Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 9/2/2022
09/02/2022 | 15:236,1 triệu lượt khách du lịch nội địa trong kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022; Rạp chiếu phim tại Hà Nội được mở cửa trở lại từ ngày 10/2; Phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất cho các đoàn thể thao dự SEA Games 31 là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
-TTXVN ngày 9/2 đưa tin:
Kỷ niệm 20 năm chương trình tiếng dân tộc lên sóng truyền hình quốc gia
Năm 2022, Đài Truyền hình Việt Nam kỷ niệm tròn 20 năm ngày lên sóng chương trình truyền hình tiếng dân tộc đầu tiên, cũng tròn 20 năm, VTV5 trở thành người bạn gắn bó với khán giả và đồng bào dân tộc thiểu số. Từ những bước đi ban đầu còn bỡ ngỡ, khó khăn, xây dựng một kênh sóng đặc thù riêng biệt, tới nay, kênh truyền hình tiếng dân tộc VTV5 lớn mạnh với 3 kênh sóng độc lập, đã và đang trở thành người bạn gắn bó với khán giả và đồng bào dân tộc thiểu số.
Nét đẹp phong tục khai bút đầu Xuân
Ngày 8/2 (ngày mùng 8 tháng Giêng năm Nhâm Dần), tại Đền thờ thầy giáo Chu Văn An (phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Chí Linh tổ chức Lễ khai bút đầu Xuân và phát động Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần năm 2022. Tại buổi lễ, các đại biểu đã tưởng nhớ, tri ân công lao của thầy giáo Chu Văn An và nêu bật nét đẹp phong tục khai bút đầu Xuân.
Độc đáo tranh thờ của người Dao quần chẹt Thanh Hóa
Sinh sống lâu đời trên vùng đất Cẩm Thủy (Thanh Hóa), đồng bào dân tộc Dao quần chẹt đã gìn giữ và duy trì một trong những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đó là tranh thờ. Đồng bào Dao trong cả nước nói chung, đồng bào Dao Thanh Hóa nói riêng quan niệm trong những ngày lễ quan trọng của cuộc đời như lễ Cấp sắc, lễ Hoàn nguyện, Tết nhảy, lễ Tạ mả (lễ tang), Đám ma tươi... đều không thể thiếu được tranh thờ. Người Dao không treo tranh hàng ngày trong nhà, mà chỉ khi tiến hành nghi lễ, họ mới treo tranh thờ lên, thực hiện lễ xong lại cuộn tranh cất đi.
Hà Nội cho phép mở lại rạp chiếu phim, cơ sở biểu diễn văn hóa nghệ thuật từ 10/2
Ngày 8/2, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký văn bản hỏa tốc số 345 cho phép mở cửa lại các rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn nghệ thuật tại Hà Nội. UBND TP Hà Nội thống nhất về chủ trương với đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao tại công văn số 355/SVHTT-QLNT ngày 8/2/2022 về việc mở cửa lại các rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn nghệ thuật (các nhà hát, rạp hát...) trên địa bàn TP kể từ ngày 10/2/2022.
Nem Việt Nam - Một trong các món ăn ưa thích hàng đầu của người Pháp
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, cùng với Sushi của Nhật Bản và bỏng ngô của Mỹ, nem Việt Nam được đánh giá là một trong những món ăn ưa chuộng nhất của người Pháp. Với tiêu đề "Người Pháp phát cuồng vì những món ăn lạ", kênh truyền hình TF1 ngày 7/2 đã phát phóng sự về xu hướng người Pháp ngày càng yêu thích ẩm thực nước ngoài. Phóng sự cho biết điều này không phải là mới, song từ 10 năm trở lại đây, xu hướng này ngày một rõ nét.
- Báo Quân đội Nhân Dân ngày 8/2 đưa tin:
Đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với nhà xuất bản
Tìm hiểu một số sai phạm trong lĩnh vực xuất bản thời gian qua, dễ dàng nhận thấy hầu hết xuất bản phẩm sai phạm đều thuộc về một số nhà xuất bản (NXB) yếu kém chuyên môn cũng như kinh doanh, bị đối tác liên kết thao túng... Sau nhiều năm bỏ bê, đã có những chuyển động tích cực của các cơ quan chủ quản thể hiện quyết tâm hỗ trợ NXB vượt qua khó khăn. Từ đây, có thể hy vọng ngành xuất bản Việt Nam sẽ được sắp xếp theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa; để chỉ NXB nào thực sự hoạt động hiệu quả, có cơ quan chủ quản trách nhiệm là có thể phát triển trong tương lai.
Ra mắt sách về cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Vân
Nhân lần giỗ thứ 4 của nhạc sĩ Hoàng Vân, hai cuốn sách Nhạc và đời (Viện Âm nhạc) và Cho muôn đời sau (Nhà xuất bản Kim Đồng) sẽ được ra mắt độc giả trong tháng 2 này. Cuốn thứ nhất "Nhạc và Đời" (Viện Âm nhạc) bao gồm 15 bài lý luận phân tích về các ca khúc và tác phẩm khí nhạc tiêu biểu do các nhà lý luận âm nhạc, nhạc sĩ, nhạc trưởng nổi tiếng viết và tuyển chọn một số các bài nổi bật của nhiều nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ… viết về con người, cuộc đời của nhạc sĩ Hoàng Vân. Cuốn thứ hai "Cho muôn đời sau" (Nhà xuất bản Kim Đồng) là một cuốn hồi ký-tiểu sử của nhạc sĩ thông qua các tác phẩm để đời của ông do con gái Lê Y linh - Tiến sĩ âm nhạc chấp bút.
Kết nối văn hóa đọc: Bộ sách quý về lịch sử Đảng ta
Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 / 3-2-2022), 60 năm Ngày thành lập ngành Lịch sử Đảng (24-1-1962 / 24-1-2022), Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức biên soạn, phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản bộ sách "Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam". Lịch sử Đảng ta thể hiện sinh động những giá trị sáng tạo lý luận và kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng; phản ánh mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Lịch sử Đảng ta là "cả một pho lịch sử bằng vàng".
Đưa di sản làng Trường Lưu ra thế giới
Trong hệ thống di sản của làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường (Can Lộc, Hà Tĩnh), đặc sắc nhất là "Mộc bản Trường học Phúc Giang" và "Hoàng Hoa sứ trình đồ". Thời gian qua, nhân dân và chính quyền địa phương nơi đây đang tích cực giới thiệu, quảng bá để hai di sản này vươn tầm thế giới. Làng Trường Lưu hiện có 37 nhà thờ các dòng họ và 10 ngôi nhà cổ khoảng hơn 100 tuổi. Dòng họ Nguyễn Huy có tới 22 nhà thờ, trong đó 4 nhà thờ được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Bình Thuận khôi phục lễ hội, nuôi dưỡng văn hóa từ cơ sở
Tỉnh Bình Thuận đã có nhiều biện pháp nhằm khôi phục, làm mới các lễ hội, gắn với xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ để nuôi dưỡng, bảo tồn, phát huy tốt giá trị văn hóa các dân tộc. Tỉnh Bình Thuận có 34 dân tộc anh em, có đời sống văn hóa phong phú nhưng nhiều nơi kinh tế còn khó khăn. Trước tác động của nhiều yếu tố, văn hóa của không ít tộc người đứng trước nguy cơ bị mai một, lãng quên. Để khắc phục vấn đề này, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều biện pháp nhằm khôi phục, làm mới các lễ hội, gắn với xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ để nuôi dưỡng, bảo tồn, phát huy tốt giá trị văn hóa các dân tộc.
TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt
Sáng 7-2, tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (còn gọi là Lăng Ông Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) diễn ra Lễ Khai hạ - Cầu an Xuân Nhâm Dần 2022. Đây là lễ hội truyền thống diễn ra hằng năm vào ngày mùng 7 Tết Nguyên đán với ước nguyện cho một năm mới bình an. Lễ Khai hạ - Cầu an Xuân Nhâm Dần 2022 gồm nhiều nghi thức như: Lễ hạ nêu, lễ khai hạ đầu năm, lễ khai bút, lễ khai ấn và lễ xây cầu nhằm cầu an cho nhân dân, đất nước, nguyện ước TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững hơn. Trong lễ Khai hạ - Cầu an còn diễn ra sinh hoạt văn hóa hát bội với các tuồng tích như: Ngọc Quỳnh lâm tế, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, San Hậu...
Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý
Đảng ta là đảng cầm quyền, tất cả mọi việc Đảng nghĩ, Đảng làm đều nhằm mục đích mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc. Bác Hồ dạy Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Muốn vậy, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải có văn hóa. Đại hội XIII của Đảng xác định phải chú trọng "Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý", tức xây dựng văn hóa trong chính trị của một đảng lãnh đạo. Tuy khái niệm khác nhau nhưng văn hóa lãnh đạo và văn hóa quản lý có điểm chung là tạo ra một hệ thống những ý nghĩa, giá trị, niềm tin mang tính chuẩn mực của phong cách người đứng đầu có ảnh hưởng lớn trong xã hội.
- Báo điện tử Người Lao động ngày 9/2 đưa tin:
TP HCM triển khai nhiều dự án nghệ thuật
Những hoạt động nghệ thuật đặc sắc mang thương hiệu của TP HCM dự kiến sẽ được triển khai trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022. Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đã rất linh hoạt trong việc thích nghi với tình hình mới. Nhiều chương trình được thực hiện bằng hình thức livestream nhằm giữ kết nối giữa nghệ sĩ, các đơn vị làm văn hóa với khán giả tại nhà; các hoạt động tham quan bảo tàng trực tuyến.
Nhiều hoạt động tại ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc"
Trong 2 ngày 12 và 13-2, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) sẽ tổ chức ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc". NSND Phạm Thị Thành nhận định ngày hội được tổ chức đầu năm mới còn biểu thị tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ nhau chiến thắng đại dịch Covid-19 trong bối cảnh cả nước đang thích ứng linh hoạt, hiệu quả, an toàn trong công tác phòng chống dịch.
Sân khấu thắng lớn, phim Tết kém vui
Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật tại TP HCM đã diễn ra sôi động trong dịp Tết Nhâm Dần dù khán giả vẫn chưa phục hồi thói quen ra rạp xem phim. Sân khấu TP HCM trong những ngày diễn Tết đã cho thấy sự khởi sắc khi sàn diễn liên tục sáng đèn trong điều kiện tuân thủ phòng chống dịch. So với những năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mùa phim Tết Nhâm Dần sụt giảm về lượng doanh thu, lượng khán giả đến rạp.
Độc đáo không gian hội họa mừng xuân của họa sĩ Văn Dương Thành
Không gian hội họa Văn Dương Thành đang diễn ra ở Hà Nội gây ấn tượng với người xem qua hơn 20 bức tranh quý của các danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên... Tạo không gian hội họa này với mục đích dành cho khách tham dự đối thoại với họa sĩ, cùng xem họa sĩ làm việc, thưởng thức những bức tranh đã hoàn thành và cả những bức còn đang ở trên giá vẽ, họa sĩ Dương Văn Thành đã khởi xướng mô hình triển lãm độc đáo mà nhiều tỉnh, thành có thể tham khảo để tổ chức quảng bá mỹ thuật.
2.Lĩnh vực Du lịch
-Báo Nhân Dân, Báo Tin tức, báo Hà Nội mới và nhiều báo khác ngày 9/2 đưa tin: "6,1 triệu lượt khách du lịch nội địa trong kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022" cho biết: Ngành Du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã đón những tín hiệu khởi sắc ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới Nhâm Dần khi có tới 6,1 triệu lượt khách du lịch nội địa Tết. Theo thống kê ban đầu, trong 9 ngày Tết (từ ngày 29/1/2022-6/2/2022), nhu cầu du lịch nội địa đã thực sự bùng nổ với khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng.
Những con số "biết nói" của ngành du lịch ngay trong những ngày đầu năm mới Tết Nhâm Dần 2022 đã mở ra triển vọng phục hồi tích cực cho ngành Du lịch trong năm 2022. Điều này có được từ sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, nỗ lực của cơ quan quản lý du lịch từ trung ương đến địa phương, điểm đến và doanh nghiệp trong bối cảnh vaccine ngừa Covid-19 đã được phủ diện rộng.
- Báo Nhân Dân ngày 9/2 đưa tin:
Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài mở cửa đón khách
Sau thời gian tạm ngừng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19, bắt đầu từ ngày 8/2, khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài Đà Nẵng chính thức mở cửa hoạt động trở lại đón khách tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Bà Lê Thị Bích Hương, Giám đốc Truyền thông và Marketing khu du lịch Núi Thần Tài cho biết, trong đợt mở cửa trở lại này, khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài đã cải tạo nhiều cảnh quan trong khuôn viên khu du lịch, tạo một không gian vui chơi, nghỉ dưỡng an toàn, lành mạnh và trong lành.
