Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 5/11/2021

05/11/2021 | 14:38

Tổ chức ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam; Đảm bảo tốt nhất cơ sở vật chất phục vụ thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX; Việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế phải đảm bảo an toàn là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- Báo Tin tức ngày 5/11 đưa tin: "Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ Di tích Gò Tháp" cho biết: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 1861/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Theo Quyết định, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích 298,694 ha, thuộc địa bàn xã Tân Kiều và xã Hòa Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp và khu vực dự kiến mở rộng.

-Báo Nhân Dân ngày 5/11 đưa tin:

Hợp tác xây dựng "Vườn thiên nhiên và văn hóa Việt Nam" tại Ukraine

Ngày 3/11, tại thủ đô Kiev, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch và bà N.V.Zaimenko, Giám đốc Vườn Bách thảo quốc gia mang tên M.G.Grishko thuộc Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Ukraine đã ký thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án "Vườn thiên nhiên và văn hóa Việt Nam". Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch và bà N.V.Zaimenko đánh giá cao nỗ lực của hai bên thúc đẩy đàm phán và đi đến ký kết thỏa thuận trong thời gian ngắn; tin tưởng dự án sẽ là một hình thức giao lưu văn hóa trực quan, sinh động, vừa góp phần tạo cảnh quan, phục vụ nghỉ ngơi, vừa tạo điều kiện cho du khách khắp nơi tìm hiểu văn hóa Việt Nam.

Khi sân khấu rối thể hiện đề tài chống tham nhũng

Tối 30/10, vở diễn "Lời thề" chính thức lên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng đã gây nhiều bất ngờ cho những người yêu sân khấu, bởi đây là lần đầu tiên một kịch bản chính luận về đề tài chống tham nhũng được thể hiện đầy thuyết phục bằng ngôn ngữ rối. Vở diễn lấy chất liệu từ Lễ hội truyền thống Minh Thề diễn ra ngày 14 tháng Giêng hằng năm tại Di tích Đình chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Lễ hội này có nguồn gốc cách đây gần 500 năm, do Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung, người con của quê hương Kiến Thụy đề xướng.

Tìm chỗ đứng cho phim độc lập

Thời gian qua, những người yêu thích điện ảnh ở Việt Nam đã dành khá nhiều sự quan tâm đối với dòng phim độc lập trong nước. Dù có một số đóng góp nhất định, song so với tiềm năng phim độc lập vẫn chưa thật sự chinh phục được khán giả trên chính "sân nhà". Ngoài những lý do khách quan, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng dòng phim này còn không ít bất cập về đề tài, nội dung, cách thể hiện,... khiến nỗ lực của các nhà làm phim độc lập cũng như kỳ vọng của khán giả chưa đạt được kết quả như mong đợi.

-Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 5/11 đưa tin:

365 cuốn sách dự Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 4

Hội Xuất bản Việt Nam vừa thông tin, Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 4 năm 2021 đã thu hút sự tham gia của 47 nhà xuất bản trên cả nước với 365 cuốn sách cho 284 tên sách (nhiều hơn 29 tên sách so với năm 2020). Năm nay, giải thưởng có một số điều chỉnh, đổi mới, đặc biệt là việc tập trung kiện toàn, bổ sung các thành viên mới là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu uy tín, trong đó có một số nhà khoa học trẻ vào Hội đồng Sơ khảo, Chung khảo đến từ nhiều miền trên cả nước.

Lùi thời gian tổ chức chương trình Tái hiện Chợ tình Sa Pa

Để đảm bảo chuẩn bị tốt công tác phòng, chống dịch và các nội dung trong khuôn khổ lễ hội kỹ càng, cũng như cho tỷ lệ tiêm vaccine người dân ở Sa Pa đạt trên 90%, thời gian tổ chức chợ tình Sa Pa sẽ được lùi lại đến ngày 19 - 21/11. Trước đó, thông tin từ Phòng Văn hóa thị xã Sa Pa cho biết, sự kiện Tái hiện chợ tình Sa Pa sẽ chính thức được tổ chức từ ngày 5 - 7/11 tại khuôn viên nhà du lịch Sa Pa (địa chỉ tại số 2 đường Fansipan, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai).

