Báo chí Quảng Bình – Từ ngọn gió thi đua đến sức mạnh đổi mới bền bỉ
08/05/2025 | 16:48Nhằm hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Quảng Bình tổ chức trưng bày chuyên đề: "Báo chí cách mạng Việt Nam – Một thế kỷ xung trận và tự hào Báo chí Quảng Bình". Đây là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt nhằm tri ân các thế hệ nhà báo đã cống hiến vì sự nghiệp cách mạng.
Từ dấu mốc lịch sử với sự ra đời của Báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1925, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đồng hành cùng đất nước qua các thời kỳ đấu tranh, kiến thiết và hội nhập. Những cột mốc như sự ra đời của Đài Tiếng nói Việt Nam (1945), Báo Nhân Dân (1951), hay truyền hình quốc gia (1970) đều cho thấy vai trò tiên phong của báo chí – một lực lượng tư tưởng quan trọng, luôn gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng và phát triển của dân tộc.

Cắt băng khai mạc triển lãm
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh và phát triển của dân tộc, báo chí Quảng Bình luôn là lực lượng tiên phong, đồng hành cùng những phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy tinh thần cách mạng, góp phần viết nên những trang sử hào hùng của quê hương.
Một trong những dấu ấn sâu đậm là phong trào "Hai Giỏi" – sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, bùng nổ trên khắp tỉnh Quảng Bình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Phong trào này khởi nguồn từ lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi quân và dân Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 100: "Tỉnh nhà sản xuất giỏi, chiến đấu cũng giỏi." Từ đó, khí thế thi đua lan tỏa rộng khắp, trở thành nguồn động lực mạnh mẽ trên mọi mặt trận.

Lãnh đạo Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình tặng quà cho đại diện lãnh đạo Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Báo chí Quảng Bình, với vai trò là người đồng hành và cổ vũ, đã liên tục phản ánh những thành tựu, điển hình tiên tiến, cũng như không ngại chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện phong trào. Những bài viết ấy không chỉ truyền cảm hứng mà còn góp phần giúp lãnh đạo các cấp kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phong trào đạt hiệu quả thực chất.
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, Quảng Bình bước vào hành trình tái thiết trong muôn vàn khó khăn. Một lần nữa, báo chí tỉnh nhà tiếp tục khẳng định vai trò là tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân, là lực đẩy tư tưởng và là diễn đàn phản biện, góp phần xây dựng xã hội. Không chỉ đưa tin, báo chí còn giám sát, lên tiếng vì cái đúng, bảo vệ lẽ phải, đồng hành cùng công cuộc đổi mới và phát triển toàn diện của tỉnh.

Tham quan triển lãm ảnh
Ghi nhận những đóng góp ấy, nhiều tập thể và cá nhân trong lực lượng báo chí Quảng Bình đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng huân chương, giải thưởng cao quý. Đó là minh chứng cho ý chí kiên cường, tinh thần trách nhiệm và niềm tự hào của những người làm báo trên vùng đất gió Lào cát trắng.
Hơn 95 năm kể từ ngày có tờ báo cách mạng đầu tiên, báo chí Quảng Bình không chỉ là nhân chứng lịch sử, mà còn là người tạo dựng lịch sử. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều ngòi bút tiêu biểu như Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người học trò lỗi lạc của Bác Hồ, cùng các nhà báo – liệt sĩ như Bùi Đình Túy, Nguyễn Thị Thanh Xuân, và thế hệ nối tiếp như Đỗ Quý Doãn, Phan Khắc Hải, Lưu Trọng Lư, Phạm Xuân Lục, Quách Mộng Lân…
Thế hệ nhà báo Quảng Bình hôm nay tiếp tục kế thừa truyền thống ấy – với "đôi mắt sáng, ngòi bút thép, tấm lòng trong" – không ngừng đổi mới, đồng hành cùng quê hương bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng.