Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 21/10/2021

21/10/2021 | 14:36

Chốt danh sách chính thức 23 cầu thủ tham dự vòng loại U23 châu Á 2022; Lập hồ sơ 2 di sản văn hóa tiêu biểu trình UNESCO; Chỉ yêu cầu xét nghiệm du khách đến từ vùng dịch cấp độ 3 hoặc 4 là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

-TTXVN ngày 21/10 đưa tin:

Đường Hồ Chí Minh trên biển - 'Huyền thoại và tương lai'

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021), tối 20/10, tại Hà Nội, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội chủ trì tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật "Huyền thoại và Tương lai". Thông qua nhiều câu chuyện xúc động, những tình tiết và góc nhìn mới, chương trình "Huyền thoại và Tương lai" nhắc nhớ cho thế hệ trẻ về chiến công của những con người quả cảm, can trường với ý chí và nghị lực phi thường, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ con đường, bến đỗ của những con tàu không số, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ máu thịt giữa hậu phương và tiền tuyến không thể tách rời bởi "nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một".

Đồng Tháp: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Tỉnh Đồng Tháp hiện có 26 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 3 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Nghề dệt chiếu xã Định An, xã Định Yên, huyện Lấp Vò; nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu, huyện Lai Vung và hò Đồng Tháp. Toàn tỉnh có một di sản được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - năm 2013). Di sản văn hóa phi vật thể tại tỉnh Đồng Tháp đang được bảo tồn, phát huy hiệu quả.

Tiếp nhận hiện vật hiến tặng di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Vạn Phúc, Hà Đông

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa tiếp nhận các hiện vật hiến tặng di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946 tại phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) do UBND phường Vạn Phúc và Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc hiến tặng. Hiện vật do UBND phường Vạn Phúc hiến tặng bao gồm: Khung cửi truyền thống của làng lụa Vạn Phúc và tủ trưng bày sản phẩm lụa của gia đình ông Nguyễn Văn Dương, là chủ nhà trước đây của ngôi nhà. Đây là những hiện vật tiêu biểu, được cán bộ và nhân dân phường Vạn Phúc gìn giữ, bảo quản qua nhiều năm. Những hiện vật này sẽ được bổ sung cho công tác trưng bày "Không gian dệt lụa" của di tích, hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2021).

Trưng bày hơn 100 tác phẩm trong Triển lãm Gốm nghệ thuật Việt Nam - 2021

Thông tin từ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Triển lãm Gốm nghệ thuật Việt Nam - 2021 diễn ra từ ngày 20-27/10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội). Đây là triển lãm chuyên đề nhằm giới thiệu những tìm tòi, sáng tạo của các tác giả trong cả nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật gốm trong đời sống đương đại. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, sau hơn 4 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 278 tác phẩm của 120 tác giả thuộc 25 tỉnh/thành phố gửi về tham dự. Hội đồng Nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập, đã tuyển chọn 107 tác phẩm, bộ tác phẩm của 56 tác giả để trưng bày triển lãm. Trong đó, 6 giải thưởng đồng hạng được trao cho các tác phẩm có chất lượng xuất sắc thuộc hai loại hình gốm nghệ thuật và gốm ứng dụng.

Hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Các cơ sở lưu trú du lịch tiếp nhận khách cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch của cơ quan y tế địa phương. Các cơ sở lưu trú du lịch đang phục vụ khách với công suất trên 30% thì không đón khách mới. Một trong những yêu cầu cụ thể đối với cơ sở kinh doanh du lịch là phải đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 hàng ngày tại địa chỉ http://safe.tourism.com.vn để kết nối với hệ thống an toàn COVID quốc gia.

- Báo Văn hóa ngày 21/10 đưa tin:

Lập hồ sơ 2 di sản văn hóa tiêu biểu trình UNESCO

Ngày 20/10/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản 7611/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO. Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai lập Hồ sơ di sản đối với 2 di sản văn hóa phi vật thể: Nghệ thuật Chèo Đồng bằng sông Hồng và Võ cổ truyền Bình Định, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép để đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Lai Châu sẵn sàng tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III

