“Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh” từ sau đất nước thống nhất
26/04/2025 | 15:18LHP Châu Á Đà Nẵng lần ba (DANAFF III) được tổ chức đúng vào năm kỷ niệm 50 năm giải phóng niền Nam, thống nhất đất nước, BTC dành chương trình trọng điểm xoay quanh chủ đề “Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh”.

Poster chương trình
DANAFF III trở lại từ ngày 29.6 đến 5.7.2025 tại thành phố biển Đà Nẵng. Đây là LHP thường niên đầu tiên và duy nhất được tổ chức tại Việt Nam, ghi dấu ấn đậm nét về tính chuyên nghiệp, sự phát triển bứt phá và sức sáng tạo mới trong mỗi kỳ tổ chức.
DANAFF III sẽ trình chiếu 22 bộ phim chọn lọc về chiến tranh, được sản xuất sau năm 1975, cùng với những cuộc gặp gỡ, trò chuyện giữa khán giả với các nghệ sĩ, những người làm phim.
Cũng trong chương trình trọng điểm này, một cuộc Hội thảo quan trọng với chủ đề “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày đất nước thống nhất” sẽ nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện về những thành quả, giá trị và vị trí của phim chiến tranh trong sự phát triển của điện ảnh nói riêng, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới nói chung.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã thống nhất đất nước, chấm dứt chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và các thế lực tay sai, bắt đầu một cuộc sống hòa bình ở Việt Nam. Đề tài chiến tranh cách mạng trong tác phẩm điện ảnh từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có sự khác biệt, đổi mới rõ rệt so với những phim ra đời trong thời chiến.

Phim truyện "Cánh đồng hoang"
Phim tài liệu chiến tranh từng giữ vị trí tiên phong, có thời hoàng kim trong thời chiến đã nhường chỗ cho phim truyện. Các nhà làm phim truyện đã có sự giãn cách thời gian để nhìn lại cuộc chiến, chiêm nghiệm những giá trị lớn lao của phẩm giá anh hùng, niềm tự hào dân tộc và cái giá của những hy sinh mất mát.
Điều này được thể hiện trong những bộ phim phản ánh cuộc sống những ngày đầu hòa bình, trong đó những vết thương chiến tranh cả về thể xác và tinh thần ngày đêm còn âm ỉ rỉ máu.
Nhưng ngay cả phim phản ánh chiến tranh một cách trực diện thì sự chiêm nghiệm cũng đạt được độ khái quát cao, dưới bề mặt của bom đạn, khói lửa, của sự chiến đấu anh dũng và hy sinh, mất mát đã kết tinh những triết lý- đạo lý Việt Nam.
Qua những tác phẩm điện ảnh chọn lọc về đề tài chiến tranh tại DANAFF III, các đại biểu Việt Nam và quốc tế, các nhà làm phim và khán giả sẽ cảm nhận cách nhìn, cách tư duy, sáng tạo của các nhà làm phim có những thay đổi rõ rệt.
Nếu như thời chiến tranh, các nhà sáng tác, đạo diễn thiên về phản ánh trực diện, nhiều tác phẩm giá trị ra đời, tuy nhiên, điểm chung là các phim mang tính tuyên truyền, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân thì sau khi đất nước thống nhất, các nhà làm phim đã có sự gián cách thời gian để suy ngẫm.

Phim "Giải phóng Sài Gòn"
Từ đó có những bộ phim thể hiện cả những bi kịch chiến tranh, những thân phận “bé nhỏ”, bất hạnh; có những phim mang tính khái quát, chứa đựng những triết lý nhân sinh của dân tộc Việt Nam.
22 phim điện ảnh trong Chương trình “Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh” sẽ được trình chiếu miễn phí trong thời gian diễn ra LHP Châu Á Đà Nẵng lần thứ ba trên các cụm rạp tại TP. Đà Nẵng. Khán giả có cơ hội giao lưu với các nghệ sĩ nổi tiếng, lắng nghe những câu chuyện điện ảnh thú vị và đáng nhớ.
22 bộ phim trong Chương trình:
Cánh đồng hoang (1979)
Bối cảnh chính của phim là vùng Đồng Tháp Mười trong những ngày diễn ra cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam. Vợ chồng Ba Đô và đứa con nhỏ sống trong một căn chòi nhỏ giữa dòng nước. Họ được Cách mạng Việt Nam giao nhiệm vụ giữ đường dây liên lạc cho bộ đội.
Bộ phim tập trung khai thác nhiều vào cuộc sống thường ngày của đôi vợ chồng, xen kẽ còn có những cảnh chiến đấu, cảnh ẩn nấp trực thăng của quân đội Mỹ quần thảo khu vực đồng nước này nhằm phát hiện đội du kích hoạt động.

