Đua ghe ngo- lễ hội văn hóa độc đáo dành cho du khách đến với TP.HCM
28/10/2024 | 13:54Du khách đến Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vào giữa tháng 11/2024 sẽ có dịp được tham gia Lễ hội Đua ghe ngo trên Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến kênh chảy qua trung tâm TP.HCM.
Lễ hội đua ghe ngo- nét đẹp văn hóa đặc trưng vùng sông nước
Ghe ngo là một loại phương tiện đường thủy đặc trưng của người Khmer Nam bộ, chiếc ghe ngo gắn liền với văn hóa và có giá trị tinh thần vô cùng to lớn đối với đồng bào Khmer Nam bộ. Trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Khmer, ghe ngo là vật thiêng, khi làm việc gì liên quan tới ghe ngo đều phải làm lễ cầu xin.
Trong quá trình làm ghe ngo, văn hóa tâm linh của người Khmer thể hiện trong việc chọn biểu tượng cho ghe ngo, mỗi chiếc ngo có một biểu tượng riêng. Biểu tượng của mỗi chiếc ngo được xem như đó chính là vị thần bảo hộ cho ngo, thường thì các vị thần như: Srey Khmav, Konseng Sorya, Chum tiev Ok… được chọn là các vị thần bảo vệ cho chiếc ngo.
Đua ghe ngo cũng chính là một môn thể thao truyền thống của người Khmer xuất hiện trong những ngày diễn ra lễ hội Ok Om Bok, đua ghe ngo được coi là hoạt động đặc trưng nhằm thể hiện sự biết ơn đối với thần nước đã mang đến cho người dân một mùa bội thu.
Trong đời sống sinh hoạt văn hóa hôm nay, lễ hội đua ghe ngo được tổ chức tại nhiều tỉnh/thành Nam bộ, nhằm góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam bộ. Lễ hội cũng góp phần tăng cường giao lưu văn hóa, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, quảng bá tiềm năng và lợi thế hình ảnh du lịch của địa phương như những điểm đến an toàn, thân thiện, nghĩa tình dành cho bạn bè trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, Lễ hội đua ghe ngo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký Quyết định số 74/QĐ-BVHTTDL ban hành ngày 02/01/2021, đưa Lễ hội truyền thống Lễ hội đua ghe Ngo của người Khmer tỉnh Sóc Trăng vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội đua ghe ngo qua đó được khẳng định vị thế trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ, được lan tỏa trong các hoạt động văn hoá, thể thao và là điểm nhấn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham gia, trải nghiệm.
Những năm gần đây, nhờ vào các chính sách phát triển kinh tế cũng như sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc mà các hoạt động văn hóa, thể thao vùng đồng bào Khmer được duy trì và phát triển lên tầm cao mới, nổi bật là phong trào đua ghe ngo.
Lễ hội đua ghe ngo được tổ chức, là dịp để người dân và du khách tụ họp vui chơi, thưởng thức các màn tranh tài của các đội thi, qua đó góp phần đắc lực vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đua ghe ngo nhờ đó mà phát triển, trở thành biểu tượng của sức mạnh tinh thần và sự đoàn kết trong đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ.
"Đất nước trọn niềm vui": Lễ hội đua ghe ngo Quận 3 mở rộng
Sau lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2023, Lễ hội đua ghe ngo Quận 3 mở rộng trên Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lần thứ 2 năm 2024 tiếp tục được tổ chức với chủ đề "Đất nước trọn niềm vui". Lễ hội diễn ra từ 06 giờ đến 12 giờ Chủ Nhật, ngày 10/11/2024 trên Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn từ Cầu Công Lý đến Cầu Lê Văn Sỹ, Quận 3, TP.HCM) với sự tham gia của 12 đội dự thi tới từ Quận 3, TP.HCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam như Bình Dương, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng…
Đây là một trong những hoạt động được tổ chức nhằm hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, Lễ hội Ok Om Bok (được biết đến với tên gọi là Lễ Đút cốm dẹp hay Lễ hội Cúng trăng)- một lễ hội truyền thống có ý nghĩa to lớn của đồng bào dân tộc Khmer.
Phát huy hiệu quả đạt được qua việc tổ chức Lễ hội đua ghe ngo lần đầu năm 2023, nhằm tăng cường sự đoàn kết gắn bó của khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, Quận ủy, UBND, UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 3 tiếp tục tổ chức Lễ hội đua ghe ngo lần 2 năm 2024.
Lễ hội được tổ chức như một minh chứng cho sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị của Quận trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam bộ, tăng cường giao lưu văn hóa, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, quảng bá tiềm năng và lợi thế hình ảnh du lịch của Quận 3- là điểm đến "An toàn, thân thiện, nghĩa tình" dành cho bạn bè trong nước và quốc tế khi đến với TP.HCM.
Năm nay, 12 đội dự thi tham gia Lễ hội đua ghe ngo tới từ các tỉnh, thành miền Nam gồm: Đội ghe ngo Dân quân tự vệ Quận 3 (TP.HCM), Đội ghe ngo Sinh viên Campuchia, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, Đội ghe ngo Candaransi (Quận 3, TP.HCM), Đội ghe ngo Tông Kim Quang (Bình Dương), Đội ghe ngo Học viện Phật giáo Nam tông Khmer (TP. Cần Thơ), Đội ghe ngo Khlang Ong (Châu Thành, Kiên Giang), Đội ghe ngo Siriavansa Thứ Ba (An Biên, Kiên Giang), Đội ghe ngo điểm sinh hoạt tập trung Tông Kim Biên (An Biên, Kiên Giang), Đội ghe ngo Khlang Mương (Châu Thành, Kiên Giang), Đội ghe ngo Xà Xiêm Mới (Châu Thành, Kiên Giang), Đội ghe ngo Cần Đước (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng).
Cùng với các hoạt động của Lễ hội đua ghe ngo Quận 3 năm nay, du khách cũng được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật với sự tham gia của các ca sĩ, với các ca khúc ngợi ca quê hương, đất nước, các ca khúc dân gian dân tộc Khmer…
Sau chương trình văn nghệ, Quận 3 sẽ tổ chức chương trình giao lưu văn hóa ẩm thực các dân tộc thiểu số tại TP.HCM với các món ăn đặc trưng của đồng bào như: cốm dẹp, bún nước lèo, bún cá, hủ tiếu Nam vang (của dân tộc Khmer), xôi khúc (dân tộc Bana), Dim sum, súp bát bửu (dân tộc Hoa), bánh dầy (dân tộc Mông), gỏi cuốn tôm thịt, bánh đậu xanh hình trái cây…
Với các hoạt động mang đậm nét truyền thống, văn hóa của các dân tộc sẽ giúp khơi gợi niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, người dân và du khách đến với Quận 3, TP.HCM. Sự kiện được tổ chức mang đầy màu sắc sinh động trong bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số, với những khúc ca rộn ràng, vui tươi của lòng người là điểm nhấn đáng chú ý trong các hoạt động văn hóa cuối năm 2024 của TP.HCM./.