Vai trò của nghệ thuật truyền thống trong ngoại giao văn hóa
11/07/2025 | 10:02Tại hội thảo Nhìn lại sự vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất diễn ra mới đây, giới nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu nhấn mạnh vai trò của nghệ thuật truyền thống trong các sự kiện chính trị-ngoại giao.

Các nghệ sĩ biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám nhân dịp Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân Brigitte Macron tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám, ngày 26/5/2025.
Trước thực trạng nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, ca trù… dần mất đi vị thế do thiếu hụt nhân lực kế cận, công chúng ít quan tâm cùng áp lực từ các hình thức giải trí hiện đại, các nỗ lực sáng tạo và đổi mới phương pháp tiếp cận đang đóng góp thiết thực vào bảo tồn những di sản quý giá này.
Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, việc mở rộng quan hệ ngoại giao đang tạo điều kiện để nghệ thuật truyền thống hiện diện sinh động trong các sự kiện lễ tân và đối ngoại. Giải pháp này được đánh giá là phương thức hiệu quả giúp định vị và thu hút sự quan tâm đối với các bộ môn nghệ thuật dân tộc trong đời sống đương đại.
Điển hình cho hướng đi này là buổi biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế phục vụ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 5. Chương trình cho thấy nghệ thuật cổ truyền có đủ khả năng đảm đương vai trò đại sứ văn hóa trong các hoạt động đối ngoại cấp quốc gia.
Gần đây, tại Triển lãm thế giới EXPO 2025 Osaka ở Nhật Bản và sẽ diễn ra đến tháng 10, Nhà Triển lãm Việt Nam đang tích cực giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa đến công chúng quốc tế bằng các tiết mục biểu diễn đặc sắc như: múa rối nước, múa sen, hòa tấu đàn tranh, đàn bầu, đàn T'rưng, đàn K'long put, sáo trúc, trống dân tộc…
Những chương trình này là minh chứng sống động cho chủ trương bảo tồn đi đôi với phát huy giá trị di sản trong xã hội hiện đại và khẳng định tầm quan trọng của nghệ thuật truyền thống trong hành trình phát triển bền vững của văn học-nghệ thuật nước nhà.
Tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại một số nghi lễ nhà nước, hội nghị quốc tế, tuần lễ văn hóa hay triển lãm đều mang nhiều ý nghĩa. Ở góc độ đối ngoại, đây là cách quảng bá hình ảnh đất nước hiệu quả và khẳng định chiều sâu văn hóa dân tộc.
Việc đưa nghệ thuật dân gian đồng hành các sự kiện chính trị‑ngoại giao đã tạo động lực để nghệ sĩ giữ nghề và thực hành sáng tạo. Mỗi lần xuất hiện trong các sự kiện trọng đại cũng là một dịp để nghệ thuật truyền thống được giới thiệu, tôn vinh và thúc đẩy nhận thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Giải pháp này được đánh giá cao về tính thực tiễn và khả năng bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể song song các hoạt động khác như duy trì sinh hoạt câu lạc bộ, triển khai mô hình diễn xướng, sân khấu hóa, đào tạo và truyền dạy...
Tuy nhiên, để hướng đi này hiệu quả và bền vững, các nhà quản lý cho rằng cần triển khai bài bản với tầm nhìn chiến lược và đầu tư đồng bộ. Nghệ thuật truyền thống phải được xác định là thành tố quan trọng trong ngoại giao văn hóa của quốc gia.
Nhà nước nghiên cứu chính sách đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng với cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương… Các cơ quan chức năng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cần phối hợp chặt chẽ trong xây dựng kế hoạch, lựa chọn tiết mục biểu diễn phù hợp mỗi sự kiện, từng đối tượng khán giả và từng quốc gia đối tác.
Bên cạnh đó, các đơn vị nghệ thuật có trách nhiệm dàn dựng những chương trình mẫu, chất lượng cao vừa bảo lưu giá trị cốt lõi vừa thể hiện linh hoạt và dễ tiếp cận trình diễn theo kiểu quốc tế.
Nội dung tiết mục được dàn dựng công phu, có dẫn chuyện song ngữ thuyết minh bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ địa phương giúp khán giả hiểu sâu văn hóa Việt.
Nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong các hoạt động đối ngoại phải được đào tạo chuyên biệt, thành thạo ngoại ngữ cơ bản, có chuyên môn cao và nắm vững kỹ năng biểu diễn phù hợp với môi trường quốc tế...