Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 29/10/2021
29/10/2021 | 14:34Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023; Nhạc sĩ Hồng Đăng nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội năm 2021; Việt Nam chào đón các đoàn dự SEA Games 30 là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
-TTXVN ngày 29/10 đưa tin:
Các nhà hát tại TP Hồ Chí Minh 'rục rịch' khởi động cho ngày trở lại
Hiện các đơn vị nghệ thuật tư nhân còn đang im ắng chờ đợi thêm thông tin về những quy định sau dịch bệnh. Trong khi đó, các nhà hát công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh đang "rục rịch" khởi động cho ngày trở lại, mong chờ ngày được hội ngộ với khán giả. Những ngày cuối tháng 10, các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang khẩn trương tái dựng lại vở "Đứa con họ Triệu" của đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Lê Trung Thảo. Song song đó, Đoàn 1 của Nhà hát đang tất bật chuẩn bị với vở cải lương được chuyển thể từ vở kịch "Ngược gió" (tác giả: Tiết Duy Hòa, chuyển thể: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Nghệ sỹ Nhân dân Trần Ngọc Giàu) từng được khen ngợi ở sân khấu Thế giới trẻ. Vở diễn là câu chuyện thấm đẫm tình đất tình người miền Tây sông nước, dự kiến hoàn thành vào tháng 12.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Không thẩm định thì không kiểm soát được nội dung phim
Cuối phiên thảo luận chiều 28/10 của Quốc hội về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm. Về một số vấn đề chung, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh trong phiên thảo luận tổ cũng như phiên thảo luận tại hội trường cho thấy mong muốn của các đại biểu Quốc hội là tìm những giải pháp tối ưu nhất để góp phần xây dựng một bộ luật điện ảnh thực hiện bằng được những nội dung cốt lõi đã đề ra, đó là không chỉ là một nghệ thuật, điện ảnh còn là một nhóm ngành kinh tế.
Cần có cơ chế đột phá, cụ thể để phát triển công nghiệp điện ảnh
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, chiều 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Điện ảnh và đề nghị dự thảo Luật nêu rõ những cơ chế, chính sách để tạo đòn bẩy cho ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển. Khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhấn mạnh, phát triển điện ảnh là một nội dung trong lãnh đạo văn hóa của Đảng, việc thể chế hóa đường lối của Đảng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho điện ảnh nước nhà phát triển là hết sức cần thiết.
Triển lãm tranh "Đi qua mùa thu" của 3 em gái liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cùng các người bạn
Chiều 28/10, triển lãm tranh "Đi qua mùa Thu" của 12 họa sĩ cao tuổi thuộc nhóm "So you can paint", với 60 bức tranh đã được khai mạc tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Triển lãm nhằm động viên, khích lệ người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, nhằm nâng cao giá trị tinh thần, hướng đến cuộc sống tươi trẻ đối với những người đã về hưu. Từ tháng 9/2016, ba người em gái của Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm là các chị Đặng Phương Trâm, Đặng Hiền Trâm, Đặng Kim Trâm, cùng những người bạn của mình đã thành lập nhóm vẽ với tên gọi "So you can paint". Bà Đặng Kim Trâm cho biết: Người cao tuổi nhất trong nhóm là 76, người ít tuổi nhất là 60 tuổi.
Giải thưởng 'Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội' lần thứ 14 - 2021: Nhạc sĩ Hồng Đăng là chủ nhân xứng đáng của Giải thưởng Lớn
Chiều 28/10, tại Hà Nội, Ban tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội của Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) chính thức công bố kết quả giải thưởng lần thứ 14 năm 2021. Diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp; nhưng giải thưởng năm nay tiếp tục có một vụ mùa bội thu. Kết quả, Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021 được trao cho nhạc sĩ Hồng Đăng vì đã có những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc Thủ đô, trong đó có các tác phẩm đã thành biểu tượng về Hà Nội như "Hoa sữa", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ"...
- Báo Hà Nội mới ngày 29/10 đưa tin:
Sân khấu thế giới: Khao khát trở lại thánh đường nghệ thuật
Bên cạnh khó khăn vì kén khán giả, sân khấu ở khắp nơi trên thế giới đang rơi vào cảnh vắng lặng, gặp nhiều thách thức do dịch Covid-19. Và ở đâu, người nghệ sĩ cũng khát khao được trở lại thánh đường nghệ thuật. Đã gần 2 năm nay, các sân khấu tại Anh rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều sân khấu đóng cửa hẳn vì dịch Covid-19. Theo báo cáo của Ampere Analysis, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại London, 2 năm qua là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với ngành công nghiệp giải trí.
Chiếu 26 phim chào mừng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức Tuần phim chào mừng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII từ ngày 10 đến 16-11, tại Hà Nội và Đà Nẵng. Theo Quyết định số 2761/QĐ-BVHTTDL ngày 27-10-2021 về việc tổ chức Tuần phim chào mừng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng và các đơn vị có liên quan tổ chức hoạt động này.
Ghi danh 31 di sản vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày 28-10, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo thường kỳ quý III năm 2021. Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Đức Trung chủ trì, thông tin về công tác văn hóa, thể thao và du lịch 9 tháng qua. Cụ thể, về lĩnh vực văn hóa, có thêm 21 di tích được xếp hạng di tích quốc gia; 31 di sản được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngành Văn hóa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép gửi UNESCO hồ sơ đề cử di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng) là di sản thế giới. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án "Số hóa dữ liệu lễ hội Việt Nam giai đoạn 2021-2025"; chương trình "Chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"...
Bồi dưỡng lý luận, phê bình về tính hấp dẫn của tác phẩm văn học, nghệ thuật
Sáng 28-10, lớp bồi dưỡng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật với chủ đề "Tính hấp dẫn của tác phẩm văn học, nghệ thuật" đã khai mạc tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 40 học viên từ các cơ quan báo chí, cơ quan chuyên môn về văn học, nghệ thuật ở trung ương và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
- Báo Văn hóa ngày 28/10 đưa tin:
Mang dòng chảy bất tận của thổ cẩm Việt giới thiệu bạn bè quốc tế
Nằm trong chuỗi sự kiện tại Triển lãm Thế giới - EXPO 2020 Dubai, Ngày Quốc gia Việt Nam là hoạt động văn hóa được mong chờ nhất trong năm nay. Tại đây, một Việt Nam đậm chất văn hóa sẽ được thể hiện, mở ra cánh cửa toàn cầu hóa mà vẫn giữ bản sắc riêng. Đặc biệt, show thời trang thổ cẩm với sự góp mặt của khoảng 50 người đẹp, diễn viên và hơn 100 nghệ sĩ, nghệ nhân,... sẽ được giới thiệu tại sự kiện văn hóa này. Trước hết là cơ hội quảng bá về đất nước và con người Việt Nam, về vẻ đẹp, sự độc đáo và bản sắc văn hóa Việt thông qua các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống phong phú, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cũng như các món ăn, nghệ thuật ẩm thực phong phú của Việt Nam.
Nizami Ganjavy dưới góc nhìn của giới nghiên cứu Việt Nam
Chiều 28.10 tại Hà Nội, Đại sứ quán Azerbaijan đã phối hợp với Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương tổ chức Tọa đàm khoa học Nizami Ganjavy dưới góc nhìn của giới nghiên cứu Việt Nam nhân kỷ niệm 880 năm ngày sinh của nhà thơ, nhà tư tưởng vĩ đại của Azerbaijan - Nizami Ganjavy. Buổi tọa đàm có sự tham dự và chủ trì của ngài Anar Imanov - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Azerbaijan; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương; TS. Đào Xuân Tiến - Giám đốc Trung tâm Khoa học, Văn hóa và Lịch sử Azerbaijan; Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam cùng đông đảo chuyên gia, nhà văn hóa và công chúng yêu văn chương.
