Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 2/11/2021

02/11/2021 | 16:39

Vào lúc 17 giờ ngày hôm nay, đội tuyển U23 Việt Nam gặp U23 Myanmar tại vòng loại Giải U23 châu Á 2022; Xác lập 5 kỷ lục Thế giới về ẩm thực của Việt Nam; Một số địa phương xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch, bắt đầu đón khách nội địa là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- Báo Văn hóa ngày 2/11 đưa tin:

8 quốc gia sẽ tham dự "Ngày Ngôn ngữ Châu Âu" lần thứ 10

Ngày 6.11 tới đây, "Ngày ngôn ngữ châu Âu" lần thứ 10 sẽ được tổ chức online trên nền tảng ảo Gather với sự tham gia của 08 nước gồm Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha, Rumani, Pháp, Đức, Anh và Bỉ (Wallonie-Bruxelles) với 07 ngôn ngữ. Hằng năm, các quốc gia thành viên của EUNIC (Hiệp hội các Viện văn hóa và Đại sứ quán Châu Âu) đều tổ chức Ngày Ngôn ngữ Châu Âu. Một ngày hội mà ai cũng có thể học hỏi điều gì đó về sự đa dạng của ngôn ngữ và văn hóa Châu Âu. Năm nay, do tình hình dịch bệnh, sự kiện sẽ được tổ chức online trên nền tảng ảo Gather với sự tham gia của 8 nước gồm: Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha, Rumani, Pháp, Đức, Anh và Bỉ (Wallonie-Bruxelles) với chủ đề: Ngày hội của ngôn ngữ - Một ngày trong thế giới ảo với các ngôn ngữ châu Âu.

Công nghệ số kết nối Bảo tàng với công chúng: Sắc thái mới cho những "kho báu" trên không gian ảo

Hội thảo trực tuyến Công nghệ số kết nối Bảo tàng với công chúng do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa tổ chức một lần nữa khẳng định tính thiết yếu của ứng dụng công nghệ số khi đưa Bảo tàng ngày càng đến gần hơn với công chúng. Đại dịch Covid-19 đã khiến các Bảo tàng trở nên vắng vẻ hơn bao giờ hết, nhưng cũng đồng thời mở ra cánh cửa mới để biến "nguy" thành "cơ" và chuyên nghiệp, hiện đại hơn trong thời đại công nghệ 4.0. Từ góc nhìn này, các Bảo tàng hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những ứng dụng công nghệ mới trong việc trưng bày và giáo dục di sản văn hóa. Ở đó, các chuyên gia công nghệ sẽ giúp đỡ các bảo tàng "khoe" kho báu của mình, gắn kết các câu chuyện hiện vật thông qua nền tảng công nghệ số và các hướng dẫn viên chính là những nghệ sĩ chuyển tải thông điệp văn hóa đến công chúng.

Không thể khắc phục sai phạm, di tích ở Thanh Hóa bị "khai tử"

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký quyết định số 4294/QĐ-UBND về việc hủy bỏ xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh đối với chùa Bạch Tượng, xã Nga Giáp (Nga Sơn). Đây cũng không phải lần đầu di tích ở xứ Thanh bị "khai tử" do không thể khắc phục sai phạm. Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, việc tu bổ, tôn tạo chùa Bạch Tượng, xã Nga Giáp (huyện Nga Sơn) đã vi phạm khoản 2 và khoản 3, Điều 13, Luật Di sản văn hóa năm 2001; khoản 1, Điều 13, Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3, Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm2009.

Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2021 thu hút hơn 3000 bài dự thi

Sau 2 tháng phát động, Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2021 đã nhận được hơn 3.000 bài dự thi từ khắp các địa phương, đơn vị trên toàn quốc, thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi. Ngày 20.5.2021, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1640/QĐ BVHTTDL phê duyệt Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2021 và giao Vụ Thư viện – Bộ VHTTDL tổ chức nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển văn hóa đọc, đa dạng các hình thức đọc sách, đồng thời đổi mới phương thức tuyên truyền, truyền thông về văn hóa đọc nhất là trong điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Cuộc thi dành cho người đang học tập, làm việc và sinh sống tại Việt Nam từ 6 tuổi trở lên với hình thức xây dựng video giới thiệu, chia sẻ cảm nhận về một hoặc một số cuốn sách yêu thích và có tác động tích cực đối với bản thân.