Dự kiến, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III sẽ được tổ chức từ ngày 24 - 26.12.2021 tại TP. Lai Châu. Đây là dịp để các tỉnh tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và đồng bào các dân tộc trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển" gồm nhiều nội dung như Liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch của 14 tỉnh tham gia Ngày hội; thi giã bánh giầy; triển lãm "Đặc trưng văn hóa dân tộc Mông trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam"; hoạt động thể thao quần chúng dân tộc Mông; hoạt động Du lịch; không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch, OCOP tỉnh Lai Châu…

Đà Nẵng: Cần đầu tư phát triển hệ thống thư viện để phục vụ độc giả

UBND TP Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án "Phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030", trong đó hướng đến mục tiêu phát triển hệ thống mạng lưới thư viện, nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất phục vụ bạn đọc, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào việc quản lý và phát triển văn hóa đọc trên địa bàn toàn thành phố. Hướng đến mục tiêu phát triển văn hóa đọc cho người dân, trong những năm qua Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi viết truyện, đọc sách thúc đẩy mạnh mẽ sự gắn kết của độc giả và sách, tín hiệu vui là các hoạt động này ngày càng được người dân tham gia hưởng ứng nhiều hơn. Tuy nhiên để đưa sách tiếp cận gần gũi và rộng khắp hơn nữa với người dân thì cần phải tăng cường đầu tư phát triển hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn thành phố.

Nâng cấp, mở rộng và tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia địa điểm Chiến thắng Đèo Nhông (Bình Định): Làm gần xong, xin Bộ thẩm định dự án?

Những tưởng dự án "Nâng cấp, mở rộng và tu bổ tôn tạo di tích Lịch sử địa điểm Chiến thắng Đèo Nhông" được đầu tư để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam, tạo điều kiện cho nhân dân và du khách đến tham quan, nào ngờ sự thể lại như… bãi "chiến trường". Giờ đây dự án di tích Địa điểm lịch sử quốc gia Chiến thắng Đèo Nhông vẫn đang trong tình trạng dang dở, hơn nữa việc triển khai dự án này có dấu hiệu "cầm đèn chạy trước ô tô", cơ quan chức năng chỉ ra sai phạm…

Sẽ thành lập Quỹ Bảo tồn Di sản Huế

Những chính sách, cơ chế đặc thù cho tỉnh Thừa Thiên Huế mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa xem xét thông qua, và dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tới sẽ là nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế. Đó là những chính sách, cơ chế đặc thù về các nội dung: Nguồn thu phí tham quan di tích; Quỹ Bảo tồn di sản Huế; mức dư nợ vay; sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý. Đáng chú ý là việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế. Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế), việc thành lập quỹ này xuất phát từ thực tiễn.

- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 21/10 đưa tin:

Xóa bỏ định kiến giới trong điện ảnh

Rất nhiều phong trào trên thế giới những năm gần đây lên tiếng đòi "nữ quyền" cho các nhà làm phim. Chính những người trong cuộc nhìn nhận, đừng bao giờ mặc định từ trong suy nghĩ rằng, tiếng nói của phụ nữ yếu hay ít được quan tâm hơn. Một điều quan trọng không kém đó chính là sự chủ động của chính các nhà làm phim. Theo kinh nghiệm của bản thân, đạo diễn Petra Volpe nói: "Tôi luôn khuyến khích các nhà làm phim nữ trẻ đừng đợi ai cho mình cơ hội. Không cần nhà đầu tư lớn, hay sự chú ý đặc biệt, mà cần chủ động tiếp cận nguồn tài trợ để độc lập tài chính khi làm phim". Bà cũng quan niệm, làm phim là cách để giúp cho thế giới có nhiều hơn sự thấu cảm.

Xây dựng đề án phát hành phim trực tuyến

Bộ VH-TT-DL vừa ban hành Quyết định số 2649 về việc xây dựng đề án "Trung tâm phát hành phim trực tuyến". Bộ quyết định giao Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp Cục Bản quyền tác giả và Trung tâm Chiếu phim Quốc gia xây dựng đề án "Trung tâm phát hành phim trực tuyến". Quyết định cũng nêu rõ, kinh phí xây dựng đề án trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp văn hóa thông tin năm 2021 của Cục Điện ảnh.

