Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 21/1/2021
21/01/2021 | 15:27Chiếu phim chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Cầu thủ futsal nhận giải thưởng Fair-play bóng đá Việt Nam 2020; Phong phú các hoạt động đón Tết Tân Sửu là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 21/1 đưa tin:
Hải Phòng: Khai mạc trưng bày tranh dân gian truyền thống Việt Nam
Ngày 20/1, Bảo tàng Hải Phòng phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề "Tranh dân gian truyền thống Việt Nam" tại Bảo tàng Hải Phòng. Trưng bày lần này giới thiệu những bức tranh tiêu biểu, được chọn lọc từ bộ sưu tập mỹ thuật tranh dân gian truyền thống của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với nhiều dòng tranh dân gian nổi tiếng như Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội) và tranh thờ dân tộc Tày, Cao Lan.
Không gian 'Tết xưa' giữa lòng Hà Nội
Hiện tại tổ hợp Công Viên Nhỏ (An Dương, Tây Hồ, Hà Nội) đang diễn ra khu trưng bày Tết xưa. Du khách như được sống trong không khí Tết xưa với những khung cảnh được tái hiện như ngôi nhà Bắc bộ với đôi câu đối đỏ, những loại cây đặc trưng trong ngày Tết như đào, quất, cúc... Đặc biệt, mọi người rất thích thú với những chiếc bánh chưng do tự tay mình gói. Hoạt động này sẽ được tổ chức đến hết tháng 1.
Hồi hộp chờ phim
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng không vì thế thị trường hài Tết 2021 trở nên ảm đạm. Có chăng chỉ là sự hoài nghi của khán giả về chất lượng của các chương trình. Người hợp gu thấy buồn cười, người không hợp bảo đó là nhảm. Đạo diễn Mai Long cũng thẳng thắn cho rằng, để có hài Tết hay cần nhiều yếu tố về tính chuyên môn, cần một ê kip giỏi (biên kịch giỏi, đạo diễn giỏi, tổ chức sản xuất giỏi, diễn viên có tên tuổi, quay phim tay nghề….).
- Báo điện tử Người Lao động ngày 21/1 đưa tin:
Cải lương tìm lối đi riêng trong mùa Tết
Không chỉ nhằm thu hút đông đảo khán giả mà cơ hội để sàn diễn cải lương sáng đèn đang là thử thách lớn cho nhiều người làm nghề. Tại TP HCM, hiện có 6 đơn vị xã hội hóa cải lương và công lập đang gấp rút chuẩn bị vở diễn Tết phục vụ khán giả. Chưa bao giờ không khí chào Xuân lại rộn ràng như hiện nay, bởi các sàn tập đông kín nghệ sĩ (NS). Sau những khó khăn do dịch Covid-19, NS cải lương đã ý thức rõ hơn việc đầu tư cho tác phẩm có sức sống mới để sàn diễn có thể sáng đèn qua hết tháng giêng.
Trải nghiệm mới lạ tại Lễ hội Tết Việt
Lễ hội Tết Việt sẽ được tổ chức từ ngày 21 đến 24-1 tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1, TP HCM). Đạo diễn Lê Quý Dương đặt kỳ vọng sẽ tạo được dấu ấn đậm nét về lễ hội, với sắc màu chủ đạo là vinh danh di sản văn hóa và nghệ thuật truyền thống của dân tộc. "Là một trong những lễ hội và chuỗi sự kiện văn hóa chào mừng năm mới, dự kiến Lễ hội Tết Việt sẽ là sự kiện định kỳ trong chương trình lễ hội hằng năm của TP HCM mỗi dịp Xuân về. Do vậy, để khắc đậm dấu ấn mới tại không gian Tết Việt Tân Sửu 2021 là một áp lực rất lớn" - đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ.
Chờ bứt phá từ loạt phim Tết
Sau một năm u ám bởi đại dịch Covid-19, điện ảnh Việt kỳ vọng vào sự phục hồi trong năm 2021, nhất là trông chờ sự bứt phá của loạt phim ra rạp dịp Tết nguyên đán (bắt đầu từ ngày 12-2). Như các nền điện ảnh khác trên thế giới, điện ảnh Việt chịu sự tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19. Các phim đầu tư lớn buộc phải hoãn ngày chiếu, dời lịch phát hành, một số cụm rạp đóng cửa do không thể duy trì trong tình trạng không có doanh thu. Dẫu khó khăn, nhà làm phim lẫn nhà phát hành đều hy vọng vào sự phục hồi của điện ảnh Việt trong năm 2021.
- Báo Tin tức ngày 20/1 đưa tin:
1.000 tư liệu quý tại triển lãm 'Đảng Cộng sản Việt Nam - Sáng mãi niềm tin'
Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 20/1, triển lãm tư liệu "Đảng Cộng sản Việt Nam - Sáng mãi niềm tin" đã diễn ra tại Thư viện Quốc gia, 31 Tràng Thi, Hà Nội. Với 1.000 tư liệu được trưng bày, triển lãm đã giới thiệu cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc; những thành tựu mà Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được trong công cuộc xây dựng và bào vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; cương lĩnh, đường lối, chính sách, văn kiện, nghị quyết của Đảng qua các kỳ Đại hội; ý nghĩa, tầm quan trọng của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và những quan điểm chủ trương, định hướng lớn trong văn kiện Đại hội...
"Con đường có mặt trời" được chọn chiếu trong Đợt phim chào mừng Đại hội XIII của Đảng
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 20/1 cho biết: Đợt phim "Chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2021) và mừng Xuân Tân Sửu 2021" sẽ diễn ra trên cả nước từ ngày 3-18/2. Các phim được chọn chiếu trong đợt phim lần này bao gồm: Phim truyện "Con đường có mặt trời" do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất; các phim tài liệu "Nhớ về Tây Tiến" và "Hành trình thư pháp Việt" do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất; phim hoạt hình "Quái vật đại dương" do Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất.
- Báo Văn hóa ngày 20/1 đưa tin:
Nhiều chương trình đặc sắc tại Khu di sản Huế dịp Tết Tân Sửu
Ngày 20.1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đơn vị này đã xây dựng chuỗi chương trình, sự kiện văn hóa và các hoạt động trải nghiệm đặc sắc để phục vụ cộng đồng và du khách tham quan Khu di sản Huế trong dịp Tết Tân Sửu 2021. Theo đó, trong 3 ngày Tết Nguyên đán (mồng 1, 2, 3), các điểm tham quan thuộc hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế sẽ mở cửa miễn phí đón khách tham quan. Đồng thời, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa du lịch tại các điểm tham quan. Tại khu di sản Hoàng cung Huế, sẽ có các hoạt động như: Lễ đổi gác tại Ngọ Môn, múa Lân sư rồng ở trước sân điện Thái Hòa, trình tấu Đại nhạc ở di tích Thế Miếu, chương trình nghệ thuật "Âm sắc cung đình", trình tấu Tiểu nhạc ở sân điện Thái Hòa, trình diễn thư pháp… Đặc biệt, khách tham quan sẽ có cơ hội trải nghiệm, tham gia các trò chơi cung đình xưa tại khu di sản Hoàng cung Huế trong sáng mồng 1 Tết.
Kiểm tra công tác chuẩn bị mùa lễ hội Xuân Tân Sửu tại chùa Hương (Hà Nội): Các phương án được "lên dây cót" nếu dịch bùng phát
Tiếp tục chương trình kiểm tra công tác chuẩn bị mùa lễ hội Xuân Tân Sửu 2021 tại các địa phương, hôm qua 19.1, đoàn kiểm tra của Bộ VHTTDL do Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Lương Đức Thắng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc và kiểm tra tình hình thực tế tại khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội). Qua kiểm tra, đoàn công tác ghi nhận sự chủ động, vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và BQL di tích, BTC lễ hội Chùa Hương. Mùa lễ hội năm 2021 được kỳ vọng sẽ diễn ra trong bối cảnh thuận lợi, an toàn, tuy nhiên các phương án sẵn sàng ứng phó nếu đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại cũng đã được "lên khuôn".
Vai trò văn hóa trong phát triển: Làm thế nào để "đo lường" sự đóng góp của văn hóa?
Văn hóa có vai trò không thể thiếu trong phát triển bền vững của đất nước, tuy nhiên làm thế nào để "đo lường" và chỉ ra sự đóng góp của văn hóa, vẫn là câu hỏi khó, gây nhiều tranh luận. Tại buổi tọa đàm với chủ đề "Nền kinh tế văn hóa ở Việt Nam: Những thách thức và cơ hội" do CLB Nhà khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQG) chủ trì, vừa diễn ra tại Hà Nội, việc nhận diện và đánh giá vai trò của văn hóa đã được nhiều chuyên gia tập trung phân tích. Việc chưa có hệ thống dữ liệu, công cụ khoa học để có thể lượng hóa thì khó có thể chỉ ra được những đóng góp và tác động tích cực của văn hóa trong phát triển, khiến cho nhiều người đang "cảm thấy" là văn hóa quan trọng nhưng chưa thấy rõ, chứng minh được thực chất đóng góp ấy cụ thể ra sao. Điều này đã tác động phần nào đến nhiều địa phương chưa thực sự coi trọng văn hóa là động lực của phát triển bền vững, chưa quan tâm dành nguồn lực cho văn hóa.
Sân khấu kịch nóng với "Cô vy"
"Để thể hiện tốt hình ảnh bác sĩ và cả bệnh nhân, các nghệ sĩ, diễn viên đã xuống tận Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để học từng động tác, xem cử chỉ của cả bác sĩ và bệnh nhân. Khi tập chúng tôi cũng mặc đầy đủ quần áo bảo hộ y tế, khẩu trang, găng tay, mũ chống giọt bắn…", đó là những chia sẻ của NSND Lệ Ngọc sau khi vở diễn Cuộc chiến Covid ra mắt công chúng. Kịch bản của tác giả Minh Nguyệt qua bàn tay tài hoa của đạo diễn Lê Hùng đã tái hiện chân thực và xúc động về một đề tài nóng, mang tính thời sự mà cả thế giới vẫn đang chao đảo vì nó. Năm 2020 qua đi, đại dịch Covid-19 đã và đang hoành hành ở nhiều quốc gia nhưng Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định và an toàn, trở thành điểm sáng trong công cuộc chống dịch tầm cỡ thế giới… Cuộc chiến Covid đã khai thác và thể hiện sắc nét hình tượng những con người nơi tuyến đầu chống dịch ở Việt Nam.
- Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 20/1 đưa tin: "Triển lãm bìa sách văn học kinh điển Việt Nam đầu thế kỷ 20" cho biết: Triển lãm bìa sách văn học kinh điển Việt Nam đầu thế kỷ 20 do Nhã Nam và Viện Pháp phối hợp thực hiện. Triển lãm trưng bày bìa 12 tác phẩm cả cũ và mới, mỗi tác phẩm đều có tóm tắt nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. 12 tác phẩm này nằm trong bộ sách Việt Nam danh tác do Nhã Nam thực hiện từ năm 2014. Đây là bộ sách các tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, được Nhã Nam tuyển chọn và in lại dựa trên những ấn bản toàn vẹn nhất, thường là các bản gốc hoặc gần với bản gốc nhất. Sau 7 năm, Việt Nam danh tác của Nhã Nam đã ra mắt 44 tác phẩm của 27 tác giả, chia thành hai mảng: văn xuôi và thơ.
- Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, báo Hà Nội mới và nhiều báo khác ngày 20/1 đưa tin: "Chương trình điện ảnh chào mừng Đại hội XIII của Đảng" cho biết: Các bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam như "Cơn lốc biển", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Đến hẹn lại lên" sẽ được chiếu miễn phí từ ngày 26-28/1/2021 nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2021) và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Với hình thức miễn phí vé vào của, phần chiếu phim sẽ đem đến cho khán giả những tác phẩm giá trị của điện ảnh cách mạng Việt Nam như: Các phim tài liệu "Việt Nam trên đường đổi mới", "Hồ Chí Minh - Chân dung một con người"; các phim truyện "Cơn lốc biển", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Đến hẹn lại lên". Trong khuôn khổ chương trình, vào ngày 28/1, công chúng yêu điện ảnh còn được giao lưu, gặp gỡ với các nghệ sĩ tham gia bộ phim "Đến hẹn lại lên" như: Nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh, Nghệ sĩ ưu tú Vũ Đình Thân.
2.Lĩnh vực Du lịch
- TTXVN ngày 21/1 đưa tin:
Quảng Ninh bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
Quảng Ninh được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan, di sản có giá trị. Là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có biển, có rừng, có đồng bằng, có hải đảo, có đường biên giới quốc gia. Tỉnh xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, hướng tới "xuất khẩu văn hóa" góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Trước mắt, tỉnh tiếp tục khai thác thế mạnh, tiềm năng văn hóa về cảnh quan, giá trị truyền thống, ẩm thực vùng miền thúc đẩy ngành Du lịch phát triển hơn nữa để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.
Hợp tác phát triển du lịch Hà Giang qua chuyển đổi số và du lịch thông minh
Tổng cục Du lịch Việt Nam, UBND tỉnh Hà Giang, MobiFone vừa ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch Hà Giang thông qua chuyển đổi số và du lịch thông minh vào ngày 20/1. Đây là bước triển khai cụ thể trên cơ sở của thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số ngành du lịch và phát triển du lịch thông minh trên phạm vi toàn quốc, ký kết giữa Tổng cục Du lịch và MobiFone hồi tháng 12/2020.
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững
Ninh Thuận là địa phương có nhiều dân tộc anh em sinh sống ở cả vùng núi, vùng đồng bằng và vùng biển. Sự đa dạng đó đã gắn liền với nhiều loại hình di sản vật thể và phi vật thể phong phú và độc đáo, mang đậm nét văn hóa truyền thống của các dân tộc như: Kinh, Chăm, Raglai... Để khai thác tiềm năng trên, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã luôn chú trọng và xem đó là thế mạnh to lớn để tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong giai đoạn mới thông qua việc phát huy, đưa bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch.
- Báo Vietnamplus ngày 20/1 đưa tin:
Đại dịch COVID-19 không ngăn được sức hấp dẫn của hang Sơn Đoòng
Hãng tin AFP của Pháp ngày 20/1 đã có bài viết giới thiệu về vẻ đẹp và những nét hấp dẫn của hang Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới ở tỉnh Quảng Bình, miền Trung Việt Nam. Trước khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ập đến, ngành du lịch Việt Nam thực sự bùng nổ. Sau khi được đưa vào khai thác du lịch mạo hiểm, hoạt động du lịch hang Sơn Đoòng luôn chứng tỏ sức hấp dẫn đối với cộng đồng du lịch trong nước và quốc tế bằng vẻ đẹp hùng vĩ, sự chuyên nghiệp trong tổ chức vận hành, cách khai thác bền vững.
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch
Tỉnh Ninh Thuận luôn chú trọng tạo đà cho sự phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh trong giai đoạn mới thông qua việc phát huy, đưa bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Để khai thác tiềm năng trên, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã luôn chú trọng và xem đó là thế mạnh to lớn để tạo đà cho sự phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh trong giai đoạn mới thông qua việc phát huy, đưa bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Cơ hội nào cho công nghiệp du lịch MICE Việt Nam trong năm 2021?
Trong 5 năm qua, du lịch MICE (Meeting Incentive Conference Event: du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch hen thưởng) ở Việt Nam phát triển nhanh, giúp đưa đất nước trở thành điểm đến du lịch MICE của khu vực. Trước khi COVID-19 ập đến, Việt Nam là điểm đến mới nổi của du lịch MICE trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng dịch bệnh đã tiêu diệt hoàn toàn sản phẩm này. Năm 2021, liệu cơ hội nào cho MICE?
Lượng du khách đến Nhật Bản năm 2020 thấp nhất trong 22 năm qua
Ngày 20/1, Cục Du lịch Nhật Bản công bố báo cáo cho thấy số lượng khách nước ngoài đến Nhật Bản năm 2020 ghi nhận mức thấp nhất trong 22 năm qua. Số lượng khách nước ngoài đến Nhật Bản năm 2020 đạt 4.115.900 người, giảm hơn 87% so với năm 2019. Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu là do các biện pháp hạn chế đi lại của chính phủ Nhật Bản và các quốc gia trên thế giới nhằm kiềm chế khả năng lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
-Báo Hà Nội mới ngày 21/1 đưa tin: "Hà Nội: Triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2021" cho biết: Ngày 20-1, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2021. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền dự và chỉ đạo tại hội nghị. Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu ngành Du lịch Thủ đô rà soát lại năng lực đội ngũ cán bộ, lao động toàn ngành; tổ chức các sự kiện, lễ hội du lịch lớn trong năm 2021, như: Lễ hội áo dài, lễ hội làng nghề, chương trình kích cầu du lịch; tập trung thúc đẩy phát triển du lịch nội địa gắn với cơ cấu lại ngành Du lịch Thủ đô; chú trọng xây dựng các nhóm sản phẩm để kích cầu du lịch nội địa.
-Báo Nhân Dân ngày 20/1 đưa tin: "Phong phú các hoạt động đón Tết Tân Sửu" cho biết: Khoảng thời gian trước Tết cổ truyền luôn là thời điểm sôi động của nhiều hoạt động đón chào năm mới Âm lịch. Năm nay, dù trong bối cảnh trạng thái bình thường mới, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, người dân cả nước vẫn có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động chào đón Tết Tân Sửu đặc sắc. Theo Sở Du lịch Hà Nội, đến nay các khu, điểm du lịch tại thành phố đang triển khai các chương trình đón Tết Tân Sửu 2021, với mục tiêu tăng lượng khách, thực hiện hiệu quả chương trình kích cầu du lịch trong năm 2021.
- Báo Văn hóa ngày 20/1 đưa tin:
Bài toán cho phát triển du lịch cộng đồng: Thiếu định hướng, thiếu chính sách
Mặc dù được xác định là loại hình du lịch cần ưu tiên phát triển nhưng cho đến giờ, vẫn chưa có các chính sách cụ thể để hỗ trợ cộng đồng phát triển kinh tế thông qua du lịch, khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống đặc sắc cho du lịch; thiếu định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Có thể nói rằng, ngoài việc tháo gỡ các rào cản để phát triển du lịch cộng đồng, ngay bây giờ, cần phải có những định hướng, chính sách cụ thể để khuyến khích người dân, cộng đồng tham gia, hưởng lợi khi phát triển loại hình du lịch này.
Lễ hội hoa quốc tế năm 2023 sẽ diễn ra tại Quảng Bình
Ngày 20.1, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Ngày 5.10.2020, Hiệp hội Làm vườn quốc tế AIPH đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc về việc đăng cai tổ chức lễ hội hoa quốc tế năm 2023 tại Quảng Bình. Lễ hội hoa quốc tế năm 2023 diễn ra tại tỉnh Quảng Bình có quy mô 89ha với tổng chi phí thực hiện khoảng 122 triệu Euro. Lễ hội dự kiến sẽ thu hút khoảng 8 triệu lượt khách tham quan. Từ lễ hội này, du khách đến Quảng Bình có thể kết hợp tham quan các điểm du lịch nổi tiếng trong tỉnh như: hang Sơn Đoòng, Phong Nha-Kẻ Bàng, biển Nhật Lệ… Được biết, sau khi xây dựng cơ sở hạ tầng lễ hội hoa, đơn vị tổ chức sẽ bàn giao lại cơ sở hạ tầng cho địa phương quản lý, sở hữu và khai thác theo quy định của tổ chức Hiệp hội Làm vườn quốc tế AIPH.
- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 20/1 đưa tin: "Năm 2020, du lịch Cần Thơ giảm doanh thu gần 29%" cho biết: Ngày 20/1, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021. TP Cần Thơ xác định, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố trong năm 2021, vì thế cần nhiều biện pháp nhằm vực dậy ngành du lịch trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến khó lường.
3.Lĩnh vực Thể thao
- TTXVN ngày 21/1 đưa tin: "Nóng: 4 án phạt vòng mở màn V-League 2021" cho biết: Ngay sau vòng 1 giải Vô địch quốc gia LS V-League 2021, Ban kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã ra tới 4 quyết định kỷ luật liên quan tới những vi phạm của cầu thủ và các đội bóng. Cụ thể, VFF quyết định phạt 7,5 triệu đồng, đình chỉ thi đấu 2 trận kế tiếp đối với cầu thủ Đinh Văn Trường (số 12) của CLB Nam Định do có hành vi phạm lỗi nghiêm trọng đối với cầu thủ Đỗ Hùng Dũng (số 88) của Hà Nội FC trong trận đấu giữa hai đội Nam Định và Hà Nội FC ngày 15/1 trên sân vận động Thiên Trường (Nam Định).
- TTXVN ngày 21/1 đưa tin: "Cầu thủ Nguyễn Nhớ được trao Giải thưởng Fair Play 2020" cho biết: Sáng 20/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố và trao Giải thưởng Fair Play - Bóng đá cao thượng 2020. Cầu thủ Nguyễn Nhớ (môn bóng đá futsal) đã được trao giải thưởng Fair Play 2020 với hành động bỏ qua cơ hội ghi bàn, đá bóng ra ngoài biên khi thấy cầu thủ đối phương nằm sân đau đớn. Giải thưởng Fair Play được tổ chức từ năm 2012, nhằm tôn vinh lối chơi đẹp, phong cách thi đấu cao thượng, trong sáng, cùng những hình ảnh đẹp cả trong và ngoài sân cỏ của Bóng đá Việt Nam.
- Báo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh ngày 21/1 đưa tin: "Malaysia xuống phương nam luyện quân chờ đấu tuyển Việt Nam" cho biết: Tuyển Malaysia quyết định di chuyển...xuống miền nam của đất nước thuộc bang Johor để tập trung đội tuyển chuẩn bị vòng loại World Cup 2022, trước mắt là trận làm khách trước UAE, 5 ngày sau họ về nhà tiếp Việt Nam (VN) ngày 30-3. Không còn chần chừ được nữa sau một năm dịch bệnh đứng hình bóng đá và các CLB ngoại hạng Malaysia chỉ thi đấu 11 vòng để gọi là một mùa giải về đích, các giải FA Cup và Cúp Quốc gia đều hủy...
- Báo Kinh tế Đô thị ngày 21/1 đưa tin: "Đội nào sẽ tụt lại sau vòng 2 V.League 2021?" cho biết: Vòng 1, chỉ có duy nhất một trận hòa trên sân Vinh và có đến 6 đội gồm Hà Nội FC, Viettel, TP.HCM, Thanh Hoá, HAGL, Hà Tĩnh trắng tay. Liệu các đội bóng này có cải thiện được vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 2 này không? Để tạo sự công bằng, ban tổ chức đã sắp lịch để không đội bóng nào phải thi đấu cả 2 trận đầu trên sân khách. Điều đó cho phép Hà Nội FC, TP.HCM, Thanh Hoá, HAGL có sự tiếp sức của khán giả nhà, còn Viettel và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sau trận thua ngay trên sân nhà cần phải nỗ lực hơn khi phải đá sân khách vòng này.
- Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 21/1 đưa tin: "Đua trụ hạng nóng từ vòng khai mạc" cho biết: Những đội bị xem là chiếu dưới trước giờ bóng lăn đều bứt tốc mạnh mẽ ngay vòng mở màn V-League, và giành được một loạt kết quả khả quan. Đua trụ hạng luôn là trận chiến nóng bỏng và quyết liệt nhất suốt 20 năm lịch sử V-League. Mùa này, cuộc đua ấy thậm chí được hâm nóng ngay từ vòng đầu, khi 5 đội cuối bảng HAGL, TPHCM, Viettel, Thanh Hóa và Hà Nội đều là những cái tên cộm cán, ôm mộng vô địch.
- Báo điện tử Người Lao động ngày 21/1 đưa tin:
Hà Nội có lo bị "bắt bài" khi đối đầu với Becamex Bình Dương của thầy cũ Phan Thanh Hùng?
Trong buổi tập chiều 20-1, cầu thủ Phạm Thành Lương cho biết mục tiêu của CLB Hà Nội là giành trọn 3 điểm trước CLB Becamex Bình Dương tại vòng 2 V-League 2021 trên sân nhà Hàng Đẫy vào tối 23-1. Chiều 20-1, CLB Hà Nội có buổi tập luyện trên sân vận động Hàng Đẫy trước trận tiếp đón CLB Becamex Bình Dương tại vòng 2 V-League 2021.
VFF nói gì trước thông tin Việt Nam tổ chức các trận còn lại vòng loại World Cup 2022?
Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã lên tiếng trước thông tin Việt Nam được Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC) lựa chọn để tổ chức thi đấu tập trung những trận còn lại ở bảng G vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Trước diễn biến của dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng không nhỏ đến những trận đấu còn lại ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á và Việt Nam đang phòng chống rất tốt dịch bệnh nên có thể coi là điểm sáng để tổ chức các trận đấu nên có những thông tin liên quan đến việc AFC trao quyền cho Việt Nam tổ chức.
HLV Park Hang-seo muốn tuyển Việt Nam dự World Cup
Báo chí Hàn Quốc đăng tin ngày 19-1, HLV Park Hang-seo đã về thăm quê nhà ở tỉnh Gyeongnam (Hàn Quốc). Tại đây, nhà cầm quân người Hàn Quốc đã trao đổi với giới truyền thông về quyết tâm cùng đội tuyển Việt Nam tham dự VCK World Cup 2022. HLV Park Hang-seo chia sẻ: "Khác với năm ngoái, năm nay có rất nhiều giải đấu lớn được lên kế hoạch và đội tuyển bóng đá Việt Nam đang rất nỗ lực để đi tiếp đến vòng loại cuối cùng. Tôi sẽ cố gắng hết sức với tinh thần trách nhiệm để làm được điều đó". Theo kế hoạch, tuyển Việt Nam sẽ hội quân vào tháng 3 để tham dự trận đấu gặp tuyển Malaysia ở vòng loại World Cup 2022 - khu vực châu Á.
- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 21/1 đưa tin:
Vòng 2 V-League 2021: Phố Núi có mở tiệc?
Vòng 2 V-League sẽ bắt đầu bằng trận đấu sớm giữa chủ nhà Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và đội khách SLNA. Sau thất bại trong trận ra quân, lần đầu khán giả phố Núi sẽ được chứng kiến một HAGL với đầy đủ lực lượng khi họ đón chào sự trở lại của đội trưởng Tuấn Anh và hậu vệ Nguyễn Phong Hồng Duy sẽ trình diễn lối chơi dưới triều đại HLV Kiatisuk.
Công Phượng và Quang Hải tăng giá, Văn Lâm rớt giá thê thảm
Theo định giá mới nhất từ chuyên trang chuyển nhượng Transfermarkt, Quang Hải, Văn Toàn, Công Phượng... đã tăng giá. Trong khi đó, giá trị của thủ thành Văn Lâm tụt thê thảm. Trong thời gian qua, Văn Lâm đang có lùm xum liên quan tới tương lai ở CLB Muangthong United. Người đại diện của thủ thành này Andrey Grushin khẳng định thân chủ của mình đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với CLB Thái Lan vì vi phạm quy định về tài chính.
Cầu thủ Nam Định khiến Quả bóng Vàng Việt Nam chấn thương nặng nhận án treo giò
Hậu vệ Đinh Văn Trường của Nam Định đã phải nhận án treo giò 2 trận sau tình huống phạm lỗi nguy hiểm khiến Quả bóng Vàng Việt Nam 2019 Đỗ Hùng Dũng chấn thương nặng. Trong trận đấu khai màn V-League 2020 giữa Nam Định và Hà Nội FC, hậu vệ Đinh Văn Trường của Nam Định đã có pha vào bóng nguy hiểm với Đỗ Hùng Dũng của đội khách ở hiệp 1. Ở tình huống này, trọng tài Ngô Duy Lân chỉ phạt Văn Trường thẻ vàng nhưng Hùng Dũng lại gặp chấn thương nặng và không thể tiếp tục trận đấu.
- Báo Văn hóa ngày 20/1 đưa tin:
Hà Nội chuẩn bị cho SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11: Sẽ là một Thủ đô văn hiến trong mắt bạn bè
Không chỉ khoác lên mình bộ áo mới khi nâng cấp, sửa chữa hệ thống cơ sở vật chất phục vụ Đại hội, chỉnh trang các tuyến phố trong dịp đăng cai tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11, Hà Nội còn muốn giới thiệu tới bạn bè quốc tế một Thủ đô ngàn năm văn hiến, với nếp sống văn minh, thanh lịch. Với những nỗ lực này, Hà Nội hy vọng sẽ phục vụ tốt các đoàn tham dự Đại hội cũng như lượng khách du lịch quốc tế đến với thủ đô nhân dịp đăng cai tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11.
Uỷ ban Olympic Việt Nam cùng TTVN vượt khó hoàn thành nhiệm vụ
Sáng 20.1 tại Bộ VHTTDL, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ VHTTDL – Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện, Hội nghị BCH Uỷ ban Olympic Việt Nam đã xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung vì đại dịch Covid-19 nhưng dưới sự nỗ lực và tuân thủ nghiêm ngặt chế độ phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, Uỷ ban Olympic Việt Nam đã phối kết hợp với nhiều đơn vị, Liên đoàn, Hiệp hội, ngành TDTT hoàn thành tốt công việc theo kế hoạch cũng như đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, chương trình năm 2020.
Ronaldo có thêm danh hiệu cùng Juventus
Trong trận tranh Siêu cúp Italia giữa Juventus và Napoli diễn ra vào rạng sáng 21.1 (giờ Việt Nam), siêu sao Cristiano Ronaldo tiếp tục thi đấu ấn tượng khi trực tiếp ghi một bàn thắng để giúp "Lão bà" có Siêu cúp Italia lần thứ 9 trong lịch sử. Trong cuộc đối đầu này, Ronaldo ghi bàn khai thông bế tắc cho Juventus ở phút 64 sau khi anh chớp lấy cơ hội và dứt điểm thành công ở khoảng cách chỉ vài mét trong một pha đá phạt góc.
4.Lĩnh vực Gia đình
- Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 20/1 đưa tin: Những đứa trẻ "chịu trận" sau việc khoe bảng điểm của cha mẹ cho biết: Thời điểm này, mở facebook là thấy hình ảnh nhiều bảng điểm của con được bố mẹ tự hào khoe. Đằng sau việc khoe bảng điểm của cha mẹ là biết bao nỗi niềm của các phụ huynh khác, là rất nhiều áp lực của những học sinh chưa đạt điểm cao như vậy.
Với không ít những phụ huynh, thành tích của con chẳng khác gì "trang sức" của họ. Không ít người trong số họ ép con học ngày học đêm, không cho con có thời gian giải trí chỉ để con đạt thành tích tốt để khiến bố mẹ tự hào, để bố mẹ có thứ để khoe với mọi người. Những đứa con ngày càng phải gánh áp lực từ kỳ vọng của bố mẹ. Chúng không được quyền thất bại, không được phép có điểm kém, chúng bắt buộc phải học giỏi toàn diện.