Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8
30/09/2024 | 15:00Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá Hồ sơ dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Quảng cáo đã được Chính phủ chuẩn bị đúng thời hạn, cơ bản đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí và đánh giá cao Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Báo cáo thẩm tra sơ bộ đã nêu ý kiến cụ thể, chi tiết về nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành Kết luận số 961/KL-UBTVQH15 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.Theo đó, sáng ngày 24/9/2024, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá Hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị đúng thời hạn, cơ bản đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.
Cũng tại Kết luận này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí và đánh giá cao Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Báo cáo thẩm tra sơ bộ đã nêu ý kiến cụ thể, chi tiết về nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Kết luận nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đúng thời hạn, trong đó lưu ý một số nội dung cụ thể.
Về Hồ sơ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát để hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật, Báo cáo đánh giá tác động chính sách, Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Bổ sung bản so sánh các quy định của Luật hiện hành với quy định dự kiến sửa đổi, bổ sung và bản hợp nhất giữa nội dung sửa đổi, bổ sung với Luật hiện hành.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo theo Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát những vấn đề vướng mắc trong các quy định của Luật Quảng cáo được đề cập trong Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật khắc phục được những vướng mắc, bất cập đã được nêu ra và phù hợp với xu thế phát triển của quảng cáo thế giới. Bảo đảm nguyên tắc những nội dung đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh, kiểm nghiệm thì đưa vào trong dự thảo Luật; những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì giao Chính phủ quy định.
Về tính thống nhất với hệ thống pháp luật, Chính phủ cần tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, khả thi của các quy định.
Về quy định đối với tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến thuật ngữ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”, quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng trên cơ sở phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo, bảo đảm quảng cáo trung thực, chính xác, làm căn cứ để nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cũng như căn cứ để xử lý vi phạm.
Về quảng cáo trên báo chí và quảng cáo trên mạng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, trên cơ sở bảo đảm hài hòa quyền lợi, trách nhiệm của người dùng, doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quảng cáo. Đối với quảng cáo trên mạng, tiếp tục đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành, như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng…, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời, bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả, chống thất thu thuế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội khẩn trương thẩm tra chính thức, kịp thời trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV./.