Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 8/2/2022
08/02/2022 | 16:16Lễ hạ nêu và khai ấn tại khu di sản Hoàng Cung Huế; Khởi sắc du lịch thành phố Hồ Chí Minh dịp Tết; Đội tuyển nữ Việt Nam hướng tới HCV SEA Games sau khi giành vé dự World Cup là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
- Báo Tin tức ngày 8/2 đưa tin:
Ngày hội 'Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc' sẽ diễn ra ngày 12 - 13/2
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 7/2 cho biết: Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vào ngày 12-13/2. Ngày hội nhằm biểu thị tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, thể hiện sự kết nối cộng đồng, hỗ trợ nhau cùng phát triển, niềm tin chiến thắng đại dịch COVID-19 trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, hiệu quả, an toàn.
Độc đáo 14 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam
Tính đến nay, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh 14 di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Hát Ca Trù, Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc, Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca Ví, Dặm Nghệ Tĩnh, Nghi lễ và trò chơi Kéo co, Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ, Hát Xoan, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái và mới đây nhất là Nghệ thuật Xòe Thái.
Lễ hội Lồng tồng - nét văn hóa đặc sắc của người Tày ở Hà Giang
Đến với Hà Giang trong những ngày đầu Năm mới Nhâm Dần 2022, du khách sẽ được thưởng thức, chiêm ngưỡng Lễ hội Lồng tồng - một lễ hội mang ý nghĩa tâm linh, độc đáo, giá trị nhân văn của dân tộc Tày. Theo ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Lễ hội Lồng tồng ở Hà Giang nhiều năm qua được ví như một "bảo tàng sống," là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc Tày nơi đây. Đây là một nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng phồn thực. Là mảnh đất địa đầu biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang hội tụ 19 dân tộc anh em cùng chung sống; nơi đây luôn được đánh giá có sự đa dạng văn hóa cao, mỗi dân tộc ở Hà Giang đều có những nét văn hóa đặc trung, riêng biệt và rất độc đáo.
- Báo Văn hóa ngày 7/2 đưa tin:
Dòng người đổ về Lam Kinh lễ đầu năm Nhâm Dần
Những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, hàng nghìn người dân và du khách thập phương đổ về Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) để du xuân, lễ đầu năm và dâng hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Lê Lợi cũng như nhiều vị vua, gia tộc họ Lê... Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc, trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1962, tiếp đó, năm 2013, Khu Di tích này được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Lam Kinh là đất tổ nhà Lê, nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi và là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV.
Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng - Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer
Lễ hội đua ghe ngo không chỉ là hoạt động thể thao, thể hiện tính cộng đồng mà còn có ý nghĩa văn hóa, tâm linh đặc biệt với đồng bào dân tộc Khmer. Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tin vui đối với đồng bào Khmer, giúp đồng bào nơi đây tiếp tục gìn giữ, phát huy lễ hội truyền thống đặc sắc. Đua ghe ngo là phần hấp dẫn nhất trong lễ hội Ook Om Bok - một trong 3 lễ hội lớn của người Khmer, bên cạnh Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay và lễ cúng ông bà Sene Dolta.
Lần đầu tiên giới thiệu "Văn hoá ngày Tết của người Việt" tại EXPO
Lần đầu tiên, Nhà Triển lãm Việt Nam cùng cộng đồng người Việt đã quảng bá và giới thiệu Tết cổ truyền Việt Nam đến bạn bè quốc tế tại Expo 2020 Dubai (UAE). Sự kiện nhằm quảng bá Tết cổ truyền- Xuân Nhâm Dần với sự tham dự của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Tổng Đại diện Việt Nam tại Expo 2020 Dubai Trần Nhất Hoàng cùng hơn 70 người gia đình cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Dubai, khách quốc tế đến từ Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ả rập Xê út, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Lào... cùng nhau tạo nên một không khí Xuân rộn ràng, vui tươi.
