Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 5/8/2021

05/08/2021 | 15:44

Tuyên truyền phòng chống Covid-19 mạnh hơn nữa trong các lĩnh vực văn hóa; Đội tuyển nữ quốc gia hủy tập huấn tại Quảng Ninh vì dịch Covid-19; Nhu cầu du lịch trong nước sụt giảm mạnh là thông tin đáng chú ý trên báo ngày hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

-TTXVN ngày 5/8 đưa tin:

Sân khấu kịch truyền hình 'hút khán giả' trong mùa COVID-19

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều người thường xuyên ở nhà, vì thế các kênh giải trí trực tuyến, chương trình truyền hình là lựa chọn tối ưu. Nắm bắt cơ hội đó, nhiều văn, nghệ sỹ tại TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực tìm kiếm hình thức thể hiện mới, xây dựng các chương trình sân khấu truyền hình đặc sắc, mới mẻ nhằm phục vụ nhu cầu của khán giả. Trong đó, hai chuyên đề kịch đang thu hút người xem hiện nay là "Siêu thị cười" và "Chuyện bốn mùa" đã mang lại những thông điệp bổ ích, có giá trị và tính thời sự rõ rệt.

Giới thiệu bộ tranh tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19

Tổ chức triển lãm tranh cổ động tấm lớn về đề tài phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại một số địa phương; phát hành mẫu tranh cổ động về đề tài phòng, chống dịch bệnh COVID-19 gửi về các địa phương phục vụ công tác tuyên truyền tại cơ sở là một số hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và sẽ thực hiện để đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.

Tạm dừng tổ chức một số hoạt động văn hóa để phòng, chống COVID-19

Do tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi một số tỉnh, thành phố về việc tạm dừng tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại Bình Định và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ VII tại tỉnh Sơn La, để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Báo Hà Nội mới ngày 5/8 đưa tin:

Phát triển công nghiệp văn hóa: Khơi nguồn cho những dòng chảy

Văn hóa là dòng chảy bất tận của Thăng Long - Hà Nội và công nghiệp văn hóa là một thực thể trong dòng chảy ấy. Việc Thành ủy Hà Nội lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để khơi thông dòng chảy công nghiệp văn hóa, góp phần giúp Thủ đô phát triển nhanh, bền vững. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài "Phát triển công nghiệp văn hóa: Khơi nguồn cho những dòng chảy".

- Báo Văn hóa ngày 5/8 đưa tin:

Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025

Bộ VHTTDL đã ra Quyết định số 2223/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" của Bộ giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch nhằm xác định các nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong giai đoạn 2021-2025. Từ đó, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động phát triển văn hóa đọc nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong Đề án, đưa văn hóa đọc lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Chuẩn hóa về quy trình cung cấp dịch vụ tổ chức cuộc thi, liên hoan nghệ thuật

Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định số 2201/QĐ-BVHTTDL và Quyết định số 2202/QĐ-BVHTTDL quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế - kỹ thuật tổ chức cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, truyền thống, tiêu biểu, đặc thù; Quy định tổ chức chương trình nghệ thuật phục vụ kỷ niệm những ngày lễ lớn, ngày sinh của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, năm mất của các danh nhân đã được Đảng, Nhà nước công nhận, phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại ở trong nước và quốc tế sử dụng ngân sách nhà nước.

Xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Nới lỏng nhưng không "tăng lượng, giảm chất"

Mùa đầu tiên áp dụng Nghị định mới về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã khởi động và mang đến nhiều cảm xúc đối với những nghệ sĩ được "nhắc tên". Với nhiều quy định "nới lỏng", lần xét tặng này được kỳ vọng sẽ tôn vinh đúng, trúng và không bỏ sót những tài năng xuất sắc, những cá nhân xứng đáng, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa sẽ là "tăng lượng, giảm chất" danh hiệu như dư luận đang băn khoăn.

Đẩy mạnh các cuộc thi sáng tác chủ đề phòng, chống dịch Covid-19

Hai năm qua, Việt Nam cùng thế giới bị ảnh hưởng ngày càng sâu rộng bởi dịch Covid-19, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp hơn bao giờ hết. Xác định mặt trận này còn kéo dài, bên cạnh công tác chống dịch ngày càng quyết liệt của lực lượng y tế và các ban ngành, lĩnh vực liên quan, có thể khẳng định, sự xuất hiện của những sản phẩm nghệ thuật là liều thuốc cổ vũ mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống Covid-19. Với ý nghĩa này, nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác hướng đến chủ đề Covid-19 đã được phát động.