26 tác phẩm đoạt giải cuộc thi Giai điệu nơi tuyến đầu
Ngày 28.10, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã công bố kết quả cuộc thi sáng tác ca khúc Giai điệu nơi tuyến đầu và video clip Thời khắc khó quên để động viên, khích lệ tinh thần đoàn kết, vượt mọi khó khăn, nhường cơm, sẻ áo, góp công, góp sức, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh Covid-19. Cuộc thi Giai điệu nơi tuyến đầu do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Sau hơn 40 ngày triển khai, Ban tổ chức đã nhận được 1.296 tác phẩm ca khúc (bản nhạc) và các bản ghi âm thanh bài hát của 935 tác giả và đồng tác giả. Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, các tác phẩm gửi dự thi đa dạng về chủ đề, thể loại, phong cách và chất liệu âm nhạc; âm hưởng chủ đạo là ngợi ca, ghi nhận sự hy sinh thầm lặng của các lực lượng trên tuyến đầu, san sẻ những khó khăn, vất vả, mất mát của người dân vùng dịch
Dấu ấn văn hóa dân tộc trong tác phẩm điện ảnh
Dường như đã thành một câu cửa miệng mỗi khi ai đó nói đến nhiệm vụ chức năng của điện ảnh, rằng điện ảnh là phương tiện truyền tải, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc đến các thế hệ công dân Việt Nam cũng như thế giới, từ đó góp phần tôn vinh văn hóa dân tộc và xây dựng nền văn hóa dân tộc trong sự biến động không ngừng của hiện thực xã hội. Để một bộ phim ghi được dấu ấn mạnh mẽ trong các liên hoan phim quốc tế, thì trước hết, căn cước văn hóa của nó phải rõ ràng. Bởi chính căn cước văn hóa ấy mới xác lập được giá trị độc nhất vô nhị của tác phẩm, khiến nó khác biệt với hàng ngàn tác phẩm của các quốc gia khác, dù nó thể hiện đời sống xã hội của dân tộc quốc gia ấy ở thời quá khứ hay đương đại, thậm chí viễn tưởng.
- Báo điện tử Người Lao động ngày 29/10 đưa tin:
Hấp dẫn tuần lễ Doanh nhân và sách
Sự kiện công bố "Top 100 cuốn sách đáng có trong tủ sách doanh nhân" (bằng hình thức trực tuyến) là mở màn đầy thú vị cho Tuần lễ "Doanh nhân và sách" dự kiến diễn ra tại Đường sách TP HCM, từ ngày 1 đến 7-12. Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết "Top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nhân" sẽ được trưng bày 1 năm tại Đường sách TP HCM, để bạn đọc cũng như các doanh nhân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm.
Cục Điện ảnh nói gì về đề xuất dừng chiếu phim có nghệ sĩ vi phạm đạo đức?
Bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho rằng tác phẩm điện ảnh là tác phẩm có sự đóng góp của số đông nghệ sĩ. Việc đánh giá tác phẩm phải toàn diện, đánh giá sự đóng góp của từng nghệ sĩ trên mọi phương diện. Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết Cục đang xin ý kiến góp ý xây dựng cho dự thảo Quy tắc ứng xử chung của người làm nghệ thuật. Tuy nhiên, ông Trần Hướng Dương khẳng định không có quy định "cấm sóng" với những người làm nghệ thuật vi phạm đạo đức, có hành vi không đúng mực, vi phạm pháp luật.
Đại biểu QH đề xuất tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú với nhạc sĩ
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cân nhắc và nên có quy định xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú với nhạc sĩ. Sáng 28-10, tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Một nội dung được nhiều đại biểu thảo luận là Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV đã không còn việc xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" đối với nhạc sĩ như quy định hiện hành.
Lắng nghe để tháo gỡ, muộn mà chắc!
