Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 8/11/2021

08/11/2021 | 16:30

Ban hành Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Dấu ấn Việt Nam tại Hội chợ Sách quốc tế Venezuela; Vòng loại cuối World Cup 2022: Tổ trọng tài FIFA hùng hậu đến Việt Nam là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

-Báo Nhân Dân ngày 8/11 đưa tin:

Sân khấu lịch sử nhắc nhở chuyện hôm nay

Trị giặc nội xâm, tạo nên thế nước vững bền, câu chuyện của hơn tám trăm năm trước vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay đã được các nghệ sĩ thể hiện qua vở Thiên mệnh vừa được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng. Vở diễn tái hiện một thời hào khí Đông A, khắc họa đậm nét hình tượng Thái sư Trần Thủ Độ, người góp phần quan trọng mở ra triều đại ghi dấu những chiến công oanh liệt trong lịch sử dân tộc. Không sa đà luận giải về cuộc đời và sự nghiệp của ông, vở Thiên mệnh (tác giả Hoàng Thanh Du, đạo diễn, NSƯT Đỗ Kỷ) như một lát cắt nhỏ trong cuộc đấu tranh nội bộ triều chính, nhưng cho thấy phần nào tư tưởng trị quốc của vị Thái sư Thượng phụ và cũng là tư tưởng xuyên suốt của triều Trần sau này.

Điểm sáng từ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22

Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 22 được tổ chức từ ngày 18 đến 20/11 tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế với khẩu hiệu: "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn". LHP là sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030.

Nhà văn trẻ và câu hỏi "Vì sao chúng ta viết?"

"Vì sao chúng ta viết" là khẩu hiệu (slogan) và cũng là định hướng thảo luận quan trọng tại Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 do Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức vào nửa cuối tháng 12/2021 tại TP Ðà Nẵng. Quyết định tổ chức này căn cứ theo Nghị quyết 128-NQ/CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình trạng bình thường mới; thực tế kiểm soát dịch bệnh tại địa phương tổ chức và kế hoạch nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X.

- Báo điện tử Người Lao động ngày 8/11 đưa tin:

"Đánh thức" văn hóa đọc

Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 4-2021 sẽ trao giải cho 25 tác phẩm - gồm 2 giải A, 9 giải B và 14 giải C - vào ngày 12-11 tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội). Những tác phẩm đoạt giải được Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 4-2021 chọn từ 284 cuốn sách và bộ sách do 47 nhà xuất bản gửi tham dự. Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 4 gồm 19 thành viên, là những học giả, người đứng đầu các tổ chức học thuật, nghiên cứu chuyên ngành...

Nghệ sĩ Bùi Công Duy biểu diễn cùng dàn hợp xướng trong đêm "Balalaika"

Đêm hòa nhạc Nga "Balalaika" với chủ đề "Những giai điệu đi cùng năm tháng" không chỉ lan tỏa tình yêu với âm nhạc Nga mà còn mang đến những điều tốt đẹp cho những đứa trẻ mồ côi ở mái ấm Thánh Tâm - Xuy Xá. Nhân dịp kỷ niệm 104 năm Cách mạng Tháng 10 Nga, tối 7-11, đêm hòa nhạc Nga "Balalaika" với chủ đề "Những giai điệu đi cùng năm tháng" được The Kapusta, dự án của học sinh khối Nga trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, chính thức giới thiệu đến khán giả.

Livestream và sự sống còn của sân khấu kịch

Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn chủ trì, phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cùng các đơn vị liên quan tổ chức từ ngày 5 đến 16-11 tại TP Hải Phòng. Có 20 vở diễn tham gia dự thi đợt 1. Các vở diễn tham gia liên hoan sẽ được livestream trên kênh YouTube Nghệ thuật Biểu diễn Việt Nam. Hầu hết vở kịch tại TP HCM đều do các đơn vị xã hội hóa đầu tư bằng tiền túi, nên nếu vẫn giữ quy định livestream trên kênh YouTube thì sẽ không thể biểu diễn doanh thu.

