Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tìm cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp văn hóa sáng tạo

27/09/2023 | 11:17

Ngày 26/9 tại Hà Nội diễn ra Hội thảo "Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp văn hóa sáng tạo". Sự kiện do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả phối hợp tổ chức, với sự tham dự của các nhà nghiên cứu, nghệ sỹ, người thực hành và kinh doanh trong lĩnh vực văn hoá và sáng tạo.

Đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế

Tại đề dẫn Hội thảo, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Hội thảo "Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo" là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo cùng trao đổi và bàn luận về các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam, từ đó đề xuất những gợi mở, giải pháp nhằm nâng cao thúc đẩy hiệu quả thực thi của các cơ chế ưu đãi hiện có và phát triển các cơ chế, chính sách ưu đãi mới phù hợp với tình hình thực tiễn của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam.

Tìm cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp văn hóa sáng tạo - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo

Theo ông Trần Hoàng, trong khoảng chục năm trở lại đây, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo hiện đang nhanh chóng trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 6,02% tổng giá trị gia tăng của các ngành kinh tế năm 2019. Sau hai năm có sự suy giảm (2020-2021), các ngành này đã và đang có xu hướng phát triển tốt trở lại với đóng góp 4,04% tổng giá trị gia tăng vào năm 2022. Trong giai đoạn 2018-2022, các ngành này đã thu hút lực lượng lao động trung bình khoảng 2,9 triệu đến 3,8 triệu người (chiếm 7,1% tổng dân số có việc làm) của cả nước. Năm 2022, số lượng doanh nghiệp chiếm 3,1% tổng số doanh nghiệp của cả nước, số lượng cơ sở kinh tế thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa khoảng 70.321 cơ sở.

Được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, với một thị trường sôi động cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa trong những năm tới, tuy nhiên, các ngành này hiện đang gặp phải nhiều khó khăn do thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi chuyên biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hoá.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong chiến lược này, có nhiệm vụ quan trọng là cần xây dựng cơ chế ưu đãi, miễn, giảm thuế, phí phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trước đó, vấn đề này cũng đã được đặt ra trong Nghị quyết số 33- NQ/TW tại Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI, cụ thể là cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn.

Cần chính sách chuyên biệt

Ông Trần Hoàng cho biết, trong năm 2023, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả tập trung nghiên cứu, đề xuất những đổi mới về cơ chế ưu đãi chuyên biệt đối với người thực hành và doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam.

Tìm cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp văn hóa sáng tạo - Ảnh 2.

Trong năm 2023, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả tập trung nghiên cứu, đề xuất những đổi mới về cơ chế ưu đãi chuyên biệt đối với người thực hành và doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam (ảnh minh họa

PGS. TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam lấy dẫn chứng về một số phương pháp hỗ trợ phổ biến trong động viên thuế ở các nước châu Âu. Trong đó, có Pháp luật về thuế liên quan đến quyên góp và tài trợ. Hầu hết các quốc gia châu Âu đã áp dụng thuế suất đặc biệt cho các tổ chức văn hóa, cá nhân hoặc doanh nghiệp có đóng góp ủng hộ các tổ chức văn hóa hoặc các nhà tài trợ của họ.

Đồng thời, thực hiện khấu trừ thuế VAT đối với một số văn hóa phẩm; Khuyến khích cá nhân đóng góp phần trăm thu nhập cho văn hóa; Thuế văn hóa, trong đó tỷ lệ phần trăm trên giá của mỗi văn hóa phẩm và dịch vụ được chuyển thành nguồn thu cho các Quỹ Quốc gia.

Các nước châu Âu cũng thực hiện Pháp luật về thành lập và hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận; Quy định cho phép công dân quyên góp 1% (hoặc tỷ lệ khác) số thuế đã nộp năm trước cho tổ chức phi Chính phủ.

Đặc biệt là miễn giảm thuế thu nhập trong đó, thực hiện miễn giảm thuế thu nhập cho những nhà sáng tạo văn hóa và các tổ chức văn hóa; Khấu trừ thuế các khoản đóng góp bằng tiền mặt hoặc hiện vật cho văn hóa từ thu nhập hoặc thuế của cá nhân hoặc doanh nghiệp/tổ chức; Khả năng phân bổ một phần số tiền thuế cho một mục tiêu văn hóa được xác định bởi người nộp thuế; Khả năng khấu trừ chi phí cho hàng hóa hoặc dịch vụ văn hóa đã mua như chi phí được trừ khi tính thuế hoặc các khoản khấu trừ khác từ thu nhập,

Miễn giảm về các loại thuế trực tiếp khác. Cụ thể là thuế chuyển nhượng, thuế thừa kế và thuế tài sản liên quan đến việc sở hữu hàng hóa văn hóa. Miễn và giảm thuế gián tiếp (Thuế giá trị gia tăng, thuế bán hàng) và các nghĩa vụ thuế liên quan đến việc buôn bán hàng hóa văn hóa cũng như cung cấp dịch vụ văn hoá.

