Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong xây dựng đời sống mới

20/12/2019 | 14:28

Việt Nam là quốc gia có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó có 53 dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, sự phát triển không đồng đều về quy mô dân số cũng như điều kiện sống, cùng với xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hoá khác nhau đã tác động mạnh đến văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số dẫn đến nguy cơ mai một bản sắc văn hóa các dân tộc. Trước thực trạng trên, Đảng và Nhà nước ta luôn có những chủ trương, chính sách nhằm ưu tiên, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong từng giai đoạn phát triển bền vững đất nước, trong đó đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN  MỚI - Ảnh 1.

Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới

Vấn đề bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số luôn là một nội dung quan trọng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chỉ đạo trong suốt quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước. Với quan điểm nhất quán, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định, văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành, chỉ đạo đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bên cạnh đó tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ những chủ trương đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cụ thể hóa và triển khai xây dựng các văn bản mang tính pháp quy, thông tư, đề án, dự án, ký kết các chương trình phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương để thực hiện có hiệu quả công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nói riêng: Thông tư số 12/2014/TT-BVHTTDL về việc hướng dẫn một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ Về công tác dân tộc; các dự án thành phần của Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020; Triển khai Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 13/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc (Quyết định số 1395/QĐ-BVHTTDL ngày 09/5/2014); Phê duyệt Đề án tổ chức định kỳ "Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số" theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020; Đề án "Đưa các chương trình văn hóa nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng dân tộc thiểu số"; Đề án "Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và tuyên truyền lưu động" giai đoạn 2016 - 2020; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020…

Cùng với sự phát triển của đất nước, xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ mang tính chiến lược đặc biệt quan trọng được Đảng và Nhà nước đặt ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW. Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với thành thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Từ các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đây là chương trình tổng thể bao gồm nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và hệ thống chính trị cơ sở[1]. Trong đó, về lĩnh vực văn hóa có tiêu chí số 6 (về cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí 16 (về văn hóa). Để triển khai thực hiện hiệu quả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở[2]. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền và đưa nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật hướng về cơ sở với chủ đề "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới". Đặc biệt, công tác xã hội hóa, kêu gọi tài trợ của các tổ chức, cá nhân cho việc phục vụ thư viện lưu động đạt hiệu quả thiết thực. Tại các địa phương trong cả nước đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện tiêu chí 06 và 16 trên địa bàn quản lý. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú có chiều sâu từ trung ương đến địa phương. Công tác tuyên truyền được tăng cường, quán triệt sâu sắc nội dung, ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới với các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan, các cuộc thi tìm hiểu về đề tài Nông thôn mới thông qua: sân khấu hóa, sáng tác, tập huấn, liên hoan văn hóa văn nghệ, thi đấu thể thao, giao lưu, tọa đàm, liên hoan tuyên truyền lưu động.... Qua đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về trách nhiệm, nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng lên. Người dân xác định xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới là việc của chính mình. Nhiều nét đẹp trong văn hóa, trong ứng xử đã góp phần quan trọng trong tạo dựng môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng dân cư, cho mỗi gia đình và mỗi cá nhân, nhiều vùng quê nông thôn đã có có những bước chuyển mình trở thành những "Miền quê đáng sống".  

Bên cạnh đó, nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác văn hóa gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan ký kết các chương trình phối hợp nhằm phát huy tối đa nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa, góp phần thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới. Cũng từ đó, ở địa phương, ngành văn hóa đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tổ chức thực hiện các tiêu chí văn hóa gắn với Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", triển khai, lồng ghép thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn, các chương trình phối hợp liên ngành, tổ chức ký kết các Chương trình phối hợp từng năm hoặc từng giai đoạn.