-Báo Nhân Dân ngày 4/8 đưa tin: "Mang bản sắc văn hóa Việt Nam tới Army Games 2021" cho biết: Khác với hội thao năm ngoái, Army Games 2021 lần đầu tiên xếp biểu diễn văn hóa nghệ thuật là một trong những nội dung thi đấu chính thức với tên gọi "Đội quân văn hóa". Cùng với những bài tập chuyên môn sẵn sàng tham gia tranh tài tại Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021, một số đội tuyển Quân đội nhân dân Việt Nam cũng chủ động "trang bị" thêm những yếu tố mang đậm bản sắc Việt Nam để quảng bá thông qua những nội dung thi.

-Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 5/8 đưa tin:

Tháo nút thắt trong quản lý lễ hội

Theo PGS.TS Trần Hữu Sơn cho rằng, không nên có quan điểm cứng nhắc, lấy các nguyên lý tổ chức lễ hội truyền thống làm khuôn mẫu cho việc tổ chức các lễ hội, tổ chức các sự kiện như hiện tại. Cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ thể của cộng đồng người dân tổ chức lễ hội. Người dân phải được tham gia các quá trình tổ chức lễ hội, phải được trao quyền tổ chức lễ hội hiệu quả. Đồng thời cũng không coi nhẹ việc quản lý của nhà nước đối với lễ hội.

Xếp hạng di tích Quốc gia Đền thờ và mộ danh nhân Đào Toàn Bân

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên lễ trao và đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia cho đền thờ và mộ tiến sĩ Đào Toàn Bân (thuộc xã Song Khê, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đã không diễn ra. Bằng xếp hạng do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa ký. Trải qua thời gian và nhất là qua chiến tranh, đền thờ Đào Toàn Bân đổ nát. Hơn chục năm trở lại đây, người dân và chính quyền sở tại đã trùng tu di tích đền thờ và lăng mộ Tiến sĩ Đào Toàn Bân.

Lai Châu đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông

UBND tỉnh Lai Châu vừa tổ chức họp Ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu năm 2021. Thông tin từ cuộc họp cho biết: Thực hiện các quyết định, kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu năm 2021 và các thông báo của Tỉnh ủy Lai Châu, trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn đang được kiểm soát tốt, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch đăng cai, tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu năm 2021.

Ngành xuất bản và hướng đi mới trong đại dịch

Hơn một năm qua, cũng như nhiều lĩnh vực khác, ngành xuất bản sụt giảm doanh thu. Dịch bệnh khiến nhiều sự kiện về sách phải trì hoãn, hủy bỏ, tạo thêm mối lo cho người làm sách. Theo đó, đòi hỏi các đơn vị làm sách phải nỗ lực tìm cho mình một lối ra. Trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay, các đơn vị xuất bản đã có những thay đổi linh hoạt hơn, tìm ra những phương thức giao tiếp, trao đổi mới.

-Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 5/8 đưa tin: "Nghệ thuật kết nối và chia sẻ" cho biết: Diễn ra vỏn vẹn gần một giờ, nhưng chương trình nghệ thuật trực tuyến Cháy lên do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với các đơn vị nghệ thuật lớn ở Hà Nội vừa tổ chức, thu hút được gần 20.000 lượt khán giả theo dõi. Chỉ riêng trên trang Facebook của NSƯT Xuân Bắc, đã có hơn 13.000 lượt xem và bình luận, gần 2.000 lượt chia sẻ. Cháy lên là một trong những chương trình khởi đầu cho chùm chương trình nghệ thuật online mang chủ đề San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch - được thực hiện nhằm mục đích tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch Covid-19, cũng như góp thêm món ăn tinh thần đến tất cả khán giả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

- Báo Nhân Dân, báo Vietnamplus, báo Văn hóa và nhiều báo khác ngày 5/8 đưa tin: "Tuyên truyền phòng chống Covid-19 mạnh hơn nữa trong các lĩnh vực văn hóa" cho biết: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm 2021, theo đó, sẽ tuyên truyền mạnh hơn nữa việc phòng chống dịch Covid-19 ở các lĩnh vực văn hóa.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 5/8/2021 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Kế hoạch được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, bám sát với điều kiện tình hình dịch bệnh nhằm tuyên truyền tới nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và giải pháp chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt thông qua các hoạt động tuyên truyền cổ động, triển lãm, văn hóa, văn nghệ, điện ảnh…để lan tỏa các thông điệp, hiệu ứng tích cực, tạo sự tin tưởng, đồng lòng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

