Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 10/8/2021

10/08/2021 | 15:04

Liên hoan phim toàn quốc về An toàn giao thông năm 2021; Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam có 15 thành viên tham dự Paralympic Tokyo 2020; Sẽ tổ chức trực tuyến chương trình du lịch "Qua những miền di sản ruộng bậc thang" Hoàng Su Phì là thông tin đáng chú ý trên báo ngày hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- Báo Văn hóa ngày 10/8 đưa tin:

Đầu tư cho sự nghiệp văn hóa ở địa phương còn thấp

Chỉ tiêu đầu tư cho văn hóa không chỉ phản ánh chỉ số phát triển văn hóa mà còn nêu bật thực trạng thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa. Vì vậy xem xét mức đầu tư cho văn hóa là minh chứng quan trọng. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho con người ở các địa phương. Khảo sát và dựa vào niên giám thống kê ở một số tỉnh từ năm 2015 - 2020 đều nhận thấy tình trạng chung là đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn rất thấp. 10 năm sau Kết luận số 30 - KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, chưa một tỉnh nào đạt mức đầu tư 1,8% tổng chi ngân sách địa phương cho văn hóa. Thủ đô Hà Nội - Trung tâm văn hóa của cả nước nhưng trong 5 năm từ 2015 - 2020, mức chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin chưa bao giờ đạt 0,8% tổng chi ngân sách địa phương.

Tranh cổ động, kịch tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19

Triển khai yêu cầu của Bộ VHTTDL về việc tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, các Trung tâm VHTT, Trung tâm VHNT, Trung tâm Văn hóa Điện ảnh thuộc các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai các hoạt động tuyên truyền cổ động bằng nhiều hình thức đa dạng để chuyển tải đến người dân những thông điệp về phòng, chống dịch Covid-19.

- Báo Người Lao động ngày 10/8 đưa tin:

Nhà hát online cần đa dạng và hấp dẫn hơn

Việc xây dựng và triển khai mô hình nhà hát online được xem là hướng đi phù hợp để tiếp nối dòng chảy biểu diễn nghệ thuật trong đại dịch. Hiệu ứng từ chương trình nghệ thuật trực tuyến "Cháy lên" do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với các đơn vị nghệ thuật công lập tổ chức (thu hút gần 50.000 lượt khán giả theo dõi cùng hàng trăm ngàn lượt người xem trên trang cá nhân của nhiều nghệ sĩ) cho thấy chương trình nhà hát online thật sự đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong đợt giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.

Dàn sao Việt "tiếp sức" khu cách ly, bệnh viện dã chiến

Tối 9-8, dàn sao Việt đến khu cách ly, bệnh viện dã chiến ở TP Thủ Đức, TP HCM để tham gia biểu diễn văn nghệ phục vụ khán giả. Đây là một trong các hoạt động nghệ thuật do Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM yêu cầu các đơn vị nghệ thuật trực thuộc phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan triển khai thực hiện trong thời gian qua. Cụ thể: Tổ chức cuộc vận động sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật đề tài phòng chống dịch Covid-19 với chủ đề "Chung một niềm tin chiến thắng"; xây dựng các kịch bản, tiểu phẩm để ghi hình tuyên truyền về vai trò, ý thức, trách nhiệm của người dân khi thực hiện cách ly tại nhà…

-Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 9/8 đưa tin:

Dự án điện ảnh của Việt Nam tham dự LHP Busan

Theo thông tin từ BTC của Thị trường Dự án Châu Á (APM) lần thứ 24, "Memeto Mori: Nước" là một trong hai dự án phim truyện Việt Nam vừa được chọn lựa giới thiệu đến các nhà đầu tư, sản xuất, quỹ hỗ trợ, phát hành trong khuôn khổ của LHPquốc tế Busan vào đầu tháng 10 tới. Theo kế hoạch, APM Busan năm nay sẽ diễn ra từ 12 đến 14/10/2021 với 26 dự án phim nghệ thuật (art-house) tiềm năng từ 15 quốc gia được chọn lựa giới thiệu từ 429 đăng ký. APM được đánh giá là bộ lọc tốt nhất hiện có cho các dự án phim nghệ thuật đến từ Châu Á.

Hà Nội ban hành chương trình phát triển văn hoá

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025". Theo đó, kế hoạch gồm 3 nhóm nhiệm vụ: Phát triển văn hóa từ xây dựng môi trường văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật, bảo vệ di sản, phát triển du lịch...; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa...

