Thúc đẩy sự hình thành của những doanh nghiệp biết kinh doanh bằng văn hóa, và biết bảo vệ văn hóa bằng sức mạnh kinh doanh
15/05/2025 | 16:41Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, phát triển kinh tế tư nhân là bước đi chiến lược, nhưng phát triển tư nhân có văn hóa, có trách nhiệm, có bản sắc, mới là con đường bền vững. Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân sẽ là một dấu mốc quan trọng nếu chúng ta lồng ghép được tầm nhìn văn hóa vào quá trình thiết kế và thực thi chính sách kinh tế.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, nêu ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Bùi Hoài Sơn - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, đây là Nghị quyết có ý nghĩa lớn trong việc thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW mà Bộ Chính trị mới ban hành.
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, chúng ta đều thống nhất rằng phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là yêu cầu về mặt kinh tế mà còn là một quá trình tái cấu trúc xã hội sâu sắc, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn hóa – tinh thần của người dân, đến hình hài các giá trị đạo đức, đến diện mạo văn hóa doanh nghiệp và văn hóa thị trường.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội
Đánh giá cao dự thảo Nghị quyết lần này khi đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội và Chính phủ trong việc xây dựng một hệ sinh thái thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, từ lĩnh vực văn hóa, đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu 3 nhóm tác động chính liên quan đến văn hóa sau:
Thứ nhất, nghị quyết này mở rộng không gian cho sự phát triển của các doanh nghiệp văn hóa – sáng tạo.
Nhiều nội dung trong dự thảo như: miễn giảm thuế, hỗ trợ tiếp cận đất đai, ưu đãi trong đấu thầu, khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm… chính là những đòn bẩy để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giải trí, nội dung số, truyền thông, thiết kế… có thể khẳng định vị trí trên thị trường.
"Đây là cơ hội để chúng ta thúc đẩy công nghiệp văn hóa, vừa tạo ra việc làm, thu nhập, vừa quảng bá hình ảnh quốc gia, lan tỏa bản sắc Việt Nam ra thế giới – như tinh thần của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã được Chính phủ ban hành và nhiều địa phương đang triển khai", đại biểu Bùi Hoài Sơn nhận định.
Thứ hai, nghị quyết góp phần định hình lại vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp phát triển văn hóa.
Khi doanh nhân không chỉ là người sản xuất hàng hóa mà còn là người tạo dựng phong cách sống, định hướng thị hiếu, phát hành nội dung truyền thông, hỗ trợ nghệ thuật, đầu tư vào di sản – thì chúng ta cần nhìn họ như những chủ thể văn hóa của thời đại mới.
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, Nghị quyết này, một cách gián tiếp sẽ thúc đẩy sự hình thành của những doanh nghiệp biết kinh doanh bằng văn hóa, và biết bảo vệ văn hóa bằng sức mạnh kinh doanh. Đây là sự chuyển hóa rất đáng mừng, nếu được dẫn dắt đúng hướng.
Thứ ba, chúng ta cần thận trọng trước một số thách thức văn hóa nảy sinh nếu không có chính sách kèm theo.
Khi mở cửa mạnh mẽ cho kinh tế tư nhân mà thiếu kiểm soát về chuẩn mực đạo đức, thiếu định hướng giá trị, chúng ta sẽ chứng kiến không ít doanh nghiệp chạy theo thị hiếu thấp, thương mại hóa thuần túy các yếu tố văn hóa, dẫn đến sự xói mòn bản sắc và lệch chuẩn thẩm mỹ trong xã hội.
Do vậy, đại biểu Bùi Hoài Sơn kiến nghị: Bổ sung cơ chế khuyến khích riêng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – sáng tạo; Hỗ trợ các mô hình đầu tư tư nhân trong bảo tồn di sản, nghệ thuật truyền thống, giáo dục nghệ thuật, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa; Gắn trách nhiệm văn hóa – đạo đức với các doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách ưu đãi lớn.
"Phát triển kinh tế tư nhân là bước đi chiến lược, nhưng phát triển tư nhân có văn hóa, có trách nhiệm, có bản sắc, mới là con đường bền vững. Nghị quyết lần này sẽ là một dấu mốc quan trọng nếu chúng ta lồng ghép được tầm nhìn văn hóa vào quá trình thiết kế và thực thi chính sách kinh tế. Rất mong Ban soạn thảo và Quốc hội xem xét điều chỉnh, bổ sung để nghị quyết không chỉ mạnh về kinh tế mà còn sâu sắc về văn hóa, hài hòa giữa tăng trưởng và giá trị, giữa hội nhập và bản sắc dân tộc", đại biểu Bùi Hoài Sơn kiến nghị.