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 đã chọn được 3 đại sứ

Ngày 10.11 tới đây, Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Số 19, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội). Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do Bộ VHTTDL tổ chức được phát động từ tháng 02. 2021. Đây là một trong những hoạt động triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc. Theo đó, Bộ VHTTDL đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2021 và Thể lệ của cuộc thi tới Bộ Công an, Hội Người mù Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các địa phương và các trường đại học/học viện. Cuộc thi được tổ chức theo hai vòng, vòng sơ khảo tại Bộ Công an, Hội Người mù Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các địa phương và trường đại học học viện; vòng chung kết được tổ chức tại Hà Nội.

Người trẻ sẽ "dẫn đường" cho kịch nói

Tình trạng "tắt đèn" kéo dài và nguy cơ "mất trắng khán giả" đang là mối đe dọa của các sân khấu kịch xã hội hóa tại TP.HCM. Việc vực lại sức sống cho thể loại nghệ thuật 100 năm tuổi này đang là thách thức lớn của sân khấu Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Vừa qua, Hội Sân khấu TP.HCM đã tổ chức tọa đàm về sự phát triển của sân khấu phía Nam để cùng nhìn lại chặng đường đã qua, cũng như đưa ra những giải pháp thiết thực để "cứu" sân khấu. Tọa đàm Chào mừng kỷ niệm 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam có sự góp mặt của NSND Trần Minh Ngọc, NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Thành Hội, NSƯT Mỹ Uyên, NSƯT Trịnh Kim Chi… với các phần Người mở lối, Kế thừa, Thích ứng và đổi mới, Khát vọng.

Khánh Hòa trao Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi năm 2021

Sở VHTT Khánh Hòa vừa phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở LĐ,TB&XH, Tỉnh đoàn Khánh Hòa tổ chức lễ trao Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi năm 2021. Theo đánh giá của BTC, tranh vẽ của em năm nay có chất lượng mỹ thuật tốt, chủ đề rõ ràng, bố cục hài hòa với những gam màu tươi sáng, thể hiện góc nhìn trong trẻo, hồn nhiên về các chủ đề tình yêu thương gia đình, người thân, thầy cô, bạn bè, tình yêu quê hương, đất nước, biển đảo...

- Báo Hà Nội mới ngày 2/11 đưa tin:

Thực hiện quy hoạch phát triển văn hóa ở Hà Nội: Sớm khắc phục những khó khăn

Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 13-7-2012 của HĐND thành phố Hà Nội về "Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" đã được các cấp, các ngành, địa phương của thành phố tập trung triển khai gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, qua giám sát của Thường trực HĐND thành phố cho thấy, việc thực hiện quy hoạch phát triển văn hóa vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc… cần sớm có giải pháp, khắc phục, tháo gỡ hiệu quả.

"Việt Nam - Khát vọng bình yên" - Tôn vinh các lực lượng tuyến đầu chống dịch

Tối 31-10, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Việt Nam - Khát vọng bình yên" và trao giải Cuộc thi "Giai điệu nơi tuyến đầu", "Thời khắc khó quên". Chương trình "Việt Nam - khát vọng bình yên" được tổ chức là dịp để khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Chương trình cũng tri ân sự đóng góp ý nghĩa, hy sinh thầm lặng của tất cả các tổ chức, cá nhân, mà trước hết là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và cán bộ công đoàn.

- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 2/11 đưa tin:

Sân khấu loay hoay tìm hướng đi

Nghệ thuật sân khấu thời gian qua đang đối mặt với vô số thách thức. Theo một số chuyên gia văn hóa, nếu từng đơn vị nghệ thuật không tự "chuyên nghiệp hóa" sẽ khó lòng cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật giải trí khác. Đưa ra giải pháp cho sân khấu phát triển, Nhà lý luận phê bình sân khấu Cao Ngọc cho rằng, để "chuyên nghiệp hóa" sân khấu bên cạnh việc bảo vệ những thành tựu đã có được chính đội ngũ làm nghề cần phải chuyên nghiệp hóa cũng như thích nghi với sự phát triển chung.

Xác lập 5 kỷ lục Thế giới về ẩm thực của Việt Nam

Ngày 1/11, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) cho biết, Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (WRA) có trụ sở tại Hồng Kông vừa chính thức thông qua 5 Kỷ lục Thế giới về ẩm thực đặc sản của Việt Nam. Sự công nhận này tiếp tục khẳng định những giá trị đặc biệt của nền ẩm thực nói riêng và hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam nói chung.