Cải lương phối hợp xiếc công diễn vở Thượng thiên Thánh mẫu
Vở diễn Thượng thiên Thánh mẫu do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp dàn dựng dựa trên huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh sẽ được công diễn chính thức từ ngày 6.2 đến 8.2.2022 tại Rạp xiếc Trung ương, Hà Nội. Đây là tác phẩm thứ hai trong dự án Huyền sử Việt. Vở diễn đem lại cho khán giả sự hiểu biết đầy đủ hơn về hình tượng Thánh Mẫu và sự khởi tạo nên đạo Mẫu Việt Nam với tinh thần tôn vinh các vị danh tướng, danh thần, nữ thần có công đức trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Di tích Đền Bà Chúa Kho tạm dừng đón du khách
Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường Vũ Ninh ban hành Thông báo số 85/TB-BCĐ về việc tạm dừng đón tiếp khách tại đền Trình và đền Bà Chúa Kho, TP Bắc Ninh. Theo đó, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, du khách về lễ đền Bà Chúa Kho quá đông, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân, Ban chỉ đạo - Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 phường Vũ Ninh và Ban tổ chức lễ hội đền Bà Chúa Kho thông báo: Đóng cửa Đền và tạm dừng đón tiếp khách tại đền Trình và đền Bà Chúa Kho từ ngày 5.2. 2022 (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Nhâm Dần) cho đến khi có thông báo mới.
- Báo điện tử VOV ngày 8/2 đưa tin:
Dừng tổ chức lễ hội đầu năm, người dân vẫn tấp nập đi du xuân
Dù các lễ hội đầu năm dừng tổ chức, người dân vẫn đổ về các điểm tham quan, di tích để dâng hương, đi lễ. Lễ hội Khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) thường thu hút hàng vạn người từ khắp cả nước tham dự, đặc biệt là trong đêm 14 tháng giêng âm lịch, thời điểm diễn ra nghi lễ khai ấn. Năm nay, tuy không tổ chức Lễ Khai ấn như thông lệ nhưng từ đầu năm, đền Trần vẫn mở cửa cho du khách thập phương đến thăm viếng. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều du khách từ các tỉnh, thành đổ về Đền Trần (Nam Định) dâng hương và xin lộc đầu năm.
Dấu ấn văn hóa truyền thống Việt Nam trong nhạc trẻ đương đại
Đưa chất liệu truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa Việt vào trong các sản phẩm âm nhạc đương đại trở thành xu hướng của các nghệ sĩ trẻ và được khán giả đón nhận. Trong vài năm trở lại đây, V-pop chứng kiến sự trỗi dậy của EDM, rap/hiphop, indie… tạo nên sự đa dạng cho thị trường âm nhạc vốn đã rất sôi động. Những tác phẩm mang xu hướng quốc tế, hiện đại ra đời, chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi những nền âm nhạc lớn trên thế giới như US-UK, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… khiến thị trường âm nhạc Việt trở nên bão hòa với nhiều tác phẩm na ná nhau.
Lan tỏa văn hóa Việt Nam
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, ngoại giao văn hóa là một trụ cột quan trọng của công tác đối ngoại, góp phần nâng tầm và làm lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Cùng với đó, Tổng Bí thư cũng chỉ đạo phát huy "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.
Tây Nguyên - lời hẹn kho báu sử thi
Trong khi kho tàng sử thi của hầu hết các quốc gia trên thế giới chỉ còn lại ở dạng văn bản, những người kể sử thi trên thế giới đã trở thành thiên cổ, thì ở Tây Nguyên của Việt Nam vẫn còn nguyên một kho tàng sử thi hùng ca cực kỳ đồ sộ, với các nghệ nhân diễn xướng vẫn còn tại thế. Từ xuân Nhâm Dần này, với việc ca kịch "Khát vọng Đăm San" - chuyển thể từ anh hùng ca Đăm San (Khan Đăm San) - của tỉnh Đắk Lắk được chính thức công diễn, một nhịp cầu nối đã được hình thành để mọi người đến với kho báu văn hóa vô giá: Sử thi - anh hùng ca Tây Nguyên sống động trong các buôn làng.
- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 8/2 đưa tin:
Thay đổi để thích nghi
Giống như mùa lễ hội xuân năm trước, năm nay, để phòng chống dịch Covid-19, nhiều lễ hội lớn ở miền Bắc chỉ tổ chức phần lễ. Ngay tại thủ đô Hà Nội, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một trong những điểm đến của hàng vạn sĩ tử và du khách trong những ngày đầu xuân, cửa đóng then cài. Lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức) trong ngày khai hội - mùng 6 tết cũng thanh vắng đến lạ. Cảnh tắc đò trên suối Yến, cảnh ùn ứ đến cả trăm mét trong nhà ga cáp treo lên động Hương Tích của bao mùa hội trước giờ đã trở thành ký ức.
Hoạt động vui chơi - giải trí Tết: Tín hiệu khởi sắc
Sau hơn 9 tháng "đóng băng" vì dịch bệnh, nhiều đơn vị nghệ thuật tại TPHCM xem dịp Tết Nhâm Dần 2022 là sự trở lại. Dù chưa hẳn hài lòng, nhưng những tín hiệu khởi sắc từ hoạt động tổ chức biểu diễn văn hóa - nghệ thuật năm nay đáng để mong đợi cho một năm mới trọn vẹn hơn. Ở các khu vui chơi, giải trí, dù thời tiết những ngày Tết nắng nóng nhưng lượng khách tăng mạnh so với ngày thường. Đến mùng 6 Tết, Công viên Văn hóa Đầm Sen chào đón hơn 85.000 lượt khách đến vui chơi giải trí. Cùng thời điểm, tại Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, có hơn 90.000 lượt du khách đã đến tham quan.
Chương trình truyền hình Tết Nhâm Dần 2022: Trao tiếng cười và hy vọng
Đề cao tính giải trí nhưng các chương trình truyền hình Tết 2022 trên khắp các kênh sóng cho thấy mức độ đầu tư của các đơn vị sản xuất nhằm mang đến cho khán giả món ăn hấp dẫn, mang thông điệp nhân văn, ý nghĩa. Có thể thấy, tất cả các chương trình trên sóng truyền hình năm nay thực sự là hành trình đa sắc. Nó đã đơm hoa, kết trái sau thời gian dài được ấp ủ với mong muốn mang đến niềm vui, tiếng cười và trao niềm lạc quan cho khán giả.
Sân khấu tết: Ấm áp, tươi vui
Trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, các sàn diễn kịch nói sáng đèn liên tục và diễn nhiều suất trong một ngày như Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, Idecaf, Thế Giới Trẻ, Hồng Vân. Sau hơn 9 tháng, các nghệ sĩ, diễn viên và khán giả mới có dịp hội ngộ, hòa chung cảm xúc vào vở diễn, nhân vật. Tinh thần vì nghề, vì nghệ thuật như vậy không phải ai cũng làm được. Đó chính là điểm cộng đáng quý của những người làm sân khấu trong mùa diễn tết truyền thống hàng năm.
- Báo điện tử VOV, báo Văn Hóa và nhiều báo khác ngày 8/2 đưa tin: "Lễ hạ nêu và khai ấn tại khu di sản Hoàng Cung Huế" cho biết: Sáng này 7.2 (tức mồng 7 Tết Nhâm Dần), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ hạ nêu và khai ấn, tặng chữ cho du khách tham quan tại khu di sản Hoàng Cung Huế. Hoạt động văn hóa truyền thống này đã được tái hiện với các nghi thức tương tự như dưới triều Nguyễn, được bảo tồn và phát huy trong nhiều năm qua, tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm dịp đầu năm mới.
Lễ hạ nêu được tổ chức tại Triệu Miếu và Thế Miếu, thuộc khu di sản Hoàng Cung Huế. Nghi lễ này được tổ chức trước tại Triệu Miếu- nơi thờ vị thân sinh của chúa Nguyễn Hoàng. Sau lễ hạ nêu là phần khai ấn cung chúc tân xuân.
