Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

ASIAD 19 - Hành trình chuyển giao thế hệ và khát vọng nâng tầm thể thao Việt Nam

24/09/2023 | 10:50

ASIAD 19 - giải đấu đánh giá quá trình chuyển giao thế hệ ở nhiều nội dung thi đấu thế mạnh của Việt Nam. Đây là cơ hội để các VĐV trẻ tự bước đi trên đôi chân mình cũng như niềm hy vọng về một sức bật mới trong tương lai cho thể thao nước nhà.

Thách thức lớn trong ngày hội lớn

Vào 19h ngày 23/9, Đại hội thể thao châu Á - ASIAD 19 đã chính thức được khai mạc. Năm nay, đoàn thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 19 với lực lượng đông đảo với 337 VĐV, thi đấu 31/40 môn thể thao. Đây là giải đấu cực kỳ quan trọng đối với thể thao Việt Nam, khi không chỉ là đấu trường cọ xát, học hỏi kinh nghiệm quý báu mà giải đấu này còn là "tấm vé thông hành" đến Olympic Paris 2024 ở nhiều nội dung thi đấu.

ASIAD 19 - Hành trình chuyển giao thế hệ và khát vọng nâng tầm thể thao Việt Nam - Ảnh 1.

Sân vận động Trung tâm thể thao Olympic Hàng Châu, nơi diễn ra lễ khai mạc ASIAD 19.

Tham dự giải đấu lớn nhất châu lục, thể thao Việt Nam thể hiện quan điểm "biết mình, biết người" bởi rất nhiều ngôi sao đẳng cấp thế giới cũng sẽ tham gia tranh tài. Chính vì vậy tranh chấp tối đa 5 HCV mlà điều không hề dễ dàng. Có thể nhiều người hâm mộ nghĩ rằng đây là 1 con số khá khiêm tốn so với vị trí của thể thao Việt Nam hiện tại ở khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên trên thực thế, thể thao Việt Nam vẫn còn cách trình độ châu lục ở một khoảng cách rất xa mà các VĐV phải cố gắng rất nhiều mới có thể rút ngắn. Chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn rằng trình độ các VĐV thể thao tham dự ASIAD là rất cao. Các quốc gia có nền thể thao hàng đầu châu lục như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Hay rất nhiều ngôi sao ở trình độ quốc tế như kình ngư nổi tiếng Qin Haiyang; nữ VĐV Bóng bàn số 1 thế giới Sun Yingsha hay Zou Jingyuan - đương kim vô địch xà đơn Olympic, vô địch thế giới và ASIAD,... đều tụ hội tại giải đấu này.

ASIAD 19 - Hành trình chuyển giao thế hệ và khát vọng nâng tầm thể thao Việt Nam - Ảnh 2.

Nam kình ngư Seto Daiya - VĐV bơi lội nổi tiếng nhất châu Á, từng 4 lần vô địch thế giới nội dung 200m và 400m cá nhân hỗn hợp sẽ tìm lại vinh quang tại ASIAD 19

ASIAD 19 - Hành trình chuyển giao thế hệ và khát vọng nâng tầm thể thao Việt Nam - Ảnh 3.

Rikako Ikee - nữ VĐV đầu tiên trong lịch sử ASIAD đoạt danh hiệu VĐV xuất sắc tại một kỳ đại hội

ASIAD 19 - Hành trình chuyển giao thế hệ và khát vọng nâng tầm thể thao Việt Nam - Ảnh 4.

Sun Yingsha nữ VĐV số 1 thế giới ở nội dung bóng bàn đơn nữ đều sẽ tham dự giải đấu này.

Những cái tên ấy cũng đủ để cho thấy, việc giành được huy chương ở đấu trường này phải thực sự nỗ lực và cố gắng rất nhiều. Dù rằng trên thực tế thể thao Việt Nam cũng có nhiều môn thế mạnh như các môn như cờ tướng, karate đều từng giành HCB ở các giải châu Á năm 2022, hay môn xe đạp từng có HCB ở ASIAD 2014, môn cầu mây không có mặt đội tuyển số 1 thế giới là Thailand. Thế nhưng để chuyển hoá những tấm huy chương ấy thành HCV lại là điều vô cùng khó khăn.

Ngoài ra những biến động về lực lượng cũng như các nội dung thi đấu tại kỳ đại hội này cũng khiến cho việc hoàn thành mục tiêu của chúng ta gặp nhiều khó khăn. 

Ở kỳ đại hội trước, thể thao Việt Nam giành 5 HCV lần lượt ở các môn điền kinh (2 HCV), pencak silat (2 HCV) và đua thuyền rowing (1 HCV). Tuy nhiên, ở ASIAD năm nay, nội dung pencak silat và rowing không được đưa vào thi đấu chính thức. Cùng với đó, niềm hy giành huy chương của điền kinh là Quách Thị Lan vẫn đang vướng án treo giò, còn Thu Thảo (nhảy xa) đã xuống phong độ.