Phim "Mẹ vắng nhà"
Mẹ vắng nhà (1980)
Phim kể về cuộc sống của chị Út Tịch và 5 đứa con thơ trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam giữa những ngày tháng khốc liệt nhất. Là một chiến sĩ cách mạng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, tiếng bom đạn thúc giục chị lên đường làm nhiệm vụ tải lương, tải đạn cho bộ đội.
5 đứa con nhỏ phải tự chăm sóc nhau, trong đó Bé - cô chị lớn nhất mới 10 tuổi, còn đứa bé nhất đang nằm nôi. Bé biết mẹ mình là du kích và luôn lo rằng mẹ sẽ không trở về nhà nữa. Tuy nhiên, cô bé cố gắng gạt hết những cảm xúc này để tập trung chăm sóc cho các em của mình.
Mối tình đầu (1980)
Phim lấy bối cảnh tại TP. Sài Gòn trước năm 1975, khi cuộc chiến sắp chấm dứt với những câu hỏi day dứt về sự lựa chọn lẽ sống của những người trẻ tuổi. Phim kể lại mối tình đầu của chàng sinh viên Ba Duy với cô gái Diễm Hương nhưng cuộc tình đổ vỡ khi Diễm Hương buộc phải lấy một tên Cố vấn Mỹ để cứu cha.

Phim "Mối tình đầu"
Ba Duy bỏ học và lao vào con đường nghiệp ngập. Nhưng ánh sáng đã trở lại với cuộc đời Ba Duy khi được chị Hai Lan, chị ruột Ba Duy - một cán bộ tình báo hoạt động nội thành khuyên giải, giáo dục để không bước vào con đường lầm lạc.
Về nơi gió cát (1983)
Bối cảnh thời hậu chiến tại một làng nhỏ ven biển miền Trung với thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, phim xoay quanh nhân vật Lũy do Trần Vịnh đóng. Sau khi trở về từ chiến tranh, anh được phân công làm Bí thư xã.
Tuy nhiên lúc này vợ anh đã lập gia đình với Sơn, một người lính của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Lũy vừa phải hoàn thành trọng trách và nhiệm vụ, vừa phải giải quyết cuộc sống riêng với vợ cùng người chồng mới và con của họ.
Huyền thoại về người mẹ (1987)
Phim là câu chuyện xúc động về Hương, người nữ hộ sinh tại một bệnh viện phụ sản có chồng đi tập kết. Cô nhận nuôi ba đứa trẻ sơ sinh là con của những cán bộ kháng chiến, tình báo, bất chấp mọi nguy hiểm. Phim còn kể câu chuyện đau xót về những hi sinh thầm lặng của những chiến sĩ cách mạng trong lòng địch.

Phim "Huyền thoại về người mẹ"
Ngày hòa bình, chồng của Hương không trở lại, anh đã hi sinh ngoài chiến trường. Mẹ của Hương cũng không còn nữa. Đúng lúc ấy, những đứa con nuôi, niềm vui sống của Hương lại lần lượt ra đi về bên những người ruột thịt.
Truyện cổ tích cho tuổi 17 (1988)
Truyện phim bắt đầu với cô bé tên An. Khi đưa tiễn những chàng trai lên đường ra trận, cô nhặt được một cánh thư rơi của một chiến sĩ tên Thái. Cô đã tìm đến địa chỉ nhà anh và gửi lá thư cho mẹ anh.
An mồ côi mẹ từ nhỏ, gia đình Thái lại chỉ có người mẹ còn ở nhà. Như tìm được niềm an ủi, hai người thân thiết với nhau, mẹ Thái động viên cô viết thư cho Thái. Từ đây cô bắt đầu nảy sinh tình cảm với người lính đang ngoài mặt trận.

