Phát huy nguồn lực văn hóa trong kỷ nguyên mới
09/07/2025 | 16:46Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 202/2025/QH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh tại Kỳ họp thứ 9 ngày 12/6/2025. Các đơn vị hành chính mới, bao gồm cả cấp tỉnh và cấp xã, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025. Đây là dấu mốc lịch sử trong tiến trình cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý.

Đồng bào Gia Rai biểu diễn cồng chiêng bên lửa trại tại Tây Nguyên.
Cùng với việc vận hành hệ thống chính quyền hai cấp thông suốt, công tác phát huy giá trị văn hóa các địa phương sau sáp nhập xứng tầm là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.
Kỳ 1: Sức mạnh văn hóa gắn kết cộng đồng, định hình tương lai
Từ 34 tỉnh, thành phố mới, nguồn lực tập trung, đòi hỏi địa phương cần xây dựng chiến lược văn hóa vùng để phát huy tiềm năng, sức mạnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Xây dựng bản sắc và thương hiệu trong bối cảnh mới
Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội quốc gia Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng yếu tố văn hóa. Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 15/3/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 đề ra nhiệm vụ: Việc xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã phải giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc của mỗi địa phương; bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư.
Trước đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả chỉ rõ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở phải phù hợp với đặc điểm địa phương, bao gồm cả yếu tố văn hóa. Điều này thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước xác định văn hóa là một động lực phát triển bền vững, giúp các địa phương xây dựng bản sắc và thương hiệu trong bối cảnh mới.
Chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh là bước đi tất yếu, phù hợp với yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, khắc phục hạn chế của hệ thống hành chính hiện nay, nhất là tình trạng phân tán nguồn lực và thiếu hiệu quả ở các tỉnh có quy mô nhỏ. Việc sáp nhập thành 34 đơn vị hành chính mới không chỉ giúp giảm gánh nặng ngân sách, mà còn tạo cơ hội quy hoạch lại không gian phát triển địa phương, vùng miền.
Sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh không phải là đánh mất bản sắc địa phương, mà để nâng tầm địa phương. Không phải là xóa bỏ lịch sử, mà viết tiếp chương mới với quy mô lớn hơn, tầm vóc cao hơn. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng
Tuy nhiên, quá trình sắp xếp đặt ra thách thức bởi mỗi tỉnh, thành phố đều mang bản sắc văn hóa riêng, kết tinh qua hàng trăm năm lịch sử, gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng. Việc thay đổi địa giới, tên gọi, hoặc trung tâm hành chính có thể làm suy giảm không gian và nguồn lực dành cho các sinh hoạt văn hóa truyền thống tại khu dân cư, bản làng, thôn xóm.
Lo ngại lớn hơn xuất hiện ở cấp tỉnh, nơi các giá trị văn hóa không chỉ mang ý nghĩa cộng đồng mà còn đóng vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội. Nếu vấn đề này không nhận được sự quan tâm giải quyết thỏa đáng, có nguy cơ chỉ tập trung nguồn lực phát triển văn hóa ở khu vực trung tâm mà sao nhãng địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, khiến bản sắc văn hóa bị mai một, thậm chí biến mất.
Để hóa giải mối lo này, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cần đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình cải cách thể chế. Chính quyền các cấp và ngành chức năng cần chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án phù hợp, bảo đảm hai yêu cầu: Một là, nâng cao hiệu quả quản lý bộ máy sau tinh gọn; hai là, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống địa phương mới, để văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ phân tích: “Dân tộc Việt Nam có nền văn hiến hơn 4.000 năm, mỗi địa phương, vùng miền đều có bản sắc văn hóa riêng, mỗi dân tộc có văn hóa riêng, phong tục, tập quán, truyền thống lịch sử lâu đời gắn với vùng đất. Do vậy, khi sáp nhập, chúng ta phải lưu ý yếu tố địa văn hóa, lịch sử, tự nhiên, kinh tế, các yếu tố chính trị, xã hội, dân tộc, tôn giáo… Những yếu tố này là chất kết dính cộng đồng dân cư và làm nên nét văn hóa đặc trưng vùng miền”. Còn theo NSƯT Đặng Công Hưng, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Gia Lai, nếu không có sự thấu hiểu sâu sắc và cầu thị thì dễ dẫn đến tình trạng “song hành không gặp gỡ”.