Trong cuộc họp giữa 15 đơn vị sân khấu xã hội hóa và 1 đơn vị công lập (Nhà hát Kịch TP HCM) do Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP HCM và Hội Sân khấu TP HCM đồng chủ trì vào đầu tuần, các nghệ sĩ, đạo diễn, nhà quản lý của các sân khấu tư nhân đã bày tỏ niềm vui khi Sở VH-TT TP HCM đã có những động thái tích cực hỗ trợ các sân khấu tái hoạt động sau gần 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Cuộc họp đã ghi nhận kiến nghị của các ông bà bầu sân khấu tư nhân với Cục Nghệ thuật biểu diễn về việc nên dời thời điểm tổ chức Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc đợt 2 vào tháng 3 hoặc quý II/2022 nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cộng đồng và các sân khấu kịch tại TP HCM có thời gian đầu tư vở diễn đạt chất lượng theo quy chế liên hoan để tranh tài.
2.Lĩnh vực Du lịch
- Báo Nhân Dân, Trung tâm Thông tin TCDL và nhiều báo khác ngày 29/10 đưa tin: "Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023" cho biết: Ngày 28/10, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 94/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Theo đó, giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết ngày 31/12/2023. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 20 triệu đồng (mức cũ là 100 triệu đồng). Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 50 triệu đồng (mức cũ là 250 triệu đồng); Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài là 100 triệu đồng (mức cũ là 500 triệu đồng); Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài là 100 triệu đồng (mức cũ là 500 triệu đồng).
-TTXVN ngày 29/10 đưa tin:
Du lịch Ninh Thuận tạo chiến lược mới để bứt phá trong tương lai
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và trụ cột của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây là động lực, điều kiện để ngành Du lịch của tỉnh bứt phá, trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi du lịch của cả nước, nhất là khu vực Duyên hải miền Trung; đồng thời từng bước khẳng định thương hiệu, hình ảnh du lịch Ninh Thuận trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Đà Nẵng khôi phục hoạt động du lịch trong giai đoạn bình thường mới
Chiều 28/10, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức chương trình trực tuyến triển khai kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch trong giai đoạn bình thường mới, sau một thời gian dài phải tạm ngưng vì dịch COVID-19. Chương trình nhằm từng bước khôi phục hoạt động du lịch, thúc đẩy sự liên kết, hợp tác và cam kết của các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng trong việc sẵn sàng đón du khách trở lại trong điều kiện an toàn mới. Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình đã công bố các kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch thành phố trong tình hình mới theo phương châm: "Chủ động - thích ứng - linh hoạt để đạt hiệu quả khôi phục du lịch và đảm bảo an toàn cho khách du lịch, người lao động du lịch và cộng đồng".
Làm rõ những vấn đề dư luận quan tâm về lĩnh vực du lịch, nghệ thuật biểu diễn
Vấn đề liên quan đến mở cửa thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, du lịch nội địa được nhiều cơ quan báo chí quan tâm trong cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra sáng 28/10 tại Hà Nội. Trao đổi với báo chí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho biết: Mở cửa phục hồi du lịch quốc tế, nội địa là việc làm cần thiết bởi đến thời điểm này, doanh nghiệp du lịch nước ta đã thực sự kiệt quệ sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
-Báo Nhân Dân ngày 28/10 đưa tin:
Du lịch phải dẫn đầu quá trình thích ứng và bền vững hơn trong tương lai
Kết thúc hai ngày làm việc (26 và 27/10) tại Barcelona, Tây Ban Nha, Diễn đàn cấp cao về tương lai của du lịch thế giới đã đưa ra "Lời kêu gọi Hành động Barcelona" nhằm khẳng định vai trò của du lịch xanh, toàn diện và linh hoạt trong sự phục hồi của ngành du lịch. Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch dẫn đầu tham dự theo hình thức trực tuyến. Diễn đàn cấp cao về tương lai của du lịch thế giới do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) tổ chức trực tiếp tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha với chủ đề "Tương lai của ngành du lịch cho con người, hành tinh và sự thịnh vượng". Đây là sự kiện lớn đầu tiên của ngành Du lịch tập trung vào việc định hướng tương lai cho du lịch toàn cầu được tổ chức kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Đà Nẵng triển khai kế hoạch phục hồi du lịch
Chiều 28/10, Sở Du lịch TP Đà Nẵng tổ chức Chương trình triển khai kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch Đà Nẵng trong giai đoạn bình thường mới. Phát biểu tại sự kiện này, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn nhấn mạnh: Khôi phục và phát triển du lịch được xem là nhiệm vụ quan trọng giúp thành phố phục hồi hoạt động kinh tế. Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch, đồng thời huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ và đồng thành với ngành du lịch triển khai hiệu quả kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch Đà Nẵng trong giai đoạn bình thường mới".