Gần 1.900 tác phẩm tham gia Festival Nhiếp ảnh trẻ 2021

Ngày 20-10, Festival Nhiếp ảnh trẻ năm 2021 đã khai mạc tại Hà Nội. Đây là hoạt động nghệ thuật do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VH-TT-DL tổ chức định kỳ 2 năm/lần, dành cho tác giả từ 18-35 tuổi trên cả nước. Sau hơn 3 tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được 1.895 tác phẩm thuộc thể loại ảnh hiện thực, ảnh ý tưởng của 270 tác giả từ 57 tỉnh, thành phố gửi về tham dự. Theo nhận định của hội đồng nghệ thuật, tác phẩm năm nay có chất lượng cao hơn so với những năm trước, các tay máy đã thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo về mặt nghề nghiệp, kết cấu ảnh chặt chẽ hơn, không chỉ là sự lắp ghép thuần túy, rời rạc.

Lần đầu tiên tổ chức cuộc thi lồng tiếng

Thanh âm diệu kỳ - cuộc thi do BHD phối hợp cùng Netflix tổ chức, ngoài mục đích tạo sân chơi cho những người đam mê về lồng tiếng, được đào tạo từ những chuyên gia hàng đầu trong nước còn là hoạt động chào mừng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22. Dành cho thí sinh từ 16 tuổi trở lên, cuộc thi mở cửa tuyển chọn từ ngày 18-10 với 3 vòng: sơ tuyển, Bootcamp và chung kết. Tại vòng chung kết, dự kiến diễn ra vào tháng 12, 6 thí sinh xuất sắc nhất sẽ cạnh tranh trực tiếp để ban giám khảo chọn lựa ra 1 người chiến thắng.

Liên hoan "Sáng tạo và thiết kế Việt Nam 2021"

Với chủ đề Tương lai sáng tạo, Liên hoan Sáng tạo và thiết kế Việt Nam 2021 nhằm thúc đẩy hỗ trợ các mục tiêu chiến lược thuộc Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, bao gồm việc thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển văn hóa và kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra, góp phần đặt nền móng cho việc thiết lập một "vành đai sáng tạo" trải dài khắp đất nước qua việc mở rộng Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO tại Việt Nam.

2.Lĩnh vực Du lịch

- Báo Tin tức ngày 21/10 đưa tin:

TP Hồ Chí Minh 'bắt tay' các tỉnh, thành để mở cửa du lịch

Các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp đang kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sớm có bộ tiêu chí an toàn du lịch áp dụng chung cho cả nước để sẵn sàng đón khách khi hoàn thành việc thí điểm tour khép kín. Ngày 15/10 vừa qua, đoàn khách đầu tiên đã rời TP Hồ Chí Minh đến với tỉnh Quảng Bình theo tour du lịch "bong bong khép kín". Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty Oxalis cho biết, đoàn đầu tiên chỉ có 6 du khách nhưng đây là tín hiệu tích cực cho việc trở lại của doanh nghiệp và ngành du lịch, đặc biệt ở tour liên tỉnh với TP Hồ Chí Minh.

Các cơ sở du lịch tại Bình Thuận đón khách từ ngày 24/10

Chiều 20/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có văn bản về việc triển khai các hoạt động du lịch trong thời gian tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất việc các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn bắt đầu mở cửa đón khách du lịch từ ngày 24/10. Đồng thời, tỉnh đồng ý cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình chào đón khách đầu tiên đến Bình Thuận trong giai đoạn bình thường mới và tổ chức buổi gặp gỡ, làm việc với Hiệp hội Du lịch tỉnh nhân dịp kỷ niệm 26 năm Ngày Du lịch Bình Thuận.

Lưu giữ và phát triển văn hóa Tày cổ ở Tiên Thành, Cao Bằng

Bản Giuồng là một làng cổ của người Tày ở xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Những ngôi nhà sàn độc đáo, cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, những giá trị văn hóa truyền thống được giữ nguyên vẹn đã tạo sức hút cho du khách khi đến khám phá làng du lịch cộng đồng Bản Giuồng. Ông Đinh Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng cho biết, xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, kết hợp với gìn giữ và bảo tồn văn hóa đặc sắc là mục tiêu trong thời gian tới ở Tiên Thành.