Khơi dậy bền vững tiềm năng du lịch hồ Ba Bể
Năm 2022 được Bắc Kạn xác định là năm bản lề, tạo động lực đưa du lịch hồ Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia vào năm 2025. Để thực hiện được mục tiêu đó, thời gian qua, Bắc Kạn đã tập trung huy động các nguồn lực để lập các quy hoạch phát triển, quy hoạch xây dựng như: Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn; Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn; Quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch phân khu chức năng...
- TTXVN ngày 9/2 đưa tin:
Quảng Ninh mở cửa phục hồi du lịch, quyết tâm đón khoảng 10 triệu lượt khách năm 2022
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh, nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 mũi 3 của tỉnh cao nhất và sớm nhất cả nước, cùng sự chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, năm 2022, tỉnh Quảng Ninh xác định phục hồi du lịch nhanh, bền vững, quyết tâm đón từ 9,53 triệu đến 10 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 1,5 triệu lượt.
Chùa Hương mở cửa đón du khách từ 16/2
Tối 8/2, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản hỏa tốc số 346/UBND-KGVX về việc đồng ý với đề nghị của UBND huyện Mỹ Đức, cho phép chùa Hương mở cửa đón du khách từ 16/2. Việc mở cửa đón khách tham quan chùa Hương Sơn không chỉ là mong muốn của chính quyền và người dân xã Hương Sơn, mà còn là niềm mong mỏi của du khách thập phương trong việc thể hiện tín ngưỡng, tâm linh. Hiện tại, huyện Mỹ Đức cũng đã chuẩn bị tốt công tác phòng dịch để đón khách về tham quan.
-Báo điện tử VOV ngày 9/2 đưa tin:
Đề xuất miễn thị thực 24 quốc gia khi mở cửa du lịch
Về mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế, Bộ VHTT&DL đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, đề xuất miễn thị thực đơn phương đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ như thời điểm trước năm 2020 (trước khi dịch Covid-19 bùng phát). Trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, khách du lịch quốc tế đến theo chương trình "hộ chiếu vaccine" đạt 467 khách. Từ khi Chương trình được triển khai đến ngày 7/2/2022, đã đón được 8.967 khách du lịch quốc tế đến 3 địa phương là Kiên Giang (Phú Quốc), Khánh Hòa, Quảng Nam. Đã có 27 trường hợp xét nghiệm dương tính với Covid-19 (17 tại Phú Quốc, Kiên Giang và 10 tại Khánh Hòa).
Kịp thời công bố lộ trình và triển khai thực hiện mở cửa lại du lịch
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp cơ quan, địa phương kịp thời công bố lộ trình và triển khai thực hiện mở cửa lại du lịch, các ngành giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể thao gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh.
-Báo điện tử Dân Trí ngày 8/2 đưa tin:
Ẩm thực Hà Nội được tôn vinh trong Top những điểm đến hàng đầu
Mới đây, trang du lịch nổi tiếng Tripadvisor đã công bố danh sách "Top 25 điểm đến hàng đầu trên thế giới thích hợp cho du khách đam mê khám phá ẩm thực năm 2022", theo đó, thủ đô Hà Nội của Việt Nam xếp hạng 22. Được biết, kết quả bình chọn dựa trên hàng triệu đánh giá và ý kiến của du khách trên toàn thế giới.
Hết kỳ nghỉ Tết, Hội An vẫn đón hàng nghìn khách tham quan mỗi ngày
Mùng 7 Tết, dù đã hết kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần, hàng nghìn du khách vẫn đổ về phố cổ Hội An vui chơi, tham quan. Từ mùng 4 Tết, TP Hội An đã khôi phục lại các hoạt động tham quan khu phố cổ, các làng nghề truyền thống, thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm. Các điểm tham quan như chùa Cầu, Hội quán Phúc Kiến… thu hút đông đảo du khách đến thăm viếng.
Tết năm nay, Huế đón du khách đông gấp 3 lần năm trước
Trong 10 ngày trước và trong Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, Thừa Thiên Huế đón tổng lượt du khách tăng gấp 3 lần năm trước. Cụ thể, theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, từ 28/1 - 6/2 (nhằm 26 tháng Chạp đến mùng 6 Tết nguyên đán), cố đô Huế đón hơn 63 nghìn lượt du khách đến và tham quan các điểm di tích và các điểm du lịch, văn hóa, lịch sử; tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Đầu năm thăm làng rau trăm tuổi nổi tiếng trên bản đồ du lịch quốc tế
Người dân làng rau Trà Quế - làng rau 500 năm tuổi ở ngoại ô đô thị cổ Hội An - bước vào năm mới Nhâm Dần 2022 với ước mơ "mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu". Năm 2015, nhật báo Le Figaro của Pháp đã giới thiệu một danh sách 10 điểm tham quan không thể bỏ qua nếu du lịch tới Việt Nam. Trong danh sách này, làng rau Trà Quế xếp thứ nhất.