Làm phim điện ảnh về đề tài phòng, chống Covid-19

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh vừa quyết định làm một bộ phim về Covid-19 có tên gọi "Bản mệnh thiên thần". Phim tập trung vào những lát cắt về sự hy sinh mà người Việt dành cho nhau, lát cắt về tinh thần hợp tác của Chính phủ và Nhân dân, lát cắt về tình người tạo nên thành tích chống dịch của Việt Nam trong thời gian qua. Thiên thần không ở đâu xa, thiên thần không cần có đôi cánh.

Không gian sáng tạo từ khu công nghiệp cũ

UBND thành phố Hà Nội đã chuẩn bị quỹ đất khoảng 450 hecta tại các khu công nghiệp để phục vụ cho việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô. Đây cũng xem là cơ hội "vàng" để xây dựng các không gian sáng tạo từ mặt bằng các khu công nghiệp cũ để lại. Tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019, Hà Nội trong những năm qua đang nỗ lực để tạo ra các không gian sáng tạo nhằm tập trung, kết nối các nghệ sĩ, các nhà sáng tạo…

- Báo điện tử Người Lao động ngày 2/11 đưa tin: "Giải cứu các thương hiệu nghệ thuật" cho biết: Các thương hiệu nghệ thuật cần thường xuyên cập nhật công nghệ mới, cải tiến hình thức biểu diễn để đáp ứng nhu cầu giải trí ngày một đa dạng của công chúng. Những ngày qua, trước phòng vé Sân khấu IDECAF ở TP HCM, nhiều khán giả đã tìm đến nhưng không phải để mua vé mà là trả vé của chương trình "Ngày xửa ngày xưa" trong sự tiếc nuối. Đây là một trong những thương hiệu nghệ thuật lâm vào hoàn cảnh khó khăn trăm bề khi phải hủy biểu diễn, đồng nghĩa khó phục hồi các chương trình từ lâu "ăn theo" nhờ doanh thu của "Ngày xửa ngày xưa".

2.Lĩnh vực Du lịch

- Báo Nhân Dân ngày 2/11 đưa tin: "Khởi động thị trường du lịch" cho biết: Đầu tháng 11, một số địa phương tại khu vực miền trung như TP Đà Nẵng; các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa… đã xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch, bắt đầu đón khách nội địa. Việc khởi động lại thị trường du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đang đặt ra nhiều khó khăn buộc các địa phương phải chủ động lên phương án phù hợp và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch hoạt động bảo đảm an toàn, hiệu quả.

-TTXVN ngày 2/11 đưa tin:

Quảng Ninh: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt chuẩn an toàn được đón khách ngoại tỉnh

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho biết, từ ngày 1/11, tỉnh cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch được đón khách ngoại tỉnh với điều kiện các cơ sở này đạt chuẩn an toàn về phòng, chống dịch và chỉ được đón khách từ vùng 1 và 2 (vùng xanh, vùng vàng). Trước mắt, để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch, những du khách vào tỉnh Quảng Ninh phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Đối với các khách du lịch chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, các đơn vị đón khách phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh hoặc PCR.

12 cơ sở du lịch tại Bình Thuận đủ điều kiện đón khách

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, thêm 9 cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi có đủ điều kiện đón khách du lịch trong trạng thái "bình thường mới". Như vậy, tính đến đầu tháng 11/2021, Bình Thuận có 12 cơ sở lưu trú đủ điều kiện đón khách du lịch trở lại. Ngoài Centara Mirage Muine, Anantara Muine Resort và Pandanus Resort mở cửa đón khách từ ngày 24/10, các cơ sở lưu trú như: The Cliff Resort & Residences, Victoria Hotel & Resort Phan Thiết, Muine Bay Resort, Poshanu Resort, Saigon Muine Resort, The Saiiling Bay Muine Resort, Sonata Resort & Spa, Aurora Resort và Hòn Bà La Gi sẽ đi vào phục vụ khách du lịch trong tháng 11/2021.