2.Lĩnh vực Du lịch
- Báo Hà Nội mới ngày 8/2 đưa tin: "Khởi sắc du lịch thành phố Hồ Chí Minh dịp Tết" cho biết: Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận những tín hiệu tích cực của du lịch nội địa. Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa cho biết, nếu dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt như hiện nay, trong năm 2022, thành phố dự kiến đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế, 25 triệu lượt khách nội địa, tăng 66,66% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu ước tính đạt 97.700 tỷ đồng.
- Báo Văn hóa ngày 8/2 đưa tin:
Lý giải sức hút du lịch Tây Ninh ngay những ngày đầu năm mới 2022
Đón hơn 595 ngàn lượt khách trong 5 ngày Tết, du lịch Tây Ninh có lượng khách vượt xa nhiều điểm đến trên cả nước. Tín hiệu vui những ngày đầu năm mới đã không chỉ cho thấy một Tây Ninh nhiều cơ hội bứt phá, mà còn đem đến những chỉ dấu hồi phục nhanh mạnh cho ngành công nghiệp không khói nói chung trên cả nước. So với năm 2021, lượng khách đến Sun World BaDen Mountain Tết này đã tăng mạnh. Cụ thể, Tết Tân Sửu 2021, từ 29 tháng Chạp đến mùng 2 Tết, lượng khách tham quan núi Bà chỉ đạt hơn 78.000 lượt, giảm khoảng 73% so với 300.000 lượt của năm 2020.
Du lịch nội địa "bội thu" ngay từ đầu năm
Sau thời gian dài không được đi du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày vừa qua, khách du lịch đổ về các điểm, khu du lịch thuộc miền nắng ấm phương Nam rất đông, nhiều khu du lịch trọng điểm trở nên quá tải về dịch vụ. Thống kê của các địa phương cho thấy, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trong dịp Tết tăng cao đáng kể, đánh dấu sự khởi sắc ngay từ đầu năm của du lịch nội địa. Với người làm du lịch, tín hiệu "bội thu" ngay từ đầu năm sẽ tạo đà cho sự hồi sinh, kỳ vọng sớm phục hồi toàn bộ hoạt động du lịch.
Du lịch chờ đợi một năm phục hồi bền vững
Đã từ rất lâu hoạt động du lịch trên toàn quốc mới có dịp sôi động trở lại như dịp Tết Nguyên đán này. Cũng đã từ rất lâu mới có nơi như Đà Lạt, Sa Pa… lại được quá tải, được "vỡ trận". Lượng khách tăng cao ở nhiều nơi là tín hiệu vui với toàn ngành Du lịch, đồng thời cho thấy nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của người dân là rất lớn. Năm 2022 này ngành Du lịch cũng được chờ đợi được phục hồi bền vững sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh chứ không phải hoạt động theo quy tắc tắt- mở của năm 2021.
- Báo điện tử VOV ngày 8/2 đưa tin:
Giải mã sức hút của retreat nghỉ dưỡng biệt lập
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu nghỉ dưỡng biệt lập, gắn với thiên nhiên, môi trường và chăm sóc sức khỏe. Các cơ sở lưu trú hướng tới mô hình "Retreat" là câu trả lời hoàn hảo cho nhu cầu này. "Retreat" là một mô hình lưu trú nghỉ dưỡng, có thể dịch sang tiếng Việt là "du lịch chữa lành" hoặc "du lịch ẩn náu"… Theo PGS. TS Phạm Hồng Long (Trưởng khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), "Retreat" có thể hiểu là loại hình lưu trú nghỉ dưỡng được thiết kế với quy mô nhỏ và trung bình; thân thiện với môi trường; thường nằm biệt lập ở những nơi có không gian yên tĩnh – những nơi cho phép du khách có được những trải nghiệm dịch vụ với không gian riêng, tách biệt.