Việc thực hiện chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở nước ta nhằm khai thác hiệu quả những thế mạnh, nguồn lực của địa phương vào phát triển kinh tế, xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới là một trong những giải pháp, công cụ để xóa đói, giảm nghèo hiệu quả cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

 Chủ trương bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cụ thể trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; các dự án thành phần của Đề án "Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020"[3]…

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hoá đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc, đặc biệt là các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, triển khai "Dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống các dân tộc thiểu số" vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm xây dựng thành mô hình bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc hiệu quả, thiết thực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước. Đã có 37 làng, bản, buôn của 30 dân tộc thuộc các tỉnh đại diện cho các vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn. Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng dự án, các thiết chế văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể như: lễ hội, dân ca, dân vũ, dân nhạc, trang phục, nghề thủ công truyền thống… Đến nay đã có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các địa phương tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc, đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức tự giữ gìn những nét đẹp trong văn hóa của dân tộc và phù hợp xây dựng nông nôn mới ở các địa phương.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai xây dựng và phát triển các Mô hình bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp trong phong trào xây dựng nông thôn mới nhằm mục đích xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt về bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của từng vùng, miền, dân tộc, tạo ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ vui tươi, lành mạnh, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước; phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các vùng miền, cộng đồng, dân tộc trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên cả nước và đang triển khai thực hiện 10 mô hình bào tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới[4]; Tổ chức 02 Hội nghị tập huấn năng cao năng lực về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng nông thôn mới cho cán bộ văn hóa xã, các nghệ nhân, người có uy tín về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... đẩy mạnh Phong trào TDĐKXDĐSVH nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng là nội dung cốt lõi trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở nước ta. Qua đó, đã góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế, du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương.

Định kỳ tổ chức các Hội thi, Hội diễn, Ngày hội, Giao lưu, Liên hoan văn hóa các dân tộc. Qua đó, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, các địa phương trong cả nước; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị di sản văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần taọ động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động, sáng tạo lồng ghép vào các chương trình, đề án và nguồn kinh phí triển khai nhiệm vụ. Tổ chức tập huấn cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và xã đặc biệt khó khăn nhằm củng cố phát triển đồng bộ, khai thác có hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của đồng bào các dân tộc; Tổng hợp, đề xuất chương trình đầu tư, hỗ trợ đối với các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, xã đặc biệt khó khăn; Chủ trì, phối hợp với các địa phương khảo sát và mở các lớp truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc thiểu số có dân số dưới 10 ngàn người, các lớp do chính các nghệ nhân, chủ thể của văn hóa các dân tộc trực tiếp tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ. Các lớp truyền dạy tại các địa phương đã góp phần nâng cao ý thức tự giác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình; Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn nghệ dân gian vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Tổ chức kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống; phục dựng bảo tồn các lễ hội truyền thống đặc sắc có nguy cơ mai một và phát huy xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại địa phương, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc…

Từ các Chương trình, dự án đầu tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tuyền thống của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch, các địa phương đã ban hành và triển khai thực hiện các đề án về phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương và đã mang lại những kết quả nổi bật[5]. Việc xây dựng và tổ chức các hoạt động tại Nhà Văn hóa - khu thể thao thôn, làng, bản  đã trở thành phong trào rộng khắp; bằng nhiều biện pháp chủ động, linh hoạt, sáng tạo kết hợp vừa xây mới, vừa khôi phục tận dụng sử dụng những thiết chế có sẵn như đình làng, chùa, hội trường Ủy ban, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà gươl, nhà dài, nhà rông ở vùng đồng bào dân tộc... là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, trao truyền và giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng tới nhân dân và khách du lịch. Nhiều mô hình nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách như: mô hình nhà rông của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên; nhà sàn của người Tày, Thái, Mường vùng núi phía Bắc...

