Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 9/11/2021

09/11/2021 | 16:54

Sắp diễn ra Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam"; Đội tuyển Việt Nam sẵn sàng cho trận đấu với tuyển Nhật Bản; Mở cửa cho du lịch phải linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng công-tư là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

-TTXVN ngày 9/11 đưa tin:

Chứng nhận bản quyền tác phẩm 'Vũ điệu kết đoàn' của đồng chí Tòng Thị Phóng

Tối 8/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho tác phẩm "Vũ điệu kết đoàn" của đồng chí Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội. "Vũ điệu kết đoàn" là một sản phẩm văn hóa, có ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa của 12 dân tộc cư trú tại tỉnh Sơn La và sự giao thoa văn hóa với các dân tộc khác trong vùng Tây Bắc.

Dừng hoạt động đoàn làm phim hài Tết ở Làng cổ Đường Lâm do xâm phạm di tích quốc gia

Chính quyền địa phương đã yêu cầu đoàn làm phim dừng hoạt động quay phim hài Tết tại Làng cổ Đường Lâm và yêu cầu phục hồi nguyên trạng giếng cổ như trước lúc bị xâm hại. Ngay sau phản ánh của dân làng, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cùng cán bộ xã đã tới hiện trường, yêu cầu dừng những hành vi xâm phạm di tích và trả lại hiện trạng ban đầu cho giếng cổ. Ông Nguyễn Đăng Thạo khẳng định: Đoàn làm phim đến làng cổ làm việc, nhưng chưa xin phép Ban quản lý. "Họ đã nhận lỗi vi phạm, cam kết khắc phục trong ngày 8/11. Nếu họ thông qua Ban quản lý, sẽ được hướng dẫn các biện pháp đúng quy định, để không xâm hại tới di tích và không xảy ra sự việc này", ông Nguyễn Đăng Thạo cho hay.

- Báo Văn hóa ngày 8/11 đưa tin:

Khánh Hòa: Hoạt động văn hóa - nghệ thuật dần trở lại sau dịch

Sau thời gian dài gặp khó do dịch Covid-19, đến nay, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát nên một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật được Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa cho hoạt động trở lại. Sau một thời gian dài vắng bóng những chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khán giả, mới đây, Sở VHTT đã chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật của tỉnh triển khai tập luyện để biểu diễn vào dịp cuối năm. Trong đó, nhiều đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở VHTT đã và đang lên kế hoạch tập luyện chuẩn bị cho Chương trình Nghệ thuật chào năm mới 2022.

Cần đầu tư chiều sâu cho văn hóa

Từ lâu Đảng và Nhà nước dành nhiều sự quan tâm tới văn hóa. Nhiều nghị quyết Đảng đều nhấn mạnh tới vấn đề này ở từng thời kỳ cách mạng khác nhau, câu văn có khác nhưng hầu hết đều tập trung ở hai điểm: Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và văn hóa nghệ thuật, hội nhập với văn hóa, văn minh thế giới. Nhưng trên thực tế, việc đầu tư cho văn hóa trong nhiều thập kỷ qua vẫn còn nặng về chiều rộng mà thiếu đi chiều sâu. Sự đầu tư cho nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật còn dàn trải nên hiệu quả không như mong muốn.

Bảo tàng Văn học Việt Nam: Lưu giữ quá khứ, phát triển tương lai

Nhiều năm trở lại đây, ngoài chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của nền văn học nước nhà, Bảo tàng Văn học Việt Nam còn là nơi thể hiện rõ nhất những góc cạnh trong quá trình tìm tòi sáng tạo, lao động nghiêm túc của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam. Ngày 8.11.2011, theo Quyết định số 1987/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bảo tàng Văn học Việt Nam được thành lập tại số 275 Âu Cơ (phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Những năm 60-70 của thế kỷ trước, đây chính là Trường Viết văn Quảng Bá của Hội Nhà văn Việt Nam, nơi đã lưu giữ không ít những kỷ niệm vô giá của các thế hệ nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Trải qua quá trình sưu tầm và trưng bày, đến ngày 26.6.2015, Bảo tàng Văn học Việt Nam chính thức mở cửa.