Du lịch gắn với nông thôn mới ở Hà Nội trong bối cảnh mới

Du lịch vùng ngoại thành gắn với các xã nông thôn mới Hà Nội đang là hướng đi mới nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh trong bối cảnh mới. Không chỉ là hoạt động nghỉ dưỡng, trải nghiệm mà hoạt động du lịch ngoại thành còn góp phần tiêu thụ nông sản sạch tại chỗ hiệu quả. Ông Lê Hồng Thái, Phó Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho biết: Từ đầu tháng 10, bắt đầu có những nhóm khách đăng ký chương trình tour trải nghiệm vào cuối tuần, đi ngoại thành Hà Nội, tới Ba Vì và Sóc Sơn, gắn liền với trải nghiệm văn hóa nông thôn Việt Nam. 

'Hộp cát' mang hy vọng mở cửa lại thiên đường Koh Rong của Campuchia

Hòn đảo Koh Rong đẹp hoang sơ ngoài khơi tỉnh Sihanoukville là một trong ba điểm đến được mở cửa trở lại tại Campuchia bắt đầu từ ngày 30/11. Sự chuyển dịch mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch sẽ sớm trở nên rõ ràng khi Campuchia quyết định mở các điểm đến du lịch nổi tiếng, Preah Sihanouk và Koh Rong, thuộc tỉnh Sihanoukville, và Dara Sakor ở tỉnh Koh Kong, cho khách du lịch đã tiêm chủng kể từ ngày 30/11. Tiếp theo sẽ là Siem Reap vào năm 2022.

-Báo Văn hóa ngày 1/11 đưa tin:

Di sản Mỹ Sơn khuyến mãi đặc biệt tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19

Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn sẽ triển khai chương trình khuyến mãi đặc biệt, giảm 40% đối với các đoàn tham quan trên 10 người đối với các y bác sĩ, công an, quân đội, tình nguyện viên nhằm tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch. Chương trình tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 sẽ được triển khai tại Mỹ Sơn từ ngày 1.11 - 31.12. Cụ thể, giảm 40% số khách tham quan đối với đoàn trên 10 người, thu vé dịch vụ; giảm 10% hóa đơn khi du khách mua hàng tại các quầy lưu niệm; Miễn phí các hoạt động vận chuyển nội khu bằng xe điện; Miễn phí xem chương trình biểu diễn nghệ thuật tại nhà biểu diễn.

TP.HCM - Long An: Đẩy mạnh liên kết phục hồi du lịch trong tình hình mới

Để khởi động lại thị trường liên vùng trong quá trình phục hồi hoạt động du lịch, đẩy mạnh hợp tác liên vùng trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Ngày 31.10, UBND TP.HCM đã tổ chức đoàn khảo sát các điểm đến, khu du lịch trên địa bàn tỉnh Long An và làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An xoay quanh các nội dung hợp tác liên kết du lịch giữa hai địa phương, nhất là chương trình liên kết theo hình thức khép kín, hành trình xanh… nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Sở Du lịch TP.HCM cho biết, Long An nói riêng và các tỉnh miền Tây nói chung được xác định có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng, phù hợp với thị trường khách du lịch TP.HCM. Điển hình là các sản phẩm gắn với sông nước miệt vườn, sinh thái dã ngoại, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch gắn với ẩm thực đồng quê Nam bộ… Ngược lại, Long An cũng là thị trường du khách đến TP.HCM để khám phá các sản phẩm chủ lực như mua sắm, giải trí, chăm sóc sức khỏe, văn hóa – lịch sử và kết nối đến các tỉnh lân cận.

Sẽ có một Hà Giang rất khác trong mắt du khách

Với mong muốn xây dựng một hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, chuyên nghiệp, mang thương hiệu của Hà Giang nhằm thu hút đầu tư vào sản phẩm du lịch cũng như cơ sở hạ tầng du lịch, Hà Giang đã xây dựng Chiến lược sản phẩm du lịch Hà Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược nhằm đưa tỉnh này trở thành địa phương có nhiều sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh cao, hấp dẫn nhất so với các tỉnh miền núi trong cả nước. Mục tiêu đến năm 2025, có 30 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận. Đến năm 2030 Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Khu du lịch quốc gia.

Quảng Nam: Thí điểm đón khách quốc tế tại Hội An, Mỹ Sơn

UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức cuộc họp do ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì bàn về Phương án đón khách quốc tế đến Quảng Nam. Theo đó, phương án đón khách quốc tế đến Quảng Nam được chia làm 3 giai đoạn, trước tiên sẽ thí điểm tại hai di sản văn hóa thế giới là Khu phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn từ tháng 11.2021. Cụ thể, giai đoạn 1 bắt đầu từ tháng 11.2021, sẽ thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến và chuyến bay thương mại tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn. Trong thời gian lưu trú ở các cơ sở du lịch được cấp phép đón khách giai đoạn 1, du khách có thể tham quan phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn theo lịch trình được xây dựng cũng như di chuyển nội bộ giữa các cơ sở cung ứng dịch vụ.

