Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

21/12/2020 | 11:20

Nếu ví di sản văn hóa phi vật thể xứ Thanh như bức tranh đa sắc, đa thanh thì những nét đặc sắc, độc đáo của loại hình dân ca, dân vũ chính là nét chấm phá tiêu biểu, hấp dẫn. Vì lẽ đó, trước bối cảnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế như hiện nay, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có dân ca, dân vũ không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục, quảng bá nét đẹp đất và người xứ Thanh mà còn là lợi thế lớn cho phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh theo hướng bền vững.

Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa - Ảnh 1.

Liên khúc “Đi cấy, đi gặt”, dân ca, dân vũ Đông Anh do đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Đông Sơn biểu diễn tại Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: T.L

Từ miền xuôi, vùng ven biển cho tới miền ngược, văn hóa xứ Thanh lung linh tỏa sáng trong rạng rỡ sắc màu dân ca, dân vũ, tiêu biểu như: Trò Xuân Phả, dân ca, dân vũ Đông Anh, hò sông Mã, trò Chiềng, hát nhà trò Văn Trinh, hát ru, hát xường giao duyên, hát khặp dân tộc Thái, lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy, trò diễn Pồn Pôông, khua luống, Tết nhảy của người Dao... Các làn điệu dân ca, dân vũ xứ Thanh được kết tinh từ trí tuệ bao đời, mang theo giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn sâu sắc và chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Với những đặc sắc, tiêu biểu ấy, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa có một số di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là: trò Xuân Phả (Thọ Xuân), trò diễn Pồn Pôông (Ngọc Lặc), lễ hội trò Chiềng (Yên Định), lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy (Như Thanh), dân ca, dân vũ Đông Anh (Đông Sơn), xường giao duyên của người Mường (Ngọc Lặc). Đây là niềm vinh dự, tự hào nhưng đồng thời đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, nhất là trong bối cảnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Ví như số phận thăng trầm, “ba chìm bảy nổi” của dân ca, dân vũ Đông Anh trên hành trình đến với danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ một loại hình diễn xướng dân gian đã bị mai một, đứng trước nguy cơ thất truyền, giờ đây, dân ca, dân vũ Đông Anh đã trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân xã Đông Anh, Đông Sơn nói riêng mà cả tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi ghé thăm gia đình Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Sỹ Lịch (xã Đông Khê) để được lắng nghe nhiều hơn, cảm nhận sâu sắc hơn những nỗ lực, cố gắng của các thế hệ cháu con nơi đây trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống quê hương. Dòng ký ức đưa ông trở về những ngày “cực thịnh” của dân ca, dân vũ Đông Anh: “Từ hồi tôi còn bé, mới khoảng 9, 10 tuổi đầu đã hăm hở theo đám bạn trong làng í ới gọi nhau đi xem các tiết mục, trò diễn. Ngày ấy, tại lễ hội nghè Sâm, Ngũ trò Viên Khê được tổng duyệt đầy đủ, bài bản, quy mô lắm”.

Chợt cắt ngang dòng tâm tưởng, ông Lịch thở dài nhớ lại: “Cùng với sự biến thiên của thời gian, thăng trầm của lịch sử, nghè Sâm không còn, dân ca, dân vũ Đông Anh không còn được đưa đến diễn ở lễ hội thờ thánh thần như trước kia và dần dần bị lãng quên giữa nhịp sống đời thường tất bật, hối hả”. Luôn tự nhủ trong lòng phải cố gắng lưu giữ lại nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, ông Lịch cùng gia đình vẫn âm thầm sưu tầm, ghi chép lại những kiến thức về các trò diễn dân ca, dân vũ Đông Anh mà cụ Nhữ - bố vợ của ông Lịch, vốn là “cái trò” nổi tiếng trong làng lúc bấy giờ với mong mỏi sau này có thể lưu truyền lại cho thế hệ cháu con. Năm 2002, ghi dấu mốc thời gian quan trọng của việc khôi phục lại các trò diễn dân ca, dân vũ Đông Anh với dự án do Viện Âm nhạc Việt Nam chủ trì, cùng phối hợp với chính quyền và Nhân dân xã Đông Anh. Nhớ lại những ngày tháng cả làng Viên Khê nói riêng và cán bộ, Nhân dân xã Đông Anh nói chung cùng chung sức đồng lòng, quyết tâm khôi phục lại toàn bộ các trò diễn dân ca, dân vũ Đông Anh, ông Lịch không giấu nổi niềm vui sướng xen lẫn tự hào. Được biết, ngoài ông Lịch, cùng đợt xét tặng ấy, xã Đông Anh vinh dự có 6 nghệ nhân nữa được xét tặng danh hiệu NNƯT.