-TTXVN ngày 7/11 đưa tin:

Toạ đàm về văn học Việt Nam tại Hội chợ Sách Quốc tế lần thứ 17 ở Venezuela

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, trong khuôn khổ các hoạt động của Hội chợ Sách Quốc tế lần thứ 17 tại Venezuela (FILVEN 2021), ngày 6/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Khái quát về nền Văn học Việt Nam", theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát biểu tại sự kiện, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp đã trình bày khái quát các giai đoạn chính của nền văn học Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, đồng thời nhấn mạnh, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam đã xây dựng được một nền văn học vô cùng phong phú, phản ánh chân thực những biến động lịch sử và tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước.

TP Hồ Chí Minh 'gỡ khó' cho các chương trình nghệ thuật

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hàng loạt các chương trình nghệ thuật tại TP Hồ Chí Minh đang có nguy cơ phải hoãn vô thời hạn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, công việc của các văn, nghệ sỹ, những người làm nghệ thuật tại đây. Để các thương hiệu nghệ thuật thực sự "đi bằng đôi chân" của mình sau dịch, ngoài sự nỗ lực thay đổi, làm mới mình của các đơn vị nghệ thuật tư nhân, rất cần sự chung tay giúp sức của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, nhà hảo tâm và khán giả. Các thương hiệu nghệ thuật đã có chỗ đứng trong lòng khán giả cần cập nhật thường xuyên công nghệ mới, cải tiến hình thức biểu diễn để đáp ứng nhu cầu giải trí ngày một đa dạng của công chúng, đồng thời tạo điều kiện kích cầu du lịch nội địa nhằm thu hút du khách đến TP Hồ Chí Minh xem nghệ thuật.

Dấu ấn Việt Nam tại Hội chợ Sách quốc tế Venezuela

Tại Hội chợ Sách Quốc tế Venezuela lần thứ 17 (FILVEN 2021) đang diễn ra tại tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Caracas, Đại sứ quán Việt Nam đã được mời làm khách chính và đã mang đến Hội chợ nhiều ấn phẩm về các lĩnh vực để giới thiệu với bạn bè sở tại và khách tham quan. Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, đích thân Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã mời Đại sứ quán Việt Nam làm khách chính tham dự sự kiện văn hóa nổi bật nhất trong năm của Venezuela với hơn 800 hoạt động trực tiếp và trực tuyến, trong đó có các buổi giới thiệu những tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới, trưng bày các sách xuất bản trong nước và quốc tế, cũng như các buổi nói chuyện và tọa đàm với các nhà văn, diễn giả nổi tiếng..

- Báo Hà Nội mới ngày 7/11 đưa tin:

Tăng tính hấp dẫn của tác phẩm văn học, nghệ thuật: ''Chìa khóa'' chinh phục công chúng

Trong đời sống, văn học, nghệ thuật không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần của công chúng, mà còn hướng con người vươn đến đích cao cả, nhân văn. Trước sự cạnh tranh của nhiều hình thức giải trí hiện đại, việc đầu tư sáng tạo để tăng tính hấp dẫn của tác phẩm văn học, nghệ thuật chính là "chìa khóa" để chinh phục công chúng hôm nay. Vì vậy, người sáng tạo phải nỗ lực học hỏi, bắt kịp xu thế thời đại, cập nhật những phương pháp tiếp cận khán giả mới. Ngoài ra, các cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp cần đầu tư, tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ sáng tác, đưa tác phẩm đến công chúng.

Tôn vinh di sản văn hóa Việt Nam qua nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm

Thiết thực kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11), Trung tâm Triển lãm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam phối hợp với nhiều đơn vị liên quan tổ chức Triển lãm "Không gian di sản văn hóa Việt Nam" từ ngày 22-11 đến 31-11. Với mục tiêu giới thiệu, quảng bá, tôn vinh di sản văn hóa Việt Nam, triển lãm được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến qua địa chỉ website: http://trienlamvhnt.vn của Trung tâm Triển lãm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam và http://dsvh.gov.vn của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Nhiều hy vọng ngày trở lại

Sau nửa năm đóng cửa vì đại dịch, các phòng vé, rạp hát ở Thủ đô đang có những khởi động sôi nổi với hy vọng khôi phục lại thói quen thưởng thức nghệ thuật, giải trí của công chúng trong tình hình mới. Sân khấu đã có những bước đi đầu khi từ giữa tháng 10 nhiều nhà hát đã sáng đèn trở lại. Tuần lễ kỷ niệm "100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam" với hàng loạt vở diễn được trình diễn tại sân khấu Nhà hát Lớn thực sự là "màn trở lại" đầy ấn tượng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng nghệ sĩ. Và, không chỉ người làm nghề mà cả công chúng cũng cảm thấy phấn khích, như được tiếp thêm niềm tin vào tương lai của sân khấu.

