Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 25/10/2021

25/10/2021 | 16:30

Võ sĩ Thu Nhi lên ngôi vô địch WBO thế giới; Trao giải cuộc thi "Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường"; Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng liên kết du lịch với nhiều địa phương là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

-Báo Nhân Dân ngày 25/10 đưa tin

"Ánh sáng tâm hồn" trong cuộc chiến chống dịch

Tối 20/10, tổ khúc múa đặc biệt mang tên "Ánh sáng tâm hồn" đã chính thức ra mắt công chúng trên nền tảng trực tuyến. Ðây là công trình nghệ thuật đầy tâm huyết được nghệ sĩ múa hai miền nam, bắc thực hiện trong suốt những ngày giãn cách xã hội vừa qua, như lời tri ân sâu sắc gửi tới lực lượng tuyến đầu, đồng thời ngợi ca tình người trong đại dịch.

Sân khấu cần đổi mới đột phá

Sự kiện kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam vừa qua được các nghệ sĩ trong cả nước hân hoan chào đón, ghi dấu một thế kỷ hình thành và phát triển của một loại hình nghệ thuật có nhiều đóng góp vào đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Thời gian chưa phải là nhiều nếu so với sân khấu dân tộc đã có hàng trăm năm và kịch nói thế giới có từ hàng nghìn năm, nhưng chúng ta có thể tự hào về sự trưởng thành của kịch nói Việt Nam.

Trao giải cuộc thi "Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường"

Tối 23/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi "Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường". Cuộc thi được tổ chức nhằm khích lệ, động viên và khơi dậy niềm tự hào đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục, đồng thời là dịp thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với những đóng góp của các thế hệ nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục. Đây là cuộc thi giàu hình tượng cảm xúc về hình ảnh người thầy, thể hiện được giá trị giáo dục và tính nhân văn cao. Qua sự kiện này, những tác phẩm âm nhạc xuất sắc sẽ góp phần làm phong phú thêm cho hoạt động văn hóa, văn nghệ và đời sống tinh thần trong nhà trường.

-TTXVN ngày 24/10 đưa tin:

Đề cử giải Bùi Xuân Phái: Triển lãm ảnh Hà Nội 1967 - 1975 của nhiếp ảnh gia Đức Thomas Billhardt

Sau triển lãm ảnh Hà Nội 1967 - 1975 của nhiếp ảnh gia Đức Thomas Billhardt do Viện Goethe tại Việt Nam, Manzi Space Art và công ty Nhã Nam tổ chức hồi tháng 10/2020, cuốn sách cùng tên cũng đã được NXB Thế giới và Nhã Nam ấn hành ngay sau đó. Để rồi, gần một năm sau, khi giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021 khởi động, sách ảnh Hà Nội 1967 - 1975 đã có tên trong danh sách đề cử chính thức ở hạng mục "Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội". Lễ trao giải và triển lãm dự kiến diễn ra vào 14 giờ ngày 28/10 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt (Hà Nội).

Đà Nẵng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc

Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, đề án đặt mục tiêu hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng, đảm bảo cảnh quan môi trường hài hòa, phục vụ phát huy giá trị di tích. Thành phố lập hồ sơ xếp hạng 8 di tích cấp quốc gia và cấp thành phố; đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia cho một hoặc hai hiện vật; tổ chức 5 lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bảo tàng tìm hướng đi trong đại dịch

Hà Nội nhìn từ Hồ Gươm trong không gian kết nối 3D thông qua triển lãm trực tuyến "Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây"; Triển lãm "Những ngôi nhà xưa ở Tây Nguyên" được trình chiếu trên trang fanpage của Bảo tàng Đắk Lắk… là biểu hiện rõ nét của việc ứng dụng nền tảng công nghệ trong hoạt động bảo tàng. Thích ứng nhanh với đại dịch COVID-19, những bảo tàng lớn như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã ứng dụng công nghệ triệt để giới thiệu các nội dung trưng bày, tiếp cận công chúng trong thời điểm giãn cách xã hội. Vì thế, dù đóng cửa nhưng khách "online" vẫn tấp nập ghé thăm bảo tàng.