2.Lĩnh vực Du lịch

-Báo Hà Nội mới ngày 5/8 đưa tin: ''Đánh thức'' tiềm năng du lịch nông nghiệp: Cần một ''cú hích'' cho biết: Việt Nam có nền nông nghiệp đang phát triển với hơn 70% dân số sống ở nông thôn. Đây là khu vực chiếm vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, bản sắc văn hóa và tập quán canh tác lâu đời của các dân tộc, Việt Nam có nhiều ưu thế để phát triển du lịch nông nghiệp, qua đó mang lại sinh kế cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, để tiềm năng du lịch nông nghiệp được "đánh thức", cần có một "cú hích" đủ mạnh...

- TTXVN ngày 5/8 đưa tin: "Sở Du lịch Hà Nội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ HDV gặp khó vì dịch COVID-19" cho biết: Sở Du lịch Hà Nội vừa có công văn gửi các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và hướng dẫn viên (HDV) du lịch trên địa bàn về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Hà Nội cần chủ động tìm hiểu, phổ biến, nghiên cứu thông tin để kịp thời tiếp cận gói hỗ trợ phù hợp theo hướng dẫn.

-Báo Nhân Dân ngày 4/8 đưa tin:

Nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch nội địa giảm mạnh do Covid-19

Đợt bùng dịch lần thứ tư với những diễn biến phức tạp và kéo dài đã khiến hoạt động du lịch nội địa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhu cầu tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa có xu hướng giảm mạnh. Theo số liệu thống kê từ công cụ Destination Insights của Google, thời gian từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4/2021, khi dịch Covid-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, lượng tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa đã tăng mạnh so 3 tháng đầu năm và so cùng kỳ năm 2020. Nhưng từ cuối tháng 4 năm nay, khi dịch bùng phát trở lại, lượng tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa đã giảm nhanh, mạnh và duy trì ở mức rất thấp cho đến nay.

-Báo điện tử Dân Trí ngày 5/8 đưa tin: "Cô gái dân tộc mở tour online, đưa du khách khám phá Sa Pa qua màn hình" cho biết: Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, Vũ Thị Ngọc Hướng (1999) sinh ra và lớn lên tại xã Tả Van, thị trấn Sa Pa (Lào Cai) vừa tốt nghiệp ĐH Hà Nội nảy ra ý tưởng làm tour du lịch online, giới thiệu đến các du khách trong nước về những điểm du lịch nổi tiếng ở Sa Pa và Lào Cai trên nền tảng mạng xã hội và phần mềm trực tuyến như Zoom, Google Meet. Chỉ với chiếc điện thoại có kết nối Internet và tay cầm chống rung, Hướng mặc trang phục của người Giáy và dẫn tour online về các điểm du lịch nổi tiếng ở Sa Pa tới du khách qua phần mềm trực tuyến.

Truyền hình du lịch VOV ngày 5/8 đưa tin:

Du lịch Sóc Trăng chuyển mình khởi sắc

Những năm gần đây, du lịch Sóc Trăng đã có những chuyển biến tích cực, khởi sắc. Sản phẩm dịch vụ du lịch không ngừng được nâng cao về chất lượng và đa dạng về loại hình, nguồn nhân lực du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng; an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch được cải thiện; lượt khách du lịch và doanh thu du lịch tăng trưởng khá qua các năm, nhất là giai đoạn 2016-2019.

Du khách quốc tế mắc kẹt khi Thái Lan 'cô lập' Phuket

Các chuyến bay nội địa bị đình chỉ do bùng phát dịch bệnh Covid-19, khiến du khách quốc tế không thể rời Phuket để tới các điểm khác tại Thái Lan theo kế hoạch. Theo chương trình "Phuket Sandbox", khách du lịch nước ngoài có thể rời Phuket để tới Bangkok hoặc các tỉnh khác sau 14 ngày. Nhưng từ khi Thái Lan đình chỉ các chuyến bay nội địa, những du khách quốc tế buộc phải thay đổi kế hoạch của mình.

Serbia thành điểm 'du lịch kiểm dịch' của người dân Ấn Độ

Với cách du lịch theo đường vòng, du khách Ấn Độ vừa có trải nghiệm du lịch ở Serbia, vừa có thể nhập cảnh những quốc gia có quy định kiểm dịch phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt. Serbia được chọn làm điểm dừng chân được yêu thích của du khách Ấn Độ, với chính sách miễn thị thực nếu người nhập cảnh đã được tiêm phòng Covid-19 và xét nghiệm âm tính với virus. Giống như 1 điểm trung chuyển, sau khi du lịch, khám phá ở Serbia trong 2 tuần, khách Ấn Độ sẽ dễ dàng nhập cảnh vào các quốc gia khác.