Hà Nội: Bảo tồn và phát huy giá trị 4 loại hình nghệ thuật truyền thống

Hà Nội sẽ gìn giữ và phát huy giá trị các loại hình ca kịch truyền thống của Thủ đô, trong đó tập trung vào 4 loại hình chính là: Nghệ thuật chèo, cải lương, múa rối và kịch. Đây là những nội dung nêu tại Kế hoạch số 250/KH-UBND ngày 5-11-2021 của UBND thành phố Hà Nội về bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Xây dựng nếp sống văn minh từ quy tắc ứng xử ở Thủ đô: Hình thành chuẩn mực văn hóa mới

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với các quy tắc ứng xử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được thành phố Hà Nội tập trung thực hiện trong nhiều năm qua. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân, những chuẩn mực văn hóa mới đã và đang hình thành, giúp bồi đắp môi trường văn hóa giàu nội lực của Thủ đô, đồng thời lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

2.Lĩnh vực Du lịch

-TTXVN, báo Nhân Dân và nhiều báo khác ngày 7/11 đưa tin: "Ban hành Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam" cho biết: Chiều 6/11, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021, ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay ngày 5/11, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch đã ký ban hành Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Theo đó, việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chia theo 3 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 11/2021. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021) sẽ thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn. Trong giai đoạn này có 5 địa phương đón khách du lịch quốc tế gồm: thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 8/11/2021 - Ảnh 1.

Thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ tháng 11. Ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam

Giai đoạn 2 được triển khai từ tháng 1/2022, sẽ mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ. Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp các điểm đến tại 5 địa phương ở giai đoạn 1 (có thể bổ sung thêm một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế) sau khi khách du lịch đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày. Giai đoạn 3 mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn 3 sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.

-Báo Vietnamplus ngày 8/11 đưa tin:

Phát triển du lịch ở cửa ngõ Tây Nam Bộ: Xây dựng thương hiệu

Sản phẩm độc đáo, không bị trùng lắp, liên tục được hoàn thiện, đổi mới là điều kiện cần để thu hút du khách và từng bước tạo dựng thương hiệu du lịch Long An. Nằm ở cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ), thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười, đồng thời trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đối với ngành du lịch, Long An có rất nhiều lợi thế để phát triển. Song bên cạnh thuận lợi với vị trí "giao thoa" giữa miền Đông và Tây Nam Bộ, du lịch Long An gặp nhiều thách thức, đòi hỏi địa phương có những sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo nét riêng, không trùng lặp và có kế hoạch phát triển thật bài bản, hợp lý để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh "trở mình" với sản phẩm mới

Giới thiệu, tiếp cận và bán sản phẩm, dịch vụ du lịch trên nền tảng Shopee; mở các tour cuối tuần khép kín là những giải pháp được ngành du lịch TP.HCM triển khai nhằm thích ứng an toàn dịch. Tính đến tháng 11/2021, thị trường du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy sự trở mình với sản phẩm mới và đạt được hiệu quả kích cầu du lịch nhất định sau thời gian dài giãn cách xã hội. Kết quả này đạt được là nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng hành của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong hoạt động xúc tiến thị trường du lịch từ thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội đến nay.

Những tín hiệu khởi sắc của ngành du lịch nghỉ dưỡng tại Mỹ

Dù còn nhiều bấp bênh do phục hồi ở nhiều nơi trên thế giới không đồng đều nhưng giới chủ doanh nghiệp Mỹ cho rằng gần như đã hoàn toàn qua giai đoạn bế tắc vì COVID-19. Theo phóng viên TTXVN tại New York, sau gần 2 năm bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19 với đợt bùng phát mới nhất do sự hoành hành của biến thể Delta, các công ty phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng tại Mỹ bắt đầu có doanh số tăng, khách đặt tăng và nhiều khách sạn bắt đầu kín phòng trở lại.