Cả nước có trên 6 triệu du khách dịp Tết, có nơi vượt mức trước Covid-19
Hoạt động du lịch sôi động khắp cả nước trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, đặc biệt có nơi vượt hoặc xấp xỉ lượng khách dịp Tết Canh Tý 2020. Trên 6 triệu du khách dịp Tết là chỉ báo lạc quan cho thị trường du lịch nội địa năm 2022. Trả lời phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, ước tính cả nước đã đón và phục vụ trên 6 triệu lượt khách du lịch nội địa; ngoài ra gần 500 khách quốc tế đã đến Việt Nam theo chương trình "hộ chiếu vaccine".
Hơn 204.000 lượt du khách đến Vũng Tàu trong kỳ nghỉ Tết
Tính đến chiều 6/2 (mồng 6 Tết), thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đón hơn 204.000 lượt du khách về nghỉ dưỡng trong kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022. Theo số liệu thống kê của Trung tâm quản lý và hỗ trợ khách du lịch thành phố Vũng Tàu, Tết Nguyên đán 2022, địa phương đón số lượng du khách tăng 100,1% so với 7 ngày nghỉ Tết Tân Sửu 2021.
Người K'ho phát triển du lịch cộng đồng dưới chân núi Langbiang
Cùng với sinh hoạt văn hóa cồng chiêng và ẩm thực, cộng đồng dân tộc K'ho ở thị trấn Lạc Dương còn phát triển nghề dệt thổ cẩm và rượu cần để bán và thiết đãi du khách. Sau thời gian dài im ắng vì dịch bệnh Covid-19, tiếng cồng chiêng của người K'ho dưới chân núi Langbiang, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã bắt đầu vang vọng trở lại để tiếp đón du khách trong mùa xuân mới. Cùng với đó, các sản phẩm truyền thống đặc sắc bản địa như thổ cẩm, rượu cần cũng đã được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, sẵn sàng phục vụ nhu cầu thưởng thức của khách du lịch gần xa. Du lịch cộng đồng đã giúp đời sống kinh tế của người K'Ho nơi đây phát triển đi lên từng ngày.
Du lịch Đà Nẵng, Bình Thuận khởi sắc dịp Tết Nhâm Dần
Dịp Tết Nhâm Dần 2022, Bình Thuận đón khoảng 75.000 lượt khách; Đà Nẵng đón gần 36.000 lượt. Theo PV Đoàn Sĩ/VOV-TP.HCM, lượng khách đến với Bình Thuận đa số là khách nội địa và tập trung chủ yếu ở khu vực Hàm Tiến – Mũi Né, Tiến Thành, Hàm Thuận Nam, La Gi và Tuy Phong. Tại khu vực Hàm Tiến – Mũi Né, từ mùng 2 Tết đến nay hầu hết các cơ sở lưu trú 4 – 5 sao đạt công suất phòng từ 85-95%, các cơ sở lưu trú còn lại đạt khoảng 65-80%. Đến nay, Bình Thuận đã có hơn 200 cơ sở lưu trú đủ điều kiện đón khách theo tiêu chí an toàn phòng, chống dịch, đa số các cơ sở lưu trú từ 3 – 5 sao và tập trung ở TP. Phan Thiết và thị xã La Gi.
- TTXVN ngày 9/6 đưa tin:
Dịp Tết Nguyên đán 2022, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh thu 3.100 tỷ đồng
Chiều 7/2, đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 31/1 đến ngày 6/2 (nhằm ngày 29 tháng Chạp đến mùng 6 Tết), tổng doanh thu ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đạt khoảng 3.100 tỉ đồng. Theo đó, lượng khách đến tham quan tại TP Hồ Chí Minh trong dịp Tết đạt 300.000 lượt, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng; khách lưu trú với 500.000 phòng, doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng và cao nhất là khách sử dụng các dịch vụ du lịch khác như ăn uống, vận chuyển... đạt 1 triệu lượt, doanh thu khoảng 1.600 tỷ đồng.