- Báo Vietnamplus ngày 2/11 đưa tin:

Hướng phục hồi ngành du lịch trong bối cảnh sống chung với COVID-19

Ngày 1/11 đánh dấu thời điểm nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu mở cửa trở lại một loạt lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là đón du khách quốc tế trong tâm lý thận trọng sau nhiều tháng đóng cửa để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Việc mở cửa được tiến hành sau khi các quốc gia đã đạt được những tiến bộ nhất định trong chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19, cùng với đó là quy trình chuẩn bị và những điều kiện đi kèm để giảm thiểu nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh khi mở cửa trở lại.

Phục hồi du lịch: Thiếu thống nhất về tiêu chí an toàn chung

Dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ trong việc mở cửa an toàn, linh hoạt lại du lịch nhưng thực tế triển khai "vẫn lộn xộn." Có thể nói, Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và Hướng dẫn 3862 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giúp "mở lối" du lịch Việt, tạo tâm thế mới cho các địa phương có thế mạnh điểm đến hấp dẫn cũng như doanh nghiệp bước sang giai đoạn phục hồi nền kinh tế.

Khách ngoại tỉnh cần bảo đảm điều kiện gì để đến Quảng Ninh du lịch?

Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, những du khách vào Quảng Ninh phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19; với các khách chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phải có test nhanh hay PCR. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho biết từ ngày 1/11, tỉnh cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch được đón khách ngoại tỉnh với điều kiện các cơ sở này đạt chuẩn an toàn về phòng, chống dịch và chỉ được đón khách từ vùng 1 và 2 (vùng xanh, vùng vàng).

Thái Lan đón du khách nước ngoài đầu tiên đến Bangkok sau 18 tháng

Sáng 1/11, sân bay Suvarnabhumi đã đón đoàn du khách nước ngoài đầu tiên đến thủ đô Bangkok sau 18 tháng. Đây là nỗ lực mới nhất của chính phủ Thái Lan nhằm mở cửa ngành du lịch, vốn bị tổn thất nặng nề do COVID-19. Trong chương trình mở cửa, Thái Lan cho phép du khách đến từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm cả Việt Nam, được phép nhập cảnh vào Bangkok sau khi đã tiêm đủ 2 mũi và có kết quả xét nghiệm PCR.

3.Lĩnh vực Thể thao

- Báo điện tử VOV ,báo Tin tức, báo Quân đội Nhân Dân và nhiều báo khác ngày 2/11 đưa tin: "U23 Việt Nam - U23 Myanmar: Trận cầu quyết định" cho biết: Chiều nay (2/11), U23 Việt Nam sẽ đối đầu U23 Myanmar trong trận đấu mang tính quyết định đến tấm vé vào thi đấu tại vòng chung kết giải U23 châu Á 2022. Tính đến trước ngày thi đấu cuối cùng của vòng loại U23 châu Á 2022, U23 Việt Nam và U23 Myanmar đều đang có 3 điểm cùng hiệu số +1. Tuy nhiên, U23 Việt Nam tạm thời dẫn đầu bảng do hơn chỉ số fairplay.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 2/11/2021 - Ảnh 2.

Đánh bại Myanmar trong trận đấu ngày 2/11 là con đường an toàn nhất của thầy trò ông Park Hang-seo giành vé đến vòng chung kết Giải U23 châu Á 2022. Ảnh: VFF

Hiện tại, đã có 7/11 bảng tại vòng loại U23 châu Á 2022 đã thi đấu xong và chỉ còn các bảng C, D, F, I là vẫn còn lượt đấu cuối. Cục diện các bảng đấu đang rất thuận lợi cho U23 Việt Nam. Theo điều lệ tại vòng loại U23 châu Á 2022 thì 11 đội nhất bảng và 4 đội nhì có thành tích tốt sẽ giành vé dự VCK. Tuy nhiên, bảng xếp hạng các đội nhì không tính bảng G do bảng này chỉ có U23 Australia và U23 Indonesia góp mặt.