Trưng bày hiện vật tái hiện ký ức thời bao cấp

Góc hoài niệm bao cấp - một thời để nhớ với những kỷ niệm tuyệt đẹp và cả nỗi niềm thoáng buồn về năm tháng khó khăn của cả nước. Bảo tàng Yên Bái vừa mới trưng bày những đồ dùng, bằng chứng vật chất đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng. Nhiều người vô cùng thích thú, có người đã dường như muốn khóc trước không gian chuyên đề của Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

-Báo Hà Nội mới ngày 4/11 đưa tin: "Công nghiệp hóa lĩnh vực âm nhạc: Ra biển lớn phải hiểu luật chơi" cho biết: Âm nhạc là lĩnh vực kinh doanh "hái ra tiền", có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, sự bùng nổ của thị trường nhạc số đang mang đến cho các nghệ sĩ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cơ hội rộng mở hơn bao giờ hết. Nhưng, đi cùng với tiềm năng là những vấn đề nan giải, trong đó, nhận thức về vấn đề bản quyền là rào cản lớn.

- Báo Văn hóa ngày 4/11 đưa tin:

Cần nghiên cứu kỹ đặc điểm riêng văn hóa vùng dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững

Văn hóa vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chính sách phát triển, ở nhiều địa phương ít chú trọng đến đặc điểm riêng về văn hóa vùng DTTS. Do đó, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trước thực trạng này, cần nghiên cứu kỹ các đặc điểm riêng trong văn hóa vùng DTTS và những tác động ảnh hưởng của nó đối với thực tiễn.

Tăng cường hợp tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá giữa Việt Nam và Cộng hoà Pháp

Chiều ngày 4.11 theo giờ Paris, tại trụ sở Bộ Văn hoá, một công trình kiến trúc tiêu biểu của Pháp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã có buổi hội kiến với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cộng hòa Pháp Bà Roselyne Bachelot-Narquin. Bà Roselyne Bachelot-Narquin chia sẻ những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra đối với xã hội nói chung và ngành văn hoá, nghệ thuật nói riêng. Đồng thời, bà cho biết Pháp là một quốc gia có thế mạnh trong công tác bảo tồn các di săn văn hoá, đặc biệt công tác lưu trữ và số hoá các hồ sơ về di sản. Pháp sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các dự án trùng tu, bảo tồn các di tích văn hoá liên quan đến các công trình kiến trúc Pháp được xây dựng tại Việt Nam thông qua các hoạt động như chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực bảo tồn di sản, các ngành nghề khác nhau trong công tác phục chế, số hoá cơ sở dữ liệu…Pháp cũng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá thông qua các dự án cụ thể do các bên đề xuất.

Phim hoạt hình Việt Nam sôi nổi vào "đường đua"

Tham dự LHP Việt Nam lần thứ XXII tại TP. Huế với chủ đề "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn", Hãng phim Hoạt hình Việt Nam mang tới 17 bộ phim với đầy đủ các thể loại 2D, 3D, phim cắt giấy vi tính với thời lượng 30 phút, 20 phút và 10 phút. Biên kịch Phạm Thanh Hà (Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) cho biết, các phim của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam tham dự LHP phong phú về nội dung và đề tài phản ánh với các phim lịch sử như Truyền thuyết gươm thần (30 phút); Người thầy của muôn đời (20 phút); các phim sự tích, cổ tích như Huyền thoại mắt biển, Sự tích Cốm làng Vòng; Sự tích hoa thiên điểu; Quái vật hang sâu; các phim đồng thoại như Nước mắt cá sấu, Người hùng; Mái tơ phúc hậu…

"Cơn giông"-Bộ phim làm từ tác phẩm văn học đạt giải tham gia cuộc đua" Bông sen vàng"

Những năm qua, phim do nhà nước đặt hàng đã trở lại "đường đua" một cách mạnh mẽ và luôn là đối thủ nặng ký với các nhà làm phim tư nhân. Tại LHP lần thứ XXII này, nhiều bộ phim do nhà nước đặt hàng hoặc phim do hãng phim nhà nước sản xuất sẽ tiếp tục góp mặt. Trong đó, phim Cơn giông do Hãng Phim Giải Phóng sản xuất, là cái tên được chờ đợi, hứa hẹn đây sẽ là một trong những "ẩn số" của LHP lần này. Cơn giông được xem là một trong những tác phẩm văn học tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của cố nhà văn Lê Văn Thảo. Khi tác phẩm từng giành giải B mảng văn xuôi giải thưởng do Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng và năm 2003 (cũng là giải cao nhất vì lần đó không có giải A), sau đó giành giải thưởng văn học Đông Nam Á năm 2006.

