Thủ tướng: Xây dựng chính sách thu hút du lịch, miễn thị thực đơn phương cho một số nước để thu hút du khách
10/11/2024 | 08:41Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương xây dựng chính sách thu hút du lịch; Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, triển khai chính sách thị thực, trong đó miễn thị thực đơn phương cho một số nước để thu hút du khách.
Ngày 9/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Phiên họp tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng đầu năm, các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 11, từ nay đến cuối năm và thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành chuẩn bị kỹ các báo cáo, những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các đại biểu. Cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên họp, trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành.
Về kết quả đạt được trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát và nhấn mạnh, cái được lớn nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm nay tốt hơn năm ngoái. Nếu tăng trưởng GDP cả năm đạt trên 7% thì chúng ta sẽ đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của năm 2024.
Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, về tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, Thủ tướng lưu ý tình hình khu vực, quốc tế còn nhiều bất định, rủi ro; áp lực điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về điều hành tỷ giá, lãi suất, nguồn cung và giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước.
Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực khó khăn, nhất là chi tiêu đầu vào cho sản xuất; áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn. Tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng. Khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản chậm được giải quyết. Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai gói tín dụng 145 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội chưa đáp ứng kỳ vọng...
Đánh giá tình hình thời gian tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi do xu hướng phân tách, phân mảnh trên thế giới, cạnh tranh chiến lược, thay đổi chính sách của các nước, đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, thị trường…, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2024, tạo đà cho năm 2025.
Chỉ rõ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng trước hết yêu cầu triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó lưu ý tiếp tục chuẩn bị kỹ các tài liệu phục vụ Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV, các thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ Phiên chất vấn.
Bên cạnh đó, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế với mục tiêu: Tốc độ tăng GDP quý IV khoảng 7,4-7,6%, cả năm đạt trên 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu ngân sách nhà nước tăng ít nhất 15%.
Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là chuyển đổi số quốc gia.
Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư; thu hút FDI có chọn lọc, có chính sách hỗ trợ để thu hút khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chủ động, tích cực thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Về xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại; củng cố các thị trường lớn, truyền thống; mở rộng các thị trường mới (Trung Đông, Halal, Mỹ latinh). Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Tổ trưởng đàm phán các hiệp định thương mại tự do, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng đàm phán các hiệp định bảo hộ đầu tư với các nước Trung Đông, Pakistan, Ai Cập.
Về tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Bộ Công Thương chủ trì, nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng các giải pháp thúc đẩy thị trường, kích cầu trong nước.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương xây dựng chính sách thu hút du lịch; Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, triển khai chính sách thị thực, trong đó miễn thị thực đơn phương cho một số nước để thu hút du khách.
Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chương trình phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Tập trung nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện Đề án Trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, Đề án phát triển thị trường carbon, khu thương mại tự do tại các địa phương.
Thủ tướng cũng yêu cầu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.
Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Xây dựng lưới an sinh xã hội phủ kín các đối tượng; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Triển khai quyết liệt phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025". Tăng cường nắm tình hình; chủ động các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu lao động, nhất là ở các khu công nghiệp, các ngành mới nổi...