Gỡ khó cho nghệ sĩ bị ảnh hưởng dịch Covid-19

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa ban hành Quyết định về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ VHTTDL. Đây là thủ tục hành chính cấp tỉnh hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

-Báo Nhân Dân ngày 9/8 đưa tin: "Khám phá "khí tài đặc biệt" của Đội quân văn hóa tại Army Games 2021" cho biết: Sang Liên bang Nga tham gia tranh tài trong khuôn khổ Army Games 2021, đội tuyển "Đội quân văn hóa" của đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam mang theo nhiều "khí tài" đặc biệt. Đó chính là những nhạc cụ dân tộc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam như đàn đá, đàn T'Rưng, sáo trúc...

- Báo Hà Nội mới ngày 10/8 đưa tin: "Phát triển công nghiệp văn hóa: Khơi nguồn cho những dòng chảy: Mạnh mẽ tinh thần Thăng Long - Hà Nội" cho biết: Việc Thành ủy Hà Nội xây dựng Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là một bước triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phát triển văn hóa trong thời đại kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế, hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội về lĩnh vực phát triển văn hóa, con người Hà Nội. Công nghiệp văn hóa Thủ đô sẽ hòa vào dòng chảy bất tận, mạnh mẽ của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, hội tụ - kết tinh - lan tỏa những giá trị thời đại.

- Báo Nhân Dân, báo điện tử Chính Phủ, báo Đại Đoàn Kết và nhiều báo khác ngày 10/8 đưa tin: "Liên hoan phim toàn quốc về An toàn giao thông năm 2021" cho biết: Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ đã ban hành Quyết định số 2264/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Liên hoan phim toàn quốc về An toàn giao thông năm 2021. Quyết định nêu rõ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Liên hoan phim toàn quốc về An toàn giao thông năm 2021 với chủ đề "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông" từ ngày 16/8 đến ngày 16/10/2021 trên phạm vi toàn quốc.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 10/8/2021 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Nguồn: báo Chính Phủ

2.Lĩnh vực Du lịch

- Báo Văn hóa ngày 10/8 đưa tin:

Sẽ tổ chức trực tuyến chương trình du lịch "Qua những miền di sản ruộng bậc thang" Hoàng Su Phì

Trước tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp, Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang đã đồng ý tổ chức sự kiện Chương trình du lịch "Qua những miền di sản ruộng bậc thang" Hoàng Su Phì lần thứ VI bằng hình thức trực tuyến. Theo đó, tỉnh Hà Giang sẽ phối hợp với Tập đoàn FPT tổ chức Chương trình du lịch "Qua những miền di sản ruộng bậc thang" Hoàng Su Phì lần thứ VI năm 2021 theo hình thức trực tuyến trên nền tảng số của FPT nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Hà Giang, đồng thời xúc tiến thương mại các sản phẩm đặc thù của tỉnh.

Khảo sát để chuẩn bị cho thị trường du lịch tại chỗ

Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết từ ngày 20.6 đến ngày 10.7 đơn vị đã tiến hành khảo sát ý kiến nhu cầu của người dân về du lịch tại chỗ sau khi dịch bệnh được khống chế. Bằng phương pháp khảo sát trực tuyến và trực tiếp, đơn vị khảo sát đã thu về 3.061 bảng trả lời đầy đủ các yêu cầu, trong đó khoảng 60,4% là nữ giới và 39,6% là nam giới tham gia. Trong cách tiếp cận nguồn thông tin có 87,7% tiếp cận qua các trang mạng xã hội; 59,1% từ bạn bè, người thân đồng nghiệp; 36,9% và 22,2% là tiếp cận qua truyền hình và báo chí. Kết quả cho thấy:Về nhu cầu du lịch tại chỗ của người dân, có 86,7% có nhu cầu đi du lịch tại chỗ sau khi dịch bệnh được khống chế; 6,7% tâm lý lo ngại dịch bệnh hoặc lý do tài chính sẽ không đi và 6,6% lựa chọn đi du lịch tại địa phương khác.

Chuyển đổi số để phát triển du lịch, xu hướng không thể đảo ngược

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực trong xã hội, nhất là trong thời buổi dịch Covid-19 đang lan rộng ở nhiều nơi trên thế giới. Với ngành Du lịch, việc chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, du lịch số dường như là một yếu tố mang tính sống còn. Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó giám đốc điều hành Trung tâm thông tin du lịch Tổng cục Du lịch cho biết: "Nhận thức rõ về xu hướng tất yếu và không thể đảo ngược của chuyển đổi số, trong thời gian qua, Trung tâm Thông tin du lịch đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và xúc tiến quảng bá du lịch. Chúng tôi đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch, đến nay đã hình thành cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch và hệ thống dữ liệu thống kê du lịch".