Nhìn chung, theo các nhà nghiên cứu, khu vực nhà nước nên tìm cách tạo ra một khung tài chính hỗn hợp, ví dụ một số nước có quy định là khi các tổ chức nghệ thuật huy động được bao nhiêu tiền tài trợ từ các nguồn khác thì chính phủ cũng cấp cho tổ chức nghệ thuật số tiền đúng bằng như vậy. Ngoài ra, để thúc đẩy tài trợ cho văn hóa, một số khoản thuế đặc biệt còn được áp dụng. Ví dụ, doanh thu từ xổ số ở một số nước được đã tạo nên một tài sản đáng kể để hỗ trợ cho các dự án văn hóa. Các cơ quan tài trợ cho lĩnh vực phim ảnh tại Pháp, Đan Mạch, Italy, Đức, Áo và các nước khác xác lập cơ sở thu nhập chủ yếu dựa trên các khoản thuế đặc biệt bổ sung áp dụng với vé vào cửa, các khoản thuế đặc biệt đối với những nhà khai khác các tác phẩm điện ảnh (chẳng hạn như ngành công nghiệp video).

Tìm cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp văn hóa sáng tạo - Ảnh 3.

Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, trong đó có ngành thiết kế sáng tạo ở Việt Nam có nhiều tiềm năng để có thể phát triển mạnh ở phạm vi vùng và quốc tế (ảnh minh họa)

Sau khi thu các khoản này, các đơn vị tài trợ khuyến khích việc sản xuất của các bộ phim mới, việc phân phối chúng và đôi khi bao gồm cả các biện pháp bổ sung khác (như quảng cáo, tiếp thị xuất khẩu…). Ngoài ra, các khoản thuế đặc biệt áp dụng với lĩnh vực truyền hình/phát thanh tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau, đôi khi liên quan đến cái gọi là "hạn mức" để điều chỉnh nội dung các chương trình nước ngoài. Những ví dụ thú vị của hình thức này có thể thấy ở Canada, Pháp (nơi tất cả các quy định về hạn mức đều có), Thụy Sĩ, nơi Pay-TV (truyền hình trả tiền) mới ra đời cũng phải đóng góp một phần lợi nhuận của mình vào việc sản xuất các bộ phim.

Cuối cùng, ở một vài nước, các nguồn tài trợ cho cả mục đích văn hóa và xã hội ít nhất có được một phần thu nhập của họ từ các khoản thuế đặc biệt được lấy từ tiền vé nhà hát, hòa nhạc, bảo tàng, triển lãm và việc bán các tác phẩm nghệ thuật ở cả cơ sở công lập và tư nhân, vé vào cửa các vũ trường và sàn nhảy hoặc những sự kiện tương tự. Nguồn thu nhập này đôi được dùng để bổ sung cho các quỹ văn hóa nói chung (chẳng hạn như ở Cộng hòa Dân chủ Đức hay Ba Lan), đôi khi (như ở Italy, Liên bang Đức hoặc Thụy Sĩ) cũng được dùng cho các quỹ bổ sung tiền lương cho các nghệ sĩ trình diễn hoặc nghệ sĩ thị giác.

Tiến sỹ Mai Thùy Hương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, chúng ta có chủ trương về xã hội hóa từ những năm 2008, có các chính sách ưu đãi về thuế đối với một số loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trong ngành văn hóa và sáng tạo. Tuy nhiên, trong thực tế, cơ chế và năng lực thực thi các chính sách đó chưa hiệu quả.

Những năm gần đây, nhận thức rõ được những bất cập và hạn chế trong việc cập nhật chính sách và hiệu quả thực thi chính sách ưu đãi đối với các ngành văn hóa và sáng tạo, Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan đã đang nỗ lực để điều chỉnh và cập nhật. Cụ thể, Bộ VHTTDL hiện nay đang thực hiện nghiên cứu để đề xuất những cơ chế huy động đa dạng nguồn lực cho phát triển CCIs, cụ thể là ưu đãi thuế và đặc biệt là áp dụng thí điểm mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực các ngành văn hóa và sáng tạo ở một số địa phương như Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh... Hiện nay, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cũng đang thực hiện một đề tài nghiên cứu về mô hình hợp tác công – tư trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở trường hợp Tp. Hà Nội. Vụ Kế hoạch Tài chính cũng đang thực hiện một nhiệm vụ về xây dựng cơ chế ưu đãi thuế đối với lĩnh vực văn hóa.

"Trong hơn chục năm vừa qua, kết quả của các chương trình nghiên cứu và tư vấn chính sách về phát triển văn hóa nghệ thuật nói chung, nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam nói riêng đã cho thấy thực tế rằng, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, trong đó có ngành thiết kế sáng tạo có nhiều tiềm năng để có thể phát triển mạnh ở phạm vi vùng và quốc tế. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, vừa cần sự nỗ lực của người làm sáng tạo và người kinh doanh sáng tạo, vừa phải có sự hỗ trợ về mặt cơ chế và chính sách chuyên biệt dành cho các ngành mà chúng ta xác định là công nghiệp văn hóa và sáng tạo"-Tiến sỹ Mai Thùy Hương chia sẻ./.

Hà An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×