Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phục hồi và phát triển du lịch thời kỳ hậu Covid-19 (Bài 2): Du lịch nội địa vẫn là "chìa khóa"

20/04/2022 | 09:00

Trong bối cảnh thị trường quốc tế vẫn chưa thể hồi phục như hai năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, trong năm 2022, du lịch nội địa vẫn đang được xác định là "chìa khóa" giúp ngành Du lịch Việt Nam tạo đà phục hồi và phát triển.

Phục hồi du lịch thời kỳ hậu Covid-19 (Bài 2): Du lịch nội địa vẫn là "chìa khóa" - Ảnh 1.

Du khách đến tham quan Chợ Nổi Cái Răng.

Nhìn vào mục tiêu của ngành Du lịch

Năm 2022, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách, trong đó 60 triệu lượt khách trong nước và 5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu mang lại 400.000 tỷ đồng. Nhìn vào mục tiêu này, có thể thấy rằng, du lịch nội địa vẫn đang là thị trường trọng điểm ngành Du lịch Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, đại dịch COVID-19 khiến chúng ta nhận ra tầm quan trọng và vai trò của thị trường khách du lịch nội địa.

Điều này có thể thấy rất rõ trong mục tiêu của ngành du lịch đặt ra cho năm 2022, lượng khách du lịch nội địa gấp 12 lần lượng khách du lịch quốc tế, trong khi đó, trước đại dịch tỉ lệ này chỉ khoảng 4 – 5 lần.

Thời gian qua, ngành du lịch phải dựa hoàn toàn vào thị trường nội địa. Sau 4 đợt dịch, chúng ta đều thấy được mỗi giai đoạn làn sóng dịch giảm xuống, các điểm du lịch dù mở lại cầm chừng thì nhu cầu du lịch trong nước lại tăng lên.

Minh chứng cho thấy, trong giai đoạn 01/6/2020 đến 31/8/2020, du lịch nội địa tăng trưởng chưa từng có, với hành trình trong nước chiếm đến 96% tổng quãng đường du lịch của người Việt, trong khi con số này vào cùng kỳ 2019 chỉ đạt 52%.

Theo một khảo sát gần đây, trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, nhu cầu du lịch trong nước chiếm tỉ lệ khá cao, có tới 76% du khách Việt Nam tham gia khảo sát có kế hoạch du lịch giải trí trong nước vào năm 2022, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 38% số có kế hoạch du lịch nước ngoài.

Nhận định lại xu hướng của du khách là quan trọng

Với định hướng cho tương lai gần của ngành du lịch, có thể nhận thấy thị trường nội địa đang và sẽ là thị trường chủ chốt, quan trọng đối với sự phục hồi và phát triển của du lịch Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, không phải khách nội địa chi tiêu ít mà vì sản phẩm và xúc tiến chưa làm được hiệu quả, ấn tượng để họ chi tiêu nhiều hơn.

Chính vì thế, cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng, phù hợp với thị hiếu của khách nội địa, đa dạng hoá phương thức truyền thông, tiếp cận phù hợp với từng độ tuổi và đối tượng khách.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, việc tìm hiểu và thúc đẩy nhu cầu du lịch trong nước là "chìa khoá" để bù đắp phần nào những thiệt hại về doanh thu cho ngành cũng như làm đòn bẩy để khởi động lại hoạt động du lịch sau hai năm trì hoãn.

Tuy nhiên, theo ông Cao Trí Dũng, sau một quãng dừng quá dài không đi du lịch cũng như việc tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, thị trường và tâm lý của du khách đã trở nên khó dự đoán hơn. Vì vậy, việc tìm hiểu, nhận định lại xu hướng của du khách là quan trọng và cần thiết trong lộ trình phục hồi hoạt động du lịch.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá

Theo ông Cao Trí Dũng, để thu hút khách du lịch cần đẩy mạnh công tác truyền thông về điểm đến cũng như các sản phẩm, dịch vụ mới. Theo đó, đối với thị trường trong nước các địa phương cần xây dựng đa dạng các kênh truyền thông về điểm đến với các điểm nhấn không gian du lịch nổi bật, chuỗi sự kiện lễ hội ẩm thực, các điểm du lịch sinh thái cộng đồng,…tận dụng các kênh mạng xã hội, những blogger, những hội nhóm du lịch để nhanh chóng tiếp cận thông tin đến nhóm du khách trẻ. Có các chương trình kích cầu, tặng quà lưu niệm, khuyến khích du khách chia sẻ hình ảnh check-in và các trải nhiệm tốt về điểm đến.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch phải có các chiến dịch truyền thông về sản phẩm phù hợp với đối tượng khách của mình. Sản phẩm phải có các điểm nhấn thu hút khách, kênh truyền thông quảng bá sử dụng hình ảnh, thông tin chất lượng, lôi cuốn, tận dụng các kênh truyền thông trên mạng xã hội để có mức độ lan truyền thông tin nhanh.

Đối với thị trường khách Inbound, ông Cao Trí Dũng cho rằng, cần tiếp tục tổ chức các roadshow tại các quốc gia tiềm năng, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế để giới thiệu với đối tác về điểm đến với các điểm nhấn về di tích lịch sử, văn hóa, ẩm thực, nghỉ dưỡng, các dịch vụ tiện ích đẳng cấp và các chính sách thuận tiện và an toàn cho du khách.

Hình thức truyền thông, quảng bá chủ yếu vẫn tập trung theo các kênh truyền thống qua các đối tác, các hệ thống OTA. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tập trung cập nhật thông tin về chính sách mở cửa của Việt Nam, các quy trình thủ tục nhập cảnh, cập nhật các sản phẩm dịch vụ trên các website. Đồng thời, thiết lập các kênh phản hồi hỏi đáp dịch vụ nhanh chóng cho du khách, vận dụng các kênh thanh toán trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đặt dịch vụ./.

Bài 1 : Phục hồi và phát triển du lịch thời kỳ hậu Covid-19 (Bài 1): Không thể trong "một sớm, một chiều"

Bài 3: Xây dựng sản phẩm phù hợp với xu thế

Bảo Trân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×