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII sẽ có thêm 2 giải thưởng mới

Ngày 22/10, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã họp báo công bố Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII-2021 diễn ra từ ngày 18-20/11 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế với chủ đề "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn". Ngoài cơ cấu giải thưởng như thông lệ, tại Liên hoan phim lần này, Ban Tổ chức quyết định trao 2 giải thưởng mới, gồm: Giải kỹ xảo phim truyện điện ảnh xuất sắc để ghi nhận và khẳng định sự phát triển công nghệ của điện ảnh Việt Nam; giải đạo diễn phim truyện đầu tay xuất sắc nhằm khích lệ các tài năng mới.

- Báo Hà Nội mới ngày 24/10 đưa tin:

Trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XV - năm 2020: Nhiều tác phẩm có sức lan tỏa

(HNMO) - Tối 24-10, Lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XV - năm 2020 đã diễn ra tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội). Tại lễ trao giải, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí quốc gia năm 2020 Thuận Hữu cho biết, 15 năm qua, Giải báo chí quốc gia đã thực sự trở thành hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ có ý nghĩa và danh giá nhất, có sức thu hút, lan tỏa mạnh mẽ, hấp dẫn nhất đối với các nhà báo và lực lượng cộng tác viên trong cả nước.

An toàn khi đến với nghệ thuật

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có hướng dẫn tạm thời để đưa thư viện, rạp chiếu phim, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật hoạt động trở lại. Theo đó, các đơn vị phải xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động và các phương án phòng, chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ; chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp bảo đảm phòng, chống dịch; tạo điểm quét mã QR để quản lý người ra, vào địa điểm và khai báo y tế;

Triển lãm tranh cổ động về đề tài xây dựng, bảo vệ Tổ quốc

Hội Mỹ thuật Việt Nam ngày 23-10 đã mở triển lãm tranh cổ động về đề tài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm giới thiệu với công chúng 26 tác phẩm nằm trong bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm tập trung vào chủ đề hậu phương lớn miền Bắc, tiền tuyến miền Nam, công nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, học tập văn hóa…, góp phần cổ vũ khí thế cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Ý nghĩa chương trình ''Kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển''

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021), tối 23-10, được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình "Kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển", được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Trong chương trình, khán giả được gặp gỡ và giao lưu với những nhân chứng lịch sử để cùng ôn lại câu chuyện về những "con tàu không số" đã góp phần làm nên kỳ tích cho công cuộc giành độc lập, thống nhất đất nước. Bên cạnh đó, khán giả được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu…

Sân khấu kịch nói Việt Nam: Chuyên nghiệp để tạo đột phá

Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921-2021) đang diễn ra không chỉ là dịp để ôn lại những trang sử vàng của loại hình nghệ thuật này, mà còn là sự thôi thúc người hoạt động sân khấu tìm hướng vực dậy nền kịch nói nước nhà, nhất là sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tạo nên những tác phẩm gắn với đời sống mới thông qua hoạt động chuyên nghiệp chắc chắn sẽ đem lại sự đột phá cho sân khấu kịch nói Việt Nam.

Phim Việt chờ ngày trở lại: Phải thích ứng với tình hình mới

Cuộc sống dần trở lại trạng thái bình thường mới, cũng là lúc các nhà làm phim háo hức với việc trở lại rạp chiếu. Nhưng, ra mắt phim vào thời điểm nào cho "an toàn" là câu hỏi mà không ai dám tự tin trả lời bởi lo ngại những diễn biến bất thường của dịch bệnh. Đã đến lúc các nhà làm phim nghĩ đến những phương án linh hoạt hơn để thích ứng với tình hình mới.