- Báo Văn hóa ngày 21/10 đưa tin:

Du lịch Kiên Giang đón khách nội địa từ đầu tháng 11

Sở Du lịch Kiên Giang đang trình UBND tỉnh về việc chuẩn bị triển khai kế hoạch phục hồi và thu hút khách du lịch nội địa đến Kiên Giang bắt đầu từ tháng 11.2021. Theo tờ trình của Sở Du lịch Kiên Giang, thời gian thực hiện gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ ngày 1 đến 30.11 thí điểm đón khách nội tỉnh, khách ngoài tỉnh từ các địa phương có cấp độ dịch ở mức nguy cơ thấp cấp 1 và trung bình cấp 2. Khuyến khích khách đi du lịch mua tour theo chương trình trọn gói của các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành.

Đà Nẵng: Nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển các ngành dịch vụ, du lịch

UBND thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình "Hệ thống giám sát du lịch thông minh" với vốn đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng. Hoạt động du lịch của Đà Nẵng trong 2 năm qua chịu nhiều thiệt hại nặng nề do dịch bệnh, nhóm ngành dịch vụ - du lịch chiếm 64,3% cơ cấu kinh tế của thành phố liên tục sụt giảm với mức tăng trưởng âm. Để từng bước khôi phục hoạt động du lịch, thực hiện quyết liệt mục tiêu kép của Chính phủ, vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho phép được tổ chức đón và phục vụ khách theo phương án riêng.

15 hướng dẫn ứng xử văn minh khi đến du lịch ở Quảng Bình

Ngày 20.10, ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết: Hướng đến mục tiêu đưa ngành Du lịch hoạt động an toàn và hiệu quả trong thời kỳ bình thường mới, đơn vị đã ban hành "Bộ quy tắc ứng xử văn minh Du lịch Quảng Bình". Bộ quy tắc gồm 15 hướng dẫn mang tính chuẩn mực nhằm định hướng cách thức ứng xử văn minh, khuyến nghị những nội dung không phù hợp với đối tượng áp dụng khách du lịch là người Việt Nam và người nước ngoài đến du lịch Quảng Bình; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch; cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch trong địa bàn tỉnh.

Khẳng định Việt Nam là một điểm đến đầu tư an toàn

Toạ đàm trực tuyến giữa Bộ VHTTDL với Đoàn doanh nghiệp cấp cao Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN (US-ABC) diễn ra ngày 19.10 nhằm trao đổi về giải pháp, cách thức hỗ trợ Việt Nam theo đuổi các mục tiêu kép và vượt qua những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, thúc đẩy các mục tiêu và ưu tiên kinh tế chung. Tại tọa đàm, các doanh nghiệp thành viên US- ABC đã ghi nhận những nỗ lực trong kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam và đưa ra các đề xuất hợp tác, hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành VHTTDL. Đại diện Abbott, Boeing, AIG, Agoda… đánh giá cao việc thí điểm mở cửa du lịch quốc tế của Việt Nam và đề nghị Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao đẩy nhanh việc thừa nhận hộ chiếu vắc xin giữa các quốc gia, các quy định về xét nghiệm Covid-19 để làm tiền đề khôi phục ngành Du lịch thời gian tới. Đồng thời, tăng cường kết nối các chuyến bay thẳng từ Việt Nam - Hoa Kỳ; cân nhắc, cho phép triển khai dịch vụ bảo hiểm liên quan đến Covid-19…

- Báo Hà Nội mới ngày 21/10 đưa tin:

Khai thác tiềm năng du lịch mạo hiểm

Trong những năm qua, du lịch mạo hiểm được nhiều tỉnh, thành phố chú trọng phát triển, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn. Tuy nhiên, dù được đánh giá là có nhiều lợi thế để phát triển dòng sản phẩm này, song du lịch mạo hiểm ở Việt Nam vẫn chưa phát huy, khai thác được hết tiềm năng... "Tới đây, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức các đoàn khảo sát ở khu vực Ba Vì để xây dựng thêm sản phẩm du lịch mạo hiểm, nhằm tăng sức hấp dẫn cho du lịch Thủ đô", ông Trần Trung Hiếu thông tin.

Chỉ yêu cầu xét nghiệm du khách đến từ vùng dịch cấp độ 3 hoặc 4

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Hướng dẫn có quy định rõ nhiều nội dung yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch; người lao động, khách du lịch cần phải thực hiện nghiêm túc.