Phát huy tối đa lợi thế vùng
Để các giá trị văn hóa truyền thống duy trì và phát huy trong bối cảnh sáp nhập hành chính, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trước hết các tỉnh, thành phố mới cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển văn hóa vùng, phản ánh đầy đủ đặc trưng của các địa phương thành viên, có kế hoạch phát triển và bảo tồn phù hợp, tạo lợi thế cạnh tranh.
Chiến lược này cần chú trọng ưu tiên đầu tư cho di sản văn hóa, lễ hội truyền thống, làng nghề và nghệ thuật dân gian. Thí dụ, trường hợp sáp nhập Hải Dương và Hải Phòng, cần bảo đảm các giá trị văn hóa đặc sắc của Hải Dương như gốm Chu Đậu, rối nước Hồng Phong hay lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc tiếp tục được hỗ trợ nguồn lực vật chất và con người, được tổ chức với quy mô tương xứng. Đồng thời, cần thiết kế cơ chế phân bổ ngân sách văn hóa công bằng, ưu tiên địa phương không còn là trung tâm hành chính nhằm duy trì các hoạt động văn hóa.
Bên cạnh đó cần khuyến khích mô hình đối tác công-tư, huy động doanh nghiệp tham gia bảo tồn và khai thác di sản văn hóa vừa giúp công tác bảo tồn di sản vừa tạo công ăn việc làm cho người dân, mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Theo quan điểm của Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, các tỉnh, thành phố mới sáp nhập là tụ hội của nhiều tiểu vùng văn hóa, do đó ông đề xuất hình thành tiểu vùng văn hóa từ những xã có chung đặc điểm về địa lý, lịch sử, tạo thành cộng đồng chủ nhân văn hóa, nhằm phát huy tối đa lợi thế vùng trong phát triển văn hóa-xã hội của địa phương. Nhà thơ Văn Công Hùng lạc quan: “Khi văn hóa phát triển sẽ kéo theo sự phát triển chung của kinh tế-xã hội”.
Quan trọng không kém là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong bảo tồn văn hóa. Đây là công cụ hữu hiệu để quản lý và quảng bá giá trị văn hóa trong bối cảnh sáp nhập hành chính. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu văn hóa số hóa - bao gồm thông tin về di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề và tư liệu dân tộc học - giúp lưu giữ ký ức văn hóa địa phương.
“Bản đồ số văn hóa” cấp tỉnh có thể được thiết lập, cho phép người dân và du khách dễ dàng tiếp cận thông tin về giá trị văn hóa đặc sắc, đồng thời hỗ trợ quảng bá du lịch bền vững. Công nghệ như thực tế ảo (VR) hoặc thực tế tăng cường (AR) có thể áp dụng để tái hiện lễ hội, di tích, làng nghề, mang lại trải nghiệm sống động cho thế hệ trẻ. Đây là cách bảo tồn văn hóa phi vật thể, vốn dễ mai một khi không còn không gian tổ chức truyền thống.
Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác giáo dục và truyền thông góp phần khơi dậy niềm tự hào về bản sắc văn hóa địa phương cũng như văn hóa của dân tộc. Các cơ quan báo chí và mạng xã hội cần phát huy vai trò trong việc lan tỏa giá trị văn hóa, kể những câu chuyện về di sản và con người địa phương một cách sinh động, hấp dẫn, truyền cảm hứng.
Các chiến dịch truyền thông nên tập trung xây dựng hình ảnh văn hóa tích cực, khuyến khích người dân tham gia bảo tồn di sản và tự hào về bản sắc vùng miền. Sự tham gia của cộng đồng, nhất là giới trẻ, sẽ biến việc bảo tồn văn hóa thành nhu cầu nội sinh, thay vì chỉ áp dụng chính sách từ trên xuống.
Văn hóa là trụ cột của sự phát triển bền vững. Cải cách thể chế thông qua sáp nhập đơn vị hành chính giúp tái cấu trúc bộ máy là cơ hội để Việt Nam khẳng định sức mạnh của văn hóa trong việc gắn kết cộng đồng và định hình tương lai. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong cải cách thể chế cần được xem là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cũng như sứ mệnh chung của toàn xã hội. Khi văn hóa được đặt ở trung tâm của mọi chính sách, công cuộc cải cách hôm nay sẽ tạo nền tảng vững chắc cho Việt Nam phát triển bền vững, tạo nên bản sắc quốc gia mạnh mẽ và tự tin khẳng định vị thế trên trường quốc tế.