-Báo Tin tức ngày 7/11 đưa tin:

Lai Châu khởi động du lịch trong điều kiện bình thường mới

Những ngày này, tại Khu du lịch sinh thái cộng đồng Gia Khâu 1, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu, người dân đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, đường giao thông nông thôn để đón khách du lịch. Bản du lịch Gia Khâu 1 hiện có 120 hộ dân người Mông sinh sống, trong đó có khoảng 20 hộ tham gia làm du lịch. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Lai Châu phấn đấu đón khoảng 70.000 lượt khách và sẽ tập trung vào thị trường khách nội tỉnh và một số tỉnh, thành phố khác là vùng xanh ở miền Bắc. Việc thu hút du khách đến Lai Châu du lịch sẽ là cơ hội quảng bá các điểm du lịch, sản phẩm văn hóa đặc trưng của địa phương, góp phần thúc đẩy du lịch bứt phá vươn lên, từng bước đưa Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Bắc.

Hướng dẫn viên giới thiệu văn hóa Việt theo 'tour trực tuyến'

Đại dịch COVID-19 khiến Việt Nam không đón khách quốc tế gần 2 năm qua. Tuy nhiên, trong "cái khó ló cái khôn", loại hình du lịch trực tuyến được một số hướng dẫn viên thực hiện không chỉ dừng lại ở giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa các vùng miền tại Việt Nam, mà mang lại nguồn thu không nhỏ. Anh Hồ Trọng Tiến vốn là hướng dẫn viên tiếng Nhật Bản của công ty du lịch Tân Đông Dương (TP Hồ Chí Minh). Dịch bệnh COVID-19 khiến công việc của anh Tiến bị xáo trộn, không còn những đoàn khách Nhật Bản hay các chuyến bay đưa du khách Việt Nam đến với "xứ sở mặt trời mọc". Nhưng nhờ giữ liên lạc với các đối tác tại Nhật Bản, anh Tiến biết rằng nhu cầu du lịch trực tuyến của người Nhật Bản vẫn rất lớn.

Du khách vẫn thận trọng với du lịch quốc tế

Theo khảo sát Công ty khởi nghiệp về thương mại điện tử, có nền tảng du lịch kỹ thuật số Agoda vừa công bố, với việc TP Hồ Chí Minh, cùng nhiều địa phương trên cả nước nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, dần quay về cuộc sống "bình thường mới", đã cho phép du khách kỳ vọng về thời điểm du lịch quốc tế sớm được phép trở lại. Cụ thể, du khách mong muốn du lịch ở các quốc gia châu Á và trên thế giới sẽ bắt đầu khởi động sau 6 tháng tới, nhưng vẫn duy trì một số biện pháp bảo vệ sức khỏe tại điểm du lịch để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.

Bình Thuận phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Nhằm khẳng định vị thế du lịch Bình Thuận và định hướng giai đoạn mới cho phát triển du lịch, Tỉnh ủy Bình Thuận vừa ban hành Nghị quyết Số 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bình Thuận xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy tỉnh ưu tiên phát triển du lịch chuyên nghiệp, bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc.

TP Hồ Chí Minh liên kết với Đồng Tháp phát triển du lịch an toàn, hấp dẫn

Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Tháp có cơ sở để đẩy mạnh kết nối, phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của mỗi địa phương trong điều kiện thích ứng an toàn với COVID-19. Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Đồng Tháp có trên 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp. Những năm gần đây, Đồng Tháp đã có sự phát triển mạnh về du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, trải nghiệm làng nghề. Loại hình du lịch này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế bền vững mà còn góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa bản địa.

-Báo Hà Nội mới ngày 7/11 đưa tin:

Du lịch sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại: Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch: An toàn là yếu tố kích cầu du lịch hiệu quả nhất

Để kích thích nhu cầu đi du lịch của du khách trong bối cảnh đại dịch hiện nay, các biện pháp bảo đảm an toàn được coi là tấm "thẻ bảo hiểm" giúp du khách yên tâm lên đường. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần đồng hành cùng doanh nghiệp để đưa ra những chính sách, quy định thuận lợi cho hành trình du lịch của du khách. Phóng viên Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch về vấn đề này.