Xây dựng sản phẩm tốt, an toàn để phục hồi du lịch

Ngày 20-10, Báo Dân trí điện tử tổ chức tọa đàm "Mở cửa du lịch thế nào để an toàn?" với sự tham gia của lãnh đạo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Theo báo cáo, năm 2020-2021, lượng khách quốc tế giảm 80-90% (10-20% lượng khách còn lại chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao). Về khách nội địa, năm 2020 có 85 triệu lượt khách, bước sang năm 2021, lượng khách gần như "đóng băng". Cả nước có khoảng 40 nghìn doanh nghiệp du lịch nhưng hiện chỉ còn 5-10% còn hoạt động.

Gắn việc bảo tồn di tích, làng nghề truyền thống với phát triển du lịch

Chiều 19-10, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 13-7-2012 của HĐND thành phố về "Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn quận Hà Đông.

- Báo điện tử VOV ngày 21/10 đưa tin:

Hướng dẫn viên du lịch TP.HCM vui mừng khi được quay lại với nghề

Sau thời gian dài gián đoạn công việc, nhiều hướng dẫn viên và nhân viên các công ty du lịch ở TP.HCM đã được quay trở lại công việc yêu thích, với suy nghĩ lạc quan về sự phục hồi của ngành du lịch TP.HCM và cả nước. Anh Nguyễn Tấn Công (Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist) là một trong những hướng dẫn viên được trở lại dẫn tour sớm nhất ở TP.HCM, khi địa phương này tổ chức chương trình thí điểm đến các "vùng xanh" Cần Giờ và Củ Chi để tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch. Với anh Công, tour du lịch này không chỉ để gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ góp sức cùng TP.HCM chống dịch, mà còn là tín hiệu vui cho sự mở cửa của ngành du lịch TP.HCM.

Loạt tour du lịch tháng 10, tháng 11 sẵn sàng nhận khách

Từ Hà Nội, loạt tour du lịch Hà Giang, Bắc Giang… chuẩn bị khởi hành vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. Từ TP.HCM, các tour du lịch Củ Chi, Cần Giờ, Tây Ninh, Quảng Bình… đã nhận khách. Tại Hà Nội, đại diện Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết ngày 23/10 tới sản phẩm "Tây Yên Tử - theo dấu chân Phật hoàng" sẽ là một trong những tour du lịch liên tỉnh đầu tiên xuất phát từ Hà Nội sau thời gian dài giãn cách. Trong hành trình 1 ngày, đoàn hơn 20 du khách sẽ tham quan các điểm du lịch nổi tiếng tại Bắc Giang như danh thắng Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm, thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng… Tour du lịch này được tổ chức theo mô hình an toàn, bao gồm bảo hiểm Covid-19 cho du khách.

Singapore đón khách quốc tế đầu tiên từ Hà Lan và Anh theo chương trình du lịch mở rộng

250 du khách từ Hà Lan và Anh đã đến Singapore sáng nay (20/10) theo chương trình "Hàng lang du lịch cho khách tiêm chủng" (VTL) vừa được mở rộng thêm 8 quốc gia của Singapore. Hai chuyến bay SQ329 từ Amsterdam và SQ317 từ London lần lượt đưa 80 và 170 du khách đến Singapore theo chương trình "Hàng lang du lịch cho khách tiêm chủng" (VTL). Bắt đầu từ ngày 19/10, VTL được mở rộng thêm 8 nước gồm Hà Lan, Anh, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Ý và Tây Ban Nha; so với chỉ 2 quốc gia là Đức và Brunei chương trình này khởi động vào đầu tháng 9.

3.Lĩnh vực Thể thao

- Báo Tin tức, báo Hà Nội mới và nhiều báo khác ngày 21/10 đưa tin: "Chốt danh sách chính thức 23 cầu thủ tham dự vòng loại U23 châu Á 2022" cho biết: Chiều 20/10, HLV trưởng Park Hang-seo đã đưa ra quyết định về danh sách chính thức gồm 23 cầu thủ của đội tuyển U23 Việt Nam tham dự vòng loại U23 châu Á 2022. Theo đó, 3 cầu thủ sẽ phải nói lời chia tay với đội tuyển U23 Việt Nam là hậu vệ Đoàn Anh Việt, Cao Trần Hoàng Hùng và tiền vệ Nguyễn Văn Minh. Trước khi đưa quyết định, HLV trưởng Park Hang-seo đã gặp riêng Anh Việt, Hoàng Hùng và Văn Minh, ghi nhận những cố gắng của 3 cầu thủ trẻ và động viên họ tiếp tục phấn đấu để trở lại mạnh mẽ hơn trong các đợt tập trung tiếp theo của U23 Việt Nam. Quy định của Điều lệ mội đội được quyền đăng ký tối đa 23 cầu thủ, do vậy HLV trưởng buộc phải đưa ra những sự lựa chọn phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 21/10/2021 - Ảnh 2.