Dịp Tết, khách du lịch đến Lâm Đồng tăng hơn 5 lần cùng kỳ năm trước
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lượng du khách tới Lâm Đồng tăng hơn 500% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Nhiều du khách lựa chọn Lâm Đồng bởi không khí mát mẻ, trong lành. Đặc biệt, các cung đường chính của thành phố Đà Lạt và khu vực hồ Tuyền Lâm đang là lúc hoa Mai anh đào khoe sắc.
Du lịch Đồng Tháp thích ứng an toàn, hiệu quả trong dịp Tết Nhâm Dần
Trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần, du lịch Đồng Tháp đón và phục vụ hơn 75 ngàn lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng hơn 27 % so với cùng kỳ năm 2021. Nổi lên là Khu du lịch Làng hoa kiểng thành phố Sa Đéc, các điểm du lịch vườn quýt hồng Lai Vung, Khu du lịch Đồng sen Tháp Mười, Khu du lịch Văn hóa Phương Nam ở huyện Lấp Vò...
Dịp Tết, Ninh Bình thu hút 135.000 lượt du khách
Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉnh đã thu hút 135.000 lượt du khách. Đây là con số ấn tượng đối với ngành Du lịch, dịch vụ tỉnh Ninh Bình trong những ngày đầu Xuân, hứa hẹn một năm thành công sau nhiều tháng phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
-Báo Nhân Dân ngày 8/2 đưa tin:
Khoảng sáng trong "bức tranh du lịch"
Mặc dù trải qua thêm một năm "sóng gió" bởi chịu tác động của đại dịch, song nhiều nước đang có những đánh giá lạc quan về sự phục hồi của ngành du lịch trong năm 2022. Tâm lý tích cực này dựa trên kỳ vọng rằng Covid-19 sẽ sớm trở thành bệnh lây lan theo mùa thông thường và nhiều nước hối hả chuẩn bị cho việc mở cửa đón du khách trở lại.
Thái Lan lên kế hoạch thúc đẩy ngành du lịch
Ngày 7/2, Chính phủ Thái Lan thông báo, nước này đang lên kế hoạch đàm phán song phương với một số nước như Trung Quốc, Malaysia về chương trình bong bóng du lịch nhằm thu hút lượng khách du lịch từ các quốc gia trên, trong bối cảnh Thái Lan vừa tái khởi động chương trình "Test & Go" (Kiểm tra và đi).
Ngành du lịch Cuba trên đà phục hồi
Văn phòng Thống kê và Thông tin quốc gia Cuba (ONEI) ngày 6/2, cho biết, đảo quốc Caribe đã đón 573.944 lượt khách du lịch quốc tế năm 2021, tương đương 39,8% lượng khách nước ngoài tới Cuba cùng kỳ năm trước. Con số này phản ánh đà phục hồi nhẹ của ngành du lịch Cuba kể từ giữa tháng 11/2021. Nga tiếp tục là thị trường chủ lực của du lịch Cuba khi lượng khách Nga tới thăm "hòn đảo Tự do" trong năm 2021 đạt 146.151 lượt người.
3.Lĩnh vực Thể thao
- Báo Hà Nội mới ngày 8/2 đưa tin:
Phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất cho các đoàn thể thao dự SEA Games 31
Tổng cục Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, cơ quan chức năng đã xây dựng các kịch bản, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn cho thành viên các đoàn thể thao của các quốc gia tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31).
Đội tuyển nữ Việt Nam sẽ về nước bằng chuyên cơ
Thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), thay vì về nước bằng các chuyến bay thương mại từ Mumbai (Ấn Độ) vào ngày 10-2, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ về bằng chuyên cơ của Bamboo Airways cũng trong ngày 10-2, nhưng thời gian sẽ rút ngắn hơn nhiều. Như vậy, thời gian bay của thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung sẽ được rút ngắn đi nhiều, đồng thời chuyến bay này sẽ thực hiện nghiêm ngặt quy trình khép kín phòng chống dịch, bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho các tuyển thủ và ban huấn luyện của đội tuyển nữ Việt Nam.