Thuyết minh trực tuyến Mỹ Sơn - Vùng đất của những câu chuyện

Nhằm quảng bá giá trị Khu đền tháp Mỹ Sơn đến với cộng đồng trong giai đoạn hiện nay, từ tháng 11 và 12.2021, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (BQL DSVH Mỹ Sơn) thực hiện chương trình thuyết minh trực tuyến giới thiệu "Mỹ Sơn - Vùng đất của những câu chuyện", bao gồm 4 chủ đề theo dòng lịch sử về những ngôi tháp nơi vùng đất huyền thoại Mỹ Sơn. Được biết, thời gian qua, BQL DSVH Mỹ Sơn đã tổ chức, thực hiện, áp dụng nhiều công nghệ số vào việc quảng bá, giới thiệu giá trị Khu di sản thế giới Mỹ Sơn đến với du khách, cộng đồng. Đầu năm 2021, đơn vị đã đưa vào hoạt động trang web 360 để du khách trải nghiệm thực tế ảo như đang tham quan ngoài thực tế. Website được thiết kế với hình ảnh khu di tích dưới góc độ không gian 360, sử dụng hiệu ứng hình ảnh 3D để giới thiệu các công trình kiến trúc, sơ đồ, lối đi , đền tháp,…với các góc nhìn khác nhau, làm các công trình đền tháp hiện ra sống động.

Thừa Thiên Huế: Điều chỉnh các hoạt động về văn hóa, du lịch và thể thao để phòng chống dịch

Từ ngày 7.11, nhiều dịch vụ kinh doanh ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí và các hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao tại tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được điều chỉnh để phòng, chống dịch Covid-19. Trong ngày 6.11, tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận có 64 ca mắc Covid-19, trong đó có 22 ca tại cộng đồng và 4 ca được phát hiện tại chốt kiểm soát. Trong đó tại Thành phố Huế đã có nhiều phường có ca mắc cộng đồng, riêng phường Vỹ Dạ đã ghi nhận có 5 ca mắc trong ngày.

Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021: Sẽ là cuộc "so găng" đầy kịch tính

"Đất nước ta đang từng bước khôi phục để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Thời gian qua, ngành VHTTDL nói chung và các văn nghệ sĩ nói riêng đã luôn nỗ lực vượt khó để chung tay tạo nên những "liều vắc xin tinh thần", cùng nhân dân cả nước vượt qua khó khăn. Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 cũng chính là một hoạt động biểu thị mong muốn vực dậy nền sân khấu sau Covid-19"… Những lời chia sẻ tâm huyết của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tại Lễ khai mạc đã cho thấy sự ghi nhận của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với những cố gắng không mệt mỏi của giới nghệ sĩ sân khấu khi luôn đặt mình vào vị trí xung kích để nói lên tiếng nói của thời cuộc.

- Báo Nhân Dân ngày 9/11 đưa tin:

Sẽ trao giải đặc biệt trong cuộc thi "Giới thiệu sách trực tuyến" năm 2021

Thông tin từ Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2021, Ban Tổ chức sẽ trao giải đặc biệt cùng 4 giải nhất, 6 giải nhì, 10 giải ba và 35 giải khuyến khích. Cuộc thi nhằm góp phần chấn hưng văn hóa đọc, đa dạng các hình thức đọc sách, lan tỏa niềm đam mê đọc sách trong cộng đồng và đáp ứng yêu cầu của việc chuyển đổi số phục vụ người dân

Phát lộ nhiều dấu tích giá trị lịch sử ở đền thờ vua Lê Đại Hành

Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Ninh Bình vừa phối hợp Viện Khảo cổ học tổ chức khai quật khảo cổ khu vực cánh đồng nằm ở phía nam đền thờ vua Lê Đại Hành và địa điểm tường Thành Dền, phát lộ nhiều dấu tích có giá trị nghiên cứu lịch sử tại vùng đất Cố đô Hoa Lư. Khi được công bố kết quả khảo cổ, khu vực nêu trên sẽ góp phần bổ sung tài liệu, hiện vật cho địa phương phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc, bảo đảm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong vùng và khách du lịch trong nước, quốc tế muốn tìm hiểu về Cố đô Hoa Lư.

- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 9/11 đưa tin:

Tập huấn múa rối cộng đồng

Với mong muốn khởi tạo sân chơi cho những ai đam mê, hoặc muốn tìm hiểu thêm về ca kịch rối, Tổ hợp Nghệ thuật Một Tháng Năm (trực thuộc Mekongaholics) phối hợp cùng Viện Goethe TPHCM tổ chức lớp huấn luyện thực hành múa rối bóng. Khóa học miễn phí qua phần mềm Zoom, người học được hệ thống hóa các kiến thức cơ bản về ca kịch rối, được hướng dẫn làm rối từ vật liệu thân thiện với môi trường, kết nối những người cùng sở thích trong mạng lưới các đoàn múa rối cộng đồng tại khu vực phía Nam.

Phim Việt tham gia nhiều giải thưởng quốc tế

Không hẹn mà gặp, 2 tháng cuối năm 2021, nhiều phim Việt thuộc các thể loại khác nhau: phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim ngắn… liên tiếp xuất hiện trong các hạng mục trình chiếu, đề cử ở nhiều giải thưởng, liên hoan phim (LHP) lớn nhỏ. Đang diễn ra từ ngày 1 đến 11-11, LHP châu Á thế giới (Asian World Film Festival - AWFF) lần thứ 7 có sự xuất hiện của 4 bộ phim Việt Nam. Chí Phèo ngoại truyện (đạo diễn Danny Đỗ) được giới thiệu ở hạng mục trình chiếu đặc biệt. Năm nay AWFF còn tổ chức Ngày phim Việt Nam giới thiệu đến công chúng 2 tác phẩm: Bố già (Vũ Ngọc Đãng - Trấn Thành) và Phượng Khấu (Huỳnh Tuấn Anh).

Liên hoan phim Nhật Bản trực tuyến lần 2

Sự kiện do Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam và Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản tổ chức, trình chiếu các bộ phim miễn phí, có phụ đề tiếng Việt. Liên hoan phim diễn ra từ ngày 15-11. Đợt chiếu đầu tiên kéo dài từ ngày 15 đến 21-11 với 5 bộ phim từng được giới thiệu tại Liên hoan phim trực tuyến Nhật Bản 2020 (JFF online 2020) và Japan Hour 2020. Đợt chiếu thứ hai diễn ra từ ngày 14 đến 27-2-2022. Các phim được chọn lọc, thuộc nhiều thể loại, không chỉ miễn phí, mà thời gian chiếu phim linh hoạt và không giới hạn số lượng khán giả.

Triển lãm chào mừng 40 năm thành lập Hội Mỹ thuật TPHCM

Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Mỹ thuật TPHCM, từ nay đến ngày 5-12, tại trụ sở hội (218A Pasteur, phường 6, quận 3), Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức triển lãm "Thành quả trại sáng tác và sáng tác mới 2021" Triển lãm trưng bày 333 tác phẩm tranh, tượng với đa dạng thể loại, chất liệu, phong cách thể hiện, được Hội đồng nghệ thuật tuyển chọn từ 670 tác phẩm tranh, tượng gửi tham dự 9 trại sáng tác (Gia Lai, Buôn Ma Thuột, Bình Định, Ninh Thuận, Phú Yên, An Giang, Đại học Văn Lang, Bình Dương, TPHCM) và sáng tác tự do của các hội viên.

Tín hiệu vui từ Giải thưởng Sách Quốc gia 2021

Ngày 12-11, lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia 2021 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Trong bối cảnh ngành xuất bản chịu tác động nghiêm trọng do dịch Covid-19, nhiều công ty phát hành ngừng sản xuất, cửa hàng sách đóng cửa, doanh thu giảm mạnh…, hoạt động này đã góp phần khích lệ, lan tỏa, nuôi dưỡng tình yêu với sách.

-Báo Nhân Dân, báo điện tử VOV và nhiều báo khác ngày 8/11 đưa tin: Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" cho biết: Theo thông tin từ Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" sẽ diễn ra tại đây từ ngày 18 đến 23/11/2021. Theo kế hoạch, chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2021 diễn ra tối 18/11 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ban Tổ chức sẽ điều chỉnh quy mô sự kiện tương ứng với từng cấp độ dịch Covid-19 được công bố tại địa phương. Đây là hoạt động nhằm chào mừng Ngày Thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), đồng thời phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trong thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 9/11/2021 - Ảnh 1.