- Báo Văn Hóa ngày 8/2 đưa tin:
Khánh Hòa: Đón hơn 98.000 lượt khách du lịch dịp đầu năm
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong 9 ngày (từ 27 tháng Chạp đến mùng 6 Tết), toàn tỉnh đã đón khoảng 98.600 lượt khách du lịch, trong đó có 95.600 lượt khách nội địa, 3.000 lượt khách quốc tế; công suất buồng phòng đạt hơn 72%. Tổng doanh thu khoảng từ hoạt động du lịch dịp Tết đạt 524,3 tỷ đồng. Tuy lượng khách tăng cao nhưng công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm túc; giá cả dịch vụ du lịch, ăn uống không tăng quá cao so với ngày thường…
Lào Cai đón 98.000 lượt du khách trong dịp Tết
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai cho biết, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 kéo dài 9 ngày (29.1.2022 – 6.2.2022), thời tiết tương đối thuận lợi, cùng với sự chủ động triển khai các phương án mở cửa đón khách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Do vậy, Lào Cai đã thu hút được lượng lớn khách du lịch tham quan nghỉ dưỡng. Tổng lượng khách đến Lào Cai đạt khoảng 98.000 lượt khách, tăng khoảng 118% so với cùng kỳ 2021 (45.000 lượt); 100% là khách du lịch nội địa. Lượng khách đến Lào Cai đông nhất tập trung từ sau mùng 2 Tết. Ước tính hoạt động dịch vụ du lịch đã mang về cho Lào Cai dịp Tết nguyên đán là 432 tỷ đồng.
Du lịch toàn cầu khôi phục mạnh mẽ và sẵn sàng cho tương lai
Tổ chức du lịch Thế giới (UNWTO) nhận định, năm 2022 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với xã hội, nền kinh tế và ngành Du lịch toàn cầu. Nhiều triệu việc làm và doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng nguy hiểm, do cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn và hành động của các Chính phủ. Tuy nhiên, tình hình hiện nay không như khi đại dịch được tuyên bố vào tháng 3 năm 2020. Trên thực tế, ngành Du lịch nhiều nơi đã thành công trong việc đặt nền móng để khởi động lại với các trụ cột là bền vững, đổi mới, con người và đầu tư cho một tương lai bền vững.
3.Lĩnh vực Thể thao
-TTXVN ngày 9/2 đưa tin: "Hành trình đến SEA Games 31: Nước chủ nhà Việt Nam đặt mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa" cho biết: SEA Games 31 - sự kiện thể thao đa môn lớn nhất khu vực Đông Nam Á được tổ chức tại Việt Nam, sẽ không chỉ là một kỳ Đại hội thể thao công bằng, fair-play mà còn là một kỳ Đại hội xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường. Tất cả những hành động này đều nhằm lan tỏa thông điệp kêu gọi cùng hành động để giảm ô nhiễm nhựa, xây dựng một Đông Nam Á lành mạnh hơn, tươi đẹp hơn; đồng thời truyền cảm hứng cho công chúng.
- Báo Hà Nội mới ngày 9/2 đưa tin:
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam và huấn luyện viên Mai Đức Chung được đề nghị trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất
Ngày 8-2, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn đã ký tờ trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam và huấn luyện viên Mai Đức Chung.
Đội tuyển U23 Việt Nam thắng U19 Bình Dương 3-0 trong trận giao hữu
Trong trận giao hữu trên sân vận động Bình Dương diễn ra vào tối 8-2, đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam đã giành chiến thắng 3-0 trước đội tuyển U19 Bình Dương. Đây là trận giao hữu đầu tiên của đội tuyển U23 Việt Nam trong chuyến tập huấn tại Bình Dương trước khi lên đường sang Campuchia để tham dự giải U23 Đông Nam Á.
