Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kiên Giang: Đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch

12/01/2024 | 17:20

Để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, được sự hỗ trợ của Trung ương, Kiên Giang quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu để phục vụ du khách. Các công trình đầu tư kết cấu hạ tầng ở các khu, điểm du lịch được nâng cấp để hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.


Kiên Giang: Đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch - Ảnh 1.

Khách du lịch tắm biển Mũi Nai (TP. Hà Tiên)

Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, có đất liền, rừng, núi, biển, đảo (143 đảo lớn nhỏ); có bờ biển dài và nhiều cảng biển lớn nhỏ; là tỉnh duy nhất ở miền Tây có hai sân bay, tạo điều kiện giao lưu với các tỉnh, thành phố trong nước và thế giới.

Kiên Giang còn là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển công, nông, lâm, ngư nghiệp, nhất là công nghiệp vật liệu xây dựng và công nghiệp chế biến thủy, hải sản. Tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển và du lịch sinh thái, có nhiều danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như TP. Hà Tiên với Tao đàn Chiêu Anh Các; bãi biển Mũi Nai thơ mộng, di tích thờ tự của dòng họ Mạc, đầm Đông Hồ, núi Tô Châu... Kiên Lương có hòn Chông, chùa Hang, hòn Phụ Tử, Bãi Dương. Đến Hòn Đất chiêm ngưỡng danh thắng, khu di tích lịch sử - thắng cảnh quốc gia Ba Hòn (Hòn Đất, Hòn Me, Hòn Quéo). Địa danh Ba Hòn còn gắn liền với tên tuổi nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Phan Thị Ràng. TP. Rạch Giá có di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực uy nghi, có chùa Tam Bảo gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ tỉnh và cổng Tam Quan vốn là biểu tượng quen thuộc của người dân Rạch Giá. Đi về phía nam của Kiên Giang, đến với Vườn quốc gia U Minh Thượng, là vùng đất lịch sử, vùng sinh thái mang đặc trưng rõ rệt về đất, nước, khí hậu và thổ nhưỡng, giàu có và phong phú sản vật.

Bên cạnh đó, Kiên Giang còn có một vùng đất mà nhiều người biết đến, đó là đảo ngọc Phú Quốc, được xem là đảo lớn nhất Việt Nam với những địa danh du lịch như Dinh Cậu, suối Tranh, suối Đá Bàn, bãi Sao, mũi Gành Dầu, bãi Dài, bãi Trường... TP. Phú Quốc được ưu tiên đầu tư phát triển để trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, có sức hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Năm 2023, tỉnh ước đón 8,535 triệu lượt du khách, vượt 2,8% kế hoạch, tăng 15,3% so cùng kỳ; riêng khách du lịch quốc tế đạt 573 ngàn lượt, vượt 63,8% kế hoạch, tăng 2 lần so cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch 17.479 tỷ đồng, vượt 34,5% so kế hoạch, tăng 65,1% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nguồn nhân lực là yếu tố rất quan trọng nhưng việc đầu tư, đào tạo còn chậm; khai thác các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung còn thiếu tính đa dạng. Hầu hết các nơi trong tỉnh chưa khai thác hiệu quả các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, tài nguyên biển, bản sắc văn hóa của địa phương để tạo ra sản phẩm thu hút du khách. Vấn đề ô nhiễm môi trường các khu du lịch vẫn còn, môi trường đầu tư kinh doanh du lịch chưa đảm bảo thuận lợi, thông thoáng, phương pháp kinh doanh du lịch của các chủ khách sạn, nhà hàng chưa chuyên nghiệp. Việc liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước và ngoài nước còn hạn chế.

Khắc phục tình trạng trên, những năm tiếp theo để phát triển du lịch Kiên Giang cần tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tạo nguồn vốn tập trung nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Du lịch không chỉ cần có phong cảnh, văn hóa mà còn đòi hỏi hệ thống hạ tầng cơ sở thuận lợi từ giao thông phục vụ đi lại, nơi ở, khách sạn, nhà hàng phải đảm bảo.

Thứ hai, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Thứ ba, làm tốt yếu tố môi trường điểm đến. Môi trường du lịch có thể được hiểu là tổng hợp các yếu tố thuộc về chính điểm đến như di tích, danh lam, thắng cảnh có hấp dẫn không? Điều kiện xung quanh điểm đến, vệ sinh môi trường, khí hậu có đảm bảo không? Điều kiện kinh tế - xã hội, con người như chất lượng cuộc sống, văn hóa ứng xử, sự hiểu biết nhất định về du lịch… và các yếu tố khác. Cần làm tốt hai điểm để thu hút du khách đó là sạch sẽ và thái độ phục vụ. Tất cả mọi lời nói, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười đều phải thể hiện sự tôn trọng đối với du khách.

Thứ tư, có cơ chế thông thoáng cho các chủ kinh doanh du lịch đầu tư. Đồng thời, chủ động kêu gọi các nhà đầu tư lớn của quốc gia và quốc tế, có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm kinh doanh du lịch, nhất là kinh doanh du lịch biển, một tiềm năng, lợi thế của Kiên Giang.

Thứ năm, chủ động, tích cực tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, liên vùng cả trong và ngoài nước, bảo đảm đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế./.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×