Tạm chia tay lời ca, tiếng hát mộc mạc, chân tình của dân ca, dân vũ Đông Anh, ngược miền núi rừng Ngọc Lặc, lắng lòng mình nghe điệu hát xường giao duyên. Những thanh âm trong trẻo, ngọt ngào của điệu hát xường cất lên cũng chính là lời tâm tình, hẹn ước mà những chàng trai, cô gái Mường chân thành gửi trao đến nhau. Xường giao duyên – bản tình ca vang vọng tự sâu thẳm trái tim, được chắt chiu tự trong mạch nguồn văn hóa bản làng. Hát xường giao duyên đã trở thành bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc và đậm nét của người Mường các xã Cao Ngọc, Thạch Lập, Minh Sơn của huyện Ngọc Lặc nói riêng và của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Thanh nói chung. Và những người hát xường hôm nay, họ không đơn thuần chỉ là người hát “tình ca” của lòng mình. Hơn tất thảy, giờ đây, tiếng hát của họ cất lên là tiếng hát đại diện cho khắp các bản Mường (Ngọc Lặc) giới thiệu với bạn bè cả nước và quốc tế về nét đẹp của một loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khắp các bản Mường (Ngọc Lặc) hôm nay đã ngân lên điệu hát giao duyên ngây ngất men tình níu chân du khách. Sức sống, sức lan tỏa ấy có một phần đóng góp không nhỏ của những người tâm huyết với nghệ thuật hát xường. Nhìn cái cách họ âm thầm cống hiến, say mê biểu diễn và sống trọn với từng thanh âm của điệu xường mới cảm nhận hết được những giá trị tưởng như vô hình mà hiện hữu rất chân thực, sống động trong từng loại hình di sản.

Dân ca, dân vũ kết tinh, lắng đọng những giá trị văn hóa – lịch sử truyền thống sâu sắc và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch địa phương. NSƯT Nguyễn Hữu Chính, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa thẳng thắn nhìn nhận: “Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật dân gian, việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị dân ca, dân vũ trong nhiều năm qua chưa được quan tâm, đầu tư xứng đáng. Lực lượng nghệ nhân dân gian và các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên gạo cội trong nghề phần lớn đã tuổi cao, sức yếu, dần thưa vắng; thế hệ trẻ không hào hứng, “mặn mà” với loại hình nghệ thuật này nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển chọn, đào tạo lớp kế cận cũng là một trong những điều trăn trở trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ và các loại hình nghệ thuật truyền thống”.

Việc đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ nói riêng, các di sản văn hóa phi vật thể nói chung luôn là bài toán khó. Bên cạnh những nỗ lực, quyết tâm “tiếp lửa nghề” của các NNƯT, nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ, diễn viên thì cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm, tạo điều kiện, lãnh, chỉ đạo sát sao, kịp thời, trách nhiệm của các cấp, ban, ngành và sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước; đẩy mạnh và nâng cao công tác tuyên truyền, quảng bá; đưa nội dung bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ và các loại hình nghệ thuật truyền thống vào chương trình đào tạo trong các trường chính trị, các lớp tập huấn cán bộ, chương trình ngoại khóa của các trường phổ thông trung học và cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh; sưu tầm, kiểm kê, phân loại, nhận diện giá trị các loại hình dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc trong tỉnh tập trung nghiên cứu, bảo tồn và khôi phục một số loại hình dân ca, dân vũ đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Đồng thời, biên soạn và xuất bản một số cuốn sách tiêu biểu về các loại hình dân ca, dân vũ tiêu biểu, đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh để phổ biến thực hành và lưu giữ tài liệu, truyền dạy cho thế hệ mai sau; mạnh dạn xây dựng hồ sơ khoa học, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận một số loại hình thuộc thể loại dân ca, dân vũ đặc trưng, tiêu biểu của xứ Thanh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như: hò sông Mã, hát khặp dân tộc Thái, hát múa chèo chải vùng hạ lưu sông Mã...

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×