ASIAD 19 - Hành trình chuyển giao thế hệ và khát vọng nâng tầm thể thao Việt Nam - Ảnh 4.

ASIAD 18 là một trong những kỳ đại hội thành công nhất của thể thao Việt Nam với 39 huy chương, gồm 5 HCV, 15 HCB và 19 HCĐ. Đây dường như là 1 áp lực vô hình đối với các VĐV tham dự kỳ đại hội này.

Trước những khó khăn như vậy buộc thể thao Việt Nam phải điều chỉnh nhân sự và tập trung vào những nội dung có thể giành HCV như cầu mây, karate, cờ tướng, xe đạp, bắn súng... Tuy nhiên trên thực tế, những môn này cũng vấp phải các đối thủ khá mạnh và thành tích của thể thao Việt Nam cũng chỉ đang ở ranh giới giữa Huy chương bạc (HCB) và HCV. Đó chính là sự khắc nghiệt mà các VĐV cũng như những người làm quản lý phải đối mặt khi tham dự đấu trường này.

Mục tiêu thành tích có lẽ không dễ dàng, song chúng ta trông chờ được thấy nỗ lực và khát khao chiến thắng từ lớp VĐV trẻ của thể thao nước nhà và đi kèm theo đó là những cảm xúc tích cực và niềm hy vọng về một sức bật mới trong tương lai.

Chờ màn tranh tài từ những VĐV trẻ 

Tại kỳ đại hội năm nay, thể thao Việt Nam đã mang đến lực lượng VĐV sáng giá nhất. Đặc biệt bên cạnh những VĐV kỳ cựu, ASIAD 19 là kỳ đại hội chứng kiến sự chuyển giao thế hệ của nhiều môn thể thao thế mạnh.

Được người hâm mộ kỳ vọng nhiều nhất có lẽ chính là đội tuyển Olympic Việt Nam. Còn nhớ tại ASIAD 18 ở Indonesia cách đây 5 năm, thầy trò HVL Park Hang-seo đã khiến người hâm mộ nước nhà ngỡ ngàng và tự hào với thành tích lịch sử: Giữ sạch lưới cho đến tận trận bán kết và kết thúc Đại hội với vị trí thứ 4 chung cuộc.

ASIAD 19 - Hành trình chuyển giao thế hệ và khát vọng nâng tầm thể thao Việt Nam - Ảnh 5.

ASIAD 18 viết tiếp chuỗi thành công của bóng đá Việt Nam sau Thường Châu tuyết trắng.

Đó là một chiến tích lịch sử với bóng đá Việt Nam ở đấu trường này. Giờ đây những người làm nên lịch sử tại giải đấu năm ấy như Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu... đều đã thành danh, khẳng định mình ở cả câu lạc bộ lẫn đội tuyển quốc gia. 

Và sân chơi ấy giờ đây được nhường lại cho thế hệ kế cận, những cầu thủ mới đôi mươi nhưng gần như phải tự lập bước đi trên đôi chân của mình trên sân chơi châu lục. Dù rằng ở 2 trận vòng loại đã qua chúng ta chưa có thành tích tốt, vẫn còn nhiều non yếu về kĩ thuật, nhưng với sức trẻ họ đã đang và sẽ dần trưởng thành, đối mặt với những khó khăn nhất định.

ASIAD 19 - Hành trình chuyển giao thế hệ và khát vọng nâng tầm thể thao Việt Nam - Ảnh 6.

22 cầu thủ trong đội hình tuyển Olympic Việt Nam với 10 người 20 tuổi, 3 người 19 tuổi và 3 người 18 tuổi được kỳ vọng viết tiếp những chiến tích của các đàn anh.

Tham dự kỳ đại hội này, thể thao Việt Nam sẽ có đầy đủ vận động viên sáng giá nhất thi đấu tại ASIAD 19. Trong số này, người nhỏ tuổi nhất là Nguyễn Thúy Hiền, 14 tuổi - nữ VĐV được ví sẽ là “tiểu Ánh Viên” của đội tuyển bơi Việt Nam trong tương lai. Tại ASIAD 19, Thúy Hiền là thành viên chính thức của Đội tuyển bơi Việt Nam. 

Để có mặt tại giải đấu này, khả năng chuyên môn cũng như kinh nghiệm thi đấu là những yếu tố quyết định hàng đầu đối với mỗi VĐV và Thuý Hiền dù mới chỉ 14 tuổi nhưng không hề kém cạnh những đàn anh đàn chị khác. 

