua số người này tìm cách tuyển mộ những cô gái thích ăn chơi, đua đòi hoặc những phụ nữ có hoàn cảnh éo le, kinh tế khó khăn, độ tuổi từ 20 – 45 tham gia vào đường dây vận chuyển ma túy với chiêu bài vận chuyển “hàng mẫu”; mọi thủ tục và chi phí ăn, ở, các đối tượng này lo và được trả công hậu hĩnh. Hoặc các đối tượng lợi dụng sự kiểm tra lỏng lẻo của cơ quan chức năng tại các sân bay, cửa khẩu. Ma túy thường được giấu vào giầy dép, bìa sách, giấu vào váy áo, vào mỹ phẩm, cà phê, chè, va ly 2 đáy, đồ điện tử, cuốn vào cơ thể, nuốt vào bụng, dấu vào chỗ kín phụ nữ, dấu vào các pho tượng, con giống...

 

                              

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Những năm qua các lực lượng chức năng của Việt Nam và cảnh sát các nước Trung Quốc, Camphuchia, Inđônêxia, Úc, Canada…đã bắt giữ  nhiều đối tượng là sinh viên phụ nữ Việt Nam vận chuyển ma túy cho các đối tượng phạm tội ma túy trên tuyến hàng không. Trong đó có nhiều trường hợp rất thương tâm, mới chỉ tham gia vận chuyển ma túy lần đầu cho các đối tượng phạm tội ma túy chưa được trả công, bị bắt xử lý với mức án chung thân, tử hình (như ở Trung Quốc).
Qua đây cho chúng ta thấy vì lợi nhuận, các đối tượng chủ mưu mua bán ma túy không từ bỏ thủ đoạn nào, miễn là mua bán vận chuyển trót lọt, kiếm nhiều lợi nhuận. Chính vì vậy đề nghị cấp ủy chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tuyên truyền, cảnh tỉnh cho nhân dân, không nghe theo lời dụ dỗ, mắc lừa của đối tượng phạm tội ma túy. Đề nghị Chính phủ, Bộ tài chính quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện soi chiếu hiện đại, giúp cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn ma túy vận chuyển qua các cửa khẩu. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp cho các lực lượng chức năng làm công tác phòng chống ma túy trên các tuyến hàng không, tuyến đường biển, trên các cửa khẩu biên giới, để phát hiện ngăn chặn kịp thời việc mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại.

 Phạm Văn Chình – Phó Cục Trưởng C47

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×