- Báo điện tử VOV ngày 8/2 đưa tin:
Lãnh đạo VFF lên tiếng về tương lai của HLV Mai Đức Chung
Tương lai của HLV Mai Đức Chung đang là chủ đề được người hâm mộ quan tâm. Ngay sau khi giúp ĐT nữ Việt Nam giành vé dự vòng chung kết World Cup 2023, cựu thuyền trưởng của CLB Bình Dương có nguyện vọng xin thôi dẫn dắt ĐT nữ Việt Nam ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh dành cho bóng đá nữ vào năm sau. Ngày 7/2, chia sẻ với VOV.VN, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam – ông Lê Hoài Anh cho biết, hợp đồng của HLV Mai Đức Chung với VFF còn thời hạn tới hết năm 2022 và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ phía HLV Mai Đức Chung.
VFF lên kế hoạch mừng công khi ĐT nữ Việt Nam về nước
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lên kế hoạch mừng công khi những "cô gái vàng" ĐT nữ Việt Nam về nước sau chiến tích lịch sử giành vé dự VCK World Cup 2023. ĐT nữ Việt Nam đã làm nên lịch sử khi giành vé dự vòng chung kết World Cup 2023. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá nữ Việt Nam góp mặt ở sân chơi lớn nhất hành tinh sau 2 lần gục ngã trước ngưỡng cửa thiên đường. Theo kế hoạch, ĐT nữ Việt Nam sẽ trở về nước vào ngày 10/2 tới. Dự kiến, chuyên cơ chở ĐT nữ Việt Nam hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) lúc 09h45 ngày 10/2 và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ tổ chức đón đội tại sân bay.
Quang Hải, Hùng Dũng trở lại tập luyện cùng Hà Nội FC sau kỳ nghỉ Tết
Quang Hải, Hùng Dũng, Tuấn Hải, Việt Anh trở lại tập luyện cùng CLB chủ quản Hà Nội FC sau khi cùng ĐT Việt Nam thắng ĐT Trung Quốc 3-1 và có những ngày nghỉ Tết đầm ấm bên gia đình. Đỗ Hùng Dũng chẳng khác nào một tân binh chất lượng của Hà Nội FC ở mùa giải 2022 sau khi đã phải nghỉ thi đấu gần 1 năm vì chấn thương nhưng vừa có màn tái xuất quá ấn tượng trong màu áo ĐT Việt Nam.
ĐT nữ Việt Nam sẽ nhận 750.000 USD tiền thưởng từ FIFA
ĐT nữ Việt Nam sẽ nhận được 750.000 USD tiền thưởng từ FIFA sau khi giành quyền góp mặt tại vòng bảng World Cup nữ 2023. Càng vào sâu trong giải, mức tiền thưởng sẽ càng tăng lên. Đội vào tới vòng 1/8 sẽ nhận được 1 triệu USD, vào tới vòng tứ kết sẽ nhận được 1,45 triệu USD. Nhà vô địch World Cup nữ 2023 sẽ nhận được 4 triệu USD, á quân nhận 2,6 triệu USD, đội đứng thứ ba nhận 2 triệu USD và đội xếp hạng tư nhận 1,6 triệu USD.
ĐT nữ Việt Nam hướng tới HCV SEA Games sau khi giành vé dự World Cup
Sau khi có lần đầu tiên trong lịch sử giành vé dự VCK World Cup, mục tiêu tiếp theo của ĐT nữ Việt Nam sẽ là kỳ SEA Games 31 trên sân nhà vào tháng 5 tới. Dự kiến ngay sau khi ĐT nữ Việt Nam về nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có buổi gặp mặt biểu dương đội tuyển. Sau đó, các cầu thủ sẽ có khoảng 1 tháng về thăm gia đình sau khi xa nhà gần 60 ngày để chinh phục giấc mơ tham dự World Cup.