Niềm hy vọng thiêng liêng về tác phẩm lớn

Lâu nay ở nước ta, nhiều tác phẩm văn học được giải thưởng nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã không còn được lưu giữ trong ký ức người đọc, tự nhiên biến mất bất ngờ, gây nên nỗi niềm thật sự lo âu đối với người cầm bút. Nhưng trong nghệ thuật, quy luật đào thải, chọn lọc khắt khe không chừa ai, nói như một nhà văn, nó "vặt lông tất cả"! Cuối cùng, tác phẩm lớn vẫn đang ở thì tương lai. Còn công chúng thì mong đợi với niềm hy vọng thiêng liêng.

- Báo điện tử Người Lao động ngày 5/11 đưa tin:

Phim cổ tích thu hút khán giả

Các phim cổ tích trên kênh YouTube cổ tích thuộc hệ thống của Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long (THVL) thu hút hàng triệu lượt xem cùng nhiều bình luận thích thú, tán thưởng từ khán giả. Sức hút của loạt phim, của những câu chuyện dân gian, đồng thoại lưu truyền qua bao thế hệ vẫn giữ nguyên giá trị đến ngày nay. Trên nền tảng YouTube, các kênh đăng tải phim cổ tích thuộc hệ thống của THVL gồm: THVL Cổ tích, Cổ tích Việt Nam, Yêu cổ tích… Hầu hết kênh này đều có lượng người theo dõi ở mức đạt nút bạc trở lên, có những tập thu hút hàng triệu lượt xem với nhiều bình luận thích thú.

Hài kịch nỗ lực đột phá

Nếu không thay đổi ngay diện mạo hài kịch, khán giả sẽ quay lưng với nghệ sĩ hài. Từ một môi trường sôi động với 32 nhóm hài của thời sân khấu tấu hài hưng thịnh, sau đó đến các sân khấu hài kịch ra đời, rồi co cụm lại với hình thức kịch cà phê, đến nay TP HCM đang rất hiếm sân khấu chuyên diễn hài. Kịch bản hay quá ít ỏi, còn nghệ sĩ hài thì chọn cách sống với công nghệ, mạnh ai nấy làm hài trên YouTube, Tik Tok, Bigo… Hài kịch sẽ đi về đâu nếu không có sự lột xác?

-TTXVN, báo Nhân Dân, báo Hà Nội mới và nhiều báo khác ngày 5/11 đưa tin: "Tổ chức ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam" cho biết: Ngày 4/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam" được tổ chức vào ngày 21/4 hằng năm trên phạm vi toàn quốc nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 5/11/2021 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Hà Nội mới

2.Lĩnh vực Du lịch

-Báo Hà Nội mới ngày 5/11 đưa tin:

Du lịch Hà Nội: Thích ứng linh hoạt để phục hồi

Sau khi thành phố Hà Nội cho phép một số hoạt động, dịch vụ như các cơ sở lưu trú, bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách từ ngày 14-10, hoạt động du lịch tại Thủ đô đã khởi sắc trở lại trên cơ sở thực hiện nghiêm phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Không chỉ vậy, nhiều sản phẩm du lịch mới đã được ra mắt, góp phần quảng bá bản sắc du lịch Hà Nội.

Triển khai linh hoạt việc thí điểm tiếp nhận khách du lịch quốc tế đến Việt Nam

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang cân nhắc việc mở rộng đối tượng được nhập cảnh Việt Nam, để áp dụng vào thời điểm thích hợp, tiến tới sớm nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ. Bộ Ngoại giao cũng đang khẩn trương trao đổi với khoảng 80 đối tác để thúc đẩy công nhận lẫn nhau hộ chiếu vắc xin. Đó là thông tin tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 4-11.

-TTXVN ngày 5/11 đưa tin:

TP Hồ Chí Minh đề xuất thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 12/2021

Chiều 4/11, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của doanh nghiệp góp ý cho dự thảo đề án tổ chức đón khách du lịch quốc tế đến TP Hồ Chí Minh sử dụng "hộ chiếu vaccine" cuối năm 2021 và năm 2022. Với dự thảo này, TP Hồ Chí Minh đề xuất xúc tiến nhanh việc đón khách quốc tế ngay trong năm nay thay vì đón khách quốc tế từ đầu năm 2022 như kế hoạch trước đó. Sau khi kiểm soát được dịch bệnh và tỉ lệ người dân được phủ vaccine cao, TP Hồ Chí Minh đang kỳ vọng được thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 12 và mở rộng trong năm 2022 theo lộ trình khôi phục ngành du lịch.

Du lịch Quảng Ninh giai đoạn mới: Miền di sản hấp dẫn 4 mùa

Là địa phương có nhiều sản phẩm cạnh tranh như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch sức khỏe…, Quảng Ninh được đánh giá có tiềm năng phát triển du lịch cả 4 mùa trong năm. Được đánh giá là một trong những địa phương nhanh nhạy trên hành trình phục hồi nền kinh tế xanh, hiện "cánh cửa" Quảng Ninh đang rộng mở chào đón du khách, đón chào vận hội mới, cơ hội mới nhưng cũng đầy thách thức, khó khăn trong giai đoạn hậu giãn cách.

Indonesia lạc quan về triển vọng mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế

Ngày 3/11, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia Sandiaga Salahuddin Uno bày tỏ lạc quan rằng việc mở cửa du lịch quốc tế sẽ giúp phục hồi kinh tế nhanh chóng và tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Ông Sandiaga yêu cầu đội ngũ quản lý các làng du lịch chuẩn bị đón đầu việc mở cửa cho du khách nước ngoài, từ dịch vụ đến quy trình y tế thông qua việc triển khai chứng chỉ vệ sinh, an toàn y tế và môi trường bền vững (CHSE) được tích hợp với ứng dụng khai báo y tế trực tuyến PeduliLidungi. Phát biểu tại lễ trao giải thưởng cho 50 làng du lịch tốt nhất tại tỉnh Tây Nusa Tenggara, Bộ trưởng Sandiaga nhấn mạnh: "Đây là hy vọng của chúng ta nhằm khôi phục nền kinh tế và tạo cơ hội việc làm nhiều nhất có thể."

- Báo Văn hóa ngày 5/11 đưa tin:

Việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế phải đảm bảo an toàn

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, khách quốc tế muốn đến những địa phương thí điểm tiếp nhận khách quốc tế của Việt Nam phải có đầy đủ giấy tờ về dịch tễ theo yêu cầu của các cơ quan chức năng Việt Nam, đồng thời phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe cho người dân. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, khách quốc tế muốn đến những địa phương thí điểm tiếp nhận khách quốc tế của Việt Nam phải có đầy đủ giấy tờ về dịch tễ theo yêu cầu của các cơ quan chức năng Việt Nam, trong đó có Giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 hoặc Giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19. Ngoài ra, khách cũng phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng và địa phương liên quan.

Các hãng du lịch châu Á tìm hướng đi mới sau đại dịch Covid-19

Ứớc tính phải đến năm 2025, hoạt động du lịch quốc tế của Trung Quốc mới có thể phục hồi trở lại mức trước đại dịch. Do đó, các quốc gia phải tìm hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào du khách Trung Quốc. Việc các quốc gia châu Á dần nới lỏng các quy định hạn chế và từng bước mở cửa đón du khách đã làm giảm áp lực đối với các công ty du lịch, vốn bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên việc Trung Quốc, thị trường du lịch lớn nhất thế giới, duy trì công suất hàng không quốc tế chỉ ở mức 2% và chưa nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, đang gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch thế giới. Ngoài ra, những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã buộc các công ty du lịch phải tìm những hướng đi mới.

- Báo điện tử VOV ngày 4/11 đưa tin:

Du lịch Lai Châu tăng tốc dịp cuối năm

Với mục tiêu đón 70.000 lượt khách trong quý IV/2021, Lai Châu sẽ triển khai hàng loạt hoạt động xúc tiến du lịch và thu hút khách ngoại tỉnh từ các địa phương là "vùng xanh". Theo kế hoạch kích cầu, phục hồi du lịch Lai Châu dịp cuối năm 2021, địa phương này sẽ tập trung thu hút khách nội tỉnh và từ một số địa phương là "vùng xanh" tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Điện Biên, Sơn La…

Tháng 11, du khách Việt chọn đi đâu sau giãn cách?

Theo dữ liệu từ Booking.com, top 5 điểm đến được du khách Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất trong tháng 11 là TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Đà Lạt và Nha Trang. Hoạt động du lịch nội địa đang dần phục hồi sau nhiều tháng giãn cách, du khách Việt Nam cũng đã bắt đầu tìm kiếm điểm đến và lên kế hoạch "vi vu" trong thời gian tới. Theo Tổng cục Du lịch, từ đầu tháng 10/2021, nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch đã có dấu hiệu khởi sắc. Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú trong khoảng từ đầu tháng 10 đang đi lên, có thời điểm cao gần gấp đôi con số cùng kỳ tháng 9. Nhu cầu tìm kiếm về đi lại hàng không cũng tăng nhanh, khi thời điểm giữa tháng 10 đã tăng gần gấp 3 lần so với đầu tháng 9.

Vắng khách du lịch Trung Quốc, Đông Nam Á loay hoay tìm thị trường

Vắng thị trường Trung Quốc vốn chiếm tới 21% lượng khách trong năm 2019, các điểm đến Đông Nam Á đang xoay sở để tìm kiếm nguồn khách mới trong quá trình mở cửa du lịch quốc tế. Trước đại dịch Covid-19, Trung Quốc là thị trường outbound (đi du lịch nước ngoài) lớn nhất thế giới và rất nhiều điểm đến coi trọng nguồn khách này. Du khách Trung Quốc chi tiêu gần 255 tỷ USD vào năm 2019, chiếm khoảng 1/5 tổng chi tiêu du lịch toàn cầu. Riêng tại Đông Nam Á, năm 2019 lượng khách Trung Quốc chiếm 21% với 32 triệu lượt, so với chỉ 5,4 triệu lượt vào năm 2010.

-Báo Bình Định ngày 5/11 đưa tin: "Bình Định: Phát triển du lịch bền vững gắn với nâng cao đời sống người dân" cho biết: Ngày 4/11, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Chương trình hành động số 06-Ctr/TU của Tỉnh ủy về "Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025", chủ trì cuộc họp BCĐ. Theo báo cáo của Sở Du lịch Bình Định - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo - về tình hình triển khai thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU, Sở đã phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương triển khai công tác quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, thu hút khách tham quan du lịch đến Bình Định. Công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết với các địa phương được quan tâm; triển khai xây dựng các kế hoạch, chính sách kích cầu, phục hồi phát triển du lịch.

-Báo Gia Lai ngày 5/11 đưa tin: "Gia Lai: Không tổ chức Lễ hội Hoa Dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2021" cho biết: Huyện Chư Păh sẽ không tổ chức Lễ hội Hoa Dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2021 để phòng chống nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng. Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, để triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, ngăn dịch lây lan diện rộng trong cộng đồng, huyện Chư Păh quyết định không tổ chức Lễ hội Hoa Dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2021. Năm 2021, theo kế hoạch Lễ hội Hoa Dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 12 đến 14/11, đây là thời điểm hoa dã quỳ vào mùa nở rộ. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: biểu diễn cồng chiêng, văn nghệ, các hoạt động thể thao, ẩm thực, quảng bá du lịch và tổ chức phiên chợ nông sản an toàn…

-Báo Bình Thuận ngày 4/11 đưa tin: Tuy Phong (Bình Thuận): Kích cầu du lịch với chủ đề "Bình Thuận điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn" cho biết: UBND huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) vừa xây dựng kế hoạch Kích cầu du lịch năm 2021 với chủ đề "Bình Thuận điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn", hướng tới thu hút đông đảo du khách đến địa phương. Đồng thời khuyến khích người dân đi tham quan, du lịch dịp nghỉ lễ, cuối tuần và phấn đấu đạt mục tiêu đón 1.520.000 lượt khách đến huyện Tuy Phong trong năm 2021 gắn với phát triển thương mại dịch vụ…

3.Lĩnh vực Thể thao

-TTXVN ngày 5/11 đưa tin:

Đảm bảo tốt nhất cơ sở vật chất phục vụ thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX

Theo thông tin từ Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ngày 4/11, Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn đã chủ trì buổi làm việc với Vụ Thể thao thành tích cao 1, Vụ thể thao thành tích cao 2 và Vụ thể thao quần chúng về công tác chuẩn bị địa điểm thi đấu phục vụ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Cụ thể, địa điểm thi đấu môn Điền kinh và thể thao dưới nước mà tỉnh Quảng Ninh xin đăng cai chưa đảm bảo được những điều kiện cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn quy định của ban tổ chức. Do đó, tổ chuyên môn đề xuất đưa 2 nhóm môn thể thao này về tổ chức tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước thuộc Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình, Hà Nội.

Tuyển Việt Nam sẽ phòng ngự kiên cường, chờ cơ hội ghi điểm trước tuyển Nhật Bản

Chia sẻ với báo chí, cầu thủ Lương Xuân Trường cho biết, đội tuyển Việt Nam đang tập trung tối đa cho hai trận đấu trên sân nhà trong tháng 11, tại vòng loại cuối FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á, với mục tiêu giành những điểm số quan trọng. Theo Lương Xuân Trường, để chuẩn bị cho trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Nhật Bản, một trong những đội tuyển mạnh nhất châu Á trong 1 tuần nữa, ban huấn luyện và tất cả các cầu thủ đã xem qua những đoạn băng về các trận đấu của đội tuyển Nhật Bản.

SEA Games 31 dự kiến diễn ra từ ngày 12 - 23/5/2022

Theo thông tin từ Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong phiên họp gần đây nhất của Ban Chỉ đạo SEA Games 31, các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản thống nhất thời gian tổ chức SEA Games 31 từ ngày 12 - 23/5/2022. Từ nay đến thời điểm diễn ra SEA Games 31 không còn dài, Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn đề nghị rà soát lại từng hạng mục trong các dự án triển khai để đảm bảo công việc không bị chồng chéo, tránh gây lãng phí cũng như đảm bảo công việc được triển khai theo đúng tiến độ đề ra.

'Cánh chim lạ' Hồ Thanh Minh

Với bàn thắng vào lưới U23 Myanmar, cái tên Hồ Thanh Minh lại được nhắc đến như "người hùng" giúp đoàn quân của HLV Park Hang-seo lần thứ 4 liên tiếp thẳng tiến VCK U23 châu Á. Cầu thủ người dân tộc Tà Ôi - Hồ Thanh Minh từng được nhắc đến khá nhiều trong màu áo U23 Việt Nam khi anh là cầu thủ dân tộc thiểu số hiếm hoi trên tuyển. Kể từ khi được tung vào sân, Hồ Thanh Minh đã tạo nên những điểm nhấn tích cực cho hàng công U23 Việt Nam nhờ lối chơi thông minh, linh hoạt. Tiền đạo này di chuyển rộng để tạo khoảng trống, thu hút các hậu vệ đối phương. Và cũng chính Thanh Minh băng lên đánh đầu ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu.

Tuyển Nhật Bản triệu tập đội hình cực mạnh để đấu với tuyển Việt Nam

Ngày 4/11, HLV Hajime Moriyasu đã công bố danh sách 27 cầu thủ của đội tuyển Nhật Bản để chuẩn bị cho 2 trận vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á, gặp tuyển Việt Nam (11/11) và tuyển Oman (16/11). Trong bản danh sách được đưa ra ngày 4/11, những gương mặt nổi tiếng của "các Samurai xanh" đang thi đấu ở châu Âu đã được triệu tập lần này như Takumi Minamino (Liverpool, Anh), Takehiro Tomiyasu (Arsenal, Anh), Maya Yoshida (Sampdoria, Italy), hay Wantaru Endo (Stuttgart, Đức)…

-Báo Hà Nội mới ngày 5/11 đưa tin: "Đỗ Hùng Dũng không tập trung đội tuyển Việt Nam" cho biết: Ngày 4-11, Câu lạc bộ (CLB) Hà Nội cho biết, tiền vệ Hùng Dũng không tập trung đội tuyển Việt Nam theo yêu cầu triệu tập của huấn luyện viên Park Hang-seo và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), mà sẽ tiếp tục ở lại CLB Hà Nội để theo dõi, tập luyện và điều trị chấn thương. Trước đó, huấn luyện viên Park Hang-seo đã triệu tập bổ sung tiền vệ Đỗ Hùng Dũng lên đội tuyển Việt Nam để chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2020. VFF sau đó đã có công văn triệu tập Hùng Dũng gửi CLB Hà Nội.

- Báo điện tử VOV ngày 5/11 đưa tin:

ĐT Trung Quốc tiếp tục phải đá "sân nhà" tại UAE ở vòng loại World Cup 2022

ĐT Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng sân Sharjah ở UAE làm sân nhà ở loạt trận vòng loại World Cup 2022 diễn ra tháng 11 này. Sau loạt trận tháng 10, các thành viên ĐT Trung Quốc đã về nước. Họ kỳ vọng sẽ được thi đấu loạt trận vòng loại World Cup 2022 trong tháng 11 trên sân nhà đúng nghĩa để không phải di chuyển. Tuy nhiên, những quy định cách ly phòng dịch Covid-19 khắt khe ở Trung Quốc đã không cho phép thầy trò HLV Li Tie được thi đấu trong nước. Họ sẽ phải tiếp tục sử dụng sân Sharjah ở UAE làm sân nhà trong các trận đấu gặp Oman (11/11) và Australia (16/11).

Dàn sao ĐT Nhật Bản tỏa sáng ở cúp châu Âu trước ngày đấu ĐT Việt Nam

Hàng loạt tuyển thủ Nhật Bản chuẩn bị đối đầu ĐT Việt Nam đã để lại dấu ấn ở loạt trận cúp châu Âu diễn ra rạng sáng 5/11. Ngày 4/11, Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) và HLV Hajime Moriyasu đã công bố danh sách 27 cầu thủ của ĐT Nhật Bản tham dự 2 trận đấu ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 gặp ĐT Việt Nam (11/11) và ĐT Oman (16/11). Trong số 27 cầu thủ này, có 17 người đang thi đấu cho các CLB châu Âu và hàng loạt gương mặt trong số đó đã tỏa sáng ở loạt trận cúp châu Âu (Europa League và Europa Conference League) diễn ra rạng sáng 5/11.

Hà Nội FC chiêu mộ thành công cầu thủ đa năng của Hà Tĩnh

Theo thông tin từ Hà Nội FC, đội bóng này đã chiêu mộ thành công hậu vệ Nguyễn Văn Vĩ từ CLB Hà Tĩnh với bản hợp đồng có thời hạn 2 năm. Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho mùa giải 2022, Hà Nội FC đang gấp rút chiêu mộ những tân binh. Theo thông tin mới nhất, Hà Nội FC đã chiêu mộ thành công hậu vệ Nguyễn Văn Vĩ từ CLB Hà Tĩnh. Chia sẻ trong ngày gia nhập Hà Nội FC, Nguyễn Văn Vĩ cho biết: "Khoác áo Hà Nội FC là một thử thách với bản thân tôi nhưng cũng là cơ hội để tôi hoàn thiện chính mình hơn. Vị trí thi đấu sở trường của tôi là hậu vệ trái. Ngoài ra, tôi có thể thi đấu được ở vị trí tiền vệ trái và tiền vệ trung tâm. Mặc dù vậy, trong bóng đá cầu thủ luôn phải thích nghi với tất cả vị trí được giao và tôi sẵn sàng thử sức".

Ngôi sao ĐT Nhật Bản bình phục chấn thương, sẵn sàng đấu ĐT Việt Nam

HLV Hajime Moriyasu đã công bố danh sách 27 cầu thủ của ĐT Nhật Bản sang Hà Nội đối đầu ĐT Việt Nam. Trong số này có tiền đạo Yuya Osako, cầu thủ vừa mới bình phục chấn thương. Trưa 4/11, Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) và HLV Hajime Moriyasu đã công bố danh sách 27 cầu thủ của ĐT Nhật Bản tham dự 2 trận đấu ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 gặp ĐT Việt Nam (11/11) và ĐT Oman (16/11). Trong số này có tên tiền đạo Yuya Osako, cầu thủ vừa mới bình phục chấn thương và chỉ mới ra sân thi đấu hơn 20 phút tại J-League trong màu áo Vissel Kobe vào ngày hôm qua. Trước đó, Osako bị chấn thương trong trận ĐT Nhật Bản gặp ĐT Australia hồi tháng 10, nhiều người lo ngại rằng cựu chân sút của Werder Bremen sẽ không thể góp mặt trong danh sách đối đầu ĐT Việt Nam nhưng cuối cùng anh vẫn được gọi.

U23 Việt Nam về nước, nhiều trụ cột nhận nhiệm vụ mới

U23 Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ giành vé dự VCK U23 châu Á 2022, nhiều trụ cột được gọi lên ĐT Việt Nam để chuẩn bị cho chiến dịch sắp tới. U23 Việt Nam toàn thắng 2 trận ở vòng loại U23 châu Á 2022 để giành vé vào vòng chung kết. Đây là lần thứ 4 liên tiếp, U23 Việt Nam có vé tranh tài ở sân chơi này. U23 Việt Nam cũng là đại diện thứ 3 của khu vực Đông Nam Á cùng với U23 Thái Lan và U23 Malaysia dự VCK U23 châu Á 2022.

- Báo điện tử Dân Trí ngày 5/11 đưa tin:

Lý Hoàng Nam vào tứ kết giải quần vợt tại Ai Cập

Với phong độ xuất sắc, tay vợt Lý Hoàng Nam vào tứ kết giải M15 Sharm El Sheikh diễn ra tại Ai Cập. Ở vòng 1/8 giải quần vợt nhà nghề M15 Sharm El Sheikh tổ chức tại Ai Cập vào chiều 4/11, Lý Hoàng Nam (hạng 863 ATP) đối đầu với tay vợt nước chủ nhà Akram El Sallaly (hạng 1320 ATP). Tay vợt người Ai Cập bị đánh giá thấp hơn, nhưng Akram El Sallaly đã gây bất ngờ khi đoạt liên tiếp hai break ngay đầu set đầu để vươn lên dẫn trước 3-0.

HLV Park Hang Seo chia tay cầu thủ U23, tiếp quản đội tuyển Việt Nam

Sau hành trình di chuyển dài từ Kyrgyzstan, đội tuyển U23 Việt Nam có mặt tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) tối 4/11. Ngay sau khi về nước, HLV Park Hang Seo cùng 8 cầu thủ U23 hội quân với tuyển Việt Nam. Sau khi thực hiện khai báo y tế và hoàn thành thủ tục nhập cảnh, đội tuyển chia làm hai nhóm lên hai xe bus khác nhau do VFF bố trí. Nhóm thứ nhất gia nhập "bong bóng khép kín" cùng đội tuyển Việt Nam gồm HLV Park Hang Seo và một số thành viên trong ban huấn luyện cùng với 8 cầu thủ được bổ sung cho đội tuyển Việt Nam.

Nhật Bản tăng cường hàng phòng ngự cho trận gặp đội tuyển Việt Nam

Trang chủ của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tiết lộ HLV Moriyasu của Nhật Bản tăng cường hàng phòng ngự, để chuẩn bị đối đầu với đội tuyển Việt Nam. Website của AFC viết: "HLV Moriyasu gọi bộ ba phòng ngự của CLB Kawasaki Frontale cho đội tuyển Nhật Bản, chuẩn bị đối đầu với tuyển Việt Nam, Oman". "HLV trưởng của đội tuyển Nhật Bản Moriyasu vừa triệu tập bộ ba phòng ngự của đội vô địch giải J-League gồm Shogo Taniguchi, Miki Yamane và Reo Hatate cho các cuộc đụng độ ở vòng loại World Cup" - trang chủ của Liên đoàn bóng đá châu Á viết thêm trong phần nội dung.

4.Lĩnh vực Gia đình

-Báo Nhân Dân ngày 4/11 đưa tin: "Nước mắt của mẹ" khẳng định về giá trị gia đình cho biết: Ngay khi rạp hát được sáng đèn trở lại, Sân khấu kịch Lệ Ngọc đã ra mắt công chúng vở diễn "Nước mắt của mẹ" tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào đầu tháng 11. Đây là vở diễn mới thứ ba được đơn vị nghệ thuật này hoàn thành dàn dựng trong năm nay, nối tiếp hai vở kịch trước đó là "Dế Mèn" và "Làm Vua". Khai thác đề tài gia đình trong cuộc sống hiện đại, vở diễn phản ánh sâu sắc mặt trái của hiện thực xã hội trong vòng xoáy kinh tế thị trường, nơi vì đồng tiền mà con người dễ phạm lỗi. Nhưng cũng từ đây, vở diễn làm sáng lên những giá trị bền vững, nhân văn của gia đình, nơi mỗi người có thể nương náu, chữa lành nỗi đau tâm hồn bằng tình yêu thương. Mang tên "Nước mắt của mẹ" nhưng bên cạnh khắc họa sự hy sinh, nhẫn nhịn, bao dung của người mẹ, vở diễn còn làm nổi bật nỗi niềm của người cha. Đồng thời mang đến thông điệp dành cho thế hệ trẻ trong thời đại mới, ấy là tuổi trẻ có thể mắc sai lầm nhưng không thể đánh mất lý tưởng sống…

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×