- Báo Hà Nội mới ngày 28/10 đưa tin: "Hà Nội đón khoảng 5.000 lượt khách trong tháng 10-2021" cho biết: Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong tháng 10-2021, do thành phố Hà Nội nới lỏng giãn cách và cho phép mở cửa một số dịch vụ, nên ước tính Hà Nội đón khoảng 5.000 lượt khách, chủ yếu là khách nội địa. Từ ngày 14-10, thành phố Hà Nội cho phép một số hoạt động, dịch vụ được mở cửa trở lại như bảo tàng, công viên, cơ sở lưu trú, nên hoạt động du lịch đã được khởi động trở lại. Theo số liệu tại một số điểm du lịch trên địa bàn, trong 3 ngày (từ ngày 15 đến 18-10), Công viên Thủ Lệ đã đón 2,5 nghìn lượt khách tham quan, Vườn quốc gia Ba Vì đón khoảng 500 lượt khách, khu du lịch Tản Đà đón khoảng 200 lượt khách...
- Báo Văn hóa ngày 29/10 đưa tin:
Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch tại Lào Cai, Hà Giang
Bộ VHTTDL vừa có Quyết định số 2754/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức 3 lớp tập huấn về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống với sự tham gia của các học viên là nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Tày tại Lào Cai và Hà Giang. Đây là hoạt động nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, góp phần, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, qua đó, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Khánh Hòa: Chưa phát huy hết giá trị di tích đình làng để thu hút khách du lịch
Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 250 ngôi đình với quy mô khác nhau, trong đó có hơn 150 ngôi đình đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh và đình Phú Cang, huyện Vạn Ninh được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Tại những ngôi đình đã được xếp hạng di tích, hiện vẫn còn lưu giữ hơn 600 sắc phong do các đời vua triều Nguyễn ban. Giá trị của những ngôi đình đối với phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần người dân là rất lớn. Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các ngôi đình này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Thực tế cho thấy, nhiều ngôi đình hiện nay đã xuống cấp vì trải qua thời gian quá lâu chưa được tôn tạo, tu bổ. Một số đình khác thì không có người trông coi, chăm sóc vì thiếu nguồn kinh phí. Nhiều không gian đình hiện nay còn bị xâm phạm làm nơi buôn bán, thậm chí là chăn nuôi gia cầm.
Bình Định đề nghị thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ ngày 1.11
UBND tỉnh Bình Định vừa gửi Bộ VHTTDL về việc phê duyệt Đề án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến tỉnh Bình Định. Theo đó, Đề án xác định: Địa bàn triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Bình Định tại xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn), thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát), bán đảo Phương Mai (gồm các xã Nhơn Hải, Nhơn Hội, Nhơn Lý (TP Quy Nhơn). Đồng thời, khách du lịch quốc tế có thể tham quan một số địa chỉ du lịch tại trung tâm TP Quy Nhơn bằng xe du lịch theo theo chương trình được phê duyệt (gọi là city tour).
