Phát hiện thêm bãi cọc tại Hải Phòng: Trận Bạch Đằng không chỉ là một trận đánh
23/12/2019 | 10:16Theo thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Hải Phòng, sau 2 tháng, đoàn khảo cổ đã khai quật được 27 cọc gỗ tại 3 hố. Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần thứ 3, năm 1288.
Trước đó, ngày 1/10, trong quá trình đào vườn, ông Nguyễn Tuân Triệu (ngụ thôn 3, làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên) phát hiện 2 cọc gỗ dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm. Người dân cho rằng đây có thể là cọc gỗ liên quan đến các trận đánh trên sông Bạch Đằng nên đã báo cơ quan chức năng. Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định cho khai quật, khảo cổ tại nơi phát hiện các cọc gỗ.
Viện khảo cổ học và Bào tàng Hải Phòng vừa khai quật một bãi cọc gần nghìn năm tuổi tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên – nằm cạnh sông Đá Bạc, một nhánh của sông Bạch Đằng. Qua giám định ban đầu, một số cọc có niên đại từ năm 1270-1430 và có thể là một phần của trận địa do Trần Hưng Đạo bố trí để dồn quân địch vào trận cọc chính trên sông Bạch Đằng, thuộc địa phận thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh ngày nay.
Hàng chục cọc gỗ, được tìm thấy ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng, theo xác định ban đầu có liên quan đến trận thủy chiến lừng danh thế giới trên sông Bạch Đằng năm 1288 của quân dân Đại Việt, tiêu diệt toàn bộ quân xâm lược Mông – Nguyên.
Giới nghiên cứu cho rằng, việc các bãi cọc được bố trí ở nhiều nơi, trên các con sông cả ở Hải Phòng, Quảng Ninh…đã được làm rõ từ lâu, bởi Trần Hưng Đạo bày binh bố trận khắp nơi để chặn đường rút của quân xâm lược từ Thăng Long vào dồn vào trận địa cọc chính trên sông Bạch Đằng.
Sông Bạch Đằng bắt đầu từ sông Giá, sông Đá Bạc, Thủy Nguyên, Hải Phòng cho đến vị trí đổ ra cửa Nam Triệu là 20 km.
Về việc vì Trần Hưng Đạo sao lại chọn trận cọc Bạch Đằng để tiêu diệt toàn bộ quân địch, các nhà nghiên cứu cho rằng vị trí này có vị trí tối kỵ hiểm yếu do thủy triều tạo nên, với biên độ chênh nhau khi thủy triều lên xuống khoảng 4m, kết hợp với ghếch Cốc, ghềnh Chanh. Nhờ đó, khi nước thủy triều lên, có thể giấu được thế trận cọc, nhưng khi nước xuống cạn, cọc có thể nhô cao lên 2m, cản các chiến thuyền của đích thoát ra biển và quân Đại Việt dùng hỏa công tiêu diệt quân địch tại đây.
Những di tích của trận địa cọc quyết định trận đánh này đã được các nhà khảo cổ học, giới nghiên cứu trong và quốc tế tìm thấy trong các đợt khảo sát, khai quật khảo cổ học từ năm 1958, với 3 bãi cọc cổ: Yên Giang, Đồng Má Ngựa, Đồng Vạn Muối, thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh với tổng cộng trên 800 cọc cổ nằm sâu dưới bùn.
Theo các nhà khoa học, đây có thể là bãi cọc mà quân dân nhà Trần lập lên để chặn không cho quân Nguyên Mông đi vào sông Giá. Qua đó, ép đại quân Nguyên Mông đang rút từ Phả Lại đi vào sông Bạch Đằng và rơi vào bãi cọc chính mà Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã bố trí. Việc phát hiện thêm bãi cọc tại Hải Phòng cho thấy trận Bạch Đằng không chỉ là một trận đánh mà có thể là một chiến dịch có quy mô lớn./.