Phim "Tuổi thơ dữ dội"
Tuổi thơ dữ dội (1989)
Phim kể về hành trình của các thiếu niên gia nhập Đội Thiếu niên Trinh sát thuộc Trung đoàn Trần Cao Vân trong kháng chiến chống Pháp.
Người xem gặp gỡ những nhân vật nhỏ bé nhưng phi thường, qua cảm hứng là câu chuyện có thật của những chiến sĩ nhí tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp bảo vệ Tổ quốc với chuỗi chiến công đầy ắp được tạo nên bằng máu xương và nước mắt.
Lưỡi dao (1995)
Phim xoay quanh nhân vật chính Nguyệt, cô gái mồ côi lớn lên trong một xóm đạo nghèo ven biển miền Nam. Tuổi thơ của Nguyệt gắn liền với sự che chở của người bà và cha xứ, nhưng cũng đầy ám ảnh bởi những tuyên truyền lệch lạc từ lính Cộng hòa.
Khi quân giải phóng tiến vào xóm đạo, một biến cố đau lòng xảy ra, bà của Nguyệt vì hiểu lầm và đau khổ từ quá khứ đã ném lựu đạn giết chết nhiều chiến sĩ. Dũng, một lính Việt Cộng trẻ, buộc phải bắn chết bà để bảo vệ đồng đội, vô tình tạo nên mối hận thù với Nguyệt.
Ngã ba Đồng Lộc (1997)
Phim dựa trên sự kiện có thật năm 1968 về 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.
Bộ phim là tác phẩm tri ân và ca ngợi những cô gái đã dũng cảm hi sinh vì lý tưởng cao đẹp khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, mang trong mình hoài bão ước mơ về cuộc sống vô cùng tươi đẹp.

Phim "Chung cư"
Chung cư (1999)
Bộ phim mô tả cuộc sống sau những ngày giải phóng của những người cách mạng ngày trở về. Họ được nhà nước chu cấp cho chỗ ở, đó chính là khu chung cư Victory. Gây xúc động là nhân vật bác Thẩm gác cổng, làm quản lý chung cư.
Bác Thẩm luôn đau đáu và tiếc nuối hoài niệm về chung cư – nơi đã từng gắn bó với bác và bao người sau giải phóng khi bắt đầu một cuộc sống mới, trong khi các gia đình khác có điều kiện kinh tế đã lần lượt chuyển từ chung cư ra bên ngoài sống.
Vào Nam ra Bắc (2000)
Chuyện kể về cuộc hội ngộ bất ngờ giữa một người lính năm xưa và người vũ nữ. Câu chuyện lôi kéo người xem trở về những năm tháng kháng chiến ác liệt ở miền Bắc.
Rời Hà Nội để vào Nam chiến đấu, Quang- trắng trẻo, thư sinh và trong sáng như bao chàng trai khác thời chiến tranh- bỗng nhụt chí khi các đồng đội từng trải kể về sự ác liệt của chiến tranh, dẫn đến quyết định đào ngũ. Tuy nhiên cuộc gặp gỡ tình cờ với cô bé Nụ đã khiến Quang thay đổi tư tưởng xấu xí của mình.
Người đàn bà mộng du (2005)
Trong chiến tranh, Quỳ là một nữ quân y trên chiến trường Trường Sơn, cô yêu Hòa - một Trung đoàn trưởng, nhưng Hòa lại hy sinh trong chiến trận. Hòa bình lập lại, Quỳ có cuộc tình mới với Phiên - bạn của Hòa, dù được yêu thương hết mực nhưng Quỳ không thể quên được quá khứ cũng như không thể hòa mình vào cuộc sống mới.

Phim "Vũ khúc con cò"
Vũ khúc con cò (2002)
Truyện phim bắt đầu từ thời điểm tháng 4.1968, khi những tân binh đến trại tập huấn Xuân Mai để chuẩn bị gia nhập cuộc chiến tranh chống Mỹ. Những người lính trẻ Mạnh, Văn, May, Vinh, Lâm chỉ bên nhau trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng mối quan hệ giữa họ đã gắn chặt thân thiết. Mỗi câu chuyện riêng mang tới những mảng đời đa dạng của những người Việt trẻ đầy lạc quan, dung dị và ngập tràn hy vọng về tương lai đấu tranh cho một Việt Nam thống nhất.
. Hà Nội 12 ngày đêm (2002)
Bộ phim kể về Chiến dịch Linebacker II năm 1972, khi Mỹ dùng B-52 ném bom Hà Nội. Trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, tình bạn, tình yêu và sự hy sinh của những nhân vật trong phim đã làm nổi bật tinh thần kiên cường của người dân Việt Nam. Cuối cùng, chiến tranh kết thúc với Hiệp định Paris, nhưng nỗi đau mất mát vẫn còn mãi.
Giải phóng Sài Gòn (2005)
Phim tái hiện một số sự kiện lịch sử chính trong quá trình quân Giải phóng tiến vào thành phố Sài Gòn. Nội dung phim bắt đầu từ trận tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột.
Quân đội Việt Nam Cộng hòa một mặt cầu viện quân sự của Mỹ, mặt khác tìm cách giữ phòng tuyến Huế, Đà Nẵng. Các trận đánh khác trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đều dữ dội, như trận đánh ở phòng tuyến Xuân Lộc, mở cánh cửa phía Đông về Sài Gòn. Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Rồi 5 mũi tiến công vào Sài Gòn, cuối cùng buộc Tổng thống Dương Văn Minh và nội các đầu hàng vô điều kiện.