- Báo Nhân Dân ngày 2/11 đưa tin:

Vòng loại Giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2022: U23 Việt Nam tự tin chiến thắng

Khác với trận thắng trước U23 Đài Loan (Trung Quốc), huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo hầu như không có thông tin về đối thủ, ở trận đấu 17 giờ chiều nay (2/11), đối thủ của đội tuyển U23 Việt Nam là U23 Myanmar đã bộc lộ hết thế mạnh và điểm yếu. Khác với trận thắng trước U23 Đài Loan (Trung Quốc), huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo hầu như không có thông tin về đối thủ, ở trận đấu 17 giờ chiều nay (2/11), đối thủ của đội tuyển U23 Việt Nam là U23 Myanmar đã bộc lộ hết thế mạnh và điểm yếu.

U23 Singapore dừng bước tại Vòng loại U23 châu Á 2022

Tối 31/10, để thua U23 Hàn Quốc 1-5 ở lượt trận cuối bảng H Vòng loại U23 châu Á 2022, một đại diện của Đông Nam Á là U23 Singapore đã phải nói lời chia tay giải đấu. U23 Hàn Quốc không mất nhiều thời gian để thể hiện sức mạnh vượt trội của mình. Chỉ sau 3 phút bóng lăn, đội tuyển xứ kim chi đã sút tung lưới chủ nhà U23 Singapore với pha lập công của Kim-chan. Đến phút 6, cách biệt đã được nhân đôi sau cú dứt điểm thành bàn của Cho Sang-jun.

Hướng tới mục tiêu đổi màu huy chương tại SEA Games 31

Chuỗi trận thực nghiệm (VBA Premier Bubble Games) đã mang lại những trải nghiệm đặc biệt cho các cầu thủ Đội tuyển quốc gia trong lần đầu cùng nhau sát cánh tại Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam - VBA 2021. Từ dấu mốc lịch sử với hai huy chương đồng tại SEA Games 30 cách đây hai năm trên đất Philippines, những người làm bóng rổ Việt Nam đã xây dựng ý tưởng triệu tập đội tuyển quốc gia tham dự giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam - VBA 2021 như đội bóng thứ tám. Việc Đội tuyển quốc gia tham dự giải đấu cùng các Câu lạc bộ chuyên nghiệp là điều chưa có tiền lệ đối với thể thao Việt Nam. Đây được coi như quyết định mang tính đột phá của VBA và Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam (VBF).

U23 Việt Nam - U23 Myanmar: Quyết định tấm vé dự VCK U23 châu Á 2022

Trận đấu cuối cùng ở bảng I giữa U23 Myanmar và U23 Việt Nam sẽ quyết định tấm vé trực tiếp dự VCK U23 châu Á 2022. Hiện cả U23 Việt Nam và U23 Myanmar đều có cùng 3 điểm, hiệu số +1 và số bàn thắng là 1 và số bàn thua là 0. Bởi cả hai đều thắng cùng U23 Đài Bắc Trung Hoa với tỷ số 1 - 0. Điều đó biến trận đấu phân định ngôi nhất bảng I - tương đương với tấm vé vào thẳng VCK U23 châu Á 2022 trở thành một trận chung kết.

Trọng Hoàng có thể lỡ hẹn AFF Cup 2020

Tiền vệ Trọng Hoàng cho biết, anh vẫn đang phải điều trị chấn thương và đối mặt nguy cơ lỡ hẹn AFF Cup 2020. Chia sẻ trên trang cá nhân, Trọng Hoàng cho biết, anh vẫn đang phải điều trị chấn thương. Không ngoại trừ khả năng, anh sẽ phải rời xa sân cỏ trong một thời gian tương đối dài. Trọng Hoàng bị thoát vị đĩa đệm và anh đã không thể góp mặt ở các trận đấu của đội tuyển Việt Nam trong tháng 11 và anh có thế phải lỡ hẹn với AFF Cup 2020. Trọng Hoàng đang phải điều trị tại bệnh viện Quân y 108 trong suốt thời gian vừa qua.

- Báo điện tử Người Lao động ngày 2/11 đưa tin:

Việt Nam thắng lớn Giải Vô địch cờ vua trẻ châu Á

Giành 4/12 huy chương vàng (HCV) các nhóm tuổi nam và nữ, Việt Nam xuất sắc xếp nhì toàn đoàn tại Giải Vô địch cờ vua trẻ châu Á 2021 có sự góp mặt của nhiều cường quốc cờ vua. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, Giải Vô địch cờ vua trẻ châu Á 2021 do Ấn Độ đăng cai từ ngày 22 đến 31-10 dưới sự ủy quyền của Liên đoàn Cờ thế giới (FIDE) và Liên đoàn Cờ châu Á (ACF).