Đưa sân khấu kịch nói phát triển lên tầm cao mới

Trong khuôn khổ Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921-2021), ngày 23-10, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức hội thảo "100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển". Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng thông tin, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ triển khai nhiều hoạt động đưa các tác phẩm mới của sân khấu kịch nói đến với khán giả trong nước, kết nối sân khấu kịch nói với học đường, ngành Du lịch...

Các di tích sẵn sàng mở cửa trở lại

Trước những tín hiệu tích cực về công tác phòng, chống dịch Covid-19, thời gian này, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Hà Nội đang chủ động chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng mở cửa trở lại phục vụ công chúng. Cùng với công tác chuyên môn, các điểm đến còn đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm các yếu tố phòng, chống dịch Covid-19.

- Báo Văn hóa ngày 25/10 đưa tin:

Thư viện hoạt động trong tình hình mới bảo đảm các hướng dẫn phòng, chống dịch

Bộ VHTTDL đã ban hành văn bản số 3935/BVHTTDL-TV về việc tổ chức hoạt động thư viện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, BVHTTDL đề nghị các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống thư viện công cộng tại địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định khi tổ chức các hoạt động của thư viện theo Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL ngày 18.10.2021 của Bộ VHTTDL hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Gần 745,6 tỷ đồng tu bổ và tôn tạo di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ

HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực thành nội di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc (nhóm dự án số 3, giai đoạn 1), tổng vốn đầu tư gần 745,6 tỷ đồng. Theo đó, các hạng mục công trình tu bổ, phục hồi, tôn tạo gồm: khu trưng bày điện khảo cổ Hoàng Nguyên 9.000m2; khôi phục Hào thành phía nam 1000m; tôn tạo vệ thành; tôn tạo đường Hoàng gia; tu bổ, chống thấm cổng nam; phục hồi cầu Nam thành; phục hồi, tôn tạo đông Thái Miếu, tây Thái Miếu; đường giao thông nội bộ; cây xanh cảnh quan, điện chiếu sáng và hạ tầng kỹ thuật.

Sai phạm tại dự án "Nâng cấp, mở rộng và tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Địa điểm Chiến thắng Đèo Nhông" (Bình Định): Cơ quan quản lý di tích không thể nói "không biết"

Dự án "Nâng cấp, mở rộng và tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Địa điểm Chiến thắng Đèo Nhông" được triển khai thi công từ năm 2017 trước khi có văn bản thẩm định dự án của Bộ VHTTDL là vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, có vấn đề rất lấy làm khó hiểu là, cơ quan quản lý nhà nước về di sản là Sở VHTT, đơn vị trực tiếp quản lý di tích quốc gia địa điểm Chiến thắng Đèo Nhông lại không hề có phản ứng gì. Nói cách khác, chưa có bất cứ động thái nào để kiểm tra, xử lý việc vi phạm luật của chủ đầu tư là UBND huyện Phù Mỹ.

Đà Nẵng: Sẽ điều chỉnh, dỡ bỏ và xây mới gần 2.000 bảng quảng cáo ngoài trời

Sở VHTT Đà Nẵng cho biết, tháng 10. 2021, UBND TP vừa phê duyệt "Đề án Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Qua đó sẽ triển khai quy hoạch bảng quảng cáo ngoài trời phù hợp với địa phương, bao gồm tháo bỏ và điều chỉnh nhiều bảng quảng cáo hiện có, thực hiện đúng theo chủ trương đầu tư xây dựng và đảm bảo mỹ quan đô thị. Trước đây, theo quy hoạch bảng quảng cáo ngoài trời do UBND TP Đà Nẵng ban hành từ năm 2017 đến năm 2020, định hướng đến năm 2030: Đà Nẵng sẽ xây mới 699 bảng quảng cáo, tháo bỏ 80 bảng và điều chỉnh giảm kích thước đối với 118 bảng (bảng lớn nhỏ, bảng trên vỉa hè, bảng giải phân cách và bảng trên vòng xoay), bố trí trên 39 tuyến đường giao thông chính và các khu vực công cộng trên địa bàn thành phố.