Phim "Sống trong sợ hãi"
Sống trong sợ hãi (2005)
Phim nói về cuộc sống của một người lính thời hậu chiến. Trở về sau chiến tranh, anh chọn công việc gỡ bom mìn đem bán sắt vụn để kiếm tiền nuôi gia đình.
Thay vì gỡ bom theo cách thông thường, Tải (tên người lính) áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm trong chiến tranh để thao tác an toàn và hiệu quả hơn. Sau thời gian dài bị người đời cười chê, sống cô lập, cuối cùng Tải cũng mở lòng khi anh được ghi nhận giúp chính quyền tháo gỡ hàng trăm tấn bom, mìn còn sót lại của chiến tranh.
Áo lụa Hà Đông (2006)
Phim kể về cuộc đời của vợ chồng Dần và Gù cả hai dắt díu nhau vào Nam để thoát khỏi cuộc đời nô lệ sau khi các cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Cuộc sống mới cơ cực, đầy nước mắt nhưng cả hai đã có 4 người con. Chiến tranh, cuộc sống nghèo khổ đã đẩy số phận của những con người thời đó đi vào kết thúc đầy nước mắt.
Sinh mệnh
Bộ phim kể về Linh “gấu”, sinh ra trong gia đình nông thôn với bà mẹ luôn ao ước có một đứa cháu để nối dõi tông đường, Linh cưới vợ nhưng không bao lâu phải bước vào quân ngũ, mang trong lòng nỗi nhớ vợ và ao ước có một đứa con.
Phim nói về ranh giới giữa sự sống và cái chết, giữa làn ranh ấy là sự khao khát bản năng của con người luôn ao ước có con nối dõi.

Phim "Mùi cỏ cháy"
Mùi cỏ cháy (2011)
Bối cảnh chính của phim là sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị. Nhân vật chính là bốn sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971, được huấn luyện tốc hành và sau cùng đã tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Những người viết huyền thoại (2013)
Phim kể về hành trình gian khổ của những người lính Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi họ xây dựng tuyến đường ống xăng dầu chiến lược xuyên Trường Sơn để chi viện cho miền Nam.
Phim khắc họa tinh thần quả cảm, sự hi sinh và tình yêu giữa chiến trường. Từ những trận chiến khốc liệt đến những mất mát đầy nước mắt, phim tái hiện một chương sử hào hùng, nơi những con người bình dị đã làm nên huyền thoại.
Người trở về (2015)
Câu chuyện cảm động thời hậu chiến, xoay quanh Mây – nữ y tá trở về quê sau một năm được báo tử, đúng vào ngày cưới của người yêu cũ. Bị giằng xé giữa quá khứ và hiện tại, giữa nỗi đau chiến tranh và sự thật nghiệt ngã về cơ thể mình, Mây chọn cách rút lui, sống cô độc nơi bến sông Châu. Nhưng tình yêu chân thành của Quang – người lính miền Nam từng được cô cứu mạng – dần sưởi ấm trái tim cô.

Phim "Truyền thuyết về Quán Tiên"
Truyền thuyết về Quán Tiên (2019)
Sâu trong rừng Trường Sơn huyền thoại, nằm giữa vẻ đẹp ám ảnh của rừng nhiệt đới và những dòng suối bí ẩn, nơi tưởng như chưa từng có dấu chân con người, một trạm dừng chân được đặt trong một hang động kỳ bí có tên là Quán Tiên.
Đây là nơi được ba nữ thanh niên xung phong trẻ trung, xinh đẹp chịu trách nhiệm quản lý, được ví như cõi Tiên dành cho những người lính lái xe kiệt sức vì những hành trình vô tận. Cuộc sống của ba cô tưởng như sẽ trôi đi yên bình, nhưng những điều kỳ lạ cứ liên tiếp xảy ra, nhắc nhở các cô gái trẻ rằng họ không phải là những sinh vật duy nhất nơi đây.