Trận cầu danh dự của U23 Việt Nam

Chỉ có chiến thắng trước U23 Myanmar mới giúp các cầu thủ U23 Việt Nam xoa dịu phần nào những chỉ trích nhắm vào họ. Nếu trận đấu vào lúc 17 giờ ngày 2-11 giữa đội tuyển U23 Việt Nam và U23 Myanmar (VTV6 trực tiếp) kết thúc với tỉ số hòa, 2 đội sẽ nắm tay nhau cùng vượt qua vòng loại Giải U23 châu Á 2022. Tuy nhiên, đội bóng của HLV Park Hang-seo muốn nhắm đến chiến thắng với hy vọng lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ.

"Bài" của thầy Park sẽ giúp U23 Việt Nam có điểm trước U23 Myanmar?

Trước trận đấu quyết định giành ngôi đầu bảng I vòng loại U23 châu Á, thầy trò HLV Park Hang-seo đã có 5 ngày tập luyện kỹ lưỡng cũng như xem đối thủ thi đấu. Với quỹ thời gian 5 ngày tập luyện, HLV Park Hang-seo đã có điều kiện thuận lợi để vừa sửa chữa những điểm còn hạn chế trong lối chơi của U23 Việt Nam bộc lộ trong trận ra quân gặp U23 Đài Bắc Trung Hoa. Đồng thời, sau khi xem các cầu thủ U23 Myanmar thi đấu, thầy Park cũng dễ dàng hơn để xây dựng các phương án khác nhau áp dụng cho trận đấu quyết định ngôi đầu bảng sắp tới.

HLV Park Hang-seo thường xuyên làm điều "đặc biệt" đối với đội tuyển Việt Nam

Dù đang phải thực hiện nhiệm vụ ở Kyrgyzstan, nhưng theo hậu vệ Đỗ Thanh Thịnh cho biết HLV Park Hang-seo thường xuyên gọi điện và căn dặn từng cầu thủ của đội tuyển Việt Nam. Trong những buổi tập gần đây, các cầu thủ đội tuyển Việt Nam tích cực tập luyện dưới sự chỉ đạo của các trợ lý người Hàn Quốc. Ở buổi tập chiều 31-10, thủ môn Nguyên Mạnh không xuất hiện, trong khi Minh Vương vẫn phải tập riêng với bác sĩ.

-Báo Văn hóa ngày 1/11 đưa tin "U23 Việt Nam tập nhiều phương án để chuẩn bị thi đấu với U23 Myanmar" cho biết: Đội tuyển U23 Việt Nam vừa có buổi tập cuối tại sân Sport City (Kyrgyzstan) để hoàn tất công tác chuẩn bị cho trận đấu với đội tuyển U23 Myanmar vào lúc 17h00 ngày mai (2.11) tại lượt cuối bảng I Vòng loại Giải bóng đá U23 châu Á 2022. Với quỹ thời gian 5 ngày tập luyện, HLV trưởng Park Hang-seo đã có điều kiện thuận lợi để vừa sửa chữa những điểm còn hạn chế trong lối chơi của đội tuyển bộc lộ trong trận ra quân gặp U23 Đài Bắc Trung Hoa, vừa xây dựng các phương án khác nhau để áp dụng cho trận đấu quyết định ngôi đầu bảng với U23 Myanmar.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Văn hóa ngày 1/11 đưa tin: "Kiên Giang đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới" cho biết: Tỉnh Kiên Giang đã và đang xác định hoạt động của gia đình là trọng tâm của các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21.2.2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tỉnh đã thực hiện các cơ chế, chính sách, dự án và chương trình, tạo động lực thúc đẩy tinh thần phấn đấu vươn lên trong nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, từ 14,02% năm 2005 xuống còn 8,84% năm 2010, đến năm 2020 chỉ còn 2,69%. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi được chú trọng. Các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình ít con, no ấm, tiến bộ và hạnh phúc được đẩy mạnh. Tỷ lệ gia đình văn hóa tăng hàng năm cả về số lượng và chất lượng; năm 2005 toàn tỉnh có 82,98% số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, năm 2019 tăng lên 90,73%.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×