Phục hồi và phát triển du lịch thời kỳ hậu Covid-19 (Bài 1): Không thể trong "một sớm, một chiều"
18/04/2022 | 09:39Hơn 1 tháng kể từ ngày Chính phủ đồng ý mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế (15/3/2022), du lịch Việt Nam đã có các tín hiệu phục hồi khi nhiều địa phương trong cả nước đã bắt đầu đón được các đoàn khách quốc tế đến "xông đất" sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Dẫu vậy, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan nên đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng.
Nhiều nguyên nhân
Chia sẻ về nguyên nhân lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết, hoạt động đón khách du lịch quốc tế liên quan đến luồng khách, tức là nơi gửi khách và nơi đón khách.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sự kết nối giữa các doanh nghiệp giữa bên gửi khách và bên đón khách bị ảnh hưởng, gián đoạn và đứt gãy. Do vậy, cần có thời gian để các doanh nghiệp củng cố lại sự kết nối này.
Một nguyên nhân khác là do đây chưa phải thời điểm chính của việc đón khách du lịch quốc tế. Thông thường lượng khách quốc tế đến đông nhất là từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, thời điểm chưa có đại dịch Covid-19, thị trường du lịch trọng điểm của chúng ta chính là Đông Bắc Á, chiếm đến 70% tổng số khách du lịch đến Việt Nam. Tuy nhiên, vào thời điểm này, quy định về phòng, chống dịch tại một số quốc gia trong thị trường này như Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn chưa được thông thoáng. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc đón khách quốc tế của chúng ta.
Nguyên nhân khách quan khác mà Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết đó là ảnh hưởng từ tình hình chiến sự giữa Nga-Ukraina. Một số địa phương như Khánh Hòa, Bình Thuận có nguồn khách du lịch chủ yếu đến từ nước Nga bị ảnh hưởng rất lớn bởi nguyên nhân này.
Một nguyên nhân chủ quan đó là thời điểm chúng ta mở cửa, số ca mắc mới Covid-19 vẫn liên tục tăng cao ảnh hưởng đến tâm lý, dự định đi du lịch của khách quốc tế muốn đến Việt Nam.
Cần những chiền lược "dài hơi"
Có thể thấy, Nghị quyết 128 của Chính phủ về "Ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Nghị quyết 11/NQ-CP về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và đặc biệt là Quyết định của Chính phủ mở cửa toàn diện ngành Du lịch từ ngày 15/3/2022 với nhiều quy định thông thoáng đã mở đường cho ngành Du lịch sớm phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, để Du lịch có thể phục hồi và phát triển như thời kỳ chưa xảy ra đại dịch thì không thể trong một sớm, một chiều, mà phải bằng những chiến lược dài hơi và có sự đầu tư hết sức bài bản, mới lạ để đón được xu hướng du lịch thế giới thời kỳ hậu Covid-19. Bên cạnh đó, sau thời gian dài tê liệt, không hoạt động, các doanh nghiệp, xương sống của ngành kinh tế du lịch sẽ không dễ dàng phục hồi được.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, đại dịch Covid-19 có mức độ nguy hiểm chưa từng thấy, để khắc phục hậu quả thì ngành Du lịch phải chuyển đổi rất nhiều từ tư duy đến hành động và không thể bằng những phương thức thông thường. Để ngành Du lịch có thể phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid-19, cần phải xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, các cấp, các ngành, các địa phương và thậm chí cả các quốc gia thống nhất hành động.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, để phục hồi ngành Du lịch, cần tập trung thực hiện tốt các định hướng mà ngành đã xác định. Theo đó, cần khai thác tốt các thị trường truyền thống, các thị trường đã phục hồi kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước đại dịch. Về sản phẩm, cần phải hướng đến các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.
Đối với công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động E-marketing để phát huy tối đa hiệu quả cho việc phục hồi và phát triển du lịch. Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để phục hồi du lịch trong bối cảnh đại dịch.
Một trong những định hướng quan trọng mà Tổng cục trưởng Du lịch nhấn mạnh đó là tăng cường tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại lao động trong ngành; chuyên môn hóa và ứng dụng công nghệ, tự động hóa trong cung cấp dịch vụ; Có chính sách đãi ngộ lao động chất lượng cao, lao động đặc thù./.
Cần điều chỉnh thị trường khách quốc tế phù hợp
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, đối với thị trường khách quốc tế, các địa phương cần tập trung điều chỉnh thị phần. Đây là thời điểm tốt nhất để định hình, điều chỉnh lại thị trường khách quốc tế, hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường khách quốc tế nhất định dẫn đến bị động khi thị trường khách đó sụt giảm bởi các yếu tố khó đoán định.
Việc định hướng điều chỉnh lại thị trường khách quốc tế sẽ phải chú ý: thứ nhất, vẫn tập trung vào vài thị trường nhất định và duy trì ở mức vừa phải; thứ hai xúc tiến các thị trường khách mới tiềm năng hoặc còn đang chiếm thị phần nhỏ nhưng có cơ hội mở rộng thị phần. Mục tiêu cuối cùng là để tạo thế tương đối cân bằng và ổn định giữa các thị trường khách, không phụ thuộc và dựa hoàn toàn vào bất kỳ thị trường khách quốc tế nào./.
Bài 2: Du lịch nội địa vẫn là "chìa khóa"