Kiên Giang: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với du lịch

Tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch". Dự án gồm: Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của người Hoa ở Kiên Giang. Thời gian thực hiện từ năm 2022 – năm 2025. Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nội dung đầu tư là hỗ trợ đầu tư xây dựng Trung tâm biểu diễn văn hóa nghệ thuật Khmer tại di tích thắng cảnh Mũi Nai. Số lượng đầu tư là 01 Nhà biểu diễn văn hóa nghệ thuật có diện tích 40x60m2, xây dựng nhà vệ sinh, tăng cường trang thiết bị biểu diễn nghệ thuật, thiết bị phòng sinh hoạt cộng đồng, chỉnh trang cảnh quan đường, bãi đỗ xe...Thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025.

Hãy cùng khám phá 3 điểm đến hấp dẫn của Xứ Thanh khi hết dịch

Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Pù Luông, biển Sầm Sơn… là những điểm đến hứa hẹn giúp bạn khởi động lại những chuyến đi thú vị, sau khi dịch bệnh Covid-19 bị đẩy lùi. Đến đây các bạn sẽ được nhìn ngắm những thửa ruộng bậc thang xanh mướt rồi ngả vàng rực rỡ khi lúa chín của Pù Luông, khám phá những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới tại Di sản Thanh Nhà Hồ hoặc hòa mình vào biển xanh, cát trắng tại Tp du lịch biển Sầm Sơn. Ngay từ bây giờ, các bạn hãy tận dụng quãng thời gian ở nhà chống dịch để tìm hiểu, lên sẵn lịch trình và chờ dịch bệnh Covid-19 bị đẩy lùi, để thực hiện những chuyến đi này bạn nhé!

- Báo Hà Nội mới ngày 10/8 đưa tin: " Du lịch Hà Nội – chuyển động mới từ Covid" cho biết: Đã hơn 1 năm rưỡi kể từ khi Covid-19 xâm nhập vào nước ta, kéo theo những cơn "sóng thần" đốn gục nhiều ngành sản xuất, dịch vụ, trong đó, du lịch đứng ở tâm xoáy. Có lẽ không ai có thể hình dung, Hà Nội - một trong hai thị trường du lịch lớn nhất cả nước, một thành phố sôi động cả ngày lẫn đêm, một thành phố đi đâu cũng bắt gặp du khách cả trong và ngoài nước trên đường phố - trong năm đầu Covid-19 bùng phát đã mất đi 70% lượng du khách và 5 tháng qua, chưa đạt con số 3 triệu lượt người. Khu phố Tạ Hiện - một trong những điểm đến có thể được coi là "hàn thử biểu" giúp quan sát tương đối rõ tính sôi động của du lịch Thủ đô suốt hơn chục tháng dài im ắng lạ thường…

-Báo Nhân Dân ngày 10/8 đưa tin:

Yêu cầu khẩn trương triển khai hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Ngày 9/8, Tổng cục Du lịch ban hành Công văn số 1066/TCDL-LH gửi cơ quan quản lý du lịch các địa phương yêu cầu khẩn trương triển khai hoạt động hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Công văn số 1066/TCDL-LH nêu rõ: Triển khai thực hiện Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/ 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 2584/BVHTTDL-KHTC ngày 22/7/2021 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 2222/QĐ-BVHTTDL ngày 2/ 8/2021 công bố thủ tục hành chính hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Canada mở lại biên giới với du khách đã tiêm chủng đầy đủ từ Mỹ

Từ ngày 9/8 (giờ địa phương), Canada đã mở lại đường biên giới với các du khách đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 từ Mỹ sau hơn 16 tháng ngừng tất cả các hoạt động đi lại không thiết yếu nhằm kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19. Canada đã đóng cửa đường biên giới trên bộ với Mỹ đối với các hoạt động đi lại không thiết yếu (gồm du lịch, mua sắm,..) từ ngày 20/3/2020 nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Theo quyết định mới nhất, chính phủ Canada quyết định dỡ bỏ các yêu cầu về kiểm dịch đối với công dân Mỹ và người thường trú tại Mỹ có chứng nhận đã tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 từ ngày 9/8.