Thành phố Hồ Chí Minh mở cửa nhiều điểm tham quan, du lịch

Ngay từ đầu tháng 11-2021, thành phố Hồ Chí Minh đã lần lượt mở cửa nhiều điểm du lịch trong thành phố để đón du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Cùng với đó, thành phố tiếp tục liên kết với nhiều địa phương để chuẩn bị mở rộng các tour du lịch liên tỉnh. Cùng với Thảo cầm viên Sài Gòn, bắt đầu từ hôm qua, Công viên Đầm sen (quận 11), điểm du lịch văn hóa - ẩm thực vườn Minh Trân (quận Tân Bình), các khu du lịch Văn Thánh, Tân Cảng, Bình Quới (quận Bình Thạnh)… cũng đã hoạt động trở lại. Đây là việc thực hiện lộ trình mở cửa các điểm tham quan du lịch tại thành phố trong tháng 11-2021 mà Sở Du lịch và Sở Thể thao – Văn hóa cùng các bên liên quan phối hợp thực hiện.

Festival Du lịch - Ẩm thực xứ Lạng

Trong hai ngày 5 và 6-11, tại Phố đi bộ Kỳ Lừa, UBND tỉnh Lạng Sơn, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn cùng Công ty TNHH Trọng Tín đồng tổ chức chương trình Festival Du lịch - Ẩm thực xứ Lạng 2021. Đây là một trong chuỗi hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831 - 4/11/2021), đồng thời cũng là hoạt động hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch nội địa do Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động với chủ đề "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh Lạng Sơn - điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn.

Công nhận điểm du lịch Phù Đổng

UBND thành phố Hà Nội vừa có Văn bản số 4728/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội). UBND xã Phù Đổng có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản liên quan. Điểm du lịch Phù Đổng bao gồm toàn bộ xã Phù Đổng với diện tích 1.182ha, có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch như: Làng trồng hoa giấy Phù Đổng; cụm di tích lịch sử văn hóa công viên Green Park...

-Báo điện tử VOV ngày 7/11 đưa tin:

Du khách quốc tế đến Việt Nam từ ngày 20/11 cần những điều kiện gì?

Chiều tối 6/11, trả lời câu hỏi tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 về thời gian đón khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Hoàng Đạo Cương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. "Thời gian bắt đầu đón khách quốc tế giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 20/11-20/12. Kiên Giang là tỉnh đầu tiên triển khai đón khách quốc tế đến theo các chương trình du lịch trọn gói. Tiếp đó là tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và đến tháng 12 tỉnh Quảng Ninh đón khách du lịch quốc tế đến thông qua Sân bay Vân Đồn", ông Hoàng Đạo Cương cho biết.

Báo Pháp: 7 trải nghiệm đáng giá để tới Việt Nam ngay khi có thể

Khi du khách quốc tế vẫn đang chờ đợi để có thể trở lại Việt Nam, tờ Le Figaro an ủi độc giả bằng những gợi ý về các trải nghiệm tuyệt vời nhất, từ miền Bắc với thủ đô Hà Nội quyến rũ cho tới Thành phố Hồ Chí Minh nhộn nhịp ở phía Nam. Nổi tiếng nhất tại Việt Nam vẫn là vịnh Hạ Long, một "kho báu" với hàng nghìn hòn đảo và núi đá vôi đủ hình thù và kích thước trên một vùng biển rộng lớn. Thế nhưng cách đó khoảng 160km là một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp khác, nơi được mệnh danh là "Hạ Long trên cạn". Ít được biết đến hơn nhưng Ninh Bình cũng sở hữu những đỉnh núi tuyệt vời bao phủ bởi thảm thực vật, kết hợp với cảnh quan đồng lúa cùng các đền chùa xung quanh.