Đẩy nhanh tiến độ cải tạo công trình phục vụ SEA Games 31
Sáng 8-2, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã kiểm tra 4 công trình phục vụ cho Đại hội Thể dục - Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31) tại Hà Nội gồm: Nhà thi đấu huyện Thanh Trì, Nhà thi đấu huyện Gia Lâm, Nhà thi đấu quận Long Biên và Nhà thi đấu quận Tây Hồ. Cùng đi có Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn và đại diện các đơn vị liên quan.
Phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất cho các đoàn thể thao dự SEA Games 31
Tổng cục Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, cơ quan chức năng đã xây dựng các kịch bản, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn cho thành viên các đoàn thể thao của các quốc gia tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31).
-Báo Nhân Dân ngày 9/2 đưa tin:
Vì sao cầu thủ nội xuất ngoại chưa thành công?
Những năm qua, đã có nhiều cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu, nhưng sau đó đều trở về nước, do không tạo dựng được chỗ đứng tại các câu lạc bộ mới, hoặc ít khi được thi đấu. Có thể kể ra trường hợp của: Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường… Họ đều là những tài năng của bóng đá Việt Nam, song lại rất chật vật tìm chỗ đứng ở các câu lạc bộ nước ngoài.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Quan tâm phát triển thể thao Việt Nam toàn diện, chú trọng bóng đá và thể thao thành tích cao
Chiều 8/2, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Huấn luyện viên Park Hang Seo, lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau khi Đội tuyển bóng đá nam và Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia giành được 2 chiến thắng liên tiếp trong ngày mùng 1 và mùng 2 Tết Nhâm Dần. Về tầm nhìn phát triển thể thao Việt Nam để hướng tới một nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm phát triển thể thao Việt Nam toàn diện và chú trọng thể thao thành tích cao, phát triển một số môn có đông người yêu thích như bóng đá.
-Báo Công an Thành phố Đà Nẵng ngày 8/2 đưa tin:
Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đề nghị khen thưởng xứng đáng đội tuyển nữ Việt Nam
Ngay sau chiến thắng 2-1 của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam trước đội tuyển Đài Loan (Trung Quốc), để lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền tham dự World Cup, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, khen ngợi toàn thể các cầu thủ và Ban huấn luyện đội tuyển nữ Việt Nam. Gửi lời chúc mừng đội tuyển, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực và bản lĩnh thi đấu của các nữ cầu thủ. Dự kiến Thủ tướng sẽ có buổi gặp mặt biểu dương đội tuyển nữ ngay sau khi đội tuyển trở về nước. Đặc biệt, ngoài tiền thưởng theo quy định, Thủ tướng sẽ huy động các nguồn tài trợ để khen thưởng 4 tỷ đồng cho thành tích lịch sử của bóng đá nữ Việt Nam.
U23 Việt Nam hướng đến ngôi vương Đông Nam Á
Sau khi tập luyện xuyên Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tại Hà Nội, đội tuyển U23 Việt Nam đã chuyển địa điểm đến Bình Dương, bắt đầu tuần tập huấn trước khi sang Campuchia (dự kiến ngày 11-2) tham dự giải vô địch U23 Đông Nam Á. Theo kế hoạch, U23 Việt Nam sẽ có một tuần tập luyện tại Bình Dương cũng như hơn một tuần tập luyện tại Pnom Penh, Campuchia trước khi bước vào trận đấu đầu tiên của giải vô địch U23 Đông Nam Á. Với khoảng thời gian 2 tuần ấy là đủ để các cầu thủ thích nghi với điều kiện thời tiết nắng nóng.
Những cô gái vàng viết sử
Đội tuyển nữ Việt Nam đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên giành tấm vé trực tiếp đi VCK World Cup nữ 2023, sau chiến thắng trước Đài Bắc Trung Hoa trong trận play-off diễn ra ngày 6-2 trên sân vận động D.Y.Patil (Navi Mumbai, Ấn Độ) thuộc khuôn khổ vòng chung kết Asian Cup 2022. Hiện tại, đội tuyển nữ Việt Nam đang đứng trên đỉnh cao bóng đá nữ Đông Nam Á sau khi đã lập cú đúp chiến thắng trước kình địch Thái Lan để vô địch AFF Cup nữ và giành Huy Chương Vàng môn bóng đá nữ SEA Games trong năm 2019. T
-Báo điện tử Dân Trí ngày 8/2 đưa tin:
Thua đội tuyển Việt Nam, Trung Quốc loại hàng loạt trụ cột
Trận thua đội tuyển Việt Nam tác động rất lớn đến cách sử dụng lực lượng của đội tuyển Trung Quốc trong thời gian tới. Lúc này, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc hé lộ việc ưu tiên suất cho các cầu thủ trẻ ở hai lượt trận cuối cùng vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, đồng nghĩa với việc hàng loạt gương mặt kỳ cựu sẽ bị loại. Tờ Sohu của Trung Quốc viết: "Đội tuyển Trung Quốc bổ sung gấp 10 cầu thủ trẻ, có thể bỏ luôn các cầu thủ nhập tịch".