2.Lĩnh vực Du lịch

-Báo Tin tức ngày 25/10 đưa tin:

Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm tour đường sông đến Cần Giờ

Một đoàn 50 du khách gồm người Việt và người nước ngoài làm việc tại TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên trải nghiệm tour du lịch đường sông từ trung tâm thành phố đi Cần Giờ. Đây là tour du lịch đường thủy đầu tiên được UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) phối hợp tổ chức thí điểm trong thời điểm TP Hồ Chí Minh bắt đầu phục hồi hoạt động ngành du lịch sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.

Khai thác liên tuyến giá trị di tích lịch sử triều đại Tây Sơn

Đến Bình Định, ngoài du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, việc tìm hiểu giá trị lịch sử về triều đại Tây Sơn cũng rất hấp dẫn du khách. Đáp ứng nhu cầu này, tour liên tuyến du lịch từ bảo tàng Quang Trung (Bình Định) lên khu di tích Tây Sơn thượng đạo (Gia Lai)đã được thiết kế và triển khai thời gian qua, mang đến nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Nằm trong chương trình khai thác liên tuyến du lịch giữa Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, tuyến đường kết nối tìm hiểu giá trị di tích lịch sử triều đại nhà Tây Sơn đã được Hiệp hội du lịch Việt Nam khảo sát tuyến năm 2020.

Mở lại tour du lịch an toàn TP Hồ Chí Minh - Phú Yên từ ngày 1/11

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và tỉnh Phú Yên đã thống nhất mở lại đường tour du lịch từ TP Hồ Chí Minh đến Phú Yên và ngược lại, bắt đầu từ ngày 1/11. TP Hồ Chí Minh và tỉnh Phú Yên sẽ ngồi lại bàn thảo kỹ lưỡng để triển khai bộ tiêu chí đánh giá an toàn và Bản đồ du lịch an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 giữa hai địa phương trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh và Phú Yên cũng sẽ tăng cường liên kết để áp dụng chính sách kích cầu, khuyến mãi hấp dẫn du khách hai địa phương, góp phần kích cầu thị trường du lịch nội địa.

Hào hứng trải nghiệm tour bộ hành tham quan kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội

Ngày 23/10, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Công ty lữ hành Hanoitourist tổ chức chương trình du lịch trải nghiệm "Tour bộ hành kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội". Đáp ứng quy định phòng dịch, đơn vị phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức 3 đoàn khách tham quan trải nghiệm về kiến trúc gồm Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Nhà hát lớn và tòa Nhà khách Chính phủ (trước là Bắc Bộ phủ). Đây là những công trình kiến trúc Pháp đặc trưng gần nhau. Đây là sản phẩm mới trên những tiềm năng sẵn có của Hà Nội về các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Những hòn đảo trở thành 'mỏ vàng' của ngành du lịch Campuchia

Du khách khi đến Campuchia thường quan tâm đến Angkor Wat giàu giá trị lịch sử, Biển Hồ đa dạng về văn hóa và Phnom Penh-cuộc phiêu lưu ở thành thị. Nhưng thời gian qua, các hòn đảo vẫn giữ nguyên vẻ đẹp nguyên bản với cát trắng và biển trong xanh của Campuchia đang trở thành điểm đến thu hút mới, nơi du khách vừa có thể mở tiệc thưởng thức ẩm thực địa phương vừa có thể hòa mình với thiên nhiên và thư giãn.

-TTXVN ngày 24/10 đưa tin:

Bình Thuận: Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi du lịch

Sáng 24/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch tỉnh về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phục hồi ngành du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong thời gian dịch COVID – 19 bùng phát lần thứ 4, đa số doanh nghiệp vẫn phải duy trì gần bằng 1/3 (khoảng 20% - 25%) lao động để trùng tu, bảo dưỡng cơ sở, duy trì nguồn nhân lực và vẫn tiếp tục kết nối với thị trường với mục tiêu có thể mở cửa hoạt động trở lại khi điều kiện cho phép.

Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh 'bắt tay' thực hiện du lịch an toàn, thích ứng với dịch COVID-19

Đã từ lâu, du khách Thành phố Hồ Chí Minh rất chuộng những sản phẩm du lịch ở xứ "Rừng trầm, biển yến" như du lịch biển đảo; du lịch văn hóa, ẩm thực biển… Ngược lại, Khánh Hòa cũng là thị trường du lịch khá quan trọng đối với Thành phố Hồ Chí Minh với các sản phẩm du lịch chủ lực như: Du lịch đô thị, du lịch mua sắm, giải trí, chăm sóc sức khỏe, văn hóa - lịch sử… và kết nối đến các tỉnh lân cận.

Ngành Du lịch Lâm Đồng thận trọng mở cửa đón khách

Sau một tuần được hoạt động trở lại theo quy định mới của UBND tỉnh, ngành Du lịch Lâm Đồng vẫn đang tìm cách khắc phục khó khăn, thận trọng trong việc mở cửa đón khách để vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi phát triển trong tình hình mới. Theo quy định mới được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành tạm thời, để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn từ ngày 15/10, người ngoài tỉnh được phép vào tỉnh với các điều kiện riêng cho từng vùng theo mỗi cấp độ y tế. Trong đó, du khách từ các tỉnh thuộc vùng cấp độ 1 (nguy cơ thấp - màu xanh), cấp độ 2 (nguy cơ trung bình - màu vàng) thực hiện nghiêm thông điệp 5K và biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương.

Hà Nội: Xu hướng du lịch 'tại chỗ' bắt đầu thu hút khách

Khi Hà Nội và các địa phương trên cả nước đang dần trở về trạng thái bình thường mới, ngành du lịch Thủ đô bắt đầu có sự khởi động trở lại trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho khách, các lao động du lịch cũng như cả cộng đồng. Trong đó, xu hướng du lịch "tại chỗ" đang thu hút khá đông người tham gia, cho thấy tín hiệu đáng mừng trong việc phục hồi ngành kinh tế "xanh" này.

-Báo Hà Nội mới ngày 25/10 đưa tin:

Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng liên kết du lịch với nhiều địa phương

Sau thành công của tour du lịch thí điểm đón khách du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh đi núi Bà Đen (Tây Ninh), ngành du lịch hai địa phương đã triển khai tour liên kết dịch "Củ Chi - Tây Ninh sắc xanh ngày mới". Cùng với đó, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu triển khai tour du lịch đến nhiều địa phương khác.

Khai trương tour đi bộ ''Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội'', khởi động du lịch Thủ đô

Ngày 23-10, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) khai trương tour du lịch "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội" với khoảng 60 khách, chia làm 6 đoàn. Đây là tour du lịch đầu tiên của Hà Nội được khởi động lại sau làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 với phương châm "du lịch an toàn" trong trạng thái bình thường mới.

Việt Nam - Hàn Quốc bàn giải pháp phục hồi ngành du lịch

Ngày 22-10, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (ITDR) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu văn hóa du lịch Hàn Quốc (KCTI) tổ chức Hội thảo trực tuyến "Đảm bảo an toàn cho du khách trong đại dịch - Phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19". Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý du lịch của nhiều địa phương cùng nhiều doanh nghiệp của Việt Nam - Hàn Quốc, nhằm tìm kiếm, đề xuất các giải pháp khởi động, phục hồi và phát triển ngành du lịch trong bối cảnh mới.

Khảo sát sản phẩm du lịch bằng xe điện cho phố cổ Hà Nội

Ngày 22-10, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội và Công ty lữ hành Hanoitourist tổ chức khảo sát các điểm di tích, di sản quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ Hà Nội với mục đích đánh giá lại tiềm năng du lịch phố cổ Hà Nội, từ đó hình thành những sản phẩm du lịch mới cho Thủ đô sau dịch Covid-19.