Sáng kiến giúp Nepal giải quyết tình trạng lao động du lịch mất việc vì Covid-19

Vệ sinh, bảo trì các điểm du lịch trong thời gian vắng khách vì đại dịch là những công việc mà nhà chức trách Nepal đang tạo ra cho lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm vì đại dịch Covid-19. Vốn được mệnh danh là thiên đường của người đi bộ đường trường, được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan đa dạng, những ngọn núi phủ tuyết trắng hùng vĩ, những khu rừng tự nhiên xanh tươi, văn hóa bản địa độc đáo, Nepal luôn là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất thế giới.

- Báo điện tử VOV ngày 9/8 đưa tin:

Ngành ẩm thực miền Trung "bắt tay" vượt qua khó khăn

Chuỗi sự kiện "Du lịch văn hóa ẩm thực – con đường di sản miền Trung" hướng đến thúc đẩy liên kết "bốn nhà" giữa cơ quan nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà nông và nhà kinh doanh, qua đó phối hợp, đổi mới hoạt động cùng vượt qua khó khăn. Chuỗi sự kiện "Văn hóa ẩm thực - con đường di sản miền Trung" diễn ra từ tháng 7 đến tháng 12/2021, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành ẩm thực tại miền Trung. Sau chương trình đầu tiên diễn ra ngày 17/7, chương trình thứ 2 với chủ đề "Giá trị thực dụng - nền văn hóa ẩm thực miền Trung" sẽ diễn ra trực tuyến vào ngày 14/8 tới.

Ai Cập vui mừng đón du khách Nga trở lại

Thành phố Sharm el-Sheikh và Hurghada của Ai Cập đón những chuyến bay đầu tiên từ Nga sau gần 6 năm, mang theo hi vọng phục hồi ngành du lịch đã thiệt hại nặng nề vì Covid-19. Việc Nga nối lại các chuyến bay tới các thành phố nghỉ dưỡng ven biển Đỏ như Sharm el-Sheikh và Hurghada tại Ai Cập là tin vui với ngành du lịch địa phương. Trước khi có lệnh cấm bay vào năm 2015, thị trường Nga là nguồn khách quan trọng của các khu nghỉ dưỡng ven biển Đỏ.

-Báo điện tử Dân Trí ngày 10/8 đưa tin:

Vị thế thăng hạng đem lại lợi thế gì cho du lịch Việt Nam?

Vị thế thăng hạng này sẽ đem đến những lợi thế nào cho du lịch Việt Nam, đặc biệt là ở giai đoạn hậu Covid-19?. Năm 2014, lần đầu tiên một khu nghỉ dưỡng của Việt Nam - InterContinental Danang Sun Peninsula Resort giành chiến thắng với danh hiệu "Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới" tại Oscar của ngành du lịch toàn cầu- Giải thưởng World Travel Awards- WTA. Sự kiện này khiến thế giới kinh ngạc, bởi thời điểm đó, du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam gần như vô danh trên bản đồ thế giới.

Bình Định: Có một vùng sông nước "miền Tây" trong lòng đầm Thị Nại

Nếu những khu rừng ngập mặn trở thành "đặc sản" du lịch vùng sông nước miền Tây, thì vùng ven đầm Thị Nại (Bình Định) đang dần hình thành các khu rừng ngập mặn có tính đa dạng sinh học rất cao. Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Bình Định triển khai trồng, chăm sóc và bảo vệ diện tích hơn 88 ha rừng ngập mặn tại khu vực bãi bồi của đầm Thị Nại và đầm Đề Gi (huyện Phù Cát, Phù Mỹ) với những loài cây chủ yếu như: cây bần, đưng (miền Tây gọi là cây đước), cây mắm…

-Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 9/8 đưa tin: "Lưu giữ văn hóa dân tộc Giáy" cho biết: Nhằm lưu giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc Giáy, đồng thời giới thiệu, quảng bá cảnh sắc thiên nhiên, đặc sản địa phương tới du khách, Vũ Thị Ngọc Hướng (sinh viên năm cuối Khoa Quốc tế học, Đại học Hà Nội) đã lập kênh YouTube "Hướng Giáy Sa Pa" từ giữa năm 2019. Những video sinh động của Hướng đều thu hút hàng nghìn lượt xem, lan tỏa văn hóa dân tộc Giáy tới mọi miền.