3.Lĩnh vực Thể thao

- Báo Hà Nội mới ngày 5/8 đưa tin:

Đội tuyển nữ quốc gia hủy tập huấn tại Quảng Ninh vì dịch Covid-19

Đội tuyển nữ Việt Nam tiếp tục luyện tập tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (VFF) và hủy tập huấn tại Cẩm Phả (Quảng Ninh) nhằm bảo đảm an toàn về sức khỏe cho các tuyển thủ trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Dự kiến, vào nửa cuối tháng 8, nếu tình hình dịch bệnh được đẩy lùi, Ban huấn luyện xây dựng kế hoạch thi đấu giao hữu với "quân xanh" dự kiến là đội lão tướng hoặc đội nữ Hà Nội. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng phụ thuộc nhiều vào diễn biến tình hình dịch bệnh.

"Lão tướng cầu lông" bền bỉ ở đấu trường Olympic

Dù sớm phải dừng bước tại Thế vận hội mùa hè (Olympic) Tokyo 2020, nhưng vận động viên cầu lông Nguyễn Tiến Minh đã trở thành tâm điểm, khi được Liên đoàn Cầu lông thế giới ngợi ca về sự bền bỉ, với 4 kỳ tham dự Thế vận hội liên tiếp. Tiến Minh chia sẻ: "Mặc dù kết quả chưa thực sự tốt, song tôi đã cố gắng hết sức. Mong rằng thế hệ đàn em, như Đức Phát, Hải Đăng, Đình Hoàng... sẽ thay tôi chinh chiến tiếp trong thời gian tới. Đối với tôi, cầu lông là một phần của cuộc sống...".

-Báo Tin tức ngày 5/8 đưa tin:

Đội tuyển nữ quốc gia: 'Lão tướng' Huỳnh Như được đánh giá khỏe nhất

Sau 3 tuần tập luyện chủ yếu về thể lực, dưới sự hướng dẫn của HLV thể lực Cedric, HLV tuyển nữ quốc gia Mai Đức Chung cho biết, Huỳnh Như dù là cầu thủ lớn tuổi nhất đội nhưng vẫn được đánh giá khỏe nhất và có thể lực tốt với kết quả kiểm tra cao. Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ban huấn luyện đội tuyển bóng đá nữ quốc gia quyết định tiếp tục luyện tập tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) và hủy tập huấn tại Cẩm Phả (Quảng Ninh). Việc thay đổi này nhằm đảm bảo an toàn về sức khỏe cho các tuyển thủ.

Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa với thế giới ở đấu trường Olympic

Chiều tối 4/8, đoàn thể thao Việt Nam sẽ rời Tokyo về nước trên chuyến bay JL751 của hãng hàng không quốc gia Nhật Bản, kết thúc hành trình tại Olympic Tokyo 2020. "Trong giai đoạn hiện nay, thể thao Việt Nam vẫn có một khoảng cách khá xa so với thế giới ở đấu trường Olympic". Vì vậy, trước khi lên đường, chúng tôi chỉ hy vọng các vận động viên sẽ thi đấu hết mình để vượt qua chính bản thân. Tuy nhiên, tại Olympic lần này, đoàn thể thao Việt Nam chưa đạt được những kết quả như mong muốn", ông Trần Đức Phấn Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam cho biết.

Olympic Tokyo 2020: Kỳ đại hội thể thao thân thiện với môi trường

Tại kỳ Thế vận hội này, Nhật Bản đặc biệt chú trọng tính bền vững và các yếu tố thân thiện với môi trường khi bục nhận huy chương được làm bằng nhựa thải tái chế, trong khi những tấm huy chương vinh quang được đúc bằng nguyên liệu từ những thiết bị, linh kiện điện thoại di động tái chế, và giường của các vận động viên được làm bằng bìa cứng.

- Báo Thể thao và Văn hóa ngày 4/8 đưa tin: "Quang Hải cần được mở rộng sân chơi cho những ý tưởng táo bạo" cho biết: Quang Hải vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong chiến thuật mà HLV Park Hang-seo áp dụng tại đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, đã đến lúc cầu thủ này cần được "cởi trói". Việc "cởi trói" cho Quang Hải là rất cần thiết, ông thầy người Hàn Quốc cũng đã từng thực hiện điều này, vấn đề lúc này phụ thuộc vào tính chất trận đấu và ý muốn thay đổi từ chính ông.