- Báo Văn hóa ngày 24/10 đưa tin:

Quảng Nam: Bàn kế hoạch mở cửa đón khách du lịch

Tại hội nghị du lịch trực tuyến do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vào cuối tuần qua, bên cạnh việc đánh giá tác động của đại dịch Covid -19 đối với ngành du lịch, tỉnh Quảng Nam cũng đưa ra dự thảo Kế hoạch mở cửa đón khách du lịch nội địa và quốc tế đến Quảng Nam trong tình hình mới nhằm tham khảo ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan. Tham dự hội nghị tại các điểm cầu có đại diện Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL), Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ngành du lịch các địa phương Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, các doanh nghiệp hàng không, lữ hành trên toàn quốc.

Đà Nẵng: Chỉ đón khách trong điều kiện an toàn

Theo lộ trình đã đưa ra, hiện nay ngành du lịch Đà Nẵng đang nỗ lực triển khai các phương án đón khách đảm bảo an toàn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, bảo tàng, khách sạn cũng thực hiện nghiêm túc các quy định phòng dịch, không để xảy ra sơ xuất. Với việc mở cửa lại cho một số thị trường khách, ngành du lịch Đà Nẵng đã đưa ra những tiêu chuẩn, điều kiện nhất định để phục hồi du lịch an toàn. Cụ thể đối với khách du lịch nội địa, khách du lịch là người dân trên địa bàn thành phố cần có chứng nhận đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19, khách du lịch từ các địa phương đến Đà Nẵng phải đảm bảo đã tiêm 2 mũi vắc-xin, bắt buộc đi theo tour/combo trọn gói khép kín qua công ty lữ hành, có mã QR và phải sử dụng mã QR khi tham gia các dịch vụ du lịch tại thành phố Đà Nẵng.

3.Lĩnh vực Thể thao

-TTXVN, báo Quân đội Nhân Dân, và nhiều báo khác ngày 24/10 đưa tin: "Võ sĩ Thu Nhi lên ngôi vô địch WBO thế giới" cho biết: Võ sĩ bé nhỏ của Việt Nam Nguyễn Thị Thu Nhi đã giành chức vô địch quyền anh WBO trong một trận đấu 10 hiệp diễn ra chiều 23/10 trên võ đài Khu thi đấu thể thao thành phố Ansan, thuộc tỉnh Gyeongi, Hàn Quốc. Nguyễn Thị Thu Nhi đã xuất sắc vượt qua võ sĩ người Nhật Bản Etsuko Tada bằng tính điểm sít sao 96-94 để trở thành tay đấm đầu tiên của Việt Nam giành được đai vô địch quyền anh thế giới hạng mini-flyweigth. Không thể diễn tả được cảm xúc của người hâm mộ cả Việt Nam và Hàn Quốc trên đấu trường Ansan chiều nay, khi Thu Nhi, dù không được đánh giá cao trước đối thủ Nhật Bản vốn đang giữ đai vô địch, đã bước qua từng và hiệp giành chiến thắng chung cuộc.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 25/10/2021 - Ảnh 2.

Thu Nhi thể hiện niềm vui chiến thắng sau trận đấu kịch tính - Ảnh; TTXVN

-Báo Hà Nội mới ngày 25/10 đưa tin:

Bóng đá Việt Nam hợp tác phát triển toàn diện với Bundesliga

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cùng công ty Giải pháp Truyền thông thế hệ mới (Next Media) đã ký kết biên bản ghi nhớ dự án "Vườn ươm tài năng bóng đá trẻ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức". Xuất phát từ ý tưởng của Next Media và sự đồng hành của VFF, Bundesliga, dự án "Vườn ươm tài năng bóng đá trẻ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức" đã được ra đời, với sự đầu tư mạnh mẽ, khác biệt về chuyên môn, tài chính cũng như có thời gian kéo dài đã chính thức được thực hiện.