- Báo Vietnamplus ngày 10/8 đưa tin: "Vì sao Việt Nam lọt top 10 quốc gia thân thiện nhất thế giới?" cho biết: Vừa qua, 180 quốc gia đã tham gia cuộc khảo sát của trang www.worldpopulationreview.com và Việt Nam được bình chọn đứng thứ 9 trong top 10 quốc gia thân thiện nhất trên thế giới năm 2021. Các chuyên gia cho rằng kết quả xếp hạng này sẽ trở thành một trong những yếu tố thuận lợi để khách du lịch 5 châu lựa chọn Việt Nam cho chuyến trải nghiệm hậu COVID-19, trở lại một cách bùng nổ bù đắp cho quãng thời gian bị đại dịch "bó chân" gần hai năm qua.

3.Lĩnh vực Thể thao

-TTXVN ngày 10/8 đưa tin:

Rèn luyện thể thao nâng cao đề kháng chống lại COVID - 19

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố lớn, nhu cầu tập luyện thể dục thể thao nhằm rèn luyện sức khỏe, tăng đề kháng cơ thể lại cần thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, với sự lây lan mạnh mẽ của dịch bệnh, Chính phủ, các bộ, ngành đưa ra khuyến cáo người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết; điều đó đồng nghĩa với việc người dân không được ra ngoài tập thể dục để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Tuyển Việt Nam khí thế chờ HLV Park Hang-seo

Đội tuyển Việt Nam bắt đầu chương trình tập huấn chuẩn bị cho vòng loại cuối World Cup 2022 theo nguyên tắc "bong bóng khép kín", chỉ di chuyển từ địa điểm tập trung tới sân tập và ngược lại, đồng thời chỉ tiếp xúc và giao tiếp với những người thực hiện nhiệm vụ liên quan đến hoạt động của đội tuyển. Trong bối cảnh dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, việc đảm bảo đội tuyển được tập trung theo đúng kế hoạch là nỗ lực rất lớn của VFF, đặc biệt là sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan quản lý nhà nước.

Đội tuyển Việt Nam tự tin trước vòng loại cuối cùng FIFA World Cup 2022

Theo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), do quỹ thời gian hạn chế và tính chất đặc thù của hoạt động thể thao, được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, đội tuyển bắt đầu chương trình tập huấn từ ngày 5/8 theo nguyên tắc "Bong bóng khép kín", chỉ di chuyển từ địa điểm tập trung tới sân tập và ngược lại, đồng thời chỉ tiếp xúc và giao tiếp với những người thực hiện nhiệm vụ liên quan đến hoạt động của đội tuyển đã được VFF xác nhận.

-Báo Hà Nội mới ngày 10/8 đưa tin: "Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam có 15 thành viên tham dự Paralympic Tokyo 2020" cho biết: Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam sẽ tham dự Paralympic Tokyo 2020 với 15 thành viên, trong đó có 7 vận động viên tranh tài ở 3 môn cử tạ, bơi, điền kinh. Đoàn do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Nguyễn Hồng Minh làm Trưởng đoàn. Các vận động viên tham gia tranh tài tại Paralympic Tokyo 2020 gồm: Châu Hoàng Tuyết Loan, Lê Văn Công (cử tạ); Võ Thanh Tùng, Trịnh Thị Bích Như, Đỗ Thanh Hải (bơi); Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải (điền kinh).

- Báo Người Lao động ngày 10/8 đưa tin: "Sân Mỹ Đình sẵn sàng lắp VAR" cho biết: Còn 1 tháng nữa, người hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ có dịp được trải nghiệm công nghệ VAR trên sân Mỹ Đình, khi đội tuyển Việt Nam tiếp đón đội tuyển Úc ở lượt trận thứ 2 bảng B vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á. Theo đại diện LĐBĐ Việt Nam, hệ thống VAR do LĐBĐ châu Á (AFC) cung cấp sẽ có chuyên gia được mời sang để lắp đặt cũng như bảo trì trong thời gian tổ chức 5 trận đấu của tuyển Việt Nam trên sân nhà. Hệ thống VAR sẽ được tiến hành lắp đặt vào cuối tháng 8 và chạy thử để bảo đảm hoạt động tốt khi tuyển Việt Nam đá trận đầu tiên trên sân nhà gặp Úc.

-Báo điện tử Dân Trí ngày 10/8 đưa tin:

VFF muốn gia hạn hợp đồng với HLV Park Hang Seo

Thông tin từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam cho hay, VFF sẽ đàm phán gia hạn hợp đồng với HLV Park Hang Seo thêm ít nhất một năm nữa. Hợp đồng hiện tại giữa HLV Park Hang Seo với đội tuyển Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 31/1/2022. Có nghĩa là sau thời gian nói trên, nếu đôi bên không gia hạn hợp đồng, ông Park sẽ không tham gia các trận đấu vòng loại World Cup của đội tuyển Việt Nam, từ tháng 2/2022 trở về sau.