Tháng 9/2022 tại Đại hội thể thao toàn quốc, Thúy Hiền lần đầu ra mắt giải đấu quan trọng nhất của thể thao nước nhà. Thế nhưng ngay trong lần đầu tiên tham dự, nữ kình ngư nhỏ tuổi đã giành 4 tấm Huy chương Vàng (trong đó có 2 Huy chương Vàng cá nhân 50m ếch nữ, 50m tự do nữ). 

ASIAD 19 - Hành trình chuyển giao thế hệ và khát vọng nâng tầm thể thao Việt Nam - Ảnh 7.

Nguyễn Thuý Hiền tự tin đối đầu với những kinh ngư hàng đầu khu vực ngay lần đầu tham dự SEA Games.

Tại Đại hội thể thao Đông Nam Á SEA Games 32 vào tháng 5 vừa qua, cũng ngay lần đầu được tham dự sân chơi khu vực, cô gái nhỏ bé của thể thao Quân đội dã giành tấm Huy chương Đồng ở cự ly 100m tự do nữ - một trong những nội dung tốc độ có tính cạnh tranh quyết liệt nhất ở tất cả các giải bơi.

Trong trận chung kết, Thúy Hiền đã bơi với tất cả khả năng để cạnh tranh cùng các đối thủ đặc biệt với kỷ lục gia của bơi nữ Đông Nam Á Quah Ting Wen (Singapore). Trước màn thể hiện của Thuý Hiền, nữ tuyển thủ người Singapore không quên gửi lời khen ngợi Thúy Hiền là một tài năng và sẽ phát triển hơn nữa nếu có sự đầu tư tốt nhất.

Ngay sau màn chào sân ấn tượng ở đấu trường khu vực, vào tháng 7/2023 Thuý Hiền tiếp tục có tên trong danh sách tham dự giải bơi vô địch thế giới 2023. Với mỗi VĐV là cơ hội cực kỳ hiếm có thế nhưng BHL quyết định để 1 cô bé 14 tuổi tham gia.

Và giờ đây, Thúy Hiền sẽ có lần đầu tiên của sự nghiệp thi đấu ở đấu trường châu lục - nơi sẽ tiếp tục giúp cô gái nhỏ mài dũa tài năng trên hành trình chinh phục đường đua xanh.

ASIAD 19 - Hành trình chuyển giao thế hệ và khát vọng nâng tầm thể thao Việt Nam - Ảnh 8.

Tuổi 14 bước ra thế giới của "tiểu Ánh Viên".

Tại kỳ đại hội này bắn súng cũng là môn thể thao kỳ vọng mang về huy chương. Dù chúng ta đã có HCV Olympic nhưng bắn súng Việt Nam chưa từng giành HCV Asiad. Tại giải đấu này, kỳ vòng của bắn súng được đặt vào xạ thủ trẻ Trịnh Thu Vinh - người đã thi đấu ấn tượng và xếp hạng 5 chung cuộc tại giải Bắn súng thế giới 2023 qua đó giành vé dự Olympic 2024. Thi đấu đúng sức và có thêm may mắn, Thu Vinh hoàn toàn có cửa tranh HCV Asiad 19. 

Với tuổi đời còn khá trẻ, nữ xạ thủ sinh năm 2000 chưa có nhiều thành tích nổi bật trên đấu trường quốc tế ngoại trừ tấm HCĐ tại SEA Games 31. Tuy nhiên sau khi được nhà vô địch Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh phát hiện tài năng và đưa lên đội tuyển quốc gia, chỉ sau một thời gian được tập luyện, thành tích của Trịnh Thu Vinh đã tăng lên đáng kể. Nhận thấy tài năng của nữ xạ thủ HLV Nguyễn Quốc Cường và chuyên gia Park Chung-gun ở ĐTQG đã trực tiếp dẫn dắt và thành tích top 5 giải vô địch Bắn súng thế giới là minh chứng cho tài năng của nữ xạ thủ trẻ.

Kỳ đại hội này cũng ghi nhận sự chuyển giao thế hệ ở nhiều nội dung thế mạnh khác như thế dục dụng cụ (TDDC), bắn cung và Rowing với những lứa VĐV tài năng như Nguyễn Văn Khánh Phong (2002) - TDDC,... cung thủ Voòng Phương Thảo hay tay chèo Hồ Thị Duy (sinh năm 2006),...

“Tre già, măng mọc” đó là quy luật tất yếu. Những tuyển thủ kỳ cựu không chỉ là đầu tàu dẫn dắt, mà còn là động lực tinh thần cho các VĐV trẻ noi theo, thắp lên kỳ vọng tiếp tục nối bước mang vinh quang về cho thể thao nước nhà.

HẠ VŨ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×