-Báo Nhân Dân ngày 7/11 đưa tin: "UNESCO và Tập đoàn SOVICO hợp tác xây dựng các thành phố sáng tạo và phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy giáo dục" cho biết: Ngày 5/11 (giờ Paris), Tập đoàn SOVICO và Tổ chức UNESCO đã ký kết Thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án "Kết nối các Di sản Thế giới và Thành phố Sáng tạo được UNESCO công nhận ở Việt Nam". Thông qua dự án này, UNESCO và SOVICO đặt mục tiêu hỗ trợ Việt Nam xây dựng Vành đai các Thành phố Sáng tạo, nơi văn hóa là trung tâm của sự phát triển, đồng thời phát triển du lịch bền vững tại cộng đồng các địa phương thuộc hành lang di sản quốc gia.

3.Lĩnh vực Thể thao

-Báo Thể thao và Văn hóa ngày 8/11 đưa tin: "HLV và 3 tuyển thủ Nhật Bản đầu tiên đặt chân đến Việt Nam" cho biết: Tối 7/11, nhóm thứ hai của đội tuyển Nhật Bản đã có mặt tại sân bay Nội Bài, nhóm này có 3 tuyển thủ Nhật Bản gồm hậu vệ Yuto Nagatomo, tiền đạo Daizen Maeda đang khoác áo Yokohama F.Marinos và tiền đạo Yuya Osako. Theo kế hoạch, nhóm 3 của đội tuyển Nhật Bản sẽ có mặt tại Việt Nam vào tối nay (8/11) và nhóm 4 với chủ yếu các cầu thủ thi đấu ở châu Âu sẽ có mặt sáng 9/11. Đội tuyển Nhật Bản có 3 buổi tập trước khi đối đầu thầy trò HLV Park Hang Seo ở sân vận động Mỹ Đình.

-Báo Tin tức ngày 7/11 đưa tin:

Lịch thi đấu chung kết giải bóng đá nữ Cúp quốc gia 2021, truyền hình trực tiếp trên VTV6

Sau một thời gian dài phải tạm dừng thi đấu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, những nỗ lực này nhằm duy trì kế hoạch tổ chức các giải bóng đá nữ quốc gia, qua đó tạo điều kiện để các cầu thủ có cơ hội cọ xát và ban huấn luyện có thể tiến hành công tác tuyển chọn cho đội tuyển, nhằm chuẩn bị cho Vòng chung kết AFC Asian Cup nữ 2022 và hướng đến SEA Games 31 tại Việt Nam đang được ngành thể thao tích cực triển khai.

HLV Park Hang-seo bất ngờ trao cơ hội lên tuyển Việt Nam cho tiền đạo Hồ Thanh Minh

Vừa về đến Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại vòng loại U23 châu Á 2022, HLV trưởng Park Hang-seo đã trực tiếp nắm quyền điều hành tuyển Việt Nam và triển khai giáo án tới các học trò. Bất ngờ nhất là việc HLV Park Hang-seo cũng quyết định tạo cơ hội cho tiền đạo Hồ Thanh Minh - cầu thủ đã ghi bàn vào lưới U23 Myanmar để ấn định chiến thắng 1 - 0 cho U23 Việt Nam, lên tập thử cùng các đàn anh tại đội tuyển Việt Nam. Luồng gió mới từ sự trở lại của HLV Park Hang-seo và hàng loạt gương mặt trẻ từ U23 Việt Nam được đôn lên đã tạo ra bầu không khí rất hứng khởi cho buổi tập của đội tuyển Việt Nam.

Vòng loại cuối World Cup 2022: Tổ trọng tài FIFA hùng hậu đến Việt Nam ngày 7/11

Theo kế hoạch mới nhất do Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) công bố, 11 quan chức FIFA bao gồm tổ trọng tài người UAE, tổ VAR, giám sát trận đấu, bác sĩ sẽ đến Việt Nam trước thời điểm diễn ra trận đấu giữa tuyển Việt Nam và tuyển Nhật Bản trong khuôn khổ vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á 5 ngày để chuẩn bị. Tổ trọng tài UAE bắt trận đấu giữa tuyển Việt Nam và tuyển Nhật Bản trên sân Mỹ Đình ngày 11/11 tới gồm 5 trọng tài: Mohamed Mohammed Abdulla Hassan, Alhammadi Mohamed Ahmed Yousef Abdulla, Almahri Hasan Mohamed Hasan Abdulla, Alnaqbi Adel Ali Ahmed Khamis và trọng tài VAR (công nghệ video hỗ trợ trọng tài) Aljneibi Ammar Ali Abdulla Jumaa.