U23 Việt Nam chia quân đấu tập, HLV Park Hang-seo hài lòng về sự nỗ lực của các học trò

Chiều 24-10 (giờ Việt Nam), huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đã chia đôi lực lượng để đấu tập nội bộ, qua đó đánh giá phong độ của từng cầu thủ nhằm xác định đội hình tối ưu nhất cho trận ra quân gặp U23 Đài Loan (Trung Quốc), diễn ra ngày 27-10 tới. Để hạn chế rủi ro về chấn thương, HLV Park Hang-seo quyết định lựa chọn sân tập có chất lượng mặt cỏ tốt hơn so với sân tập hiện tại. Sân này thuộc thành phố Kant (Kyrgyzstan), cách khách sạn của đội khoảng 40 phút di chuyển xe bus trong điều kiện giao thông thuận lợi.

Sớm đưa các giải đấu trở lại

Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực thể dục, thể thao, trong đó có các hoạt động thể thao phong trào. Hiện tại, ngành Thể dục - Thể thao Hà Nội đang nỗ lực tìm giải pháp sớm đưa các giải đấu phong trào trở lại trong trạng thái "bình thường mới", giúp cho đời sống thể thao của Thủ đô sớm sôi động trở lại. Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động tập luyện thể dục, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội đã dần trở lại. Song, việc tổ chức các giải thể thao phong trào vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Giải pháp tình thế

Dịch Covid-19 thúc đẩy ngành Thể thao tìm giải pháp giúp VĐV nói chung và VĐV các đội tuyển quốc gia tập luyện, giữ phong độ và cảm giác thi đấu, và việc tổ chức giải đấu nội bộ là giải pháp phù hợp. Không chỉ có VĐV các đội tuyển võ thuật, điền kinh, bắn súng, thực tế là các đội tuyển cầu lông, bóng đá nam... cũng phải bằng lòng với "quân xanh" là "gà nhà".

Giữ ''lửa'' cho vận động viên

Trong điều kiện bình thường mới, khi nhiều giải đấu trong nước chưa thể tổ chức do những lo ngại về diễn biến khó lường của dịch Covid-19, việc tổ chức thi đấu nội bộ để giữ cảm giác thi đấu, giữ "lửa" trong tập luyện cho vận động viên (VĐV) được xem là giải pháp quan trọng. Gần đây, cách làm này được nhiều đội tuyển khác áp dụng. Chỉ trong tuần qua, tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đã có 3 giải đấu nội bộ của các đội tuyển điền kinh, karatedo, pencak silat quốc gia.

-Báo Công an Thành phố Đà Nẵng ngày 25/10 đưa tin:

Vòng loại U23 châu Á 2022: Giải tỏa áp lực trước giờ G

Trước khi bước vào trận đấu đầu tiên tại vòng loại U23 châu Á 2022, đội tuyển U23 Việt Nam vẫn duy trì tập luyện mỗi ngày trong tiết trời lạnh giá tại Kyrgyzstan. Không chỉ rèn kỹ chiến thuật, HLV Park Hang-seo còn giúp các học trò giải tỏa áp lực hướng đến kết quả tốt nhất. Theo thông báo mới nhất của Liên đoàn Bóng đá châu Á, giờ thi đấu các trận đấu của bảng I đã có sự điều chỉnh so với lịch đã ban hành. Cụ thể, các trận đấu sẽ diễn ra vào 16 giờ địa phương (17 giờ Việt Nam). Đội tuyển U23 Việt Nam sẽ đá trận ra quân ngày 27-10 gặp đội tuyển U23 Đài Bắc Trung Hoa và kết thúc vòng loại U23 châu Á 2022 bằng cuộc đọ sức với đội tuyển U23 Myanmar vào ngày 2-11.