Huấn luyện viên Park Hang-seo sau nhiều suy tính đã chốt danh sách 23 cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam tham dự vòng loại U23 châu Á 2022.

-TTXVN ngày 21/10 đưa tin:

Thủ môn Đặng Văn Lâm về Nga dưỡng thương, hy vọng sẽ được bắt trận Việt Nam-Nhật Bản

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 21/10, thủ môn Đặng Văn Lâm, đang thi đấu cho Câu lạc bộ Cerezo Osaka, sẽ rời Nhật Bản để về Nga dưỡng thương. Phát biểu trong chuyến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản ở thủ đô Tokyo ngày 20/10, Văn Lâm cho biết anh bị trật khớp xương vai trái khi tiếp đất trong một buổi tập ở CLB Cerezo Osaka hôm 13/9. CLB Cerezo Osaka đã tìm cho anh một bác sĩ phẫu thuật vai rất giỏi ở Tokyo. Cuộc phẫu thuật đã diễn ra thành công nhưng Văn Lâm chỉ có thể tập luyện với đồng đội sau 3 tháng. Nếu mọi chuyện thuận lợi, anh có thể sẽ thi đấu trở lại sau 4 tháng.

Đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu trên sân nhà Mỹ Đình mà không có khán giả

Trong cuộc họp với ngành thể thao vào sáng 20/10 để bàn về công tác tổ chức trận đấu của tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, thành phố Hà Nội không đồng ý với đề nghị cho khán giả vào sân Mỹ Đình. Theo kế hoạch, tuyển Việt Nam sẽ tiếp đón tuyển Nhật Bản (11/11) và Saudi Arabia (16/11) trong khuôn khổ vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á trên sân vận động Mỹ Đình. Để chuẩn bị cho 2 trận đấu quan trọng này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc triển khai công tác tổ chức hai trận đấu của tuyển Việt Nam, trong đó có đề nghị phương án mở cửa đón khán giả vào sân nhằm giúp đội tuyển Việt Nam sẽ có thêm động lực tinh thần thi đấu.

- Báo Văn hóa ngày 21/10 đưa tin:

VFF thảo luận với Bundesliga về hợp tác phát triển bóng đá

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cùng công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), công ty Giải pháp Truyền thông thế hệ mới (Next Media) đã có cuộc họp trực tuyến trao đổi với đại diện Bundesliga về các dự án tiềm năng phát triển bóng đá Việt Nam. Tại cuộc họp, các bên tập trung thảo luận nhiều vấn đề về chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, phát triển năng lực huấn luyện viên và cầu thủ, quản lý điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp, quản lý điều hành CLB, thảo luận về cấp phép câu lạc bộ, cũng như áp dụng các công nghệ phân tích hiện đại vào các hoạt động của bóng đá.

Sân Mỹ Đình hoàn thành nâng cấp mặt sân, các phòng chức năng vào 28.10

Sáng 19.10, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã thị sát kiểm tra quá trình sửa chữa, nâng cấp 2 công trình thuộc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình là Cung thể thao dưới nước và sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Cùng tham gia Đoàn khảo sát còn có đại diện lãnh đạo Tổng cục TDTT, các vụ, đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL và Tổng cục TDTT. Đây là 2 hạng mục chuẩn bị cho việc tổ chức SEA Games 31 trong đó sân Mỹ Đình đang tiến hành cải tạo mặt sân và các phòng chức năng phục vụ cho 2 trận đấu sắp tới của đội tuyển Việt Nam. Tại Cung thể thao dưới nước, Thứ trưởng đã kiểm tra toàn bộ quá trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp gồm bể khởi động, bể thi đấu chính thức, bể bơi dành cho việc thi đấu môn nhảy cầu và các hạng mục bên ngoài nơi thi đấu.