FIFA, AFC và AFF gửi thư cảm ơn Nguyễn Quang Hải vì đóng góp cho cộng đồng

Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) gửi thư cảm ơn tới cầu thủ Nguyễn Quang Hải vì những đóng góp trong các chiến dịch vì cộng đồng như #BeActive, #FiveSteps và #ReachOut. Trong đó, #ReachOut là chiến dịch được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về các triệu chứng sức khỏe tâm thần, khuyến khích mọi người tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần và giúp xóa bỏ sự kỳ thị. #BeActive và #FiveSteps là chuỗi các video hỗ trợ chiến dịch nâng cao nhận thức chung của ASEAN-FIFA nhằm thúc đẩy lối sống lành mạnh và năng động trong bối cảnh COVID-19.

Khán giả tới sân Mỹ Đình được xét nghiệm COVID-19 với mức giá 100.000 đồng/người

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã thống nhất với Bệnh viện đa khoa MEDLATEC về việc hỗ trợ tổ chức thực hiện test nhanh COVID-19 cho khán giả đến sân Mỹ Đình cổ vũ đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Nhật Bản và đội tuyển Saudi Arabia, với chi phí 100.000 đồng/test/người. Dự kiến sẽ có 12.000 cổ động viên tới sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) theo dõi và cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam trong trận đấu gặp tuyển Nhật Bản (vào 19 giờ ngày 11/11) và tuyển Saudi Arabia (vào 19 giờ ngày 16/11) thuộc vòng loại thứ ba FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á.

-Báo Hà Nội mới ngày 7/11 đưa tin:

Người nâng tầm boxing Việt Nam

Nhờ khổ luyện, ý chí vươn lên không ngừng, võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi đã tạo nên kỳ tích khi giành đai Vô địch quyền Anh thế giới (WBO) hạng mini-flyweight. Thành tích của Thu Nhi đã góp phần nâng tầm boxing Việt Nam trên trường quốc tế, trở thành niềm cảm hứng cho đông đảo các vận động viên thể thao nước nhà.

Cải thiện thêm để tiến xa...

Đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam đã có hai trận toàn thắng trước đội tuyển bóng đá U23 Đài Loan (Trung Quốc) và đội tuyển bóng đá U23 Myanmar để giành vé vào vòng chung kết U23 châu Á 2022. Song, chiến thắng nhọc nhằn trước hai đối thủ được đánh giá yếu hơn cho thấy, đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam cần phải cải thiện nhiều hơn nữa mới có thể hy vọng tiến xa ở vòng chung kết U23 châu Á 2022.

-Báo điện tử VOV ngày 8/11 đưa tin:

ĐT Nhật Bản có nhiều cầu thủ từng thất bại trước bóng đá Việt Nam

Trong thành phần ĐT Nhật Bản sang Việt Nam lần này có nhiều gương mặt đã từng thi đấu trong trận Olympic Nhật Bản thua Olympic Việt Nam 0-1 năm 2018. Năm 2018, Olympic Việt Nam giành chiến thắng 1-0 trước Olympic Nhật Bản trong trận đấu ở vòng bảng môn bóng đá năm ASIAD 2018. Đó là trận thắng đầu tiên của bóng đá Việt Nam trước bóng đá Nhật Bản ở một giải đấu chính thức.

ĐT Việt Nam có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2

Ngày 7/11, toàn bộ thành viên của ĐT Việt Nam đều đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 sau khi được lấy mẫu xét nghiệm vào chiều qua. Trong thời gian tới, các thành viên ĐT Việt Nam sẽ sẽ duy trì việc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR 2 ngày một lần để đảm bảo an toàn phòng dịch theo quy định của AFC trước trận đấu với ĐT Nhật Bản vào ngày 11/11 tới.

ĐT Việt Nam sẽ thay đổi chiến thuật khi tiếp đón Nhật Bản?

Hậu vệ Phạm Xuân Mạnh cho biết HLV Park Hang Seo đã có những thay đổi về chiến thuật cho ĐT Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho trận gặp Nhật Bản sắp tới. HLV Park Hang Seo đã thay đổi khá nhiều về chiến thuật trong các buổi tập. Toàn đội rất tập trung để hướng tới trận đấu sắp tới. Bản thân tôi cũng rất nỗ lực và khát khao được góp mặt trong trận đấu trước đối thủ mạnh Nhật Bản." – Hậu vệ Phạm Xuân Mạnh cho biết về sự chuẩn bị của ĐT Việt Nam. Theo lịch thi đấu, cuộc đọ sức giữa ĐT Việt Nam và Nhật Bản tại vòng loại World Cup 2022 sẽ diễn ra trên sân Mỹ Đình lúc 19h00 ngày 11/11 tới. Sau trận này, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ tiếp đón Saudi Arabia vào lúc 19h00 ngày 16/11.

- Báo điện tử Người Lao động ngày 8/11 đưa tin:

Tuyển Việt Nam bắt đầu tập tối

Trái với lịch tập luyện thông thường vào lúc 17 giờ, ngày 7-11, HLV Park Hang-seo cùng các thành viên đội tuyển Việt Nam đã có buổi tập vào lúc 18 giờ 30 phút tại sân Trung tâm Đào tạo trẻ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Ông muốn đội tuyển Việt Nam dần quen với việc thi đấu vào buổi tối, để chuẩn bị cho trận đấu gặp đội tuyển Nhật Bản vào ngày 11-11 trên sân Mỹ Đình.

VTV Bình Điền Long An trông chờ Ngọc Hoa tái xuất

Giành được tấm huy chương đầu tiên trong sự nghiệp cầm quân cùng đội U23 VTV Bình Điền Long An cuối năm 2020, cựu tuyển thủ Nguyễn Thị Ngọc Hoa tiếp tục khiến làng bóng chuyền nữ xôn xao với quyết định trở lại thi đấu tại vòng 2 Giải Vô địch quốc gia 2021. Việc các cựu binh dày dạn kinh nghiệm được mời trở lại tiếp sức đội bóng cũ dù đã giải nghệ hoặc chuyển công tác khác không phải là chuyện hiếm thấy ở bóng chuyền Việt Nam.

Giải Futsal HDBank Vô địch quốc gia 2021 sắp trở lại

Sau nhiều lần trì hoãn vì dịch Covid-19, giai đoạn lượt về Giải Futsal HDBank Vô địch quốc gia (VĐQG) 2021 được LĐBĐ Việt Nam (VFF) ấn định thời gian tổ chức từ ngày 15-11 đến 2-12 tại Nhà Thi đấu Thái Sơn Nam (quận 8, TP HCM). Để bảo đảm công tác tổ chức xuyên suốt phần còn lại của giải đấu và an toàn phòng chống dịch bệnh tại TP HCM, các đội bóng tham dự phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình "bong bóng khép kín" và khán đài Nhà Thi đấu Thái Sơn Nam sẽ không đón khán giả vào theo dõi trực tiếp các trận đấu.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Văn hóa ngày 7/11 đưa tin: "Nghệ sĩ Quyền Linh làm Đại sứ chương trình giáo dục giới tính cho trẻ" cho biết: Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục (IRES) phối hợp với Sở GD&ĐT TP.HCM vừa tổng kết mô hình "Các hoạt động giáo dục giới tính ERA cho trẻ 3-5 tuổi - Kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em". Nghệ sĩ Quyền Linh được chọn làm Đại sứ cho chương trình nói trên.

Theo đó, tính đến nay trên địa bàn TP.HCM đã có 16/21 quận, huyện, thành phố được tập huấn nội dung này và có 6 đơn vị đã triển khai bản quyền đưa vào lồng ghép trong chương trình giáo dục giới tính mầm non. Mục đích của mô hình nhằm giúp trẻ hiểu về cơ thể mình, biết bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị xâm hại, biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác. Đồng thời, giúp phụ huynh thay đổi quan điểm và phối hợp tốt với nhà trường trong việc giáo dục giới tính cho trẻ. Các hoạt động giáo dục giới tính ERA cho trẻ 3-5 tuổi và kỹ năng phòng tránh xâm hại cũng góp phần giáo dục nhân cách toàn diện nhằm bồi dưỡng cho thế hệ trẻ những hiểu biết cần thiết về giới và giới tính.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×