-Báo Người Lao động ngày 8/2 đưa tin:
U23 Việt Nam tích cực chuẩn bị cho giải Đông Nam Á
Nhằm chuẩn bị cho vòng bảng giải U23 Đông Nam Á 2022 sắp diễn ra tại thủ đô Phnom Penh - Campuchia, đội tuyển U23 Việt Nam đã chọn Bình Dương để tập huấn từ mùng 5 Tết Nguyên đán. Dự kiến, thầy trò HLV Đinh Thế Nam sẽ có trận giao hữu với đội chủ nhà B.Bình Dương vào chiều 8-2. Trong 3 ngày tập luyện vừa qua, Ban Huấn luyện U23 Việt Nam đang nâng dần độ khó của các bài tập trong giai đoạn lắp ghép đội hình để chuẩn bị cho giải đấu nói trên.
Báo chí Thái Lan và quốc tế ngưỡng mộ thành tích của tuyển nữ Việt Nam
Trang trang thể thao danh tiếng Thái Lan Siam Sport cùng nhiều tờ báo quốc tế tán dương thành công của tuyển nữ Việt Nam và nhận xét thầy trò HLV Mai Đức Chung xứng đáng đứng đầu Đông Nam Á. Bất ngờ lớn ở VCK World Cup 2023 là sự góp mặt của hai đội bóng đến từ khu vực Đông Nam Á: tuyển nữ Việt Nam và các cô gái Philippines.
Chuyện giữ lửa nghề của hai nhà vô địch thể hình toàn năng quốc gia
Cùng giành được HCV toàn năng tại Giải vô địch thể hình toàn quốc 2021, thế nhưng điều đáng tiếc nhất đối với cả Tôn Hoàng Khánh Lan lẫn Nguyễn Duy Bình là họ không được triệu tập làm nhiệm vụ quốc gia tại SEA Games lần thứ 31.
- Báo Văn hóa ngày 8/2 đưa tin:
FIFA: Đội tuyển nữ Việt Nam đã làm nên lịch sử
Mới đây, trang chủ của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã có những nhận định về lần đầu tiên đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã vượt qua vòng loại FIFA World Cup bóng đá nữ và trở thành đội thứ 5 của châu Á giành được tấm vé chính thức cuối cùng đến với Australia và New Zealand vào năm 2023 thông qua Giải bóng đá nữ vô địch châu Á (Asian Cup) 2022, vừa diễn ra tại Ấn Độ.
Điền kinh Việt Nam hăng say tập luyện những ngày đầu năm mới
Chấp nhận đón Tết xa nhà, các VĐV thuộc đội tuyển điền kinh Việt Nam đang tranh thủ từng ngày, từng giờ để tập luyện cho SEA Games 31. Mục tiêu được hướng tới là một kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á thành công rực rỡ với điền kinh Việt Nam. Thực tế ngay sau khi danh sách đội tuyển điền kinh Việt Nam được Tổng cục TDTT phê duyệt trước Tết, 75 VĐV đã đã lập tức bước vào tập luyện từ ngày 1.1. Chỉ tính riêng Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, tại đây đã có tới 43 VĐV tích cực tham gia tập luyện. Ngay cả khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến, nhiều VĐV trọng điểm đã chấp nhận ăn Tết xa nhà để tập trung vào chuyên môn.
4.Lĩnh vực Gia đình
- Báo Hà Nội mới ngày 8/2 đưa tin: "Ban hành bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình" cho biết: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ngày 28-1-2022 ban hành bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Bộ tiêu chí này được phổ biến và áp dụng với mọi gia đình và các thành viên gia đình Việt Nam. Trong đó, tiêu chí ứng xử chung trong gia đình là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ; tiêu chí ứng xử của vợ, chồng là chung thủy, nghĩa tình; của cha mẹ với con, ông bà với cháu là gương mẫu, yêu thương; của con với cha mẹ, cháu với ông bà là hiếu thảo, lễ phép; của anh, chị, em trong gia đình là hòa thuận, chia sẻ.