Hợp tác với Thái Lan để phát triển du lịch
27/11/2024 | 09:40Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp Thái Lan vừa tổ chức tại Bình Định là cơ hội để Việt Nam và Thái Lan tìm ra các giải pháp, thúc đẩy phát triển du lịch.
Cần nhiều chính sách, hỗ trợ để hút khách Thái Lan
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) cho biết: Đối với Việt Nam, Thái Lan là thị trường gửi khách lớn thứ 3 trong ASEAN, có kinh nghiệm phát triển du lịch phong phú. Chiến lược marketing du lịch Việt Nam và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đều xác định thị trường truyền thống Đông Nam Á là thị trường quan trọng cần tập trung khai thác, trong đó có Thái Lan đặc biệt hướng tới các phân khúc khách có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày, trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên.
Năm 2019, Việt Nam đón 510 nghìn lượt khách du lịch Thái Lan, tăng 46% so với năm 2018. Năm 2023, Việt Nam đón 490 nghìn lượt, phục hồi gần như hoàn toàn so với trước đại dịch Covid-19. Trong 10 tháng đầu năm 2024, có 340 nghìn lượt khách Thái Lan đến Việt Nam du lịch. Ngày càng có nhiều người Việt Nam mong muốn đến Thái Lan học tập kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư và du lịch khám phá các điểm đến đặc sắc của Thái Lan.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay, đối với Thái Lan, Việt Nam là đối tác thân thiết, quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương về du lịch, là thị trường gửi khách lớn thứ 3 trong ASEAN. Khách Việt Nam đến Thái Lan du lịch đạt gần 1,05 triệu lượt trong năm 2019, phục hồi gần như hoàn toàn vào năm 2023 với gần 1,03 triệu lượt.
Những bãi biển tuyệt đẹp, những khu nghỉ dưỡng chất lượng cao như Sapa, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Định đến những cảnh quan kỳ vĩ của Vịnh Hạ Long, Tràng An, sự huyền bí, hấp dẫn của các điểm đến miền núi phía Bắc như cao nguyên Đá Đồng Văn, hồ Ba Bể, thác Bản Giốc hay vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long... và cùng những di sản mang đậm dấu ấn lịch sử như Hoàng thành Thăng Long, Cố đô Huế, phố cổ Hội An, các tháp Chăm (Bình Định), hay các Lễ hội du lịch tại các địa phương ven biển, làm lên vẻ đẹp bất tận Việt Nam cuốn hút du khách và các nhà đầu tư Thái Lan đến khám phá, trải nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Tỉnh Bình Định nói riêng, vùng duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam nói chung có vị trí rất thuận lợi để phát triển du lịch bởi nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt, kết nối “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Hành lang du lịch Đông - Tây”.
Để phát triển du lịch giữa tỉnh Bình Định và Thái Lan, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, UBND tỉnh Bình Định có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hãng hàng không hai nước mở đường bay thẳng kết nối các thành phố du lịch lớn của Thái Lan đến Bình Định để tạo cú hích giao lưu trao đổi khách và đầu tư trực tiếp.
Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Bình Định quan tâm hơn nữa, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến - quảng bá, hợp tác, thúc đẩy phát triển quan hệ hai chiều giữa du lịch Bình Định với các thành phố, trung tâm du lịch lớn của Thái Lan; Cử đầu mối liên hệ, phối hợp trao đổi đoàn cán bộ, doanh nghiệp du lịch để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh; Tham gia, tích cực phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch quốc gia tại Thái Lan trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cũng mong muốn, các doanh nghiệp của Việt Nam và Thái Lan chủ động đẩy mạnh hợp tác kinh doanh, kịp thời kiến nghị đến các cơ quan chức năng quản lý du lịch hai nước tháo gỡ khó khăn, trở ngại nếu có.
Tăng cường kết nối bằng đường hàng không
Để tăng cường phát triển du lịch giữa hai quốc gia, bà Wiraka Moodhitaporn - Tổng lãnh sự Hoàng gia Thái Lan tại TP. Hồ Chí Minh nêu ra: Việc thúc đẩy hợp tác du lịch song phương có thể được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng như: Hành lang Du lịch phía Nam (STC) thuộc khuôn khổ hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mekong (GMS); thúc đẩy du lịch và tiếp thị trong khuôn khổ Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya Mekong (ACMECS) với các cuộc họp về du lịch ở các cấp độ khác nhau.
Đồng thời hợp tác du lịch theo mô hình “Sáu quốc gia, một điểm đến” mà Thái Lan đặt mục tiêu hợp tác cùng 5 nước ASEAN là Brunei, Campuchia, Lào, Malaysia và Việt Nam để thu hút khách du lịch từ ngoài khu vực thông qua việc kết nối du lịch trong khu vực.
Theo bà Wiraka Moodhitaporn, Thái Lan và Việt Nam có thể phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch chung dưới nhiều hình thức như: Nâng cao nhận thức và thu hút sự quan tâm đối với các tuyến du lịch đường bộ kết nối Thái Lan và Việt Nam; thúc đẩy du lịch bằng du thuyền, kết nối cảng Laem Chabang của Thái Lan với các cảng của Việt Nam và khu vực ASEAN. Ngoài ra, tham gia Hội chợ Du lịch Thái Lan (Thailand Travel Mart Plus - TTM+) tại Thái Lan, tạo cơ hội kết nối với các doanh nghiệp du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Bà Supakan Yodchun, Giám đốc Văn phòng Tổng cục Du lịch Thái Lan tại TP.HCM chia sẻ, phần lớn du khách Thái Lan lựa chọn các tour du lịch kết nối bằng đường hàng không tại 3 miền của Việt Nam. Trong đó, tại miền Trung gồm các địa phương Đà Nẵng, Hội An, Huế, Nha Trang, Bình Thuận, Đà Lạt với thời gian lưu trú khoảng 4 ngày 3 đêm hoặc 3 ngày 2 đêm. Tuy nhiên, những hạn chế về giao thông di chuyển giữa các điểm đến và rào cản ngôn ngữ là những thách thức chính đối với du khách Thái Lan khi đến Việt Nam.
Đối với tỉnh Bình Định, bà Supakan Yodchun đưa ra có hai hướng để bắt đầu phát triển và xúc tiến du lịch với Thái Lan là kết nối với các đường bay hiện có giữa Thái Lan và Việt Nam. Đối với đường bộ thì hướng tới thị trường du khách Thái Lan ở khu vực Đông Bắc đặc biệt là tỉnh Ubon Ratchathani là tỉnh gần Bình Định nhất.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, địa phương sẽ cố gắng sớm có sân bay quốc tế. Về đường bộ, đối với gợi ý tuyến đường kết nối khu vực Đông Bắc Thái Lan qua Lào, lãnh đạo tỉnh Bình Định mong muốn Tổng cục Du lịch Thái Lan giúp tỉnh tiếp cận với các hiệp hội về lữ hành, liên quan đến du lịch để kết hợp với nhau, giới thiệu lập gói sản phẩm giữa Thái Lan đến với tỉnh Bình Định.