- Báo điện tử VOV ngày 4/8 đưa tin:

ĐT Việt Nam đóng cửa với truyền thông, quyết gây bất ngờ ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022

Theo kế hoạch, ĐT Việt Nam sẽ tập luyện ở Hà Nội chuẩn bị cho 2 trận đấu đầu tiên tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á trước Saudi Arabia và Australia. Để chuẩn bị cho 2 trận đấu quan trọng này, ĐT Việt Nam sẽ chính thức tập trung từ ngày 5/8/2021 tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt nam (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam). Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ và Chỉ thị 17/CĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội, các buổi tập của ĐT Việt Nam sẽ không có hoạt động tác nghiệp của truyền thông.

Nguyễn Huy Hoàng đã học hỏi được nhiều điều ở Olympic Tokyo 2020

Chia sẻ trên trang cá nhân, vận động viên Nguyễn Huy Hoàng cho biết: "Hoàng đã học hỏi được nhiều điều từ họ như sự chuyên nghiệp, tinh thần đồng đội, đồng lòng hướng tới mục tiêu chung. Những điều này không chỉ giúp được cho Hoàng bây giờ mà cả sau này. Hoàng mong rằng, nếu được đến Olympic kỳ sau, Hoàng sẽ tự tin và thi đấu tốt hơn". Nguyễn Huy Hoàng đã thi đấu rất nỗ lực ở Olympic Tokyo 2020 ở nội dung 800m và 1500m bơi tự do cá nhân nam. Mặc dù không thể giành vé vào chung kết, nhưng những gì mà Hoàng thể hiện ở sân chơi này gây ấn tượng mạnh.

-Báo điện tử Dân Trí ngày 5/8 đưa tin:

900 tỷ đồng có thể giúp thể thao Việt Nam giành HCV Olympic 2024?

Thất bại ở Olympic Tokyo buộc ngành thể thao phải xác định lại hướng đầu tư, xây dựng lực lượng VĐV cũng như lựa chọn những môn thi, nội dung phù hợp có thể tranh chấp huy chương ở Thế vận hội 2024. Theo kế hoạch phát triển trong 5 năm tới, từ việc xây dựng cấp cơ sở, sẽ có gần 1.000 VĐV trẻ của các môn cơ bản như điền kinh, bơi lội, bắn súng, cử tạ, võ, cầu lông, đua thuyền… được đào tạo, với kinh phí khoảng 600 tỷ đồng. Mức đầu tư cho HLV, VĐV trọng điểm được dự tính ở mức 300 tỷ đồng, tính tổng cho cả chiến lược hướng tới việc tranh HCV ở Asiad 2022 và Olympic 2024, ngành thể thao cần 900 tỷ đồng.

Đồng hương HLV Park Hang Seo bất ngờ rút lui khỏi đội tuyển Việt Nam

HLV Park Choong Kyun xin thôi không lên đội tuyển Việt Nam làm phó tướng cho HLV trưởng Park Hang Seo, ở đợt tập trung chuẩn bị cho vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Trước đó, HLV Park Choong Kyun nhận được lời mời từ HLV Park Hang Seo lên đội tuyển Việt Nam.

Quang Hải, Xuân Trường bất ngờ hội quân sớm, Tiến Linh "mất tích"

Sáng 4/8, phần lớn các tuyển thủ Việt Nam đã hội quân tại một khách sạn 5 sao ở Hà Nội, chuẩn bị cho đợt tập trung hướng tới vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á. Trước đó, theo thông báo của VFF, đội tuyển Việt Nam hội quân vào ngày 5/8. Tuy nhiên, các cầu thủ tập trung sớm một ngày có thể để chuẩn bị cho việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trước khi bước vào tập luyện. Ngoài 6 cầu thủ của HA Gia Lai, các cầu thủ hội quân sáng nay còn có hai cầu thủ của Bình Định, 9 cầu thủ Hà Nội, hai cầu thủ SLNA…

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 5/8 đưa tin: "Thúc đẩy giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số" cho biết: Văn phòng UNESCO tại Việt Nam vừa gửi lời mời tới cộng đồng tham gia chiến dịch "Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái" nhằm truyền cảm hứng khuyến khích học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái, tiếp tục học tập sau đại dịch. Tại Việt Nam, chiến dịch được triển khai trong khuôn khổ dự án "Chúng tôi có thể - Hướng tới Mức sống và Giáo dục tốt hơn", thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Dự án nhằm thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×