Đội tuyển Việt Nam có khả năng đấu Trung Quốc trên sân UAE

Diễn biến dịch Covid-19 phức tạp buộc Trung Quốc phải tính đến phương án chọn UAE làm sân trung lập ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á. Hiện tại, Thượng Hải và Tô Châu là hai địa điểm được Liên đoàn bóng đá Trung Quốc xem xét là nơi tổ chức các trận đấu trên sân nhà tại vòng loại cuối World Cup 2022. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại những địa phương này đang ngày một phức tạp, buộc phía Liên đoàn bóng đá Trung Quốc phải tính đến phương án dự phòng.

Quyết định của HLV Kiatisuk ảnh hưởng đến toàn bộ bóng đá Đông Nam Á

Việc Kiatisuk từ chối dẫn dắt tuyển Thái Lan không chỉ ảnh hưởng đến riêng đội bóng này, mà còn ảnh hưởng đến bóng đá Đông Nam Á nói chung. Báo chí Malaysia cũng quan tâm đến thông tin này. Không lâu sau khi Kiatisuk chính thức tuyên bố không theo đuổi việc trở lại dẫn dắt đội tuyển Thái Lan, trang Vocket FC của Malaysia chạy tít như reo vui: "Kiatisuk Senamuang bác bỏ tin đồn rằng anh ấy sẽ trở lại dẫn dắt đội tuyển Thái Lan".

Trung Quốc mất trụ cột quan trọng ở cuộc đấu với tuyển Việt Nam

Hậu vệ Tang Miao sẽ phải lên bàn mổ vào ngày 10/8, sau đó nghỉ thi đấu dài hạn, lỡ hẹn với hai trận gặp đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Hậu vệ Tang Miao hiện đang là đội trưởng CLB Quảng Châu, là trụ cột quan trọng của đội tuyển Trung Quốc dưới thời HLV Li Tie. Tang Miao luôn giữ suất đá chính ở bên hành lang phải đội tuyển Trung Quốc ở vòng loại thứ hai World Cup 2022.

Nhật Bản dùng đội hình dự Olympic Tokyo để đấu đội tuyển Việt Nam

Truyền thông Nhật Bản cho hay, thành phần của đội tuyển quốc gia nước này dự vòng loại World Cup sẽ dựa trên thành phần vừa tham dự Olympic 2020, mà dẫn đầu là HLV Moriyasu. Cho dù đội tuyển Olympic Nhật Bản không hoàn thành mục tiêu giành huy chương tại Olympic Tokyo 2020, và đây đã là giải đấu lớn thứ hai liên tiếp các đội tuyển Nhật Bản không hoàn thành chỉ tiêu (lần trước là thua Qatar trong trận chung kết Asian Cup 2019), nhưng HLV Moriyasu của đội tuyển Nhật Bản vẫn nhận được niềm tin.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 10/8 đưa tin: "Vận động mọi sự ủng hộ về kinh phí, vật tư y tế, hàng thiết yếu cho phụ nữ, trẻ em, người dân vùng dịch" cho biết: Sáng 10/8, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đã chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo Hội LHPN các tỉnh duyên hải miền Trung & Tây Nguyên và TP Đà Nẵng để nắm bắt tình hình phòng chống dịch Covid-19 trong các cấp Hội. Chủ tịch đề nghị cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện phương châm vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh nhưng không làm gián đoạn chuỗi sản xuất ở địa phương; Phát huy tinh thần "tương thân tương ái" hỗ trợ các địa phương, nhất là các tỉnh/thành ở vùng dịch phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Long An… Vận động mọi sự ủng hộ về kinh phí, vật tư y tế, hàng thiết yếu cho phụ nữ, trẻ em, người dân vùng dịch; Nhân rộng các mô hình tổ đội nhóm phụ nữ hỗ trợ lực lượng phòng chống dịch, tuyên truyền để người dân thực hiện tốt hơn 5K+, không để cán bộ, hội viên, phụ nữ nào thiếu ăn thiếu mặc, thiếu những điều kiện vệ sinh tối thiểu. Thay mặt lãnh đạo TƯ Hội, Chủ tịch Hà Thị Nga cũng tiếp thu một số đề xuất kiến nghị của các tỉnh/thành Hội về công tác phòng chống dịch bệnh, tiếp tục nghiên cứu để có chỉ đạo cụ thể, linh hoạt, kịp thời để cùng tháo gỡ khó khăn trước mắt.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×