Tuyển chọn đội tuyển U17 Việt Nam sang Đức tập huấn

Tại cuộc họp trực tuyến giữa VFF, VPF và công ty Giải pháp Truyền thông thế hệ mới (Next Media) ngày 20-10, các bên thống nhất bước đầu triển khai dự án "Đội tuyển U17 tuyển chọn" nhằm chọn lựa các cầu thủ xuất sắc từ lứa U17 tham gia tập huấn tại Đức. Mục tiêu của dự án hướng đến việc phát triển một lứa cầu thủ kế cận mạnh mẽ và tài năng cho bóng đá Việt Nam. VFF cùng với đại diện Bundesliga và các bên liên quan kỳ vọng thông qua dự án này, các cầu thủ Việt Nam sẽ đến gần hơn với đẳng cấp bóng đá tại giải đấu hàng đầu thế giới Bundesliga.

-TTXVN ngày 24/10 đưa tin:

Từ ngày 27/10, người hâm mộ có thể mua vé xem 2 trận đấu trên sân nhà của Đội tuyển Việt Nam

Ngày 24/10, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thông báo kế hoạch bán vé trận đấu trên sân nhà giữa Đội tuyển Việt Nam với Đội tuyển Nhật Bản ngày 11/11/2021 và với Đội tuyển Ả-rập Xê-út ngày 16/11/2021 thuộc Vòng loại cuối FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á. Cụ thể, cả 2 trận đấu trên đều diễn ra vào lúc 19 giờ trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình, sẽ có 4 loại vé được bán ra tùy theo các khu vực trên khán đài, mệnh giá cao nhất là 1.200.000 đồng/vé, loại thấp nhất là 500.000 đồng/vé.

Đội tuyển U23 Việt Nam vượt thời tiết giá lạnh tại Kyrgyzstan

Qua hai buổi tập tại Bishkek (Kyrgyzstan), đội tuyển U23 Việt Nam đã trải qua cả thời tiết mưa rét cho đến tuyết rơi trong cái giá lạnh 6 độ C. Thời tiết là một trong những thử thách đầu tiên mà đội bóng phải vượt qua trong hành trình đến với các trận cầu sắp tới tại vòng loại U23 Asian Cup 2022. Chuẩn bị kỹ lưỡng về dinh dưỡng và các trang thiết bị và thực phẩm giúp giữ ấm như trà gừng, vitamin, quần áo ấm, đội tuyển Việt Nam tích cực bước vào tập luyện bất kể điều kiện thời tiết. Tuy vậy, nhiệt độ thấp và độ ẩm tăng cao tại nước bạn cũng tạo ra cảm giác lạnh buốt khá khó chịu.

VFF chỉ bán vé trận tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 tại Mỹ Đình bằng hình thức trực tuyến

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đang lên kế hoạch cụ thể về việc bán vé cho người hâm mộ vào sân Mỹ Đình cổ vũ tuyển Việt Nam thi đấu ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á trong tháng 11 tới. Theo đó, Ban tổ chức sẽ chỉ bán vé bằng hình thức trực tuyến. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đồng ý phương án đưa 12.000 CĐV (tương đương 30% sức chứa) vào sân Mỹ Đình theo dõi 2 trận đấu tới đây của tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, trước mắt là trận tiếp đón Nhật Bản vào ngày 11/11.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Văn hóa ngày 24/10 đưa tin: "Đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới" cho biết: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 23.10.2021 phê duyệt Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hằng năm. Phấn đấu đến năm 2030 nhận thức về bình đẳng giới của các nhóm đối tượng trong cộng đồng tăng từ 10 - 15% so với năm 2025. Phấn đấu đến năm 2025 đạt ít nhất 70% cơ quan truyền thông áp dụng thí điểm và đến năm 2030 đạt 90% cơ quan truyền thông chính thức áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông. Đến năm 2025 đạt 95% và đến năm 2030 đạt 100% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×