Malaysia hy vọng mở cửa hoàn toàn du lịch cho khách quốc tế vào tháng 12
Theo Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Nancy Shuruki, nước này hy vọng có thể mở cửa hoàn toàn biên giới để đón du khách quốc tế vào tháng 12 tới. Trả lời câu hỏi trong phiên họp mới đây của Quốc hội Malaysia, bà Nancy Shukri cho biết trước hết, cần phải quan sát rất kỹ tình hình ở bong bong du lịch Langkawi. Nếu mọi thứ diễn biến tốt mới có thể tính toán để mở cửa trở lại toàn bộ đất nước. "Chúng tôi từng tuyên bố sẽ có 3 tháng cho giai đoạn quan sát nhưng tôi cảm thấy sẽ không cần lâu như vậy. Chính phủ đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi quy trình chăm sóc sức khỏe ở Langkawi nên Malaysia hoàn toàn có thể mở cửa sớm hơn. Chúng tôi hy vọng điều này có thể xảy ra trong tương lai gần, có thể vào đầu tháng 12", bà Nancy Shukri nêu rõ.
Campuchia sắp đón du khách quốc tế trở lại
Bộ Du lịch quốc gia này đã đưa ra thông báo cho phép khách du lịch nước ngoài quay lại một số địa điểm tham quan và nghỉ dưỡng kể từ cuối tháng 11. Du khách quốc tế sẽ sớm có thể quay lại Campuchia sau khi quốc gia này đưa ra thông báo vào ngày 26.10 về việc mở cửa trở lại một phần cho người đã tiêm phòng. Bộ Du lịch Campuchia đã quyết định từ ngày 30/11 sẽ cho phép các bãi biển nổi tiếng ở Sihanoukville và đảo Koh Rong, Dara Sakor được đón khách trở lại. Thành phố phía bắc Siem Reap - cửa ngõ vào khu phức hợp Angkor Wat đã được xếp hạng di sản thế giới - sẽ được thêm vào kế hoạch du lịch không yêu cầu cách ly của quốc gia từ tháng 1.2022. Hơn 2 triệu du khách đã đến thăm nơi này vào năm 2019, tuy nhiên địa điểm nổi tiếng này gần như bị "bỏ hoang" kể từ khi đại dịch xảy ra.
- Báo điện tử Người Lao động ngày 29/10 đưa tin: "Đà Nẵng tái khởi động cuộc thi tìm kiếm người đẹp cho ngành du lịch" cho biết: Cuộc thi Hoa khôi Du lịch Đà Nẵng đã chính thức tái khởi động nhằm tuyển chọn gương mặt đại diện cho ngành du lịch địa phương để tham gia các sự kiện quảng bá du lịch. Ngày 28-10, Ban tổ chức cuộc thi Hoa khôi Du lịch Đà Nẵng cho biết đơn vị đã tái khởi động cuộc thi "Hoa khôi Du lịch Đà Nẵng - Miss Tourism Da Nang" sau thời gian hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
3.Lĩnh vực Thể thao
- TTXVN ngày 29/10 đưa tin:
Việt Nam sẵn sàng chào đón các đoàn thể thao đến tham dự SEA Games 31
Ngày 28/10, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về thể thao lần thứ 6 (AMMS-6) đã chính thức diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tham dự Hội nghị có sự tham gia của các quốc gia thành viên trong khu vực Đông Nam Á. Theo Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nội dung chính của Hội nghị lần này tập trung vào các vấn đề gồm: Cập nhật và báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch hành động trong giai đoạn 2016-2020; các chương trình hợp tác về thể thao trong giai đoạn 5 năm tới 2021 – 2025 nhằm hướng đến việc phát triển hơn nữa thể thao trong khu vực ASEAN cũng như xây dựng cộng đồng ASEAN năng động, nơi mà các môn thể thao phát triển một cách toàn vẹn.
HLV Mai Đức Chung nhận định về bảng đấu khó của tuyển Việt Nam tại Aisan Cup nữ 2022
Đánh giá về kết quả bốc thăm vòng chung kết Aisan Cup Nữ 2022, HLV Mai Đức Chung cho biết đội tuyển Nữ Việt Nam rơi vào bảng đấu khó, khi phải đối đầu các đối thủ hàng đầu châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. Chia sẻ với báo chí, HLV Mai Đức Chung nhận định: "Nếu so sánh với Thái Lan, Việt Nam rơi vào bảng đấu khó khăn hơn. Có vẻ, đội tuyển Thái Lan luôn may mắn… Bảng đấu của chúng ta có Nhật Bản, Hàn Quốc và Myanmar. Những trận đấu tới đây, trận nào cũng sẽ là trận chung kết với đội tuyển nữ Việt Nam. Bóng đá cũng không nói trước được điều gì.
Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về thể thao lần thứ 6: Đưa các môn thi đấu SEA Games tiếp cận Olympic và ASIAD
Ngày 28/10, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về thể thao lần thứ 6 (AMMS-6) đã chính thức diễn ra theo hình thức trực tuyến, sau 2 ngày họp các phiên thảo luận. Các Bộ trưởng thể thao ASEAN đã thông qua tuyên bố thống nhất đưa Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games tiếp cận gần hơn với các sự kiện thể thao tầm cỡ châu lục và thế giới. Chủ tịch AMM6 hy vọng, trong thời gian tới, với sự đầu tư, quan tâm của mỗi quốc gia và sự hợp tác, phối hợp hiệu quả giữa các nước trong khu vực về kế hoạch hành động ASEAN về thể thao giai đoạn 2021 - 2025, VĐV trong khu vực sẽ tiếp tục giành thành tích cao hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là SEA Games 31 vào năm 2022 tại Việt Nam.
Tuyển nữ Việt Nam đụng độ tuyển nữ Nhật Bản và Hàn Quốc ở VCK Asian Cup 2022
Tuyển nữ Việt Nam đã rơi vào bảng đấu khó khăn với sự góp mặt của tuyển nữ Nhật Bản, Hàn Quốc và Myanmar ở Vòng chung kết Giải bóng đá nữ châu Á 2022 (Asian Cup 2022). Với vai trò là đội chủ nhà, Ấn Độ được xác định là đội hạt giống số 1 với mã bốc thăm A1. Đội tuyển Việt Nam được xếp vào nhóm hạt giống 8. Vòng chung kết Giải bóng đá nữ châu Á 2022 sẽ diễn ra từ ngày 20/1 - 6/2/2022 tại Ấn Độ. Mười hai đội tuyển nữ xuất sắc nhất châu Á sẽ chia làm 3 bảng đấu, mỗi bảng 4 đội, thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm. Các đội nhất và nhì tại mỗi bảng cùng với 2 đội thứ 3 có thành tích tốt nhất sẽ vào vòng loại trực tiếp (vòng tứ kết). Bốn đội thắng tại vòng tứ kết sẽ vào vòng bán kết, đội thắng tại bán kết sẽ vào chung kết.
Vòng loại World Cup 2022: Khán giả cần đến sân Mỹ Đình trước trận đấu khoảng 120 phút
Trong hướng dẫn vào sân vận động quốc gia Mỹ Đình theo dõi hai trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại cuối World Cup 2022, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) quy định rõ: Khán giả phải có mặt tại sân trước giờ diễn ra trận đấu khoảng 120 phút, để thực hiện khai báo y tế và kiểm tra an ninh. Theo kế hoạch, đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình, gặp đội tuyển Nhật Bản vào 19 giờ ngày 11/11 và gặp đội tuyển Saudi Arabia vào 19 giờ ngày 16/11, trong khuôn khổ vòng loại cuối FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, sân Mỹ Đình sẽ có tới 3 vòng kiểm soát tại bên ngoài sân, tại các cửa vào sân và bên trong sân.
-Báo Hà Nội mới ngày 28/10 đưa tin: "U23 Việt Nam dồn sức tập luyện trước đối thủ đáng gờm U23 Myanmar" cho biết: Mặc dù đã có bước khởi đầu thuận lợi với 3 điểm giành được trước U23 Đài Loan (Trung Quốc) trong trận ra quân tại vòng loại U23 châu Á 2022, nhưng trận đấu kế tiếp gặp U23 Myanmar mới là trận đấu được đánh giá có ý nghĩa quyết định tấm vé đi tiếp tại bảng I của U23 Việt Nam. Đó cũng là lý do huấn luyện viên Park Hang-seo yêu cầu các học trò dành sự tập trung tối đa, dồn sức vào trận quyết đấu này.