Nhằm xây dựng, phát triển mô hình/hoạt động du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch đến lưu trú vùng dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, Bộ đã chủ động phối hợp, hướng dẫn các địa phương có vùng dân tộc thiểu số phát triển du lịch cộng đồng (homestay) gắn với xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh như: Lào Cai, Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, các tỉnh khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… Do nguồn kinh phí thực hiện chính sách chủ yếu từ các địa phương và cộng đồng nên các địa phương tự chủ động bố trí, phân bổ nguồn lực, lồng ghép nguồn lực thực hiện. Bộ tham gia hỗ trợ về chuyên môn, tạo điều kiện về nguồn nhân lực để các dự án của nước ngoài triển khai hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Nhiều mô hình xây dựng làng văn hóa, mô hình nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới trở thành những mô hình điểm về bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch ở nhiều địa phương như:  Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Cần Thơ... Mỗi địa phương có cách làm có hiệu quả khác nhau phù hợp với đặc thù của từng vùng, từng dân tộc[6]. Nhiều địa phương đã tổ chức các tuyến du lịch trải nghiệm làng quê nông thôn mới gắn với giữ gìn văn hoá truyền thống và các trò chơi dân gian, từ đó, đã tạo điều kiện thu hút người dân ở thôn, bản, ấp tham gia thường xuyên hơn vào các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Nhiều lễ hội truyền thống lành mạnh được phục hồi, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc[7]. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho các đơn chuyên môn đã tổ chức đánh giá, rà soát tình hình ban hành và thực hiện chính sách liên quan đến phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số các tỉnh biên giới; Trong thời gian tới, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương biên giới phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số đến năm 2025./.


[1] Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM ở 02 giai đoạn (2010-2016; 2016-2020) gồm 19 tiêu chí, trong đó lĩnh vực văn hóa có 2 tiêu chí: Tiêu chí thứ 6 (về cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí 16 (về văn hóa); Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009; Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016; Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05/01/2010 phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016 - 2020; Thủ tướng Chính phủ phát động Phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", Phong trào đã và đang được triển khai thực hiện đồng bộ; diễn ra sôi nổi, rộng khắp các địa phương trên cả nước, ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội, thu hút sự tham gia và phát huy được sức mạnh của cả cộng đồng, xã hội…

[2] Hướng dẫn số 4688/HD-BVHTTDL, ngày 14/11/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tiêu chí số 06 về cơ sở vật chất và tiêu chí số 16 về văn hóa trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới; Kế hoạch số 3905/KH-BVHTTDL ngày 29/9/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Thông tư số 17/2011/TT-BVHTTDL ngày 02/12/2011 quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới"; Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn"…

[3] Dự án Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Dự án xây dựng "Chương trình hoạt động, lễ hội và biểu diễn văn hóa nghệ thuật các dân tộc cấp tỉnh, vùng quốc gia giai đoạn 2011 - 2020"; Dự án "Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số" với mục tiêu gắn kết các chương trình phát triển kinh tế với việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, giữ bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số với phát triển du lịch một cách đồng bộ, hiệu quả. Đề án "Đưa các chương trình hành động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020; Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay", đáp ứng yêu cầu "di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu" góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam; Đề án tổ chức định kỳ Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số…

[4] Các mô hình: Câu lạc bộ "Hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu" gắn với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong phong trào xây dựng nông thôn mới; Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ qua mô hình Câu lạc bộ Đờn ca tài tử trong phong trào xây dựng nông thôn mới; Mô hình bảo vệ rừng, nguồn nước gắn với bảo tồn và phát huy lễ hội cúng rừng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong phong trào xây dựng nông thôn mới; Bảo tồn và phát huy nghệ thuật "Múa hát Sắc Bùa" qua các mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào ven biển miền Trung; Xây dựng và phát huy mô hình dòng họ văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong phong trào xây dựng nông thôn mới; Bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Xá Phó tỉnh Lào Cai; Bảo tồn nghề truyền thống dân tôc Lự tại tỉnh Lai Châu...

[5] Hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế xã hội như: Trung tâm văn hóa, Thể thao; nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, Hiện cả nước có 6.997/10.878 TTVHTT cấp xã (xã, phường, thị trấn) (đạt 64,3%) trong đó 48% xã, phường, thị trấn có mô hình Trung tâm Văn hóa Thể thao…

[6] Tỉnh Lào Cai phát triển mỗi địa phương một sản phẩm phát triển du lịch; tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn Lam Đồng giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030"…

[7] Xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, xã Thanh Phú, Tả Van, Tả Phìn huyện Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai; Bản Sin Súi Hồ thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu…

Trần Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×