Đồng bào dân tộc trình diễn dân vũ tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ảnh: báo Nhân Dân

2.Lĩnh vực Du lịch

-Báo Vietnamplus ngày 9/11 đưa tin:

Mở cửa cho du lịch phải linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng công-tư

Các doanh nghiệp bày tỏ sẵn sàng cộng hợp nguồn lực công-tư trong việc xây dựng giải pháp, hành động để từng bước mở cửa trở lại du lịch nói chung và thí điểm hiệu quả việc mở cửa du lịch quốc tế tại một số địa bàn có tính an toàn theo chủ trương của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, những hướng dẫn tạm thời về thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Việt Nam khẳng định dấu ấn tinh hoa tại Triển lãm EXPO 2020

Lần đầu tiên tham gia Triển lãm Thế giới EXPO 2020 Dubai, các tinh hoa văn hóa đặc sắc Việt Nam đều được mang tới đây để giới thiệu với bạn bè quốc tế và đã được sự chào đón nồng nhiệt. Trong lần tham dự Triển lãm Thế giới lần thứ 7, Nhà Triển lãm Việt Nam do Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận hành, đã có một tháng hoạt động đầy sôi nổi. Tại khu vực chủ đề Cơ hội, Nhà Việt Nam hiện thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi ngày và được coi là một trong những "ngôi sao sáng."

Bảo tồn sinh học gắn với phát triển du lịch bền vững - Vì một 'Ninh Bình xanh'

Tỉnh Ninh Bình được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú với hệ sinh thái đa dạng. Ngoài ra, Ninh Bình còn sở hữu diện tích rừng lớn nhất so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng (hơn 29.000 ha). Trong đó, có Vườn quốc gia Cúc Phương; khu rừng Văn hóa-lịch sử môi trường Hoa Lư và rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn với nhiều loài động, thực vật có tên trong sách đỏ thế giới. Xác định vai trò quan trọng của việc giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã và đang nỗ lực tìm hướng bảo vệ nguồn tài nguyên và phát triển du lịch một cách bền vững.

-TTXVN ngày 8/11 đưa tin:

Phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ gắn với phát triển du lịch

Các khu di sản thế giới tại Việt Nam trong thời gian qua đang trở thành những điểm tham quan hấp dẫn, thu hút nhiều khách du lịch, trong đó có Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Việc gắn bảo tồn di sản và phát triển du lịch song hành, mang lại hiệu quả quảng bá giá trị di tích và phát triển kinh tế. Sau 10 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (2011-2021), Thành nhà Hồ đã bảo tồn, phát huy giá trị vốn có, thực hiện nhiều cuộc khai quật và đã tìm thấy nhiều cứ liệu quý, góp phần rất lớn cho việc trùng tu, tôn tạo tòa thành đá "độc nhất vô nhị" này.

Phát triển du lịch ở vùng đất cửa ngõ Tây Nam Bộ - Xây dựng thương hiệu

Nằm ở cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ), thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười, đồng thời trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đối với ngành du lịch, Long An có rất nhiều lợi thế để phát triển. Song bên cạnh thuận lợi với vị trí "giao thoa" giữa miền Đông và Tây Nam Bộ, du lịch Long An gặp nhiều thách thức, đòi hỏi địa phương có những sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo nét riêng, không trùng lặp và có kế hoạch phát triển thật bài bản, hợp lý để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Nội dung này được nhóm phóng viên TTXVN thể hiện qua hai bài viết với chủ đề: Phát triển du lịch ở vùng đất cửa ngõ Tây Nam Bộ.

Công nghệ số - 'Chìa khóa' phát triển của ngành du lịch Campuchia

Campuchia sẽ ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực du lịch nhằm phát triển ngành du lịch thông minh, hướng tới thúc đẩy bền vững ngành kinh tế mũi nhọn của nước này trong nỗ lực bắt kịp xu thế tất yếu của du lịch toàn cầu. Theo tờ Bưu điện Phnom Penh, trong tuần này, Bộ Du lịch Campuchia dự kiến khởi động "Chương trình Đào tạo Kiến thức số trong lĩnh vực du lịch" nhằm đáp ứng nhu cầu về các giải pháp công nghệ, giúp khôi phục và hỗ trợ ngành du lịch bị "đóng băng" sau hơn một năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

-Báo Văn hóa ngày 8/11 đưa tin:

Sức hấp dẫn du lịch biển đảo Kiên Hải

Liên tục trong những năm gần đây lượng khách du lịch đến với huyện Kiên Hải tỉnh Kiên Giang tăng rất nhanh. Điều này, cho thấy sức hút của các tour tuyến du lịch biển, đảo đối với du khách ngày càng lớn, đặc biệt là thị hiếu muốn trải nghiệm, khám phá những cảnh đẹp hoang sơ và tĩnh lặng tại các đảo và quần đảo trên địa bàn huyện Kiên Hải. Để phát triển du lịch của Kiên Hải trong những năm tới cần phải đưa du lịch Kiên Hải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao. Tăng cường liên kết trong và ngoài tỉnh, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch đặc thù của huyện.

Khởi động lại thị trường du lịch: Người dân còn e ngại, địa phương còn nỗi lo...

Xác định chung sống an toàn với dịch bệnh, thực hiện Nghị quyết 128 và Hướng dẫn 3862 của Bộ VHTTDL, hiện nay nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã khởi động lại hoạt động du lịch, xây dựng các sản phẩm mới cho phù hợp với xu hướng, tình hình mới. Tuy nhiên, thị trường, tâm lý của khách du lịch, người dân đang có những thay đổi mạnh mẽ. Dịch bệnh cũng vẫn còn diễn biến khó lường, nguồn lực của doanh nghiệp và dự trữ của dân cũng cạn kiệt, chi tiêu cắt giảm nên lần hồi phục này khó khăn hơn hẳn những lần trước.

Trải nghiệm vẻ đẹp Vịnh Hạ Long như thế nào?

Thay vì các chuyến xuất ngoại hay các tour sang trọng, bạn hãy thử một lần trải nghiệm khám phá Vịnh Hạ Long từ những góc nhìn, những trải nghiệm thật gần gũi với thiên nhiên. Tất cả sẽ mang lại cho bạn một cảm nhận khác biệt mới mẻ về Vịnh Hạ Long. Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, ngành "công nghiệp không khói" thời Covid - 19 đã có những thay đổi đáng kể. Niềm vui của những chuyến "xê dịch" nay đã không còn tính bằng bằng quãng đường xa hay gần. Các chuyến du lịch xa xỉ hay xuất ngoại đã không còn là lựa chọn yêu thích. Và có lẽ cũng nhờ đó mà những người yêu du lịch lại có cơ hội đi sâu, khám phá những "hạt ngọc" ẩn mình. Đó cũng là những giá trị, những nét đặc sắc góp phần tạo nên sức hấp dẫn của Di sản, kỳ quan Vịnh Hạ Long.

- Báo Hà Nội mới ngày 8/11 đưa tin: Tái hiện ''Chợ tình SaPa'' để kích cầu du lịch cho biết: Nhằm thực hiện kích cầu du lịch, khôi phục kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm: Phú Thọ, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và Yên Bái sẽ phối hợp tổ chức chương trình tái hiện "Chợ tình SaPa" từ ngày 19 đến 21-11 tại tỉnh Lào Cai.

-Báo Dân tộc ngày 9/11 đưa tin: Yên Bái: Khai thác "mỏ vàng du lịch" cho biết: Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc giàu có về "tài nguyên" du lịch (cả về du lịch thiên nhiên và du lịch văn hóa). Xác định được điều này, chính quyền địa phương và ngành Du lịch Yên Bái đã và đang hỗ trợ người dân nắm bắt cơ hội khai thác "mỏ vàng du lịch". Một trong những điểm đáng chú ý của NQ 10, là tỉnh Yên Bái rất chú trọng tới bảo tồn văn hóa. Việc bảo tồn không chỉ gìn giữ truyền thống trong cộng đồng mà còn tạo ra "mỏ vàng" riêng có thu hút khách du lịch tới với Yên Bái. Theo bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Yên Bái là nơi sinh sống của hơn 30 DTTS, với 86 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, có 746 di sản phi vật thể và 574 di sản vật thể.

- Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu ngày 8/11 đưa tin: "Lai Châu: Khai trương hệ thống du lịch thông minh và phát động chương trình tour Caravan kích cầu, phục hồi du lịch" cho biết: Hệ thống Du lịch thông minh chính thức đi vào hoạt động tại địa chỉ: dulich.laichau.gov.vn được coi là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số cũng như phát triển Du lịch. Hệ thống có thiết kế thu hút, thân thiện với người dùng trên ứng dụng đa nền tảng (phiên bản website và App trên Smart phone) tích hợp nhiều chức năng như hiển thị 3D, tham quan ảo, cho phép du khách đặt lịch trình tua, book phòng Khách sạn, nhà hàng, ….. trực tuyến, đồng thời đánh giá và bình luận các dịch vụ, xem tour gợi ý, tạo tour, đánh giá tour, chia sẻ các sản phẩm dịch vụ (nơi nghỉ, ẩm thực…..).

- Báo Đồng Khởi ngày 8/11 đưa tin: "Du lịch Bến Tre cần những đột phá mới" cho biết: Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch Bến Tre đã có những bước chuyển mới. Tác động của đại dịch Covid-19 đã đặt ngành du lịch xứ Dừa trước những thử thách mới, phải thay đổi để hồi phục và phát triển. Ngành du lịch Bến Tre trong bối cảnh mới đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý nhà nước cũng như công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch.

3.Lĩnh vực Thể thao

-Báo Tin tức ngày 9/11 đưa tin: "Brunei rút khỏi vòng loại, Timor Leste nhận vé vào vòng chung kết AFF Suzuki Cup 2020" cho biết: Theo thông tin mới nhất từ Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF), đội tuyển Brunei đã chính thức rút khỏi vòng loại AFF Suzuki Cup 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. "Đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến sự chuẩn bị của chúng tôi cho giải đấu. Mặc dù chúng tôi đã rất nỗ lực để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn quá phức tạp vào thời điểm này. Chúng tôi chúc AFF thành công trong giải đấu sắp tới và rất mong đội tuyển của chúng tôi sẽ được tham dự ở giải đấu tiếp theo". - Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Brunei chia sẻ.

- Báo Văn hóa ngày 9/11 đưa tin:

Đình Trọng: Toàn đội đã sẵn sàng cho trận đấu với tuyển Nhật Bản

Đội tuyển Việt Nam đang có những sự chuẩn bị cuối cùng cho trận đấu với đội tuyển Nhật Bản tại bảng B Vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á diễn ra vào tối 11.11 trên sân Mỹ Đình. Trả lời phỏng vấn trước buổi tập chiều qua (8.11) của đội tuyển Việt Nam, hậu vệ Trần Đình Trọng báo tin vui với người hâm mộ khi đã hoàn toàn bình phục chấn thương và đang rất sẵn sàng để ra sân trong trận đấu với tuyển Nhật Bản. "Sau khi tập trung trở lại, toàn đội đã tập luyện và chuẩn bị đầy đủ chiến thuật để sẵn sàng cho trận đấu sắp tới với Nhật Bản. Cá nhân tôi cùng toàn đội háo hức và sẵn sàng cho trận đấu sắp tới. Dẫu biết rằng Nhật Bản là đối thủ rất mạnh nhưng cả đội đang chuẩn bị tinh thần và chiến thuật để chơi sòng phẳng với đối thủ". Đình Trọng cho biết.

Trận chung kết Giải bóng đá nữ Cúp Quốc gia diễn ra vào ngày 10.11

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vừa thông báo trận tranh hạng ba và chung kết của Giải bóng đá nữ Cúp Quốc gia 2021 sẽ diễn ra vào ngày 10.11 tới đây tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (Hà Nội). Giải bóng đá nữ Cúp Quốc gia 2021 được khởi tranh vào tháng 5 và đã đi qua vòng bán kết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giải đấu phải tạm dừng và ở thời điểm này dù còn nhiều khó khăn nhưng VFF vẫn quyết tâm, cố gắng để tổ chức trận tranh giải ba và trận chung kết của giải.