HLV Mai Đức Chung không tiếc lời khen học trò trên báo châu Á
Phát biểu trên trang chủ Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), HLV Mai Đức Chung thể hiện sự tự hào về các cầu thủ nữ Việt Nam. AFC dẫn lời HLV Mai Đức Chung: "Tôi rất tự hào về các cầu thủ của mình. Họ đã làm việc rất chăm chỉ để có được thành quả ngày hôm nay. Bây giờ, chúng tôi đã có suất chơi tại World Cup bóng đá nữ vào năm sau". "Đó là kết quả tuyệt vời, các cầu thủ hết sức hạnh phúc. Đấy cũng là cái kết đẹp cho chiến dịch của chúng tôi tại giải châu Á. Hiện tại, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ hướng về việc chuẩn bị cho World Cup"
Tuyển nữ Việt Nam dự World Cup: Đừng để lời tung hô trở thành… cơn gió!
Lịch sử bóng đá nữ Việt Nam đã sang trang sau tiếng còi kết thúc trận đấu với Đài Loan (Trung Quốc). Lần đầu tiên trong lịch sử, những cô gái vàng của bóng đá Việt Nam cảm nhận được sự ngọt ngào của World Cup. Họ đã cùng nhau tận hưởng khoảnh khắc của đời người. Những sự khen thưởng, ủng hộ lúc này là cần thiết. Nhưng biết đâu, khi ánh sáng của vinh quang không còn, những cô gái vàng của Việt Nam sẽ lại trở về với… khó khăn, không ai ngó ngàng tới…
Ai thay HLV Mai Đức Chung ở đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam?
HLV Mai Đức Chung để lộ ý định thôi dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, cũng là lúc mà VFF nên tính tới phương án nhân sự thay thế. Khả năng vị HLV kỳ cựu này sẽ tiếp tục là "thuyền trưởng" của đội tuyển nữ tại SEA Games 31, diễn ra vào giữa năm nay trên sân nhà. Một trong những gương mặt sáng giá nhất trong việc thay HLV Mai Đức Chung khả năng sẽ là HLV Đoàn Thị Kim Chi, người hiện đang là trợ lý của ông Chung ở đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, đồng thời là HLV của đội bóng đá nữ TPHCM.
Báo Trung Quốc: "Hãy xem tuyển Việt Nam là hình mẫu để chọn HLV"
Tờ Sohu (Trung Quốc) lo lắng cho tương lai của HLV Li Xiaopeng. Họ nhấn mạnh rằng Liên đoàn bóng đá Trung Quốc cần nhìn vào đội tuyển Việt Nam để chọn HLV ngoại phù hợp. Bình luận về vấn đề này, tờ Sohu (Trung Quốc) viết: "Ở thời điểm này, những người hâm mộ Trung Quốc cũng mất niềm tin vào những HLV bản địa. Nếu phải chọn HLV nước ngoài ở thời điểm này, có lẽ Liên đoàn bóng đá Trung Quốc nên học hỏi đội tuyển Việt Nam".
4.Lĩnh vực Gia đình
- Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 8/2 đưa tin: "TPHCM: Hơn 1.000 tỉ đồng chăm lo dịp Tết Nhâm Dần" cho biết: Tổng kinh phí chăm lo Tết Nhâm Dần 2022 cho các đối tượng chính sách trên địa bàn TPHCM là hơn 1.062 tỉ đồng, tăng hơn 136 tỉ đồng so với Tết Tân Sửu 2021. Đây là thông tin được ông Đặng Quốc Toàn, Chánh văn phòng UBND TPHCM, chia sẻ tại buổi họp mặt báo chí Xuân Nhâm Dần 2022. Theo ông Toàn, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Thành phố triển khai chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, có công, đồng bào nghèo, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, công nhân, sinh viên trên địa bàn, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức đón Tết cổ truyền với phương châm "Tết tri ân, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm".