Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 15/11/2023

15/11/2023 | 11:00

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững; Hội nghị "Tổng kết công tác thi đua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023"; Khai mạc Giải Cầu lông các cây vợt xuất sắc quốc gia năm 2023 là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- Báo Văn hóa ngày 15/11 đưa tin:

Lan tỏa nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sáng ngày 14/11, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, tuyên truyền nội dung cuốn sách Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể dự và chủ trì Hội nghị. Hội nghị kết nối trực tuyến đến 396 điểm cầu với hơn 16.000 cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.

Cần có bản quyền trong khai thác di sản văn hóa

Một trong những nội dung được chú ý tại Hội nghị - Hội thảo góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ trong khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa. Hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan hiện chưa đưa ra cách thức để đảm bảo di sản văn hóa có thể "mang lại các giá trị vật chất", và cũng ít đề cập "quyền tài sản" với di sản văn hóa, đặc biệt là đối với di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu.

- Báo điện tử Tổ quốc ngày 15/11 đưa tin:

Luật Di sản văn hóa cần có tính đặc thù về vấn đề sở hữu di tích

Để công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa ngày tốt hơn thì quy định về sở hữu di tích, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu di tích được quy định tại các Điều trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2023 cần được đảm bảo và thông qua.

- Báo Công an Nhân dân ngày 15/11 đưa tin:

Giải pháp nào phát huy giá trị di sản trong các bảo tàng?

Hiện nay, cả nước có 196 bảo tàng, trong đó có 127 bảo tàng công lập và 69 bảo tàng ngoài công lập. Các bảo tàng đang bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị trên 4 triệu hiện vật, trong đó, 265 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, việc phát huy hệ thống bảo tàng và các khối hiện vật này chưa như kỳ vọng.

'Dòng chảy di sản trong thành phố sáng tạo' tại phố cổ Hà Nội

Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, chuỗi hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 với chủ đề 'Dòng chảy di sản trong thành phố sáng tạo' sẽ được tổ chức tại nhiều địa điểm thuộc vực phố cổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ ngày 17 - 25/11.

- Báo Kinh tế & Đô thị ngày 15/11 đưa tin:

500 nghệ nhân, người thực thực hiện nghi lễ và trò chơi kéo co

Ngày 17 - 18/11, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam và quận Long Biên tổ chức Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại - Nghi lễ và trò chơi kéo co năm 2023. Liên hoan có sự tham gia của gần 500 nghệ nhân và người thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội và TP Dangjin (Chungcheongnam, Hàn Quốc).

Hát soóng cọ của người Sán Chỉ là Di sản Văn hóa phi vật thể

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định 3421/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11/2023, đưa nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ, Quảng Ninh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

- Báo điện tử VOV ngày 15/11 đưa tin:

Khai thác chất liệu lịch sử, văn hóa trong điện ảnh: Thú vị nhưng đầy thử thách

Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, các nhà làm phim đang nỗ lực truyền cảm hứng yêu nước cùng cảm xúc mềm mại mà dòng phim giải trí có được đến công chúng. Đây là việc làm quá khó, nhưng không làm thì không bao giờ đến được với thành công.

- Các báo: Tiền phong, Thanh niên, Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Tạp chí Du lịch TP. HCM,... ngày 14, 15/11 đưa tin:

Công bố Cung đường nghệ thuật kéo dài 6 tháng ở Đà Lạt

Ngày 14/11, nhân dịp kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893-2023), UBND TP Đà Lạt triển khai chương trình Cung đường nghệ thuật với chủ đề City of Arts. Cung đường nghệ thuật Đà Lạt có sự giao thoa đa dạng từ nhiếp ảnh, điêu khắc, hội họa, đến nghệ thuật sắp đặt, nhằm mang đến cho người dân và du khách không gian thưởng lãm nghệ thuật mới mẻ, nhiều màu sắc.

- Các báo: Thanh niên, Tuổi trẻ, Đại đoàn kết, Văn hóa, Tạp chí Du lịch TP. HCM,... ngày 14, 15/11 đưa tin:

Nguồn lực văn hóa cho 'thành phố sáng tạo'

Sáng 14.11 tại TP.HCM, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển thành phố sáng tạo của TP.HCM", thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý văn hóa.

- Báo Lao động ngày 14/11 đưa tin:

Hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên về văn hóa Óc Eo tại Việt Nam

Hội thảo khoa học "Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa Châu Á" sẽ diễn ra vào ngày 17.11 tại TP Long Xuyên. Dự kiến có khoảng 160 đại biểu đại diện lãnh đạo Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử…, cùng đại biểu quốc tế đến từ Pháp, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia tham dự.

- Báo Tiền phong ngày 14/11 đưa tin:

Nhiều châu bản qúy của triều Nguyễn sắp được công bố lần đầu

Hướng tới ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) phối hợp thực hiện đợt trưng bày "Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại". Tại đợt trưng bày, nhiều văn bản quan trọng của Châu bản triều Nguyễn lần đầu được công bố.

- Báo Tuổi trẻ ngày 14/11 đưa tin:

Ca khúc do AI sáng tác chỉ cóp nhặt, không sáng tạo, không có bản quyền âm nhạc

Đây là ý kiến của các chuyên gia chia sẻ qua tọa đàm Âm nhạc trong môi trường kỹ thuật số, nằm trong khuôn khổ Hội thảo Bản quyền âm nhạc VCPMC 2023 vào chiều tối 14-11, tại TP.HCM. Hội thảo chia sẻ những thông tin quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc, đặc biệt là trên nền tảng kỹ thuật số.

- Báo Thanh niên ngày 14/11 đưa tin:

Đề nghị công nhận 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn là bảo vật quốc gia

Ngày 14.11, ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, cho biết Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đang xem xét, dự kiến đến tháng 12.2023 sẽ có ý kiến đánh giá về 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn. Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Bộ VH-TT-DL xem xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn (thuộc quyền quản lý của Bảo tàng tỉnh Bình Định) là bảo vật quốc gia.

- VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam: Chuyên mục "Góc nhìn văn hóa" 11 giờ 05 phút hàng ngày đưa tin:

"Văn hóa các dân tộc rất ít người" là chủ đề trong Chuyên mục "Góc nhìn văn hóa" ngày 14/11 trên VTV1. Theo Chương trình, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc rất ít người là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước (Link).

-Báo Nhân Dân ngày 14/11 đưa tin:

Vĩnh Phúc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết và khánh thành các công trình Làng văn hóa kiểu mẫu

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc đang nô nức tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhân dịp này, nhiều địa phương khánh thành các Khu thiết chế văn hóa-thể thao tại các làng văn hóa kiểu mẫu và tổ chức các hoạt động đa dạng tại các khu dân cư. Khu thiết chế văn hóa-thể thao của làng văn hóa kiểu mẫu Viên Du Hòa rộng hơn 7.000m2 là một quần thể hài hòa, với nhà văn hóa quy mô 350 chỗ ngồi, được lắp đặt dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời; có sân bóng đá, sân bóng chuyền kết hợp sân cầu lông, có thể đáp ứng các hoạt động đa dạng của làng, xã. Trong quần thể Khu thiết chế văn hóa-thể thao có cả đình và chùa, có nơi trưng bày sản phẩm nông nghiệp địa phương và không gian đọc sách ngoài trời.

-TTXVN ngày 14/11 đưa tin:

Công nhận thêm hơn 30 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã kí quyết định công bố danh mục hơn 30 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đây sẽ là cơ hội để các địa phương nâng tầm giá trị di sản, giúp đồng bào có thêm động lực, "biến di sản thành tài sản", vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển sản phẩm du lịch... Trong đó có thể kể đến một số di sản như: Nghề làm nem Lai Vung (Đồng Tháp); Hát Trống quân Liêm Thuận (Hà Nam); Múa hát Lải Lèn (Hà Nam); Hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ (Quảng Ninh); Lễ hội Bổng Điền (Thái Bình); Lễ hội Mường Khô (Thanh Hóa)…

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 15/11/2023 - Ảnh 1.

Vovinam - Việt Võ Đạo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: TTXVN phát

TP Hồ Chí Minh dự kiến nhu cầu vốn ngân sách nhà nước hơn 9.600 tỷ đồng để phát triển công nghiệp văn hóa

UBND TP Hồ Chí Minh vừa phê duyệt xây dựng Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) TP Hồ Chí Minh đến năm 2030. Theo đó, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu sẽ phát triển ngành CNVH trở thành ngành kinh tế sản xuất, dịch vụ và sáng tạo quan trọng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân thành phố và xuất khẩu. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc xây dựng Đề án là rất cấp thiết, một mặt nhằm khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng phát triển một số ngành, lĩnh vực CNVH đang thực hiện và lợi thế của thành phố, mặt khác có thể phát huy lợi thế để phát triển các ngành CNVH trong thời gian tới.

Hà Nội: Lần đầu tiên tổ chức tuyến tàu hỏa 'Hành trình di sản'

Tuyến tàu "Hành trình di sản" có các toa dành riêng cho triển lãm nghệ thuật, kết nối các điểm di sản hai bên bờ sông Hồng là hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Đây cũng là lần đầu tiên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với Ban tổ chức Lễ hội tổ chức tuyến tàu đặc biệt này. Đây là tuyến tàu dành riêng cho du khách tham gia trải nghiệm Lễ hội, với hành trình đi qua 3 điểm là ga Hà Nội - ga Long Biên - ga Gia Lâm, qua cầu Long Biên lịch sử.

- Các báo: Tổ quốc, Tuổi trẻ, Người lao động, Sài Gòn Giải phóng, TTXVN,... ngày 14, 15/11 đưa tin:

Các gương điển hình tiên tiến xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần xây dựng ngành VHTTDL

Sáng 14/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cụm thi đua các thành phố trực thuộc trung ương (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị "Tổng kết công tác thi đua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023". Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá, các điển hình tiên tiến phải phát huy, đổi mới hơn nữa, luôn ghi nhớ tinh thần lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông", đặc biệt, người làm công tác văn hóa hay cán bộ văn hóa phải yêu văn hóa, hiểu văn hóa và trọng văn hóa", "bổn phận người làm văn hóa phải phát huy các di sản văn hoá, biến di sản thành tài sản, quảng bá giá trị đến bạn bè quốc tế trên nền tảng phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc."

2.Lĩnh vực Du lịch

- Báo Chính phủ, Kinh tế & Đô thị và nhiều báo khác ngày 15/11 đưa tin: Khai mạc Hội nghị "Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững" cho biết: Sáng 15/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hội nghị nhằm hỗ trợ ngành du lịch hồi phục phát triển với nhiều nội dung quan trọng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Đồng thời, du lịch là cầu nối giao lưu quốc tế thiết thực, hiệu quả, để khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến thăm, trải nghiệm, hiểu hơn, chia sẻ hơn, yêu quý hơn đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 15/11/2023 - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

-TTXVN ngày 15/11 đưa tin:

Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch

Chiều 14/11, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội thảo phát triển du lịch tỉnh Long An năm 2023, với chủ đề "Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch", nhằm đánh giá thực trạng quản lý, khai thác các di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch trên địa bàn; đề xuất các giải pháp để phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, tăng cường quảng bá, giới thiệu truyền thống văn hóa, lịch sử của tỉnh.

Ngôi làng duy nhất của Việt Nam được vinh danh Làng Du lịch tốt nhất thế giới

Sáng 14/11, tại xã Tân Hóa, huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, chính quyền và người dân địa phương tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2013 (Best Tourism Village) do Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) trao tặng. Tân Hóa là địa phương duy nhất của Việt Nam bầu chọn trong danh sách 260 làng du lịch đến từ 60 quốc gia tham dự giải, được UNWTO công nhận ngày 19/10. Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trao Bằng khen cho nhiều tổ chức, cá nhân có đóng góp trong xây dựng, phát triển Tân Hóa trở thành làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023.

Đầu tư nâng cao chất lượng 3 khu du lịch

Nhằm phát triển du lịch biển đảo, thu hút khách quốc tế, năm 2018, tỉnh Kiên Giang đã công nhận 3 khu du lịch cấp tỉnh, gồm: Quần đảo Hải Tặc (thành phố Hà Tiên), quần đảo Nam Du và khu du lịch Lại Sơn (huyện Kiên Hải). Theo Sở Du lịch Kiên Giang, sau 5 năm được công nhận, 3 khu du lịch này đã đón hơn 1,8 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, trong đó có hơn 3.000 khách quốc tế. Giám đốc Sở Du lịch Bùi Quốc Thái cho biết, với lợi thế, tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên, các khu du lịch cấp tỉnh được đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia, hồ chứa nước, đường giao thông, phương tiện vận chuyển hành khách, kết cấu hạ tầng du lịch…

-Báo điện tử VOV ngày 15/11 đưa tin:

Thúc đẩy du lịch canh nông phát triển bền vững tại Lâm Đồng

Du lịch canh nông là sản phẩm du lịch đặc thù của Đà Lạt – Lâm Đồng đang thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy du lịch canh nông phát triển, Lâm Đồng đang khẩn trương xây dựng quy chế phù hợp. Lâm Đồng là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về phát triển du lịch canh nông. Loại hình du lịch đặc thù này đã lan tỏa hình ảnh du lịch, cảnh quan và văn hóa người Đà Lạt - Lâm Đồng, thu hút một lượng lớn du khách tham quan trải nghiệm, tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập thông qua kênh bán hàng tại chỗ. Tính đến nay, diện tích phát triển du lịch canh nông của Lâm Đồng là hơn 300ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 377 tỷ đồng.

Việt Nam trở lại bảng xếp hạng là điểm đến mùa đông được người Nga yêu thích

Theo báo Nga RIA Novosti, Việt Nam đang dần trở lại bảng xếp hạng các điểm đến mùa đông được người Nga yêu thích. Trong tháng 11 này và những ngày nghỉ lễ Năm mới 2024, mặc dù vẫn chưa có các chuyến bay thẳng Việt Nam - Nga, doanh thu của các công ty lữ hành Nga đều đang tăng mạnh. Đa số khách du lịch Nga thích đến Việt Nam vào mùa đông này bởi cơ chế miễn thị thực trong 45 ngày và có thể rút tiền từ thẻ Nga tại máy ATM của ngân hàng Việt Nga VRB.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 15/11/2023 - Ảnh 2.

Nha Trang là điểm đến yêu thích của khách du lịch Nga - Ảnh: VOV

-Báo Văn Hóa ngày 15/11 đưa tin:

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa Khmer

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều ngôi chùa Khmer mang kiến trúc độc đáo, rực rỡ sắc màu, đa dạng loại hình nghệ thuật gắn liền với đời sống văn hóa và chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Khmer. Hiện nay, nhiều ngôi chùa đã và đang tạo điều kiện quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống - xã hội cho bà con, đồng thời tạo nên sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của địa phương.

Kiên Giang hướng đến mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Kiên Giang về phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, du lịch Kiên Giang có bước phát triển nhanh, trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phú Quốc được xây dựng trở thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt với vai trò là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trícao cấp, trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực vào năm 2030.

Để chợ phiên giàu bản sắc ở Vân Hồ hút du khách

Chợ phiên giàu bản sắc văn hóa truyền thống ở Vân Hồ luôn mang đến cho cho du khách những trải nghiệm thú vị về thiên nhiên, văn hóa, con người nơi đây. Do đó, việc bảo tồn, phát triển chợ phiên thành sản phẩm du lịch độc đáo, trở thành điểm đến hấp dẫn cho những người yêu mến, muốn khám phá tìm hiểu văn hóa vùng cao Tây Bắc là hướng đi mà huyện Vân Hồ đang hướng tới.

-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 15/11 đưa tin:

Đến Huế, du khách ấn tượng với show biểu diễn võ thuật cung đình

Với mong muốn quảng bá tinh hoa võ thuật cung đình Huế, võ sư Trương Quang Kim - chưởng môn của Võ Kinh Vạn An đã dành nhiều tâm huyết xây dựng thành show biểu diễn võ thuật, biến đây trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc để phục vụ du khách khi đến Huế. Nội dung của show được thiết kế bài bản với 3 chương: Truyền thống; Tái hiện và Lan tỏa. Xuyên suốt chương trình sẽ giới thiệu về võ thuật cung đình Huế. Những bài quyền được lưu truyền qua nhiều thế hệ sẽ được trình diễn một cách hấp dẫn.

Tour Đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám là nỗ lực lớn trong việc làm phong phú các sản phảm du lịch của Hà Nội

Tour Đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám "Tinh hoa Đạo học" do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đang triển khai thực hiện góp thêm một sản phẩm du lịch mới của Hà Nội, thu hút du khách. Tour đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám mang đến cho du khách những trải nghiệm mới, khác biệt so với việc tham quan di tích ban ngày. Cả không gian di tích được "biến hóa" bởi hệ thống ánh sáng và công nghệ 3D Mapping tạo nên một diện mạo mới, lung linh, huyền ảo và mang lại nhiều cảm xúc cho khách. Những công trình đặc trưng của di tích như Khuê Văn Các, Vườn Bia Tiến sỹ, giếng Thiên Quang, khu Bái đường... được khai thác hiệu quả trong việc chuyển tải những giá trị, ý nghĩa của đạo học.

-Báo Dân trí ngày 14/11 đưa tin:

Du lịch Việt cần làm gì để bứt phá, "vượt" Thái Lan, Singapore?

Du lịch được hầu hết các quốc gia xem như một lực đẩy cho sự phục hồi kinh tế và họ dồn nguồn lực đầu tư, đồng hành, thúc đẩy nó phát triển. Việt Nam không phải không nhìn thấy điều đó. Để du lịch thực sự là đòn bẩy cho nền kinh tế và có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore... theo các chuyên gia sự vào cuộc của Chính phủ và Quốc hội là đặc biệt cần thiết và quan trọng.

Du lịch Phú Quốc "than ế" như... nhà giàu than khổ

Dù được bình chọn là hòn đảo đáng đến bậc nhất Đông Nam Á, nhưng ngành du lịch Phú Quốc vẫn phải "cầu cứu" vì lượng khách nội địa giảm kỷ lục. Để du lịch đảo ngọc khởi sắc trở lại, lãnh đạo Viện nghiên cứu Du lịch xã hội cho rằng cần phải có sự chung tay của nhiều đơn vị đặc biệt là 4 mối liên kết tất yếu: Nhà đầu tư - Nhà quản lý - Nhà nông (người dân địa phương) - Nhà lữ hành.

Cũng bàn về du lịch Phú Quốc, báo Tuổi trẻ ngày 14/11 đưa tin "Phú Quốc họp bàn hút khách trở lại, tính làm gì với nạn hoa hồng quá cao, giá đắt?"

- Báo Sài Gòn Giải phóng ngày 15/11 đưa tin:

Ngành du lịch kêu cứu vì... thiếu "nhạc trưởng": Làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, điều phối

Du lịch canh nông là sản phẩm du lịch đặc thù của Đà Lạt - Lâm Đồng đang thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy du lịch canh nông phát triển, Lâm Đồng đang khẩn trương xây dựng quy chế phù hợp.

3.Lĩnh vực Thể thao

-TTXVN ngày 15/11 đưa tin:

Khai mạc Giải Cầu lông các cây vợt xuất sắc quốc gia năm 2023

Tối 14/11, tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị, Cục Thể dục, Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Liên đoàn Cầu lông Việt Nam cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị tổ chức Giải Cầu lông các cây vợt xuất sắc quốc gia năm 2023. Tham dự giải năm nay có 108 vận động viên hàng đầu của cầu lông Việt Nam, đến từ 16 tỉnh, thành phố, ngành, có phong trào cầu lông mạnh trong cả nước như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Công an nhân dân, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng, Quân Đội, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thái Bình, Thái Nguyên, Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh.

Các đội bóng tích cực chuẩn bị cho Giải bóng đá nữ Vô địch Quốc gia 2023

Diễn ra từ 16/11 đến ngày 28/12 tại các sân Thanh Trì, sân Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (Hà Nội) và Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF (Hưng Yên), Giải bóng đá nữ Vô địch Quốc gia - Cúp Thái Sơn Bắc 2023 quy tụ 8 đội bóng gồm: Hà Nội I, Hà Nội II, Phong Phú Hà Nam, TP Hồ Chí Minh I, TP Hồ Chí Minh II, Sơn La, Than Khoáng sản Việt Nam, Thái Nguyên T&T. Mùa giải năm nay được đánh giá sẽ rất hấp dẫn bởi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã quyết định tăng mức tiền thưởng cho các đội bóng tham dự giải.

-Báo Quân đội Nhân Dân ngày 15/11 đưa tin:

Những dấu ấn của V-League

Kể từ mùa giải 2021, Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam (V-League) chứng kiến nhiều thay đổi tích cực, góp phần vào sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Ở giai đoạn 2 V-League 2023, công nghệ VAR (video hỗ trợ trọng tài) chính thức xuất hiện trước sự chào đón của người hâm mộ, cầu thủ và câu lạc bộ. Trên thế giới, công nghệ VAR không còn xa lạ. Nhưng đối với V-League, VAR xuất hiện đã góp phần nâng tầm giải đấu, là một trong những sự kiện nổi bật nhất trong nhiều năm trở lại đây của bóng đá Việt Nam.

Thời cơ mới của Việt võ đạo

Việc vovinam vừa được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mang đến niềm tự hào, mở ra thời cơ mới trong phát triển, lan tỏa Việt võ đạo ra thế giới.

Hồ sơ vovinam đệ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nêu rõ: Vovinam là môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam do võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1938, tại Hà Nội. Vovinam là kết tinh của tinh thần và kỹ thuật tự vệ, chiến đấu để giữ nước, dựng nước của dân tộc Việt Nam.

Đội tuyển Việt Nam rèn thể lực, chiến thuật trước trận gặp Philippines

Sau khi đặt chân đến Philippines, đội tuyển Việt Nam đã tiến hành làm quen khí hậu, sân thi đấu, tập trung tăng cường thể lực, luyện tập các bài chiến thuật, sẵn sàng đối đầu với đội chủ nhà Philippines trong trận mở màn Vòng loại thứ hai FIFA World Cup 2026. HLV Philippe Troussier cho các học trò rèn luyện thể lực trong phòng tập gym, với các bài tập tăng cường độ dẻo dai của cơ bắp, như chạy bộ, nâng tạ… Trước đó, trong 2 tiếng làm quen sân Rizal Memorial, đội tuyển Việt Nam chú trọng luyện tập các bài phối hợp nhóm, di chuyển nhiều, tốc độ cao, chuyền bóng ngắn, liên tục, nhằm giữ quyền kiểm soát bóng, kéo giãn đội hình đối phương. Sau thời gian đầu gặp khó khăn khi tiếp cận triết lý của HLV Philippe Troussier, đến nay, đội đã ngày càng nhuần nhuyễn, gắn kết hơn.

-Báo Người Lao Động ngày 15/11 đưa tin:

Vòng loại World Cup 2026: Chờ tuyển thủ trẻ Việt Nam thể hiện đẳng cấp

Trong nhóm tuyển thủ U23 được triệu tập lên tuyển Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á, tài năng 19 tuổi Nguyễn Đình Bắc được kỳ vọng sẽ tỏa sáng và có suất trong đội hình xuất phát. HLV Troussier luôn nhấn mạnh rằng tất cả các cầu thủ có mặt tại đội tuyển đều là những người được lựa chọn. Sự lựa chọn đó không phải là cảm tính mà dựa vào năng lực và thế mạnh riêng của từng cầu thủ. Đó cũng chính là lý do Đình Bắc và một số cầu thủ trẻ xuất sắc khác như Tuấn Tài, Văn Khang, Văn Toản, Thái Sơn… nhiều lần được trao cơ hội.

Trận ra quân vòng loại World Cup của tuyển Việt Nam được phát trên kênh nào?

Các nhà đài tại Việt Nam vẫn chưa thể sở hữu quyền phát sóng trực tiếp trận đấu giữa tuyển Việt Nam và chủ nhà Philippines trong khuôn khổ vòng 1 bảng F vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á vào ngày 16-11. Lý do là bản quyền phát sóng các trận đấu của tuyển Việt Nam trên sân đối phương phụ thuộc vào nước chủ nhà. Do đó, ở trận ra quân vòng loại World Cup 2026 của tuyển Việt Nam, các đài truyền hình tại Việt Nam muốn mua bản quyền phát sóng thì cần phải đàm phán với đơn vị truyền thông được LĐBĐ Philippines ủy nhiệm.

Futsal HDBank Cúp quốc gia 2023: Xác định 4 đội mạnh nhất vào bán kết

Khép lại vòng bảng trong chiều tối qua (14-11), Sahako và Thái Sơn Bắc là hai đội bóng cuối cùng góp mặt ở bán kết Giải Futsal HDBank Cúp Quốc gia 2023. Với hai đại diện còn lại, Thái Sơn Nam và Cao Bằng ở bảng A sớm giành quyền đi tiếp khi thi đấu sớm hơn 1 ngày. Tại giải đấu năm nay, Thái Sơn Nam và Cao Bằng đã sớm giành quyền đi tiếp ở lượt cuối bảng A ngày 13-11. Trong đó, Thái Sơn Nam giành ngôi nhất bảng A với 3 trận toàn thắng ghi 14 bàn. Với Cao Bằng, họ không được đánh giá cao bằng Sanvinest Khánh Hòa nhưng tài cầm quân của cựu HLV tuyển futsal Việt Nam Phạm Minh Giang đã tạo nên bất ngờ ở ngôi nhì bảng.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 15/11/2023 - Ảnh 4.

Sahako (áo xanh) sẽ đối đầu với Thái Sơn Nam ở bán kết - Ảnh: Báo Văn Hóa

-Báo Văn Hóa ngày 15/11 đưa tin:

Quyết liệt hành động để thể thao Việt Nam vươn xa: Muốn có trò hay thì phải có thầy giỏi

Sau chiếc huy chương vàng tại đấu trường Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vào năm 2016 và gần đây nhất là sau kết quả thi đấu của thể thao Việt Nam tại Asian Games 19, câu hỏi luôn đau đáu với ngành Thể thao là làm sao để chúng ta có thể nâng cao thành tích, tiếp cận gần hơn tới đấu trường lớn nhất thế giới và châu lục, lại trở nên cấp thiết. Và để trả lời câu hỏi đó, một Hội nghị "Diên Hồng" bàn về các giải pháp phát triển thể thao thành tích cao với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 24/11. Đây là Hội nghị được tổ chức theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đẩy mạnh công tác thể dục theo tinh thần NQ 08 của Bộ Chính trị. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo Bộ VHTTDL, thể thao nước nhà tự tin vươn ra biển lớn trong thời gian tới.

Tuyển Việt Nam cần bao nhiêu điểm để đi tiếp tại vòng loại World Cup 2026?

Tuyển Việt Nam đặt mục tiêu vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á. Muốn vậy, thầy trò ông Troussier cần giành ít nhất từ 12 điểm trở lên. Với 3 trận đá sân khách, trận đấu gặp tuyển Philippines hôm 16/11 mang đến cơ hội cho thầy trò Troussier giành trọn 3 điểm. Bởi trong 6 lần gặp The Azkals gần đây nhất, tuyển Việt Nam thắng đến 5. Nếu giành 3 điểm tại sân Rizal Memorial, tuyển Việt Nam sẽ có khởi đầu suôn sẻ, qua đó tự tin hoàn thành mục tiêu vượt qua vòng loại World Cup 2026.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 15/11 đưa tin:

Gia đình Việt Nam tiếp tục đối mặt trước nhiều khó khăn, thách thức mới

Tại hội thảo Hội thảo khoa học quốc gia "Biến đổi gia đình và giới trong những thập niên đầu thế kỷ 21" được tổ chức tại Hà Nội ngày 14/11/2023, hàng chục nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, nhà quản lý trên cả nước đã cùng nhau đưa ra các luận cứ, luận chứng khoa học nhằm nhận diện những biến đổi của gia đình và giới ở Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ 21, cũng như những vấn đề đặt ra trong xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

-Báo Hà Nội mới ngày 14/11 đưa tin:

700 tỷ đồng hỗ trợ người khó khăn dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, các cấp Hội Chữ thập đỏ phấn đấu hỗ trợ ít nhất 1,2 triệu suất quà chăm lo người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương với tổng giá trị hoạt động đạt 700 tỷ đồng. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, phong trào "Tết nhân ái" năm 2024 được cấp hội tổ chức từ ngày 20-1 đến ngày 4-2-2024 (từ ngày 10-12 đến ngày 27-12 năm Quý Mão 2023), tập trung cao điểm từ ngày 25-1 đến ngày 3-2-2024 (từ ngày 15-12 đến ngày 24-12 Âm lịch). Phong trào được tổ chức trên quy mô rộng, nhằm huy động, kết nối sự tham gia, đóng góp của cộng đồng để tổ chức các mô hình "Hội chợ - Tặng quà - Vui Tết", góp phần giúp những hoàn cảnh khó khăn đón tết, vui xuân trong không khí ấm áp. Thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa, dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, toàn Hội phấn đấu hỗ trợ ít nhất 1,2 triệu suất quà chăm lo người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương với tổng giá trị hoạt động đạt 700 tỷ đồng.

Ban Biên tập

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×