Điểm tựa của "Những chiến binh sao vàng"

Đội tuyển Việt Nam đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho 2 trận đấu tại bảng B Vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á gặp đội tuyển Nhật Bản (ngày 11.11) và đội tuyển Saudi Arabia (ngày 16.11). Có thể về thực lực và trình độ, tuyển Việt Nam không bằng đối thủ nhưng chúng ta có lợi thế từ sân nhà và 12.000 người hâm mộ trên khán đài, cùng với đó là sức mạnh tinh thần của các "chiến binh" dưới sân. Càng cận ngày đội tuyển Việt Nam thi đấu với Nhật Bản và Saudi Arabia, người hâm mộ lại càng háo hức chờ đợi "Những chiến binh sao vàng" so tài với các ngôi sao hàng đầu châu Á. Đây thực sự là cơ hội hiếm có vì chỉ tại vòng loại cuối cùng World Cup, người hâm mộ mới có dịp tận mắt chứng kiến những ngôi sao đang chơi bóng tại các giải vô địch hàng đầu châu Âu thi đấu.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng bằng khen cho cầu thủ Hồ Thanh Minh

Ngày 8.11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định khen thưởng đối với cầu thủ Hồ Thanh Minh của đội tuyển U23 Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký quyết định số 2836/QĐ-UBND về việc tặng bằng khen của Chủ tịch tỉnh cho cầu thủ Hồ Thanh Minh vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động thể thao tại vòng loại giải Bóng đá U23 châu Á năm 2022. Mức thưởng kèm bằng khen dành cho cầu thủ này là 20 triệu đồng. Hồ Thanh Minh, 21 tuổi, người dân tộc Tà Ôi, quê ở huyện miền núi A Lưới, là cầu thủ bóng đá của đội tuyển U23 Việt Nam. Trước đó, trong trận thi đấu giữ U23 Việt Nam và U23 Myanmar (ngày 2.11), cầu thủ Hồ Thanh Minh đã ghi bàn thắng giúp U23 Việt Nam tiến vào vòng chung kết U23 châu Á 2022.

Sân Mỹ Đình đã "khoác áo" mới

Sau hơn 2 tháng được chăm sóc kỹ lưỡng, sân Mỹ Đình như được khoác tấm áo mới với mặt cỏ xanh mịn, các khán đài cũng sạch đẹp, sẵn sàng đón khán giả vào sân. Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Nguyễn Trọng Hổ cho biết, ngay sau trận đấu của đội tuyển gặp Australia vào đêm 7.9, 80 cán bộ, công nhân viên của Khu đã bắt tay ngay vào việc chăm sóc sân, dọn dẹp các khán đài. Việc chăm sóc cỏ, nhất là trong mấy tuần gần đây, trời mưa liên tiếp gặp khá nhiều khó khăn nhưng với nhiều nỗ lực, các cán bộ, công nhân viên của Khu đã cắt cỏ, hút và cào mùn cỏ, đánh lỗ và bỏ các rễ già, cỏ già để trồng và tái tạo lớp cỏ non mới, đánh lại mặt sân, lu mặt sân cho phẳng, rắc cát, bón phân, bổ sung cỏ mới.

- Báo Hà Nội mới ngày 9/11 đưa tin:

Một số giải điền kinh dự kiến tổ chức vào tháng 12-2021

Thông tin từ Tổng cục Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 8-11 cho hay, một số giải điền kinh phong trào có quy mô lớn hàng đầu cả nước dự kiến sẽ được tổ chức trở lại vào tháng 12-2021. Theo đó, Giải "VPBank Hanoi Marathon 2021" dự kiến được tổ chức vào ngày 26-12. Đây là giải trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam và thành tích được sử dụng để chọn ra 200 suất chạy phong trào đồng hành ở SEA Games 31.

Tiền vệ Quang Hải: Đội tuyển Việt Nam quyết tâm có điểm trước các đội bóng hàng đầu châu Á

Với thành tích lần đầu tiên lọt vào vòng loại thứ ba FIFA World Cup, thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo đã tạo nên lịch sử cho bóng đá Việt Nam. Trong trận đấu tiếp theo, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp đội tuyển Nhật Bản vào ngày 11-11, trên sân vận động Mỹ Đình. Tiền vệ của đội tuyển Việt Nam – Nguyễn Quang Hải đã có những chia sẻ với Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA).

-Báo Nhân Dân ngày 8/11 đưa tin: Vé xem trận Việt Nam - Nhật Bản "giảm nhiệt" do diễn biến dịch Covid-19 cho biết: Nhiều người hâm mộ còn lo ngại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội nên không muốn tới sân Mỹ Đình, nơi tập trung đông người để theo dõi trực tiếp trận đấu Việt Nam - Nhật Bản. Vé xem trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam với Nhật Bản diễn ra ngày 11/11 tới tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 được bán hết và đã tới tay khán giả trước ngày 4/11 vừa qua.