-Báo Nhân Dân ngày 28/10 đưa tin: "CLB Quảng Ninh không được dự V-League 2022" cho biết: Ngày 28/10, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quyết định không cấp phép cho CLB Quảng Ninh dự các giải đấu trong năm 2022 vì không đạt nhiều tiêu chí theo quy định. Theo đó, Ban cấp phép Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã nỗ lực trao đổi bằng văn bản theo trình tự với đại diện CLB Quảng Ninh. Tuy nhiên, đội bóng này đã không có phản hồi đầy đủ, gần như không còn hoạt động. Như vậy V-League 1 mùa giải 2022 sẽ còn 13 đội bóng. Nhiều tiêu chí như tài chính, thuế, đào tạo trẻ đều không được CLB Quảng Ninh báo cáo lên hệ thống cấp phép của AFC. Đội bóng này tuyên bố sẽ giải thể, phá sản công ty bóng đá, trả đội lại cho tỉnh.
- Báo điện tử Dân Trí ngày 29/10 đưa tin:
HLV Park Hang Seo yêu cầu U23 Việt Nam dồn sức đấu Myanmar
Sau trận ra quân gặp rất nhiều khó khăn, U23 Việt Nam hướng tới trận đấu tiếp theo và cũng là trận cuối cùng tại vòng loại U23 châu Á 2022, với mục tiêu giành chiến thắng trước U23 Myanmar. Ở trận ra quân ngày 27/10, U23 Việt Nam dù được đánh giá cao hơn rất nhiều so với U23 Đài Loan (Trung Quốc), nhưng đã chơi rất bế tắc. Phải tới phút 82, hậu vệ Văn Xuân mới mở tỷ số và ấn định chiến thắng 1-0 cho đoàn quân HLV Park Hang Seo.
Đội tuyển Việt Nam "đóng quân" ở Vũng Tàu trước AFF Cup 2020
Sau hai trận vào tháng 11 tại vòng loại World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam di chuyển vào Bà Rịa - Vũng Tàu để tập huấn chuẩn bị cho AFF Cup 2020. Theo lịch thi đấu, đội tuyển Việt Nam tiếp đón Nhật Bản (11/11) và Saudi Arabia (16/11) trên sân Mỹ Đình, tại lượt trận thứ 5 và 6 vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Sau hai trận đấu này, thầy trò HLV Park Hang Seo chỉ có 3 ngày nghỉ ngơi, trước khi hội quân trở lại chuẩn bị cho chiến dịch bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup.
Hai Long được AFC khen sau trận thắng của U23 Việt Nam
Sự xuất hiện của Hai Long giúp cho thế trận tấn công của U23 Việt Nam trước Đài Loan (Trung Quốc) khác hẳn và cầu thủ này nhận được nhiều lời khen sau trận đấu. Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) viết trên trang chủ của mình, về trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Đài Loan (Trung Quốc): "U23 Việt Nam có chiến thắng nhọc nhằn trước Đài Loan. Đội Á quân năm 2018 kiểm soát phần lớn thế trận, nhưng phải đến phút 82, Lê Văn Xuân mới ghi bàn quyết định cho U23 Việt Nam".
4.Lĩnh vực Gia đình
- TTXVN ngày 29/10 đưa tin: "Phụ nữ cần được đặt ở trung tâm của mọi nỗ lực phục hồi sau Covid-19" cho biết: Đó là phát biểu của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu năm 2021 với chủ đề "Phụ nữ - Chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu". Tối 28/10 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu năm 2021 với chủ đề "Phụ nữ - Chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu".
Hội nghị năm nay thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, hàng chục quan chức cấp bộ trưởng/thứ trưởng, hàng trăm nữ lãnh đạo doanh nghiệp và đại diện các tổ chức phụ nữ. Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga tham gia cùng đoàn. Tại lễ khai mạc, Chủ tịch Hội nghị Irene Natividad và các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19 và chuyển đổi để thích ứng với thế giới hậu đại dịch;