Kiên Giang không tổ chức các giải thể thao đến hết năm 2021

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang vừa ký ban hành Công văn số 1280/SVHTT-TTHL&TĐTT về việc không tiếp tục tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh còn lại trong năm 2021. Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; nhằm thực hiện triệt để công tác phòng, chống dịch, không để dịch bệnh Covid-19 phát sinh và đảm bảo sức khỏe chung của cộng đồng, Sở Văn hóa và Thể thao thông báo không tiếp tục tổ chức các giải thể thao còn lại trong năm 2021 theo kế hoạch.

- Báo điện tử Dân Trí ngày 21/10 đưa tin:

U23 Việt Nam và kỳ vọng thay thế lứa Công Phượng, Quang Hải

Danh sách đội tuyển U23 Việt Nam tham dự vòng loại giải U23 châu Á hiện tại dù không lấp lánh bằng lứa Quang Hải, Công Phượng, nhưng vẫn có những gương mặt giàu triển vọng. Từ sau vị trí Á quân tại giải U23 châu Á năm 2018, đội tuyển U23 Việt Nam ở mỗi đợt tập trung đều nhận được rất nhiều kỳ vọng. Người hâm mộ bóng đá trong nước luôn kỳ vọng sẽ có lứa Quang Hải, Công Phượng, Đình Trọng, Văn Hậu… tiếp theo. Sự kỳ vọng đó xuất phát từ mong muốn đội tuyển Việt Nam tiếp tục giữ được vị thế hàng đầu Đông Nam Á, cũng như tiệm cận trình độ châu Á lâu hơn nữa.

Đội tuyển Việt Nam đứng thứ hạng thấp nhất sau 2 năm

Với việc bị đẩy xuống vị trí thứ 98 thế giới, đội tuyển Việt Nam đang ở thứ hạng thấp nhất trong 2 năm qua. Sau hai thất bại trước Trung Quốc và Oman, đội tuyển Việt Nam đã tụt 3 bậc và xuống xếp hạng thứ 98 thế giới. Như vậy, kể từ đầu vòng loại cuối cùng World Cup 2022, đội bóng của HLV Park Hang Seo đã bị tụt 6 bậc (từ thứ 92 xuống 98). Như vậy là sau đà thăng tiến mạnh mẽ dưới thời HLV Park Hang Seo, đội tuyển Việt Nam bắt đầu đà tụt giảm đầu tiên. Ở thời điểm HLV người Hàn Quốc tới tiếp quản, "Rồng vàng" xếp thứ 121 thế giới và tăng cao nhất là lên vị trí thứ 92 thế giới.

Phản ứng của báo Thái Lan khi Muangthong thua kiện Văn Lâm

Vụ việc CLB Muangthong United thua kiện thủ môn Đặng Văn Lâm sau phán quyết của FIFA, hiện được truyền thông Thái Lan quan tâm. Tờ Siam Sport của Thái Lan viết: "FIFA đã bác bỏ yêu cầu của CLB Muangthong United, trong vụ kiện tụng với thủ môn Đặng Văn Lâm". "Trước đó, thủ môn Việt kiều của đội tuyển Việt Nam từng yêu cầu FIFA cấp giấy chuyển nhượng quốc tế tạm thời ITC cho anh, để Đặng Văn Lâm có thể khoác áo CLB Cerezo Osaka.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Văn hóa ngày 20/10 đưa tin: "Phụ nữ Kiên Giang với xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững" cho biết: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang đã và đang đẩy mạnh hoạt động hướng về cơ sở, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp hội viên, phụ nữ nâng cao kiến thức và kỹ năng sống, làm tốt vai trò của người phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã chủ động phối hợp tốt với các ngành có liên quan để tổ chức thực hiện và linh hoạt nhiều nội dung, chương trình, dự án, đề án, gắn với phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"; cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"… Trên cơ sở đó, phát huy tính chủ động của các hộ gia đình, vai trò nòng cốt của phụ nữ trong tổ chức thực hiện, góp phần hỗ trợ phụ nữ thực hiện tốt chức năng gia đình, đồng thời giúp phụ nữ thực hiện vai trò, trách nhiệm của người vợ, người mẹ trong gia đình. Để xây dựng cuộc sống gia đình "no ấm, tiến bộ, hạnh phúc", với phương châm lấy gia đình làm trung tâm để tác động, nhiều mô hình, câu lạc bộ về gia đình thiết thực được các cấp hội triển khai và nhân rộng.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×