- Báo điện tử Dân Trí ngày 9/11 đưa tin:

Dàn sao Nhật Bản gặp sự cố bất ngờ, chưa thể sang Việt Nam

Còn 2 ngày nữa đội tuyển Nhật Bản sẽ ra sân trong trận làm khách trước đội tuyển Việt Nam, nhưng đến thời điểm này nhiều ngôi sao xứ Mặt trời mọc vẫn chưa thể hội quân cùng các đồng đội. Theo kế hoạch, sáng nay (9/11), đội tuyển Nhật Bản sẽ có đủ quân số, sau khi nhóm cầu thủ đang thi đấu ở châu Âu hội quân. Đó là các ngôi sao Takumi Minamino (Liverpool), Takehiro Tomiyasu (Arsenal), Maya Yoshida (Sampdoria), Daichi Kamada (Eintracht Frankfurt), Furuhashi (Celtic)…

Đội tuyển Việt Nam: Công Phượng kết hợp với Quang Hải đấu Nhật Bản?

Với Quang Hải, Công Phượng và Tiến Linh đang đạt phong độ cao, tuyển Việt Nam có hàng tấn công gần như mạnh nhất, chờ đấu đội tuyển Nhật Bản. Đội hình của đội tuyển Việt Nam chuẩn bị đấu với tuyển Nhật Bản có lẽ không có nhiều xáo trộn so với trận gặp Oman hồi tháng 10, bởi HLV Park Hang Seo cũng không còn nhiều nhân sự để tiếp tục thử nghiệm, trong khi những gương mặt mà ông Park sử dụng gần như là những gương mặt tốt nhất của bóng đá Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.

Thủ môn Nhật Bản: "Đội tuyển Việt Nam sẽ không chơi tử thủ"

Ngay sau khi đặt chân đến Việt Nam, thủ thành Shuichi Gonda của đội tuyển Nhật Bản cho biết trận đấu với đội bóng của HLV Park Hang Seo sẽ không hề dễ dàng với họ. Shuichi Gonda trong nhóm các cầu thủ đầu tiên đến Hà Nội, chuẩn bị cho trận đấu vòng loại World Cup giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản vào ngày 11/11 tới đây. Trả lời truyền thông Nhật Bản trước trận đấu này, thủ môn Shuichi Gonda nói: "Chúng tôi từng đối đầu với đội tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2019, cầu thủ của họ không cao lớn nhưng nhanh nhẹn. Họ khiến tôi có ấn tượng đặc biệt, khác với những gì tôi từng hình dung trước đó".

HLV Kiatisuk ấn định ngày trở lại Việt Nam

Thông tin từ CLB HA Gia Lai và từ phía truyền thông Thái Lan cho hay, HLV Kiatisuk Senamuang sẽ trở lại Việt Nam trong tháng 11, chuẩn bị cho mùa giải V-League 2022. Trước đó, phía HA Gia Lai cho biết, đội bóng phố núi sẽ tập luyện trở lại từ ngày 18/11 tới đây. Mặc dù vậy, trong một số ngày đầu mà HA Gia Lai tập trung, không có HLV trưởng Kiatisuk Senamuang và trợ lý HLV Bundit Thiabthong.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Tin tức ngày 8/11 đưa tin: "Đêm Concert 'Balalaika' gây quỹ từ thiện giúp trẻ em nghèo" cho biết: Nhân dịp kỷ niệm 104 năm Cách mạng Tháng 10 Nga, ngày 7/11/2021 vừa qua, "The Kapusta" - dự án do tập thể học sinh khối Nga của Trường THPT Hà Nội- Amsterdam khởi xướng, nhằm gây quỹ từ thiện giúp đỡ, hỗ trợ học sinh nghèo được đến trường, đã tổ chức thành công Đêm Concert nhạc Nga mang tên ""Balalaika". Concert năm nay được tổ chức với mục đích quyên góp từ thiện cho Mái ấm Thánh Tâm-Xuy Xá thông qua việc mở cổng gây quỹ chuyển khoản để hỗ trợ phần nào cho cuộc sống các em mồ côi cơ nhỡ, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh khó khăn hiện nay.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×